sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ba tách trà - Chương 10 phần 1

CHƯƠNG 10

Xây cầu

Trong mênh mông của những dãy núi này, ở giới hạn của hiện hữu, nơi con người có thể đến viếng nhưng không thể ở lại, sự sống có một tầm quan trọng mới... nhưng những ngọn núi không hào hiệp; ta quên đi sự dữ dằn của chúng.

Một cách dửng dưng, chúng quất người nào mạo hiểm giữa chúng bằng tuyết, đá, gió và cái lạnh.

- George Schaller, Stones of Silence

Giọng người đàn ông ở đầu dây bên kia nghe như được phát ra từ nửa vòng trái đất, mặc dù Mortenson biết là ông ta không ở cách xa hơn hai trăm kilômét. “Hãy nói lại?” giọng nói vang lên.

Salaam Alaaikum, Mortenson hét vào ống nghe. “Tôi muốn mua năm cuộn cáp thép một trăm hai mươi mét, loại bện ba sợi. Ông có loại đó không?”

“Chắc chắn rồi.” ông ta trả lời, và đột nhiên đường dây nghe rõ. “Năm vạn rupi một cuộn cáp. Giá đó có chấp nhận được không?”

“Tôi có còn chọn lựa nào không?”

“Không.” nhà cung cấp cười. “Tôi là người duy nhất ở các thành phố phía bắc này có nhiều cáp như vậy. Tôi có thể biết tên ông không?”

“Mortenson, Greg Mortenson.”

“Ông đang gọi cho tôi từ đâu, thưa ông Greg? Có phải ông cũng đang ở Gilgit?”

“Tôi ở Skardu.”

“Tôi có thể biết vì sao ông cần nhiều cáp như vậy hay không?”

“Làng của các bạn tôi ở thung lũng thượng Braldu không có cầu. Tôi sẽ giúp họ xây dựng một cây cầu.”

“À, ông là người Mỹ, phải vậy không?”

“Đúng, thưa ông.”

“Tôi đã nghe nói về cây cầu của ông. Các đường phụ đến ngôi làng của ông, xe Jeep có thể đi không?”

“Nếu trời không chuyển mưa, ông có thể giao cáp được chứ?”

“Inshallah.”

Thánh Allah phù hộ. Không phải là “không”. Đó là câu trả lời tuyệt vời nhất mà Mortenson được nghe sau một chục cuộc gọi không thành công, và là phương thức thực tế duy nhất để trả lời cho bất cứ câu hỏi nào liên quan đến việc vận chuyển ở những vùng phía bắc. Anh đã có cáp của mình, thứ sau cùng và khó nhất mà anh cần để bắt đầu xây cầu. Chỉ mới đầu tháng 6 năm 1995, và nếu không có bất cứ trở ngại nào không khắc phục được, cây cầu sẽ hoàn thành trước mùa đông, và công việc xây trường có thể bắt đầu vào mùa xuân tiếp theo.

Đáp lại mọi lo ngại của Mortenson khi gọi điện cho ông, Jean Hoerni đã tử tế đến kinh ngạc khi viết cho anh tấm ngân phiếu về một khoản tiền bổ sung mười nghìn đôla. “Anh biết đấy, mấy người vợ cũ của tôi có thể tiêu nhiều hơn số tiền đó chỉ trong một ngày cuối tuần.” ông nói. Tuy nhiên ông đã yêu cầu Mortenson một lời hứa. “Hãy xây ngôi trường nhanh nhất trong khả năng của anh. Và khi hoàn thành, hãy mang cho tôi một tấm hình chụp nó.” Hoerni yêu cầu, “Tôi không còn trẻ nữa.” Mortenson dĩ nhiên hạnh phúc cam đoan với ông rằng anh sẽ làm như vậy.

“Người đàn ông này có cáp chứ?” Changazi hỏi.

“Ông ta có.”

“Vậy giá cả thế nào?”

“Cũng như giá anh nói, tám trăm đôla một cuộn.”

“Ông ta sẽ giao cáp trên đó chứ?”

“Inshallah,” Mortenson nói, đặt lại điện thoại của Changazi lên bàn trong văn phòng của ông ta. Sung túc với số tiền của Hoerni và quay trở lại con đường của mình, Mortenson vui vì lại có Changazi bầu bạn. Cái giá mà anh phải trả bằng tiền rupi do bị Changazi hớt bớt trong mọi giao dịch bù lại mạng lưới quan hệ rộng rãi của người đàn ông này. Ông ta từng làm cảnh sát và dường như quen biết mọi người trong thị trấn. Và sau khi Changazi viết biên nhận cho tất cả những vật liệu xây dựng mà ông ta giữ cho ngôi trường của Mortenson, thì dường như không có lí do gì để không tận dụng những kĩ năng của Changazi.

Trong một tuần ngủ ở charpoy trong văn phòng của Changazi, dưới tấm bản đồ thế giới treo tường đã cũ khiến anh thích thú nhớ lại quá khứ khi nhận ra anh vẫn xem Tanzania là Tanganyika, anh được khuây khỏa bởi những chuyện kể tinh nghịch của Changazi. Thời tiết tốt một cách lạ thường trong cả mùa hè và công việc trôi chảy. Changazi đã giúp trang bị cho nhiều đoàn thám hiểm, một nỗ lực của người Đức và người Nhật lên K2, một nhóm người Ý cố theo con đường lên núi thứ hai của Gasherbrum IV. Kết quả là Changazi có những thanh protein mang nhãn hiệu Đức nhét ở mọi ngóc ngách trong văn phòng, như nguồn dự trữ quả hạch cho mùa đông của một con sóc. Và sau chiếc bàn của ông ta là thùng nước uống thể thao Nhật, gọi là Pokhari Sweat, đặt trên nửa chục hộp bánh biscotti.

Nhưng món ngon nước ngoài mà Changazi thích thưởng thức nhất có những cái tên như Hildegund và Isabella. Bất chấp thực tế là người đàn ông này đã có một vợ và năm con yên ổn tại ngôi nhà ở Pindi xa xôi và người vợ hai giấu riêng ở căn nhà thuê gần khu văn phòng sĩ quan cảnh sát ở Skardu, ông ta vẫn dành phần lớn thời gian trong mùa du lịch để đến ăn ngon lành các bữa ăn của những du khách và nhà leo núi nữ đang đến Skardu ngày càng nhiều.

Changazi đã kể cho Mortenson nghe cách mình thu xếp giữa chuyện yêu đương nhăng nhít và sự sùng tín đạo Hồi của mình. Đến giáo đường ngay sau khi có một Inge hay Aiko nào khác lọt vào tầm ngắm, Changazi đã thuyết phục vị giáo sĩ của mình cho phép có một muthaa, nghĩa là hôn nhân tạm thời. Phong tục này vẫn còn phổ biến ở nhiều vùng người Shiite ở Pakistan, dành cho những người đàn ông phải đối mặt với những khoảng thời gian không có sự an ủi của vợ lúc đang chiến đấu nơi xa, hay đang trong những chuyến đi dài. Nhưng Changazi được cho phép có khá nhiều muthaa kể từ khi mùa leo núi bắt đầu vào tháng năm. Trong cái nhìn của Thánh Allah, tốt hơn là công nhận sự kết hợp, dù chỉ ngắn hạn, thay vì chỉ là quan hệ tình dục, Changazi vui vẻ giải thích cho Mortenson.

Mortenson hỏi liệu những phụ nữ Balti có chồng ở xa có được cho phép muthaa hay không.

“Không, dĩ nhiên là không.” Changazi nói, lắc lư cái đầu với câu hỏi ngây thơ của Mortenson, trước khi mời anh một cái bánh biscotti để nhúng vào trà.

Giờ đây, dây cáp được đặt hàng đang trên đường đến. Mortenson đã giữ trước một chỗ trên chuyến xe jeep đến Askole. Suốt đường lên thung lũng Shigar, họ đi dưới những vườn táo và mơ đang chín như đi dưới một đường hầm. Không khí trong trẻo đến mức những dãy núi thấp lởm chởm màu gỉ sắt và màu đất son cao gần năm nghìn năm trăm mét vùng Karakoram có vẻ như đủ gần để có thể chạm vào. Và con đường dường như có thể qua lại được như một con đường đất lát đá được đục ra từ mép của một vách đá.

Nhưng khi họ rẽ lên thung lũng Braldu, những đám mây thấp di chuyển nhanh từ phía nam đuổi theo và vượt qua xe họ. Đó chỉ có thể là gió mùa, thổi đến từ Ấn Độ. Và vào lúc họ đến Askole, mọi người trên chiếc xe jeep không cửa kính đó đều ướt và vấy bẩn những vết bùn xám.

Mortenson trèo xuống ở điểm dừng cuối cùng, trước làng Askole, bên dưới cơn mưa dày đặc làm nhô lên những vết hằn trên con đường bùn lầy. Korphe vẫn còn cách xa nhiều giờ đi bộ, và không thể thuyết phục tài xế tiếp tục đi trong bóng tối, do đó Mortenson miễn cưỡng ở lại qua đêm, nằm ườn ra trên những bao gạo của một cửa tiệm quen biết với nurmadhar của Askole, Haji Mehdi, gạt những con chuột cố leo lên từ sàn nhà ngập nước.

Buổi sáng, trời vẫn còn mưa theo kiểu đại hồng thủy và tài xế xe jeep đã hợp đồng để chở hàng hóa về lại Skardu. Mortenson bắt đầu đi bộ, anh vẫn cố đến gần Askole. Giống như con đường cho tất cả các đoàn thám hiểm hướng về đông bắc, lên Baltoro, con đường này đã bị hư hỏng bởi sự tiếp xúc lặp đi lặp lại những gì tồi tệ nhất của những người leo núi phương Tây cần thuê mướn phu khuân vác hay mua một vài sản phẩm mà họ đã quên, và những người cơ hội hi vọng kiếm chác từ họ. Như ở nhiều nơi tận cùng khác, những thương nhân Askole thường thổi phồng giá cả và từ chối việc trả giá một cách tàn nhẫn.

Lội qua một lối đi có dòng nước chảy sâu hơn nửa mét, giữa những căn chòi làm từ đá và bùn, Mortenson thấy vạt áo của mình bị kéo lại phía sau. Anh quay lại và thấy một bé trai, đầu của nó đầy chấy, bàn tay đưa ra hướng về phía Angrezi. Nó không biết tiếng Anh để xin tiền hay một cây viết, nhưng ý nghĩa của nó thì không gì có thể rõ ràng hơn. Mortenson lấy ra một quả táo và đưa cho thằng bé; nó ném xuống rãnh nước.

Đi qua một cánh đồng phía bắc Askole, Mortenson phải lấy vạt áo bịt mũi vì mùi hôi. Cánh đồng, một địa điểm cắm trại đã từng được một chục đoàn thám hiểm sử dụng trên đường lên Baltoro, bị ô nhiễm bởi hàng trăm đống chất thải của con người.

Quyển sách anh mới đọc, Ancient Futures, của Helena Norberg-Hodge, luẩn quẩn trong tâm trí anh. Norberg- Hodge đã dành mười bảy năm sống ngay ở phía nam của những ngọn núi này, ở Ladakh, một vùng rất giống Baltistan, nhưng bị cắt khỏi Pakistan bởi những đường biên giới độc đoán ngang qua Himalaya của các chính quyền thời thuộc địa. Sau gần hai thập niên nghiên cứu văn hóa Ladakh, Norberg-Hodge đã buộc phải tin rằng việc bảo toàn lối sống truyền thống ở nơi đây - những đại gia đình sống hài hòa với đất đai - sẽ mang lại nhiều hạnh phúc hơn là “cải tiến” tiêu chuẩn sống của người Ladakh bằng sự phát triển không kiểm soát.

“Tôi đã từng cho rằng hướng của “tiến bộ” là không thể tránh được, không thể bàn cãi.” bà viết. “Tôi đã chấp nhận một cách thờ ơ việc một con đường mới xuyên qua công viên, một ngân hàng bằng kính và thép ở nơi từng là ngôi nhà thờ 200 năm tuổi... và thực tế cho thấy cuộc sống dường như vất vả hơn và nhanh hơn từng ngày. Tôi đã không làm gì nữa. Ở Ladakh tôi đã học được rằng có nhiều hơn một con đường để đến tương lai và tôi đã có may mắn chứng kiến một cách sống khác, lành mạnh hơn - một mô hình tồn tại dựa trên sự đồng tiến hóa giữa con người và trái đất.”

Norberg-Hodge tiếp tục lập luận rằng không chỉ những công nhân của các nước phương Tây phát triển phải không áp đặt một cách mù quáng “những cải thiện” lên những nền văn hóa cổ xưa, mà cả những quốc gia công nghiệp hóa đã có những bài học từ những người dân như người Ladakh về việc xây dựng những xã hội bền vững. “Tôi đã nhận ra rằng,” bà viết “cộng đồng và mối quan hệ gần gũi với đất có thể làm giàu cho cuộc sống con người hơn hẳn mọi so sánh với của cải vật chất hay kĩ thuật tinh vi.”

Khi bước đi trên con đường trơn trượt vì mưa dẫn vào Korphe, nương theo dòng Braldu đang cuộn chảy phía bên phải, Mortenson hình dung ra tác động của cây cầu đối với ngôi làng bị cô lập. “Người dân ở Korphe có một cuộc sống khó khăn, nhưng họ vẫn sống với sự thuần khiết đáng quý.” Mortenson nói. “Tôi biết cây cầu sẽ giúp họ đến bệnh viện trong vòng một vài giờ thay vì mất một vài ngày, và nó cũng giúp việc mua bán vụ mùa của họ được dễ dàng hơn. Nhưng tôi không thể ngừng lo lắng về những gì mà thế giới bên ngoài, vượt qua cây cầu đến đây, sẽ làm với Korphe.”

Những người đàn ông Korphe gặp Mortenson ở bờ sông và đưa anh qua bờ bên kia trong chiếc giỏ treo lủng lẳng. Ở cả hai bên bờ sông, nơi hai tháp cầu sẽ dựng lên, hàng trăm phiến đá hoa cương đẽo thô xếp chồng lên nhau, chờ công việc xây dựng. Thay vì kéo đá qua sông và phụ thuộc vào sự thất thường của việc vận chuyển trên những con đường mòn, Haji Ali, sau cùng đã thuyết phục được Mortenson sử dụng đá đục ở những sườn đồi chỉ cách hai bờ sông vài trăm mét. Korphe nghèo về mọi thứ vật liệu, nhưng có nguồn đá vô tận.

Ngược lên ngôi làng đắm chìm trong nước mưa, Mortenson dẫn đầu đoàn người về nhà Haji Ali để dự buổi họp về cách xây dựng cây cầu. Một con bò đen lông dài đứng chắn ngang đường đi của họ giữa hai căn nhà, trong khi Tahira, đứa con gái mười tuổi của Hussein, người đàn ông có học nhất ở Korphe, kéo nó bằng sợi dây cương gắn vào mũi của con vật và cố lôi nó ra khỏi đường. Con bò có ý khác. Nó nhàn rỗi bài tiết ra một đống lớn bốc hơi trong bùn, rồi bước về phía nhà Tahira. Tahira vung chiếc khăn trùm đầu màu trắng của mình xua đuổi và cúi người nhặt ngay những bánh phân bò. Cô bé đập chúng vào vách đá của căn nhà gần nhất, dưới mái hiên, trước khi thứ chất đốt quý giá bị rửa trôi bởi mưa.

Ở nhà Haji Ali, Sakina nắm tay Mortenson chào đón, và anh nhận ra đó là lần đầu tiên một phụ nữ Balti chạm vào anh. Bà cười toe toét, như thể vì đã dám làm cho anh ngạc nhiên. Để đáp lại, anh bước qua ngưỡng cửa, rồi đi vào “bếp” của bà, chỉ là một bếp lửa trên những hòn đá, vài cái kệ và một tấm ván dài cong oằn trên nền đất nện để làm thớt. Mortenson cúi xuống đống củi mồi và chào hỏi đứa cháu gái Jahan của Sakina; cô bé cười bẽn lẽn, nhét chiếc khăn trùm đầu màu rượu chát của mình vào giữa hai hàm răng và núp đằng sau đó.

Sakina, cười khúc khích, cố xua Mortenson ra khỏi bếp của mình. Nhưng anh bốc một nắm tamburok, loại trà núi màu xanh có vị thảo dược, từ chiếc bình đồng thau mờ xỉn và rót đầy ấm trà đen xỉn bằng cái thùng nhựa bốn mươi lít nước sông. Mortenson cho thêm vài nhúm củi mồi vào bếp lửa đang cháy âm ỉ và đun sôi trà.

Anh tự rót nước trà xanh chát cho hội nghị bô lão làng Korphe, rồi lấy một chén và ngồi xuống chiếc gối giữa Haji Ali và lò sưởi, nơi mà ngọn lửa phân bò làm cho căn phòng đầy khói cay mắt.

“Bà nội em rất bất ngờ khi bác sĩ Greg đi vào bếp.” Jahan nói. “Nhưng bà thực sự đã coi ông ấy như con mình, thế nên bà chấp nhận việc ấy. Không lâu sau, bà đổi ý và bắt đầu ghẹo ông nội em rằng bà có thể học để có thể hữu ích hơn như đứa con trai người Mỹ của bà.”

Khi quan sát những lợi ích của Korphe, dù như thế nào, Haji Ali cũng hiếm khi nới lỏng sự cảnh giác của mình. “Tôi luôn luôn ngạc nhiên vì sao, không có điện, điện thoại, hay vô tuyến mà Haji Ali nắm bắt được thông tin về mọi chuyện xảy ra trong thung lũng Braldu và xa hơn nữa.” Mortenson nói. Hai chiếc xe jeep chở dây cáp cho cây cầu đã vào gần Korphe trong vòng mười tám dặm, Haji Ali nói với mọi người, trước khi một vụ trượt đá làm tắc nghẽn con đường. Vì con đường có thể bị nghẽn trong nhiều tuần, và thiết bị dọn đất hạng nặng sẽ khó lòng được đưa đi từ Skardu trong thời tiết xấu, Haji Ali đề nghị mọi người đàn ông có sức khỏe trong làng nhiệt tình tham gia vận chuyển cáp đến Korphe để họ có thể bắt đầu ngay công việc xây cầu.

Sự hân hoan giữa những người đàn ông tham gia vào một nhiệm vụ mệt nhọc như vậy làm cho Mortenson thấy ngạc nhiên; ba mươi lăm người, từ thanh thiếu niên cho đến Haji Ali và những người đồng niên râu bạc của ông, đi bộ cả ngày hôm sau trong mưa, bốc dỡ và trải qua mười hai giờ nữa để mang cáp về Korphe. Mỗi cuộn cáp cân nặng ba trăm sáu mươi kí và phải mất mười người đàn ông cho một lần khiêng những cọc gỗ dài mà họ xỏ qua giữa những cuộn cáp.

Cao hơn hết thảy những người đàn ông Korphe ba tấc, Mortenson cố gánh phần của mình, nhưng anh khiến đòn gánh dốc xuống nên chỉ có thể nhìn những người khác làm việc. Không ai nề hà. Phần lớn họ đã phục vụ như những phu khuân vác cho các đoàn thám hiểm phương Tây, mang vác hàng hóa cũng nặng tương đương ngược lên Baltoro.

Những người đàn ông vui vẻ hành quân, nhai naswar, thứ thuốc lá nặng mà Haji Ali phân phát từ nguồn cung cấp dường như vô tận trong những túi áo khoác của ông. Làm việc vất vả để cải thiện cuộc sống trong ngôi làng của họ thay vì theo đuổi những mục tiêu mơ hồ của những người leo núi nước ngoài là một niềm vui, Twaha nói với Mortenson, cười toe toét dưới cái đòn gánh bên cạnh cha mình.

Ở Korphe, những người đàn ông đã đào những móng sâu ở hai bờ sông bùn lầy. Nhưng gió mùa kéo dài và bêtông không thể đông cứng trong thời tiết ẩm ướt. Twaha và một nhóm thanh niên trẻ đề nghị đi săn dê núi một chuyến trong khi mưa còn kéo dài và mời Mortenson đi cùng.

Chỉ với đôi giày chạy bộ, áo mưa, bộ shalwar kamiz và một chiếc áo khoác sợi acrylic Trung Quốc rẻ tiền mua ở chợ Skardu, Mortenson cảm thấy mình không được chuẩn bị đầy đủ cho một chuyến leo núi ở độ cao. Nhưng không ai trong số sáu người khác được trang bị tốt hơn. Twaha, con trai của nurmadhar, mang đôi giày da màu nâu cứng cáp mà một người leo núi qua đường đã cho anh. Chân của hai người đàn ông được quấn kín trong những sợi da sống, còn những người khác mang sandal nhựa.

Họ đi ra khỏi Korphe về phía bắc trong cơn mưa đều đều, qua những cánh đồng kiều mạch đang chín bám trên từng bề mặt nơi có nước tưới. Những hạt lúa đã lớn hết cỡ trông như những hạt ngô nhỏ. Dưới những cơn mưa nặng hạt, hạt lúa phồng lên ở đầu cuống rạ đong đưa. Twaha hãnh diện mang theo cây súng duy nhất của cả nhóm trên vai, một cây súng hỏa mai Anh từ đầu thời thuộc địa. Và Mortenson thấy khó mà tin rằng họ hi vọng mang về một con dê núi với thứ vũ khí trong viện bảo tàng đó.

Mortenson nhận ra cây cầu mà anh đã lạc lối trên đường trở về từ K2, một cây cầu treo võng xuống bằng dây thừng lông bò Tây Tạng, bắc ngang giữa những tảng đá khổng lồ trên hai bờ Braldu. Anh vui vì nhìn thấy cảnh đó. Nó dẫn đến Askole và men theo nơi mà anh sắp xem như quê hương thứ hai của mình. Cũng giống như nhìn vào một con đường ít đáng chú ý mà cuộc đời anh có thể đã đi theo nếu anh không rẽ ngoặt vào con đường mòn dẫn đến Korphe.

Khi họ leo lên vách núi hai bên của hẻm núi ngắn dần lại, mưa và cả bọt nước từ sông Braldu làm họ ướt hết cả. Con đường mòn dính vào mặt dốc nghiêng cao đến chóng mặt. Nhiều thế hệ người Balti đã gia cố nó để chống lại sự cuốn trôi bằng cách chèn những tảng đá phẳng vào với nhau tạo thành một bề mặt mỏng manh. Những người đàn ông Korphe, chỉ mang vác vật nhẹ trong những chiếc giỏ đan, đi bộ dọc theo mép đá cao hơn nửa mét vững vàng như đang đi qua những cánh đồng bằng phẳng. Mortenson đặt từng bước chân một cách thận trọng, tựa vào vách hẻm núi. Anh dò bước bằng những đầu ngón chân. Anh cũng ý thức rõ về việc rơi xuống Braldu từ độ cao sáu mươi mét.

Ở đây, dòng sông cũng đáng sợ như những đỉnh băng đẹp sinh ra nó. Lượn qua một hầm mộ những tảng đá điêu khác màu đen và nâu, xuống những hốc lõm ướt át nơi ánh nắng hiếm khi chiếu đến, dòng Braldu bùn nâu trông như một con rắn lăn lộn. Khó mà tin rằng dòng thác dữ dằn này là nguồn sống cho những hạt lúa mạch vàng óng và tất cả hoa màu ở Korphe.

Ở thượng nguồn sông băng Biafo, mưa đã tạnh. Một luồng sét xiên qua mây che phủ và làm lộ rõ Bakhor Das, một đỉnh núi phía đông, trong một tia sáng bùng lên màu vàng chanh. Những người đàn ông này gọi đỉnh tháp cao 8.839 mét là Korphe K2 vì hình dạng của nó giống như ngọn núi lớn anh em trên Baltoro, và nó hiện ra sừng sững trên những căn nhà của họ như một vị thần bảo vệ. Trong những thung lũng như Thượng Braldu, Hồi giáo chưa bao giờ chiến thắng hoàn toàn những tín ngưỡng vật linh cổ xưa hơn. Và người Korphe cho rằng hình ảnh này của ngọn núi như một điềm lành cho việc săn bắn. Dẫn đầu bởi Twaha, theo sau là những người đàn ông, cùng ngâm nga một bài ca xoa dịu những vị thần của Karakoram, hứa rằng họ sẽ chỉ bắt một con dê núi.

Để tìm dê núi, họ phải leo lên cao. Nhà động vật học George Schaller đã theo đuổi dê núi và những động vật cùng họ với chúng trên khắp vùng Himalaya. Chuyến leo núi vào năm 1973 cùng với Schaller khắp miền tây Nepal để nghiên cứu bharal, hay còn gọi là cừu xanh đã trở thành nền tảng cho kiệt tác chân thật của Peter Matthiessen, The Snow Leopard. Matthiessen nghi thức hóa bản miêu tả chuyến đi dài qua những ngọn núi cao của họ với ý nghĩa của một chuyến hành hương.

Những ngọn núi lớn nhất thế giới yêu cầu nhiều hơn là sự tán thưởng vật chất đơn thuần. Trong quyển sách của chính mình, Stones of Silence, Schaller thú nhận chuyến leo núi qua Karakoram, mà ông gọi là “dãy núi lởm chởm nhất thế giới” đối với ông là những hành trình tâm linh cũng như những chuyến thám hiểm khoa học. “Sự vất vả và thất vọng đánh dấu cho những chuyến đi này.” Schaller viết, nhưng “Những ngọn núi trở thành một khát khao. Tôi muốn có Karakoram nhiều hơn nữa.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx