sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Anna Karenina (Tập 1) - Phần 2 - Chương 03

Những câu chuyện của quận chúa Miarcaia bao giờ cũng tác động như thế; bí quyết của bà là nói những chuyện bình thường, hợp lý hợp lẽ, tuy không phải bao giờ cũng đúng lúc như bây giờ. Trong đám người bà đang cùng sống, những câu chuyện đó có tác dụng như những câu khôi hài ý nhị. Quận chúa Miarcaia không hiểu được tại sao mình lại thành công đến như vậy, nhưng bà biết mình thành công và cũng lợi dụng điều đó. Trong khi quận chúa Miarcaia kể chuyện, mọi người đều lắng nghe và cuộc trò chuyện ở chung quanh bà vợ đại sứ cũng im bặt; nữ chủ nhân do đó muốn tập hợp tất cả các vị khách lại và nói với bà vợ đại sứ:

- Thế nào, bà không xơi trà à? Xin mời bà lại nhập bọn với chúng tôi nào.

- Không, chúng tôi ngồi đây tốt lắm rồi, - bà vợ đại sứ mỉm cười trả lời và lại bắt vào câu chuyện mới bắt đầu. Câu chuyện rất lý thú. Họ đang bình phẩm vợ chồng Carenin.

- Anna thay đổi tợn kể từ sau khi đi Moxcva về. Chị ta thật lạ lùng, - một bạn gái của Anna nói.

- Điều thay đổi đặc biệt nhất là bà ta đã dắt theo trở về một cái bóng là Alecxei Vronxki, - bà vợ đại sứ nói.

- Tại sao lại không được kia chứ? Có một câu chuyện cổ tích của Grim: có một người không có bóng, một người bị mất cái bóng của mình. Đó là một hình phạt. Tôi không bao giờ hiểu được cái hình phạt đó là thế nào. Một người đàn bà mà không có bóng thì chắc phải khổ tâm lắm.

- Phải, nhưng đàn bà có một cái bóng thường cuối cùng đều không ra gì, - người bạn gái của Anna nói.

- Sao mà các bà lắm lời thế! - quận chúa Miarcaia đột nhiên nói, khi nghe thấy những câu đó. - Anna Carenina là người đáng yêu. Tôi không ưa ông chồng, nhưng còn chị ấy thì tôi rất mến.

- Tại sao bà không ưa ông chồng? Đó là một người thật xuất sắc, - bà vợ đại sứ nói. - Nhà tôi nói là hiếm có những chính khách vào loại ông ta ở Âu Châu.

- Nhà tôi cũng nói như vậy, nhưng tôi không tin, - quận chúa Miarcaia đáp. - Nếu những ông chồng chúng ta không nói điều đó, thì chúng ta sẽ thấy đúng chân tướng ông ta: mà theo tôi thì Alecxei Alecxandrovitr chỉ là thằng ngốc. Tôi nói nhỏ điều đó thôi... Có phải thế là mọi chuyện đều rõ ràng rồi không? Trước kia, khi người ta ra lệnh cho tôi phải thấy ông ta là thông minh, tôi cứ luôn luôn tìm xem tại sao lại thế và cứ nghĩ chính mình là đứa ngu nên mới không thấy được trí tuệ ông ta; nhưng từ khi tôi nói: Đó là thằng ngốc, tất nhiên là nói nhỏ thôi, thì mọi cái trở nên rõ ràng. Các bà có đồng ý thế không?

- Hôm nay sao bà ác miệng thế!

- Không hẳn thế đâu. Không còn có giải pháp nào khác. Một trong hai chúng tôi phải là kẻ ngu. Và bà biết đấy, người ta không thể nào lại tự bảo mình như thế được.

- “Không ai thỏa mãn về hoàn cảnh của mình, nhưng mỗi người đều thỏa mãn về trí tuệ của mình”, - nhà ngoại giao nói, đọc lại một câu thơ Pháp.

- Đúng thế, - quận chúa Miarcaia sôi nổi nói. - Nhưng quả thực tôi không bỏ mặc Anna cho các vị đâu. Chị ấy thật đáng yêu, thật duyên dáng! Nếu mọi người đều mê và theo chị ấy như cái bóng thì đó có phải là lỗi ở chị ấy không?

- Nhưng tôi có nghĩ đến chuyện phê phán chị ta đâu, - người bạn gái của Anna thanh minh.

- Nếu không có ai theo ta như cái bóng, thì đó cũng không phải là một cớ để ta có quyền phê phán người khác. - Và sau khi sửa cho bạn của Anna một mẻ nên thân, quận chúa Miarcaia đứng dậy và cùng bà vợ đại sứ đến gần bàn trà, ở đó, câu chuyện chung đang xoay quanh vua nước Phổ.

- Các bà nói xấu ai ở đằng kia đấy? - Betxi hỏi.

- Vợ chồng Carenin, quận chúa đã miêu tả chân dung Alecxei Alecxandrovitr cho chúng tôi nghe, - bà vợ đại sứ trả lời, mỉm cười ngồi xuống cạnh bàn.

- Thật đáng tiếc là chúng tôi không được nghe, - Nữ chủ nhân nói, đưa mắt nhìn ra cửa. - A! chú đã đến đây rồi! - Nàng mỉm cười nói với Vronxki vừa đi vào. Vronxki không những quen biết tất cả, mà hằng ngày còn thường gặp mặt những người đang tụ họp ở đây tối nay; cho nên chàng bình thản bước vào như khi vào nhà người mình vừa chia tay xong.

- Tôi ở đâu đến ấy à? - chàng trả lời câu hỏi của bà vợ đại sứ. - Biết làm thế nào? Tôi đành phải thú thực vậy. Ở rạp Hề về. Có lẽ tôi đi xem hề đây là lần thứ một trăm rồi nhưng lần nào tôi cũng thấy một thích thú mới. Thật thú vị. Nói ra thì cũng xấu hổ đấy, nhưng chỉ ở Nhà hát ca kịch tôi mới ngủ gật, còn ở rạp Hề thì tôi lại vui thích đến phút cuối. Hôm nay... - Chàng nhắc tên một nữ diễn viên Pháp và định kể lại một giai thoại về nàng, nhưng bà vợ đại sứ liền ngắt lời với vẻ khiếp hãi đùa cợt.

- Tôi xin ông, đừng có kể cho tôi nghe những chuyện gớm ghiếc ấy nữa!

- Thôi được, tôi không nói nữa, nhất là các bà đều biết rõ tất cả những cái gớm ghiếc đó rồi!

- Và hẳn các bà sẽ sẵn sàng chạy cả đến đó xem, nếu cũng được phép như đến Nhà hát ca kịch vậy, - quận chúa Miarcaia nhấn mạnh thêm.

7

Tiếng bước chân vang lên ở gần cửa ra vào, và quận chúa Betxi biết đó là Anna, liền nhìn Vronxki. Chàng chăm chú nhìn ra cửa và mặt chàng chợt biến sắc lạ thường. Chàng ngắm người thiếu phụ mới đến vẻ vừa vui sướng, vừa khẩn khoản, rụt rè, và chàng từ từ đứng dậy khỏi ghế. Anna bước vào. Như thương lệ, rất thẳng người, với bước đi nhẹ nhàng, quả quyết và nhanh nhẹn khiến nàng khác hẳn những phụ nữ khác trong giới thượng lưu, nàng đi qua cái khoảng cách ngăn nàng với nữ chủ nhân, bắt tay và mỉm cười với bà ta, rồi vẫn với nụ cười đó, quay lại phía Vronxki. Vronxki cúi rạp người xuống và nhấc ghế mời nàng ngồi. Nàng chỉ nghiêng đầu đáp lại chàng, đỏ mặt lên và cau mày. Nhưng sau khi nhanh nhẹn gật đầu chào những người quen và bắt những bàn tay chìa ra, nàng lập tức quay lại phía nữ chủ nhân:

- Tôi vừa đến nhà nữ bá tước Lidia; tôi muốn tới đây sớm hơn, nhưng bị giữ lại. Có ông John(41) ở nhà bà ta. Ông ta là người rất đặc sắc.

(41) Trong bản Pháp văn dùng chữ “sir” chứng tỏ John là người Anh.

- À! Ông giáo sĩ ấy phải không?

- Vâng, ông ta kể chuyện về đời sống ở Ấn Độ rất hấp dẫn. - Câu chuyện bị đứt quãng vì có nàng đến, giờ lại chập chờn như ngọn lửa một cây đèn bị thổi.

- Ông John? À phải, ông John! Tôi có gặp ông ta rồi. Ông ta nói giỏi lắm. Bà Vlaxiêva đã mê tít ông ta.

- Có thực là cô em út Vlaxiêva kết hôn với Tôpốp không?

- Phải, người ta nói việc đó quyết định rồi.

- Tôi ngạc nhiên là đôi bên cha mẹ lại bằng lòng. Hình như họ yêu nhau say mê lắm.

- Yêu say mê à? Ở đâu ra những ý nghĩ từ trước thời hồng thủy ấy? Ai còn nói đến tình yêu say mê ở thời buổi này nữa? - Bà vợ đại sứ nói.

- Biết làm thế nào? Cái kiểu lỗi thời ngu ngốc đó vẫn không chịu mất đi, - Vronxki nói.

- Ai muốn theo lối ấy thì mặc kệ họ. Tôi chỉ biết những cuộc hôn nhân sung sướng duy nhất là hôn nhân theo lý trí.

- Phải, nhưng cái hạnh phúc đó lại thường hay tan ra khói, đúng lúc xuất hiện cái tình yêu say mê mà người ta phủ nhận, - Vronxki nói.

- Nhưng người ta chỉ nhắc đến hôn nhân theo lý trí khi nào cả đôi bên đã tận hưởng mọi thú điên cuồng của tuổi trẻ. Như bệnh sốt phát ban ấy, ta phải trải qua cái đó đã mới được.

- Trong trường hợp đó, ta phải học tiêm chủng ái tình một cách nhân tạo như chủng đậu ấy.

- Hồi còn trẻ, tôi có mê một ca sĩ nhà thờ, - Quận chúa Miarcaia nói. - Tôi không rõ cái đó liệu có ích gì cho tôi không.

- Không, không nói đùa đâu, tôi cho là muốn hiểu được tình yêu, phải lầm lẫn đã, rồi sau đó mới tìm được ra con đường thẳng, - Quận chúa Betxi nói.

- Ngay cả sau khi đã kết hôn rồi à? - bà vợ đại sứ hỏi, giọng châm biếm.

- “Biết hối hận thì không bao giờ muộn”, - nhà ngoại giao nói, đọc câu tục ngữ Anh.

- Đúng thế, - Betxi cãi lại, - phải lầm lẫn rồi mới sửa chữa được. Chị nghĩ thế nào? - bà quay lại hỏi Anna, nàng đang nghe chuyện, đôi môi thoáng mỉm cười.

- Tôi nghĩ là, - Anna nói, tay mân mê nghịch chiếc găng vừa rút ra, - tôi nghĩ là... có bao nhiêu đầu thì có bấy nhiêu ý kiến, nghĩa là: có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách yêu đương.

Vronxki nhìn Anna và tim chàng như ngừng lại, chờ đợi điều nàng sắp nói. Chàng thở phào như thoát nạn khi nàng đã nói những lời đó. Anna đột nhiên nói với chàng:

- Tôi vừa nhận được thư ở Moxcva. Họ cho biết là Kitti Serbatxki bị ốm nặng.

- Thực ạ? - Vronxki cau mày nói. Anna nghiêm khắc nhìn chàng.

- Việc đó không làm ông quan tâm à?

- Trái lại, quan tâm lắm chứ! Tôi có thể biết đích xác là họ đã viết cho bà như thế nào không? - chàng hỏi. Anna đứng dậy và đến gần Betxi.

- Xin chị chén trà, - nàng nói và đứng lại sau ghế tựa của bạn. Trong khi Betxi rót trà, Vronxki đến cạnh Anna.

- Họ viết gì cho bà? - chàng nhắc lại.

- Tôi thường tự nhủ đàn ông không hiểu thế nào là cao thượng cả, mặc dù họ vẫn luôn miệng nói tới điều đó, - Anna nói, không trả lời vào câu chàng hỏi. - Đã từ lâu tôi muốn nói với ông điều đó, - nàng nói thêm và bước đi vài bước, ngồi xuống gần một góc chất đầy những tập ảnh.

- Tôi không hiểu thật rõ ý nghĩa lời bà nói, - chàng nói và đưa nàng chén trà.

Nàng đưa mắt nhìn sang đi văng ở cạnh; chàng lập tức ngồi xuống.

- Vâng, tôi muốn nói với ông điều đó, - nàng nói, không nhìn chàng: - ông đã hành động sai lầm, rất sai lầm.

- Bà tưởng tôi không biết hay sao? Nhưng mà lỗi tại ai?

- Tại sao ông lại nói với tôi như vậy? - nàng nói và nghiêm khắc nhìn chàng.

- Bà biết rồi đấy, - chàng mạnh dạn trả lời, nhìn lại không chớp mắt. Chính nàng đâm ra bối rối.

- Điều đó chỉ chứng tỏ ông không có tim, - nàng nói. Nhưng cái nhìn lại nói nàng biết chàng có một trái tim và chính vì thế đâm sợ chàng.

- Điều bà vừa nhắc tới là một sự lầm lẫn chứ không phải tình yêu.

- Ông nên nhớ là tôi đã cấm ông không được nói tới chữ đó, cái chữ kinh khủng đó, - Anna rùng mình nói; nhưng, ngay khi ấy, nàng cảm thấy chỉ bằng một chữ cấm đó, nàng đã tỏ ra tự thừa nhận mình có một số quyền lực đối với chàng, và do đó càng khuyến khích chàng thổ lộ tình yêu. - Đã từ lâu tôi muốn nói với ông điều đó, - nàng lại nói và nhìn chàng quả quyết, trong khi đôi má ửng đỏ; - hôm nay, tôi chủ tâm đến đây vì biết sẽ gặp ông. Tôi đến để nói với ông rằng việc này phải chấm dứt. Tôi chưa bao giờ phải hổ thẹn trước mặt ai cả, thế mà ông đã buộc tôi cảm thấy mình có lỗi.

Chàng nhìn nàng và sửng sốt trước vẻ đẹp tinh thần mới mẻ của bộ mặt nàng.

- Bà muốn tôi phải làm gì? - chàng hỏi gọn lỏn, giọng nghiêm chỉnh.

- Tôi muốn ông quay về Moxcva xin lỗi Kitti, - nàng nói.

- Bà không muốn thế đâu, - chàng trả lời. Chàng thấy nàng đã nói điều nàng ép mình phải nói, chứ không phải điều muốn nói.

- Nếu quả thực ông yêu tôi như lời ông nói, thì xin ông để cho tôi được yên, - nàng thầm thì nói. Mặt Vronxki ngời sáng lên.

- Bà không biết bà là cả cuộc đời tôi hay sao? Nhưng tôi không có cách nào và cũng không thể nào để bà yên được. Trọn vẹn cả cuộc đời tôi, tình yêu của tôi, tôi dâng bà... vâng. Tôi không thể nghĩ đến bà và đến tôi riêng rẽ được. Trước mắt tôi, bà và tôi, chúng ta chỉ là một. Tôi nhìn thấy một khả năng thất vọng, đau khổ... hoặc tôi nhìn thấy một khả năng hạnh phúc, mà là niềm hạnh phúc to lớn biết bao!... Có thật là không thể thực hiện được chăng? - chàng nói thêm, chỉ khẽ mấp máy đôi môi; nhưng nàng đã nghe thấy. Nàng lấy hết sức lực tinh thần để nói điều cần nói; nhưng đáng lẽ phải thốt ra điều đó thì nàng lại nhìn chàng bằng con mắt đầy yêu thương và không trả lời gì. “Thế là thành công rồi! Chàng vui sướng thầm nghĩ. Trong khi mình bắt đầu thất vọng, đã tưởng tất cả chuyện này đều không đi đến đâu! Nàng yêu ta. Nàng đã thú nhận với ta!”

- Xin ông cứ làm như vậy cho tôi, đừng bao giờ nói với tôi như thế nữa; nếu được như vậy thì chúng ta còn là bạn tốt với nhau, - nàng nói, nhưng cái nhìn lại nói khác hẳn.

- Bà cũng thừa biết chúng ta sẽ không bao giờ là bạn với nhau cả. Chúng ta sẽ là những người sung sướng nhất hoặc đau khổ nhất? Cái đó tùy bà quyết định.

Nàng muốn nói điều gì đó, nhưng chàng ngắt lời:

- Tôi chỉ xin bà mỗi một điều là được quyền hi vọng và đau khổ như giờ phút này; nếu không thể được, xin bà cứ ra lệnh cho tôi đi biệt tăm, tôi sẽ đi ngay. Bà sẽ không thấy tôi nữa, nếu sự có mặt của tôi làm bà phiền lòng.

- Tôi không muốn đuổi ông.

- Nếu thế xin bà đừng thay đổi gì cả. Cứ để mọi việc y nguyên như thế, - chàng nói giọng run run. - Ông chồng bà đã đến!

Quả vậy, trong lúc đó, Alecxei Alecxandrovitr đang đi vào phòng khách, bước chân nặng nề và lặng lẽ.

Ông nhìn vợ và Vronxki, đến gần nữ chủ nhân và sau khi ngồi xuống cạnh bàn trà, ông cất cái giọng rề rà, bao giờ cũng rành rọt bắt đầu nói, với vẻ châm biếm thường lệ.

- Tao đàn Rambouillet(42) của bà đã đủ mặt rồi, - ông nhìn mọi người và nói. - Đầy đủ cả Tố nữ lẫn nàng Thơ!

(42) Lâu đài “Rambouillet” xây dựng ở Pari, theo dự án của nữ hầu tước Rambouillet (1588 - 1665) là nơi tụ tập của giới quý phái. Giới này đã ảnh hưởng khá tốt đến việc kiện toàn ngôn ngữ và sự tiến bộ của văn học Pháp từ năm 1620 đến 1665.

Nhưng quận chúa Betxi không chịu nổi giọng mỉa mai đó, sneering, như bà thường gọi. Với tư cách là chủ nhân lịch thiệp, bà lập tức lái ông ta nói sang một vấn đề nghiêm túc: luật cưỡng bách tòng quân. Alecxei Alecxandrovitr bị lôi cuốn ngay vào chuyện và bênh vực đạo luật mới chống lại sự công kích của quận chúa Betxi. Vronxki và Anna vẫn ngồi cạnh chiếc bàn con.

- Thế kia có chướng mắt không, - một bà thì thầm nói, đưa mắt ra hiệu chỉ Vronxki, Anna và ông chồng.

- Tôi đã bảo với các bà như thế mà, - bà bạn của Anna trả lời. Không phải chỉ riêng các bà đó, mà hầu hết các khách có mặt, kể cả quận chúa Miarcaia lẫn bản thân Betxi, đều nhiều lần đưa mắt nhìn hai người đã ngồi tách xa khỏi đám đông, như để khỏi bị quấy rầy. Alecxei Alecxandrovitr là người duy nhất không nhìn họ và không lãng khỏi câu chuyện lý thú ông đã bập vào. Nhận thấy ấn tượng xấu đó đối với các vị khách, quận chúa Betxi để người khác thay mình tiếp Alecxei Alecxandrovitr và đến gần Anna.

- Tôi bao giờ cũng khâm phục cách nói năng rõ ràng và chính xác của chồng chị, - bà ta nói. - Khi anh ấy nói thì những quan điểm cao siêu nhất cũng trở thành dễ hiểu đối với tôi.

- Ồ vâng! - Anna nói, vẻ mặt rạng rỡ hạnh phúc và tuyệt nhiên không hiểu Betxi vừa nói với mình những gì. Nàng trở lại bên chiếc bàn lớn và tham gia vào câu chuyện chung. Sau khi ngồi lại chơi nửa giờ, Alecxei Alecxandrovitr đến bên vợ rủ cùng về, nhưng nàng không nhìn chồng, chỉ trả lời mình ở lại ăn tối. Alecxei Alecxandrovitr cúi đầu chào và đi ra. Lão xà ích nhà Carenin, một người Tacta to béo mặc áo vét da, chật vật kìm con ngựa xám phụ bị rét cóng đang chồm lên trước bậc thềm. Một người hầu giữ cửa xe. Gã gác cổng đứng coi cửa ra vào mở rộng. Anna Arcadievna đưa bàn tay run rẩy gỡ viền ren cổ tay áo mắc vào khóa cài áo choàng lót lông, và cúi đầu sung sướng lắng nghe những lời Vronxki nói với mình lúc đưa tiễn.

- Bà không hề nói gì hết, đúng thế, và tôi cũng không đòi hỏi gì cả, - chàng nói, - nhưng bà cũng biết điều tôi cần thiết không phải là tình bạn: đối với tôi, niềm hạnh phúc duy nhất của cuộc sống chứa đựng trong cái chữ mà bà rất ghét... tình yêu...

- Tình yêu, - nàng thong thả nhắc lại, như nói với riêng mình và đúng lúc gỡ được đường ren ra, nàng đột nhiên nói thêm: - tôi không ưa cái chữ đó, chính vì nó chứa đựng quá nhiều ý nghĩa đối với tôi, nặng nghĩa hơn ông có thể hình dung nổi rất nhiều, - và nàng nhìn thẳng vào mặt chàng: - Tạm biệt!

Nàng chìa tay cho chàng bắt, rồi mềm mại và nhanh nhẹn, đi qua trước mặt gã gác cổng và biến vào trong xe.

Cái nhìn và cái bắt tay của nàng đã đốt cháy Vronxki. Chàng hôn lòng bàn tay mình vào chỗ nàng đã chạm vào và sung sướng trở về nhà, với niềm tin tưởng là tối đó đã đưa chàng tới gần mục đích hơn cả hai tháng trước.

8

Alecxei Alecxandrovitr không thấy có gì là kỳ lạ hoặc chướng mắt trong việc vợ mình ngồi riêng ra một chỗ và chuyện trò sôi nổi với Vronxki, nhưng ông nhận thấy cái đó có vẻ kỳ lạ và chướng mắt đối với các vị khách khác, và do đó ông thấy phải coi nó là chướng mắt. Ông định sẽ nói chuyện đó với vợ. Trở về nhà, Alecxei Alecxandrovitr vào phòng làm việc như thường lệ, ngồi xuống ghế bành, mở quyển sách bàn về cựu giáo La Mã ở chỗ có đánh dấu bằng con dao rọc giấy, và, theo thói quen, đọc cho tới một giờ sáng. Thỉnh thoảng, ông lại đưa tay lên trán và lắc đầu, như muốn xua đuổi một ý nghĩ khó chịu. Đến giờ đã định như thường lệ, ông đứng dậy và đi rửa ráy trước khi ngủ. Anna Arcadievna vẫn chưa về. Ông cắp sách lên gác; nhưng tối đó, những ý nghĩ bình thường và những lo lắng về công việc đã nhường chỗ cho ý nghĩ về vợ và sự kiện khó chịu vừa xảy ra. Trái với thói quen, ông không đi nằm mà chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng. Ông không thể nằm được vì thấy mình trước hết phải xem xét mọi mặt của sự việc vừa xảy ra. Khi Alecxei Alecxandrovitr quyết định sẽ nói chuyện với vợ, ông thấy việc đó có vẻ rất dễ dàng và đơn giản; nhưng bây giờ, khi đã suy nghĩ kĩ về sự việc xảy ra, ông lại thấy rất khó khăn và phức tạp. Alecxei Alecxandrovitr không cả ghen. Theo ông, ghen tuông là nhục nhã cho vợ và phải tin nàng. Tại sao lại phải tin, hay nói khác đi, phải đinh ninh trong dạ là người vợ trẻ bao giờ cũng yêu mình, cái đó thì ông không hề tự hỏi; nhưng ông không lo ngại vì ông vẫn tin vợ và tự nhủ là mình đúng. Nhưng giờ đây, mặc dầu vẫn đinh ninh ghen tuông là thứ tình cảm nhục nhã và phải có lòng tin, ông vẫn cảm thấy mình đang đứng trước một hoàn cảnh éo le và vô lý, và không biết làm thế nào cả. Alecxei Alecxandrovitr đang đối mặt với cuộc đời, đứng trước cái khả năng là vợ mình có thể yêu một trong những người không phải là mình, ông thấy điều đó thật vô lý và không sao hiểu nổi chính vì đó là bản thân cuộc đời. Alecxei Alecxandrovitr xưa nay chỉ sống và làm việc trong thế giới hành chính vốn chỉ tiếp xúc với cái ánh phản quang của cuộc đời thôi. Mỗi lần chạm trán với chính cuộc đời thực, ông lại lảng tránh xa. Hôm nay, ông có cảm giác tương tự như người đang yên trí đi trên cầu qua vực thẳm, bỗng nhiên phát hiện ra cầu đã hư nát và dưới chân hiện ra cái vực thẳm đó. Cái vực, đó chính là cuộc đời thực, còn chiếc cầu, đó là cuộc đời giả tạo mà Alecxei Alecxandrovitr đã sống. Lần đầu, ông thoáng thấy hé ra cái khả năng vợ mình có thể phải lòng một người đàn ông khác và lấy làm kinh hãi. Ông vẫn mặc nguyên quần áo, đều bước đi đi lại lại nện gót trên sàn gỗ phòng ăn với ngọn đèn duy nhất chiếu sáng trên tấm thảm của phòng khách mờ tối chỉ có chút ánh sáng phản chiếu lên bức chân dung ông, mới hoàn thành, treo phía trên chiếc đi văng, và đi vào buồng vợ có hai cây nến đang cháy, soi sáng các bức chân dung họ hàng, bè bạn nàng và các đồ trang trí nhỏ đẹp đẽ, quen thuộc trên bàn. Từ phòng Anna, ông đến cửa phòng ngủ rồi lại quay gót. Trong khi dạo bước, nhất là ở chỗ sàn gỗ phòng ăn sáng sủa, ông thường dừng lại và tự nhủ: “Phải, nhất thiết cần có thái độ dứt khoát, nói cho nàng biết cách nhìn nhận và quyết định của mình.” Và ông bước trở lại. “Nhưng nói với nàng thế nào? Quyết định cái gì?” Ông thầm hỏi khi ở phòng khách mà không tìm ra câu trả lời. “Rút cuộc, đã có chuyện gì xảy ra kia chứ?” Ông tự hỏi trước khi quay lại buồng Anna. “Chẳng có gì cả. Nàng đã nói chuyện lâu với y. Thế thì đã sao? Trong xã hội thượng lưu, thiếu gì người mà một phụ nữ có thể chuyện trò được! Với lại, ghen tuông thì sẽ nhục nhã cho cả vợ lẫn chồng.” Nhưng lý luận đó xưa kia đối với ông vững vàng bao nhiêu thì nay hình như lại vô giá trị. Và ông quay ra cửa phòng ngủ để trở lại phòng ăn; nhưng khi vào đến phòng khách mờ tối, một tiếng nói lại bảo ông là sự việc không phải như thế, và nếu người ta đã có nhận xét này nọ tức là có cái gì đó đã xảy ra. Và đến phòng ăn ông lại tự nhắc lại: “Phải, nhất thiết cần có thái độ dứt khoát, cần có một quyết định và nói cho vợ biết cách nhìn nhận của mình...” Rồi một lần nữa, trong phòng khách, trước khi quay gót, ông lại tự hỏi: “Quyết định cái gì?” Và: “Cái gì đã xảy ra?” Rồi trả lời: “Chẳng có gì cả”, và tự nhắc lại ghen tuông là thứ tình cảm nhục nhã cho vợ, nhưng khi đến phòng khách, ông lại thấy tái hiện ý nghĩ tin chắc là một cái gì đó đã xảy ra. Tư tưởng cũng như thân thể ông, chạy suốt một vòng mà không hề bắt gặp cái gì mới mẻ. Ông nhận thấy thế, đưa tay lên trán và ngồi xuống ở buồng Anna. Ngồi đó, nhìn bàn giấy của vợ, cái bàn thẩm bằng cẩm thạch, một bức thư mới viết đoạn đầu, tư tưởng ông đột nhiên lại xoay theo chiều khác. Ông liền nghĩ đến vợ, đến việc nàng cũng biết suy nghĩ và cảm xúc. Lần đầu tiên, ông hình dung nàng với cuộc đời riêng tư cùng những tư tưởng, ước muốn, và cái ý nghĩ là vợ có thể và cần có một cuộc đời riêng trở nên khủng khiếp đến nỗi ông vội gạt ngay nó đi. Đó chính là cái vực mà ông sợ không dám phóng mắt nhìn xuống. Tự hóa thân bằng tư tưởng và tình cảm vào người khác là một vận động tinh thần xa lạ với Alecxei Alecxandrovitr. Ông cho rằng sự vận động tinh thần đó có hại, nguy hiểm và hư ảo. Ông nghĩ: “Điều kinh khủng nhất là nỗi lo ngại vô lý đó lại sập xuống đầu ta giữa lúc công trình của ta sắp đến kỳ hạn phải hoàn thành (ông nghĩ tới một dự luật mà ông muốn được thông qua) giữa lúc ta đang cần hoàn toàn tĩnh tâm và tập trung toàn bộ nghị lực. Nhưng biết làm thế nào? Ta không phải hạng người chịu đựng lo lắng hoang mang mà không đủ sức nhìn thẳng vào nó.”

- Phải suy nghĩ, có lấy một quyết định và không bận tâm đến nó nữa, - ông nói to.

“Công việc ta đâu phải là dò đoán tình cảm, cùng những gì đang xảy ra và có thể xảy ra trong tâm hồn vợ. Đó là công việc của lương tâm nàng và cái đó lại thuộc lĩnh vực tôn giáo”, ông tự nhủ, nhẹ hẳn người vì tìm ra được cái quy luật chi phối sự kiện vừa xảy ra. “Vậy thì vấn đề tình cảm nàng là một vấn đề lương tâm, mình không việc gì phải dính đến, Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ. Bổn phận ta đã được vạch ra rõ ràng. Là chủ gia đình, ta phải hướng dẫn vợ, và do đó, ta cũng có phần trách nhiệm, ta phải chỉ cho vợ rõ những điều nguy hiểm ta đã thấy, bảo cho vợ đề phòng và nếu cần thiết thì sẽ dùng đến quyền lực của ta. Ta phải giãi bày cho vợ biết mọi điều đó.” Và trong đầu óc Alecxei Alecxandrovitr, tất cả những điều giờ đây ông sắp sửa nói với vợ đều đã thành hình rõ. Vừa ngẫm nghĩ chuẩn bị lời lẽ, ông vừa than tiếc là đã bắt buộc phải dùng thời giờ và sức lực trí tuệ không đúng lúc tí nào vào một công việc nội trợ; tuy nhiên, hình thức và đề mục bài thuyết lý đã được cố định trong đầu óc với sự sáng sủa và chính xác của một bản báo cáo. “Đây là những điều ta cần nói cho vợ hiểu: thứ nhất, giải thích về sự quan trọng của dư luận công chúng và lễ nghi; thứ hai, giải thích về ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân; thứ ba, nếu cần thiết, chỉ dẫn về những tai họa có thể xảy đến cho con trai nàng; thứ tư, ám chỉ tai họa của chính bản thân nàng.” Và Alecxei Alecxandrovitr chắp hai bàn tay lại, bẻ khục các khớp. Cái thói quen xấu đó bao giờ cũng làm ông trấn tĩnh và giúp ông lấy lại thế thăng bằng đang rất cần trong lúc này. Có tiếng xe chạy bon bon đến gần bậc thềm. Alecxei Alecxandrovitr dừng bước ở giữa phòng ăn. Có tiếng chân đàn bà lên cầu thang. Alecxei Alecxandrovitr đứng sững, sẵn sàng lên lớp, bóp mạnh hai bàn tay chắp vào nhau, xem còn chỗ nào chưa kêu. Một đốt tay liền kêu đánh cục. Nghe tiếng chân bước nhẹ nhàng trên cầu thang, ông cảm thấy Anna đến gần, và mặc dầu mãn ý về bài thuyết lý của mình, ông vẫn sợ hãi trước cuộc giảng giải sắp xảy ra.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx