sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 36

Nan cảm thấy rợn sống lưng khi rẽ vào con đường mòn. Có phải cành thích khô héo vừa lay động? Không phải, cô bé thoát được rồi... cô bé đi qua rồi. A ha, mụ phù thủy già, bà không bắt được tôi rồi! Cô bé bước tới cuối lối nhỏ bùn lầy và những vết lún không đủ sức làm tàn lụi nỗi háo hức trong cô. Còn vài bước nữa thôi... NGÔI NHÀ ÂM U đã ngay trước mặt, ở giữa và đằng sau mấy thân cây ướt đẫm tối om đó. Cuối cùng cô bé cũng sắp được thấy nó rồi! Cô bé khẽ rùng mình... không hay biết đó là do trong thâm tâm cô đang sợ mình sẽ đánh mất giấc mơ, một nỗi sợ bí mật không được thừa nhận. Dù còn trẻ hay trưởng thành hay đã già, đánh mất giấc mơ bao giờ cũng là một thảm họa.

Cô bé len qua một khoảng hở trong đám vân sam non mọc um tùm chắn cuối lối đi. Cô bé nhắm tịt mắt; cô có dám mở mắt ra không? Trong khoảnh khắc chỉ nỗi sợ không thôi xâm chiếm cô bé và không cần nói nhiều thì cô đã quay đầu bỏ chạy rồi. Suy cho cùng... tiểu thư độc ác mà. Ai biết được nàng sẽ làm gì ta? Nàng là phù thủy nữa không chừng. Sao cô chưa bao giờ chợt nghĩ có thể Tiểu Thư Độc Ác là phù thủy nhỉ?

Rồi cô quyết tâm mở mắt nhìn chăm chăm thật đáng thương.

Đây mà là NGÔI NHÀ ÂM U... tòa lâu đài tối tăm, đường bệ, sừng sững hình tháp trong mơ của cô sao? Cái này sao!

Đó là một căn nhà lớn, từng là màu trắng, giờ thì xám xịt. Đây đó, những cửa chớp vỡ, từng là màu xanh lá, đưng đưa long ra. Mấy bậc thềm cửa trước sứt mẻ. Một cổng vòm gắn kính trơ trọi mấy ô kính vỡ nát gần hết. Lan can trang trí hình cuộn quanh hiên đã gãy. Ơ kìa, nó chỉ là một căn nhà cũ mệt mỏi hư hao vì đã nhiều đời!

Nan tuyệt vọng nhìn quanh. Không có đài phun nước... chẳng thấy khu vườn... à thì, không có gì để ta gọi là vườn được. Không gian phía trước nhà, có hàng rào cọc lởm chởm bao quanh, đầy cỏ dại và cỏ rối cao đến đầu gối. Một con heo còm nhom rúc đằng sau hàng rào. Ngưu bàng mọc dọc lối đi chính giữa. Từng cụm hoa vàng bò lan um tùm ở các góc, nhưng lại có một cụm ly da báo ngoan cường thật lộng lẫy và, ngay bên mấy bậc thềm mòn vẹt một luống cúc vạn thọ rực rỡ.

Nan bước chầm chậm trên lối đi đến luống cúc vạn thọ NGÔI NHÀ ÂM U đã mãi mãi không còn nữa. Nhưng Tiểu Thư Mắt Huyễn Hoặc vẫn còn. Chắc hẳn nàng có thật... nàng phải có thật! Hồi lâu rồi Susan đã nói sao về nàng nhỉ?

“Chúa ơi, cháu làm ta sợ gần chết!” một giọng thân thiện nhưng lầm bầm nói.

Nan nhìn cái bóng dáng vừa bỗng đâu từ bên luống cúc vạn thọ đứng lên. Ai thế nhỉ? Không thể nào là... Nan không chịu tin đây là Thomasine Fair. Chuyện đó thì đúng là quá khủng khiếp!

“Ơ kìa,” Nan nghĩ, chán nản thất vọng, “nàng... nàng già rồi!”

Thomasine Fair, nếu mà đó là Thomasine Fair... mà giờ thì cô bé biết đó là Thomasine Fair... dứt khoát là già. Béo nữa! Bà ấy trông như tấm nệm nhồi lông chim buộc sợi dây ở giữa mà Susan xương xẩu vẫn luôn ví với quý bà béo lùn. Bà đi chân trần, mặc váy xanh lá đã ngả thành màu vàng, và cái mũ dạ đàn ông cũ mèm trên mái tóc xám hung hung, lưa thưa. Mặt bà tròn như chữ O, hồng hào và nhăn nheo, mũi hếch. Mắt bà xanh nhợt nhạt, xung quanh đầy dấu chân chim to tướng, trông vui nhộn.

Ôi, tiểu thư của mình... Tiểu Thư Độc Ác Mắt Huyễn Hoặc quyến rũ của mình, nàng đâu rồi? Nàng có chuyện gì rồi? Nàng tồn tại thật mà!

“Thôi nào, cháu là cô bé xinh xắn nào vậy?” Thomasine Fair hỏi.

Nan tóm ngay lấy cơ hội.

“Cháu là... cháu là Nan Blythe, Cháu đến để đem cho bà cái này.” Thomasine mừng rỡ chồm tới cái gói.

“A, đâu phải ta không mừng khi có lại kính!” bà nói. “Mỗi Chủ nhật đọc niên lịch ta nhớ nó kinh khủng. Mà cháu là một trong mấy đứa con gái nhà Blythe đấy hả? Cháu có mái tóc xinh quá! Ta vẫn luôn muốn được gặp vài đứa nhà cháu. Ta nghe mẹ các cháu nuôi dạy các cháu rất khoa học. Cháu có thích thế không?”

“Thích... gì ạ?” Ồ, Tiểu Thư Độc Ác, duyên dáng, nàng đâu có đọc niên lịch ngày Chủ nhật. Nàng cũng đâu có nói về “mẹ”.

“Ơ, kìa, thì được nuôi dạy một cách khoa học chứ gì nữa.”

“Cháu thích kiểu cháu đang được nuôi dạy ạ,” Nan nói, cố mỉm cười nhưng

không thành.

“À, mẹ cháu là một người đàn bà đẹp thật đấy. Cô ấy vẫn giữ được vóc dáng. Lần đầu thấy cô ấy tại đám tang Libby Taylor ta nói ta cứ tưởng cô ấy là cô dâu, cô ấy trông vui lắm. Ta vẫn nghĩ mỗi khi thấy mẹ cháu bước vào phòng là ai nấy đều sôi nổi lên như thể chờ thấy có gì xảy ra. Thời trang mới cũng hợp với cô ấy nữa. Đa số bọn ta không hợp để mặc mấy thứ ấy. Nhưng thôi vào ngồi một lát đã... ta mừng được gặp ai đó... thỉnh thoảng ta cũng thấy thui thủi. Ta không đủ sức gắn điện thoại. Hoa là bạn... cháu đã bao giờ thấy khóm cúc vạn thọ nào đẹp hơn chưa? Ta còn con mèo nữa.”

Nan muốn trốn đến tận cùng trái đất, nhưng cô bé cảm thấy nếu không chịu vào để một bà già phải tự ái thì sẽ không ổn chút nào. Thomasine, váy lót thò ra bên dưới váy đi trước lên mấy bậc thang xập xệ dẫn vào một căn phòng rõ ràng là bếp và phòng khách chung. Nó sạch tinh và vui mắt với rất nhiều cây cảnh. Không khí ngạt ngào mùi bánh mì mới nướng dễ chịu.

“Ngồi đây,” Thomasine tử tế nói, đẩy chiếc ghế bập bênh có nệm vá sặc sỡ về phía truớc. “Để ta dời cây loa kèn non đó đi tránh chỗ cho cháu. Chờ ta deo cái hàm răng dưới vào đã. Không đeo trông buồn cười, đúng không? Nhưng nó làm ta hơi đau một tí. Đấy, giờ ta nói chuyện được rõ hơn rồi.”

Một con mèo đốm, thốt ra đủ kiểu meo meo khác thường đi tới chào họ, ở thay cho mấy con chó săn cáo trong giấc mơ đã tan biến!

“Con mèo đó là trùm bắt chuột,” Thomasine nói. “Chỗ này đầy chuột. Nhưng nó che mưa che nắng mà ta thì ngán sống chung với bà con rồi. Bị người khác khống chế. Bị sai sử suốt cứ như ta là cỏ rác. Tệ nhất là vợ thằng Jim. Kêu ca vì có đêm ta làm mặt xấu với mặt trăng. A, vậy thì sao nào? Có hại gì trăng không? Ta nói, Tao sẽ không làm cục gối cắm kim nữa. Thế nên ta đến đây một mình và sẽ ở lại đây chừng nào còn đi được. Nào, cháu ăn gì? Ta làm cho cháu cái sandwich hành nhé?”

“Không... không ạ, cám ơn bà.”

“Cảm lạnh mà ăn nó thì tốt lắm đấy. Ta từng bị rồi...có thấy ta bị khàn giọng sao không? Nhưng ta chỉ cần quấn tí vải đỏ bôi nhựa thông và mỡ ngỗng quanh cổ khi đi ngủ. Không gì công hiệu bằng.”

Vải đỏ và mỡ ngỗng! Ấy là chưa nói đến dầu thông!

“Nếu cháu không ăn sandwich... cháu có chắc không ăn không?... để ta xem trong hộp bánh quy có gì.”

Bánh quy... cắt thành hình gà trống và vịt... ngon lạ lùng và tan lịm trong miệng. Đôi mắt tròn mờ của bà Fair tươi cười với Nan.

“Giờ cháu sẽ thích ta, đúng không? Ta muốn được mấy cô bé thích.”

“Cháu sẽ cố ạ,” Nan hổn hển, lúc đó đang ghét Thomasine Fair tội nghiệp như ta ghét kẻ nào làm tan tành mộng tưởng của ta.

“Cháu biết không, ta cũng có vài đứa cháu nhỏ đang ở bên lục địa phía Tây.”

Cháu!

“Để ta cho cháu xem hình. Xinh, đúng không? Trên kia là hình Poppa thân yêu tội nghiệp. Chết cũng hai chục năm rồi.”

Hình của Poppa thân yêu tội nghiệp là “bức chì màu” lớn vẽ một người có râu và viền tóc bạc loăn xoăn quanh cái đầu hói.

Ồ, người yêu bị rẻ rúng!

“Ông ấy là người chồng tốt dù ba mươi đã hói,” bà Fair trìu mến nói. “Trời, hồi còn con gái ta từng kén cá chọn canh người theo đuổi. Giờ già rồi chứ ngày trẻ ta cũng có một thời sung sướng. Bạn trai những đêm Chủ nhật! Cố ngồi ngoài trời với nhau. Ta ngẩng cao đầu kiêu hãnh như bất kỳ nữ hoàng nào! Từ đầu Poppa đã ở trong số họ nhưng ta chẳng biết nói gì với ông ấy. Ta thích họ táo bạo hơn một chút. Rồi có Andrew Metcalf.., ta suýt nữa thì trốn đi cùng anh ta. Nhưng ta biết chuyện đó sẽ không may mắn. Cháu đừng bao giờ trốn đi. Chuyện đó là không may và đừng bao giờ để ai nói cháu nghe khác đi.”

“Cháu... cháu sẽ không... cháu sẽ không, thật mà.”

“Cuối cùng rồi ta cưới Poppa. Lòng kiên nhẫn của ông ấy rốt cuộc đã thắng và ông ấy cho ta hai mươi bốn giờ để chọn cưới ông hay bỏ đi. Bố ta muốn ta yên bề cho rồi. ông ấy đâm lo khi Jim Hewitt trầm mình vì ta không chịu cưới. Khi đã quen sống với nhau rồi Poppa với ta thật sự hạnh phúc. Ông nói ta hợp với ông vì ta không suy nghĩ nhiều quá. Poppa cho rằng đàn bà sinh ra không phải để nghĩ ngợi. ông nói nó làm họ khô cằn và trái tự nhiên. Ông ấy rất kỵ đậu nướng, thỉnh thoảng ông cũng có những cơn đau lưng nhưng dầu của ta luôn giải quyết được hết. Trong thị trấn có một bác sĩ chuyên khoa nói có thể chữa cho ông ấy lành hẳn nhưng Poppa cứ nói ta mà rơi vào tay mấy bác sĩ chuyên khoa thì họ sẽ không buông ta ra nữa... không bao giờ. Ta nhớ ông ấy cho lợn ăn. Ông ấy rất thích thịt lợn. Ta chẳng ăn tí thịt muối nào nhưng ta nghĩ đến ông. Bức hình đối diện Poppa là nữ hoàng Victoria. Thỉnh thoảng ta nói với bà, Bà thân mến ơi, nếu họ lột sạch ren rúng nữ trang của bà thì tôi không chắc bà trông xinh đẹp gì hơn tôi.”

Trước khi để Nan đi bà cứ cố nài cô bé lấy một túi kẹo bạc hà, một chiếc dép thủy tinh màu hồng để đựng hoa, và một ly mứt lý gai.

“Cái ấy là cho mẹ cháu. Ta luôn gặp may với mứt lý gai. Một ngày nào đó ta sẽ xuống Bên Ánh Lửa. Ta muốn xem mấy con chó sứ nhà cháu. Nhắn Susan Baker là ta rất biết ơn vì mớ cải xanh hồi mùa xuân bà ấy gửi cho ta nhé.”

Cải xanh!

“Ở đám tang Jacob Warren ta đã định cám ơn nhưng bà ấy bỏ về sớm quá. Ta thích thong thả ở lại mấy đám tang. Cả tháng rồi không có đám nào. Ta luôn nghĩ không có đám tang thì thật buồn chán. ở Lowbridge bao giờ cũng có nhiều đám. Xem ra chẳng công bằng gì cả. Đến chơi với ta nữa nhé? Ở cháu có cái gì đó... Kinh Thánh nói ‘ơn nghĩa quý hơn bạc vàng,’ mà ta thấy đúng đấy.”

Bà mỉm cười vui vẻ với Nan... bà có nụ cười dễ thương. Ở đó ta thấy Thomasine xinh đẹp rất lâu về trước. Nan cũng cố nhoẻn cười lần nữa. Mắt cô bé cay cay. Cô bé Phải đi khỏi trước khi khóc trước mặt thiên hạ.

“Cô gái bé bỏng dễ thương, cư xử tử tế đấy,” Thomasine Fair già trầm ngâm, nhìn theo Nan qua cửa sổ. Không được cái khiếu ăn nói của mẹ nhưng vậy cũng chẳng sao. Bọn nhóc ngày nay hầu như đứa nào cũng tự cho mình khôn ngoan khi thật ra chúng đúng là hỗn xược. Có bé con đến chơi làm mình thấy như trẻ lại.”

Thomasine thở dài rồi đi ra cắt cho xong mấy bông cúc vạn thọ và nhổ ít ngưu bàng.

“Ơn Chúa, mình vẫn còn linh hoạt,” bà ngẫm nghĩ.

Nan về lại Bên Ánh Lửa thảm sầu hơn vì giấc mơ đã mất. Một thung lũng nhỏ đầy hoa cúc cũng không mời được cô bé... suối hát gọi cô cũng vô ích. Cô bé muốn về nhà và trốn biệt ánh mắt mọi người. Hai đứa con gái cô bé gặp vừa đi qua vừa cười khúc khích. Có phải chúng cười nhạo cô bé đấy không? Nếu biết ra thì, mọi người sẽ cười nhạo thế nào kia chứ! Nan Blythe bé bỏng ngốc nghếch đã thêu dệt nên lắm thứ mơ mộng hão huyền về một nữ hoàng xanh xao bí ẩn mà chỉ gặp góa phụ nghèo của Poppa và kẹo bạc hà.

Kẹo bạc hà!

Nan không khóc đâu. Con gái mười tuổi đầu rồi không được khóc. Nhưng cô bé cảm thấy ủ ê khôn tả. Một điều gì đó quý báu và xinh đẹp đã không còn... mất rồi... một nguồn vui bí mật mà cô bé tin sẽ không bao giờ còn là của cô nữa. Cô bé thấy Bên Ánh Lửa ngào ngạt mùi bánh quy đậm đà thơm phức nhưng cô bé không vào bếp để ngon ngọt với Susan lấy vài cái. Giờ ăn tối cô bé chán ăn thấy rõ mặc dù cô đọc thấy trong mắt Susan mấy chữ dầu thầu dầu. Anne để ý thấy từ khi Nan ở nhà cũ của MacAllister về, cô bé rất ít nói... Nan, là người mà nói đúng nghĩa là hát líu lo từ sáng đến tối rồi kể cả sau đó nữa. Phải chăng đi bộ một đoạn đường dài vào một ngày nóng là quá sức đối với cô bé?

“Vì sao mà con có vẻ khổ sở vậy, con gái?” cô hỏi thật tự nhiên khi đem khăn tắm mới vào phòng hai đứa sinh đôi lúc chạng vạng thì thấy Nan ngồi thu lu trên bậu cửa sổ thay vì xuống Thung Lũng Cầu Vồng rình bắt hổ trong rừng nhiệt đới với mấy đứa kia.

Nan không định bụng cho bất kỳ ai biết mình đã ngốc thế. Nhưng chẳng hiểu làm sao mọi thứ cứ tự kể cho mẹ nghe.

“Ôi mẹ ơi, có phải trong đời mọi sự đều là nỗi thất vọng không?”

“Không phải mọi sự đâu, con yêu. Con có muốn kể mẹ nghe hôm nay cái gì đã làm con thất vọng không?”

“Ồ mẹ ơi, Thomasine Fair... tốt bụng! Mà mũi bà lại hếch!”

“Nhưng tại sao,” Anne hỏi ngơ ngác thật tình, “con lại để tâm mũi bà ấy hếch hay không?

Mọi chuyện bèn lộ ra. Anne lắng nghe với vẻ mặt nghiêm trang như mọi khi, mong sao mình nhịn được mà không bật cười khanh khách. Cô nhớ tới cô ngày thơ bé ở Chái Nhà Xanh cũ. Cô nhớ rừng, Ma ám và hai đứa con gái khiếp đảm vì chính những cái mình tưởng tượng ra ở đó. Cô cũng hiểu nỗi chua chát đáng sợ khi ta mất một giấc mơ.

“Con không nên nặng lòng quá khi những tưởng tượng tan biến, con yêu ạ.”

“Con không làm sao khác được,” Nan nói chán chường. “Nếu con được sống lại một cuộc đời khác thì con sẽ không bao giờ tưởng tượng gì cả. Con cũng sẽ không bao giờ tưởng tượng nữa đâu.”

“Con ngốc nghếch thân yêu của mẹ... con ngốc nghếch yêu quý của mẹ ơi, con đừng nói như vậy. Trí tưởng tượng là một thứ tuyệt vời cần có... nhưng cũng như mọi thiên khiếu khác, ta phải có nó nhưng đừng để nó có ta. Con hơi xem nặng những gì con tưởng tượng ra. Ồ điều đó thú vị lắm chứ... mẹ biết niềm vui ngây ngất đó. Nhưng con phải học cách đứng bên này lằn ranh giữa cái thực và cái không thực. Lúc ấy khả năng thoát vào một thế giới đẹp đẽ của riêng con bất cứ lúc nào con muốn mới thật kỳ diệu, giúp con vượt qua những giờ phút khó khăn trong cuộc sống. Mỗi khi được dạo bước vào Hòn Đảo Thần Tiên về mẹ sẽ dễ dàng giải quyết những điều rối rắm hơn.”

Nghe những lời dỗ dành khôn ngoan này xong Nan cảm thấy đã có lại lòng tự trọng. Hóa ra mẹ không thấy vậy là ngu ngốc. Mà chắc chắn đâu đó trên cõi đời này có một Tiểu Thư Xinh Đẹp Độc Ác Mắt Huyễn Hoặc, dù cho nàng không sống trong NGÔI NHÀ ÂM U... mà giờ nghĩ lại thì Nan thấy cũng chẳng tệ lắm, nào là có cúc vạn thọ cam rồi con mèo đốm thân thiện rồi hoa phong lữ rồi chân dung Poppa thân yêu tội nghiệp. Thật ra thì chỗ ấy khá vui nhộn nên có lẽ một ngày nào đó cô bé sẽ lại đến thăm Thomasine Fair và được ăn mấy cái bánh quy ngon lành ấy Cô bé không còn giận Thomasine nữa.

“Mẹ tuyệt vời quá!” cô bé thở dài, được che chở và nương náu trong vòng tay thân thương ấy.

Hoàng hôn tím xám đang phủ xuống ngọn đồi. Đêm hè thẫm lại xung quanh... một đêm mượt mà như nhung và đầy tiếng rì rào. Một vì sao xuất hiện bên cây táo lớn. Khi bà Marshall Elliott đến nên mẹ phải xuống nhà thì Nan đã vui vẻ lại rồi. Mẹ nói mẹ sẽ dán lại tường phòng hai đứa bằng giấy có hình hoa mao lương vàng xinh xắn và mua cho cô bé và Di một cái rương mới bằng gỗ tuyết tùng để cất mọi thứ. Chỉ có điều nó sẽ không phải rương gỗ tuyết tùng. Đó là một rương báu huyễn hoặc chỉ mở ra khi ta đọc một câu thần chú nhất định nào đó. Phù Thủy Tuyết có thể rỉ tai cho ta một chữ, Phù Thủy Tuyết trắng lạnh lẽo yêu kiều. Một ngọn gió thổi qua có thể mách ta một chữ nữa... một ngọn gió xám u buồn than van. Sớm muộn gì rồi ta cũng sẽ tìm được hết các chữ để mở rương ra, thì thấy nó có cơ man nào ngọc trai rồi hồng ngọc rồi kim cương. Cơ man nào chẳng phải là một từ rất hay sao?

Ồ, phép lạ nghìn đời vẫn chưa mất. Trên đời vẫn còn đầy phép lạ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx