sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

9X'09 - Chương 03 - 04

Chương 3. Nửa chừng giấc mộng

Jin vừa trở lại trong giấc ngủ chập chờn của tôi hồi đêm. Nó đứng im phía dưới đệm, nhìn tôi ngơ ngẩn mà không nói gì.

Jin đã từng là một đứa trẻ ngoan ngoãn trong mắt mỗi người tiếp xúc, bất cứ ai bảo gì, nó cũng câm nín nghe lời, không biết mở mồm cãi lại một câu. Nó sống bằng những lời sai khiến của người khác, để đổi lại sự an toàn vô nghĩa nào đó, cùng một thùng thuốc nổ bên trong não cần thêm mồi lửa.

Tôi thì là một đứa “chậm phát triển về năng lực hành vi, cần được chuyên gia tư vấn về vấn đề thần kinh”, như trong sổ y bạ mà cái người tạm gọi là bác sĩ của trường mầm non từng phê, sau một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bọn trẻ, bà ta tìm mọi cách sai khiến mà tôi không chịu nghe lời. Há mồm để bà ta đếm răng, coi họng hoặc giơ đầu gối cho bà ta gõ, tôi không thấy thích thú. Cách tốt nhất là cứ tảng lờ như không, giả điếc giả câm mặt mũi tỉnh bơ là việc mà tôi tự cho là rất chuyên nghiệp đối với tôi. Sau đó, hình như mẹ tôi đã tức tốc đến trường để phân bua lẫn bày tỏ bực tức về việc này. Thi bang chủ khẳng định tôi thông minh hơn mức bình thường. Chuyên gia tâm lý giỏi nhất của thành phố đã kiểm tra: “Tôi mong các cô đừng cho con tôi học quá nhiều. Nó sẽ cận và ngẩn ngơ, ngốc nghếch như một con gà chỉ biết quẩn quanh mổ chữ. Tôi muốn nó chơi sung sướng thoải mái. Thông minh thì không học vẫn xuất sắc như thường.” Rồi bà dặn thêm, tôi không cần con ngoan bảo gì nghe nấy. Nó không muốn ăn thì không cứ phải ăn, giờ ngủ không ngủ cứ ra phòng chơi. Cái tôi cần là con tôi tự do với mọi thứ nó muốn và các cô trông sao cho an toàn. Các cô cần gì tôi chiều hết, chỉ cần con tôi được tự do lẫn an toàn. Tôi nghe lỏm được như thế nhờ nấp nom sau bức tường kính.

Có lần vô tình đọc lại dòng chữ ở sổ y bạ ấy khi lục lại được đống giấy tờ cũ nát trên kho sách của bố mẹ, tôi thoáng nhếch mép cười.

Jin vẫn mang khuôn mặt dáng hình của cậu nhóc nơi nhà trẻ xưa. Trông thấy nó, bỗng dưng tôi buồn.

Tôi nằm trên đệm cứng, cái gối không đủ nâng đầu vào giấc ngủ sâu. Chập chờn để mộng mị. Biết rằng mình đang rơi vào một ngõ cụt nào đó không hình hài. Biết rằng mình đang nằm một nơi xa chẳng gợn điều gì của quen thuộc.

Tôi cảm thấy khát nước, có lẽ, thân người nằm cạnh, nếu như trong hoàn cảnh không bất thường như thế này, giả dụ tưởng tượng về căn phòng ngủ biệt lập trong một khách sạn có tủ lạnh đựng các kiểu nước như bia, trà xanh cùng nước ngọt, và hễ muốn ăn một thứ gì là điều đơn giản, cuộc sống luôn rợn ngợp bao quanh một góc riêng tư, thì rất có thể tôi và cô ta đang làm tình hoặc đơn giản là nằm lăn ra mỗi đứa một góc sau khi thỏa mãn thú vui dục.

Tại sao lúc này tôi lại có thể mường tượng về một cái gì đó như là quan hệ trai gái nhỉ?

Tôi bật cười và cảm thấy thân người không có gì mang lại sự gũi gần này vừa động đậy.

Hoảng sợ, tôi bật dậy.

Chương 4. Sống chung với lo sợ

Tôi không rõ Người - Lớn thì hiểu con nít đến đâu, dù họ rõ ràng đã từng đóng vai trò là con nít. Khi tuổi mỗi ngày chất lên khuôn mặt theo tháng năm, họ cố tình quên bẵng ký ức, cũng chẳng dám nhận trong cái thân to xác cồng kềnh vẫn ẩn náu cái sự ngu ngơ thơ trẻ, để đóng vai Người - Lớn tẻ nhạt và ưa áp đặt vô lối lên cuộc sống của con nít, cách xa họ gần mấy chục tuổi vì những lo lắng mơ hồ. Sao Người - Lớn không làm tròn bổn phận là cho con nít có chỗ ở, ăn mặc, chu cấp tiền học hành và đảm bảo những an toàn thể xác cho chúng, còn lại, để chúng tự nhiên mà phát triển theo đúng mong cầu cá nhân? Không lẽ rằng chúng tôi được sinh ra, để sống và làm những thứ mà chính các bậc sinh thành không thể làm nên bắt buộc chúng tôi kiểu gì cũng phải thực hiện? Chúng tôi có cuộc đời số phận riêng của chúng tôi! Liên quan gì tới Người - Lớn bọn họ chứ?

Nếu quay lại tự ngẫm về tuổi thơ của mình, Người - Lớn sẽ cần hiểu rằng từ ba tuổi, bọn trẻ (không phân biệt nam hay nữ) đã tò mò cực kỳ về giới tính của mình. Sang đến tuổi thứ năm, nỗi tò mò ấy càng ám quẻ khủng khiếp. Chực chờ không có Người - Lớn ở bên, kiểu gì chúng tôi cũng nịnh nọt nhau cởi quần để nhòm “cái ấy”. Thậm chí, không tỏ vẻ gì là bo bo giữ, ngoài việc lắm khi tự thò tay vào quần nghịch chim, hoặc bềnh bệnh là tụt quần ưỡn chim hoặc chổng mông vào mặt bọn bạn trong nhà vệ sinh (cũng có thể là đồ chơi) rồi cười hềnh hệch khoái chí, nhiều đứa còn đề nghị bạn sờ của nả nhà chúng nó, bạn và chúng đều thực sự hồn nhiên, bạn và chúng chẳng thấy có gì phải ngại, thế thì, tội gì không sờ?

Tôi nhớ những ngày trong lớp mẫu giáo bé, nghĩa là tôi đang ở độ tuổi giữa ba và bốn, có gì đó luôn đè nặng lên mọi cảm giác, nhiều khi, tôi rõ ràng có thể cảm thấy các giác quan đang tê liệt dần. Tôi rất sợ đến lớp. Mỗi khi phải rời nhà là tôi gào toáng lên. Tôi thường chơi trò mặc cả này nọ với Du tiên sinh. Lắm khi, tôi nằm ra giữa giường giãy chân đành đạch, hoặc là nhắm nghiền mắt lại, mồm ư ử khụt khịt trong khi Thi bang chủ lấy khăn lau một vòng quanh mặt, ngoáy rửa lỗ tai, rồi thêm một lần vò khăn vào cái chậu nhựa xanh bé tẹo đổ đầy phích nước ấm, là lau mông bẹn cùng cái chim căng đơ mót tiểu, sau đó, bà nhét nào bánh, nào sữa vào cái mồm cố nghiến chặt mà vẫn buộc mở môi he hé mặc kệ cả chuyện đánh răng.

Bố là người kiên nhẫn, thật thế, bố vừa bế thốc tôi ra khỏi chăn, chạy vội ra toilet để tôi xả sớm đống nước dâng đầy trong bọng đái, vừa giải thích rất nhiều, động viên tôi rất nhiều về những lợi ích của việc đến lớp. Bố càng nói, càng thấy rằng bố không hiểu điều tôi muốn. Những gì tôi ấp úng phân minh về việc mình không đến trường, bố sẽ nói: “Nào Ken, là con trai phải mạnh mẽ lên, bố rất là ghét nhìn con nước mắt tèm lem thế kia. Con là anh của Shu cơ mà. Shu có khóc đâu nào? Kể cả khi bố mẹ phải gửi em ở nhà ông bà nội. Bố mẹ phải đi làm để kiếm tiền mua Coca cho con uống, kem cho con ăn và nhiều thứ khác… Còn nếu con muốn ở với ông bà nội thì cần phải nói cho con biết là ông bà trông em Shu đã đủ mệt lắm rồi!” Cuối cùng bố bảo, nếu tôi không đến trường thì sẽ bị nhốt trong nhà và rằng thằng bé hàng xóm rách chuyện (cái thằng béo ị rất khoái bắt nạt những thằng nhóc nhỏ hơn nó về tuổi lẫn chiều cao cân nặng) sẽ không ngần ngại suỵt chó cào vào cửa nhà tôi, và rằng buổi trưa tôi sẽ nhịn đói vì chẳng ai về nấu cho tôi ăn hết, và rằng ông Hùng công an nhà dưới luôn sẵn lòng ném bọn trẻ hư vào bao tải để quẳng vào nhà giam trong đồn, và rằng không có kiến thức, tôi khó bề tiếp tục trở thành kẻ cướp hoàn hảo để nhập nhóm ba tên cướp hoàn hảo cùng bố và thằng Shu còn đang ì èo dãi nhớt cùng loạt xoạt ỉa đùn chưa biết ngồi bô.

Vậy là tôi đến lớp. Tất nhiên là tôi khoái lũ bạn học cùng, khoái chết đi được. Nhưng tôi không khoái cô giáo. Cô giáo chẳng giống “mẹ hiền” như trong cái bài hát chết tiệt mà chúng tôi phải ca lên ngày ngày. Mỗi lần hát, tôi thấy ấm ức vì như bị lừa. Có lẽ bọn bạn tôi cũng vậy nên thay vì ngâm nga đúng cao độ, cường độ, trường độ thì bọn tôi thi nhau gào, gào đến rách tai. Tôi rất căm mấy mụ giáo. Tôi tưởng tượng các mụ này giống phù thủy mặc áo choàng đen, đội mũ nhọn đen, mắt long sòng sọc và hàm răng nhọn hoắt sít chặt, hơi tí thì rít lên như rắn độc giống trong phim hoạt hình tôi từng xem. Sau này, lớn lên, ngẫm ra, tôi thấy, ví mấy mụ giáo giống phù thủy thì oan cho phù thủy quá, vì thực ra phù thủy dẫu là sản phẩm của trí tưởng tượng cũng không ác bằng mấy mụ ấy.

Buổi sáng, sau khi đón chúng tôi vào lớp cùng nụ cười rất tươi và vòng tay âu yếm (trước mặt các bậc phụ huynh), họ (mấy mụ giáo đấy!) đẩy chúng tôi vào phòng học phía bên trong, cách sảnh đón chỉ một mét nhưng lại ngăn bằng một bức tường dày 20 centimet. Khuất sau bức tường, việc đầu tiên là chúng tôi tự lấy ghế để ngồi. Sau đó, tự lên lấy một cốc sữa đậu nành nguội ngắt mà họ đã múc sẵn từ bao giờ, còn cái nồi nhôm to đùng vốn dùng để đựng sữa vứt chềnh ềnh dưới gầm bàn. Nhớ là lặng lẽ ngồi uống và đừng có đùa nghịch gì hết.

Để cho buổi sớm mai thêm độ vui vẻ phấn khởi, nhất là khi một vài phụ huynh còn nhấp nhổm không yên bên ngoài cửa lớp, họ cho chạy một cái băng ca nhạc thiếu nhi. Hình như họ chỉ có độc cái băng này cho nên sáng nào chúng tôi cũng nghe nó. Ca từ giai điệu nhạc chảy nhễu chảy nhão trong bộ nhớ của tôi, chúng bám chặt đến nỗi không cần qua bất cứ giờ học âm nhạc nào, tôi cũng có thể thuộc và hát. Phải chăng đó cũng là một cách dạy nhạc?

Chúng tôi lặng lẽ ngồi bên cạnh nhau, chầm chậm uống sữa. Sữa tanh và lợ, nhưng khôn ra thì đừng bỏ lại giọt nào, nếu không muốn bị phạt. Phạt bằng kiểu nhốt trong kho thì rất sợ, úp mặt một mình vào bức tường ốp gạch men lạnh cáu bẩn trong nhà vệ sinh hôi hám thì cũng rất sợ, nhưng bị một mụ giáo nào đó lôi xốc vào phòng ngủ, cầm thước kẻ gỗ dẹt nghiến răng nghiến lợi đánh đẹt đẹt vào gan bàn chân đau đến tắc thở (mà không để lại tí dấu vết) trong khi cái đứa bị đánh kia cấm được kêu khóc gì, (chỉ được phép ư ử rên) còn khủng khiếp hơn.

Uống xong, cũng là lúc hết giờ đón trẻ, chúng tôi tiếp tục ngồi nhức mỏi đến oằn lưng để nghe tên mình được xướng lên. Đứa nào nhanh nhẹn một tí, hiểu biết một tí, kiểu như tôi thì cứ việc ngồi nữa, ngồi mãi. Đứa nào ngu như thằng Jin thì nhanh chân ra ngoài hành lang, vác cái ghế theo cùng. Nghĩa là tôi ở trong lớp học, nhai đi nhai lại bài dạy mà sắp tới mụ giáo dùng để thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, phường rồi quận ấy, còn thằng Jin cùng lũ đần độn im lặng lào thào, chơi nghịch đúng kiểu “nói khẽ, cười duyên” ở hành lang cho đến khi mụ giáo hành hạ những đứa ở trong lớp xong. Để phụ huynh không thắc mắc về việc lũ trẻ ngoài hành lang chẳng bao giờ được học một cách chỉn chu (mà thật ra có ai biết gì đâu mà thắc mắc bởi cổng trường ngoài kia luôn đóng chặt cho đến tận cuối buổi chiều, nhưng cần đề phòng cho chắc), sau khi ngủ trưa dậy, bọn ngu đần kiểu Jin và nhanh nhẹn kiểu tôi sẽ được ngồi tranh thủ đọc thuộc một đoạn thơ hay bài hát nào đấy. Ồ, bố mẹ tôi và bố mẹ chúng nó sẽ rên lên vì sung sướng khi thấy chúng tôi nghêu ngao, sẽ khen rằng ôi con tôi giỏi quá, ngoan quá! Đến lớp, không quên cám ơn mấy con mẹ kia theo cách được cho là thành thực và nhiệt tình nhất, rồi cuối tháng dấm dúi nghèo nghèo thì dăm chục ngàn, khá khá thì trăm ngàn.

Tôi nhớ mãi có lần, thằng Jin và một thằng khác trong lúc đang chờ bố mẹ tới đón, chả hiểu sao cào nhau xước mặt. Mẹ thằng kia đón con, thấy mặt con tèm lem nước mắt và trên má có vết tấy đỏ nhưng không nói gì, vẫn ân cần chào hỏi mụ giáo rồi lủi thủi dắt con về. Còn bố thằng Jin thì khác, ông ta đến, nâng cằm con lên, nhòm kỹ vào vết xước. Ông ta chỉ cho mụ giáo thấy, và phàn nàn rằng mụ trông thế nào để thằng Jin ra nông nỗi. Mụ ấp úng thanh minh bảo thằng Jin rất chi là nghịch và hư, chính nó mới hay đánh bạn, bảo chẳng bao giờ được, thằng Jin quả tình là tấm gương xấu cho bọn bạn trong lớp, với nó, mụ đã cố gắng lắm rồi đấy. Bố thằng Jin tức ra mặt, không nói thêm gì, cứ thế xách thằng Jin lên phòng ban giám hiệu, tìm gặp bằng được hiệu trưởng. Ngày hôm sau, thấy mụ giáo kia than thở với hai mụ còn lại là bị hiệu trưởng gọi lên khiển trách, khiển trách đồng nghĩa với việc bị phạt hai chục ngàn. Nói đến chuyện phạt tiền, tôi thấy mụ quay lại, nhìn thằng Jin rất căm.

Buổi trưa, sau khi lùa lũ chúng tôi ngủ, mụ lôi thằng Jin ra bên ngoài. Nằm nghiêng chênh chếch, he hé mắt dòm, tôi có thể nhìn cảnh mụ lột quần áo thằng Jin mạnh tay đến đâu, để nó trần truồng nằm co ro trên sàn đá hoa, dưới cái quạt gắn trên tường đã được bật hết tốc độ thế nào. Hôm ấy là một ngày mùa đông.

Một tuần không thấy thằng Jin đến lớp, nhờ mẹ gọi điện sang nhà nó mới hay, nó bị viêm phổi nặng, phải nằm viện. Tôi bảo, đó là do một mụ phù thủy ở lớp làm, nhưng mẹ không tin, mẹ còn bảo tôi không ngoan, tôi hỗn lắm, tôi không bao giờ được nói năng như thế.

Tôi từng nghĩ rằng, dù sao tôi cũng không quá ngán ba lớp mẫu giáo, từ bé đến nhỡ đến lớn.

(Mãi sau này, trong lúc lang thang internet, sợt qua sợt lại mấy cảnh quay trên Youtube, bắt gặp cảnh bà giáo đẫy đà vừa cho đứa trẻ gái ba tuổi nước mắt nước mũi giàn giụa trên cái mặt lem nhem bẩn đất mỗi thìa cơm một cái tát, thêm cảnh bà giáo khác dí đứa trẻ một tuổi cởi trần truồng nhồng nhỗng nằm oằn oại phía dưới là nền xi măng cứng ngắc, phía trên kẹp cứng cái bàn chân bèn bẹt nặng cùng nước lạnh té lên đầu, nông dân tắm cho heo nái có khi còn tử tế hơn, thì tôi mới tin rằng, những “mụ phù thủy” của tuổi thơ tôi còn “mẹ hiền” chán.)

Mỗi năm thêm tuổi, tôi thấy mình khôn ra vì biết sống chung với những điều mình lo sợ. Mặc dầu, năm tuổi, tôi vẫn đái dầm (lên năm mà còn đái ra giường không còn là một chuyện tự nhiên, nó được gọi là bệnh, xếp vào một bệnh của chứng tự kỷ, nhưng bố mẹ không cho rằng tôi mắc bệnh mà khẳng định đó là do tôi quá mẫn cảm, và cần phải kiên trì với tôi hơn), tuy nhiên, tôi vẫn có gì đó vui vẻ, hồn nhiên (khi biết mặc kệ, khi biết a dua, khi biết nịnh bợ các giáo viên bằng cách nghe lời, không hú hét, gào thét hay khóc lóc) nên mọi việc chẳng đến nỗi tệ lắm. Thời điểm thích nhất của chúng tôi là khi đi ngủ. Chúng tôi chỉ cần không nói chuyện, còn có thực sự ngủ hay không nào đâu quan trọng. Mấy mụ giáo còn bận ăn trưa, còn bận chạy sang lớp nhau buôn chuyện chồng con hoặc kể xấu ai đó. Vì con trai nằm chung với con gái, nên tha hồ thì thào chỉ cho nhau xem những thứ chúng nó cho là hay ho và bí mật. Chúng tôi cười đùa cũng như lên mặt tỏ vẻ với nhau bằng cử chỉ, tuyệt nhiên không gây ra tiếng động.

Trong suốt chặng đường tuổi thơ tôi đến hết cấp ba, tôi không rõ mình đã biết bao nhiêu bí mật của bọn con gái. Chắc là rất nhiều, đủ để tôi có cả một thời gian dài hoàn toàn không nghĩ về chúng. Tuổi học sinh của tôi trôi qua khá yên bình và lành mạnh. Thi thoảng, tôi cũng tương tư em này ẻm nọ. Tất nhiên là trong cái lứa tuổi cái gì cũng mới mẻ, cũng dễ hấp dẫn, dễ say mê, đứa nào cũng thế, chẳng riêng gì tôi. Về sau, khi trưởng thành hơn một chút, tôi hiểu cái tương tư ấy cũng nhẹ hều như một cú hắt hơi. Nhanh đến và nhanh đi, chẳng có gì đọng lại để nhớ. Dần dần, mấy đứa bạn trai cùng lớp tôi có bạn gái. Điều này cũng không làm tôi buồn. Tôi từng đi chơi với một vài cặp. Đều nhạt hoét. Bọn con gái chúa ích kỷ, thường trực đòi hỏi, hơi tí lại cảnh vẻ này kia. Lũ bạn trai của tôi thì suy cho cùng là một lũ đần. Sẵn sàng trốn bố giấu mẹ để mượn được cái xe máy hay thó ít tiền, khổ hơn là nhịn ăn sáng để chiều chuộng mấy con trời đánh. Thoát được kiếp nợ ấy, tôi khỏe re. Việc học cứ thế mà tăng dần đều. Mẹ kiếp, suốt thời cấp ba, tôi còn luôn đứng đầu lớp cả về điểm số các môn học lẫn trò nghịch ngầm nữa cơ chứ.

Còn giờ đây, trong cái năm 2009, cú ngoặt đầu tiên cho tuổi 19 với một thằng thuộc thế hệ 9x đời đầu như tôi là cần chiến đấu cho sự tự do.

Tự do với tôi là gì? Đơn giản cho một câu là “không chịu sự quản lý của bố mẹ”. Nhưng dĩ nhiên quá phức tạp để thực hiện.

Thế là cần nhiều mánh khóe, cần nhiều ỉ ôi, cần nhiều vật vã lẫn tự làm đau mình trong thảm cảnh tang thương.

Rốt cuộc mẹ cũng cho tôi ra ở riêng sau sinh nhật tôi hai mươi ngày.

Điều không ngờ nhất, năm nay, sinh nhật của tôi (ôi sinh nhật xiết bao mong đợi) rơi tõm vào ngày ba mươi Tết. Bạn của lớp cấp ba thì đi du học hết bốn phần năm, đứa sang Úc, đứa sang Anh, đứa sang Đức, đứa sang Pháp, đứa sang Mỹ - những thế giới khác, một phần năm còn lại ở Việt Nam nếu không đi học ở các trường hạng hai tỉnh ngoài thì cũng ở nhà ôn thi năm nữa hoặc xoay sang kinh doanh đủ thứ, mở công ty này nọ, tất tần tật trong phạm vi có thể nghĩ ra nhằm moi được tiền từ ông bà già nhà chúng.

Bạn học đại học thì chưa kịp quen, và sẽ không muốn làm quen (cái này sẽ nói rõ ở phần sau)! Đám bạn không từng học, chưa bao giờ cùng trường cùng lớp… (gọi là bạn xã hội được không nhỉ?) đang vừa mới cặp kè, chưa đủ thân để tạo nên bữa sinh nhật ra trò. Rốt cuộc, mấy đứa đến với tôi lại học từ cấp hai, nhà gần, sải vài chục bước chân là tới. Ba thằng ấy đến phần nhiều là từ tình xưa nghĩa cũ: Từ những ngày tôi phải gò lưng chép bài cho chúng nó trốn học đi đánh nhau hoặc chơi điện tử hoặc bắt nạt (kiếm em út, vài xu lẻ) những con lỏi thằng lỏi lớp bé… Và ném đáp án cho chúng nó trong các giờ kiểm tra. Và làm hộ chúng nó bài tập về nhà. Và nói tốt cho chúng nó trước mặt bố mẹ. Và thuê bác Lâm xe ôm, chú Dương xích lô, bà Thao bán xôi đi họp phụ huynh… (để đổi lại sự yên thân, an toàn, tránh được rất nhiều cuộc ẩu đả không lý do mà biết trước cái giá đắt đỏ phải trả). Ba thằng ấy, một thằng mới chớm nghiện rượu, một thằng vừa mới thoát nạn hai năm tù (tội buôn bán nước rửa bát giả), do bố mẹ chạy chọt giỏi, một thằng đang là sinh viên trường Ngoại thương, từ bốn năm cấp Hai đã đối đãi với tôi khá sòng phẳng để bốn năm sau vẫn giữ được tình cảm, cụ thể là ra ngoài phố thấy mặt chắc chắn sẽ chào nhau và rủ đi cà phê tán gẫu.

Chín giờ sáng, ba thằng bước vào nhà tôi. Chúng không mang hoa hay quà, dĩ nhiên là thế! Ngồi à ơi chơi điện tử khoảng ba mươi phút, cả bọn kéo tôi ra quán lẩu gà gần nhà. Sau khi rượu say lử đử là đến màn karaoke. Bốn đứa ngất ngưởng đi bộ, thọc sâu vào một ngõ không quen, hai bên nhà cửa xập xệ, mái hiên phía trái, phía phải đan vào nhau tạo thành khoảng tối với nhiều tia sáng xiên qua từ lỗ thủng. Không khí tết nhất không hề chạm một móng tay đến nơi này. Cuối ngõ là một quán karaoke, cũng tuềnh toàng, nhếch nhác. Hai chiếc ghế nhựa xanh gãy chân, nứt toác vứt chỏng chơ ngay ngoài cánh cửa xếp sắt hoen gỉ đang đóng hờ. Vì trang âm quá tệ và micro rè hết chỗ nói nên tôi không có hứng hát hò. Ngồi trong xó tối uống cốc nước chanh, gác hai chân lên bàn, tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Để kết thúc buổi gặp mặt, ba thằng đẩy tôi vào căn phòng tối om. Bên trong, một cô nàng đã chờ sẵn. Tôi giải quyết mọi việc nhanh gọn hơn mức tưởng tượng (phóng tinh ngay sau khi con chim vừa chạm vào cửa ngõ khô khoắm của cô ả). Xong chuyện, tôi bỏ ra bên ngoài, không thấy thẹn thò lắm vì cả tôi lẫn cô ta đều chẳng thấy mặt nhau, và cũng bởi ba thằng oắt không cần biết kết quả, chúng đã bỏ đi từ bao giờ sau khi thanh toán đầy đủ.

Đêm Giao thừa, đúng lúc pháo hoa bắn bồm bộp trên tivi, bên cái bánh trứng nhỏ bằng lòng bàn tay cắm vội một ngọn nến (sản phẩm của con Shi), trong lúc phát phong bao mừng tuổi cho từng đứa, bố quyết định trước hết cứ tiếp tục hứa hẹn sẽ mua xe máy cho tôi, còn cụ thể thì hẳn nhiên phải chờ khoản tài chính gia đình ổn định hơn. Tôi là con trai lớn, nên thông cảm cho bố, đừng nhìn bố kiểu ấy chứ, trông vừa đểu đểu lại lắm nghi ngờ, bố dĩ nhiên không thất hứa (còn khi nào thất hứa thì bố đã quên rồi), bố là đàn ông (chẳng lẽ không phải?), là bố của tôi kia mà (bố quên không nói thêm là bố còn… lớn hơn tôi nhiều tuổi, trẻ ranh đâu mà hứa hẹn suông).

* * *

Mẹ thuê cho tôi một ngôi nhà nhỏ, ở ngay phố bên cạnh, với cái giá vừa đủ cho người đến ở tạm không thấy áy náy vì sự nhờ vả lằng nhằng. Ngôi nhà là sở hữu của một cô chơi khá thân với mẹ, cô này chuyển vào Sài Gòn ở nhưng chưa kịp bán. Tôi bảo mẹ rảnh thì có thể đến thăm tôi bất cứ lúc nào, có cả bố, Shu và Shi đi cùng thì càng tốt.

Ngày tôi chuyển đi, gia đình không mấy bịn rịn lắm. Du tiên sinh và Thi bang chủ nói, nếu đói, tôi cứ chạy qua nhà ăn cơm, nếu người bẩn, cũng chạy qua nhà mà tắm, quần áo vứt đó để mẹ giặt, không có gì phải ngại. Tôi bảo, tôi sẽ làm như thế. Song, thực tình, tôi thích tự tổ chức cuộc sống của mình. Tươm tất hay lôi thôi, thì nó cũng là cuộc sống của chính tôi, thuộc về tôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx