sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 59

Thẩm phán đã được Le Guen báo tin về vụ bắt giam và Armand là người phụ trách phần thủ tục. Lúc nào cũng hơi giống một cuộc chạy đua với thời gian, thời hạn tạm giam là hai mươi tư tiếng đồng hồ.

Vasseur không phản đối gì, miễn sao kết thúc được chuyện này, anh ta sẽ phải giải thích với vợ, anh ta sẽ đổ hết lên đầu lũ ngốc này, anh ta sẽ cởi dây giày, tháo thắt lưng, chấp nhận cho lấy dấu tay, lấy mẫu ADN, mọi thứ mà họ muốn, với anh ta điều quan trọng là sao cho thật mau chóng, anh ta sẽ không nói gì trong lúc đợi luật sư đến, anh ta sẽ chỉ trả lời các câu hỏi có tính chất hành chính nhưng những gì khác thì anh ta sẽ không nói, anh ta sẽ đợi.

Và anh ta gọi cho vợ. Công việc ấy mà. Không có gì nghiêm trọng nhưng anh không về ngay được. Em đừng lo. Anh bị giữ. Trong hoàn cảnh này, lẽ ra không nên dùng từ ấy, anh ta tìm cách chữa lại nhưng anh ta đã không hề chuẩn bị trước, không quen phải tự biện minh. Đột nhiên, vì thiếu lý lẽ, anh ta bèn chuyển sang giọng uy quyền, cái kiểu nói rõ ràng: Giờ thì đừng có làm anh bực mình với những câu hỏi của em nữa. Ở đầu dây bên kia có những khoảng lặng, có vẻ không hiểu. Anh không thể, anh đã nói rồi cơ mà! Ừ thì, em cứ đi một mình đi! Anh ta hét lên, điều đó mạnh hơn anh ta. Camille tự hỏi anh ta có đánh vợ không. Mai anh sẽ về. Anh ta không nói là bao giờ. Thôi, anh phải đi đây. Ừ, anh cũng thế. Ừ, anh sẽ gọi lại cho em.

Lúc đó là tám giờ mười lăm phút, luật sư đến vào lúc mười một giờ đêm. Đó là một thanh niên có bước chân lẹ làng và cả quyết, mà chưa ai từng gặp nhưng là người biết việc mình phải làm. Anh ta có ba mươi phút để thông báo cho khách hàng, hướng dẫn cách thức cư xử, khuyên nên thận trọng, trước hết là phải thận trọng, và chúc may mắn, bởi vì trong vòng ba mươi phút, lại không được quyền xem hồ sơ, đó gần như là tất cả những gì người ta có thể làm.

Camille đã quyết định về nhà, đi tắm, thay đồ. Sau vài phút, chiếc taxi thả ông xuống trước nhà. Ông đi thang máy, thực sự là ông phải mệt lắm rồi thì mới từ chối cầu thang bộ.

Cái gói đợi sẵn ông ở trước cửa, được bọc trong giấy bìa, buộc dây bên ngoài. Camille hiểu ngay lập tức, ông cầm nó lên và đi vào nhà. Doudouche chỉ được hưởng vài cái vuốt ve qua quýt.

Ông thấy thật kỳ quặc, đó là bức chân dung tự họa của Maud Verhoeven. Mười tám nghìn euro.

Đó là Louis, dĩ nhiên rồi, vắng mặt vào sáng Chủ nhật, mãi hai giờ chiều mới đến. với anh, một bức tranh mười tám nghìn euro chỉ là chuyện nhỏ. Dẫu thế việc này cũng khiến Camille cảm thấy khó ở. Trong hoàn cảnh thế này, ta không biết mình nợ người khác bao nhiêu, người kia ngầm trông đợi điều gì, cần phải làm gì. Nhận, từ chối, nói điều gì đó, vân vân. Quà tặng luôn đòi hỏi sự hồi đáp, dù là dưới hình thức nào đi nữa. Louis trông đợi gì với món hiến tế này? Trong lúc với quần áo và đi vào phòng tắm, tuy không muốn nhưng Camille vẫn quay trở lại với ý nghĩ về món tiền thu được từ cuộc bán đấu giá. Việc đem số tiền ấy làm từ thiện là một hành động khủng khiếp, một hành động như muốn nói với mẹ ông: Tôi chẳng muốn thứ gì từ bà nữa hết.

Ông đã hơi quá già nên không còn như vậy nữa, nhưng ta đâu có bao giờ kết thúc được với bố mẹ mình, chuyện ấy kéo dài bằng cả cuộc đời ta, cứ nhìn Alex thì biết. Ông lau người, đã lại vững tâm với quyết định của mình.

Sẽ chẳng sao đâu, bỏ đi số tiền ấy thì cũng đâu phải là bất trung. Chỉ là một cách kết toán mà thôi.

Mình sẽ thực sự làm thế chứ, cho đi tất cả?

Ngược lại, bức chân dung tự họa thì ông sẽ giữ, ông vừa mặc nốt quần áo vừa ngắm nó, ông đã đặt nó lên trường kỷ, đối diện với mình, ông hài lòng vì có nó. Đó là một bức tranh rất đẹp. Ông không giận mẹ, việc ông mong muốn giữ bức tranh chứng tỏ điều ấy. Lần đầu tiên, ông, người suốt cả thời tuổi trẻ cứ nghe người ta nói mãi rằng mình giống bố, tự thấy trong bức tranh này một nét giống với Maud. Điều đó khiến ông cảm thấy nhẹ nhõm. Ông đang chùi rửa cuộc đời mình. Ông cũng chẳng biết chuyện đó rồi sẽ dẫn tới đâu.

Ngay trước khi lại đi khỏi, Camille nghĩ đến Doudouche và mở cho nó một hộp đồ ăn.

Khi Camille quay lại Đội, ông gặp viên luật sư vừa xong việc, chính Armand đã rung chuông báo hết giờ gặp. Họ gặp lại Thomas Vasseur trong phòng làm việc, Armand đã tận dụng thì giờ để thông gió, giờ thì trong này thậm chí còn lạnh nữa.

Louis cũng đã đến, Camille ngầm ra hiệu cho anh, Louis đưa mắt dò hỏi, Camille ra dấu, họ sẽ nói chuyện sau.

Người Thomas Vasseur cứng đờ ra, có cảm giác như thể râu anh ta đã bất thần tăng tốc mọc thêm ra, như trong một quảng cáo phân bón, nhưng anh ta vẫn giữ chút hơi hướm nụ cười phảng phất đâu đó trên khuôn mặt. Các ông muốn chơi tôi nhưng các ông chẳng có gì và sẽ chẳng có gì hết. Cuộc chiến dai dẳng, tôi đã sẵn sàng cho nó, các ông thực sự coi tôi là một thằng ngu đấy. Viên luật sư đã khuyên anh ta chờ đợi để xem mọi việc diễn tiến thế nào, đó là kỹ thuật hay, cân nhắc các câu trả lời, không vội vã. Đó là một cuộc chạy đua với thời gian nhưng theo chiều ngược lại, cần nhất là phải kéo dài, trọn một ngày. Chắc sẽ không phải là hai. Luật sư nói rằng, để kéo dài hạn tạm giam, họ sẽ phải mang được thông tin mới đến trình cho thẩm phán và họ sẽ chẳng có gì, chẳng gì hết. Camille đọc được tất tật những điều đó trong cách thức anh ta mở miệng, khép lại, ưỡn ngực ra, hít sâu thở đều.

Người ta thường nói rằng những phút đầu tiên của một cuộc gặp chứa đựng toàn bộ mối quan hệ trong tương lai ở cấp độ thu nhỏ, Camille còn nhớ ông đã ác cảm với Vasseur ngay khi nhìn thấy anh ta. Phần lớn cách thức ông quyết định sử dụng để lèo lái vụ việc này tập trung ở đó. Thẩm phán Vidard cũng biết vậy.

Xét cho cùng, Camille và thẩm phán không khác nhau nhiều lắm. Thật đáng nản khi phải nhìn nhận mọi việc như thế.

Le Guen đã xác nhận rằng thẩm phán Vidard nhất trí với chiến lược của Camille. Ta sẽ sớm thấy mọi thứ thôi. Lúc này, Camille đang bấn loạn lên với đủ thứ xúc cảm. Đến lượt mình, thẩm phán tham gia buổi hòa tấu. Bằng cách nhất quyết đứng về phía ông, thẩm phán buộc Camille phải điều chỉnh lại buổi trình diễn của mình. Thật đáng bực khi phải nhận những bài học như vậy.

Armand thông báo ngày giờ, như người xướng ngôn trong các vở bi kịch Hy Lạp, tên và cấp bậc những người có mặt.

Camille là người mở màn:

— Và trước hết, anh ngừng làm tôi bực với các “giả thiết” của anh đi nhé.

Đổi kiểu. Đã vào cuộc, Camille tập hợp các suy nghĩ của mình lại, nhìn đồng hồ đeo tay.

— Vậy là, Alex từng tống tiền anh.

Ông nói câu này bằng giọng căng thẳng, nghe như thể đang mải nghĩ đến chuyện gì khác.

— Giải thích cho tôi điều đó đi, - Vasseur đáp.

Một Thomas Vasseur đầy kỷ luật, sẵn sàng chiến đấu.

Camille quay sang Armand, bị bất ngờ, Armand bèn vội vã lục tìm trong tập hồ sơ, mất rõ lắm thời gian, người ta có cảm tưởng như nhìn thấy đống giấy nhớ, những trang giấy rời đang bay lên, thực sự phải tự hỏi không biết nền cộng hòa có đặt lòng tin vào đúng người hay không nữa. Nhưng anh đã tìm thấy. Lúc nào Armand cũng tìm thấy.

— Vay công ty của anh, Distrifair, hai mươi nghìn euro, ngày 15 tháng Hai năm 2005. Vì khi mua nhà anh đã nợ quá nhiều nên không thể vay thêm tiền ở ngân hàng được nữa, thế nên anh phải cầu cứu ông chủ của mình. Anh trả theo tháng, dựa trên mức tiền anh kiếm được.

— Tôi không thấy có gì liên quan đến chuyện tống tiền, thật đấy!

— Chúng tôi đã tìm được, - Camille nói tiếp, - trong phòng của Alex, khoản tiền mười hai nghìn euro. Các tệp tiền rất chỉn chu, đi thẳng từ ngân hàng ra, được buộc bằng những dải nhựa mỏng.

Vasseur bĩu môi vẻ ngờ vực.

— Thế thì sao?

Camille chỉ tay vào Armand, cử chỉ của người chủ trò. Armand lao vào việc:

— Ngân hàng của anh đã xác nhận với chúng tôi việc ngày 15 tháng Hai năm 2005 đã nhận vào một tờ séc trị giá hai mươi nghìn euro từ ông chủ anh, và việc xuất ra cùng khoản ấy bằng tiền mặt, vào ngày 18.

Camille vỗ tay hoan hô trong im lặng, nhắm mắt lại. Mở mắt ra:

— Thế thì, vì lý do gì mà anh lại cần hai mươi nghìn euro, thưa anh Vasseur?

Phân vân. Dù ta có ngóng sẵn thì điều tồi tệ nhất vẫn cứ hiện ra dưới những dạng hình không ngừng thay đổi. Đó là kết luận có thể đọc được trong ánh mắt của Vasseur. Họ đã đến gặp ông chủ của anh ta. Việc tạm giam bắt đầu chưa đầy năm tiếng, vẫn còn phải trụ vững mười chín tiếng nữa. Cả đời mình Vasseur đã làm trong lĩnh vực bán hàng, để kháng cự với những cú sốc thì không có cách đào tạo nào tốt hơn nữa. Anh ta nhận đòn.

— Nợ chơi bạc.

— Anh đã đánh bạc với em gái mình và anh đã thua, đúng không?

— Không, không phải với Alex, mà là với… một người khác.

— Ai?

Vasseur thở khó nhọc.

— Ta sẽ tiết kiệm được ít thời gian, - Camille nói. - Số tiền hai mươi nghìn euro này đã được chuyển cho Alex. Cô ta còn lại gần mười hai nghìn euro, chúng tôi đã tìm thấy trong phòng cô ta. Trên nhiều dải nhựa buộc tiền có dấu vân tay của anh.

Họ đã tới được tận đó rồi. Chính xác thì họ đã lần ngược đến đâu? Họ biết gì? Họ muốn gì?

Camille đọc thấy những câu hỏi đó trong các nếp nhăn trên trán Vasseur, trong cặp con ngươi của anh ta, trong đôi bàn tay của anh ta. Chẳng có gì liên quan đến nghề nghiệp ở đây cả, sẽ chẳng bao giờ ông nói điều đó cho một ai, nhưng Camille căm ghét Vasseur. Ông căm ghét anh ta. Ông muốn giết anh ta. Ông sẽ giết anh ta. Cách đây mấy tuần, ông đã nghĩ thế về thẩm phán Vidard. Mày không tình cờ mà ở đây đâu, ông có thể tự nhủ, mày là một tên giết người tiềm tàng.

— OK, - Vasseur đã chọn xong, - tôi cho em gái tôi vay tiền. Việc đó có bị cấm không?

Camille cảm thấy khoan khoái như thể vừa dùng phấn vẽ được một dấu nhân lên bức tường. Ông mỉm cười nhưng đó không phải là một nụ cười tốt lành.

— Anh biết rõ là việc đó không bị cấm, thế nên tại sao lại phải nói dối?

— Không liên quan đến ông.

Đúng cái câu không được nói ra.

— Trong hoàn cảnh hiện tại của anh, có gì không liên quan đến cảnh sát đây hả, thưa anh Vasseur?

Có điện thoại của Le Guen. Camille ra khỏi phòng. Sếp cẩm muốn biết mọi chuyện đến đâu rồi. Khó nói lắm, Camille chọn cách khiến người ta an lòng nhất:

— Không tệ, đang đi theo đúng đường…

Le Guen không nhảy dựng lên.

— Phía bên anh thì sao…? - Camille hỏi.

— Hơi ít thời gian quá nhưng chúng tôi sẽ làm được.

— Thế thì ta tập trung vào việc nhé.

— Em gái anh đã không…

— Em cùng mẹ thôi! - Vasseur sửa lại.

— Em cùng mẹ, như thế thì có thay đổi được gì không?

— Có chứ, không giống nhau đâu, lẽ ra các ông phải chứng tỏ mình nói năng chính xác chứ.

Camille nhìn Louis rồi Armand, vẻ như muốn nói, các cậu thấy chưa? Anh ta tự vệ không đến nỗi tồi đấy nhỉ?

— Thế thì ta sẽ gọi là Alex nhé. Thật ra, chúng tôi không hoàn toàn chắc chắn Alex có ý định tự tử.

— Thế nhưng nó đã làm thế cơ mà.

— Hẳn rồi. Nhưng anh, người biết rõ cô ấy hơn bất kỳ ai khác, có lẽ anh có thể giải thích cho chúng tôi. Nếu muốn chết, tại sao cô ta lại chuẩn bị cho chuyến bỏ trốn ra nước ngoài?

Vasseur nhướng mày. Không hiểu rõ câu hỏi lắm.

Lần này, Camille chỉ phác một cử chỉ về phía Louis.

— Em gái anh… xin lỗi, Alex đã dùng tên mình để mua một vé máy bay đi Zurich, hôm trước khi cô ta chết, hôm sau sẽ khởi hành, mồng 5 tháng Mười vào lúc tám giờ bốn mươi phút. Thậm chí cô ta còn tranh thủ lúc đến sân bay để mua một chiếc túi du lịch mà chúng tôi đã tìm thấy, đã xếp đồ rất cẩn thận, sẵn sàng để lên đường, trong phòng cô ta.

— Anh nói tôi mới biết đấy… Thì chắc nó đã đổi ý. Tôi đã bảo rồi, nó bất ổn lắm mà.

— Cô ta đã chọn một khách sạn gần sân bay, thậm chí cô ấy còn đặt một chiếc taxi cho sáng hôm sau, trong khi đã có sẵn ô tô. Chắc là vì không muốn vướng bận, phải tìm chỗ đỗ xe, lỡ mất chuyến bay. Cô ta muốn ra đi một cách dễ dàng. Cô ta cũng đã vứt đi cả đống thứ thuộc về mình, cô ta không muốn để lại gì sau lưng, kể cả mấy chai axít. Các kỹ thuật viên của chúng tôi đã phân tích chúng, đó chính là thứ đã được dùng trong các tội ác của cô ta, axít sunfuric đậm đặc khoảng 80%. Cô ấy sắp đi, cô ta sắp rời khỏi nước Pháp, cô ấy sắp bỏ trốn.

— Các ông muốn tôi nói gì nào? Tôi không thể trả lời thay nó được. Vả lại, chẳng ai có thể trả lời thay nó được!

Vasseur bèn quay sang Armand, sang Louis, tìm kiếm sự đồng tình, nhưng tâm trí đã không còn ở đó nữa.

— Nếu anh không thể trả lời thay cho Alex, - Camille đề xuất, - thì ít nhất anh cũng có thể trả lời cho bản thân anh.

— Nếu tôi có thể…

— Tất nhiên là anh có thể. Anh đã làm gì vào buổi tối ngày 4 tháng Mười, ngày Alex chết, xem nào, từ tám giờ tối đến nửa đêm?

Thomas ngần ngừ, Camille ào đến:

— Chúng tôi sẽ giúp anh… Armand?

Thật lạ, cứ như là để nhấn mạnh cái vẻ đậm chất kịch của tình huống, Armand đứng dậy, giống như ở trường học khi cô giáo gọi ta đứng lên đọc bài. Anh đọc các ghi chép của mình hết sức cần mẫn.

— Anh đã nhận được một cú điện thoại vào lúc tám giờ ba mươi tư phút, lúc đó anh đang ở nhà. Vợ anh đã khai với chúng tôi: “Thomas đã nhận được một cú điện thoại từ chỗ làm, có việc khẩn cấp.” Có vẻ như là trong khuôn khổ công việc của anh, một cú điện thoại muộn như vậy gần như là chuyện không bao giờ có… “Anh ấy đã rất bực bội,” cô ấy còn nói rõ thêm với chúng tôi. Theo vợ anh, anh đã ra khỏi nhà lúc tầm mười giờ, mãi sau nửa đêm anh mới về, cô ấy không thể nói rõ thêm vì cô ấy đã đi ngủ và không chú ý xem giờ lắm. Nhưng chắc chắn không phải trước mười hai giờ, vì giờ đó cô ấy mới đi ngủ.

Thomas Vasseur có cả đống chi tiết phải tiếp nhận. Vợ anh ta đã bị tra hỏi. Lúc nãy anh ta đã nghĩ đến chuyện đó. Còn gì khác nữa đây?

— Thế nhưng, - Armand nói tiếp, - tất tật câu chuyện này, chúng tôi biết rằng hoàn toàn không đúng thế.

— Tại sao cậu lại nói thế hả Armand? - Camille hỏi.

— Bởi vì vào lúc tám giờ ba mươi tư phút, anh Vasseur đã nhận được một cú điện thoại của Alex. Cuộc gọi đã được ghi lại vì cô ta đã bấm số của anh ta từ phòng khách sạn. Chúng tôi sẽ kiểm tra ở hãng điện thoại di động của anh Vasseur nhưng về phần mình, ông chủ của anh ta đã nói rất rõ ràng, tối hôm đó không có việc gì khẩn cấp. Thậm chí ông ấy còn nói rõ thêm: “Trong nghề của chúng tôi, một việc khẩn cấp vào ban đêm thật là khó hình dung. Chúng tôi đâu phải là bên cấp cứu y tế.”

— Suy nghĩ ấy thật là tinh tế, - Camille nói.

Ông quay sang Vasseur, nhưng không kịp tận dụng lợi thế. Vasseur cắt lời ông:

— Alex đã để lại cho tôi một tin nhắn, nó muốn gặp tôi, nó hẹn tôi. Vào lúc mười một giờ rưỡi.

— A, anh đã nhớ ra rồi!

— Ở Aulnay-sous-Bois.

— Aulnay, Aulnay, xem nào… nhưng mà nó ở ngay gần Villepinte, ngay gần nơi cô ta chết. Vậy là, vào lúc tám rưỡi, cô em gái yêu quý của anh gọi cho anh, rồi anh làm gì?

— Tôi đến đó.

— Hai anh em anh thường có cái kiểu hẹn gặp như thế à?

— Không hẳn.

— Cô ta muốn gì?

— Nó bảo tôi đến, nó đưa tôi một địa chỉ, kèm giờ giấc, vậy thôi.

Thomas tiếp tục cân nhắc mọi câu trả lời của mình nhưng, trong khi anh ta làm vậy, có thể cảm nhận được là anh ta muốn thoát thân, các câu nói vọt ra quá nhanh, hẳn anh ta phải không ngừng cố chế ngự để theo đúng chiến lược định sẵn.

— Thế theo anh thì cô ta muốn gì?

— Làm sao tôi biết được.

— Chà chà chà chà, làm sao anh biết được…!

— Dù gì thì nó cũng đâu nói gì với tôi.

— Tóm tắt lại nhé. Năm ngoái, cô ta đòi anh đưa hai mươi nghìn euro. Theo chúng tôi, để lấy được số tiền đó, cô ta đã đe dọa sẽ gây náo loạn trong gia đình bé nhỏ của anh, cô ta sẽ kể chuyện anh đã hiếp cô ta khi cô ta mới mười tuổi, rồi anh đã bắt cô ta làm điếm…

— Ông chẳng có bằng chứng nào hết!

Thomas Vasseur đứng bật dậy, hét lên. Camille mỉm cười. Vasseur đã mất bình tĩnh, đó là món lợi lớn.

— Ngồi xuống đi, - ông nói, hết sức bình thản. - Tôi đang nói “theo chúng tôi”, đó là một giả thiết, tôi biết là anh thích các giả thiết cơ mà.

Ông đợi vài giây trôi qua.

— Vả lại, vì chúng ta đang nói đến bằng chứng, Alex có một bằng chứng rất tuyệt, rằng tuổi trẻ của cô ấy đã không hề tốt đẹp, chỉ cần cô ta đến gặp vợ anh thôi. Giữa phụ nữ với nhau, họ có thể kể những chuyện như thế, thậm chí còn có thể cho nhau xem nữa cơ. Nếu Alex cho vợ anh xem điều thầm kín trong vòng vài giây, ta có thể cược rằng trong gia đình Vasseur sẽ xảy ra náo loạn, không phải à? Thế nên, để kết luận, “theo chúng tôi”, vì cô ta đã lên chương trình sẵn là hôm sau sẽ ra đi và gần như không còn tiền trong tài khoản, chỉ có mười hai nghìn euro tiền mặt… cô ta đã gọi cho anh để đòi tiền tiếp.

— Tin nhắn của nó hoàn toàn không nhắc đến chuyện đó. Vả lại, giữa đêm hôm như thế, tôi đào đâu ra tiền cơ chứ?

— Chúng tôi nghĩ rằng Alex báo trước cho anh là anh sẽ phải sớm kiếm tiền, để cô ta còn kịp ổn định ở nước ngoài. Và anh cũng sẽ phải tự đi mà xoay xở bởi vì chắc chắn cô ta sẽ cần rất nhiều tiền… Một cuộc đào thoát thì tốn kém lắm. Nhưng chúng ta sẽ nói lại chuyện đó sau, tôi chắc chắn đấy. Còn lúc này thì, anh đã ra khỏi nhà vào giữa đêm… và anh đã làm gì?

— Tôi đi đến địa chỉ mà nó để lại.

— Địa chỉ nào?

— Đại lộ Jouvenel. Số 137.

— Thế ở số 137 đại lộ Jouvenel có cái gì?

— Thì có gì đâu.

— Sao cơ, không có gì à?

— Không, chẳng có gì.

Louis còn chẳng cần đợi Camille ngoảnh mặt sang đã vớ lấy bàn phím máy vi tính, gõ địa chỉ lên một trang web chuyên về bản đồ và lộ trình, đợi vài giây rồi rốt cuộc ra dấu gọi Camille lại gần.

— Ừ nhỉ, anh nói đúng, chẳng có gì… Số 135 là khu văn phòng, số 139 một tiệm giặt, còn ở giữa, số 137, một cửa hiệu đang rao bán. Đóng cửa. Anh có nghĩ là cô ấy muốn mua một cửa hiệu không?

Louis di con chuột để xem xét xung quanh, phía bên kia đường. Nhìn mặt anh là biết anh chẳng tìm thấy gì.

— Dĩ nhiên là không rồi, - Vasseur đáp. - Nhưng tôi không biết nó muốn gì vì nó có đến đâu.

— Anh không thử gọi cho cô ta à?

— Gọi không được.

— Đúng rồi, chúng tôi đã kiểm tra. Cô ta đã hủy thuê bao từ cách đây ba ngày. Chắc là để chuẩn bị ra đi. Thế anh đã ở trước cái cửa hiệu đang rao bán đó bao lâu?

— Cho đến nửa đêm.

— Anh kiên nhẫn quá, tốt đấy. Khi yêu, ta vô cùng kiên nhẫn, cái đó thì ai cũng biết. Có ai nhìn thấy anh không?

— Tôi nghĩ là không.

— Bực nhỉ.

— Nhất là bực cho các ông thôi, vì các ông mới phải chứng minh điều gì đó, có phải tôi đâu.

— Chẳng bực cho anh cũng chẳng bực cho tôi, bực nói chung thôi, chuyện này tạo ra các khoảng tối, gây nghi ngờ, hơi có mùi “bịa chuyện”. Nhưng cũng chẳng quan trọng. Tôi cho là vụ rắc rối đã xong xuôi và thế rồi anh đi về nhà.

Thomas không đáp. Một cái máy scan chắc chắn sẽ cho thấy tốc độ các nơ ron thần kinh của anh ta tìm cách kiếm cho ra đồ hình chuẩn.

— Thế nào? - Camille gặng hỏi. - Anh về nhà à?

Bộ não Vasseur có huy động hết khả năng thì anh ta cũng không tìm ra giải pháp thỏa đáng.

— Không, tôi đã đến khách sạn.

Anh ta đã quyết định nhảy xuống nước.

— Ơ kìa, - Camille nói, sửng sốt. - Nhưng anh có biết cô ấy ở khách sạn nào đâu?

— Không, Alex đã gọi cho tôi, tôi chỉ việc gọi lại số đó thôi.

— Rất khôn khéo đấy! Rồi sao…?

— Không có ai trả lời. Tôi rơi vào hộp thư thoại.

— Ôi, tiếc quá! Thế là, anh bèn đi về nhà.

Lần này, hai bán cầu não gần như va chạm với nhau. Thomas nhắm mắt lại. Có điều gì đó cảnh báo rằng cách này không tốt nhưng anh ta không biết phải làm gì.

— Không, - rốt cuộc anh ta nói, - tôi đã đến khách sạn. Đóng cửa. Không có tiếp tân.

— Louis? - Camille hỏi.

— Bộ phận tiếp tân làm việc đến mười giờ rưỡi. Sau đó, muốn vào thì phải có mã số. Khách được đưa mã số khi đặt phòng.

— Thế là, - Camille nói tiếp với Vasseur, - anh bèn đi về nhà.

— Đúng.

Camille quay sang mấy người phụ tá.

— Ái chà, cuộc phiêu lưu mới hay ho làm sao! Armand… Hình như cậu có chút nghi ngờ phải không?

Lần này, Armand không đứng dậy:

— Lời chứng của ông Leboulanger và bà Farida.

— Cậu có chắc không?

Armand vội lục tìm trong tập sổ ghi chép.

— Không, anh nói đúng. Farida là tên riêng. Phải là bà Farida Sartaoui chứ.

— Thứ lỗi cho đồng nghiệp của tôi nhé, anh Vasseur, lúc nào cậu ấy cũng gặp vấn đề với tên người nước ngoài. Thế tức là, những người ấy…?

— Khách của khách sạn, - Armand nói tiếp. - Họ về khách sạn vào quãng mười hai giờ mười lăm phút.

— Được rồi, rồi rồi! - Vasseur bùng nổ. - Được rồi!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx