19
Khi Anna bước vào, Doli đang ngồi ở phòng khách nhỏ dạy một chú bé má phính, tóc vàng, hiện đã giống bố như tạc, nhắc lại bài học tiếng Pháp. Cú bé vặn vẹo người đọc bài, vừa ra sức rứt cái khuy sắp rời khỏi áo. Người mẹ đã nhiều lần cấm con làm thế, nhưng bàn tay nhỏ bé bụ bẫm cứ trở đi trở lại với cái khuy áo. Doli bèn rứt đứt khuy và đút vào túi.
- Để yên tay đấy, Grisa, - bà nói, rồi lại đan tiếp cái chăn len, một việc bà bắt đầu đã từ lâu và mỗi lúc có chuyện khổ tâm lại giở ra làm tiếp: bà đan một cách bực dọc, ngón tay đưa lên đưa xuống lặp chặp và đếm từng mũi. Mặc dầu hôm qua đã nhắn với chồng là mình chẳng bận tâm gì lắm đến chuyện em gái ông có đến hay không, bà vẫn sai người chuẩn bị mọi thứ để đón em chồng và hồi hộp chờ đợi.
Nỗi buồn chồng chất đè trĩu trong lòng Doli. Tuy nhiên bà vẫn nhớ cô Anna, em chồng bà, là vợ một nhân vật quan trọng và chính cô cũng là một phu nhân quyền quý ở Peterburg. “Phải, nói cho cùng, Anna chẳng liên can gì đến việc này cả, Doli nghĩ. Mình chỉ thấy ở cô ấy những đức tính tốt đẹp nhất và bao giờ cô ấy cũng yêu mến mình, thân mật với mình.” Thật ra, theo như bà hãy còn nhớ về ấn tượng cảm thấy khi ở gia đình Carenin tại Peterburg, nhà ấy đã làm bà khó chịu: có cái gì giả tạo trong đời sống gia đình của họ. “Tại sao mình lại không tiếp cô ấy chứ? Miễn là cô ta đừng có lên giọng an ủi mình!”, Doli thầm nghĩ. “Những chuyện an ủi, khuyên răn tha thứ theo giáo lý, mình đã nhắc lại mọi thứ ấy đến hàng nghìn lần rồi, mà nó có giúp được gì cho mình đâu.” Suốt mấy ngày nay, Doli chỉ ngồi một mình với các con. Bà không muốn nhắc đến nỗi buồn của mình và với nỗi buồn ấy trong lòng, bà cũng không thể nói chuyện gì khác được. Bà biết bằng cách này hay cách khác, bà sẽ nói hết với Anna, và khi thì bà sung sướng nghĩ đến lúc có người để dốc bầu tâm sự, khi thì lại bực tức vì sẽ phải kể lể nỗi tủi nhục của mình với em chồng và phải nghe những lời khích lệ và an ủi có sẵn. Bà nhìn chiếc đồng hồ quả lắc, đợi em chồng từng phút; nhưng như thói đời vẫn oái ăm thế, chính lúc khách tới bà lại lãng đi mất, và không nghe thấy tiếng chuông giật. Khi có tiếng tà áo sột soạt và tiếng chân người bước nhẹ qua ngưỡng cửa, bà quay lại và bộ mặt mệt mỏi của bà lộ vẻ ngạc nhiên hơn là vui mừng. Bà đứng dậy và ôm lấy em chồng.
- Sao, cô đã tới rồi à? - bà nói và hôn cô em.
- Chị Doli, em rất sung sướng được gặp chị!
- Tôi cũng thế, - Doli nói với nụ cười nhợt nhạt, cố đoán qua vẻ mặt Anna xem nàng đã biết những gì về chuyện đó. “Cô ấy biết rồi, chắc chắn vậy”, bà tự nhủ, khi thấy vẻ thương hại trên nét mặt Anna. - Lại đây, tôi đưa vào buồng của cô, - bà nói tiếp, cố hoãn cái phút phải phân trần muộn chừng nào hay chừng nấy.
- Grisa đấy à? Lạy Chúa, cháu tôi mau lớn quá! - Anna nói. Nàng ôm đứa bé, mắt không rời Doli, rồi dừng lại và đỏ mặt lên. - Không, chị cứ để em ở lại đây đã.
Nàng tháo khăn quàng và chiếc mũ vướng vào mái tóc đen loăn xoăn; nàng lắc lắc đầu gỡ tóc ra.
- Trông cô tràn đầy hạnh phúc và sức khỏe! - Doli nói như thèm muốn.
- Em đấy à?... Vâng, - Anna nói, - lạy Chúa, Tania đây à! Cùng tuổi với Xergei đây, - nàng nói tiếp và quay lại phía em bé gái vừa chạy ở ngoài vào. Nàng ôm nó vào lòng hôn. - Con bé mới tuyệt diệu làm sao, tuyệt diệu làm sao! Chị cho em gặp tất cả các cháu đi! - Nàng gọi tên các cháu: không những nàng nhớ tên mà còn nhớ đúng tuổi, tính nết, bệnh tật của từng đứa. Doli không thể dửng dưng trước điều đó.
- Ta đi gặp các cháu đi, - bà nói. - Tiếc quá, Vaxya lại đang ngủ.
Thăm bọn trẻ xong, hai chị em ngồi một mình ở phòng khách dùng cà phê. Anna tự pha lấy, rồi đẩy cái khay ra.
- Chị Doli ạ, anh ấy nói chuyện với em rồi, - nàng nói. Doli nhìn Anna ra vẻ lạnh lùng. Lúc này bà đang chờ những câu thương hại giả vờ, nhưng Anna không nói câu nào như vậy.
- Chị Doli yêu dấu, - nàng nói, - em không muốn bênh anh ấy, mà cũng không an ủi chị, chỉ vô ích thôi. Nhưng em thương chị lắm, chị yêu dấu, em thương chị vô cùng. - Nước mắt nàng long lanh trên hàng mi rậm. Nàng đến ngồi sát bên chị dâu và đưa bàn tay nhỏ nhắn, rắn rỏi cầm lấy tay Doli. Doli không ngồi xích ra nhưng vẫn giữ nguyên vẻ mặt nghiêm nghị. Bà nói:
- Không ai có thể an ủi được tôi. Sau việc vừa xảy ra, mọi chuyện thế là hết; tôi mất hết rồi!
Và vừa mới nói như vậy, nét mặt bà bỗng dịu hẳn lại. Anna hôn bàn tay khô gầy của Doli và nói:
- Nhưng chị Doli ạ, làm thế nào, biết làm thế nào? Trong hoàn cảnh ghê sợ này, biết xử sự thế nào là tốt hơn cả? Đó là điều ta phải nghĩ tới.
- Hết cả rồi, không cần gì phải trở lại chuyện đó nữa, - Doli nói. - Nhưng ác nghiệt nhất là tôi không thể bỏ anh ấy được: còn con cái, tôi không được tự do. Thế nhưng tôi không thể sống được với anh ấy nữa, nhìn thấy anh ấy cũng đủ là một hình phạt với tôi rồi.
- Chị Doli thân yêu, anh đã nói với em rồi, nhưng em muốn đến lượt chị cũng nói với em. Chị nói tất cả với em đi.
Doli nhìn cô em chồng vẻ dò hỏi. Vẻ quan tâm và yêu thương lộ rõ trên nét mặt Anna.
- Thôi được, - bà đột nhiên nói. - Nhưng tôi sẽ kể lại từ đầu. Cô cũng biết tôi đã lấy chồng như thế nào rồi đấy. Với lối giáo dục của mẹ tôi, không những tôi ngây thơ mà còn ngốc nghếch nữa. Tôi chả biết gì cả. Người ta vẫn nói là những ông chồng thường kể cho vợ nghe quá khứ của mình, nhưng Xtiva... - bà chữa lại, - nhưng Xtepan Arcaditr(28) thì chả nói gì với tôi hết. Hẳn cô không thể tin rằng cho mãi đến gần đây, tôi vẫn cứ đinh ninh mình là người đàn bà duy nhất mà anh ấy biết! Tôi cứ sống như thế trong tám năm. Cô nên hiểu, không những tôi không nghi ngờ anh ấy không chung thủy, mà tôi còn cho là không thể có thế được nữa kia... Và đùng một cái, cô tưởng tượng xem, vỡ lở ra những cái ghê tởm, những cái thối tha, với những ý nghĩ như thế!... Chắc cô sẽ hiểu tôi. Vẫn tin tưởng, vẫn đinh ninh với hạnh phúc của mình, thế mà đùng một cái... - Doli nói tiếp, ghìm tiếng thổn thức... - bắt được một lá thư... một lá thư anh ấy viết cho nhân tình, viết cho cô gia sư của các con tôi! Không, thật kinh khủng quá! (Bà rút vội khăn tay ra và che lên mặt). Bị quyến rũ thì còn hiểu được, - bà nói tiếp sau một lúc im lặng, - nhưng lừa dối tôi quá đáng như thế, khôn khéo như thế... mà với ai kia chứ? Tiếp tục làm chồng tôi, và đồng thời... thật ghê tởm quá! Cô không hiểu được đâu...
(28) Xtiva là cách gọi thân mật. Doli quen miệng gọi thế, rồi chữa lại, dùng cách gọi trịnh trọng để tỏ ra thờ ơ đối với chồng.
- Ồ, có chứ! Em hiểu, em hiểu được, chị Doli thân yêu ạ! - Anna nắm chặt tay chị và nói.
- Và cô tưởng anh ấy hiểu đầy đủ cái hoàn cảnh đáng sợ của tôi à? Không hiểu một chút nào hết! Anh ấy đang sung sướng và thỏa mãn.
- Ồ không đâu! - Anna vội ngắt lời chị. - Anh ấy đáng thương lắm, anh ấy đang bị giày vò vì hối hận.
- Anh ấy mà biết hối hận à? - Doli ngắt lời và chăm chăm nhìn vào mặt cô em chồng.
- Vâng, em biết anh ấy lắm. Em không thể nhìn thấy anh ấy mà không thấy ái ngại. Cả chị lẫn em đều biết tính anh ấy. Anh ấy vốn là người tốt, nhưng tự kiêu, thế mà bây giờ anh cũng cảm thấy quá nhục nhã! Cái làm em cảm động nhất (đến đây, Anna đoán xem cái gì có thể làm Doli xúc động hơn cả), là có hai điều đang giày vò anh: một phần là hối hận với các con, và phần nữa, là đã làm chị phải đau đớn như thế này trong khi anh vẫn yêu chị... bởi vì anh vẫn yêu chị nhất đời, - Anna vội nói thêm, không cho Doli kịp cãi. - “Không, không, vợ tôi sẽ không tha thứ cho tôi”, anh luôn miệng nhắc lại như thế.
Doli tư lự ngồi nghe mà không nhìn em chồng.
- Phải, tôi biết hoàn cảnh của anh ấy thật đáng sợ: kẻ có tội vẫn khổ hơn kẻ vô tội, khi người có tội thấy mọi tai họa đều do mình gây ra, - bà nói. - Nhưng tha thứ làm sao được nữa, sau cái chuyện với con kia? Bây giờ sống với anh ấy hẳn là cực hình đối với tôi, hơn nữa tôi vẫn yêu mối tình ngày xưa tôi đã trao cho anh ấy...
Tiếng nức nở ngắt lời bà. Nhưng, như một việc cố tình, mỗi lúc nguôi nguôi, bà lại tiếp tục nhắc đến những điều đã làm mình bực bội.
- Con ấy nó vừa trẻ, vừa đẹp, - bà nói tiếp. - Anna, mà cô có biết sắc đẹp và tuổi trẻ của tôi đã bị ai lấy mất không. Bị anh ấy và các con anh ấy. Tôi hết thời rồi. Tôi đã hy sinh mọi thứ mình có và bây giờ, bên cạnh một đứa tươi xinh, tầm thường, anh ấy lại thấy vui thú hơn. Thể nào anh ả chả nói về tôi, hay là, tồi tệ hơn, có khi chả buồn nhắc đến tôi nữa... cô có hiểu không?
Một ánh căm hờn lại lóe lên trong mắt bà.
- Thế rồi, sau những chuyện đó, anh ấy lại đến nói với tôi... Có thể tin anh ấy được không chứ? Không bao giờ. Không, hết cả rồi, hết cả những gì là nguồn an ủi của tôi, là sự đền bù cho những khổ cực, giày vò... Cô có tin thế không? Tôi vừa bắt cháu Grisa học; trước đó là niềm vui, bây giờ là cực hình. Tại sao tôi phải chuốc lấy những cái khổ đến thế? Tôi có con để làm gì? Điều đáng sợ là tâm hồn tôi bỗng nhiên bị đảo lộn hẳn, đáng lẽ là tình yêu, là âu yếm, tôi chỉ còn thấy thù anh ấy thôi, phải, căm thù. Tôi có thể giết chết anh ấy, và...
- Doli, chị thân mến, em hiểu chị lắm, nhưng chị đừng tự dằn vặt thế. Chị bị xúc phạm, kích động quá đến nỗi không nhìn sự việc cho đúng tầm quan trọng nữa rồi.
Doli bình tĩnh lại, và trong giây lát cả hai cùng im lặng.
- Làm thế nào đây? Cô nghĩ đi, cô Anna, và cứu tôi với. Tôi đã tính hết nhẽ và chẳng thấy lối thoát nào hết.
Anna không tìm ra cách giải quyết nào, nhưng lòng nàng giao cảm với từng lời, từng nét mặt chị dâu.
- Bây giờ em nói với chị thế này nhá, - nàng mở đầu: - em là em gái anh, em biết tâm tính anh, anh vốn có thể dễ quên hết, quên tất cả (nàng đưa tay lên qua trán), dễ bị quyến rũ hoàn toàn, mà cũng biết hối hận tự đáy lòng. Giờ đây, anh không hiểu tại sao anh lại có thể làm việc ấy.
- Có, có chứ! Anh ấy hiểu lắm, anh ấy làm có ý thức! - Doli ngắt lời.
- Nhưng tôi... cô quên tôi... không phải vì thế mà tôi bớt khổ tâm đâu!
- Khoan đã. Khi anh kể chuyện ấy với em, xin thú thật là em cũng chưa hiểu ra ngay tất cả sự khủng khiếp trong hoàn cảnh của chị. Em chỉ nhìn thấy anh và sự bất hòa trong gia đình anh chị thôi, em chỉ thương anh; nhưng bây giờ nói chuyện với chị, vì cùng là phụ nữ, em lại nhìn thấy chuyện khác: em thấy những đau khổ của chị, và em không đủ lời để nói em thương chị đến mức nào! Chị Doli, nàng tiên của em, em hoàn toàn hiểu thấu nỗi đau khổ của chị, nhưng có một điều em chưa biết là chị còn yêu anh ấy đến độ nào. Chính chị mới biết chị có đủ tình yêu để tha thứ cho anh không. Nếu còn có thể được, chị hãy tha thứ cho anh!
- Không... - Doli bắt đầu nói, nhưng Anna đã ngắt lời bằng cách hôn tay bà lần nữa.
- Em hiểu đời hơn chị, - nàng nói. - Em biết những người như Xtiva đã coi những chuyện này thế nào. Chị bảo rằng anh ấy đã nói với cô ta về chị. Tuyệt nhiên không có thế đâu. Những đàn ông đó phạm tội không chung thủy, người nhà họ và vợ họ vẫn là thánh đường đối với họ. Họ vẫn tiếp tục coi khinh loại đàn bà kia, đàn bà không làm hại được gia đình họ đâu. Họ vạch một ranh giới không thể vượt qua giữa loại đàn bà đó và gia đình họ. Em không hiểu được điều ấy, nhưng sự thật là như vậy.
- Phải, nhưng anh ấy, đã từng hôn hít con kia...
- Chị Doli, chị yêu dấu, hãy nghe em! Em đã thấy Xtiva hồi anh ấy mê chị. Em nhớ đã có thời kỳ anh đến ở nhà em, vừa khóc vừa nói chuyện với em về chị, và lúc ấy anh đặt chị lên một vị trí cao cả thơ mộng biết nhường nào, và em biết chị càng sống chung với anh, chị càng lớn lên trong con mắt anh. Bọn em đã từng chế giễu anh vì cứ sau mỗi câu, anh lại tiếp thêm: “Doli là người đàn bà kỳ diệu.” Trước kia cũng như bây giờ, chị vẫn là vị thần của anh. Đây không phải chuyện trái tim anh bị cám dỗ đâu...
- Nhưng nếu sự cám dỗ đó lại tái diễn thì sao?
- Em tin là không thể thế đâu...
- Vào địa vị cô, cô có tha thứ không?
- Em không biết, em không thể nói được... Có, em có thể tha thứ được, - Anna tư lự nói, nàng hình dung trong đầu, nhận định, cân nhắc tình thế, và tiếp: - được, được, em làm được, em làm được, phải, em sẽ tha thứ. Có thể em sẽ không còn là em như trước nữa, nhưng em sẽ tha thứ như không hề có sự gì xảy ra, không có gì hết...
- Tất nhiên rồi, - Doli hấp tấp ngắt lời em, như kiểu bà phát biểu một ý nghĩ đã nhiều lần đến trong đầu, nếu không thế, đã chả gọi là tha thứ. - Đã tha thứ là phải tha thứ hoàn toàn. Thôi, đi, chị đưa lên phòng của cô, - bà nói và đứng dậy, trong khi cùng đi, bà ôm lấy em chồng. - Em yêu dấu, em tới đây làm chị hài lòng biết bao! Chị thấy dễ chịu hơn, dễ chịu hơn nhiều rồi.
20
Anna ở nhà cả ngày, tức là ở nhà Oblonxki, và không tiếp ai cả (có mấy người bạn thân biết nàng tới, đã đến thăm ngay hôm đó). Cả buổi sáng nàng ngồi với Doli và lũ trẻ. Nàng chỉ gửi một mảnh giấy cho anh, nhắn thế nào cũng phải về ăn trưa. “Anh về nhé, Chúa lòng lành vô cùng”, nàng viết.
Oblonxki ăn chiều ở nhà; mọi người đều nói chuyện, và bà vợ khi nói với ông đã gọi bằng “anh”, khác hẳn mấy lâu nay. Quan hệ giữa hai vợ chồng vẫn xa cách, nhưng chuyện ly tán không thành vấn đề nữa và Xtepan Arcaditr thoáng thấy trước là sẽ có thể giãi bày và chắp nối lại. Sau bữa chiều, Kitti đến. Cô chỉ hơi quen Anna và cô đến nhà chị với đôi chút ngại ngùng, không biết vị phu nhân quyền quý ở Peterburg mà ai nấy đều đề cao lên tận mây xanh sẽ đón tiếp mình ra sao. Nhưng cô đã làm vừa lòng Anna Ackađich và nhận ngay ra điều ấy. Rõ ràng Anna đã xiêu lòng vì sắc đẹp và tuổi trẻ của Kitti, và Kitti, trước khi kịp định thần lại, đã thấy mình không những bị Anna thu phục mà còn đam mê nàng theo kiểu một thiếu nữ rất trẻ có thể mê một thiếu phụ có chồng và nhiều tuổi hơn mình. Nhìn Anna, người ta không hề nghĩ tới một phụ nữ thượng lưu hoặc một bà mẹ đã có con lên tám, nếu nàng không có cái vẻ nghiêm nghị và thỉnh thoảng man mác buồn, nó đập vào mắt Kitti và hấp dẫn cô; bằng vào dáng điệu mềm mại, nét mặt tươi tắn và hoạt bát, lộ ra khi ở nụ cười, khi khóe mắt, thì có thể nói đây là một thiếu nữ hai mươi. Cô gái cảm thấy Anna hoàn toàn giản dị và cởi mở, nhưng nàng vẫn mang trong người một thế giới khác một thế giới thượng đẳng đầy hứng thú thơ mộng và phức tạp mà cô không thể với tới. Khi Doli đã trở về phòng riêng sau bữa ăn, Anna liền đứng phắt dậy và lại gần ông anh đang châm xì gà hút.
- Anh Xtiva, - nàng nói, vui vẻ nháy mắt ra hiệu và liếc về phía cửa, - anh vào đi, và cầu Chúa cứu giúp anh! - Ông anh hiểu ý, vứt điếu xì gà và biến vào sau cánh cửa. Khi Xtepan Arcaditr đi rồi, nàng trở lại ngồi chỗ đivăng ban nãy, giữa đám trẻ. Phải chăng bọn trẻ đã nhận thấy mẹ chúng yêu mến người cô, hay chính chúng cũng thấy ở nàng một vẻ yêu kiều đặc biệt? Hai đứa lớn từ trước bữa ăn đã bám chịt lấy người cô mới này, không muốn rời ra nữa. Và như thói thường, lũ em cũng bắt chước anh chị; giữa chúng với nhau, như đã thành một thứ trò chơi, xem thử đứa nào đứng gần cô nhất, sờ được vào người cô, cầm lấy bàn tay mềm mại của cô, hôn tay cô, nghịch chiếc nhẫn cưới của cô hay ít ra, thì cũng được chạm khẽ vào vạt áo cô.
- Nào các cháu, ta ngồi lại như lúc nãy đi, - Anna nói và ngồi xuống.
Và Grisa, mắt sáng lên kiêu hãnh và sung sướng, luồn đầu xuống dưới tay cô rồi ngả đầu vào áo cô.
- Bao giờ thì tới buổi khiêu vũ sau nhỉ? - nàng quay về phía Kitti hỏi.
- Đến tuần sau ạ; một cuộc khiêu vũ tuyệt diệu, một cuộc khiêu vũ vui suốt từ đầu đến cuối.
- Vậy ra có những cuộc khiêu vũ vui suốt từ đầu đến cuối ư? - Anna nói hơi mỉa mai.
- Vâng, kể cũng lạ, nhưng đúng là như vậy. Khiêu vũ ở nhà Bôbritsep bao giờ cũng vui, ở nhà Nikitin cũng thế. Còn như ở nhà Mekov thì bao giờ cũng chán. Chị không nhận thấy thế sao?
- Không, cô bạn tâm tình ạ, đối với tôi thì không có cuộc khiêu vũ nào là vui cả, - Anna nói, và Kitti bỗng nhìn thấy trong mắt nàng cái thế giới bí mật còn khép kín đối với cô. - Với tôi, chỉ có những cuộc khiêu vũ đỡ chán hơn thôi...
- Làm sao chị lại có thể buồn chán khi dự khiêu vũ nhỉ?
- Tại sao tôi, tôi lại không thể buồn chán ở những chốn đó? – Anna hỏi. Kitti biết Anna đã đoán trước được câu trả lời của cô.
- Bởi vì bao giờ chị cũng là người đẹp nhất.
Anna vốn hay đỏ mặt, cho nên nàng đỏ mặt và nói:
- Thứ nhất điều ấy không đúng, và thứ hai, nếu thật thế thì cũng chẳng lợi gì cho tôi!
- Chị sẽ đến dự đêm khiêu vũ sắp tới chứ? - Kitti hỏi.
- Tôi nghĩ tôi không thể làm khác được. Đấy, cầm lấy, - nàng bảo Tania, nó rút chiếc nhẫn cưới tuột dễ dàng khỏi ngón tay trắng và thon dài của cô.
- Em sẽ rất vui sướng nếu chị cũng đến. Em thích được thấy chị ở buổi khiêu vũ quá!
- Nếu phải đến đấy, ít ra tôi cũng có thể tự an ủi là đã làm cô vui lòng. Grisa, đừng kéo tóc cô, cô xin cháu, tóc cô sổ tung ra rồi đây này, - nàng vừa nói vừa sửa lại món tóc bị thằng bé nghịch.
- Em hình dung thấy chị mặc áo hoa cà.
- Tại sao lại phải là màu hoa cà? - Anna mỉm cười hỏi. - Thôi đi đi, các cháu, đi đi. Các cháu có nghe thấy không? Cô Hal đang gọi các cháu uống trà đấy, - nàng nói, thả bọn trẻ ra cho chúng vào buồng ăn.
- Tôi biết vì sao cô mời tôi dự khiêu vũ rồi. Cô rất chờ đợi nó và muốn mọi người đều tham gia hôm đó.
- Tại sao chị lại biết? Vâng, đúng thế thật.
- Chao, đẹp đẽ thay tuổi các cô! - Anna tiếp. - Tôi nhớ đến màn sương mù xanh lơ, giống như thứ sương nhìn thấy trên các đỉnh núi ở Thụy Sĩ. Màn sương ấy bao phủ tất cả, vào cái thời kỳ hạnh phúc khi ta vừa ở tuổi thơ bước ra... Và từ thế giới mênh mông, sung sướng, vui tươi ấy, đường đi cứ ngày một hẹp dần... Người ta vừa vui mừng lại vừa lo sợ dấn bước vào con đường hẻm đó, mặc dầu nó hình như sáng trưng, diễm lệ... Có ai mà không đi qua con đường ấy? Kitti mỉm cười không nói gì. “Làm sao chị ấy lại có thể đi qua con đường ấy? Mình muốn biết tất cả câu chuyện về chị ấy quá!”, cô nghĩ thầm và nhớ lại hình dáng không lấy gì làm thơ mộng của Alecxei Alecxandrovitr, chồng Anna.
- Tôi biết chuyện rồi. Anh Xtiva có nói với tôi, và tôi hết lời mừng cô đấy, tôi ưa ông ta lắm. - Anna nói tiếp: - Tôi đã gặp Vronxki ở ngoài ga.
- A! Anh ấy cũng ra đấy à? - Kitti đỏ mặt hỏi. - Anh Xtiva đã nói với chị những gì?
- Anh ấy kể hết cho tôi rồi. Và tôi sẽ rất bằng lòng nếu... Tôi đi cùng chuyến tàu với mẹ Vronxki, - nàng nói tiếp, - và bà cụ không ngớt nói về con mình, con cưng của cụ đấy; tôi biết các bà mẹ đều thiên vị, nhưng mà...
- Bà cụ anh ấy nói với chị những gì?
- À, nhiều chuyện lắm! Con cưng của cụ mà, nhưng dù sao, người ta cũng thấy đấy là một con người có bản chất mã thượng... Thí dụ, bà cụ kể cho tôi biết anh ấy muốn bỏ lại cả gia tài cho ông anh; và hồi nhỏ, anh ấy đã làm một việc phi thường: cứu một người đàn bà khỏi chết đuối. Nói tóm lại, đấy là một vị anh hùng, - Anna mỉm cười nói và nhớ lại số tiền hai trăm rúp Vronxki đã cho ở ga. Nhưng nàng không nhắc tới hai trăm rúp. Nhớ lại điều đó, nàng khó chịu. Nàng cảm thấy trong chuyện đó có cái gì liên quan đến mình, một cái gì đáng trách.
- Bà cụ khẩn khoản mời tôi đến chơi nhà, - Anna tiếp. - Tôi sẽ vui lòng được gặp lại và mai sẽ đến thăm cụ. Đội ơn Chúa, Xtiva ở khá lâu trong phòng Doli rồi, - Anna chuyển sang chuyện khác và đứng dậy. Kitti thấy như nàng có vẻ phật ý.
- Không, tao đến trước! Không, tao cơ! - Bọn trẻ kêu to; chúng uống trà xong và lại chạy đến với cô Anna.
- Tất cả các cháu cùng đến một lúc! - Anna nói, vừa cười vừa chạy ra đón. Nàng dang tay bế chúng và đặt tất cả bọn lau nhau vui tươi ríu rít ấy xuống đivăng.
21
Doli ở phòng riêng đi ra để dùng bữa trà người lớn. Không thấy Xtepan Arcaditr xuất hiện. Chắc ông rời phòng vợ bằng cửa sau.
- Chị sợ cô ở trên gác thì lạnh, - Doli quay lại bảo Anna; - chị sẽ cho thu xếp để cô ở dưới này. Như thế chúng mình sẽ gần nhau hơn.
- Ồ! Thôi chị ạ, chị đừng bận tâm nhiều về em, - Anna đáp, nhìn chằm chặp vào mặt Doli, cố đoán thử xem hai vợ chồng làm lành với nhau chưa.
- Ở đây sáng sủa hơn, - bà chị dâu nói.
- Chị nhớ là ở đâu em cũng ngủ say như chuột đồng ấy.
- Hai chị em nói chuyện gì thế? - Xtepan Arcaditr ở phòng làm việc bước ra và hỏi vợ. Nghe giọng ông, Kitti và Anna hiểu ngay họ dàn hòa với nhau rồi.
- Em muốn để Anna ở đây, nhưng thay màn cửa đi thì hơn. Không ai làm được, lại phải em thôi, - Doli trả lời chồng.
“Có trời biết họ đã hoàn toàn hòa thuận với nhau chưa”, Anna nghĩ thầm khi thấy vẻ bình thản, lạnh lùng của Daria.
- Đừng có luôn luôn chuốc lấy việc vào mình thế Doli ạ, - Oblonxki nói. - Nếu em bằng lòng, anh sẽ làm việc ấy cho... - “Ừ, chắc họ làm lành với nhau rồi”, Anna nghĩ thầm.
- Em thừa biết là anh sẽ làm ra sao rồi, - Doli nói: - anh sẽ sai Matvei những điều quái gở không biết mô tê nào mà lần, rồi anh bỏ đi, còn bác ta sẽ làm rối tinh rối mù lên..., - và nụ cười chế nhạo hé nở trên môi Doli. “Họ hoàn toàn làm lành với nhau rồi, hoàn toàn rồi, lạy Chúa!” - Anna kết luận. Và, sung sướng nghĩ việc làm lành đó là nhờ ở mình, nàng tiến đến và ôm hôn Doli.
- Chưa chắc; tại sao em lại khinh Matvei và anh đến thế nhỉ?
Xtepan Arcaditr nói và quay lại phía vợ, trên môi thoáng một nụ cười.
Cả buổi tối, Doli vẫn như thường lệ, hơi có vẻ mỉa mai chồng, còn Xtepan Arcaditr thì vui vẻ và hài lòng, nhưng vừa đủ để khỏi có vẻ vừa được tha thứ đã vội quên hết lỗi lầm. Khoảng chín rưỡi, câu chuyện quanh bàn trà nhà Oblonxki đêm ấy đang đặc biệt vui vẻ, bỗng bị phá rối vì một chuyện bất ngờ, bề ngoài tưởng rất bình thường nhưng ai nấy đều thấy kỳ lạ. Nhân nói đến chuyện bạn bè quen thuộc chung ở Peterburg, Anna đứng phắt dậy.
- Tôi có ảnh họ trong anbum đây, và nhân thể, xin mời xem ảnh cháu Xêriôja(29), - nàng nói với nụ cười kiêu hãnh của người mẹ.
(29) Tên gọi thân mật của Xergei.
Thường thường cứ đến mười giờ là nàng đến đắp chăn cho con và chúc chú bé ngủ ngon trước khi đi khiêu vũ, cho nên lúc này nỗi buồn vì phải xa con xâm chiếm nàng, và dù câu chuyện xoay quanh vấn đề gì, đầu óc nàng vẫn luôn luôn nghĩ tới Xerioja tóc búp của mình. Nàng nảy ra ý muốn được ngắm ảnh con và nói một chút về nó. Nắm lấy cái cớ đầu tiên, nàng liền đứng dậy và đi tìm cuốn anbum, bước chân rắn rỏi nhẹ nhàng. Cầu thang lên phòng nàng ăn thẳng vào phòng chờ lớn được sưởi ấm của tầng dưới.
Vừa lúc nàng ra khỏi phòng khách, có tiếng chuông kêu vang ngoài phòng chờ.
- Ai thế nhỉ? - Doli nói.
- Nếu là người đến đón em về thì còn sớm quá, mà nếu là khách đến chơi thì khuya rồi, - Kitti nhận xét.
- Chắc họ mang giấy tờ đến cho tôi, - Xtepan Arcaditr nói. Khi Anna đi qua gần cầu thang, một người hối hả chạy lên báo có khách; người khách đứng đợi dưới ngọn đèn phòng chờ. Anna nhìn xuống, nhận ngay ra Vronxki và một cảm giác kỳ lạ, vui mừng pha lẫn sợ hãi, thốt nhiên làm cho lòng nàng xao xuyến. Vronxki đứng thẳng, không cởi áo ngoài, và móc ở túi ra vật gì. Lúc nàng đến giữa cầu thang, chàng đưa mắt nhìn lên, thấy nàng, và mặt chằng bỗng lộ vẻ bối rối, sợ sệt. Nàng khẽ cúi đầu chào và đi qua. Liền sau đó có tiếng nói oang oang của Xtepan Arcaditr mời bạn vào chơi và giọng nói bình tĩnh, dịu dàng và hơi tịt đi của Vronxki từ chối lời mời. Khi Anna đem cuốn anbum trở vào, chàng không còn ở đấy nữa, và Xtepan Arcaditr cho biết là chàng đến hỏi về bữa ăn định tổ chức vào ngày kia mừng một vị tai mắt đi ngang qua đây.
- Anh chàng không bao giờ vào nhà cả: thật buồn cười! - Xtepan Arcaditr nói thêm.
Kitti đỏ mặt. Cô tưởng chỉ riêng mình đoán được tại sao chàng đến đây và tại sao lại không chịu vào nhà. “Chàng qua nhà mình và không thấy mình - cô thầm nghĩ - chàng bèn nghĩ mình ở đây; nhưng chàng không vào vì khuya rồi và có Anna ở đây.”
Mọi người nhìn nhau không nói gì, và bắt đầu xem tập ảnh của Anna. Nào có gì là phi thường hay kỳ lạ trong việc đi ngang qua nhà người bạn thân hồi chín giờ rưỡi để hỏi về chi tiết một bữa ăn đã dự định trước và từ chối không vào nhà; nhưng tất cả đều thấy đó là khác thường. Hơn ai hết, Anna càng băn khoăn và phật ý.
@by txiuqw4