sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

An Tư - Chương 06 - Phần 1

Chương VI

Phần 1

Khí xuân đã hết, và mùa hè đã trở lại với ngày nắng chang chang, với đêm sáng đầy sao. Mùa hè năm ấy, mà cả dân tộc Việt Nam đều đợi chờ, đã đến hơi chậm chạp nhưng chứa chan hi vọng. Họ mong mỏi đã quá lâu, mùa của khôi phục. Và khi chim vịt cất tiếng đầu tiên, trong trẻo cả nước, từ vua cho đến dân, đều thở khoan khoái.

Nhời đoán của nhà tiên tri Phùng Tá Chu, quẻ bói của Trần Thời Kiến, đều nói mùa hè mới có lợi cho quan quân; chính Quốc công cũng chỉ mong đợi mùa hè. Tướng sĩ đã nghĩ đến những ngày nhộn nhịp lên đường, với cái chết thơm tho kèm bên, phảng phất mối sầu vĩnh biệt. Và cỏ cây, và ánh sáng, và tiếng ve, và nhời gió, như vẫy chào, như đón gọi những tráng sĩ đang ồn ào sửa soạn.

Hôm nay, mồng một tháng tư, Quốc công lập đàn cho tướng sĩ ăn thề. Đàn đã dựng lên cao cả giữa một rừng kỳ xí và gươm đao. Thanh Hóa đã thành một ngày hội với những màu rực rỡ. Quốc công sau khi tế cáo Trời Đất, đứng ra trước đàn. Quan Trung thư tuyên thệ:

- Ơn vua nợ nước, giặc dữ thù chung, ai ăn ở hai lòng, xin trời tru đất diệt.

Quốc công uống một hớp rượu máu rồi lui xuống. Vua Thiệu Bảo cũng lên đàn thề, rồi đến trăm quan, rồi đến tướng sĩ.

Khi mọi người đã tuyên thệ xong, trong một bầu không khí trang nghiêm lặng lẽ, đây đến lễ xin âm dương mà quan chấp chính đã loan báo cho mọi người biết trước: Quốc công sẽ gieo trước đài hai đồng tiền đúng một trăm lần, nếu quả trời còn tựa người Nam, thì lần nào cũng một đồng sấp một đồng ngửa, hỏng một lần cũng là hỏng cả.

Bấy giờ Quốc công đã đứng trước đàn, uy nghi trong bộ phẩm phục. Quan Tham tán Trương Hán Siêu đã đến thắp hương đốt nến. Trầm bốc lên nghi ngút. Chiêng trống một hồi cử lễ. Quốc công quỳ xuống. Trương đã tới trước đàn, tiếp lấy giá văn tế, cất giọng sang sảng đọc lên. Văn tế do Trương làm bằng chữ nôm, nhời nhẽ thống thiết và rõ ràng. Trong phút thiêng liêng mọi người đều hồi hộp, lo sợ như những thí sinh. Một trăm lần gieo mà được cả thì có là dị kỳ. Họ chỉ còn biết cầu Trời, Đất, Quỷ, Thần trông đến nước Nam đau khổ.

Mắt họ đổ dồn cả lên đàn, Quốc công đã lấy chiếc bát sứ đặt trên một cái khay gỗ, dâng lên ngang mày, kính cẩn cúi đầu, tay cầm hai đồng tiền gieo xuống. Trống ngực ba quân đánh mạnh, họ thì thầm:

- Lạy Trời! Lạy Đất!

Nhưng quan chấp chánh đã bước xuống đàn, nét mặt vui vẻ, đưa các đại biểu của ba quân xem: mắt mọi người đều hoa cả lên; quẻ đầu đã được. Quân sĩ đứng vây vòng trong vòng ngoài đều nghển cổ chờ kết quả. Thấy nét vui của đoàn đại biểu, họ hoan hô reo mừng. Quan chấp chính lại bước lên đàn, và bốn tráng sĩ đứng bốn góc bắc loa truyền ra:

- Tôi xin trình: quẻ đầu được.

Mọi người đều hớn hở, nói chuyện rào rào:

- Còn chín mươi chín quẻ nữa!

Quan Chấp chính cứ bước lên bước xuống, và bốn chiếc loa cứ lần lượt báo cho bốn phía tin mừng. Trong suốt quan quân, chạy một luồng sóng vui mênh mang.

- Còn một lần nữa, lạy Trời, lạy Trời!

Mắt mấy vạn người long lanh, vừa vì vui mừng, vừa vì lo sợ. Chỉ một lần sau cùng hỏng cũng đủ xóa bỏ hết chín mươi chín lần trước. Họ run run, nghẹn thở. Quan Trung thư dâng bát cho Quốc công cũng lộ rõ ràng vẻ cảm động. Duy Quốc công vẫn quỳ, lặng yên như núi, nét mặt chăm chú và chân thành. Lần sau cùng sao mà lâu thế? Quan quân không còn để sót một cử chỉ nào của những người đứng trên đàn. Tiếng gieo đã dứt, và quan chấp chính lần này bước xuống sao mà lặng lẽ! Người ta thấy nét mặt ngẩn ngơ của quan chấp chính, đều nói:

- Chết rồi! Chết rồi!

Trống ngực đánh mạnh như trống đê. Lo sợ tới cực điểm. Đang lúc hồi hộp, chợt thấy đoàn đại biểu nhảy lên sung sướng. Như say sưa, như điên cuồng, họ nắm tay nhau, họ ôm lấy nhau, họ đánh vật nhau. Bốn chiếc loa báo có phần to hơn những kỳ trước và long trọng biết bao:

- Tôi xin trình: quẻ một trăm cũng được.

Mắt mấy vạn người đều trào lệ vui mừng. Sóng nhiệt liệt dâng lên không sức gì ngăn nổi, cử chỉ trở lên cuồng loạn. Tay khua, chân múa, tiếng cười, tiếng hát, họ đan tay nhau thân mật, say mê trong một cuộc ca vũ tưng bừng.

- Trời tựa nước Nam, chứ có lẽ nào gieo một trăm quẻ mà đều được tăm tắp như một. Vạn tuế! Vạn tuế! Quan gia vạn tuế!

Đồng thời, tiếng “Sát Thát” cũng nổi lên, điệp khúc mạnh mẽ trong bản ca ồn ào náo nhiệt. Cái vui của quan quân thực là hoàn toàn. Khi Quốc công ở trên đàn bước xuống, mặt oai nghiêm nhưng hiền hậu, giữa quan Tham tán và quan Trung thư, trong khi tinh kỳ bay vẫy như chào mừng, mấy mươi vạn mắt thân yêu đều hướng cả vào Quốc công, phục tùng và quyến luyến. Trên trán bình tĩnh của Quốc công đã ửng ánh bình minh của chiến thắng, và tiếng trống vang lừng báo lễ tết, như đã vang vọng trước tiếng khải hoàn.

Một tiệc khao đã dọn, vĩ đại nhưng sơ sài. Vậy mà quan quân thấy tràn ngập một nguồn vui vô tận, người nào người ấy nhẹ nhàng như thêm cánh bay tới cung mây. Mãi đến canh khuya họ mới đi ngủ, óc lảng vảng bình minh của kinh thành cổ kính, tai mơ hồ nghe những tiếng chan chát của binh đao. Họ mong Tiết chế ra ngay lệnh xuất chinh, để họ được vui lòng hiến thân cho nước.

Sáng hôm sau, tỉnh Thanh Hóa lại tưng bừng hơn hôm trước. Hôm ấy là ngày đầu tiên, kể từ ngày vua tôi vào Thanh, tới nay đã được ngót hai tháng trời, có cuộc điểm binh của khắp các bộ đội. Vì thế nên tướng sĩ ai nấy đều hết sức ganh đua nhau để được vừa mắt Quốc công.

Trong một thung rộng sương mai còn ẩm ướt, đỉnh núi còn mù mịt mây mờ, cơ nào đội ấy đã chỉnh tề, đứng xếp hàng theo thứ tự mà quan Chấp chính đã định trước. Những chiến sĩ đứng trong hàng im lìm như phỗng, mang binh khí sáng trưng, các tướng ngồi trên mình ngựa, đứng đầu hàng quân đội của mình.

Một hồi trống đánh vang trong thung lũng. Thượng hoàng, vua Thái Bảo và Quốc công tế ngựa đi ra, theo sau là Tả Thiên Vương Đức Việp, Chiêu Văn Vương Nhật Duật, đại tướng Lê Phụ Trần, cùng nhiều các quan văn vũ khác. Các vị tiến ra đứng trước ngọn cờ đại. Ánh sáng của bình minh càng làm cho gươm giáo sáng lòa, giáp trụ tề chỉnh, và tinh kỳ thêm sặc sỡ.

Hưng Đạo Vương có đôi phần gầy gò hơn xưa, và già hẳn đi. Vậy mà không bao giờ quân sĩ thấy chủ tướng đẹp như hôm ấy, họ đổ nhìn người có gan sắt đá, lạnh lùng trước những nguy biến gớm ghê.

Rực rỡ nhất là quân tứ thiên, tứ thánh, tứ thần, đoàn chính thức của Triều đình, quân Quản thánh dực do đại tướng Nguyễn Thức trông nom. Kém uy phong, nhưng nhanh nhẹn hơn là nghĩa binh của các vương hầu: người ta chú ý đến bộ thúc của Chiêu Văn Vương, gồm người tứ xứ, cả người Mán, người Lào, người Chàm, người Trung quốc, một đạo binh kỳ quặc và nhiều màu sắc. Lánh hẳn ra một nơi là đoàn Tinh Cương của Chiêu Thành Vương, đoàn sáu trăm vô địch của Hoài Văn Hầu, hai đạo quân trẻ nhất và táo bạo nhất. Những bộ ngũ còn sót lại của những tướng đã qua đời như Hưng Đức Hầu, Nhân Đức Hầu, Bảo Nghĩa Vương, đều mang khăn trắng và hợp thành một đạo quân riêng. Đối với những đạo quân kia, họ trông ủ rũ, âm thầm, thỉnh thoảng họ lại nhìn lên lá cờ trắng mà họ đã nêu bốn chữ: “Sát Thát – Phục thù”.

Theo hiệu cờ lệnh trong tay Quốc công, cờ nào đội ấy theo thứ tự diễu đi, rồi theo hiệu cờ, lại trở về chỗ cũ muôn vạn người như một; lúc động nhẹ như gió, khi tĩnh im lìm như một tòa thành. Từ sáng tới trưa, đoàn anh dũng tỏ rõ trước mặt Quốc công một kỷ luật gang thép, một sự am tường chiến pháp đến triệt để. Chiều đến trong quân lại tổ chức những cuộc đấu võ, đánh vật, múa binh khí, thi chạy nhảy, so bắn tên.

Xem những cuộc biểu diễn, ngắm bắp thịt nở nang của những lực sĩ, vua Thiệu Bảo rất lấy làm khâm phục Hưng Đạo Vương và nói:

- Luyện tập mà được đến thế, thực là công phu vô cùng. Trẫm xem khí thế quân sĩ, lấy làm vững tâm, không lo ngại như trước nữa.

Hưng Đạo tâu:

- Quan gia ban khen, lão phu rất lấy làm cảm kích. Nhưng thật sự ra, quân ta có cái khí thế như ngày nay, trên là nhờ uy vũ của quan gia, dưới là do lòng phẫn nộ của tướng sĩ. Sĩ khí không có thì lão phu tốn công cũng bằng vô ích. Lão phu xét mình, thực không có công đức gì. Dân tâm dâng lên như sóng, mình chẳng qua chỉ là một kẻ ngồi trên thuyền thuận lái mà thôi…

Đương lúc trong suốt cõi Thanh Hóa, chỗ nào người ta cũng chỉ nói đến sự khôi phục nay mai, thì chợt có thư của Chiêu Minh Vương báo tin Toa Đô không đánh nổi Nghệ An đã kéo binh thuyền ra Bắc để hợp sức với Thoát Hoan. Vua hỏi:

- Nay Quốc công định sao?

- Lão phu dự liệu tất cả việc này. Toa Đô vượt biển trèo non, qua vùng Hoan, Ái, đường sá gập ghềnh, quân sĩ tất cả mỏi mệt lắm rồi. Nay phải kéo quân ra, thì thế lực đã cùng, Cứ như ý lão phu, ta nên sai một tướng dẫn binh thuyền ra chặn đường Toa Đô, dĩ dật đãi lao, thế nào cũng được.

- Quốc công bàn rất phải, nhưng liệu ai có thể đi được?

- Cơ hội khôi phục được hay không, là ở trận này cả. Cứ như ngu ý, chỉ có Chiêu Văn Vương cũng đánh được.

- Chính trẫm cũng có ý ấy.

Bấy giờ tin Trần Quang Khải đánh lui được Toa Đô đang làm chấn động các vương hầu tướng tá. Tuy chưa phải là một trận thắng, nhưng trong suốt ba tháng trời, đem một số quân hơn một vạn, cùng một ông lão già với một người tướng bạch đinh trẻ tuổi, mà giữ vững được vùng Nghệ An trước làn sóng mãnh liệt của mười vạn quân Toa Đô, hợp với mười vạn quân Chiêm Thành, để cho Thanh Hóa được ung dung sửa soạn một cuộc phục thù, Chiêu Minh Công quả đã lập được một kỳ công.

Các tráng sĩ sôi nổi vì cuộc thắng lợi ấy. Họ ca tụng Chiêu Minh Vương, Bạch Liễu, Phạm Ngũ Lão. Chiêu Thành Vương và Hoài Văn Hầu thì lại càng nóng nảy.

Quốc công cho triệu hết các vương hầu tướng sĩ lại bàn kế tiến binh, và nói:

- Nay tình thế đã khá hơn trước, quân giặc đã có bề uể oải. Vả ở kinh thành và suốt cả vùng Bắc, vì dân ta đã phá hủy hết cả hoa lợi, sự tiếp tế lại khó khăn, quân giặc đang lâm vào cảnh thiếu lương. Lại gặp tiết trời nóng nực, nhiều người chán nản, bệnh dịch đã bắt đầu phát sinh; đây là những triệu chứng suy nhược của quân giặc. Cái cơ hưng phục của ta nay đã đến rồi.

Toa Đô không đánh đổ Nghệ An, phải kéo quân ra Bắc. Trong ba tháng đánh nhau không lúc nào nghỉ, đạo quân của Toa Đô dầu là da đồng xương sắt cũng đã kiệt lực. Toa Đô dù là dũng mãnh, cũng không đáng sợ nữa. Ta chỉ cần một tướng đem quân ra chẹn đường Toa Đô, ngăn không cho nó hợp với Thoát Hoan. Đánh được Toa Đô, tức là thế cờ bên giặc tan vỡ. Vương hầu có ai dám lĩnh trọng trách này không?

Các vương hầu nhìn nhau, không phải vì sợ, nhưng vì đã lượng hết tính cách trọng đại của công việc. Chỉ nhầm một chút, có thể làm tan hết bao nhiêu công lao sửa soạn.

Một người bên sau vua Thiệu Bảo bỗng bước ra:

- Quốc công có lòng tin, tôi xin cáng đáng việc này.

Nhời nói rắn rỏi, các tướng nhìn ra thì là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, người anh hùng đã vỗ yên giặc dữ ở Đà Giang, mà không thiệt một mũi tên, một cái giáo. Nét mặt hòa nhã vui vẻ của vương hình tượng cả một lòng khinh rẻ khó khăn. Hưng Đạo Vương tươi cười nói:

- Chính bản chức đã nghĩ đến vương; chính Thượng hoàng và quân gia cũng muốn nhờ vương. Có vương đảm nhận cho, còn gì hơn nữa? Toa Đô là dũng tướng, lại có Ô Mã Nhi giúp sức, phải có một tướng khỏe để đối địch với chúng mới được. Vương đã nghĩ đến ai chưa?

- Khi nhà Tống mất, có người tướng là Triệu Trung không chịu thần phục quân Mông Cổ, đem gia quyến và ba trăm bộ hạ sang lánh mình bên nước ta. Triệu Trung là một dũng tướng, có tài vạn nhân địch, nay ta dùng làm tướng đánh Toa Đô chắc được. Hiện Trung là môn khách của tôi.

- Xin vương cho đòi ra đây xem.

Một lúc Triệu Trung quỳ lạy dưới thềm. Quả nhiên người cao lớn, dữ dội át hẳn vẻ mảnh dẻ của quân nhà. Hưng Đạo Vương cho thử sức khỏe. Trong sân có một cột đá nhờn và dài, Triệu Trung cúi xuống giơ lên, đi đi lại lại mười vòng quanh sân sắc mặt không biến. Cho thử mười tám ban võ nghệ, Triệu đều tinh thông. Các tướng bảo nhau:

- Thực là lực sĩ, anh em ta không kịp. Chắc thừa sức địch Toa Đô.

Hưng Đạo truyền cho Triệu Trung lại gần, ủy lạo một hồi và nói:

- Nay tệ quốc chiến tranh với rợ Thát, muốn nhờ tướng quân giúp sức cho, tướng quân nghĩ sao?

- Bẩm Quốc công, suốt từ mùa đông đến nay, rợ Thát tàn phá quý quốc, chúng tôi vẫn lấy làm công phẫn. Quốc công là bậc anh hùng, chúng tôi vẫn mộ đại danh và vẫn mong được theo hầu gót ngựa. Nhà Tống chẳng may không có một người như Quốc công, ví bằng có, thực không có lý nào mất được. Chúng tôi được Quốc công dùng đến, thực là may lắm. Huống chi nhà Tống chúng tôi mất, hoàng đế và triều đình đều bị giặc Thát tàn hại. Chúng có phải đâu chỉ là quân thù của nước Nam, chúng là quân thù của con dân nhà Tống, chúng là thù chung của hai nước. Chúng tôi được giết chúng để rửa thù thì còn gì sung sướng bằng? Riêng chúng tôi trong mười năm trời xa tổ quốc, được nhờ vương gia đây dung nạp, gây dựng cho cả gia đình, trông nom suốt đến bộ khúc khiến cho chúng tôi nhà tan mà vẫn được yên, nước mất mà không đến nỗi nhục nhã lòng trượng nghĩa khinh tài của vương gia, thực là hiếm có. Ân tái tạo chúng tôi thực ghi trong phế phủ.

“Mà có phải một mình chúng tôi được dung thân ở đất nước này đâu. Đồng bào chúng tôi, kể từ mùa đông năm Giáp Tý, bị rợ Thát ức hiếp, phải đem của cải xuống thuyền, vượt bể sang đây, được hoàng đế cho ở đất Hời. Đến năm Kỷ mão quân Thát bức vua chúng tôi ở Nhai Sơn, quan thừa tướng Lục Tư Phu cõng vua chúng tôi nhảy xuống bể; cung tần quan quân tuẫn tiết kể hàng mười mấy vạn người. Thây nổi lềnh bềnh trên bể Đông, được Quốc vương cho vớt lên đem mai táng. Kẻ sống đã được vỗ về, kẻ chết cũng được mát mặt, đều là nhờ lòng nhân ái của Quốc vương và tình lân tuất của quý quốc.

“Nay vừa là lúc chúng tôi rửa thù, vừa là dịp chúng tôi đáp lại ơn nước Nam. Chúng tôi xin coi việc quý quốc như việc nhà, nguyện đem hết tâm can sức lực ra đánh trận này. Dù chúng tôi có chết, chúng tôi cũng vui lòng. Thấy quân sĩ nước Nam mà chúng tôi thẹn. Nếu quân Tống cũng đồng tâm như thế thì đâu đến nỗi! Dẫu sao, chúng tôi cũng học thói Trương Lương, mang thù Dự Nhượng. Được chém đầu giặc dữ để tạ tội với triều xưa, tôi cũng không đến nỗi ôm suông mối hận xuống tuyền đài, và có gặp Văn trạng nguyên và Lục thừa tướng, chúng tôi cũng không bẽ mặt.

“Vậy xin Quốc công cho phép chúng tôi được theo vương gia, chúng tôi ra Bắc, Tử đệ của chúng tôi có ba trăm người, đều quyết một lòng đem chiếc thân lưu lạc ra trả nợ núi sông. Chúng tôi chỉ xin Quốc công có một điều, cúi xin Quốc công chuẩn y cho”.

- Xin tướng quân cho biết tôn ý.

- Chúng tôi tùng chinh, nghĩa vì quý quốc, tình vì non sông. Chỉ xin Quốc công cho chúng tôi được mặc quốc phục, gọi là còn thấy uy xưa, cũng như chúng tôi đánh theo hiệu cờ nước. Quốc công là một bậc anh hùng, thương nước thế nào, chắc đã hiểu tâm sự của chúng tôi và thấu tình cảnh của dân di thần vong mệnh.

Triệu Trung nói dứt lời, cảm xúc quá mạnh, không nói được nữa. Mọi người đứng đấy, đã bùi ngùi vì nhời nói của Triệu, lại ái ngại cho cảnh huống của người tráng sĩ giang hồ. Hưng Đạo nói:

- Lòng trung dũng của tướng quân chúng tôi rất lấy làm cảm phục. Chúng ta cùng chung một cảnh. Chúng tôi đánh cho nước, tướng quân cũng đánh cho nước, có lẽ nào tướng quân xin có một việc nhỏ như thế, tôi lại không ưng sao? Điều tướng quân thỉnh cầu, thực là tình chí thiết, tấm lòng quân ái quốc đáng làm gương sáng cho anh em chúng tôi. Vậy xin tướng quân cứ tự tiện cho. Chúng tôi cũng định bụng như thế mong tướng quân hiểu cho.

Triệu Trung cúi rạp xuống thềm tạ ơn và nói:

- Quốc công thực là bực chính nhân quân tử. Chúng tôi tâm niệm mong Quốc công chóng dìu dắt non sông ra khỏi vùng đắm đuối, chúng tôi được nghe tiếng trống khải hoàn, thực cũng thơm lây.

Hưng Đạo Vương truyền dọn rượu khoản đãi Triệu Trung, Triệu nói:

- Xin Quốc công miễn cho, chưa làm việc gì, chúng tôi đâu dám nhận? Khi lập công xong sẽ không dám chối từ. Xin Quốc công cho chúng tôi về thu xếp lên đường, cũng còn phải dặn dò tử đệ. Trung này còn lại còn phải tạ từ Quốc mẫu chúng tôi để khỏi nhỡ việc khởi hành.

Hưng Đạo ngạc nhiên hỏi:

- Quốc mẫu ở đâu, sao chúng tôi không được biết?

Triệu Trung ngập ngừng một lúc thưa:

- Bẩm Quốc công, đây là một chuyện riêng. Vả Quốc mẫu chúng tôi đã về rồi… Trước khi khởi hành, chúng tôi muốn ra đền Quốc mẫu ở đây, cầu người phù hộ chúng tôi thành công. Bình sinh người là bực thông tuệ, chết (…)*Đoạn mất trong bản thảo. Thành đấng anh linh. Người sẽ chứng giám cho anh em chúng tôi.

Nói xong, Triệu Trung lậy tạ Hưng Đạo Vương, về trại riêng, ăn mặc chỉnh tề rồi cùng ba trăm tử đệ tiến ra bờ bể.

Trông ra bể, trên một mỏm núi cao, ít người qua lại có một ngôi chùa hẻo lánh. Họ tới trước một cái đền con làm bằng gỗ, mái lợp gianh, vẻ sơ sài tiều tụy. Triệu Trung thắp hương, rồi quỳ xuống khấn. Lâu lâu đứng ra một bên, để ba trăm tử đệ nối nhau vào làm lễ, bể reo ầm ầm dưới chân, như cùng khóc theo những tráng sĩ không nhà rớt lại của những trung thần nhà Tống.

Hưng Đạo Vương hỏi mọi người, Chiêu Văn Vương nói:

- Khi vua Tống tử tiết, hoàng hậu nhà Tống cùng với một nàng công chúa trốn xuống một chiếc thuyền lênh đênh hơn tháng trời, hai mẹ con đã lả đi. Cũng may thuyền dạt vào bờ bể Thanh Hóa. Vị sư trụ trì ở đấy vội cùng mấy chú tiểu vớt lên. Cứu cấp mãi mới hồi tỉnh. Tống hậu là một người tuyệt sắc. Vị sư là bậc chân tu, nhưng chưa dứt bụi trần, cố đem thuyết Phật đánh đổ tà ý, đã không dẹp được, cùng quá có ý định muốn đi, để Tống hậu yên thân nương náu ở chùa. Tống hậu rõ chuyện, bực mình vì nhan sắc còn để lụy cho người, suốt một đêm khóc nước, thương chồng, rồi sáng tinh sương, bà nhảy xuống bể để cho tròn giá sạch. Công chúa không hiểu vì sao, thương mẹ cũng gieo mình xuống nước. Không ngờ mối tình của mình chưa lộ đã làm thiệt hai mạng người không chết vì sóng gió mà lại kết liễu dưới mái từ bi, nhà sư giận mình nhơ nhuốc, cũng đâm đầu xuống bể. Các tiểu cảm thương, lập một nếp đền gianh thờ Tống hậu cùng công chúa và nhà sư. Đền linh ứng lắm, và người Tống qua lại thường vào lễ để cầu thuận buồm xuôi gió.

Hưng Đạo Vương nói:

- Thế mà tôi không biết. Ta nên biểu tấu để triều đình sắc phong cho một trang tiết liệt để đỡ tủi gái Bắc phương.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx