sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 14

Susan gọi đó là “mùa đông sợi”... bao nhiêu đợt tuyết tan và băng giá trang hoàng cho Bên ánh Lửa những diềm trụ băng tuyệt đẹp. Bọn trẻ cho bảy con chim giẻ cùi xanh ăn, lũ chim này đều đặn đến vườn quả nhận phần ăn và để Jem nhấc chúng lên trong khi bay tránh xa tất cả những người khác. Tháng Giêng và tháng Hai Anne thức cả đêm nghiên cứu mấy cuốn danh mục hạt giống. Thế rồi gió tháng Ba cuộn trên những đụn cát, lên bờ cang rồi lên rặng đồi. “Bọn thỏ”, Susan nói, “đang nằm ấp trứng Phục sinh”.

“Có phải tháng Ba là tháng phứn khích không hả mẹ?” Jem thốt lên, cậu là em của tất cả các ngọn gió từng thổi.

Họ có thể đã tha cho cái sự “phứn khích” của Jem khi quẹt xước tay vì chiếc đinh gỉ và phải chịu khổ mấy ngày vì nó, trong khi bà cô Mary Maria kể đủ chuyện bà từng nghe về nhiễm trùng máu. Nhưng điều đó, Anne ngẫm nghĩ khi nguy hiểm đã qua, là cái ta phải trông đợi khi có một cậu con trai còn bé ham thử nghiệm.

Và ô kìa, tháng Tư rồi! Cùng tiếng cười của mưa tháng Tư... lời thì thầm của mưa tháng Tư... nhỏ tí tách, tràn lướt cuốn đi, vỗ nhảy nhót bắn tung tóe. “Ồ, mẹ ơi, thế gian đã rửa mặt sạch sẽ rồi phải không ạ?” Di kêu lên vào buổi sáng trời nắng trở lại.

Có những vì sao mùa xuân nhợt nhạt tỏa sáng trên những cánh đồng mù sương, có những cây liễu tơ trong đầm lầy. Ngay cả vẻ lạnh băng khô cứng của mấy cành con trên cây dường như cũng chợt tan biến mà trở nên mềm mại tha thướt. Con chim cổ đỏ đầu tiên là một sự kiện; Vùng Lòng Chảo lại một lần nữa là nơi có biết bao niềm vui tự do rồ dại; Jem hái về cho mẹ những bông táo gai đầu mùa... làm bà cô Mary Maria khá khó chịu, vì nghĩ đáng ra hoa đó phải tặng bà; Susan bắt đầu sắp xếp lại mấy giá đồ trên gác mái, còn Anne, suốt mùa đông hầu như chẳng có phút nào cho riêng mình, khoác lên mình bộ xiêm y niềm vui mùa xuân và gần như sống cả ngày trong vườn, trong lúc mèo Tôm lăn lộn khắp các lối đi vì ngây ngất hương xuân.

“Cháu lo cho mảnh vườn đó còn hơn cả lo cho chồng đấy Anne,” bà cô Mary Maria nói.

“Vườn tử tế với cháu lắm!” Anne mơ màng đáp... rồi, nhận ra những hàm ý có thể rút nhận xét của mình, cô bật cười.

“Cháu nói chuyện lạ lùng hết sức đấy, Anne. Dĩ nhiên cô biết cháu không có ý nói Gilbert không tử tế... nhưng nếu người lạ mà nghe cháu nói như vậy thì sao?”

“Cô Mary Maria thân yêu,” Anne nói vui vẻ, “vào thời gian này trong năm thì quả thật cháu không chịu trách nhiệm về những gì mình nói đâu. Quanh đây ai cũng biết điều đó. Cứ đến mùa xuân là cháu hơi rồ dại. Nhưng cái rồ dại đó tuyệt vời quá. Cô có thấy từng đám sương mù trên những đụn cát như những nàng phù thủy nhảy nhót không? Thủy tiên hoa vàng nữa? Trước kia ở Bên ánh Lửa bọn cháu chưa bao giờ có hoa thủy tiên khoe sắc như vậy.”

“Cô không mấy để tâm đến thủy tiên hoa vàng. Chúng rất phô trương,” bà cô Mary Maria nói, quấn khăn quàng quanh người rồi đi vào nhà để bảo vệ cái lưng.

“Cô bác sĩ thân yêu,” Susan nói với vẻ lo ngại, “cô có biết mấy cây diên vĩ mới cô muốn trồng trong góc có bóng râm đó ra sao rồi không? Hồi chiều khi cô đi vắng bà ta trồng ngay vào chỗ nắng nhất ở sân sau.”

“Ồ, Susan! Mình không dời đi được vì cô ấy sẽ tự ái lắm!”

“Giá mà cô cho phép tôi nói, cô bác sĩ thân yêu...”

“Đừng, đừng Susan, ta cứ tạm để chúng đấy. Cô còn nhớ đó, cô ấy đã khóc khi cháu bóng gió là không nên tỉa cành mơ trân châu trước khi ra hoa.”

“Nhưng lại khinh khỉnh hoa thủy tiên của ta, cô bác sĩ thân yêu ạ... mà chúng thì lừng danh khắp cả khu cảng...”

“Và xứng đáng như vậy. Nhìn chúng cười cô vì cô để bụng cô Mary Maria kìa. Susan này, cuối cùng thì sen cạn cũng sắp nở trong góc này rồi. Thật vui khi ta đã thôi không còn hy vọng một điều gì thì lại thấy nó bất ngờ xuất hiện. Cháu sẽ trồng một vườn hồng nhỏ ở góc Tây Nam. Chỉ hai tiếng vườn hồng thôi đã làm cả người cháu bồi hồi xao xuyến. Cô đã bao giờ thấy một màu trời xanh biếc như thế chưa, Susan? Nếu đêm đêm cô chăm chú lắng nghe thì sẽ nghe thấy mọi con suối nhỏ vùng đồng quê đang hàn huyên. Cháu vừa thoáng có ý hay là tối nay mình ngủ trong Vùng Lòng Chảo gối đầu trên hoa viola dại.”

“Cô sẽ thấy ẩm ướt lắm,” Susan kiên nhẫn nói. Cứ đến mùa xuân là cô bác sĩ lại thế. Sẽ qua thôi.

“Susan,” Anne nói ngon ngọt, “tuần tới cháu muốn tổ chức tiệc sinh nhật.”

“Ừ, sao lại không chứ?” Susan hỏi. Thật ra thì trong nhà không có ai sinh nhật vào tuần cuối tháng Năm, nhưng nếu cô bác sĩ muốn có tiệc sinh nhật thì sao phải băn khoăn cân nhắc?

“Cho cô Mary Maria,” Anne nói tiếp như người quyết tâm vượt qua phần nặng nề nhất. “Tuần tới là sinh nhật cô ấy. Gilbert nói cô ấy năm mươi lăm tuổi nên cháu đang tính...”

“Cô bác sĩ thân yêu, có thật là cô muốn tổ chức tiệc cho cái đồ...”

“Đếm đến một trăm đi, cô Susan... đếm đến một trăm đi, Susan thân yêu. Nó sẽ làm cô ấy hài lòng lắm. Nghĩ lại thì, đời cô ấy có gì đâu?”

“Đó là tại bà ta...”

“Có lẽ vậy. Nhưng Susan này, cháu thật lòng muốn làm điều này cho cô ấy.”

“Cô bác sĩ thân yêu ơi,” Susan u ám nói, “mỗi khi tôi cần cô đều tử tế mà cho tôi nghỉ phép một tuần. Có lẽ tuần tới tôi nên nghỉ phép! Tôi sẽ bảo cháu gái Gladys đến giúp cô một tay. Và rồi bà Mary Maria Blythe có cả tá tiệc sinh nhật cũng được, chẳng cần có tôi.”

“Susan à, nếu chuyện này khiến cô cảm thấy như vậy, tất nhiên cháu sẽ bỏ ý ấy đi,” Anne chậm rãi nói.

“Cô bác sĩ thân yêu, người đàn bà đó bắt cô phải chịu đựng bà ta rồi định ở đây luôn. Bà ta làm cô phiền muộn... rồi xỏ mũi cậu bác sĩ... rồi để bọn trẻ phải chịu khổ sở. Tôi không nói gì về mình cả, vì tôi là ai chứ? Bà ta cứ quở mắng rồi chì chiết rồi bóng gió rồi rên rỉ... mà giờ cô lại muốn tổ chức tiệc sinh nhật cho bà ta! Thôi được, tôi chỉ còn biết nói là, nếu cô muốn làm thế... ta cứ thế mà tổ chức thôi!”

“Susan, cô yêu dấu!”

Sau đó là bàn tính và lập kế hoạch. Susan, khi đã nhượng bộ, quyết tâm rằng vì danh dự Bên ánh Lửa buổi tiệc phải đạt đến độ ngay cả Mary Maria Blythe cũng không làm sao bắt lỗi được.

“Cháu nghĩ ta sẽ có một bữa tiệc trưa, Susan ạ. Rồi họ sẽ về sớm để cháu còn kịp cùng bác sĩ đi xem hòa nhạc ở Lowbridge. Ta sẽ giữ kín và gây bất ngờ cho bà cô. Cô ấy không được biết gì về chuyện này cho đến phút chót. Cháu sẽ mời hết những ai bà cô thích ở Glen...”

“Vậy họ có thể là ai, cô bác sĩ thân yêu?”

“Ồ, tôi mời những người cô ấy chịu được vậy. Rồi em họ Adelia Carey của cô ấy ở Lowbridge, cả vài người trên thị trấn nữa. Ta sẽ có một ổ bánh sinh nhật to thật ngon lành cắm năm mươi lăm ngọn nến...”

“Tất nhiên là tôi sẽ phải làm cái bánh đó rồi...”

“Susan, cô biết mình làm bánh trái cây tuyệt nhất đảo Hoàng Tử Edward mà...”

“Tôi biết mình là sáp trong tay cô rồi, cô bác sĩ thân yêu.”

Tiếp đó là một tuần bí ẩn. Một bầu không khí bí mật lan tràn khắp Bên ánh Lửa. Mọi người đều thề sẽ không cho bà cô Mary Maria biết bí mật. Nhưng Anne và Susan đã quên tính đến những bàn tán. Đêm trước bữa tiệc bà cô Mary Maria đi thăm người quen ở Glen về thì thấy họ ngồi với vẻ khá mệt mỏi trong phòng đón nắng mà không thắp đèn.

“Tối thui tối mò cả vậy, Anne? Cô chịu không hiểu được sao ai cũng thích ngồi trong bóng tối. Bóng tối làm cô buồn chán.”

“Đâu phải tối... chạng vạng mà... đã có cuộc hôn phối tình yêu giữa ánh sáng và bóng tối và từ đó cái đẹp tuyệt vời sinh ra,” Anne nói, tự nhủ với chính mình hơn là với ai khác.

“Cô nghĩ tự cháu biết mình muốn nói gì, Anne. Thế ra mai cháu có tiệc sao?”

Anne ngồi phắt dậy. Susan, vốn đã ngồi như vậy rồi, không thể ngồi thẳng hơn được nữa.

“Sao... sao... cô...”

“Cháu cứ để cô phải nghe mọi chuyện từ người ngoài vậy,” bà cô Mary Maria nói, nhưng dường như vì buồn phiền hơn là vì giận.

“Bọn cháu... bọn cháu định làm... một bất ngờ, cô...”

“Cô không biết cháu trông đợi gì ở một buổi tiệc vào thời gian này trong năm khi mà cháu chẳng thể tin cậy vào thời tiết, Anne.”

Anne hít một hơi nhẹ nhõm. Rõ ràng bà cô Mary Maria chỉ biết là sẽ có tiệc chứ không hay nó có liên quan gì đến bà.

“Cháu... cháu muốn tổ chức trước khi hoa xuân héo tàn cô ạ.”

“Cô sẽ mặc cái đầm lụa bóng màu hồng lựu. Anne, cô chắc nếu cô chưa được nghe về chuyện này trong làng thì mai cô sẽ bị cả đám bạn bè đẹp đẽ của cháu bắt gặp đang mặc váy vải thô.”

“Ồ, không đâu, cô. Tất nhiên là bọn cháu định cho cô biết đúng lúc để còn ăn mặc sửa soạn mà...”

“Thôi được, nếu lời khuyên của cô có ý nghĩa gì với cháu, Anne... mà đôi khi cô gần như buộc phải nghĩ là không... cô muốn nói rằng sau này cháu đừng giấu giấu giếm giếm thái quá như vậy. Mà này, cháu có biết trong làng họ nói chính Jem là đứa ném đá qua cửa sổ nhà thờ Hội Giám lý không?”

“Không phải đâu ạ,” Anne nói nhỏ nhẹ. “Thằng bé nói với cháu là nó không làm.”

“Anne thân yêu, cháu có chắc là nó không nói dối không?”

“Anne thân yêu” vẫn nói nhỏ nhẹ.

“Hoàn toàn chắc, cô Mary Maria. Cả đời Jem chưa hề nói dối cháu.”

“Chà, cô nghĩ cháu nên biết thiên hạ nói gì.”

Bà cô Mary Maria hiên ngang bỏ đi bằng điệu bộ thanh lịch mọi khi, làm bộ làm tịch tránh Tôm đang nằm ngửa trên sàn khẩn khoản ai đó cù bụng cho.

Susan và Anne hít một hơi sâu.

“Chắc là cháu đi ngủ đây, Susan à. Cháu thật lòng hy vọng ngày mai mọi chuyện tốt đẹp. Cháu không thích cái đám mây đen đang phủ trên cảng kia chút nào.”

“Sẽ ổn thôi, cô bác sĩ thân yêu,” Susan trấn an. “Niên lịch nói thế mà.”

Susan có một cuốn niên lịch dự báo thời tiết cả năm và thường đúng tương đối đủ để giữ được uy tín.

“Đừng khóa cửa hông cho bác sĩ về nhé Susan. Anh ấy lên thị trấn và có thể về muộn. Anh ấy đi mua hoa hồng... năm mươi lăm bông hồng vàng, Susan ạ... cháu nghe cô Mary Maria nói chỉ thích mỗi hoa hồng vàng.”

Nửa giờ sau, Susan, đang đọc chương hằng đêm trong Kinh Thánh, thì bắt gặp câu, “Chớ năng bước chân đến nhà kẻ lân cận con, e người chán con, và trở lòng ghét con chăng.” Bà để một cành ngải bụi vào đó để đánh dấu. “Thời ấy cũng đã thế,” bà ngẫm nghĩ.

Anne và Susan đều dậy sớm, muốn hoàn tất vài chuẩn bị cuối cùng trước khi bà cô Mary Maria quanh quẩn gần bên. Bao giờ Anne cũng thích dậy sớm để bắt lấy nửa giờ huyền bí trước khi mặt trời lên, khi mà thế gian thuộc về các bà tiên và thần linh xa xưa. Cô thích ngắm bầu trời buổi mai màu hồng phớt và vàng rực đằng sau chóp nhà thờ ánh mặt trời lên rực rỡ trong vắt, mỏng manh lan trên mấy đụn cát, những cuộn khói tím đầu tiên từ mấy nóc nhà trong làng lơ lửng bay lên.

“Như thể ta vừa có một ngày đặt làm theo yêu cầu ấy, cô bác sĩ thân yêu,” Susan mãn nguyện vừa nói vừa trang trí dừa vào ổ bánh có lớp kem cam. Sáu bữa điểm tâm, tôi sẽ thử làm món bánh quy bơ kiểu mới và cứ nửa giờ lại gọi Carter Flagg một lần để đảm bảo là ông ta sẽ không quên món kem. Rồi còn phải cọ rửa mấy bậc thềm nữa.”

“Có cần không, Susan?”

“Cô bác sĩ thân yêu, cô đã mời bà Marshall Elliott phải không? Bà ấy chỉ được phép thấy bậc thềm nhà ta không một hạt bụi thôi. Nhưng cô sẽ lo phần trang trí chứ cô bác sĩ thân yêu? Tôi không có thiên khiếu cắm hoa.”

“Bốn ổ bánh! Trời ơi!” Jem nói.

“Đã tổ chức tiệc,” Susan nói nghiêm trang, “thì phải cho ra tiệc.”

Khách đến đúng giờ và được bà cô Mary Maria mặc váy lụa bóng màu hồng lựu và Anne mặc voan nâu nhạt tiếp đón. Anne đã định mặc váy muslin trắng, vì hôm ấy là mùa hè ấm áp, nhưng đã quyết định khác đi.

“Cháu biết điều lắm, Anne,” bà cô Mary Maria bình luận. “Cô vẫn luôn nói, màu trắng chỉ dành cho người trẻ.”

Mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Bàn ăn trông tuyệt đẹp với những chiếc đĩa xinh xắn nhất của Anne và vẻ đẹp kỳ lạ của hoa diên vĩ trắng và tím. Bánh quy bơ của Susan gây xôn xao, ở Glen trước giờ chưa từng thấy gì như thế, món xúp kem của bà là tột đỉnh trong các món xúp; xa lát gà làm từ “gà đúng là gà” của Bên ánh Lửa; Carter Flagg bị quấy rầy liên tục đã gửi kem đến thật đúng giờ. Cuối cùng Susan, bê ổ bánh sinh nhật thắp năm mươi lăm ngọn nến bước vào và đặt xuống trước mặt bà cô Mary Maria.

Anne, bề ngoài là bà chủ nhà, thản nhiên tươi cười, đã cảm thấy rất lo lắng một lúc. Dù nhìn bề ngoài thì mọi thứ đều suôn sẻ nhưng trong thâm tâm cô càng lúc càng tin chắc là có gì đó không ổn chút nào. Khi khách đến cô mải tíu tít không nhận thấy mặt bà cô Mary Maria thoáng biến sắc khi bà Marshall Elliott thân ái chúc mừng sinh nhật bà. Nhưng khi cuối cùng mọi người đã ngồi quanh bàn Anne mới nhận ra bà cô Mary Maria trông không hề hài lòng. Thậm chí bà tái nhợt... không thể nào là vì thịnh nộ chứ!... rồi suốt bữa ăn không nói tiếng nào, trừ mấy chữ cộc lốc đáp lại những câu nói với bà. Bà chỉ múc hai thìa xúp và nhón ba lát xà lách; còn về kem, bà đối xử như thể nó không có ở đó.

Khi Susan đặt bánh sinh nhật có nến lung linh xuống trước mặt, bà cô Mary Maria hớp một hơi kinh hãi nhưng không thành vì còn phải nuốt trôi một cơn thổn thức, kết quả là âm thanh phát ra là một thứ tiếng khò khè nghèn nghẹn.

“Cô ơi cô thấy không khỏe sao?” Anne thốt lên. Bà cô Mary Maria nhìn cô lạnh nhạt.

“Khá khỏe, Anne. Thật ra thì khỏe đáng kể, đối với một người có tuổi như tôi.”

Đúng thời khắc đầy hứa hẹn này thì cặp sinh đôi xuất hiện, xách ở giữa một giỏ đầy năm mươi lăm bông hồng vàng, thế rồi, giữa sự im lặng bàng hoàng bất chợt, dâng giỏ hoa cho bà cô Mary Maria, cùng những câu chúc mừng ngọng nghịu và lời chúc tốt lành. Tiếng trầm trồ đồng thanh ồ lên từ bàn ăn, nhưng bà cô Mary Maria không tham gia.

“Hai đứa... sinh đôi thổi tắt nến cho cô, cô nhé,” Anne căng thẳng ấp úng, “rồi... cô cắt bánh sinh nhật nhé?”

“Vẫn chưa rục rệu lắm... Anne, cô tự thổi tắt nến được.”

Tiếp đó bà cô Mary Maria thổi nến, cẩn thận và khoan thai. Cũng cẩn thận và khoan thai như vậy bà cắt bánh. Rồi bà bỏ dao xuống.

“Còn bây giờ có lẽ cô xin phép, Anne một bà lớn tuổi như cô cần được nghỉ ngơi sau quá nhiều huyên náo như vậy.”

Chiếc đầm lụa bóng của bà cô Mary Maria kêu loạt soạt. Giỏ hoa hồng đổ nhào khi bà quét ngang qua. Đôi giày cao gót kêu lách cách khi bà cô Mary Maria lên lầu. Cửa phòng bà cô Mary Maria đánh sầm xa xa.

Những người khách chết sững cố lắm mới ăn được mấy lát bánh sinh nhật trong bầu không khí im lặng căng thẳng mà chỉ có câu chuyện của bà Amos Martin mới phá tan được, khi bà đánh bạo kể về một bác sĩ ở Nova Scotia đầu độc vài bệnh nhân bằng cách tiêm mầm bệnh bạch hầu. Mấy người kia, cảm thấy câu chuyện không được tinh tế ý nhị cho lắm, không yểm trợ nỗ lực đáng khen nhằm làm không khí sôi động lên của bà và tất cả ra về ngay khi có thể đúng mực mà làm vậy.

Anne rối trí chạy vội tới phòng bà cô Mary Maria.

“Cô yêu ơi có chuyện gì vậy cô?...”

“Có cần phải quảng cáo tuổi tác tôi ra trước thiên hạ không, Anne? Lại còn mời Adella Carey đến đây... để chị ta biết được tuổi tôi... Bao năm rồi chị ta vẫn muốn biết chết đi được!”

“Cô yêu, chúng cháu định... chúng cháu định...”

“Cô không biết ý đồ của cháu là gì, Annie. Cô thừa biết đằng sau tất cả những chuyện này là gì... ồ, cô đoán được ý cháu mà, Anne thân yêu... nhưng cô sẽ cố không moi móc ra... cô sẽ để cháu tự vấn lương tâm lấy.”

“Cô Mary Maria, cháu chỉ có ý định tặng cô một sinh nhật vui vẻ. Cháu rất tiếc...”

Bà cô Mary Maria lấy khăn tay chấm lên mắt và can trường mỉm cười.

“Dĩ nhiên cô sẽ tha thứ cho cháu, Annie. Nhưng cháu phải nhận ra rằng sau một nỗ lực cố ý làm tổn thương tình cảm của cô như thế thì cô không thể ở lại đây thêm được nữa.”

“Cô ơi, cô không tin rằng...”

Bà cô Mary Maria đưa bàn tay dài, gầy, u sần lên.

“Ta hãy đừng bàn đến chuyện đó, Annie. Cô muốn bình yên... chỉ bình yên thôi. ‘Ai mà chịu được khi tinh thần bị tổn thương?’”

Đêm đó Anne đi xem hòa nhạc với Gilbert, nhưng không thể nào nói là cô thưởng thức được âm nhạc. Gilbert đón nhận toàn bộ chuyện này “đúng như lũ đàn ông”, cô Cornelia ắt hẳn sẽ nói vậy.

“Anh nhớ cô vẫn luôn hơi khó chịu về tuổi tác của mình. Bố từng chọc cô. Đáng ra anh phải nhắc em trước... nhưng anh quên mất. Nếu cô đi, đừng cố ngăn cô”... Và nhờ tinh thần dòng họ mà kiềm chế không nói thêm “đúng là thoát nợ!”

“Bà ta sẽ không đi đâu. Không may mắn vậy đâu, cô bác sĩ thân yêu,” Susan hồ nghi nói.

Nhưng một lần này thôi Susan đã sai. Ngay ngày hôm sau bà cô Mary Maria bỏ đi, tha thứ cho tất cả mọi người kèm theo tiếng thều thào chia tay.

“Đừng trách Annie, Gilbert ạ,” bà nói cao thượng. “Cô bỏ qua cho nó những gì nó cố ý xúc phạm. Cô chưa hề để bụng chuyện nó giữ bí mật với cô... dù đối với một đầu óc nhạy cảm như cô... nhưng bất chấp tất cả mọi chuyện thì cô vẫn luôn yêu quý Anne tội nghiệp.” Câu này được nói với cái vẻ của một người đang thừa nhận điểm yếu. “Nhưng Susan Baker là con mèo có màu sắc khác. Lời cuối cho cháu đây, Gilbert... Hãy đặt Susan Baker ở đúng chỗ của bà ta và giữ bà ta yên ở đó.”

Mới đầu không ai tin nổi là mình may mắn. Rồi họ mới sực nhận ra bà cô Mary Maria đã đi thật rồi... họ lại được cười mà không làm ai giận... mở hết cửa sổ mà không có ai kêu ca gió lùa... ăn một bữa mà không ai bảo là món ta đặc biệt ưa thích có thể gây ung thư dạ dày.

“Mình chưa bao giờ sẵn lòng thúc hối khách ra đi như vậy,” Anne nghĩ, có phần áy náy. “Thật tuyệt khi lại được là chính mình.”

Tôm liếm láp thật tỉ mỉ, cảm thấy rằng suy cho cùng thì làm mèo cũng vui.

Bông mẫu đơn đầu tiên bừng nở trong vườn.

“Thế giới tràn ngập thơ ca, phải không mẹ?” Walter nói.

“Sắp sửa có một tháng Sáu thật đẹp,” Susan dự báo. “Niên lịch nói thế. Sẽ có vài cô dâu và chắc cũng hai đám tang là ít. Chẳng phải thật kỳ lạ sao khi lại được tự do hít thở trở lại? Khi tôi nghĩ mình đã cố hết sức can ngăn cô tổ chức buổi tiệc đó, cô bác sĩ thân yêu ạ, tôi lại nhận ra là có một Thiên ý sáng suốt hơn. Cô bác sĩ thân yêu ơi, cô không nghĩ hôm nay cậu bác sĩ sẽ được thưởng thức chút hành trong món bít tết sao?”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx