sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

An Tư - Chương 02 - Phần 1

Chương II

Phần 1

Cối kê cựu sự quân tu kỷ,

Hoan ái ta còn thập vạn binh.

Chiêu Thành Vương Trần Thông là con cả Thái úy Khâm Thiên Đại vương Trần Nhật Hiệu. Khâm Thiên khi mất mới bốn mươi bốn tuổi, sinh hạ được bốn con, cả là Thông, thứ là Nhiếp, sau là hai người con gái.

Sinh trưởng ở một gia đình quý tộc, sung túc, Trần Thông tuy mồ côi cha từ bé, nhưng được dạy dỗ chu đáo. Bà mẹ là người cương quyết, thông minh, nên ảnh hưởng về đường giáo dục của chàng rất lớn. Vương cũng có học văn, nhưng thiên về võ hơn và có một tinh thần thượng võ rất cao. Nguyên do cũng vì chung quanh vương, kể từ các vương trần cho đến dân gian ai ai cũng ham luyện tập côn quyền. Vương tinh thông cả mười tám ban võ nghệ, nghe đâu có thầy giỏi theo sát tại nhà. Thường mời những dũng sĩ các nơi đến tỉ thí, ai có môn võ nào hay là học cho bằng được mới thôi. Vương lại rất ham đánh vật, môn thể thao thịnh hành nhất thời Trần, mỗi khi cởi trần đóng khố ra sân vật, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi thân hình lực sĩ của chàng. Bắp thịt nở nang, lẳn từng núi, da chàng ngăm ngăm, nên trông vững chãi như một pho tượng đồng. Tính chàng lại hiếu thắng, không chịu thua ai, trong các cuộc tranh đấu bao giờ cũng bền bỉ và liều, đối phương nhiều khi bị thua vì thế. Không những chăm luyện tập thân thể, chàng còn sành bơi lội, ham săn bắn, thường đi thám hiểm những hang sâu động lớn, vượt biển đè sóng, hoặc lên núi vào rừng, bắt được hổ báo đem về luôn luôn.

Là một vị vương tước, chỗ chí thân của nhà vua, Trần Thông được quyền mộ các trai tráng trong vùng là quân bản bộ. Trước còn vài trăm, sau năm trăm một nghìn, chàng lấy hiệu quân “Tinh Cương” của Khâm Thiên khi trước. Nền nếp cũ, năng khiếu riêng, sự chỉ bảo của các vị vương hầu thạo hơn, và sự đọc sách nói về nghề binh đã giúp chàng luyện được một đoàn quân có kỷ luật, có sức chiến đấu rất mạnh, hoàn toàn phục tùng chàng. Tuy còn trẻ, Thông đã tỏ ra là một viên tướng giỏi.

Giáo dục, tinh thần và địa vị đã tạo cho chàng trở thành một người dũng kiện, quả cảm, kinh nguy hiểm, khéo chỉ huy, lúc nào cũng có thể gánh vác được những nhiệm vụ khó khăn.

Tuy còn trẻ, nhưng so vai vế thì vương ngang hàng với Thánh Tông Thượng Hoàng, với Tĩnh Quốc Chiêu Văn vương, với Quốc công Hưng Đạo, và đứng vào hàng chú vua Thiệu Bảo. Thánh Tông thương chú mất sớm nên không bỏ lỡ một dịp nào ban xuân lộc cho em. Mỗi khi chàng về đến kinh, Thượng hoàng giữ chàng mãi mới cho về, khoản đãi rất hậu. Anh em chị em tôn thất đối với chàng cũng rất là luyến ái.

Cuộc tình duyên giữa chàng và An Tư đã bắt đầu được ngót một năm nay, và mỗi ngày một thêm đằm thắm. Họ đã yêu nhau với tất cả sự bồng bột của tuổi trẻ, với tất cả sức mạnh của rung động, tâm hồn hoàn toàn buông lỏng. Sự thân mật giữa anh em chị em trong họ hàng, sự dễ dãi của một phong tục tự do thoát hắn ra ngoài luân lý đạo Khổng, không khí êm đềm, nhàn hạ, phong lưu trong cung, tất cả những điều kiện ấy đã giúp cho cuộc tình duyên nảy nở. Hoặc cùng nhau hội yến, đan tay nhảy múa, hay ngồi đánh bài trong cung nghe hát, hay đua thuyền hóng mát trên Hồ Tây, đôi mắt lửa tìm đôi mắt nhung, bóng ngang tàng chỉ hòa theo bóng liễu.

Vương thỉnh thoảng mới về kinh, về những dịp kỵ lạp hay những ngày lễ vạn thọ, mỗi năm chỉ độ ba bốn lần, sự xa cách càng thêm nung nấu tình yêu đôi lứa, kích thích bởi nhớ mong. Mỗi khi đến Thăng Long, chàng không bỏ lỡ một dịp nào mà không lẻn vào cung riêng tình tự cùng với người chị con nhà bác ruột.

Ở cung An Tư đi ra, Chiêu thành Vương ngây ngất như một người say rượu, hồn chàng phiêu nhiên bay bổng trên mấy từng mây. Mắt chàng mơ màng, những màu hồng vui như nhảy đón trước mặt chàng. Cánh tay chàng còn đượm sức nóng của thân nõn nà, tai còn nghe tiếng sáo của lời nàng, mũi chàng còn phảng phất hương vị ngây ngất của xác thịt, toàn thể con người như được bao bọc một làn phấn ái tình êm dịu. Chàng không nhìn thấy gì ngoài hình ảnh vinh quang hiện trong khung cảnh rực rỡ của xóm đào, chàng không nghe thấy gì ngoài khúc nhạc tưng bừng của tình ái. An Tư hiện trước mặt chàng trong trắng kiều lệ, chàng tự hào hơn chúng bạn vì được một giai nhân tuyệt thế ấy để lọt vào mắt xanh. Dù phải phơi thân ngoài chiến địa, chàng có tiếc gì.

Trong phút say sưa, chàng tưởng như nàng ở trước mặt, giơ tay, để vuốt ve làn tóc đen dài. Một tiếng gọi, kéo chàng từ chín tầng mây xuống thực tế. Chàng giật mình e hẹn vì đã qua cửa Dương Minh và một người lính trong đội cung thần hỏi:

- Hoàng thúc làm gì đấy?

Cờ quạt dàn bày, kiếm kích ngời sáng. Gã tình nhân ngây thơ đã biến mất và Trần Thông hiện nguyên hình là một chiến sĩ giữa một quang cảnh sực mùi chinh chiến. Chàng còn đương hoang mang, thì thấy trong cửa Dương Minh đi ra một người vào trạc hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi, chít khăn vàng, mặc áo bào vàng chẽn, đeo kiếm dài, mặt trái xoan, điểm những đường vân tía, trông hao hao nét mặt Khổng Phu Tử, thần khí quang thái, dáng trông uy nghiêm tôn kính, nhưng đạo mạo rất nhân từ. Ấy là vua Thiệu Bảo.

Thấy Chiêu Thành vương, vua tươi cười, chàng bước lại phủ phục xuống bên đường, hô vạn tuế. Vua tiến lại, nâng dậy cất lời sang sảng phán:

- Xin hoàng thúc bình thân.

Vua ép chàng cùng đi song hàng và nói tiếp:

- Trẫm muốn nhờ hoàng thúc một việc, không ngờ lại gặp hoàng thúc ở đây, may lắm. Hoàng thúc không cần lên Bắc vội.

- Hạ thần xin chờ lệnh thánh.

- Hoàng thúc chắc chưa biết rõ. Quân ta thua to quá, Chi Lăng đã mất, Thoát Hoan đánh xuống thế như chẻ tre, quân sĩ lại hung ác giết hại nhân dân rất nhiều. Quốc công kéo đại binh về Vạn kiếp, quân tướng tan vỡ. Trẫm lấy làm lo lắm, nay trẫm muốn về Vạn Kiếp hỏi chuyện Quốc công, nhưng không muốn bày vẽ nghi thượng, trẫm tính đi chiếc thuyền con nhanh và tiện hơn, muốn mong hoàng thúc cùng đi…

- Hạ thần xin tuân thánh chỉ.

Vương lúc ấy rất thẹn với mình, chàng cảm thấy như mình mang tội lớn với nhà vua, với xã tắc, với cả triều đình. Trong các vương hầu, chàng là người ra trận sau hơn cả, chùng chình mãi đến khi cất quân đi còn ham bề son phấn. Vương coi chính như mình đã mang một trách nhiệm lớn trong sự thất bại của quan quân. Vì thế Vương ngượng nghịu, tuy vua Thiệu Bảo rất ôn tồn không nói gì và cũng không biết gì về chuyện đêm qua. Vua vui vẻ và thân mật bảo chàng:

- Vậy hai chú cháu ta cùng đi ngay.

- Tâu quan gia, hạ thần xin tuân mệnh, chỉ xin quan gia cho hạ thần báo tin trước cho quân bản bộ kẻo họ nóng ruột vì họ đang sốt sắng ra trận.

- Hoàng thúc thực là chu đáo. Vậy hoàng thúc về ngay đây nhé, trẫm cũng còn phải bẩm mệnh Thượng hoàng.

Vương mượn một con ngựa phóng ra ngoài thành Long Phượng. Xa xa, cánh đồng đã hiện rõ lá cờ “Tinh Cương”. Chàng tiến lại, Trần Quỹ và đoàn gia tướng ra đón, hai nghìn tráng sĩ thấy chủ về ai nấy đều hớn hở bảo nhau sửa soạn lên đường. Họ bị “giam cầm” nay mới được gia trận, người nào cũng mong chóng được lên Bắc, giao chiến cùng rợ Mông để tỏ chí bình sinh và báo ơn chủ tướng.

Trần Quỹ trạc năm mươi tuổi, tóc bạc râu thưa, trông tráng kiện và có vẻ hiền lành cẩn thận. Vương cùng Trần Quỹ và các gia tướng đi thăm đội ngũ, thấy quân ngăn nắp tề chỉnh, quay lại khen Trần Quỹ và bảo mọi người:

- Ta phải đi lo một việc khẩn cấp không tiện nói ra đây. Các ngươi mong muốn lên đường, ta biết, nhưng đành vậy, hãy nấn ná chờ ta vài bữa. Ta đi, công việc lớn nhỏ ở nhà giao cả cho Quỹ, các ngươi nên nghe lời Quỹ cũng như nghe lời ta. Đừng có sao nhãng nghề binh, chểnh mảng đội ngũ. Các ngươi chưa ra trận cũng như ra trận rồi, ở nhà mà luyện tập thân thể cho thêm cứng rắn, võ nghệ cho thêm tinh thông, ấy cũng là đánh giặc đấy.

Chàng chào mọi người rồi bước ra. Họ có ý thất vọng và dường như ghen cùng chủ, nhưng sau khi hiểu họ không oán chàng nữa, cho rằng việc chàng phải đi đây chắc còn quan trọng gấp mười việc ra trận. Họ cũng thừa hiểu chính vương cũng sốt ruột lắm, không khi nào chàng lại có ý hoãn việc tiến binh.

Khi Chiêu Thành vương đến cửa Dương Minh, thì vua Thiệu Bảo đang đi đi lại lại chờ đợi. Thấy vương, vua nói:

- Nào ta đi cho được việc.

Vương theo vua ra bến sông Cái. Dân gian biết là vua đi, kéo nhau lũ lượt theo sau, khắp các phố phường người ta đổ ra, tiếng hô vạn tuế vang lừng, vui vầy và đầm ấm. Nếu là ông vua khác, thì dân chúng đã phạm vào tội bất kính, nhưng vua Thiệu Bảo lại thấy thế làm thích. Vua vốn người nhân hậu, công chính, hàng ngày thường cúi xuống bách tính, xem xét dân tình, có khi vi hành để thân dân. Vua không bỏ lỡ một dịp nào để giúp họ: đói kém thì phát gạo, rách rưới thì ban quần áo. Vua không nề hà điều gì, vào cả túp lều tranh ẩm thấp, trò chuyện cùng ông già bà cả, có khi ẵm đứa trẻ nhỏ giữa những tiếng cười hồn nhiên của đám người bình dân.

Thượng hoàng nhiều khi quở trách, các quan nhiều lần can, nhưng vua vẫn không sao bỏ được thói quen khả ái ấy, phát sinh từ lòng hồn nhiên bác ái không bao trùm đẳng cấp. Vì vua hay gần gũi với dân gian, nên mỗi khi đi đâu, bách tính kéo ra theo như nước. Những lúc ấy vua không bao giờ cần hộ vệ, để được hoàn toàn chung sống với những người chất phác, thành tâm quyến luyến. Họ đã coi vua như một Thế tôn, một Bồ Tát đầy lòng từ bi hỉ xả, họ chỉ đợi dịp báo ơn vua nhân hậu.

Được gần vua, họ biết tính tình vua, cả những thói quen của vua. Từ mấy năm nay, lòng dân yêu vua lại càng tăng nữa. Họ biết nhà Nguyên sách nhiễu, sứ Mông vô lễ, kinh động triều đình, họ còn nhớ rõ thái độ ngỗ ngược của viên thượng sứ Sài Thung khinh người như cỏ rác. Vậy mà vua Thiệu Bảo cứ chịu nhục, đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, không phải vì vua sợ chúng. Dân gian đã biết vua là một người quả cảm, cương nghị, nhưng sở dĩ vua phải chịu nước lép vì – họ đã biết rõ – vua không muốn chiến tranh. Vua muốn dàn xếp khôn khéo đem tài ngoại giao mua lấy cuộc hòa bình, tránh cho bách tính cái thảm họa binh cách. Ngày thường cẫn còn chưa lo đủ cho dân no ấm, huống chi còn chuốc lấy một việc hung. Vốn là nhà chính trị khôn ngoan và sáng suốt, vua Thiệu Bảo biết chiến tranh tàn hại, khốc liệt, không lợi gì cho kẻ dự chiến, bên thắng cũng như bên bại và ông vua giỏi không phải là một người cùng binh độc vũ, mà là người biết mưu hạnh phúc cho dân gian trong không khí yên lành.

Vì thế, vua tuy không phải là thiếu dũng, cứ trù trừ mãi, mặc dầu sự yêu sách của Hốt Tất Liệt trở nên gay gắt vô lý. Việc quân Nguyên đòi mượn đường sang Nam đánh Chiêm Thành là một việc không thể nào chiều được. Dân đều biết đức vua lo nghĩ. Họ sốt ruột và sôi nổi vô cùng. Họ không chịu được thế nước lép vế. Họ giận thâm gan tím ruột quân Mông cổ và sứ thần hống hách của chúng, họ lấy làm nhục để vua phải nhường nhịn kẻ thù, và muôn người như một họ nung nấu lòng căm ghét, chỉ mong đạt đạo giúp vua: thà chết cả chứ không chịu nhục, dù yếu nhưng không chịu thua mạnh, đó là tâm lý chung của dân chúng kinh thành. Lòng muôn người đều nghĩ đến việc tận trung báo quốc, để cho vua đỡ lo, vai đỡ nặng, mặt đỡ buồn. Họ chỉ đợi một chiếu hưng sự là sẽ bổ ra trước cờ, xin đi đánh giặc.

Vua Thiệu Bảo đã qua bao nhiêu đêm suy tư, cái thế đã giục triều đình tuốt gươm đáp lại những uy hiếp của nhà Nguyên. Vua đã quyết định, dân chúng mong manh tin đều thở dài sung sướng. Họ muốn quây ngay lấy vua, xin ngài đừng lo ngại. Họ đã sẵn lòng vì vua ủng hộ ngôi báu và giang sơn và quân Nguyên sẽ không qua được nước Nam một khi hơi thở của người cuối cùng chưa tắt… Giữa lúc ấy thì một tờ chiếu ban ra: Trước khi quyết định, triều đình cho triệu bô lão trong thiên hạ để trưng cầu ý kiến.

Dân gian ngờ đâu có sự phi thường ấy. Họ còn nhớ rõ như hôm qua, cái ngày trọng đại, trong khi bóng hung tợn của quân Mông Cổ đã hiện rõ ngoài biên, kinh đô đã được trang hoàng như một ngày hội lớn, cờ quạt tàn tán la liệt trong các cung điện, cửa ô và ngoài mặt hoàng thành: Mười vị lão thành chủ chiến. Bốn cửa thành mở rộng, để đón đại biểu, các nơi binh lính tấp nập dẹp đường để giữ gìn trật tự.

Các cụ dần dần tới cả, người thì đầu tóc bạc phơ, người thì hoa râm lốm đốm, ai nấy đều mặc những quần áo mới, hoặc sắm lấy hoặc dân làng sắm cho. Họ từ những hang cùng ngõ hẻm, từ những xóm tre núi đỏ, ở khắp các đường các ngả đi lại, gần thì đi bộ, già quá thì chống gậy trúc, xa thì đi thuyền đi ngựa hay đi cáng, người nào cũng có dân đinh hay con cháu cắp tráp mang điếu theo hầu. Mặt người nào cũng nghiêm trang, vì tuổi cao cũng có, nhưng vì sứ mệnh lớn lao mà họ mang trên vai già yếu thì nhiều. Tất cả ba trăm cụ hơi ngơ ngác vì cảnh sa lệ của thủ đô, và vẻ lịch sự của khách kinh kì. Nhưng họ đã được những người này chào đón bằng nét mặt đầy cảm tình, bằng những cử chỉ thân ái, bằng những câu cười tiếng nói niềm nở, bằng khóe mắt thân mật, người ta kiễng chân giơ tay. Trong những tiếng ồn ào thường luôn luôn tuôn ra một điệp khúc rất quen.

- Các cụ xin đánh cả nhé. Xin đánh.

Các cụ gật đầu, miệng nở một nụ cười đồng điệu, họ không ngờ tính tình của những người xa cách hằng bao nhiêu quan san lại có chỗ giống nhau đến thế.

Các cụ đã tiến vào trong điện Diên Hồng, một ngôi nhà uy nghiêm rộng rãi mà vua làm sở tiếp các đại biểu tôn kính của dân gian. Thềm rồng cột tía lần đầu tiên chào đón kẻ quê mùa, chốn xán lạn huy hoàng phản ánh những nét mặt sạm phong trần bày nên một cảnh tượng kỳ thú. Một bữa tiệc đế vương dọn tiếp, các vị chí tôn cùng tất cả danh công cự khanh thân ngồi bồi tiếp. Thiên tử, đại gia và bình dân ôn tồn trò chuyện, thân hơn một bữa ăn trong gia đình. Vua hỏi tuổi hỏi gia thế, con cháu mọi người, cả việc làm ăn ruộng nương chợ búa, cười nói tự nhiên, lần đầu ngài được thỏa cái tinh thần nhân dân của mình.

Đối với các vị bô lão, thì đây là một vinh dự hãn hữu mà phần lớn quan liêu cũng không bao giờ được hưởng. Họ đăm đăm chờ đợi câu hỏi chính của nhà vua. Mãi đến khi tiệc lớn đã tàn, mọi người đang uống nước, ăn trầu, vua mới đứng lên, nói rõ về sự uy hiếp của quân Mông, sức mạnh và tài chinh chiến của họ, sau cùng là tả những nỗi nhục mà triều đình phải chịu đựng, phác quang tình cảnh non sông và cái thế khiến cho mình do dự và tiếp:

- Nay quốc gia nguy ngập, trẫm và triều đình không quyết nổi, vì quốc gia là của chung nên trẫm phải triệu liệt vị vào đây để hỏi ý. Thế của ta nay chỉ có hai cách: cho nó mượn đường hay đánh lại, xin liệt vị chỉ giáo cho.

Tiếng đáp đã sẵn sang ngay từ khi bước chân lên đường, các cụ đồng thanh, muôn người một miệng:

- Xin đánh!

Lời đáp vắn tắt, đanh thép, đánh tan mỗi do dự của quân vương, khích lệ tướng sĩ, thôi thúc nhân dân, vẫn còn văng vẳng bên tai mọi người và quyện trong núi rừng ngoài biên ải như một lời cảnh cáo quân thù… từ khi các bô lão về, người tòng quân mỗi ngày một đông, các chiến sĩ ra công luyện tập và các mõ gọi trai tráng ra đình ngày đêm không ngớt tiếng rao.

Dân chúng Thăng Long vẫn còn nhớ như in cảnh tượng ngày lịch sử ấy, các bô lão đã thay họ đạt đạo lên cửu trùng ý kiên quyết của bàn dân thiên hạ. Họ ngày nay chỉ nghĩ làm sao giúp vua đánh kẻ thù, vì họ đều cảm thấy mang trách nhiệm lớn trong cuộc chiến tranh.

“Sát Thát” đã thành hiệu lệnh chung của tất cả mọi người dưới trời Nam.

Sau hội nghị Diên Hồng, vua Thiệu Bảo bác thư Trấn Nam vương mượn đường, xuống chiếu kể tội quân Nguyên, khuyên mọi người trong nước đồng tâm phá giặc. Và đáp lại thái độ tự vệ ấy của người Nam, theo lệnh truyền của Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan kéo năm mươi vạn quân hung hổ tiến sang chiếm Nam Quan, xâm lấn Lạng Giang, cướp ải Chi Lăng, tràn xuống Bắc Giang, uy hiếp Vạn Kiếp, thế mạnh như vũ bão. Nhưng tất cả chiến thắng cùng những độc ác của quân thù không làm gãy nổi ý chí của dân gian, trái lại, họ càng quây quần chung quanh vua trong một mối đồng tâm sắt đá. Bắt đầu từ ngày khởi chiến, lấy tư cách là đại biểu của toàn quốc, mang trách nhiệm lớn lao hơn cả mọi người, vua Thiệu Bảo sống cuộc đời khắc khổ hơn một vị tu hành: ăn không dùng miếng ngon, mặc không đòi thứ ấm, bỏ hết những xa hoa phú quý, đêm đêm nằm nghỉ trên một chiếc giường thô kệch. Vậy mà vua vẫn thấy mình còn sung sướng hơn mấy vạn chiến sĩ ngoài biên. Vì vua biết còn được ở cung cấm, xa cách ngàn dặm cõi sa trường, thì cuộc đời dù cực khổ đến đâu vẫn còn là thần tiên so với cảnh huống của chinh phu.

Vì thế mà cảm tình của dân chúng đối với vua càng thắm thiết. Và sáng hôm nay thấy vua vội vã ra đi, không tiền hô hậu ủng, đoán ngay có sự gì quan trọng chi đây. Họ lũ lượt kéo theo vua như làn sóng dềnh lên bờ sông Cái.

Vua tới bờ sông, dừng lại, cảm động vì lòng quyến luyến của dân gian. Tiếng hô “vạn tuế” vang lừng trên khúc sông, thốt từ trong thâm tâm thành kính. Vua đứng nhìn mọi người một lượt, gật đầu, tươi cười rồi giơ tay ra hiệu cho họ về, nhưng họ vẫn đứng nhìn theo. Vua đã cùng Chiêu Thành vương và tên tiểu tốt Trần Lai lúc nào cũng theo hầu cận xuống một chiếc thuyền nan, trên thuyền có hai người thủy thủ. Các thuyền xung quanh cũng nhao nhao tiếng hô “vạn tuế”.

Vua còn đứng trên thuyền nhìn lên bờ sông đưa mắt chung quanh bến nước, chỗ nào cũng là những con mắt êm dịu, chứa chan thiện cảm mà hồn nhiên ngơ ngác biết bao! Họ im lìm, không biết tỏ lòng trung thành đối với quân vương bằng cách gì hơn. Ông già gù chống gậy dắt trẻ, bà lão cõng cháu, những thiếu phụ ôm con, họ chỉ cho lũ hài nhi ông vua thân mến. Và đẹp biết bao những con mắt trẻ trố ra, long lanh tìm kiếm, ngón tay xinh xinh, theo tay người lớn trỏ về phía thuyền vua. Cũng có đứa lấy làm thích, nhảy nhót vui mừng, lại có ông lão ghé và tai cháu nói thầm, đứa trẻ cất tiếng se sẽ trong trong, hô “vạn tuế”.

Trước sự phát biểu chân thành ấy, vua dùng dằng mãi mới truyền lệnh nhổ sào. Họ vẫn đăm đăm nhìn theo lo ngại cho vua, vì chiếc thuyền bất trắc mong manh. Tuy vậy, thấy bên cạnh đấng thiên tử có một vị thân vương uy nghi theo hầu họ cũng yên tâm đôi chút. Những miệng không răng và những miệng còn hơi sữa lại đồng thanh cất tiếng hô:

- Vạn tuế, quan gia vạn tuế. Xin chúc quan gia bình an vô sự!

Họ còn đứng mãi trên bờ cho đến khi thuyền khuất hẳn, và vua cũng đứng trên thuyền nhìn mãi về phía kinh thành chào cho đến khi bóng người lẫn lộn với không gian. Thuyền vua vun vút như tên. Vua bảo Chiêu Thành vương:

– Trẫm bạc đức, nghĩ thật không xứng đáng!

Vương tâu:

– Quan gia dạy quá khiêm. Hạ thần cảm kích lắm, đó không phải là triệu mất nước. Được lòng dân thì còn, mất lòng dân thì hỏng, lòng dân như thế có đáng lo gì quân giặc?

Vua cùng Chiêu Thành vương trò chuyện, trong khi thuyền lướt đi trên sóng đục. Ban ngày dần dần đã qua, chiều đông u ám càng tăng vẻ thê lương của tất niên. Hai bên bờ sông, cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, thỉnh thoảng nhấp nhô một chợ chiều vắng ngắt, hay một quán bỏ không. Đường quanh co vào thôn xóm không một bong người, cỏ đã héo vàng, và cây trơ lá. Sương cũng xuống cùng với khí chiều bốc làm tăng lòng buồn của người lữ thứ, nhất là một người mang nặng ưu tư. Vua Thiệu Bảo mơ màng nhìn các lũy tre, chưa bao giờ vua thấy vắng tanh và đượm vẻ lạnh lùng nhuộm màu tang như thế. Lòng vua thấm thía, vua quay bảo Chiêu Thành vương:

- Hai mươi tư Tết rồi. Tết năm nay buồn quá.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx