sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 121: Cùng Xây Nhà Bên Suối!?

Tôi gặp Nàng không biết ở đâu nữa. Có lẽ ở một nơi nào ngoài Củ Chi chăng? Tôi ngó quanh xóm làng. Sao nay xơ xác. Đánh nữa đi các ông! Từ thắng đến huề, từ huề đến thua, từ thua nhỏ đến thua to, từ thua to đến thua hết, thua không còn gì anh Hai ơi! Cho em đi phức. Em thấy ghét đất này. Đổ máu bao nhiêu rồi cũng bạc tình, vô nghĩa.

Bàu Trâu mênh mông xanh, nay ruộng bỏ hoang cấy từng lỏm chó ngồi. Kìa Bàu Tròn, Bàu Chứa, vết xe tăng bừa ngang bừa dọc. Nọ nhà mủ Hố Bò bom đánh tan không còn một hòn gạch. Đây Rạch Sơn bộ đội hành quân lội ngang sông. Nọ Cây Điệp bom đào huyệt mộ, trông buồn hơn nghĩa địa.

Nhà em ở đây, tên gọi Gót Chàng, một cái tên như trong truyện thần thoại. Chàng đã "bứng gót" Nàng. Nàng chính là tiên nữ của đời tôi.

Sau 4 năm, chúng tôi lại ngồi với nhau trên chiếc cầu đá. Hương sầu riêng chín làm thành làn không khí gây gây thoang thoảng nhớ nhung kỷ niệm.

Dưới cầu nước chảy róc rách. Đàn cá vàng nhởn nhơ bơi lội đuổi nhau trong những cụm rong mượt nhu tóc xanh uốn dợn theo dòng nước.

- Anh đàn đi, em hát!

- Bài gì?

- Bài gì cũng được miễn có tiếng đàn của anh.

- Bài gì vậy anh?

Tiếng oanh thỏ thẻ bên tai tôi với hơi thở nồng nàn. Tên Lê Dương sực nhớ ra rằng đã từ lâu lắm, không biết bao nhiêu năm tháng hắn không có đọc sách, không có nghe nhạc gì khác ngoài đài giải phóng với cái giọng thô tục của các bản lên đường xuống đường của Lưu Hữu Phước nhạc sĩ yêu nước bị bắt làm công tác tình báo cho Sáu Hoàng bằng những bức thư trí vận nằm vùng. Bị đá đít, đau thần kinh chết!

Trí óc của tôi đã mòn và hết bén nhạy với nghệ thuật chữ nghĩa. Ngoài những công văn thừa thắng xông lên, nỗ lực, quyết tâm... của đám quận ủy, khu ủy, không gì khác. Tay Thiên Lôi cầm búa, ngoéo cò đã chai cứng, nay bấm phím đàn tưởng cầm nắm K54, AK. Tôi nhìn nàng không nói:

- Anh đàn bản nhạc anh thích nhất để tặng em. Đã 20 năm anh quên mất, nay cầm đàn, tự nhiên tay dạo nên bài hát cũ như bàn chân qua đường mòn chứ anh không có ý định đàn bản nào cả.

Giọng oanh thỏ thẻ:

- Tiếng đàn của anh thật lạ lùng. Nhạc vui mà anh đàn nghe nức nở lâm ly.

- Thôi đi anh, đừng đàn nữa, em buồn không chịu nổi.

Nàng giật đàn trên tay tôi, trỏ dưới dòng nước. Những con cá vàng thính nhạc lội quanh núp dưới dạ cầu không đi xa âm thanh. Lạch nước con con đã thành dòng suối tiên với mái chèo khua nước.

Rợp nở những bông hoa dại tím tím rơi xoáy trên nước dừng lại không trôi.

- Để anh đàn cho em nghe bài khác.

- Bài gì? Nói trước em có cho, anh mới được đàn!

-Nhạc Rừng.

Em không biết bài đó. Nhưng cần nhất là bản nhạc không gây không khí chiến tranh.

- Ờ, bản này không có gì cả, chỉ nhạc, không lời.

- Anh đặt lời cho nó.

- Chúng ta làm lời chung nhé!

- Ở, anh đàn em nghe thử.

- Thôi đi! - Nàng đưa tay bịt phím đàn - Lại "chiến sĩ" nữa rồi!

Tôi vuốt tóc nàng:

- Em là chiến sĩ trong bản nhạc này đó.

Nàng lặng thinh, đưa mắt nhìn tôi van vỉ:

- Em không muốn nghe tiếng chiến sĩ.... Này anh! Em muốn hỏi anh một chuyện.

- Ờ, em hỏi đi kẻo rồi không kịp.

- Một câu thôi.

- Sao mấy năm nay không hỏi?

- Vì em chưa muốn hỏi.

- Em hỏi đi.

- Em muốn anh trả lời thật.

- Ờ hỏi đi.

- Chị Năm em đối với anh như thế nào?

Từ trong không khí Đào Nguyên mơ huyền, câu hỏi lôi tuột tôi ra thực tại.

Tôi đáp lấy lệ:

- Chị... Nă... ăm cho anh rất nhiều tin tức rất chính xác để đánh.

- Đành rồi, nhưng em muốn hỏi chuyện khác.

- Không có chuyện gì khác hết.

Nàng thẫn thờ nhìn bầy cá, hồi lâu, nhặt một hòn sỏi con ném xuống nước.

Lại một lúc lâu.

- Em rước má vô, anh nghĩ thế nào?

- Em rước má vô thăm em, thăm nhà, thăm vườn.

-... Nàng nhìn tôi như bảo: Nếu chỉ có thế thì má vô làm gì!

Tôi nhìn nàng, nói:

- Má đã vô bao nhiêu lần và anh cũng đã gặp má!

Nàng thở dài:

- Nhưng lần này, thì khác...

- Em nhớ trận Tân Qui không? - Tôi rẽ ngang - Lần đó...

-... anh bị thương, em kè anh về tới nhà mủ Hố Bò.

- Rồi vô C5 Tư Chuyền gặp Sáu Nga. Cô ấy đi R học y sĩ rồi em à.

- Trở về rồi.

- Phá thai! Ông anh ruột không cho lấy anh chàng mùa Thu mới vô, có vợ.

Tôi tưởng đã dụ địch ra khỏi mục tiêu, không dè địch quay lại. Nàng nói một hơi. Toàn những câu hỏi:

- Hoà bình rồi, anh thích ở đâu? Về quê anh hay ở đây? Ở ven sông Sài Gòn nhé. Hay anh thích ở Mũi Tiểu, Cồn Nhỏ? Ở đâu cũng có ruộng vườn của Ba. Em muốn ở đâu, Ba cho ở đấy. Nếu không thuộc đất nhà, em sẽ đổi với người khác để được về nơi vừa ý anh.

Tôi không biết phải trả lời ra sao, nên hỏi lại:

- Em thích ở đâu?

- Dữ ác không? Bữa nay ai cạy răng anh vậy? Anh thích ở đâu?

-Em thích ở đâu, anh ở đó. Em thích gì anh thích nấy.

Nàng cười sung sướng:

- Em thích ở Bến Dược. Mình sẽ cất một ngôi nhà trên bờ sông Sài Gòn. Em ở nhà không làm gì hết, chỉ nuôi năm ba con gà, một bầy vịt. Đằng sau có vườn, trước mặt có sân ngó ra sông. Chiều chiều ăn cơm xong anh và em bắc ghế ra sân ngồi coi xuồng qua lại. Ở Bến Dược có tàu. Muốn đi Bình Dương, Dầu Tiếng đều tiện. Kìa sao anh ngớ ngẩn vậy?

- Anh đang mơ theo bức tranh em vẽ ra trước mặt.

- Thực chớ sao lại vẽ?... Anh đi làm về mỗi chiều, cỡi xe mô tô, ủa đi xe jeep chớ, anh có tiêu chuẩn rồi mà! Ef chỉ huy E, em ra đón. Đôi khi em muốn đi Sài Gòn chơi, anh chở em đi, sáng đi chiều về. Mình mua sắm bao nhiêu thứ!

- Ờ ờ trên đường về mình ghé quán chị Năm uống nước đá rồi mới về nhà.

- Bé Liên đã lớn đi học, quàng khăn đỏ, nó là con tử sĩ, anh sẽ xin cho nó đi học Liên Xô.

- Anh muốn em rước má về ở với mình luôn. Em thương má lắm!

Nàng mơ màng đọc:

Không biết ai viết câu ca dao đó. Lần anh đọc cho em nghe em cảm nó! Em tưởng bà mẹ trong thơ là má của anh.

Nàng đi vào nhà tìm cái soong nấu cơm.

Ngôi nhà xưa ba gian hai chái, ghế trường kỷ, bàn thờ cẩn xa cừ, nền gạch sạch sẽ bóng không một hạt bụi. Vườn sầu riêng mấy chục gốc, mùa trái chín hương thơm cả vùng.

Nàng trở ra với chiếc soong thủng. Một cái nồi đồng nhỏ móp méo. Đạn bắn xuyên cột nhà, vô bếp, thủng cả soong nồi, bể luôn ông táo. Chiến tranh.

Giấc mơ tan. Không còn gì hết.

Gia đình tản lạc. Con gái làm "dũng sĩ" 4 năm nhưng giờ đây không muốn nghe lại bản nhạc rừng trong đó có hai tiếng "chiến sĩ"

- Mô à! Ba em còn lúa để trong này không?

- Lúa gì?

- Lúa ruộng ấy mà!

- Ba em có thâu đâu mà còn. Mỗi năm mặt trận lấy hết!

- Cuộc đất ở Cồn Tiểu nghe đâu mấy chục mẫu hả em?

- Chắc ba cho người ta làm chia hai.

- - Em nhắn má vô được không?

Không muốn để nàng hiểu lầm "má vô" với nghĩa khác, tôi nói ngay:

- Anh muốn mượn ba má một số lúa để tạm nuôi quân.

Nàng đáp ngay:

- Để em nhắn! Chắc được chừng 100 giạ chớ không hơn. (Trăm giạ chỉ đủ nấu cháo cho lính toàn E húp trong 3 ngày, nhưng miếng khi đói gói khi no)

Tôi nói:

- Để anh bảo người sang Tám Râu xem sao!

- Mình ở Củ Chi mà sang vay lúa ở Trảng Bàng còn gì mặt mũi Củ Chi, anh!

- Còn không còn cũng được. Chớ để lính đói cái mũi cái mặt đen như thổ táo thì sao?

- Anh không biết làm sao, thì em làm sao biết?

- Trước nhất 100 giạ lúa, xay ra 50 giạ gạo lức cái dã. Rồi giã thành gạo trắng sau.

- Ông Trung đoàn phó đi xay lúa coi thiệt đẹp!

- Vậy cô dũng sĩ nấu cơm bằng cái soong thủng mới xứng chớ!

Hai đứa cười, không biết tươi hay mếu.

- Anh định mượn bao nhiêu?

- Nhớ không ăn lời nhé.

- Mẹ cho con vay mà lời gì.

- Lời chớ. Tiền là tiền. Mẹ không bằng tiền trong lúc này.

- Anh điên rồi sao?

- Đây là sự thực. Mẹ có cứu được con đâu. Tiền mới là cứu tinh.

- Hết vay ông Tám Râu anh còn nhờ ai nữa?

Tôi không trả lời vì không biết vay ai? Ai ngu mà cho giải phóng vay để nó vổ tuột? Bao nhiêu công khố phiếu của ông già tôi mua hồi chống Tây đến bây giờ cớ đổi ra được cắc nào? Tiền mà đút vào họng chúng nó là thành rơm xảm lỗ mội còn lấy lại được ư?

Cây đàn mới vừa là một phép thần đưa hai đứa vào Thiên Thai bây giờ nằm tô hô trên chiếc cầu xi măng nứt nẻ dấu đạn. Những con cá vàng lội biến đi đâu mất dạng. Dòng nước đục lờ. Rong xanh trở thành những nùi tóc rối. Tôi và Nàng đã trở về trần tục quần nâu áo vải như những thường dân quên khuấy đi giấc mơ tiên vừa qua.

- Anh định làm gì cho đợt hai?

- Đợt gì?

- Tổng công kích. Anh quên rồi sao?

- Quên sao được. Đợt hai là đánh hụt Trung Hòa. Kết quả là Tầm Lanh đó!

- Đợt ba chừng nào bắt đầu?

- Chừng nào ở trên nói bắt đầu thì mình bắt đầu.

- Hôn em đi để không còn dịp.

Tôi có hôn nàng hay không trong giây phút ấy? Một ngàn chuyện Củ Chi tôi không quên chuyện nào duy cái hôn này tôi không nhớ. Tôi có đáp lại lời Nàng chăng?Tôi cảm thấy có tội với Nàng.

Má vô với Năm Mai, ông Trung đoàn phó mượn gạo. Bước đường cũng phải nói láo:

- Giang thuyền giăng bít sông, Mỹ chốt Bưng Còng, Rạch Kiến tụi con không qua sông lãnh lương được.

Má đỡ trước cho con khỏi nhục:

- Má có nghe nó nói.

Má xưng má với ý nghĩa má chiến sĩ nhưng có lẽ cũng hàm ý "má của con". Bữa nay Nàng trang sức coi giống gái ấp chiến lược. Bông ta cẩm thạch, áo sơ mi trắng ngắn tay. Tóc mới gội xà bông mùi thơm quen thuộc Baby soap của Mỹ, bỏ xõa sau lưng. Nàng ở dưới bếp đi lên bằng một mâm thịt heo quay đã chặt miếng nhỏ, bánh mì.

Nàng hứa theo Lôi, nói láo với bà già:

- Hằng tháng ở bển đêe tiền qua phát. Nhưng tháng này đường kẹt má à!

- Ờ tao nghe nói Mỹ vô thêm Đồng Dù 2, 3 ngàn. Nhà còn 2 bồ lúa. Ba mày định bán một bồ để cất thêm một căn nhà cho chị Năm mày, nhưng "bây" mượn thì hoãn lại việc cất nhà.

Năm Mai ủng hộ.

- Căn nhà đó ba cất cho con với bé Liên. Bây giờ ở chật cũng được. Hòa Bình rồi sẽ tính má à!

- Cám ơn "Chị Năm"! (Lần chia tay ở ấp Mây Đắng, tôi bế bé Liên, đi theo Năm Mai. Bé Liên gọi tôi băng "Ba" ngọt. Bây giờ phải quên chuyên cũ và đổi cách xưng hô).

- Chừng Hòa Bình rồi tụi "em" cất nhà bên bờ sông Sài Gòn, có cầu mát, tụi em" mời chị ra hứng gió.

Bánh thịt dọn xong, Năm Mai bảo:

- Liên mời ngoại đi con!

- Mời ngoại! - Con bé ngoan ngoãn vâng lời mẹ. Lần này đứng xa tôi chứ không thân mật như lần trước.

- Còn ai kia? - Năm Mai trỏ tôi, hỏi bé.

Tôi giật mình đánh thót như sợ quả pháo rơi vào đầu. Nhưng, không hiểu Mai đã dạy con trước hay nó biết khôn mà tránh giùm cho "Ba" nó. Nó buột miệng nói:

- Con mời dượng Bảy!

Nàng trừng mắt, mặt đỏ ra.

- Con nhỏ này. Ai biểu mày kêu vậy hả?

Nàng nói một câu đáng lẽ không nên nói, nhưng có lẽ vì lúng túng nên không điều khiển được cái miệng. Nàng quay sang má:

- Cách mạng mượn rồi sẽ trả, má đừng lo.

- Tao biết. Cách mạng sẽ trả, tao đâu có lo. Các ông Năm Tiều, Sáu Thiệt, Bảy Cấm, Bảy Nô mượn rồi, trả... rồi. Tao bi... iết Cách mạng mà!

Má nói tiếp:

- Má cho mượn nhưng không chở vô được. Lúc này ở ngoải người ta bắt gắt, khó vô ra lắm! Con cho ai ra lấy lúa chở lại nhà máy chà gạo rồi đưa vô trong này bằng xe bò chớ má không đem được.

- Cách mạng ghi công cho Ba Má! - Tôi nói.

Má khoát tay:

- Thôi, công cán gì. Má về kẻo tối.

Tội nghiệp má. "Má vô" rồi má lại về, mất phéng 100 giạ lúa cho quân giải phóng. Má nghe con gái nhắn thì xách giỏ trầu vô. Chẳng ngờ không phải vô để tiến hành "vụ ấy", má vô để bị moi ruột. Má và chị Năm về hồi lâu, Nàng mới thỏ thẻ:

- Sao anh không nói gì hết?

- Em không nói, còn bảo anh!

- Anh phải đi bước trước chớ không lẽ để em đi.

- Sao em không nhắc anh để bây giờ trách?

- Em nháy anh hai ba lần.

- Hồi nào, anh đâu có thấy!

- Anh thiệt à! Máy bay trên trời anh quan sát không lõi chiếc nào, còn chuyện ở dưới đất ngay trước mặt lại không thấy.

- Phải chi em ngắt anh một cái.

- Thôi để lần sau.

Lần sau: chẳng bao giờ! Thiên Thai không trở lại lần nào nữa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx