sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Anna Karenina (Tập 1) - Phần 2 - Chương 04

9

Anna đầu cui cúi, vừa đi vừa mân mê những quả tua chiếc khăn len trùm đầu. Mặt nàng ngời lên: nhưng không phải là niềm vui sướng mà đúng hơn là cái ánh lửa khủng khiếp của đám cháy trong một đêm tối trời. Trông thấy chồng, nàng ngẩng đầu và mỉm cười với ông như vừa tỉnh giấc mơ.

- Mình chưa đi nằm à? Lạ nhỉ! - nàng nói và cởi khăn len trùm đầu, rồi không dừng bước, đi thẳng vào phòng thay quần áo. - Alecxei Alecxandrovitr, đến giờ đi ngủ rồi đấy, - nàng nói với chồng từ sau cửa.

- Anna, tôi có chuyện muốn nói với mình.

- Nói với em ấy à? - nàng ngạc nhiên hỏi; nàng bước ra và nhìn chồng. - Cái gì vậy? Chuyện gì thế? - nàng ngồi xuống và hỏi chồng. Nếu cần ta nói chuyện cũng được. Nhưng nên đi ngủ thì hơn.

Anna thuận miệng nói luôn những điều chợt nghĩ, và nghe lời chính mình nói, nàng cũng ngạc nhiên về tài nói dối của mình. Những lời nàng nói sao mà đơn giản, tự nhiên đến thế và sao mà nàng có vẻ thật sự buồn ngủ đến thế! Nàng cảm thấy mình đã mặc một bộ giáp trụ dối trá không thể nào đâm thủng. Nàng thấy như một sức mạnh vô hình đã nâng đỡ mình.

- Anna, tôi phải nói cho mình biết mà đề phòng.

- Em đề phòng ấy à? Đề phòng cái gì kia chứ? - Nàng nhìn chồng rất ngây thơ và vui vẻ đến nỗi bất cứ ai khác không hiểu rõ nàng bằng chồng ắt không thể thấy chút gì gượng ép trong giọng điệu cũng như lời lẽ của nàng. Nhưng đối với ông là người đã hiểu nàng, đã biết mỗi khi ông chỉ cần đi ngủ muộn năm phút là nàng đã lưu tâm và hỏi xem duyên cớ tại sao, đối với ông là người đã biết nàng thường lập tức thổ lộ cùng chồng mọi nỗi vui buồn, thì việc nàng không buồn đếm xỉa tới cái tình trạng ông đang lâm vào, không chịu bộc bạch nỗi niềm, là một điều rất hệ trọng. Ông thấy tâm hồn sâu kín của vợ, xưa kia bao giờ cũng cởi mở với ông, giờ đây khép chặt lại rồi. Hơn nữa, đến lượt ông nhận thấy nàng không hề bối rối chút nào mà còn nói với ông bằng cái vẻ chân thật vờ vĩnh, phải, tâm hồn nàng đã khép chặt lại đối với ông rồi; sự tình ắt phải như thế và từ nay về sau hẳn cũng sẽ như thế. Lúc này, ông có cảm giác giống như của một người khi trở về nhà mình, đã thấy cửa đóng then cài. “Có thể ta còn tìm ra được chìa khoá”, Alecxei Alecxandrovitr thầm nghĩ.

- Tôi muốn nói cho mình biết mà đề phòng sự vô ý và nông nổi của mình, khiến người trong giới thượng lưu có cớ để dị nghị về mình, - ông mào đầu, giọng dịu dàng. - Câu chuyện quá sôi nổi của mình tối nay với bá tước Vronxki, (ông chậm rãi nhắc cái tên đó, sau khi ngừng lại một lát), đã làm mọi người chú ý đến mình.

Trong khi nói, ông nhìn vào đôi mắt tươi cười của vợ mà sự bí ẩn giờ đây làm ông khiếp sợ và ông liền cảm thấy trọn vẹn sự vô ích và hão huyền của lời mình nói.

- Mình bao giờ cũng vẫn thế, - nàng trả lời dường như thực tình không hiểu nổi chồng và trong tất cả những lời ông nói nàng chỉ chủ tâm ghi lại câu cuối. - Mình không thích tôi sống buồn tẻ nhưng cũng không thích tôi vui chơi. Tối nay, tôi không đến nỗi bị buồn tẻ. Có phải điều đó làm mình phật ý không?

Alecxei Alecxandrovitr giật mình và chắp hai bàn tay vào nhau bẻ khục răng rắc.

- Ồ, tôi xin mình đấy, mình hãy bỏ tay ra, sao mà khó chịu thế, - nàng nói.

- Anna có thật là mình đấy không? - Alecxei Alecxandrovitr dằn giọng nói, gắng để yên hai bàn tay.

- Nhưng có chuyện gì vậy? - nàng nói với một vẻ ngạc nhiên thú vị và thành thực. - Mình muốn gì tôi kia?

Alecxei Alecxandrovitr nín lặng, đưa tay lên mắt và trán. Ông thấy đáng lẽ phải trung thành với ý định của mình, nghĩa là bảo cho vợ biết mà đề phòng lầm lỗi trước mắt mọi người, thì bất giác ông lại đi lo lắng về những cái xảy ra trong lương tâm nàng và bèn vấp phải một trở ngại tưởng tượng.

- Tôi muốn nói với mình như thế này và xin mình nên nghe tôi đến đầu đến đũa, - ông lạnh lùng và bình tĩnh nói tiếp. - Như mình đã biết đấy, tôi coi ghen tuông là thứ tình cảm ô nhục và ti tiện, nên không bao giờ tôi tự để cho thứ tình cảm đó chi phối, nhưng có vài nguyên tắc lễ nghi mà ta không thể vi phạm một cách vô can được. Hôm nay (không phải chính tôi nhận thấy mà chỉ là suy xét dựa trên cái ấn tượng gây ra đối với mọi người) ai nấy đều nhận thấy mình cư xử không được hoàn toàn như điều người ta có thể mong muốn.

- Tôi quả thực không hiểu gì cả, - Anna nhún vai nói. “Chuyện kia hoàn toàn không làm ông ta bận tâm, nàng thầm nghĩ, cái làm ông ta lo ngại, đó là dư luận công chúng.” - Chắc là mình khó ở đấy, Alecxei Alecxandrovitr ạ, - nàng nói tiếp; nàng đứng dậy và định đi ra; nhưng ông bước lên trước mặt, như muốn ngăn lại. Chưa bao giờ Anna lại thấy chồng có bộ mặt lầm lầm và đáng ghét đến thế. Nàng dừng bước và ngửa đầu ra sau, nghiêng về một bên, đưa tay thoăn thoắt rút trâm cài tóc ra.

- Thôi được, tôi nghe vậy, - nàng bình tĩnh nói, giọng nhạo báng. - Tôi còn nghe một cách thích thú nữa kia, vì tôi muốn biết đó là chuyện gì, - nàng nói và chính bản thân cũng ngạc nhiên về cái giọng tự nhiên, bình tĩnh và rành rọt của mình cũng như về cách chọn lời lẽ.

- Tôi không có quyền đi sâu vào chân tơ kẽ tóc những tình cảm của mình và nói chung, tôi cho như thế là vô ích và có hại nữa, - Alecxei Alecxandrovitr bắt đầu nói. - Trong khi moi móc tâm hồn mình, ta thường khai thác được những cái xưa nay không nhìn thấy. Tình cảm của mình chỉ do lương tâm mình định đoạt, nhưng đối mặt mình, đối mặt tôi và trước mặt Chúa, tôi bắt buộc phải nhắc mình hãy nhớ tới bổn phận. Cuộc đời chúng ta gắn bó với nhau không phải do ý người mà là do ý Chúa. Cắt đứt mối dây đó là phạm tội và một tội ác như vậy sẽ kéo theo hình phạt.

- Tôi chẳng còn hiểu ra sao nữa. Mà khổ quá, tôi buồn ngủ ghê lắm rồi! - nàng nói, nhẹ nhàng đưa tay lên tóc rút nốt cái trâm cuối cùng.

- Anna, lạy Chúa, mình đừng nói như vậy! - ông dịu dàng nói. - Có thể tôi nhầm, nhưng xin hãy tin rằng điều tôi nói đây là vì lợi ích của cả mình lẫn tôi. Tôi là chồng mình và tôi yêu mình. - Trong khoảnh khắc, khuôn mặt Anna đã dịu xuống và ánh nhạo báng nơi khóe mắt đã tắt dần; nhưng câu tôi yêu mình lại khuấy lên trong lòng nàng nỗi phẫn uất. Nàng nghĩ: “Yêu à? Ông ta mà đủ sức yêu được à? Ví thử ông ta chưa từng nghe thấy nói đến tình yêu thì hẳn không bao giờ ông ta dùng tới chữ đó. Thậm chí ông ta cũng không hiểu được thế nào là tình yêu nữa kia.”

- Alecxei Alecxandrovitr, quả thực tôi không hiểu gì cả, - nàng nói. - Mình hãy giảng giải cho tôi biết cái điều mà mình thấy là...

- Khoan đã, để tôi nói nốt. Tôi yêu mình. Nhưng tôi không nói về tôi: những người liên quan chính ở đây là con trai chúng ta và bản thân mình. Tôi xin nhắc lại, rất có thể đối với mình, những lời tôi nói hình như không đúng lúc và hoàn toàn vô ích; có thể những lời đó chỉ là kết quả của một sự lầm lẫn. Trong trường hợp đó, xin mình tha lỗi cho tôi. Nhưng nếu chính mình cũng cảm thấy nó có chút cơ sở nào đó thì mình nên suy nghĩ, và, nếu lòng mình muốn, xin hãy thổ lộ với tôi...

Alecxei Alecxandrovitr không nhận ra là mình đã nói khác hẳn những điều đã dự định:

- Tôi không có gì để nói với mình. Vả lại... - nàng đột nhiên nói vội vàng, kìm lại một nụ cười, - đã đến giờ đi ngủ rồi đấy.

Alecxei Alecxandrovitr thở dài và không nói gì thêm, đi về phòng ngủ.

Đến lượt nàng vào thì ông ta đã nằm trên giường rồi. Ông nghiêm nghị mím chặt môi và không nhìn nàng. Anna nằm xuống, vẫn nơm nớp chờ chồng nói với mình. Nàng sợ điều ông sắp nói và đồng thời lại mong chồng nói. Nhưng ông ta nín lặng. Nàng nằm không cựa quậy, chờ đợi hồi lâu rồi cuối cùng quên hẳn chồng. Nàng nghĩ tới người kia, hình dung thấy chàng và ý nghĩ đó khiến lòng nàng tràn đầy một niềm bối rối và vui sướng tội lỗi. Bỗng nhiên, nàng nghe thấy tiếng ngáy đều đều và bình thản. Lúc đầu Alecxei Alecxandrovitr như khiếp sợ vì chính tiếng ngáy của mình, dừng lại; nhưng sau hai nhịp thở, tiếng ngáy lại bắt đầu, càng đều đều và bình thản hơn.

- Muộn quá rồi, bây giờ thì muộn quá rồi, - nàng mỉm cười, thầm thì nói. Nàng nằm yên không động đậy hồi lâu, đôi mắt mở to và tưởng như nó ngời sáng trong bóng tối.

10

Kể từ hôm đó, một cuộc đời mới bắt đầu, với Alecxei Alecxandrovitr và vợ. Không có gì đặc biệt xảy ra. Anna vẫn giao du như thường lệ với giới thượng lưu, hay đến nhà quận chúa Betxi, nhất là ở đâu cũng gặp Vronxki. Alecxei Alecxandrovitr biết vậy nhưng không làm thế nào được cả. Trước mọi cố gắng của ông buộc vợ phải bày tỏ sự tình, nàng đều đối phó lại bằng bức tường không thể vượt qua của thái độ tươi cười làm ra vẻ không hiểu gì cả. Bề ngoài vẫn như cũ nhưng bên trong, quan hệ của họ đã hoàn toàn thay đổi. Alecxei Alecxandrovitr trong công việc quốc gia thì tài giỏi như vậy mà ở đây đành cảm thấy bất lực. Như con bò, ông cúi đầu nhẫn nhục chờ đợi cái đòn sắp nện xuống đầu. Mỗi lần nghĩ tới việc đó, ông đều cảm thấy cần cố gắng thử một lần cuối nữa, và vẫn còn hi vọng cứu vớt vợ, bằng thiện tâm, sự trìu mến, sức thuyết phục của mình, buộc nàng phải sáng mắt ra và hằng ngày ông đều sẵn sàng nói với nàng. Nhưng mỗi lần bắt đầu nói, ông lại cảm thấy con quỷ đã nhập vào vợ lại nhập luôn vào mình và bèn thốt ra những điều khác hẳn, bằng một giọng khác hẳn cái giọng ông muốn dùng. Khi nói với vợ, bất giác ông đã dùng cái giọng châm biếm thường lệ, và bằng giọng đó, ông như muốn chế giễu những ai thực sự hay nói theo kiểu đó. Và với giọng như vậy thì không thể nào là nói được với vợ những điều lẽ ra phải nói.

11

Cái điều ngót một năm trời được coi là ước muốn duy nhất thay thế mọi ước muốn duy nhất thay thế mọi ước muốn khác với Vronxki, cái điều được coi là giấc mơ hạnh phúc không thể có được, khủng khiếp, do đó càng thêm phần cám dỗ đối với Anna, giấc mơ đó đã được thực hiện. Bộ mặt tái nhợt, hàm răng dưới run run, chàng đứng đó, cúi xuống nàng và van xin nàng bình tĩnh, mà không hiểu tại sao phải bình tĩnh và bình tĩnh như thế nào.

- Anna! Anna! - chàng nói giọng run run. - Trời ơi, Anna!

Nhưng chàng càng cao giọng thì nàng càng cúi cái đầu tủi nhục xuống, cái đầu xưa kia vốn kiêu kỳ và tươi vui; nàng gập cả người và trượt từ trên đi văng đang ngồi xuống sàn, dưới chân chàng; nếu không kịp đỡ thì nàng đã ngã lăn ra thảm.

- Lạy Chúa! Hãy tha thứ cho em! - nàng nói, vừa thổn thức vừa ép chặt hai bàn tay Vronxki vào ngực mình.

Nàng tự cảm thấy đầy tội ác và lỗi lầm, nên giờ chỉ còn biết hạ mình xuống và cầu xin tha thứ: giờ đây, nàng chỉ còn có mình chàng trên đời, cho nên chính chàng là người nàng van xin tha thứ. Trong khi nhìn chàng, nàng cảm thấy rõ nỗi tủi nhục của mình như một cảm giác của kẻ sát nhân khi nhìn thấy cái thi thể bị hắn tước đoạt mất sự sống. Cái xác chết đó là tình yêu của họ, là giai đoạn đầu tình yêu của họ. Có một cái gì khủng khiếp và ô nhục trong việc nhớ lại điều họ đã phải trả giá bằng nỗi hổ thẹn. Nỗi hổ thẹn về sự trần trụi tinh thần bóp nghẹt Anna và lây sang Vronxki. Nhưng, mặc dầu kẻ sát nhân ghê sợ trước xác nạn nhân, hắn vẫn phải phanh cái xác đó ra từng mảnh, thủ tiêu nó đi và lợi dụng tội ác của mình. Và tên sát nhân hăm hở nhảy xô vào cái xác đó với cả niềm say mê, kéo nó đi để phanh ra từng mảnh; Vronxki đã làm như vậy, hôn khắp lên mặt lên vai Anna. Nàng nắm tay chàng, không động đậy. Phải, những cái hôn đó, nàng đã mua bằng giá của nỗi hổ thẹn này. Phải, bàn tay này mãi mãi thuộc về ta, là bàn tay kẻ tòng phạm của ta. Nàng nâng bàn tay đó lên và hôn nó. Chàng gieo mình quỳ xuống và định nhìn vào mặt nàng, nhưng nàng che mặt, im lặng. Cuối cùng nàng gắng hết sức đứng dậy và đẩy chàng ra. Khuôn mặt nàng vẫn đẹp như thường và chỉ gợi niềm thương xót lớn hơn.

- Thế là hết cả rồi, - nàng nói. - Em chỉ còn có mình anh. Anh nhớ lấy.

- Anh quên làm sao được điều đã tạo thành cuộc đời anh! Vì một phút hạnh phúc này...

- Chao ôi, hạnh phúc! - nàng nói với vẻ khiếp sợ pha lẫn ghê tởm khiến chàng bất giác cũng thấy cảm giác đó lây sang mình. - Lạy Chúa, đừng nói gì nữa, đừng nói gì nữa!

Nàng đứng phắt dậy và tránh xa chàng.

- Đừng nói gì nữa, - nàng nhắc lại, và với một vẻ tuyệt vọng lạnh lùng khiến chàng kinh ngạc, nàng từ giã chàng. Nàng cảm thấy lúc này không có lời nào tả xiết cái cảm giác hổ thẹn, vui sướng và khiếp sợ tràn ngập tâm hồn nàng trước khi bước vào cuộc đời mới, và nàng muốn thà không nói còn hơn làm nhòa tình cảm đó bằng những chữ không đắt. Nhưng đến ngày thứ hai, thứ ba về sau, không những nàng vẫn không tìm ra những chữ có thể giúp mình diễn tả hết cái phức tạp của tình cảm đó, mà thậm chí cũng không tìm lại được những ý nghĩ soi sáng cho bản thân mình hiểu thấu những điều đang diễn ra trong tâm hồn nữa. Nàng tự nhủ: “Không, bây giờ ta chưa thể nghĩ tới chuyện đó; để sau vậy, khi ta trở lại bình tĩnh đã.” Nhưng sự bình tĩnh về tinh thần không bao giờ đến cả; mỗi lần chợt thấy những việc đã làm, những việc có thể sẽ xảy đến và có thể sẽ phải làm, nàng lại khiếp sợ và xua đuổi những ý nghĩ đó.

- Sau này, sau này vậy, - nàng tự nhủ, - khi ta bình tĩnh hơn.

Trái lại, trong giấc mộng, khi không còn làm chủ được ý nghĩ, cảnh huống của nàng lại hiện ra với tất cả vẻ trần trụi khủng khiếp trước mắt. Hầu như đêm nào nàng cũng chỉ thấy một giấc mơ như vậy; nàng nằm mơ thấy cả hai đều là chồng mình và cả hai đều ôm ấp vuốt ve mình. Alecxei Alecxandrovitr vừa khóc vừa hôn tay nàng và nói: “Bây giờ, mọi sự đều tốt đẹp biết mấy!” Alecxei Vronxki cũng ở đó và cũng lại là chồng nàng. Và nàng lấy làm ngạc nhiên sao trước kia mình lại cho rằng không thể như thế được; nàng cười, giảng giải cho họ là như thế đơn giản hơn nhiều và bây giờ cả hai đều sung sướng và toại nguyện. Nhưng giấc mơ đó làm nàng nghẹn thở như một cơn ác mộng và nàng thường tỉnh dậy trong nỗi kinh hoàng.

12

Thời gian đầu khi mới ở Moxcva về, mỗi lần rùng mình và đỏ mặt nhớ đến cái nhục bị cự tuyệt, Levin đều tự thú: “Khi được điểm một trong kỳ thi vật lý và phải học lưu ban năm thứ hai, mình cũng từng đỏ mặt và rùng mình như vậy, cho thế là hỏng hết; khi làm lỡ cái việc bà chị nhờ làm, mình cũng tưởng là hỏng nốt. Sau đó thì sao? Giờ đây, năm tháng qua đi, mình lại ngạc nhiên sao cái đó lại có thể làm mình buồn phiền đến vậy. Nỗi đau buồn này rồi cũng thế thôi. Thời gian qua đi và mình sẽ dửng dưng với chuyện đó.” Nhưng ba tháng ròng trôi qua mà chàng vẫn chẳng thấy dửng dưng, ký ức đó vẫn đau đáu như ngày đầu. Chàng không thể trở lại thanh thản, vì sau bao lâu mơ ước cuộc sống gia đình, sau khi tự thấy mình đã chuẩn bị đầy đủ để đón nó, chàng vẫn chưa thành gia thất và càng cảm thấy chuyện hôn nhân lùi xa hơn bao giờ hết. Cũng như mọi nhưng chung quanh, chàng mệt mỏi thấy rằng một người đã vào tuổi chàng mà sống cô độc thì chẳng hay hớm gì. Chàng nhớ lại trước khi đi Moxcva, một hôm chàng có nói với gã chăn bò Nicolai, một người chất phác chàng thường thích cùng trò chuyện mỗi khi gặp dịp: “Này, Nicolai, tôi muốn lấy vợ rồi đấy”, và Nicolai đã nhanh nhảu trả lời như đối với một chuyện không thành vấn đề nữa: “Việc đó đáng lẽ phải làm từ lâu rồi kia đấy, ông Conxtantin Dimitrievitr ạ.” Thế mà bây giờ việc hôn nhân lại càng lùi xa hơn bao giờ hết. Vị trí bị chiếm đoạt mất rồi và khi tưởng tượng phải đặt thay vào vị trí đó một trong số những thiếu nữ quen biết, chàng cảm thấy hoàn toàn không thể làm nổi. Ngoài ra, ký ức về chuyện bị cự tuyệt cùng vai trò mình đóng trong đó, vẫn hành hạ chàng. Tuy vẫn luôn tự nhủ là mình không hề có lỗi gì, ký ức đó cũng như những kỉ niệm đáng hổ thẹn cùng một loại vẫn làm chàng rùng mình và đỏ mặt. Cũng giống mọi người, trong dĩ vãng của chàng có những hành động xấu từng cắn rứt lương tâm, như chàng đã thừa nhận, thế nhưng nó không giày vò chàng dai dẳng bằng những ký ức vụn vặt mà nhục nhã này. Những vết thương như vậy không bao giờ hàn gắn được. Và giờ đây, xếp cùng hàng với những hồi nhớ đó, còn có chuyện cự tuyệt và vẻ thiểu não mà hẳn chàng đã phơi bày trước mặt mọi người trong buổi tối đó. Thời gian và lao động đã hoàn thành công việc. Ký ức nặng nề dần dần được những sự việc nhỏ nhặt nhưng quan trọng của đời sống nông thôn xóa nhòa đi. Song le, mùa xuân đã về, đẹp đẽ, thân thuộc, không lần lữa mà cũng chẳng bất ngờ, một mùa xuân hiếm thấy mà cả cây cỏ, súc vật lẫn con người đều vui mừng. Mùa xuân đẹp càng khiến Levin náo nức hơn và củng cố thêm quyết tâm từ bỏ tất cả quá khứ, để tổ chức cuộc sống độc thân vững chắc hơn và không lệ thuộc gì cả. Mặc dầu phần lớn kế hoạch chàng ấp ủ khi trở về nông thôn, không thực hiện được, nhưng điều cốt yếu: sự trong sạch trong lối sống, đã duy trì được. Chàng thôi không cảm thấy nỗi hổ thẹn vẫn hành hạ chàng sau lần vấp ngã, và chàng có thể mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt mọi người. Khoảng tháng hai, chàng nhận được thư của Maria Nicolaievna, báo cho biết sức khỏe ông anh Nicolai càng sa sút, nhưng ông ta lại không muốn chữa chạy gì cả. Levin lập tức đi Moxcva và thuyết phục được anh tới bác sĩ khám bệnh và đi dưỡng bệnh nước ngoài. Chàng khéo léo dỗ anh và cho vay tiền để đi mà không làm mếch lòng, đến nỗi về mặt này, chàng rất bằng lòng với mình. Ngoài việc quản lý trại ấp đòi hỏi được chăm sóc đặc biệt trong mùa xuân và ngoài việc đọc sách, mùa đông đó, Levin còn bắt đầu viết một cuốn sách bàn về nông nghiệp, trong đó chàng xuất phát từ cái ý rằng tính chất công nhân nông nghiệp là một dữ kiện cũng tuyệt đối như khí hậu và đất đai, do đó tất cả những luận án khoa học lấy nông nghiệp làm đề tài, không những phải dựa trên dữ kiện khí hậu và đất đai, mà cả trên dữ kiện về tính chất quen thuộc và bất biến của công nhân nông nghiệp. Thành thử mặc dầu cô độc, hoặc có khi chính vì cô độc như vậy mà cuộc sống của chàng rất bận rộn; thỉnh thoảng, chàng ao ước được bàn bạc những ý nghĩ nảy ra trong đầu với một người khác ngoài Agafia Mikhailovna, vì chàng vẫn luôn phân tích cho bà ta nghe về vật lý, nông học và nhất là triết học; triết học là đầu đề ưa thích của Agafia Mikhailovna. Xuân về hơi muộn. Trong những tuần lễ cuối mùa chay, trời lạnh và quang đãng. Ban ngày, tuyết tan dưới ánh nắng nhưng đêm lại xuống tới bảy độ dưới không; băng phủ dày đến nỗi lấp cả đường xe đi. Khắp thôn làng trắng xóa trong ngày lễ Phục sinh. Rồi tới hôm thứ hai của lễ Phục sinh, bỗng nhiên gió nóng nổi lên, mây kéo đầy trời và một trận mưa ấm áp ào ào đổ xuống suốt ba ngày ba đêm. Thứ năm, gió ngừng thổi, và một màn sương mù dày xám bao phủ mặt đất, như muốn che giấu những bí mật của sự biến đổi đang hoàn thành trong thiên nhiên. Giữa lớp sương mù, nước rẽ lối chảy, băng tan răng rắc và trôi về thượng lưu, những dòng thác ngầu bọt lại cuồn cuộn. Hôm thứ hai Quadimôđô(43), về chiều, sương mù tan dần, mây như đàn cừu tản đi dưới bầu trời quang đãng, mùa xuân thực sự hiện ra. Sáng hôm sau, mặt trời chói lọi mọc lên lại nuốt nốt lớp băng mỏng phủ mặt nước và bầu không khí ấm áp rung rinh khắp nơi dưới luồn hơi bốc lên từ mặt đất hồi sinh. Cỏ già năm ngoái xanh tốt lại, cỏ non năm nay như kim đâm tủa trên mặt đất; những chồi cây tuyết cầu, phúc bồn tử và bạch dương dính nháp, sực nức mùi hương, đều căng nhựa và quanh rặng liễu tắm nắng vàng tươi, đàn ong bị nhốt suốt mùa đông trong túp lều bằng cành cây, lại thoát ra, vo ve bay lộn. Chim sơn ca không ai trông thấy tuôn tiếng hót trên đồng cỏ nhung tơ và ruộng rạ phủ băng, chim te te than vãn bên bờ những thung lũng và bãi lầy ngập nước lũ còn ứ đọng; tít trên cao, sếu và ngỗng trời bay qua cất tiếng kêu mừng mùa xuân. Đàn súc vật trụi lông mới loáng thoáng mọc lại, rống lên chạy đến bãi cỏ, cừu non chân cẳng leo khoeo nhảy ton ton quanh đàn cừu mẹ đã gọt lông đang kêu be be; trẻ con thoăn thoắt chạy dọc những con đường nhỏ đang se dần vết chân không của chúng, tiếng phụ nữ rộn lên vui vẻ bên bờ đầm nơi họ đang giặt vải và tiếng rìu của nông dân đang chữa lại cày bừa, vang vang trong các sân nhà. Mùa xuân thực sự đã về.

(43) Tức 7 ngày sau lễ Phục sinh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx