sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Trên điện thoại, ông cẩm Le Guen không cho ông lựa chọn:

— Tôi thèm vào mà quan tâm xem anh cảm thấy gì, Camille ạ, anh làm tôi điên tiết rồi đấy! Tôi đang chẳng có ai hết, anh hiểu chưa, chẳng có ai hết! Thế nên tôi sẽ cho xe đến đón rồi anh phi đến đó ngay!

Ông ngừng một lúc và rồi, để thêm phần hối thúc, ông nói thêm:

— Và đừng có làm tôi bực nữa đấy!

Nói đến đó, ông dập máy luôn. Đó là phong cách của ông. Xung nộ. Thường thì Camille chẳng mấy quan tâm. Nhìn chung, ông biết cách xoay xở với sếp cẩm.

Nhưng lần này là một vụ bắt cóc.

Và Camille không muốn làm những vụ như thế, ông vẫn luôn luôn bảo có dăm ba thứ ông sẽ không làm nữa, nhất là những vụ bắt cóc. Kể từ sau cái chết của Irène. Vợ ông.[1] Cô bị ngã trên phố, bụng mang thai hơn tám tháng. Phải đưa cô đến bệnh viện, và rồi cô bị bắt cóc. Lúc tìm lại được thì cô đã chết. Chuyện ấy làm Camille suy sụp. Mà không thể nào nói được nỗi hoảng loạn của ông là gì. Bị quật ngã. Suốt nhiều ngày ông như thể bị liệt, đờ đẫn. Khi ông bắt đầu hoang tưởng, người ta phải cho ông nhập viện. Rồi ông được chuyển hết từ các bệnh viện lại sang các trại an dưỡng. Ông còn sống thế này thực là một phép mầu. Chẳng còn ai hy vọng điều đó. Những tháng ông vắng mặt khỏi Đội Trọng án, mọi người tự hỏi chẳng biết đến ngày nào ông lại ngẩng được đầu lên. Và khi rốt cuộc ông cũng trở lại, thật kỳ quặc vì ông tạo cảm giác mình vẫn giống y như trước khi Irène chết, ông chỉ già đi. Kể từ đó, ông chỉ còn nhận các vụ ít quan trọng. Ông xử lý các vụ phạm tội do ghen tuông, những cuộc ẩu đả giữa đám gái điếm, những vụ hàng xóm giết lẫn nhau. Các vụ mà cái chết nằm ở phía sau chứ không phải phía trước ta. Không phải các vụ bắt cóc. Camille muốn những kẻ đã chết thực sự đã chết, chết đứ đừ, chết không phải bàn cãi.

— Mà này, - Le Guen nói, ông thực sự làm tất cả những gì có thể để giúp Camille, - dẫu sao thì cũng chẳng hay ho gì khi tránh né người sống. Giống hệt một tay nhà đòn ấy.

— Thì… - Camille đáp, - chính xác ta là vậy mà!

Họ đã quen biết nhau được hai mươi năm, họ trân trọng nhau, không e ngại nhau. Le Guen là một Camille từ chối ra thực địa, còn Camille là một Le Guen từ chối trò quyền lực. Về căn bản, hai con người này khác nhau chỉ là hai bậc lon và tám mươi kí lô. Và ba mươi xăng ti mét. Được diễn tả theo cách này, khác biệt dường như thật lớn và quả thật, nếu nhìn hai người họ ở cạnh nhau, cảnh tượng chẳng khác nào một bức tranh biếm họa. Le Guen không cao lắm nhưng Camille thì rất lùn. Một mét bốn mươi lăm, cứ thử hình dung đi, ông nhìn thế giới từ dưới lên, như một thằng trẻ con mười ba tuổi. Vóc dáng này ông thừa hưởng từ mẹ, Maud Verhoeven, họa sĩ. Tranh của bà xuất hiện trong catalô của chừng một chục bảo tàng quốc tế. Họa sĩ lừng danh và cũng là một con nghiện thuốc lá nặng, bà sống ngập trong khói thuốc, một vầng hào quang thường trực, ta không thể nào hình dung ra bà nếu thiếu đám mây xanh lợt này. Camille thừa hưởng từ mẹ hai phẩm chất đáng nói nhất. Từ người nghệ sĩ, ông có được năng khiếu vượt trội về vẽ tranh và từ con nghiện thuốc lá mãn tính, chứng suy thai khiến cho ông trở thành người đàn ông cao một mét bốn mươi lăm.

Gần như chưa bao giờ ông gặp được ai để có thể nhìn từ trên xuống. Còn ngược lại thì… Vóc dáng như thế không chỉ là một khiếm khuyết. Ở tuổi hai mươi, đó là nỗi nhục nhã khủng khiếp, còn ở tuổi ba mươi thì đó là một lời nguyền, nhưng ngay từ đầu đã có thể hiểu đó là số phận. Cái thứ khiến ta phải dùng những lời to tát. Nhờ Irène, vóc dáng của Camille đã trở thành một sức mạnh. Irène đã khiến ông cao lên từ bên trong. Chưa bao giờ Camille được… như thế. Ông tìm từ. Không có Irène, ông thiếu cả từ ngữ.

Ngược lại với Camille, Le Guen thuộc về phía khổng lồ. Ông rất nặng, chẳng ai biết đích xác là bao nhiêu cân, không bao giờ ông chịu nói, có người bảo tạ hai, người khác đoán phải tạ ba, thậm chí có những người nói còn hơn thế nữa, nhưng đâu có quan trọng gì, Le Guen thì đồ sộ, da dày sùi, má bệu nhưng nhờ ánh mắt sáng toát ra vẻ tinh anh thành ra, chẳng ai giải thích được, đàn ông thì không muốn công nhận, phụ nữ thì lại gần như nhất trí cả với nhau: sếp cẩm là một người đàn ông cực kỳ quyến rũ. Sao mà hiểu nổi.

Camille đã quen nghe Le Guen gào thét. Ông không bị chấn động trước những cuồng nộ của ông cẩm. Kể từ lúc… Ông bình tĩnh nhấc máy, bấm số:

— Tôi báo trước cho anh, Jean, là tôi sẽ đi xem câu chuyện bắt cóc kia. Nhưng anh phải chuyển vụ này lại cho Morel ngay khi cậu ấy quay về bởi vì… (ông gằn giọng nhả từng âm tiết một, với sự kiên nhẫn giống như đang đe dọa)… tôi sẽ không nhận phụ trách vụ này!

Camille Verhoeven thì không bao giờ la hét. Rất hiếm khi. Đó là một con người đầy uy quyền. Ông thấp nhỏ, hói đầu, nhẹ cân nhưng ai cũng biết, Camille là một lưõi dao. Vả lại, Le Guen không đáp. Vài kẻ miệng lưõi xấu xa đồn thổi rằng giữa bọn họ Camille mới là người cầm cương. Điều này không làm họ cười. Camille dập máy.

— Khốn kiếp!

Đen thật. Vì rằng một vụ bắt cóc thì đâu phải ngày nào cũng xảy ra, ta đâu có sống bên Mexico, nó hoàn toàn có thể xảy đến vào một lúc khác, khi ông đang đi công tác hay nghỉ phép, đang ở nơi khác chứ! Camille đấm xuống bàn. Đấm chầm chậm thôi, bởi vì ông là một người rất mực thước. Ông không thích những hành động thái quá, ngay cả ở những người khác.

Thời gian đang gấp gáp. Ông đứng dậy, vớ lấy áo khoác và mũ, nhanh chóng xuống cầu thang. Camille nhỏ bé nhưng bước chân của ông thì nặng nề. Cho đến khi Irène chết, ông vẫn có bước chân khá nhẹ nhõm, thậm chí cô còn thường nói với ông: “Anh có dáng dấp của loài chim. Lúc nào em cũng có cảm giác anh sắp bay lên đến nơi.” Irène mất đã bốn năm.

Chiếc xe dừng lại trước mặt ông. Camille leo lên.

— Cậu tên gì thế?

— Alexandre, sế…

Anh ta im bặt. Mọi người ở đây đều biết Camille ghét bị gọi là “sếp”. Ông bảo nói năng như thế bốc mùi bệnh viện, phim bộ. Đó đúng là kiểu của ông, những lời phán bảo sắc lẹm. Camille là một người không thích bạo lực nhưng có những lúc hành xử đột ngột. Đôi khi ông nổi điên. Ông từng là một người khá cố chấp, do tuổi tác, do góa vợ, ông trở nên có phần hay ngờ vực, dễ nổi xung. Sâu xa, đó là một người kém kiên nhẫn. Irène từng hỏi: “Anh yêu, tại sao lúc nào anh cũng giận dữ thế?” Từ độ cao một mét bốn mươi lăm, nếu như thế cũng tính là độ cao, Camille đáp, vờ tỏ ra kinh ngạc quá lên: “Ừ, đúng rồi, chuyện ấy… Chẳng có lý do gì mà tức giận cả…” Hay giận dữ nhưng lại mực thước, thô lậu nhưng lại khôn khéo, hiếm khi nào người ta có thể hiểu ngay được ông. Đánh giá ông cho đúng. Cũng bởi vì ông không mấy vui tính. Camille không yêu bản thân cho lắm.

Kể từ khi quay trở lại làm việc, gần ba năm nay, Camille nhận mọi nhân viên tập sự, thật là một điều tốt lành cho các trưởng bộ phận không muốn ôm rơm rặm bụng. Điều ông không muốn là tái lập một nhóm bền chặt, kể từ khi nhóm của ông tan rã.

Ông liếc sang Alexandre. Bộ mặt này nên mang một cái tên khác chứ chắc chắn không phải là Alexandre. Dù vậy, chỉ cần mang tên Alexandre anh ta đã cao hơn ông đến bốn cái đầu, vốn dĩ đây chẳng phải kỳ tích gì, và anh ta phóng xe đi trước cả khi Camille ra lệnh, ít nhất thì đó cũng là một dấu hiệu cho thấy anh ta hào hứng.

Alexandre phóng xe như tên bắn, anh ta thích lái xe, điều đó có thể thấy rõ. Có thể nói rằng GPS phải khó nhọc đuổi theo cho kịp để bù lại đoạn chậm trễ xuất hiện ngay từ lúc xuất phát. Alexandre muốn chứng tỏ cho chỉ huy thấy là anh ta lái xe giỏi, còi hụ bật, chiếc xe oai vệ băng qua các phố, các ngã tư, các đại lộ, hai chân Camille lúc lắc cách sàn xe hai mươi xăng ti mét, tay phải ông bám vào dây an toàn. Họ mất chưa tới mười lăm phút đã đến nơi. Giờ là mười giờ kém mười phút tối. Mặc dù vẫn chưa quá muộn, Paris đã có vẻ say ngủ, thanh bình, không thực sự là kiểu thành phố xảy ra những vụ bắt cóc phụ nữ. “Một phụ nữ,” một nhân chứng đã nói vậy khi gọi điện cho cảnh sát. Rõ ràng nhân chứng đang bị choáng: “Bị bắt cóc, ngay trước mắt tôi!” Ông ta vẫn chưa hoàn hồn. Phải nói rằng trải nghiệm kiểu như thế hiếm gặp lắm.

— Cho tôi xuống đây, - Camille nói.

Camille xuống khỏi xe, chỉnh lại mũ, anh chàng kia phóng đi. Chỗ này là đầu phố, cách barie đầu tiên năm mươi mét. Camille đi đến đó. Những khi nào có thời gian, ông luôn luôn tìm cách dõi nhìn các vấn đề từ xa, đó là phương pháp của ông. Cái nhìn đầu tiên hết sức quan trọng, nhất là khi nó lại bao quát, bởi vì sau đó ta phải bước thẳng vào các chi tiết, vô số sự kiện, không có độ lùi nào. Đó là lý do chính thức mà ông tự nghĩ ra cho mình khi xuống xe cách nơi được chờ đợi chừng trăm mét. Lý do nữa, đây mới là lý do thực, nằm ở chỗ ông không muốn ở đây.

Tiến về phía những chiếc xe cảnh sát đang rọi đèn vào mặt tiền các nhà, ông cố hiểu xem mình đang cảm thấy gì.

Tim ông nện thình thịch.

Ông cảm thấy không ổn lắm. Ông sẵn sàng đánh đổi mười năm cuộc đời để được ở nơi khác. Nhưng dù có bước chậm đến đâu, ông vẫn cứ tới nơi.

Chuyện xảy ra gần giống thế này, cách đây bốn năm. Trên phố nhà ông, cũng hơi giống phố này. Irène không còn ở đó nữa. Cô sắp sinh, một thằng bé con, chỉ vài ngày nữa thôi. Lẽ ra cô đã phải đến nhà hộ sinh rồi, Camille bấn lên, ông chạy tìm cô, những gì ông đã làm đêm hôm ấy để tìm ra cô… Ông như phát điên nhưng vô ích… Sau đó thì cô chết. Cơn ác mộng trong đời Camille đã bắt đầu vào một giây phút giống như lúc này đây. Thế nên tim ông nện thình thịch, như nẩy lên, hai tai ù đi. Cảm giác tội lỗi ở ông, mà ông tưởng đâu đã say ngủ, lại thức dậy. Nó khiến ông thấy buồn nôn. Một giọng nói hét lên bảo ông trốn đi, một giọng khác bảo ông phải đương đầu, ngực ông thắt lại như bị ê tô kẹp. Camille nghĩ mình sắp ngã. Thay vì vậy, ông nhấc một thanh barie ra để bước vào khu vực được bảo vệ. Nhân viên gác ở đó khẽ vẫy tay chào ông từ xa. Dù cho không phải ai cũng quen biết chỉ huy Verhoeven nhưng người nào cũng nhận ngay ra ông. Và rõ là ngay cả nếu như ông không phải một huyền thoại, thì với vóc dáng này… Và câu chuyện này…

— A, anh đấy à?

— Trông cậu có vẻ thất vọng…

Ngay lập tức Louis đã cuống cả lên, đầy hốt hoảng.

— Không, không, không, không hề!

Camille mỉm cười. Lúc nào ông cũng rất giỏi làm anh ta phát hãi. Louis Mariani từng làm phó cho ông suốt một thời gian dài, ông biết rõ anh ta như thể anh ta do chính tay ông nhào nặn ra.

Hồi đầu, sau khi Irène bị giết, Louis thường đến thăm ông ở bệnh viện. Hồi ấy Camille không nói nhiều lắm. Vẽ tranh trước đó chỉ là thú vui giết thời gian, giờ trở thành hoạt động chính của ông, thậm chí là hoạt động duy nhất. Ông chỉ còn làm việc đó, suốt cả ngày. Những bức tranh, những bản phác họa, vẽ nháp dồn đống trong phòng, tuy nhiên Camille vẫn giữ cho căn phòng ấy chẳng mang bất kỳ chút màu sắc cá nhân nào. Louis tự kiếm cho mình một chỗ ngồi khiêm tốn, rồi một người ngó ra đám cây ngoài vườn, người kia nhìn xuống chân. Họ đã nói với nhau rất nhiều điều trong sự im lặng ấy, nhưng dẫu sao chúng vẫn không đáng giá bằng từ ngữ. Họ không tìm được từ ngữ. Và rồi một hôm, không hề báo trước, Camille bảo ông thích ở một mình hơn, ông không muốn kéo Louis vào nỗi buồn của mình. “Giao du với một tay cớm buồn thảm thì chẳng có gì thú vị cả,” ông nói. Cả hai đều thấy sầu khổ vì đã chia tay nhau theo cách ấy. Và rồi thời gian trôi đi. Sau đó, khi mọi chuyện bắt đầu khá lên, thì đã quá muộn. Qua được kỳ để tang, những gì còn lại đã nhuốm chút màu cằn cỗi.

Đã lâu rồi họ chưa gặp nhau, chỉ thoáng chạm mặt, những cuộc họp, những buổi briefing, kiểu vậy. Louis không thay đổi gì mấy. Về già, anh sẽ chết mà vẫn có vẻ trẻ trung, có những người như thế đấy. Và vẫn sẽ phong nhã như vậy. Một hôm, Camille từng bảo anh: “Có mặc diện như đi đám cưới thì đứng bên cạnh cậu, tôi trông vẫn giống một tên ăn mày.” Phải nói rằng Louis giàu, rất giàu. Tài sản của anh cũng giống số kí lô của sếp cẩm Le Guen, chẳng ai biết được con số nhưng ai cũng hay rằng rất lớn và chắc chắn là cứ phình ra mãi không ngừng. Với số tiền lợi tức của mình Louis hoàn toàn đủ sống mà không phải làm gì, lại còn lo được cho đến bốn, năm thế hệ tiếp theo. Thay vì vậy, anh lại là cớm ở Đội Trọng án. Anh đã học rất nhiều thứ không cần thiết, chúng giúp anh sở hữu một nền tảng học vấn mà Camille chưa từng bao giờ tìm ra được điểm thiếu sót. Thực sự, Louis là cả một điều kinh ngạc.

Anh mỉm cười, anh thấy kỳ cục vì gặp lại Camille như thế, đến bất ngờ không báo trước.

— Ở đằng kia kìa, - anh nói, chỉ tay về phía barie.

Camille rảo bước đằng sau chàng trai trẻ. Cũng không hẳn là trẻ lắm.

— Cậu bao nhiêu tuổi thế hả, Louis?

Louis ngoái đầu lại.

— Ba mươi tư, có chuyện gì thế?

— Không, không có gì.

Camille nhận ra họ chỉ ở cách viện bảo tàng Bourdelle vài bước chân. Ông thấy hiện ra khá rõ khuôn mặt của Héraclès archer[2]. Chiến thắng của người anh hùng trước lũ quái vật. Camille chưa bao giờ nặn tượng, ông chưa bao giờ có đủ thể lực để làm việc ấy và ông bỏ vẽ tranh sơn dầu đã lâu lắm rồi, nhưng vẽ nói chung thì ông vẫn tiếp tục, cả sau đợt trầm cảm kéo dài, điều đó mạnh hơn ông, nó thuộc về con người ông, ông không thể ngưng, lúc nào trên tay cũng cầm cây bút chì, đó là cách ông nhìn thế giới.

— Cậu có biết bức tượng Héraclès archer ở bảo tàng Bourdelle không?

— Có, - Louis đáp.

Anh có vẻ bối rối.

— Nhưng tôi đang tự hỏi, hay nó ở bên Orsay nhỉ.

— Cậu vẫn cứ dở người như thế.

Louis mỉm cười. Kiểu nói năng này của Camille có nghĩa là tôi quý cậu lắm. Ý muốn nói sao mà thời gian trôi nhanh thế, cậu với tôi, ta đã quen biết nhau bao lâu rồi? Rốt cuộc, nó còn muốn nói, ta đã gần như không gặp nhau kể từ khi tôi giết Irène, nhỉ? Thế nên, thật kỳ cục khi gặp lại nhau tại hiện trường vụ án. Đột nhiên, Camille thấy mình phải nói cho rõ:

— Tôi làm thay cho Morel. Le Guen không còn ai cả. Ông ấy đã đề nghị tôi.

Louis ra dấu bảo anh hiểu, nhưng vẫn thấy hoài nghi. Chỉ huy Verhoeven làm việc thay người khác ở một vụ như thế này, dù sao cũng rất đáng ngạc nhiên.

— Cậu gọi cho Le Guen đi, - Camille nói tiếp luôn. - Tôi cần các đội. Ngay lập tức. Vào giờ này thì ta sẽ chẳng làm được nhiều việc đâu, nhưng ít nhất thì ta cũng sẽ thử…

Louis gật đầu và rút điện thoại di động ra. Anh cũng nhìn nhận sự việc theo cùng cách ấy. Dạng vụ án này có thể được xem xét từ hai phía. Kẻ bắt cóc hoặc nạn nhân. Chắc chắn kẻ bắt cóc thì sống ở xa. Nhưng nạn nhân thì có thể sống ở ngay khu này, có thể cô ta bị bắt cóc ngay gần nhà, không phải chỉ chuyện của Irène mới khiến hai người đàn ông nghĩ vậy, mà còn căn cứ cả trên số liệu thống kê nữa.

Phố Falguière. Rõ ràng tối hôm nay rặt các nhà điêu khắc rồi[3]. Họ bước đi giữa lòng đường, cả hai đầu phố đều đã bị phong tỏa. Camille nhìn lên các tầng gác, mọi cửa sổ đều sáng đèn, đó là cảnh tượng của buổi tối.

— Ta có một nhân chứng, một nhân chứng duy nhất,

— Louis vừa tắt điện thoại vừa nói. - Và có vị trí đỗ của chiếc xe dùng để bắt cóc. Bên Lý lịch tư pháp chắc sắp đến đấy.

Và, đúng lúc đó, họ đến thật. Các thanh barie nhanh chóng được đẩy ra, Louis chỉ cho họ khoảng trống dọc vỉa hè, giữa hai chiếc xe. Ngay lập tức bốn kỹ thuật viên cùng đồ nghề bước xuống.

— Anh ta đâu rồi? - Camille hỏi.

Ông sốt ruột, chỉ huy đang sốt ruột. Ta có thể cảm thấy ông không muốn ở đây. Điện thoại di động của ông rung lên.

— Không, thưa công tố viên, - ông trả lời, - lúc thông tin đến được chỗ chúng tôi qua sở cảnh sát quận mười lăm thì đã là quá muộn, không kịp tiến hành phong tỏa.

Giọng khô khốc, gần như bất lịch sự, để nói chuyện với một công tố viên. Louis kín đáo lảng ra xa. Anh hiểu sự sốt ruột của Camille. Nếu là một đứa trẻ vị thành niên thì hẳn người ta đã báo động khẩn cấp nhưng đây lại là một phụ nữ trưởng thành. Họ sẽ phải tự đi mà xoay xở lấy.

— Điều ông đòi hỏi sẽ rất khó thực hiện, thưa công tố viên, - Camille nói.

Giọng ông còn hạ xuống thêm một tông nữa. Và ông nói quá chậm. Những ai biết ông đều hiểu rằng ở ông, thái độ này thường là dấu hiệu báo trước.

— Ông biết không, thưa ông, vào lúc tôi đang nói chuyện với ông đây, có… (ông ngẩng đầu lên nhìn), chắc là… một trăm người trên các cửa sổ. Các đội điều tra quanh đây sẽ khiến khoảng hai hay ba trăm người nữa để ý đến. Thế nên, trong điều kiện ấy, nếu ông có biết một biện pháp nào ngăn được tin tức lan truyền, thì tôi sẽ rất lấy làm biết ơn đấy.

Louis lặng lẽ mỉm cười. Đúng kiểu Verhoeven rồi đây. Anh rất thích như vậy. Bởi vì anh lại thấy ông giống hệt như trước. Bốn năm qua, ông đã già đi nhưng vẫn cứ tợn như thế. Đôi khi, ông còn là một mối nguy công khai đối với các cấp lãnh đạo.

— Dĩ nhiên rồi, thưa ông công tố.

Căn cứ vào giọng nói của ông, ta đoán được rõ ràng rằng dù có thế nào, Camille cũng tuyệt đối không hề có ý định giữ lời hứa ông vừa thốt ra. Ông tắt máy. Cuộc nói chuyện vừa xong còn khiến ông cảm thấy tồi tệ hơn cả hoàn cảnh lúc này.

— Mà này, mẹ kiếp, cái tay Morel của cậu ấy, hắn ta đâu mất rồi?

Liouis không hề chờ đợi điều này. “Cái tay Morel của cậu.” Camille đang bất công, nhưng Louis hiểu được. Bắt một người như Verhoeven, vốn đã có khuynh hướng hoảng loạn, phải làm vụ này…

— Ở Lyon, - Louis bình thản đáp. - Dự hội thảo châu Âu. Ngày kia anh ấy sẽ về.

Họ bước tiếp về phía nhân chứng đang được một nhân viên mặc đồng phục trông coi.

— Các cậu chó thật đấy! - Camille thốt lên.

Louis im lặng. Camille dừng lại.

— Xin lỗi nhé, Louis.

Nhưng khi nói ông không nhìn Louis, mà nhìn xuống chân mình, rồi lại nhìn lên các ô cửa sổ của những tòa nhà với bao khuôn mặt đang nhìn về cùng một hướng kia, như trên một đoàn tàu khởi hành ra mặt trận. Louis những muốn nói gì đó nhưng gì bây giờ, chẳng cần. Camille vừa có một quyết định. Rốt cuộc ông cũng nhìn sang Louis:

— Nào, ta sẽ làm như…?

Louis đưa tay hất lại mái tóc. Tay phải. Ở anh hất tóc là cả một cách nói. Vào lúc đó, tay phải có nghĩa là tất nhiên, đồng ý, ta sẽ làm vậy. Louis chỉ vào một bóng người sau lưng Camille.

Đó là một người đàn ông trạc tứ tuần. Ông ta dắt theo con chó, nó ngồi chồm hỗm dưới chân ông ta, một giống chó hẳn đã được Chúa tạo ra vào một ngày đặc biệt mệt mỏi. Camille và con chó nhìn nhau và ghét nhau ngay lập tức. Con chó gầm gừ, rồi vừa lùi lại vừa khò khè cho đến khi vấp vào chân ông chủ. Nhưng ông chủ mới là người kinh ngạc hơn khi thấy Camille đứng trước mặt mình. Ông ta nhìn Louis, ngạc nhiên vì người ta lại có thể trở thành sếp trong ngành cảnh sát với một vóc dáng như thế này.

— Chỉ huy Verhoeven đây, - Camille nói. - Ông có muốn xem thẻ của tôi không, hay ông tin lời tôi?

Louis khoái trá. Anh biết tiếp theo sẽ có chuyện gì. Nhân chứng sẽ nói:

— Không, không cần đâu… Mà…

Camille sẽ ngắt lời, hỏi:

— Mà cái gì?

Người kia sẽ ấp úng:

— Tôi không nghĩ, kìa… đúng ra là…

Vào lúc ấy sẽ có hai giải pháp. Hoặc Camille sẽ đẩy dúi người kia rồi dùng tay quặp chặt lấy đầu anh ta cho đến khi người đó xin tha, đôi khi ông rất nhẫn tâm. Hoặc ông thôi. Lần này, Camille thôi. Đây là một vụ bắt cóc. Đang gấp.

Chuyện là, nhân chứng đang dắt chó đi dạo. Và ông ta đã trông thấy một phụ nữ bị bắt cóc. Ngay trước mắt.

— Chín giờ, - Camille nói. - Ông có chắc chắn về thời điểm không?

Nhân chứng cũng giống như mọi người, khi nói về điều gì đó thì sâu xa cũng chỉ để nói đến bản thân mình.

— Chắc chắn, vì chín rưõi tối nào tôi cũng xem xe cộ đâm nhau trên chương trình No-Limit[4]…! Tôi dắt chó đi dạo ngay trước đó.

Họ bắt đầu chuyển sang ngoại hình kẻ bắt cóc.

— Tôi chỉ nhìn thấy hắn từ góc chênh chếch thôi, các ông hiểu chứ. Nhưng đó là một tay cao lớn, kiểu đô con.

Ông ta thực sự có cảm giác mình đã mang lại một sự giúp đỡ quý báu. Camille nhìn ông ta, chán hẳn. Louis bèn cất tiếng hỏi. Tóc thế nào? Tuổi tác? Quần áo? Nhìn không rõ, khó mà nói, bình thường. Với cái đó…

— Được rồi, còn cái xe thì sao? - Louis hỏi, vẻ muốn khích lệ.

— Một chiếc xe tải nhỏ màu trắng. Kiểu xe cho thợ thủ công ấy, các ông hiểu không?

— Dạng thợ thủ công nào? - Camille ngắt lời.

— À, tôi, cũng không biết, kiểu như… tôi không biết, thợ thủ công ấy!

— Điều gì khiến ông nói thế?

Có thể cảm thấy như thể Verhoeven chồm lên ông ta. Ông ta há hốc miệng.

— Thợ thủ công, - rốt cuộc ông ta cũng nói, - họ đều có những cái xe hòm như vậy, phải không?

— Đúng rồi, - Camille đáp, - thậm chí họ còn hay viết tên, số điện thoại và địa chỉ của mình lên xe luôn cơ. Kiểu như là quảng cáo miễn phí, lưu động ấy, ông hiểu không? Vậy, trên cái xe của tay thợ thủ công viết gì?

— À, đúng ra thì trên cái xe ấy không viết gì cả. Dù sao thì tôi cũng đã không nhìn thấy gì.

Camille rút sổ ghi chép ra.

— Tôi ghi lại nhé. Chúng ta đang nói đến… một phụ nữ nào đó… bị một thợ thủ công vô danh bắt cóc, trên một chiếc xe không xác định được, tôi có bỏ quên chi tiết nào không nhỉ?

Tay dắt chó hoảng hồn. Môi run run. Ông ta quay sang Louis, làm ơn giúp với, xem kìa, ông ấy lại đang o ép tôi kìa.

Camille gập quyển sổ lại, mệt nhoài, rồi quay lưng đi. Louis liền tiếp sức. Lời chứng duy nhất này chẳng giúp ích gì mấy, nhưng vẫn phải bắt đầu từ đó. Camille nghe tiếp đoạn sau của cuộc thẩm vấn diễn ra sau lưng mình. Nhãn hiệu của chiếc xe (“Một chiếc Ford, có lẽ… Tôi không rành các nhãn hiệu lắm, ông cũng biết đấy, lâu lắm rồi tôi không lái X…”) nhưng nạn nhân là phụ nữ (“chắc chắn rõ ràng”). Miêu tả gã đàn ông thì vẫn rất vu vơ (“Hắn chỉ có một mình, ít nhất tôi cũng không nhìn thấy ai khác…”) Còn lại cách thức tiến hành. Cách thức mạnh bạo.

— Cô ấy la hét, cô ấy vùng vẫy, thế là hắn đấm mạnh vào bụng cô ấy. Đấm không nhẹ đâu nhé! Chính vào lúc đó tôi đã kêu lên. Để thử làm hắn sợ, ông hiểu không…

Những miêu tả này khiến lòng Camille quặn lại, như thể cú đánh nào cũng nhằm vào chính ông. Một chủ cửa hiệu cũng đã nhìn thấy Irène ngày cô bị bắt cóc, cũng như vậy, không nói được gì, không nhìn thấy gì hoặc gần như thế. Giống y chang. Để rồi xem. Ông quay ngay trở lại.

— Ông đã ở chỗ nào, thật chính xác vào? - ông hỏi.

— Ở kia…

Louis nhìn xuống đất. Gã đàn ông chìa tay chỉ.

— Chỉ cho tôi đi.

Louis nhắm mắt lại. Anh cũng nghĩ đến cùng điều Camille đang nghĩ nhưng việc Verhoeven sắp làm thì chắc hẳn anh sẽ không làm. Nhân chứng kéo con chó, tiến bước trên vỉa hè, hai bên là hai cảnh sát đi kèm, rồi dừng lại.

— Ở quãng này này…

Ông ta ước lượng, quay sang hai bên, môi hơi bĩu ra, trời ạ, quãng này này. Camille muốn có lời xác nhận.

— Ở đây? Không phải xa hơn đúng không?

— Không, không, - nhân chứng đáp, vẻ mặt đắc thắng.

Louis cũng đi đến cùng kết luận với Camille.

— Hắn cũng đá cô ấy nữa, các ông biết đấy… - gã đàn ông nói,

— Tôi thấy rất rõ rồi, - Camille kết luận. - Tức là ông đứng ở đây, cách bao xa nhỉ?

Ông đưa mắt dò hỏi nhân chứng.

— … bốn mươi mét nhỉ?

— Đúng rồi, - gã đàn ông hài lòng với khoảng ước lượng ấy.

— Ông nhìn thấy một phụ nữ bị đánh, bị bắt đi, thế mà ở khoảng cách bốn mươi mét, ông đã làm một việc hết sức can đảm là hét lên.

Ông ngước mắt nhìn nhân chứng, ông ta đang chớp mắt liên hồi, như thể có cảm xúc gì mạnh mẽ lắm.

Không nói một lời, Camille thở dài rồi bỏ đi, chỉ dành ánh mắt cuối cùng cho con chó trông cũng có vẻ can đảm như chủ của nó. Cảm giác như thể ông đang rất muốn đạp cho nó một phát.

Ông cảm thấy, biết nói thế nào đây, ông tìm từ, một dạng uất hận, một cảm giác hơi… điện giật. Vì Irène. Ông ngoảnh đầu lại, nhìn phố vắng. Và cuối cùng, một lóe chớp làm người ông rung chuyển, ông đã hiểu ra. Cho đến lúc này, ông đã làm việc của mình, thuần túy chuyên môn, theo phương pháp, có tổ chức, ông đã hành động như người ta chờ đợi ở ông nhưng mãi lúc này, và là lần đầu tiên kể từ khi tới đây, ông mới thực sự ý thức được rằng ở nơi này, cách đây chưa đầy một tiếng đồng hồ, một phụ nữ, bằng xương bằng thịt, đã bị bắt cóc, một phụ nữ đã hú hét, đã bị đánh, bị đẩy lên một chiếc xe tải, rằng cô bị giam giữ, sợ hãi, có thể còn bị hành hạ cực độ nữa, rằng mỗi phút đều quan trọng, thế mà ông còn chưa vào cuộc bởi vì ông muốn giữ mình ở xa, thủ thế, ông không muốn làm công việc của mình, cái công việc mà ông đã lựa chọn. Công việc mà ông vẫn giữ sau khi Irène chết. Mi có thể làm khác đi, ông tự nhủ, nhưng mi đã không làm. Mi đang ở đây, vào đúng lúc này, và sự hiện diện của mi chỉ có một cách biện minh duy nhất: tìm ra người phụ nữ vừa bị bắt cóc.

Camille thấy chóng mặt. Ông chống một tay lên thân một chiếc xe, tay kia nới cà vạt. Chắc chắn việc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt này không phải là điều gì đó hay ho lắm với một người dễ bị nỗi bất hạnh đánh quỵ đến vậy. Louis đi đến chỗ ông. Bất kỳ ai cũng sẽ hỏi: “Ổn chứ?” Nhưng Louis thì không. Anh chỉ đứng cạnh Camille, nhìn đi nơi khác, như đang đợi một bản án, với vẻ kiên nhẫn, xúc động và lo lắng.

Camille thoát khỏi cơn khó ở, như thể vừa rùng mình giũ cánh. Ông hỏi các kỹ thuật viên bên bộ phận Lý lịch tư pháp đang ở cách đó ba mét:

— Các anh tìm thấy gì rồi?

Ông tiến về phía họ, hắng giọng. Vấn đề ở một hiện trường vụ án chình ình giữa phố là ta phải thu nhặt tất tật mọi thứ, và rồi xem trong đống đó có những gì thuộc về vụ việc của mình.

Một kỹ thuật viên, người cao hơn trong hai người, ngẩng đầu về phía ông:

— Các đầu mẩu thuốc lá, một đồng xu… (anh ta cúi xuống chỗ cái túi ni lông đặt trên hòm dụng cụ của mình)… tiền nước ngoài, một vé tàu điện ngầm, và xa hơn một chút, có thêm một cái khăn giấy (đã dùng) cùng một cái nắp bút bằng nhựa.

Camille nhìn cái túi trong suốt có tấm vé tàu điện ngầm bên trong, ông giơ nó lên, hướng về phía ánh đèn.

— Và rõ ràng là, - kỹ thuật viên nói thêm, - cô ấy đã phải vật lộn ra trò đấy.

Trong rãnh nước lề đường là những bãi nôn mửa đang được đồng nghiệp của anh ta dùng một cái thìa vô trùng cẩn thận múc.

Phía barie xôn xao hẳn lên. Vài nhân viên mặc đồng phục đang vội vã bước đến. Camille đếm. Le Guen điều đến cho ông năm người.

Louis biết mình phải làm gì. Ba nhóm. Anh sẽ chuyển cho họ những dữ kiện đầu tiên, chia ô địa bàn quanh đây, vào giờ này sẽ không mở rộng phạm vi được, ra các mệnh lệnh, với Camille thì sẽ phải vậy thôi. Còn một nhân viên cuối cùng sẽ ở lại với Louis để thẩm vấn người dân quanh đây, yêu cầu những người đang đứng sau cửa sổ nhìn ngó và những người ở gần hiện trường vụ bắt cóc hơn cả phải xuống đây.

Quãng mười một giờ đêm, Louis Quyến Rũ tìm được tòa nhà duy nhất trên cả phố vẫn còn có một người gác cổng sống ở tầng trệt, một chuyện hiếm có ở Paris. Bà gác cổng chết đứ đừ trước vẻ lịch thiệp của Louis. Nhờ thế phòng bà ta liền trở thành đại bản doanh của cảnh sát. Người đàn bà giữ cửa ấy ngay lập tức mủi lòng khi nhìn thấy vóc dáng của chỉ huy. Khiếm khuyết đó, chẳng khác gì những con thú bị bỏ rơi, khiến bà nhói đau. Bà đưa ngay tay lên che miệng, Chúa ơi! Chúa ơi! Chúa ơi. Trước cảnh tượng nhìn thấy, mọi thứ bên trong bà đều thương cảm, run rẩy, yếu đuối, thật bất hạnh. Bà liếc trộm chỉ huy, hai mắt nheo nheo đau đớn, như thể ông mang một vết thương mở miệng toang hoác và bà đang chia sẻ nỗi đau với ông.

Bà hỏi Louis thật kín đáo:

— Anh có muốn tôi tìm một cái ghế thấp cho sếp của anh không?

Cứ như thể Camille vừa bị thu nhỏ lại, và cần phải ứng đối với chuyện ấy.

— Không, cảm ơn bà, - Louis Mộ Đạo đáp, mắt nhắm lại. - Thế này là tốt lắm rồi, hết sức cảm ơn, thưa bà.

Louis nở một nụ cười tuyệt mỹ với bà. Kết quả là bà pha cả một bình cà phê cho mọi người. Tách của Camille đi kèm một cái thìa rõ đẹp.

Các nhóm đều đang làm việc, Camille nhấm nháp tách cà phê trước cái nhìn thương cảm sầu muộn của bà gác cổng. Louis suy nghĩ. Đó là mặt mạnh của anh, Louis là một trí thức, lúc nào anh cũng suy nghĩ. Tìm cách hiểu.

— Một món tiền chuộc… - anh thận trọng đề xuất.

— Sex… - Camille nói. - Điên loạn…

Cứ thế thì có thể liệt kê đủ mọi dục vọng của con người: ham muốn phá phách, ý thích sở hữu, nổi loạn, chinh phục. Cả hai đều từng chứng kiến những dục vọng chết người, và giờ đây họ đang ở trong căn phòng gác cổng này, bất động… Gần như không làm gì.

Đã xong việc tìm kiếm ở xung quanh, đã yêu cầu những người sống trên tầng xuống phố, đã kiểm tra các lời chứng, những tin đồn, ý kiến của người này người kia, đã bấm chuông cửa nhiều nhà, lúc đầu cứ chắc sẽ tìm được gì đó rồi lại chẳng được gì, cứ thế hết một phần đêm.

Và đến giờ vẫn chưa có gì hết. Người phụ nữ bị bắt cóc chắc không sống ở khu này, hay ít nhất là không ở ngay sát địa điểm xảy ra vụ bắt cóc. Ở đây, có vẻ như không ai biết cô. Có ba dấu hiệu có thể khớp, những phụ nữ đang đi du lịch, đi vắng, không có nhà…

Tất tật đối với Camille chẳng hề nói lên điều gì có giá trị.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx