sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4: Những Người Cách Mạng

Dần dà chúng tôi cũng trở nên quen thuộc với từng người trong toán đặc nhiệm nhỏ của chúng tôi.

Anh Tư, chàng trai có khuôn mặt đượm buồn thường mặc áo xanh da trời, quần xanh lá cây, người trực liếp phụ trách chúng tôi, thỉnh thoảng ngồi nán lại nói chuyện những lúc anh mang thức ăn sáng, bữa ăn tối hay quà vặt đến cho chúng tôi. Đôi khi anh hé cho chúng tôi vài mẩu tin thời sự. Một hôm. anh mang bánh mì Pháp và sữa bò đến và nói với chúng tôi bánh mì mua ở Việt Nam. “Chúng ta đang ở gần biên giới và người của chúng tôi mang những món này đến làm quà đó", anh nói.

Một lần khác khi chúng tôi đang trả lời câu hỏi chúng tôi là ai và chúng tôi vào Campuchia bằng cách nào, thì bất ngờ anh Tư bảo tôi: "Nếu ông thật sự là trưởng văn phòng Washington của một tờ báo lớn, tôi rất hãnh diện được quen ông." Chắc chắn là anh Tư nói thật lòng, anh quá hiền lành và nghiêm túc nên không thể châm biếm được.

Một lần khác, anh ngồi xếp bằng bên cạnh chúng tôi và hỏi, giọng nhẹ nhàng và buồn bã: “Các anh có nhớ nhà không?" Câu hỏi nghe đầy thiện cảm. Mike trả lời: "Vâng, nhớ lắm!".

“Tôi xa nhà mười một năm rồi. Tôi không gặp và cũng không có tin tức gì về gia đình kể từ đó," anh nói. "Một hay hai tháng cách biệt chẳng phải lâu đâu."

Làm sao chúng tôi biết rõ thật sự anh muốn nhắn nhủ gì qua những lời nói đó? Phải chăng đó là lời nhắc nhở rằng đừng quá buồn phiên vì sự chịu đựng của chúng tôi chẳng thấm vào đâu so với họ? Hay đó là một ẩn ý rằng chừng một hay hai tháng nữa chúng tôi sẽ được thả? Hay đơn thuần chỉ là một lời tâm sự về cuộc đời anh?

Có lẽ giả thiết cuối là đúng. Đề cập chuyện gia đình, anh chỉ nói tới cha mẹ già sống ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam, bởi vì, sau một thoáng im lặng, anh cho biết vợ anh đã bị giết trong cuộc thảm sát người Việt của quân Chính phủ Campuchia tại Prasaut, một thị trấn nằm trên đường chúng tôi đến Campuchia. Còn đứa con gái nhỏ đã được các đồng chí của anh mang đến một nơi khác nuôi dưỡng.

Anh Ba, lãnh đạo quân sự của toán đặc nhiệm, luôn mặc một bộ đồng phục ka ki gọn gàng thích hợp với đường nét gãy gọn trên khuôn mặt gầy, là một người ít nói, nhưng đôi khi lại đến chỗ chúng tôi và tự mình đốt cho Mike một điếu thuốc Campuchia với cái bật lửa hiệu Zippo, rồi ngồi lại vài phút, cùng mơ màng nhả khói. Dù anh Ba rất kín đáo, chúng tôi đã nghĩ về anh như một người đáng tin cậy vào những lúc nguy hiểm. Anh luôn luôn cảnh giác, luôn là người đầu tiên nghe thấy tiếng máy bay trực thăng. Mạng sống của chúng tôi hầu như phụ thuộc vào tài năng quân sự của anh.

Thỉnh thoảng chúng tôi nghe các du kích quân gọi nhau bằng tên thật, nhưng chúng tôi nghĩ tốt nhất là nên theo cách dùng bí danh của họ. Anh Ba có nghĩa là “người anh thứ ba" và anh Tư là “người anh thứ tư."

Còn người lính Campuchia không có bí danh. Vì an toàn của chính anh ta, chúng tôi quyết định đặt cho anh một cái tên khi viết về anh: Ban Tun. tiếng Campuchia có nghĩa là “người tốt". Nhờ một du kích người Việt biết tiếng Campuchia, Ban Tun kể cho chúng tôi anh từng là một sĩ quan cận vệ của Thủ tướng Lon Non. Khi cuộc đảo chính ngày 18 tháng 3 (năm 1970 - ND) xảy ra, anh bỏ việc để tham gia cách mạng. Anh phải để lại người vợ đang mang thai ở Phnom Penh - nơi anh đã có nhà cửa và cả một chiếc xe hơi riêng. Anh đeo một sợi dây với hai tượng Phật nhỏ dưới cổ áo.

Anh rất khỏe và hài lòng về sức mạnh của mình. Anh thường thách người khác vật tay và anh luôn luôn buộc đối thủ phải thua cuộc. Vào mỗi sáng, Beth hay để ý thấy anh nhảy lên nhảy xuống, rồi nhìn quanh xem có ai nhìn mình không. Cô ấy thán phục đôi vai khỏe mạnh, khuôn mặt chữ điền mạnh mẽ của anh, và thường nhắc đi nhắc lại rằng anh ta đúng là người mẫu cho một nhà điêu khắc.

Hình như Ban Tun là người giữ vị trí thấp nhất trong đội đặc nhiệm. Anh không mang súng và thường có nhiệm vụ nhóm lửa hay múc nước giếng. Thoạt đầu Mi ke cho rằng anh ta bị đối xử chẳng khác nào chú Tom (2) phần lớn những cuộc trao đổi giữa chúng tôi với Ban Tun trong hai tuần lễ đầu tiên thường là nhại tiếng của nhau. Một đêm, sau khi đã ngồi trên xe nhiều giờ, anh dạy cho chúng tôi nói chữ hot nuh, lặp đi lặp lại và nhấn mạnh âm cuối "hót - NUH" - như thể anh ta rất khổ sở. Cuối cùng chúng tôi cũng hiểu chữ đó có nghĩa là “mệt". Lúc dạy cho chúng tôi từ "uống trà", anh cũng tranh thủ học nói từ đó bằng tiếng Anh. Thoạt đầu là “br- r-rink tea", cho đến khi chúng tôi sửa bằng được để anh có thể phát âm đúng. Thật mệt, và chúng tôi đùa anh bằng chính từ anh vừa dạy: hot nuh.

Nhân vật thứ tư của đội mà chúng tôi sẽ gọi là Wang, một người Miến lai nửa Hoa nửa Việt. Anh nói tiếng Campuchia rất sõi khiến người nghe chuyện tin ngay là nhà anh ở thủ đô Phnom Penh. Anh nói anh đã tham gia cách mạng được hai năm. Chúng tôi cũng biết, từ một người khác, rằng Wang xuất thân từ một gia đình rất giàu có. Wang rất thân thiện, mặc dù không nhiều lời. Một lần. tình cờ anh nghe Beth hát một khúc nhạc của Mozart, anh đã huýt sáo lại bài đó và nói anh đã từng học nhạc phương Tây. Wang vào khoảng gần 30 tuổi và hãy còn độc thân. Anh phụ trách hậu cần của nhóm và thường lên danh sách các món hàng phải mua trên một mảnh giấy nhỏ, rồi tự mình chạy xe gắn máy, không quên khẩu súng trường vắt vẻo sau lưng, chạy đến một thị trấn gần đó mua nào là trà, xà phòng, muối, đường, tiêu và có thể vài cục pin mới. Thỉnh thoảng, không tìm đâu ra xà phòng, nhưng thực phẩm thì không bao giờ thiếu.

Trong bốn người này, hai là những chiến sĩ cách mạng Việt Nam giàu kinh nghiệm, một sĩ quan Campuchia đào ngũ và một người Miên gốc Hoa-Việt ít kinh nghiệm đã được chọn cẩn thận cùng canh gác và hộ tống chúng tôi, do đó không thể cho rằng họ là một mẫu ngẫu nhiên của quân đội du kích. Thế mà họ chỉ được tập hợp trong vòng một tiếng đồng hồ hay đại loại như vậy, ngay trong vùng ở gần nơi mà chúng tôi được chiếc xe tải bất ngờ thả xuống vào đêm đầu tiên. Chúng tôi cảm thấy rằng họ có những giá trị giống như hàng trăm người khác mà chúng tôi đã từng thấy nhưng chưa được quen biết.

Nhân vật thứ năm của đội đặc nhiệm năm người này gia nhập một tuần sau đó, rõ ràng được phái đến từ bộ chỉ huy cấp cao, để phụ trách công tác tư tưởng, tức là để đánh giá chúng tôi có các biện pháp cải huấn cần thiết.

Đó là anh Hai (người anh thứ hai) đi cùng một người lính có thân hình ốm tong teo với tật co giật ở mắt và má trái. Tháp tùng họ là một phóng viên ảnh người Việt với cái máy ảnh Nhật 35 ly loại tốt. Lúc đó, chúng tôi đang ở tại Nhà Rừng. Hai chiến sĩ đang ngồi xếp bằng ngay cửa chính. Chiếc mền treo trên một sợi dây làm màn, ngăn tầm nhìn từ bên ngoài, đã được kéo hé sang một bên, và một đám người gồm những du kích trẻ Việt Nam, đàn ông. phụ nữ và trẻ em Campuchia tò mò nhìn vào khi chúng tôi đang nói chuyện. Người phóng viên ảnh ngồi sau các chiến sĩ, bấm máy lia lịa trong ánh sáng hoàng hôn mờ nhạt. Nếu anh không xài phim tốc độ nhanh, cố gắng của anh sẽ trở thành vô ích.

Đó là một cuộc thẩm vấn, nhưng lại hoàn toàn khác với những lần trước. Anh Hai là một người Việt có đôi má tròn, mái tóc muối tiêu cắt gọn ghẽ và một vẻ ngoài thông minh, lanh lẹ. Hình như anh hoàn toàn ý thức về sự kính trọng dành cho tuổi tác và cấp bậc của anh. Thay vì chất vấn, anh trò chuyện với chúng tôi như thể anh muốn làm quen hơn là muốn tìm cách bẫy cho chúng tôi mắc sai lầm khi kể lại câu chuyện của chúng tôi.

Anh tỏ ra thích thú khi tôi nói tôi quen Wilfred Burchett, và cho rằng điều này có thể giúp giải quyết vấn đề. Người phóng viên ảnh - thuộc loại mau miệng, bảo anh ấy cũng quen với Burchett và từng tháp tùng nhà báo người Úc này khi ông vào vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam với Việt Cộng. Họ hỏi chúng tôi có biết Michèle Ray, người mẫu thời trang Pháp và là một nhà văn không chuyên, đã từng bị bắt và sống chung với Việt Cộng nhiều tuần tại miền Nam Việt Nam. Tôi đã điểm cuốn sách của bà, nhưng không ai trong chúng tôi quen bà cả. Lôi ra một cuộn giấy vấn thuốc và thuốc rê, anh mời Mike một điếu, vấn cho mình một điếu, rồi bắt đầu nói tóm lược về mình. Anh nói anh đã tham gia cách mạng 25 năm trước, khi còn là một nông dân 19 tuổi, với ba năm đi học. Như vậy, nay mới 44 tuổi, anh đã là một chiến sĩ cách mạng lão thành, từng đánh Nhật (khì đó Chủ tịch Hồ Chí Minh có lúc là đồng minh của Hoa Kỳ), đánh Pháp và giờ đây là đánh Mỹ.

Anh nói đã tham gia 100 trận và bị thương bốn lần. Từ lâu anh đã học cách sống với nguy hiểm của chiến tranh, kể cả những trận bom sấm sét của máy bay B-52.

"Nếu bạn trải qua một trận bom B-52, bạn sẽ không còn sợ nó nữa," anh nói. "Chúng tôi không sợ bất cứ một loại vũ khí nào của Mỹ. Linh tính luôn báo cho chúng tôi khi nào thì máy bay B-52 dội bom và kịp thời tránh nó."

Anh làm động tác chống chân tay trên đất, trườn tới trườn lui để chỉ cho chúng tôi cách mà anh chịu đựng sức nổ của những trái bom khổng lồ. Anh từng trải qua ba trận oanh tạc của B-52.

Lúc đó, chúng tôi không thể biết bao nhiêu là tuyên truyền, bao nhiêu là sự thật trong câu chuyện của anh. Nếu anh nói thật thì điều đó giải thích tại sao các máy bay bỏ bom chiến lược không hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh Việt Nam và người cũng như khí tài từ miền Bắc vẫn đổ vào Nam và Campuchia qua Lào, bất chấp hàng ngàn tấn bom rải thám dọc đường mòn Hồ Chí Minh của không lực Hoa Kỳ.

Sự có mặt của anh Hai giúp chúng tôi cảm thấy ít bị cô lập và có một vị thế tốt hơn để tìm hiểu trong thời gian bị bắt. Vài ngày sau đó - ngày 19-5 - ngày chúng tôi chuyển đến ngôi nhà lớn có nhiều mối trên trần, đã xảy ra một sự thay đổi nữa. Anh Hai mang một ấm trà nóng bằng sứ có trang trí hình con nai và một người Hoa mập mạp và mời chúng tôi uống. Chắc hẳn anh cho rằng chúng tôi cần vui vẻ lên.

"Không có gì phải buồn," anh nói. “Chúng tôi không bao giờ giết tù nhân. Chiến tranh không phải để giết người mà để đạt được một lý tưởng. Chúng tôi tin rằng người xấu chỉ là những người bị lạc lối lầm đường. Những người Mỹ xấu chỉ vì thiếu hiểu biết mà thôi. Chúng tôi không thích giết người Mỹ, thậm chí là lính Mỹ. Chúng tôi biết rằng họ không hiểu hoàn cảnh của chúng tôi. Bất cứ ai cũng có thể giáo dục được. Khi bắt một người, chúng tôi hy vọng giữa chúng tôi và người đó sẽ không còn khác biệt".

Tôi tin sự bảo đảm của anh Hai ở nghĩa đen của nó và coi đó như một tin tốt lành cho chúng tôi. Anh chưa nói rằng chúng tôi được xếp loại là những người Mỹ tốt, nhưng lời của anh là sự bảo đảm có thẩm quyền đầu tiên rằng chúng tôi sẽ không bị giết.

Ngày 19-5-1970 còn quan trọng vì một lý do khác. Đó là ngày Phật đản mà so với dương lịch thì thay đổi hàng năm giống như ngày lễ Phục sinh, và năm đó lại trùng hợp ngẫu nhiên ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau bữa ăn tối thường lệ, ăn trong đám mối rơi trong căn phòng kín không cửa sổ của chúng tôi, anh Tư mời chúng tôi đến gian chính của ngôi nhà. Chúng tôi ngồi uống trà trên sàn tre đã sậm màu và bóng lên do những bàn chân trần giẫm đạp cạnh chiếc cửa sổ mở rộng, trông ra những tàu lá chuối và những cây xoài hiện lên trên nền trời xanh thẫm phía xa. Nhìn qua một cánh cửa cuối ngôi nhà, chung tôi thấy những rặng dừa và cái giếng nước mà chúng tôi đã tắm đêm trước. Chủ nhà - một nông dân cao lớn, tóc ñaõ bạc, ngồi yên lặng cạnh cửa ra vào mở rộng, hút một điếu cần sa quấn bằng lá chuối và nhấm nháp một bình trà nhỏ, đựng trong chiếc vỏ giữ ấm được làm bằng một quả dừa khô. ông chẳng có việc gì làm ngoài việc chờ mùa mưa đến, mùa cày xới và gieo mạ trên đồng. Bên ngoài, trên hàng hiên trước, những người Campuchia kể cả người phụ nữ có đôi mắt đen rất đẹp, đang thời kỳ thai nghén mà tôi đoán là con gái ông già nông dân đang chuyện trò với Ban Tun và vài ba du kích Việt Nam. Ánh sáng, không khí và khung cảnh thanh bình, tĩnh lặng càng làm cho tinh thần chúng tôi thêm phấn chấn.

Anh Tư ngồi xuống cạnh chúng tôi.

"Các anh có biết hôm nay là ngày gì không?" anh hỏi. "Đó là ngày sinh Bác Hồ. Các anh có biết Bác Hồ là ai không?”

Mike thoáng giật mình. Sau đó anh kể lại rằng có cảm giác tội lỗi giống như anh lại quên ngày Lễ Quá Hải ở nhà một người bạn Do Thái. Anh nói dĩ nhiên anh biết Bác Hồ là ai.

Chúng tôi cùng đi xuống tới cuối gian phòng rộng thoáng, gần cửa ra vào, có trải thảm mềm, khiến gian phòng thêm ấm áp và vui tươi. Anh Tư đãi chúng tôi bánh ngào đường - loại bánh thường ăn trong ngày lễ của người Việt. Những người hàng rong thường đẩy xe với bếp than và một cái chảo trên đường phố và trẻ em chạy ra mang theo gạo, đường và vài đồng. Thế là người hàng rong làm ngay cho các em một một món bánh tuyệt vời.

"Tất cả chúng tôi đều mong muốn Bác Hồ đến Sài Gòn khi Bác còn sống," anh Tư nói. “Chúng tôi đã không làm được điều mơ ước đó. Chúng tôi rất buồn về điều đó. Bây giờ, chúng tôi phải chiến đấu dũng cảm hơn để bù đắp lại. Chúng tôi kỷ niệm sinh nhật Người bằng cách chiến đấu quyết liệt hơn giành độc lập, tự do cho tổ quốc và chống quân Mỹ xâm lược."

Anh lấy từ túi áo một cuốn sách nhỏ màu đỏ và cho chúng tôi xem. Ở trang bìa chạy một dòng tựa tiếng Việt theo lối chữ cổ: Tiểu sử tóm tắt của Hồ Chí Minh. Bên trong bìa là hình Chủ tịch.

Anh Tư nói: “Tất cả chúng tôi đều có cuốn sách này. Chúng tôi thường đọc để tưởng nhớ Người và công lao của Người. Bác Hồ có thể đã là nhà lãnh đạo Cộng sản quốc tế sau Lênin nhưng Người quyết định chọn con đường trở về Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc. Chúng tôi tiếp tục cuộc cách mạng và chúng tôi sẽ chiến thắng. Điều đó là chắc chắn. Cách mạng sẽ thành công. Khi chúng tôi đánh đuổi được quân Mỹ xâm lược, chúng tôi sẽ về nhà. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, dù chỉ còn một người, để có ngày đó."

Anh Hai nói tiếp về tài nguyên phong phú của Việt Nam, như khoáng sản, gỗ và nông nghiệp. Anh tin vào tương lai tươi đẹp của đất nước anh khi hòa bình và thống nhất. Quay lại chủ đề Bác Hồ, anh đề cập tới chủ trương của Bác Hồ về giáo dục thực tiễn hơn là trí thức tháp ngà. Anh kể có lần Bác Hồ hỏi một anh kỹ sư nông nghiệp thời gian nào trong ngày là tốt nhất để tưới nước và bón phân cho cây mau lớn. Người kỹ su không biết. Bác Hồ nói ngay là buổi sáng và khuyên anh kỹ sư nên tránh lối học tách rời nhu cầu thực tiễn của nhân dân.

Trời tối dần, anh Tư thắp một ngòn đèn dầu nhỏ. Ánh sáng của nó cộng với ngọn đèn đặt ngoài cửa trước, cạnh cụ chủ nhà, phản chiếu trên sàn nhà sạch bóng, cho thấy rõ những đoạn nối của sáu hay tám thanh tre được cắt ra từ thân một cây tre.

Đã đến giờ đi tắm, anh Tư nói, và tối nay, cả ba chúng tôi được đi cùng nhau ra giếng. Chúng tôi được phép tắm giặt bao lâu tùy thích.

Sau đó, anh Hai thích thú nhìn khi tôi cột một tấm màn trong phòng để ngăn các con mối rơi xuống mặt khi ngủ. Tôi căng hai sợi dây dài cắt từ ruột bánh xe, nối từ tường tới cái ghế dài, dùng cái bao đồ của Mike và một miếng gỗ cũ chặn lên trên để khỏi tuột. Khi thấy tôi trải các tấm xà-rông lên phía trên, anh liền mở ba-lô lấy ra một tấm ni-lông xếp gọn và giúp tôi căng lên trên thay cho các tấm xà-rông. Nhờ vậy, chúng tôi đã được “bảo vệ" đáng kể, và đã trải qua một đêm ngon giấc. Ngôi Nhà Bọ không còn quá tệ hại nữa.

Những cuộc nói chuyện với anh Hai trở thành một công việc thường xuyên. Vài ngày sau, vào buổi sáng, trước khi chúng tôi ra đến gian phòng chính, anh ngồi gần cửa ra vào của căn phòng nhỏ của chúng tôi, mời chúng tôi uống trà và mời Mike tự vấn thuốc rê, rồi bắt đầu cuộc thảo luận xoay quanh đề tài chiến lược của cộng sản trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Mike khom lại gần ông, quan sát thật kỹ cử động của môi và nghe kỹ giọng nói để nắm chắc nghĩa tiếng Việt. Sau một vài câu, anh lại dịch ra tiếng Anh.

Mike thắc mắc tại sao mấy ngày vừa qua không khí quá yên tĩnh? Chúng tôi không nghe thấy tiếng ì ầm của bom hay đại bác. Thỉnh thoảng chỉ có tiếng máy bay quan sát vọng lại từ xa.

"Quân Mỹ đã di chuyển đến một cứ điểm khác," anh Hai trả lời "Chiến lược của người Mỹ ở Campuchia là không khó lắm để chúng tôi chống trả. Họ thường tập trung lực lượng vào một nơi, và khi họ di chuyển đến một nơi thì chúng tôi di chuyển đến một nơi khác. Chúng tôi chỉ việc tránh họ. Chúng tôi đã vô hiệu hóa đại bác và máy bay Mỹ. Quân Mỹ chỉ hao công tốn của mà không thể gây thiệt hại được cho chúng tôi."

Anh Hai nhắc lại rằng chính quyền ở Phnom Penh chắc chắn đã sụp đổ nếu quân Mỹ và lực lượng Sài Gòn không xâm lăng Campuchia để hậu thuẫn cho chính quyền đó. Nhưng xét về chiến lược, thì chính cuộc xâm lăng đó lại có lợi cho cách mạng.

"Trước hết," anh nói, "cuộc xâm lăng khiến nhân dân Campuchia vâ Lào đoàn kết chiến đấu chung với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chống quân xâm lược Mỹ. Thứ hai, các lực lượng Mỹ và Sài Gòn phải bị phân tán qua Campuchia, và điều đó giúp chúng tôi chiến đấu dễ hơn ở miền Nam Việt Nam. Cuối cùng, nó gây thêm khó khăn mới cho chính quyền Nixơn ở Hoa Kỳ. Sự chống đối trong Quốc hội Mỹ và sinh viên mạnh mẽ hơn."

“Chiến lược của chúng tôi là dùng ít đánh nhiều”, anh nói, gợi lại sự quay về với kiểu chiến tranh du kích thông thường sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Các lực lượng cách mạng đã rất thành công khi áp dụng kiểu phân tán mỏng ở Malaysia và sau đó ở miền Nam Việt Nam, đưa đến việc quân chính phủ muốn có lợi thế quân sự thì phải có quân số đông gấp mười lần quân du kích. Khi tạo được sự tự tin ở miền Nam, họ củng cố các trung đoàn thậm chí sư đoàn tiến hành cuộc tấn công năm 1968 nhằm chiếm giữ Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn. Cuộc hành quân không như ý muốn, nhưng gây một cú sốc mạnh cho Mỹ, buộc Tổng thống Lyndon Johnson quyết định ngưng leo thang chiến tranh và ngừng oanh tạc miền Bắc.

Anh Hai cũng cho chúng tôi biết vài tuần nữa mùa mưa sẽ đến, khi đó các đại diện chính quyền và người ngoại quốc không thể ở chung với du kích nữa, bởi vì các chiến sĩ sẽ rời nhà dân, lùi vào rùng và các vùng quê để chuẩn bị cho một cuộc tập kích quân sự. Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng tôi? Tôi chỉ có thể đoán già đoán non. Có thể chúng tôi sẽ được đưa đến một trại tù binh chiến tranh. Cũng có thể chúng tôi sẽ sớm ñöôïc thả. Trong cả hai trường họp, điều chắc chắn là những chuyến đi chung với những người du kích mà mỗi ngày mỗi thêm thú vị sẽ chẳng còn kéo dài bao lâu nữa.

Tôi nhờ Mike hỏi anh Hai, có khi nào anh nghĩ rằng hòa đàm Paris sẽ trở nên quan trọng trong việc tìm ra giải pháp kết thúc chiến tranh.

“Hòa đàm Paris cũng giống như một sân khấu." anh nói. “Đó chỉ là một nơi để người ta đưa các tuyên bố cho báo chí quốc tế. Nixon muốn phá vỡ hội đàm vì hội đàm tiếp tục sẽ khiến dư luận chú ý vào tầm quan trọng của chiến tranh Đông Dương, qua đó thế giới có thể biết rõ sự thật về cuộc xâm lược của Mỹ và chính nghĩa của phong trào giải phóng, vì nhân dân Pháp căm ghét chính sách của Mỹ và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Pháp. Nhưng Nixon không thể phá vỡ hòa đàm vi sợ dư luận của nhân dân Mỹ và thế giới."

Anh Hai còn nêu một lý do bất ngờ khiến anh nghĩ rằng Tổng thống Níxon không thể phá vỡ hòa đàm, đó là ý kiến của Johnson chuyển địa điểm hòa đàm tới Phnom Penh năm 1968, nơi mà hiện nay Mỹ đang tiến hành một cuộc xâm lược.

“Chính quyền Nixon giờ đây đang bị lúng túng thật sự ở Đông Dương," anh Hai nói.

Anh tin rằng cách mạng sẽ thành công ở Campuchia, Lào và miền Nam Việt Nam, và cho rằng chính phủ lưu vong của Hoàng thân Sihanouk đã có ba bộ trưởng và nhiều cán bộ nằm vùng bên trong Campuchia.

“Sihanouk đang ở Hà Nội. Ông đã từ Bắc Kinh đến ngày hôm nay." anh Hai nói (Có lẽ, đó là ngày 22-5-1970) “hoàng thân sẽ không trở về Campuchia cho đến khi tình hình quân sự bảo đảm chắc chắn hơn."

Hoàng thân muốn đến đó đàng hoàng bằng máy bay, chứ không phải đi bộ như chúng tôi. Anh nói điều dó rất nghiêm túc với một nụ cười. Câu hỏi tiếp theo của tôi - một câu hỏi “méo mó nghề nghiệp" của một nhà báo - có thể khiến anh Hai không còn muốn nói chuyện thoải mái. Đó là: Liệu Hoàng thân có trở về Campuchia trước khi chính quyền Phnom Penh sụp đổ? Anh Hai đã thắng thừng gạt câu hỏi đo qua một bên, nói: "Đó là bí mật quốc gia. Tôi biết tôi cũng không thể nói với các anh."

Hình như đế đánh trống lảng, anh nói rằng nói chuyện là một cách hay để xua đi nỗi buồn. Anh quay ra kể về niềm vui và nỗi buồn trong cuộc đời của một chiến sĩ cách mạng.

“Một chiến sĩ cách mạng hoặc không có gia đình hoặc phải rời xa gia đình," anh nói. “Chiến sĩ cách mạng coi nhân dân là cha, mẹ, anh chị em của mình. Khi cách mạng thành công, ngươi cách mạng sẽ về nhà đoàn tụ với gia đình và sống một cuộc sống bình thường."

"Người chiến sĩ cách mạng buồn khi nhân dân còn nghèo khổ, bị áp bức hay đô hộ. Nhưng nỗi buồn này không làm chúng tôi mềm yếu” (anh lấy hai tay ôm mặt), "mà thay vì vậy, chúng tôi biến nỗi buồn thành sức mạnh chống lại ách áp bức và đô hộ."

“Người chiến sĩ chỉ vui khi nhân dân được giải phóng, khi xã hội tốt đẹp và phát triển, và khi giai cấp công nhân được chăm sóc tốt. Đây là điều trái ngược với đế quốc. Đế quốc chỉ vui khi chiếm nhiều quốc gia, bóc lột nhân dân và tài nguyên để làm lợi cho mình, vợ con mình và cuộc sống giàu có của mình."

Trong những buổi chuyện trò, thường vào ban đêm, ngồi xếp bằng với nhau quanh một ấm trà và cây đèn dầu lạc, anh Hai thích nói về sự tốt đẹp của cách mạng và một chiến thắng cuối cùng và chắc chắn.

"Cho đến giờ, các anh đã đi cùng chúng tôi khá nhiều, ban đêm trong xe tải và nhìn thấy chúng tôi sống ra sao." anh Hai nói. "Ở đâu không có Thiệu-Kỳ và Mỹ thì có chúng tôi. Chúng tôi có mặt dù trong một kẽ hở ở các vùng đất tạm chiếm. Không có chỗ cho họ vì chúng tôi có mặt khắp nơi. Chúng tôi sẽ đánh Mỹ dù chúng tôi chỉ còn lại một người, cho đến khi giành được độc lập cho Việt Nam, Campuchia và Lào."

Anh tin rằng Việt Nam sẽ là một nước giàu, có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các quốc gia cộng sản trên thế giới. Chiến tranh đã ngăn cản việc khai thác các tài nguyên của Việt Nam, ví dụ như gỗ và khoáng sản, nhưng công nghiệp và sản xuất vẫn phát triển ở miền Bắc, ngay cả dưới bom đạn oanh tạc của Mỹ, anh Hai nhấn mạnh.

Một dịp khác anh nói rằng chúng tôi có thể yên tâm về sự an toàn tuyệt đối dù máy bay và 20.000 lính Mỹ vẫn rình rập quanh đây, trong lãnh thổ Campuchia.

"Quân Mỹ vẫn dùng xe tăng chiếm giữ con đường chính," anh Hai nói. "Họ không dám tiến sâu vào những vùng nhỏ như nơi đây. Chiến lược của chúng tôi là không giữ đất với bất cứ giá nào. Chúng tôi rút lui và chờ tấn công vào chỗ yếu nhất của đối phương."

Anh thường trích dẫn những bản tin đêm của đài BBC, tường thuật các trận đánh ở miền Đông Campuchia và các cuộc đào ngũ tập thể của các đơn vị quân chính phủ Campuchia để theo cách mạng. Tuy vậy, anh không tiên đoán một chiến thắng bất ngờ, ít nhất là khi quân Mỹ còn can thiệp ở đất nước Chùa Tháp.

Anh Hai tin tưởng tuyệt đối vào lý thuyết chiến tranh nhân dân và đó là chủ đề xuyên suốt các câu chuyện của anh với chúng tôi. Một hôm anh bảo chúng tôi vẫn còn nhiều người dân sống trong vùng tạm chiếm của quân Mỹ và Sài Gòn. “Không phải họ thích gì bọn chúng mà vì ở đó họ có thể tránh được bom đạn Mỹ. Họ vẫn tiếp tục giúp đỡ chúng tôi khi có thời cơ."

Riêng chúng tôi có thể nhận thấy rất rõ mối quan hệ tốt đẹp giữa dân làng Campuchia và du kích Việt Nam. Tại hầu hết các căn nhà mà chúng tôi lưu lại bao giờ cũng treo hình Sihanouk trên tường, ở chỗ trang trọng nhất gần bàn thờ Phật, chứng tỏ dân Campuchia vẫn ủng hộ vị hoàng thân lưu vong hơn là chính phủ Phnom Penh. Chúng tôi thấy Wang - người chiến sĩ gốc Hoa - trả tiền cho dân để mua rau và thịt. Còn gạo, thì chúng tôi được biết. do dân chúng tự nguyện đóng góp. Cũng có vài ngày lúc chúng tôi ở trong vùng khan hiếm lương thực, chúng tôi cùng các du kích giảm khẩu phần thường nhật của mình.

Các du kích luôn nhắc chúng tôi là dân quê Campuchia rất căm ghét người Mỹ vì lính và máy bay Mỹ gây ra chết chóc và tàn phá. Đây là lý do tại sao chúng tôi phải được che giấu cẩn thận: dân chúng không thể phân biệt người Mỹ tốt và người Mỹ xấu. Một hôm, khi vài dân làng nhìn thấy chúng tôi. thì du kích giải thích với họ rằng chúng tôi là người Pháp đến giúp lloàng thân Sihanouk đánh đuổi quân Mỹ. Một lý do khác khiến họ phải che giấu chúng tôi vì họ sợ rằng tin tức về chỗ ở của chúng tôi sẽ rò rỉ ra bên ngoài tới quân Mỹ. Nhưng những gì trải qua trong buổi chiều đầu tiên khi bị dân làng đánh và chửi lúc đang bị bịt mắt, chúng tôi hiểu rõ rằng các du kích vừa phải bảo vệ chúng tôi trước dân làng lại vừa phải tránh các cuộc tập kích của quân Mỹ.

Một hôm anh Tư trao đổi nhanh vớí chúng tôi về tầm quan trọng của sự hợp tác giữa dân làng và du kích. Tôi nhờ Mike nói với anh Tư rằng chúng tôi biết ông Mao Trạch Đông từng so sánh du kích với dân như cá với nước. Tôi có ý qua câu nói này để biết phần nào thái độ của anh Tư đối với Trung Quốc. Nhưng thật hoài công, bạn sẽ không bao giờ bì được về kho tàng cách ngôn với người Á châu. Anh Tư nói: “Vâng, nhưng không có cá thì nước cũng vô ích."


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx