sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Anna Karenina (Tập 1) - Phần 1 - Chương 08

16

Vronxki chưa bao giờ trải qua đời sống gia đình. Mẹ chàng hồi trẻ là người lừng lẫy trong giới thượng lưu; hồi chồng còn sống và nhất là sau này, bà đã có nhiều chuyện trăng hoa ầm ĩ dư luận. Chàng chỉ hơi nhớ về ông bố, chàng được dạy dỗ ở trường Hoàng tộc thiếu sinh quân. Tốt nghiệp sĩ quan ở trường ra còn rất trẻ, chàng rơi luôn vào vết xe cũ của những sĩ quan giàu có ở Peterburg. Mặc dầu thỉnh thoảng vẫn giao thiệp với giới thượng lưu, chuyện yêu đương của chàng lại xảy ra ở chỗ khác. Sau cuộc đời sa hoa và kệch cỡm tại Peterburg, chính ở Moxcva lần đầu tiên chàng cảm thấy cái thú được gần gũi một thiếu nữ thượng lưu, trong trắng và đáng yêu đã mê chàng. Thậm chí chàng không hề nghĩ có thể có gì đáng trách trong quan hệ của mình với Kitti. Đi khiêu vũ, chàng nhảy nhiều nhất với cô, chàng đi lại nhà bố mẹ cô, nói với cô những chuyện thường nói trong giới thượng lưu: những chuyện ngớ ngẩn, nhưng đã được chàng hồn nhiên đưa vào một ý nghĩa đặc biệt dành cho cô. Mặc dầu không hề nói những điều cần giấu cho khỏi lọt vào tai mọi người, chàng vẫn cảm thấy cô càng ngày càng phụ thuộc vào mình; và càng thấy thế, chàng càng dễ chịu và càng trìu mến cô hơn. Chàng không biết lối xử sự với Kitti như thế đã được đặt tên rành rọt, đó là thủ đoạn quyến rũ gái mà không có ý định lấy làm vợ, một thủ đoạn thuộc loại những hành động xấu xa vốn quen thuộc với những gã trai thành đạt như chàng. Chàng tưởng mình đã khám phá ra một thú vui mới, và khoan khoái hưởng sự khám phá đó. Nếu được nghe những lời bố mẹ cô gái nói đêm hôm đó, nếu có thể đặt mình vào địa vị gia đình và hiểu Kitti sẽ khổ sở nếu chàng không lấy cô, chắc chàng sẽ ngạc nhiên và không tin là thật. Chàng không thể tin rằng cái điều làm cho chàng và nhất là cô ta vui thích đến thế, lại đáng quở trách. Chàng lại càng không tin mình cần lấy vợ. Chưa bao giờ chàng nghĩ đến chuyện lấy vợ. Không những chàng không thích đời sống gia đình mà còn coi gia đình, đặc biệt là vai trò anh chồng, như một nhân tố xa lạ, đối địch và nhất là... lố bịch đối với giới chưa vợ hiện là môi trường sống của chàng. Nhưng, mặc dầu Vronxki không hề ngờ tới câu chuyện giữa đôi vợ chồng già Serbatxki, khi ở nhà họ ra, chàng vẫn cảm thấy mối liên hệ tinh thần, huyền bí giữa chàng với Kitti trong buổi tối đó đã khăng khít thêm đến mức chàng thấy cần phải bắt tay làm một cái gì. Nhưng liệu có thể làm gì và cần làm gì, điều đó chàng chưa biết. “Điều thú vị - chàng nghĩ bụng khi ở nhà Serbatxki ra về, đem theo, như thường lệ, một ấn tượng khoan khoái, trong trắng và tươi mát, một phần do cả buổi tối, chàng không hút thuốc, cùng với một niềm xúc động mới do mối tình cô gái biểu lộ với chàng - điều thú vị chính là ở chỗ cô nàng lẫn ta đều không nói gì hết, nhưng hai bên hiểu nhau qua những cái nhìn câm lặng và từng cách uốn giọng, thành thử hôm nay nàng đã thú nhận yêu mình rõ ràng hơn bao giờ hết. Thú nhận bằng cái vẻ duyên dáng, giản dị và nhất là tin cẩn làm sao! Bản thân mình cũng thấy tốt hơn, trong sạch hơn. Mình cảm thấy mình có một trái tim, trong tâm hồn có nhiều cái tốt đẹp. Ôi cặp mắt xinh đẹp đa cảm kia! Khi nàng nói: vâng, rất là...”

“Thế rồi sao? Không sao hết, cái đó làm mình vui, cả nàng nữa.” Và chàng tự hỏi phải làm gì cho hết đêm nay.

Chàng nhớ lại một lượt những nơi có thể đến. “Đến câu lạc bộ chăng? Làm ván bài bêdigờ(22), uống sâm banh với Ignhatôp? Không. Đến Lâu Đài Hoa(23) chăng? Đến đó thế nào cũng gặp Oblonxki với các thứ chuyện lắp đi lắp lại, cái thói ngồi lê mách lẻo(24)? Không, chán ngấy đến mang tai rồi. Đó chính là lẽ tại sao mình yêu gia đình Serbatxki, họ làm cho mình tốt hơn lên. Mình về thôi.”

(22) Một loại bài chơi bằng cỗ xì: hai, ba hoặc bốn người chơi đều được cả.

(23) Château des Fleurs (tiếng Pháp trong nguyên bản).

(24) Cancan (tiếng Pháp trong nguyên bản).

Chàng về thẳng buồng mình ở khách sạn Duixo, gọi ăn đêm, thay quần áo, và vừa đặt đầu lên gối đã đánh một giấc li bì.

17

Sáng hôm sau, mười một giờ, Vronxki ra ga Peterburg đón mẹ: người đầu tiên chàng nhìn thấy trên bậc cầu thang lớn là Oblonxki đến đón em gái cũng về chuyến tàu này.

- Này, Quan lớn đi đón ai thế? - Oblonxki reo lên.

- Đón mẹ tôi, - Vronxki trả lời và mỉm cười như mọi người mỗi khi gặp Oblonxki; chàng bắt tay và cùng ông lên cầu thang. - Hôm nay, mẹ tôi ở Peterburg tới.

- Tôi đã đợi anh đến tận hai giờ. Ở nhà Serbatxki ra, anh đi đâu?

- Đi về, - Vronxki đáp. - Xin thú thực là tôi thấy buổi tối hôm qua thú vị đến nỗi chẳng còn muốn đi chơi đâu nữa.

“Xem tướng ngựa bằng vào dấu vết. Nhìn mắt người ắt biết đang yêu”, Xtepan Arcaditr ngâm nga như đã ngâm với Levin hôm trước.

Vronxki ừ ào mỉm cười nhưng chuyển sang chuyện khác ngay.

- Còn anh, anh đi đón ai thế? - chàng hỏi.

- Tôi ấy à? Một giai nhân, - Oblonxki nói.

- Ái chà chà!

- Nhục thay kẻ có tà tâm. Cô Anna em gái tôi đấy!

- À! Carenin phu nhân ấy à? - Vronxki nói.

- Chắc anh quen cô ấy?

- Vâng, hình như thế! Hay là không cũng nên... Nói thật ra, tôi cũng không nhớ nữa, - Vronxki trả lời lơ đãng, cái tên Carenin như mơ hồ gợi lại cho chàng một cái gì gượng gạo và đáng ngán.

- Nhưng chắc anh biết ông em rể lỗi lạc của tôi là Alecxei Alecxandrovitr chứ? Mọi người đều biết ông ấy.

- Nghĩa là tôi cũng chỉ mới biết tiếng và mới được nhìn thấy ông ấy thôi. Tôi biết ông ta thông minh, có học thức, xuất sắc. Nhưng anh cũng rõ đấy, đó không phải... không thuộc loại của tôi, - Vronxki nói.

- Phải, ông ta là người rất lỗi lạc; hơi bảo thủ một chút nhưng là người tuyệt diệu, - Xtepan Arcaditr nhận xét, - một người tuyệt diệu.

- Mừng cho ông ta! - Vronxki mỉm cười nói. - Kìa! Bác đấy à! Lại đây, - chàng nói với người đầy tớ già của mẹ đang đứng gần cửa ra vào. Gần đây, mỗi khi gặp Oblonxki, ngoài cái dễ chịu giống như mọi người cảm thấy, Vronxki còn thấy đặc biệt vui thú vì chàng tưởng như điều đó khiến mình thêm gần gũi Kitti.

- Thế chủ nhật này, ta tổ chức bữa ăn tối chúc mừng nữ danh ca chăng? - chàng nắm lấy cánh tay Oblonxki, mỉm cười nói.

- Tất nhiên rồi. Chính tôi sẽ đi thu tiền góp. À! Hôm qua anh đã làm quen với anh bạn Levin của tôi rồi chứ? - Xtepan Arcaditr hỏi.

- Vâng. Nhưng ông ấy bỏ đi vội quá.

- Một thanh niên dễ thương, - Oblonxki nói tiếp, - có phải không?

- Tôi không hiểu, - Vronxki trả lời, - tại sao tất cả những người Moxcva, tất nhiên trừ người mà tôi đang hầu chuyện đây, đều có vẻ quyết đoán thế nào ấy, - chàng nói tiếp giọng bông lơn. - Họ mô phạm trịnh trọng, họ đùng đùng nổi giận, lúc nào cũng cứ như muốn lên lớp cho anh...

- Có phần đúng đấy, - Xtepan Arcaditr nói và cười vui vẻ.

- Tàu sắp đến chưa? - Vronxki hỏi một nhân viên nhà ga.

- Đang đến đây, - anh ta trả lời. Cảm giác về đoàn tàu sắp tới ga mỗi lúc một rõ qua cảnh náo nhiệt không ngừng tăng thêm trên sân ke: phu khuân vác đi đi lại lại, cảnh binh và nhân viên nhà ga xuất hiện, người đón khách đi tàu kéo tới. Thấp thoáng qua lớp sương mù, bóng những công nhân mặc áo choàng ngắn lót lông và đi ủng dạ mềm vượt qua đường sắt chằng chịt. Từ xa vọng đến tiếng xì xì của nồi hơi và tiếng một vật nặng nề đang chuyển động.

- Không phải đâu, - Xtepan Arcaditr nói, ông rất muốn cho Vronxki hiểu rõ những ý đồ của Levin. - Không, chắc anh chưa đánh giá đúng anh bạn Levin của tôi đấy thôi. Anh ta là một thanh niên rất dễ kích động, điều ấy khiến anh ta đôi lúc cũng khó chịu, tôi đồng ý là thế, nhưng quả là đáng yêu. Một con người bản chất thẳng thắn, trung thực biết bao, và một tấm lòng vàng đấy! Nhưng hôm qua, anh ta có những lý do đặc biệt, - Xtepan Arcaditr nói tiếp với một nụ cười đầy ý nghĩa, quên hẳn cái cảm tình chân thật hôm qua đối với Levin mà nay ông lại đem trao cho Vronxki. - Phải, anh ta có lý do để sung sướng hết sức hay khổ sở hết sức.

Vronxki dừng lại và hỏi thẳng:

- Anh muốn nói hôm qua anh ta đến hỏi cô em vợ anh chứ gì?

- Có lẽ, - Xtepan Arcaditr nói. - Tôi có cảm tưởng thế. Phải, nếu anh ta bỏ về sớm và vẫn còn bực bội, thì đúng vậy rồi... Anh ta yêu Kitti từ lâu lắm rồi và làm tôi thương hại.

- Thật ư?... Tôi cứ ngỡ cô ấy có thể hi vọng tìm được đám tốt hơn, - Vronxki nói, và dướn thẳng người lên, tiếp tục bước đi. - Vả lại, tôi cũng không quen anh ta, - chàng nói thêm. - Phải, thế thì đau khổ thật! Vì vậy cho nên cánh đàn ông phần lớn đều thích đi lại với các cô Clara(25) hơn. Có thất bại cũng chỉ do không đủ tiền, đằng này... thì tổn thương đến cả phẩm giá. Nhưng tàu đến rồi kìa. - Quả vậy, tàu đã kéo còi từ xa. Vài phút sau, sân ga rung chuyển, chiếc đầu máy phì làn hơi nước bị giá rét đánh bạt xuống, chạy vào trong ga, “biên”(26) bánh xe giữa co vào doãi ra chầm chậm và đều đặn; anh thợ máy mặc áo bông, sương giá phủ đầy người, cúi chào; tiếp sau toa than, toa chở hàng, bên trong có một con chó sủa ủng ẳng, tiến lại gần làm cho sân ga càng rung chuyển mạnh, cuối cùng là những toa hành khách rùng rình trước khi đỗ lại. Người soát vé nhanh nhẹn nhảy xuống thổi còi. Đằng sau bác ta, những hành khách nôn nóng bắt đầu lần lượt bước xuống: một sĩ quan cận vệ, cứng như cái que, đang nghiêm khắc nhìn quanh; một lái buôn nhỏ bé xách cái bị, vẻ bận rộn, nụ cười trên môi; một nông dân quàng túi chéo ngang vai.

(25) Ý nói: gái làng chơi.

(26) Bielle: đòn sắt để chuyển một vận động thành vận động vòng tròn. Tiếng này đã Việt hóa trong ngôn ngữ kĩ thuật.

Vronxki đứng bên Oblonxki, mải nhìn hết người đến vật, quên bẵng cả mẹ. Điều vừa được nghe kể về Kitti khiến chàng vừa vui vừa phấn khởi. Chàng bất giác ưỡn ngực ra, mắt sáng long lanh. Chàng có cảm giác mình vừa thắng trận.

- Nữ bá tước Vronxki ngồi toa này, - người soát vé bước lại gần, nói với Vronxki.

Câu nói làm chàng sực tỉnh và nhắc chàng nhớ đến mẹ và cuộc gặp gỡ sắp tới. Trong thâm tâm, chàng không kính trọng mẹ lắm và - điều này, chính chàng cũng không ý thức được rõ ràng lắm - chả yêu gì mẹ, nhưng thuận theo những tư tưởng trong xã hội chàng đang sống và sự giáo dưỡng chàng đã được hưởng, đối với mẹ, Vronxki chỉ có thể hình dung một thái độ kính cẩn và phục tùng tột độ, và lòng chàng càng ít yêu kính mẹ bao nhiêu thì bề ngoài càng phải tỏ ra kính cẩn và phục tùng bấy nhiêu.

18

Vronxki theo nhưng soát vé vào trong toa; đến cửa buồng toa, chàng dừng lại nhường lối cho một thiếu phụ bước ra.

Với bản năng của người trong giới xã giao, Vronxki chỉ cần liếc mắt qua cũng xếp được thiếu phụ này vào loại thượng lưu. Chàng xin lỗi rồi tiếp tục đi, nhưng tự nhiên lại ngoái nhìn nàng lần nữa, không phải vì sắc đẹp, cũng không phải vì vẻ thanh lịch và cái duyên thầm tỏa ra từ khắp toàn thân nàng, mà vì lúc đi ngang qua, chàng đã nhận thấy một vẻ dịu dàng và thùy mị lạ lùng trên bộ mặt yêu kiều ấy. Trong khi đó, nàng cũng quay đầu lại. Cặp mắt xám long lanh, như xẫm lại dưới bóng đôi hàng mi dày, dừng lại trên mặt chàng với vẻ chăm chú thân mật như đã nhận ra chàng, rồi lại nhìn ngay ra đám đông người qua lại, như muốn tìm ai. Qua cái nhìn ngắn ngủi, Vronxki nhận thấy vẻ sôi nổi ngấm ngầm phảng phất trên mặt nàng, lúc xuất hiện trong cặp mắt long lanh, khi ở nụ cười thoáng nở trên cặp môi tươi mát. Có thể nói toàn thân nàng trào lên một sức sống dào dạt, dù muốn hay không, vẫn bộc lộ qua ánh mắt hoặc miệng cười. Những lúc nàng cố tình giấu kín không để cái ánh lửa ấy ngời lên trong mắt thì nó lại xuất hiện trong nét cười kín đáo, ngoài ý muốn của nàng. Vronxki bước vào toa. Mẹ chàng, một bà già khô đét, mắt đen, tóc loăn xoăn thành từng búp nhỏ, lim dim mắt ngắm con và cặp môi mỏng mỉm cười. Bà đứng dậy khỏi ghế, đưa túi xách cho chị hầu phòng và chìa bàn tay xương xẩu cho con hôn, rồi lại hôn lên trán chàng.

- Con nhận được điện của mẹ chứ? Con khỏe chứ? Đội ơn Chúa!

- Mẹ đi đường có bình yên không? - con trai bà nói, vừa ngồi xuống cạnh vừa bất giác lắng nghe tiếng đàn bà đằng sau cánh cửa. Chàng biết đó là tiếng người thiếu phụ chàng vừa gặp khi bước lên tàu.

- Dù sao đi nữa, tôi cũng không đồng ý với ông, - thiếu phụ nói.

- Thưa bà, đó là quan điểm Peterburg đấy.

- Không, quan điểm phụ nữ, có thế thôi, - nàng đáp.

- Thế thì, cho phép tôi được hôn tay bà.

- Tạm biệt, ông Ivan Pet'rovitr. Ông nhìn giúp xem anh tôi có đây không, và bảo anh ấy lại đây hộ, - thiếu phụ đứng ở cửa buồng toa nói, rồi quay vào.

- Bà đã tìm thấy ông anh nhà chưa? - nữ bá tước Vrônxkaia hỏi nàng. Lúc bấy giờ Vronxki mới hiểu ra đó là Carenin.

- Lệnh huynh có ở đây đấy, - chàng đứng dậy và nói. - Xin lỗi, tôi không nhận ra bà, chúng ta ít gặp nhau quá, nên bà ắt chẳng nhớ ra tôi.

- Ồ, có chứ, nhất định tôi phải nhận ra ông, vì trong suốt chuyến đi, cụ nhà và tôi toàn nói về ông, - nàng nói, và cuối cùng để lộ vẻ vui thích ra nụ cười. - Vẫn chưa thấy anh tôi tới.

- Con đi gọi ông ấy đi vậy, Aliosa(27). - bá tước phu nhân nói. Vronxki xuống sân ga và gọi to:

(27) Tên gọi thân mật của Alecxei.

- Oblonxki! Đây kia mà! - Nhưng Carenin không đợi ông chạy đến: vừa thoáng thấy anh, nàng liền bước ngay xuống sân ga, dáng đi nhẹ nhàng và quả quyết. Khi hai người vừa gặp nhau, nàng liền ôm lấy cổ anh, kéo mạnh về phía mình hôn rất thân thiết; dáng điệu nàng vừa duyên dáng vừa mạnh mẽ khiến Vronxki ngây người ra ngắm. Vronxki không rời mắt khỏi nàng, và mỉm cười bâng quơ. Nhưng chàng sực nhớ có mẹ đang đợi nên lại trèo lên tàu.

- Con người mới duyên dáng làm sao, phải không con? - bá tước phu nhân nói với Vronxki. - Ông chồng đã giao bà ta cho mẹ, và mẹ vui thích lắm, mẹ và bà ấy chuyện trò với nhau suốt cả chuyến đi. Thế nào, còn con? Người ta nói... con đang xe mối tơ tình bất tuyệt phải không? Càng hay, con ạ, càng hay.

- Con không biết mẹ định nói bóng đến chuyện gì, mẹ ạ, - người con lạnh lùng đáp. - Ta xuống chứ mẹ?

Carenin trở vào toa để cáo từ bá tước phu nhân:

- Thôi, Thưa bá tước phu nhân, cụ đã gặp lại con trai, còn tôi đã gặp anh trai tôi, - nàng vui vẻ nói. - Với lại, có bao nhiêu chuyện tôi đã nói cả rồi, không còn gì kể hầu cụ nữa.

- Tôi không tin thế đâu, - bá tước phu nhân cầm tay nàng nói, - tôi có thể đi vòng quanh thế giới với bà không biết chán, bà là một phụ nữ yêu kiều, ngồi bên bà, dù chuyện trò hoặc nín lặng, cũng đều thấy dễ chịu. Này, tôi xin bà, đừng nhớ cậu con trai nữa: thỉnh thoảng cũng phải tạm xa nhau chứ.

Carenin đứng lặng im, người rất thẳng, và đôi mắt mỉm cười.

- Bà Anna Arcadievna đây có một con trai, một chú bé lên tám, bá tước phu nhân cắt nghĩa, - bà không xa con bao giờ và cứ băn khoăn vì phải để con ở nhà.

- Vâng, chúng tôi dành tất cả thì giờ để nói chuyện về con cái, cả bá tước phu nhân lẫn tôi, - Carenina nói, và nụ cười lại chiếu sáng khuôn mặt nàng: một nụ cười duyên dáng dành riêng cho Vronxki.

- Thế thì chắc bà nghe đến phát ngấy, - chàng nói, cũng đối đáp theo cách làm duyên nàng đã dùng với chàng. Nhưng rõ ràng nàng không muốn tiếp tục câu chuyện với giọng ấy và quay về phía bá tước phu nhân.

- Rất cám ơn cụ. Thậm chí, tôi không hề cảm thấy ngày hôm qua đã trôi đi nữa kia. Xin chào bá tước phu nhân.

- Xin từ biệt, bà bạn thân, - bá tước phu nhân đáp. - Cho phép tôi được hôn gương mặt xinh đẹp của bà. Tôi là bà già, tôi có thể nói không khách khí rằng bà đã chinh phục tôi rồi đấy. - Câu nói dù có nhàm đến đâu cũng khiến Carenina xúc động. Nàng đỏ mặt, hơi nghiêng mình, chìa mặt cho bá tước phu nhân hôn, rồi lại thẳng người lên, và vẫn với nét cười xao xuyến khi trên mắt, khi trên môi, nàng chìa tay cho Vronxki. Chàng siết mạnh bàn tay nhỏ nhắn và vô cùng sung sướng cảm thấy bàn tay ấy nắm lấy tay mình rất chặt và quả quyết. Nàng thoăn thoắt bước ra nhẹ nhàng lạ lùng so với tấm thân đậm đà.

- Thật đáng yêu! - bá tước phu nhân nói.

Con trai bà cũng nghĩ y như vậy. Chàng đưa mắt nhìn theo cho đến khi cái bóng dáng uyển chuyển biến mất, nụ cười vẫn đọng lại trên môi. Qua cửa sổ, chàng thấy nàng lại gần anh, đặt tay lên cánh tay ông và bắt đầu nói chuyện sôi nổi: câu chuyện rõ ràng không liên quan mảy may đến chàng, đến Vronxki này, và chàng lấy làm buồn.

- Thế nào mẹ, mẹ khỏe thật chứ ạ? - chàng quay về phía mẹ, nhắc lại.

- Ừ, khá lắm! Alecxandr rất ngoan. Còn con Maria đẹp thêm ra nhiều. Cháu dễ thương lắm.

Rồi bà cụ bắt đầu nói đến chuyện bà quan tâm nhất: về chuyện rửa tội cho cháu trai, đã khiến bà phải đến Peterburg, và lòng tốt đặc biệt của hoàng đế đối với con cả bà.

- Lôrăng đây rồi, - Vronxki nhìn ra cửa sổ nói. - Ta đi thôi, thưa mẹ.

Người lão bộc theo hầu bá tước phu nhân đến báo mọi thứ đã sẵn sàng và phu nhân đứng dậy.

- Nào, ta đi thôi, đã vãn người rồi, - Vronxki nói. Chị hầu phòng xách túi và bế con chó nhỏ; người lão bộc và anh phu khuân vác mang những hành lý khác. Vronxki đưa tay cho mẹ khoác; khi xuống khỏi toa tàu, một đám người nét mặt hốt hoảng bỗng chạy qua trước mặt họ. Viên trưởng ga đội mũ lưỡi trai màu đặc biệt cũng trong đám người này.

Rõ ràng vừa xảy ra chuyện gì bất thường. Hành khách đổ cả về phía cuối tàu.

- Cái gì?... Làm sao?... Đâu?... Anh ta lao người vào bánh xe à?... Chẹt phải anh ta rồi à? - Đám người đi qua bàn tán nhốn nháo.

Xtepan Arcaditr khoác tay em gái cũng quay lại, nét mặt nhớn nhác. Để tránh đám đông, họ dừng lại bên cửa toa xe.

Các bà lại trèo lên toa còn Vronxki và Xtepan Arcaditr thì đi hỏi thêm chi tiết rành mạch hơn về sự việc đáng tiếc kia.

Một người gác đường tàu, vì say rượu hay do quần áo mũ tùm hum để chống rét, đã không nghe thấy tàu giật lùi nên bị kẹt chết.

Các bà được người lão bộc cho biết trước khi Vronxki và Oblonxki quay về. Hai người đã nhìn thấy cái xác mất cả nhân dạng. Oblonxki bị kích động ra mặt. Ông cau mày và như sắp khóc.

- Chao! Kinh khủng! Chao! Anna, nếu em cũng nhìn thấy anh ta! Chao! Kinh khủng quá! - ông nhắc lại.

Vronxki nín lặng: bộ mặt đẹp của chàng nghiêm trang nhưng rất bình tĩnh.

- Thưa bá tước phu nhân, nếu cụ mà nhìn thấy cảnh đó! - Xtepan Arcaditr nói. - Vợ anh ta cũng đứng đó. Trông chị ấy thảm hại quá... chị ta nhảy vào ôm lấy xác chồng. Hình như chỉ có mình anh ta làm để nuôi cả gia đình đông con. Đó mới là điều khủng khiếp!

- Không thể giúp được chị ta chút gì à? - Carenina nói, giọng cảm động. Vronxki nhìn nàng và rời ngay khỏi toa tàu.

- Con trở lại ngay thôi, mẹ ạ, - chàng quay lại nói, lúc bước qua cửa.

Vài phút sau, khi chàng trở lại, đã thấy Xtepan Arcaditr nói chuyện với bá tước phu nhân về cô danh ca mới, còn bà cụ sốt ruột nhìn ra cửa, ngóng con.

- Bây giờ ta đi thôi, - Vronxki quay về, nói.

Tất cả cùng bước ra. Vronxki đi trước với mẹ. Đi sau là Carenina và anh trai. Ra đến cửa, viên trưởng ga đuổi kịp Vronxki.

- Ngài vừa đưa cho ông phó ga hai trăm rúp. Xin ngài vui lòng cho tôi được biết ngài định chuyển số tiền đó cho ai ạ?

- Cho người đàn bà góa, - Vronxki nhún vai đáp. - Tôi không hiểu sao ông lại hỏi tôi câu đó.

- Anh đã làm việc ấy ư? - Oblonxki hỏi to phía sau chàng và xiết chặt cánh tay em gái, nói tiếp: - thật hào hiệp! Hào hiệp biết bao! Quả là một thanh niên đáng yêu, phải không? Xin kính chào bá tước phu nhân.

Ông và em gái dừng lại để tìm chị hầu phòng của Carenina.

Khi họ ra khỏi ga, xe của gia đình Vronxki đã đi rồi. Những người vào ga tiếp tục nói đến chuyện vừa xảy ra.

- Thật là một cái chết khủng khiếp! - Một ông đi qua bên cạnh nói.

- Nghe bảo anh ta bị nghiến đứt làm hai mảnh.

- Trái lại, đấy là cái chết êm dịu nhất vì được chết ngay lập tức, - một người khác nhận xét.

- Tại sao lại không có biện pháp bảo đảm an toàn nhỉ? - một người thứ ba nói.

Carenina bước lên xe và ông anh ngạc nhiên thấy môi cô em run lên và khó khăn lắm nàng mới cầm nổi nước mắt.

- Cô làm sao thế, Anna? - ông hỏi, khi xe đã đi xa.

- Đó là điềm gở, - nàng nói.

- Bậy nào! - Xtepan Arcaditr nói. - Cô đã tới, đó là điều chủ yếu. Cô không thể biết anh hi vọng vào cô đến mức nào.

- Anh quen với Vronxki lâu chưa? - nàng hỏi.

- Lâu rồi. Cô biết không, chúng tôi đang hi vọng anh ta sẽ cưới Kitti đấy.

- Thế à? - Anna bình tĩnh nói. - Bây giờ ta bàn chuyện của anh đi, - nàng lắc đầu nói tiếp như muốn xua đuổi một ý nghĩ phiền toái và khó chịu. - Bàn về công việc của anh đi. Em đã nhận được thư anh, và em đến đây.

- Ừ, anh chỉ còn hi vọng vào cô nữa thôi, - Xtepan Arcaditr nói.

- Nào, kể hết cho em nghe đi. - Thế là Xtepan Arcaditr bắt đầu kể. Về tới nhà, Oblonxki dắt em xuống xe, bắt tay và đến tòa án.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx