sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ba tách trà - Chương 11 phần 1

CHƯƠNG 11

Sáu ngày

Có một ngọn nến trong tim bạn, sẵn sàng được thắp lên.

Có một khoảng trống trong linh hồn bạn, sẵn sàng được lấp đầy.

Bạn có cảm nhận được nó hay không?

- Rumi

Ở khoa Bỏng thuộc Trung tâm Y tế Alta Bates, chùm đèn LED đỏ và lục nhấp nháy trên một dàn màn hình. Mặc dù lúc đó là 4 giờ sáng và đã ngồi sụp xuống sau chỗ nghỉ của y tá, cố mà không tìm được một tư thế thoải mái trong chiếc ghế nhựa được thiết kế cho một người nhỏ con hơn nhiều, Mortenson cảm thấy thiếu thốn một thứ gì đó kể từ buổi sáng anh buông rơi chai rượu Baileys vào thùng rác ở nhà nghỉ Beach - hạnh phúc.

Trước đó, Mortenson đã thoa kem kháng sinh vào hai bàn tay của một bé trai mười hai tuổi bị phỏng vì đưa tay vào bếp lò, rồi thay băng cho nó. Về thể xác, ít nhất thì đứa bé cũng đang lành lặn tốt. Ngoài ra, đó là một đêm yên tĩnh.

Mình không cần phải đi đến phía bên kia của thế giới để là người có ích, Mortenson nghĩ. Anh đang có ích ở đây. Nhưng mỗi ca trực và những đồng đôla tích tụ trong tài khoản ở ngân hàng Bank of America, đưa Mortenson đến gần cái ngày mà anh có thể bắt đầu lại việc xây dựng trường học Korphe.

Anh lại sống trong căn phòng thuê ở nhà Witold Dudzinski, và ở đây, trong phòng cấp cứu trống một nửa, anh vui với một đêm thanh bình xa khỏi khói thuốc và hơi rượu vodka. Chiếc áo choàng phẫu thuật màu việt quất của Mortenson thực tế là bộ pyjama, và ánh sáng dịu đủ để cho anh ngủ thiếp đi. Chỉ nếu như chiếc ghế cho phép.

Mortenson loạng choạng đi về nhà sau ca trực. Bầu trời đen đang xanh dần phía sau Berkeley Hills khi anh nhấp ngụm cà phê đậm với những miếng bánh từ tiệm bánh rán của người Campuchia. Một chiếc Saab màu đen đậu trước đầu chiếc xe tải không mui của Dudzinski ngay trước nhà Mortenson. Và ngồi sụp trong ghế của người lái là bác sĩ Marina Villard, toàn bộ, chỉ trừ đôi môi, bị che khuất bởi suối tóc đen. Mortenson liếm đường trên các ngón tay, rồi mở cửa xe.

Marina ngồi dậy, duỗi người và bừng tỉnh. “Anh không trả lời điện thoại.” cô nói.

“Anh đang làm việc.”

“Em đã để lại nhiều tin nhắn.” cô nói. “Anh hãy xóa chúng đi.”

“Em đang làm gì ở đây?” Mortenson nói.

“Anh có vui khi gặp em không?”

Mortenson quyết định sẽ nói là không. “Dĩ nhiên.” anh nói. “Em khỏe không?”

“Nói thật thì em không khỏe lắm.” Cô kéo tấm che nắng xuống và tự ngắm nhìn mình trong gương trước khi tô lại đôi môi bằng son đỏ.

“Điều gì xảy ra với Mario?”

“Một sai lầm.” cô nói.

Mortenson không biết phải làm gì với hai bàn tay của mình. Anh đặt tách cà phê xuống trên mui chiếc Saab của nàng, rồi giữ chặt tay hai bên hông.

“Em nhớ anh.” Marina nói, cô kéo cần gạt bên hông ghế để nâng lưng ghế, và nệm tựa đầu đập vào sau đầu cô. “Ôi! Anh có nhớ em không?”

Mortenson cảm thấy một thứ gì đó hiệu nghiệm hơn cả chất cafein ở tiệm bánh rán chạy khắp người mình. Chỉ xuất hiện, sau tất cả thời gian vừa qua. Tất cả những đêm trằn trọc trong túi ngủ trên sàn nhà bụi bặm của Dudzinski, cố xua đuổi cô và cảm giác về gia đình đã được tìm thấy rồi mất đi, để giấc ngủ có thể đến. “Mọi việc đã chấm dứt.” Mortensơn nói, đóng cửa xe của Marina Villard và leo lên căn nhà nồng nặc mùi thuốc ôi thiu và mùi vodka đổ tràn để nằm bẹp xuống ngủ.

Giờ đây, cây cầu đã bắc qua Thượng Braldu, và các vật tư mà anh đã buộc Changazi làm biên nhận sắp biến thành một ngôi trường. Lúc này, anh không thấy thích ở mãi trong nhà Dudzinski, nhưng để tiết kiệm cho đến khi quay trở lại và hoàn thành công việc của mình ở Pakistan, anh thích nói chuyện với bất cứ ai có liên quan với Karakoram.

Anh đến thăm Jean Hoerni, người đã gửi cho anh một vé máy bay đến Seattle và yêu cầu anh mang theo những tấm hình về cây cầu. Trong căn hộ penthouse của Hoerni, với tầm nhìn bao quát hồWashington và dãy núi Cascades đằng xa, Mortenson gặp người đàn ông mà anh thấy rất đáng sợ qua điện thoại. Nhà khoa học nhỏ con, với bộ ria rủ xuống và đôi mắt đen huyền, đang đánh giá Mortenson qua cặp mắt kính quá khổ của mình. Ngay cả ở tuổi bảy mươi, ông vẫn có sự cường tráng dẻo dai của một nhà leo núi trọn đời. “Lúc đầu, tôi sợ Jean.” Mortenson nói. “Ông ấy nổi tiếng là một gã khó chịu, nhưng ông đối với tôi không thể nào tốt hơn.”

Mortenson mở chiếc túi vải của mình ra và không lâu sau, anh cùng Hoerni cúi người bên bàn cà phê để nghiên cứu những tấm ảnh, những bản vẽ và bản đồ trải tràn trên tấm thảm màu kem sậm. Hoerni, người đã hai lần lên trại căn cứ K2, đã bàn với Mortenson về tất cả những ngôi làng, giống như Korphe, không xuất hiện trên các bản đồ. Và ông rất thích thú thực hiện một bổ sung vào tấm bản đồ, bằng bút lông đen. Cây cầu mới bắc qua Thượng Braldu.

“Jean thực sự hưởng ứng Greg ngay.” người vợ góa của Hoerni, Jennifer Wilson, về sau trở thành thành viên của ban giám đốc Viện Trung Á nói. “Ông ấy đánh giá cao việc Greg là người khờ khạo và vô tư lợi như thế nào. Ông ấy thích thú với thực tế rằng Greg là người tự do. Anh biết đó, Jean là doanh nhân và ông ấy quý trọng một cá nhân dám làm một chuyện gì đó khó khăn. Lần đầu tiên đọc về Greg trong bản tin AHF, ông ấy đã nói với tôi, ‘Người Mỹ quan tâm đến Phật giáo, không phải Hồi giáo. Chàng trai này sẽ không nhận được sự giúp đỡ nào cả. Tôi sẽ làm cho điều đó xảy ra.’ ”

“Jean đã đạt được nhiều điều trong cuộc đời mình.” Wilsonnói. “Nhưng thách thức của việc xây dựng trường Korphe đã kích thích ông ấy cũng nhiều như công trình khoa học của ông ấy. Ông ấy thực sự cảm thấy có một mối liên hệ với vùng đất đó. Sau khi Greg ra đi, ông ấy đã nói với tôi, ‘Anh nghĩ chàng trai trẻ này có năm mươi trên năm mươi cơ hội để hoàn tất công việc. Và nếu anh ta làm xong, anh ta có thêm sức mạnh.’ ”

Trở lại Bay Area, Mortenson gọi điện cho George McCown, và cả hai hồi tưởng lại nút xoắn của số phận đã đưa họ đến với nhau ở phía bên kia trái đất, trên con đường mòn đến Thượng Braldu. McCown mời anh đến dự một sự kiện của Quỹ Tài trợ Himalaya Mỹ vào đầu tháng chín, và Sir Edmund Hillary sẽ có một bài phát biểu trong sự kiện đó. Mortenson nói sẽ gặp ông ở đó.

Vào thứ tư ngày 13 tháng 9 năm 1995, Mortenson, trong chiếc áo thể thao bằng len màu nâu vốn là áo kaki của cha mình và đôi giày da không vớ, đến khách sạn Fairmont. Trên đồi Nob, khách sạn Fairmont sang trọng tọa lạc ở giao lộ duy nhất nơi hội tụ của tất cả các tuyến xe điện của thành phố, một địa điểm thích hợp cho buổi tối sẽ kết dính nhiều phần trong cuộc đời Mortenson.

Năm 1945, các nhà ngoại giao từ bốn mươi quốc gia đã gặp nhau ở Fairmont để thảo ra hiến chương Liên Hiệp Quốc. Năm mươi năm sau, đám đông tụ tập ở phòng khiêu vũ kiểu Venice sang trọng cho bữa tiệc gây quỹ thường niên của Quỹ Tài trợ Himalaya Mỹ cũng đặc trưng cho sự đa dạng về văn hóa. Các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà quản lí quỹ ăn mặc tinh tế đứng đầy ở quầy rượu, chen vai với những nhà leo núi, sột soạt trong những chiếc áo khoác và cà vạt không đặc biệt. Các quý bà San Francisco mặc áo nhung đen cười khúc khích trước những câu chuyện đùa của các nhà sư Tây Tạng mặc áo cà sa màu nâu vàng.

Mortenson khom người khi đi vào phòng, nhận kata, dải lụa cầu nguyện chào đón được quàng vào cổ mọi khách mời. Anh đứng thẳng người lên, sờ vào dải lụa và để cho đợt triều của gần một nghìn giọng nói sinh động tràn qua khi nhận huy hiệu của mình. Căn phòng này toàn là những người quen biết nhau từ trước, một nơi mà anh không bao giờ tìm thấy chính mình, và anh thấy mình đứng ngoài lề. Rồi George McCown vẫy tay với anh từ quầy rượu, nơi ông đang cúi người để nghe một điều gì đó từ người đàn ông thấp hơn, và Mortenson nhận ra đó chính là Jean Hoerni. Anh bước đến và ôm cả hai.

“Tôi vừa mới nói với George rằng ông ấy cần cho anh một khoản tiền.” Hoerni nói.

“À, tôi có đủ tiền để hoàn thành ngôi trường nếu có thể giữ được các chi phí ở mức thấp.” Mortenson nói.

“Không phải cho ngôi trường.” Hoerni nói. “Cho anh, anh định sống bằng gì cho đến khi hoàn thành việc xây dựng?”

“Hai mươi nghìn đôla được không?” McCown nói.

Mortenson không thể nghĩ ra cách nào để trả lời. Anh cảm thấy máu đang

dồn lên gò má mình.

“Tôi có thể coi đây là sự đồng ý?” McCown nói.

“Hãy đem đến cho anh ấy một ly cocktai.” Hoerni nói, cười rạng rỡ. “Tôi nghĩ Greg sắp ngất xỉu.”

Trong bữa tiệc, một phóng viên báo ảnh bảnh bao, ngồi ở bàn Mortenson quá kinh hãi khi nhìn thấy mắt cá chân của anh để trần trong một buổi tiệc trang trọng, đã đi mua cho anh một đôi vớ ở cửa hàng trong khách sạn. Ngoài điều đó ra, Mortenson không nhớ gì nhiều về bữa tiệc đêm hôm đó, ngoài việc ngồi ăn trong sững sờ ngạc nhiên vì những vấn đề tài chính của mình dường như đã được quét sạch bằng một cái phẩy tay.

Nhưng được nghe một trong những người anh hùng của mình nói chuyện sau bữa ăn là một trải nghiệm không thể nào quên đối với anh. Sir Edmund Hillary lóng ngóng bước lên sân khấu, trông giống như một người nuôi ong như ông đã từng làm hơn là một người nổi tiếng đã được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ. “Ed từ Đỉnh núi” như ông thường tự giới thiệu mình, có hai hàng lông mày bờm xờm, bên dưới mái tóc bồng bềnh và hàm răng khủng khiếp. Ở tuổi bảy mươi lăm, người công dân New Zealand nổi tiếng nhất đã hơi có bụng và không còn trông giống một người có thể sải bước lên một đỉnh núi tám nghìn mét. Nhưng đối với buổi họp mặt của những người hâm mộ Himalaya này, ông vẫn là một kho tàng sống.

Hillary bắt đầu trình chiếu những phim slide về chuyến thám hiểm Everest tiên phong của mình vào năm 1953. Những hình ảnh có màu sáng với những tông màu không thực của phim Kodachrome thuở ban đầu và ở đó ông được giữ lại trong tuổi trẻ vĩnh cửu, rám nắng và đang nheo mắt. Hillary cho chiếu lại chuyến leo núi đầu tiên của mình, nói rằng nhiều người khác có thể vượt trước ông và Tenzing Norgay để đến đỉnh Everest. “Tôi chỉ là một người leo núi nhiệt tình có khả năng khiêm tốn, là người sẵn lòng làm việc vất vả và có sự tưởng tượng cùng quyết tâm cần thiết.” ông nói với đám đông im lặng. “Tôi chỉ là một gã nhà quê tầm thường. Chính giới truyền thông đã cố biến tôi thành một nhân vật anh hùng. Nhưng qua năm tháng, tôi đã học được rằng chừng nào bạn không tin tất cả những chuyện rác rưởi đó về mình thì chúng cũng không làm hại bạn gì nhiều.”

Duyệt qua những hình ảnh bắt buộc về Everest, Hillary lướt qua những khung hình được chụp vào khoảng giữa những năm 1960 và 1970, về những người đàn ông phương Tây vạm vỡ và những người Sherpa nhỏ nhắn, cùng nhau làm việc để xây dựng trường học và bệnh xá ở Nepal. Một tấm hình được chụp trong thời gian xây dựng dự án nhân đạo đầu tiên của ông, một trường học ba phòng được hoàn tất vào năm 1961, một Hillary mình trần sải bước nhẹ nhàng qua một dầm mái, tay cầm búa. Trong bốn thập niên sau khi lên đến nóc nhà của thế giới, thay vì yên nghỉ trong danh tiếng của mình, Hillary thường xuyên quay trở lại vùng Everest, và cùng người em trai Rex của mình, ông đã xây dựng hai mươi bảy ngôi trường, mười hai bệnh xá và hai sân bay dã chiến để hàng tiếp liệu có thể đến vùng Khumbu dễ dàng hơn.

Mortenson thấy rất phấn khích nên không thể ngồi yên. Tự cho phép mình rời khỏi bàn, anh đi nhanh đến cuối phòng và rảo bước tới lui trong khi lắng nghe bài trình bày của Hillary, nóng lòng muốn hấp thu từng lời và đáp chuyến bay kế tiếp có thể đưa mình đến Korphe để làm việc ngay.

“Tôi không biết liệu tôi có muốn nhớ một điều đặc biệt nào hay không.” Anh nghe Hillary nói. “Tôi đã tự hài lòng với chuyến leo Everest của mình. Nhưng những thứ có giá trị nhất của tôi là việc xây dựng những ngôi trường và trạm y tế. Chúng đã đem lại cho tôi sự mãn nguyện nhiều hơn việc đặt chân lên một ngọn núi.”

Mortenson nhận thấy có ai vỗ trên vai mình và anh quay lại. Một phụ nữ xinh đẹp mặc trang phục màu đen đang cười với anh. Cô có mái tóc đỏ cắt ngắn và dường như quen thuộc theo một cách mà Mortenson không thể nhớ ra.

“Tôi biết Greg là ai.” Tara Bishop nói. “Tôi được nghe về những gì mà anh ấy đang cố làm và tôi nghĩ anh ấy có một nụ cười rạng rỡ, do đó tôi đã quyết định đi rón rén đến bên anh ấy.” Cùng nhau, cả hai bắt đầu một cuộc trò chuyện liên tục không dừng lại được; mỗi chi tiết lại đưa đến một vấn đề cả hai cùng quan tâm, một cuộc trò chuyện còn tiếp diễn cho đến tận hôm nay.

Thì thầm bên tai, để không làm phiền những người khác đang lắng nghe Hillary, họ kề đầu vào nhau. “Greg đoan chắc rằng tôi thực sự đã tựa đầu mình vào vai anh ấy.” Tara nói. “Tôi không nhớ điều đó, nhưng có thể là như vậy. Tôi bị cuốn hút bởi anh ấy. Tôi nhớ mình đã nhìn vào đôi bàn tay của anh ấy. Chúng mới to lớn và mạnh mẽ làm sao, và ước muốn được nắm lấy đôi bàn tay ấy.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx