sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ba tách trà - Chương 16 phần 1

CHƯƠNG 16

Chiếc hộp nhung đỏ

Không một người nào, không một sinh vật nào sống mãi dưới bầu trời vĩnh cửu. Người phụ nữ đẹp nhất, người đàn ông thông thái nhất, ngay cả Mohammed, người đã nghe được chính tiếng nói của Thánh Allah, tất cả đều khô héo và chết đi. Tất cả là nhất thời. Bầu trời trường tồn hơn mọi thứ, cũng chịu đau khổ.

- Bowa Johar, nhà thơ Balti, ông nội của Mouzafer Ali

Mortenson tưởng tượng ra vị sứ giả đang đi đến miền nam một cách không lay chuyển được. Anh hình dung phán quyết của hội đồng tối cao được nhét trong túi đeo yên ngựa của vị sứ giả khi ông cưỡi trên con ngựa non miền núi từ Iran vào Afghanistan, men theo đồng bằng Shomali đầy bom mìn, trước khi vượt qua những đèo cao vùng Hindu Kush và băng vào Pakistan. Trong đầu mình, Mortenson cho vị sứ giả đi chậm lại, tưởng tượng ra những vụ lở đất và lở tuyết trên đường đi của ông. Vị sứ giả sẽ mất nhiều năm để đến đây, anh hi vọng. Vì nếu ông ta đến đây mang theo những tin tức tồi tệ thì Mortenson sẽ bị trục xuất khỏi Pakistan mãi mãi.

Trên thực tế, chiếc hộp nhung đỏ chứa lời phán quyết đã được gửi bằng đường bưu điện từ Qom đến Islamabad. Nó bay đến Skardu trên chiếc máy bay PIA 737, và được chuyển giao cho các giáo sĩ đứng đầu miền bắc Pakistan để được công bố.

Trong khi hội đồng tối cao xem xét trường hợp của Mortenson, họ đã cử người bí mật điều tra về những việc mà anh chàng người Mỹ đang làm ngay tại trung tâm của giáo phái Shia Pakistan. Parvi nói, “Từ nhiều ngôi trường, tôi bắt đầu nhận được các báo cáo về việc có người lạ đến hỏi thăm về từng chương trình học của trường. Họ muốn biết trường có chiêu mộ cho Cơ đốc giáo hay khuyến khích lối sống phóng túng phương Tây hay không?”

“Sau cùng, một giáo sĩ Iran đã đến thăm tôi, chính tôi, tại nhà tôi. Và ông ta đã thẳng thắn hỏi tôi, ‘Có bao giờ anh thấy gã ngoại đạo đó uống rượu hay cố quyến rũ phụ nữ Hồi giáo không?’ Tôi trả lời một cách trung thực rằng tôi chưa bao giờ thấy bác sĩ Greg uống rượu và ông ấy là một người đàn ông đã có vợ, ông ấy tôn trọng vợ con và không bao giờ bỡn cợt bất cứ cô gái Balti nào. Tôi cũng nói với ông ta rằng tôi hoan nghênh ông ta đến và điều tra bất cứ ngôi trường nào của chúng tôi, và tôi sẽ sắp xếp việc đi lại cũng như trả các chi phí nếu ông muốn bắt đầu đi ngay. ‘Chúng tôi đã đến những ngôi trường của các anh,’ ông ta nói và nhã nhặn cảm ơn tôi đã dành thời gian cho ông ta.”

Một buổi sáng đầu tháng 4 năm 1998, Parvi xuất hiện ở cửa phòng Mortenson trong khách sạn Indus và nói với anh rằng cả hai người họ được triệu tập.

Mortenson cạo râu và thay bộ shalwar kamiz màu đất sạch nhất trong năm bộ áo mà anh có.

Giáo đường Imam Bara, giống như nhiều giáo đường Shia ởPakistan, ít phơi bày bề mặt của mình ra thế giới bên ngoài. Những bức tường đất cao không trang trí và tập trung năng lực của nó vào bên trong, chỉ trừ một tháp cao sơn màu xanh dương và xanh lá cây có gắn loa bên trong để hiệu triệu đức tin.

Họ được dẫn qua sân trong và vào một lối đi có cổng vòm. Mortenson đẩy tấm rèm nhung dày màu sôcôla sang một bên và tiến đến gần chính điện bên trong giáo đường, một nơi mà không một kẻ ngoại đạo nào trước đây được mời vào. Mortenson tiến vào, bước cẩn thận qua ngưỡng cửa bằng chân phải để tránh phạm luật.

Bên trong có tám thành viên của Hội đồng Giáo sĩ quấn khăn đen đứng đó. Từ sự nghiêm nghị mà Syed Mohammed Abbas chào anh, Mortenson đoán chắc là tin tồi tệ. Cùng với Parvi, anh ngồi sụp xuống một tấm thảm Isfahan tuyệt đẹp được dệt trang trí những hoa văn hình dây leo linh động. Syed Abbas ra hiệu cho những người còn lại của hội đồng tụ lại thành một vòng tròn trên thảm, rồi ông ngồi xuống, đặt một chiếc hộp nhung đỏ lên tấm len lộng lẫy trước đầu gối mình.

Theo đúng nghi thức, Syed Abbas lật nghiêng nắp hộp ra phía sau, rút một cuộn giấy da quấn ruy-băng đỏ, mở ra và tiết lộ tương lai của Mortenson. “Hỡi người bạn có lòng trắc ẩn đối với người nghèo thân mến,” ông dịch những dòng chữ Farsi tinh tế, “Kinh thánh Koran của chúng tôi dạy rằng tất cả trẻ em phải được nhận sự giáo dục, kể cả con gái hay chị em gái của chúng tôi. Công việc cao quý của ông phù hợp với những nguyên tắc cao nhất của đạo Hồi, hướng về người nghèo và kẻ ốm đau. Trong kinh thánh Koran không có điều luật nào ngăn cấm một người ngoại đạo cung ứng sự hỗ trợ cho các anh em và chị em Hồi giáo chúng tôi. Do vậy,” sắc lệnh kết luận, “Chúng tôi chỉ thị cho tất cả các giáo sĩ ở Pakistan không được gây trở ngại cho những dự định cao quý của ông. Ông có được sự cho phép, phúc lành và lời cầu nguyện của chúng tôi.”

Syed Abbas cuộn tấm giấy lại, đặt vào trong chiếc hộp nhung đỏ và đưa nó cho Mortenson, cười rạng rỡ. Rồi ông đưa tay ra.

Mortenson lần lượt bắt tay từng thành viên trong hội đồng, đầu óc quay cuồng. “Điều này có nghĩa là...”, anh cố nói. “Fatwa, liệu nó...”

“Hãy quên đi tất cả những chuyện nhỏ mọn vô nghĩa đó.” Parvi rạng rỡ nói. “Chúng ta có được sự chúc phúc từ mufti cao nhất ở Iran. Giờ đây, không một người Shia nào dám cản trở công việc của chúng ta, Inshallah.”

Syed Abbas gọi người mang trà. “Tôi muốn trao đổi với anh về vấn đề khác.” ông ấy nói, thư giãn sau khi nhiệm vụ thiêng liêng đã được hoàn thành. “Tôi muốn đề nghị một sự cộng tác nhỏ.”

Mùa xuân năm đó, tiếng đồn về phán quyết trong chiếc hộp nhung đỏ đã lan truyền khắp Baltistan hơn cả nước sông băng tan chảy thấm xuống các thung lũng từ Karakoram. Những buổi hội họp thanh thản của Mortenson qua chén trà trong sảnh khách của khách sạn lndus đã phát triển quá lớn đối với hai cái bàn và đã được chuyển lên phòng tiệc trên lầu, ở đó các phiên họp ngày càng sôi nổi hơn. Mỗi ngày anh ở Skardu, các sứ giả từ hàng trăm ngôi làng xa xôi của Baltistan đều đến tìm anh với những đề nghị cho các dự án mới khi anh, giờ đây, đã có con dấu công nhận của Hội đồng Ayatollahs Tối cao.

Mortenson bắt đầu dùng bữa trong phòng bếp khách sạn, ở đó anh có thể ăn xong món trứng tráng hay một đĩa cà ri rau củ mà không phải trả lời một bức thư viết bằng thứ tiếng Anh lệch lạc, yêu cầu một khoản vay để khởi sự một doanh nghiệp, khai thác đá quý hay những khoản tiền để xây dựng lại một giáo đường làng bị bỏ bê.

Mặc dù Mortenson chưa nhận thức rõ, nhưng một giai đoạn mới trong đời anh đã bắt đầu từ đây. Anh không còn thời gian để nói chuyện với hết thảy những người đến tìm anh với một yêu cầu, mặc dù lúc đầu anh đã cố gắng làm như vậy. Trước đây anh đã bận rộn, nhưng giờ đây, mỗi ngày dường như ngắn đi năm hay sáu giờ. Anh tự đặt cho mình nhiệm vụ sàng lọc qua rất nhiều yêu cầu để chọn ra một vài dự án mà mình có đủ phương tiện và khả năng để hoàn thành.

Syed Abbas, người có ảnh hưởng trải rộng đến hàng chục thung lũng miền núi xa xôi, đã có một nhận thức sắc bén về nhu cầu của từng cộng đồng. Ông nói với Mortenson rằng ông đồng ý giáo dục là chiến thuật dài hạn duy nhất để chiến đấu chống đói nghèo. Nhưng ông lập luận rằng trẻ em ở Baltistan đang đối diện với một cuộc khủng hoảng cấp bách hơn. Ở những làng như Chunda, trong thung lũng Hạ Shigar, Syed Abbas nói, hơn một phần ba số trẻ em chết trước khi đến ngày thôi nôi. Vệ sinh kém và thiếu nước sạch là thủ phạm, ông cho biết.

Mortenson nhiệt tình đưa vấn đề mới này vào nhiệm vụ của mình. Ta phải tưới nước cho cây trước khi nó có thể lớn lên. Trẻ em phải sống được đủ lâu để có thể hưởng lợi từ trường học. Cùng Syed Abbas, anh đến thăm nurmadhar làng Chunda và thuyết phục ông ta cho phép anh điều động đàn ông trong làng. Dân cư của bốn làng lân cận xin phép được tham gia dự án. Và với hàng trăm nhân công đào những đường mương mười giờ mỗi ngày, họ đã hoàn thành dự án trong một tuần. Qua ba nghìn sáu trăm mét ống mà Mortenson cung cấp, nước suối tươi mát đã chảy đến những vòi nước công cộng trong năm làng.

“Tôi thấy kính nể và phụ thuộc vào tầm nhìn của Syed Abbas.” Mortenson nói. “Ông ấy là kiểu nhà lãnh đạo tôn giáo mà tôi ngưỡng mộ nhất. Ông thích thể hiện sự đồng cảm bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Ông không tự khóa mình vào những cuốn sách. Syed Abbas tin tưởng vào việc xắn tay áo lên và làm cho thế giới trở thành một nơi tốt hơn. Nhờ công việc của ông, phụ nữ Chunda không còn phải đi xa để tìm nước sạch. Và tỉ lệ tử vong ở trẻ em trong cộng đồng hai nghìn dân này đã nhanh chóng giảm xuống một nửa.”

Trong buổi họp trước khi Mortenson đi Pakistan, ban giám đốc đã chấp thuận việc xây dựng thêm ba trường học trong mùa xuân và mùa hè năm 1998. Trường cho Mouzafer là ưu tiên của Mortenson, sức khỏe như bò mộng của người đàn ông đã dẫn anh ra khỏi Baltoro không còn nữa. Ông càng ngày càng điếc; và cũng như rất nhiều đàn ông Balti đã lao động nhiều năm giữa thiên nhiên, sự bùng phát của tuổi già đuổi theo ông cũng nhanh như một con báo tuyết.

Làng Halde của Mouzafer nằm trong một vùng cây cối tươi tốt của thung lũng Hạ Hushe. Bên bờ sông Shyok, nơi dòng sông chảy chậm và mở rộng ra trước khi gặp sông Indus, Halde là một nơi tuyệt vời mà Mortenson từng thấy ở Pakistan. Những dòng kênh tưới đi qua những cánh đồng nhỏ nối tiếp nhau trải dài đến bờ sông. Những lối đi trong làng được che bóng bởi những cây mơ và cây dâu tằm tươi tốt. “Halde là kiểu xứ sở thần tiên của tôi. Đó là nơi tôi có thể mang theo một chồng sách, cởi giày và ẩn mình trong một thời gian dài.” Mortenson nói. Anh không có được thứ xa xỉ đó. Nhưng Mouzafer, khi những ngày leo núi kết thúc, hình dung ra những năm cuối cùng yên tĩnh của mình ở đây cùng con cháu, trong căn nhà nhỏ có những vườn cây ăn quả bao quanh, cách xa vùng đất băng giá vĩnh cữu.

Với cách thức mà anh, Parvi và Makhmal hiện đã thấu hiểu, Mortenson có được mảnh đất thoáng đãng giữa hai rặng mơ, và cùng với sự giúp đỡ của làng, họ đã xây dựng một ngôi trường đá bốn lớp học vững chắc trong vòng ba tháng, chỉ với hơn mười hai nghìn đôla. Ông của Mouzafer, Bowa Johar, từng là nhà thơ, nổi tiếng khắp vùng Baltistan. Mouzafer đã lao động như một người khuân vác bình thường suốt tuổi thành niên và không có địa vị gì đặc biệt ở Halde. Nhưng việc ông có thể đem lại cho làng một ngôi trường đã khiến cho người đàn ông tốt bụng này có được một sự tôn trọng mới. Ông vẫn vác những tảng đá chẻ đến vị trí xây dựng và nâng những dầm mái, cho dù có những đôi tay trẻ hơn cố chuyển gánh nặng ra khỏi đôi vai ông.

Đứng cùng Mortenson trước ngôi trường đã hoàn tất, nhìn những đứa trẻ Halde nhón chân nhìn qua những tấm kính không quen thuộc vào trong những phòng học bí ẩn, nơi chúng sẽ bắt đầu học vào mùa thu, Mouzafer nắm tay Mortenson bằng hai bàn tay của mình.

“Những ngày trên núi của tôi đã qua, Greg Sahib.” ông nói. “Tôi muốn làm việc cùng anh trong nhiều năm nữa, nhưng Thánh Allah, với sự sáng suốt của người, đã lấy đi nhiều sức mạnh của tôi.”

Mortenson ôm người đàn ông đã rất thường giúp anh tìm ra đường. Bất chấp câu chuyện của Mouzafer về sự yếu sức, đôi tay ông vẫn đủ mạnh để làm nghẹt thở anh chàng người Mỹ to con. “Ông sẽ làm gì?” Mortenson hỏi.

“Công việc của tôi bây giờ,” Mouzafer nói một cách đơn giản. “Là tưới cây.”

Trên cao phía đầu thung lũng Hushe, trong bóng râm những sông băng treo của Masherbrum, Mohammed Aslam Khan là một cậu bé trước khi có những con đường. Không có gì bất ổn trong cuộc sống ở làng Hushe. Nó vẫn tiếp diễn như trước kia. Vào mùa hè, những cậu bé như Aslam lùa cừu và dê lên những đồng cỏ trên cao trong khi phụ nữ làm sữa chua và phômai. Từ những bãi chăn thả trên cao nhất, có thể nhìn thấy ngọn núi mà bọn trẻ gọi là Chogo Ri, hay “ngọn núi lớn”, vốn được thế giới rộng lớn hơn biết đến với cái tên K2, như đâm vào bầu trời bên trên bờ vai rộng của dãy Masherbrum.

Vào mùa thu, Aslam luân phiên cùng những cậu con trai trong làng lùa một bầy sáu con bò Tây Tạng thở hổn hển đi vòng quanh một cái cọc, để những chiếc móng nặng nề của chúng có thể giẫm đạp lên lúa mì mới gặt. Trong suốt mùa đông dài, cậu ta sẽ cố hết sức rúc đến gần ngọn lửa cùng với năm anh em trai, ba chị em gái và gia súc của gia đình để tìm nơi ấm nhất trong những ngày lạnh.

Đây là cách sống mà mọi bé trai ở Hushe có thể trông đợi cho những ngày tháng của mình. Nhưng cha của Aslam, Golowa Ali, là nurmadar của Hushe. Mọi người đều nói Aslam là đứa trẻ thông minh nhất nhà, và cha Aslam đã có những kế hoạch khác cho cậu.

Vào cuối mùa xuân, khi thời tiết tệ hại nhất đã qua nhưng sông Syok vẫn còn chảy xiết với nước từ băng tan, Golowa Ali đánh thức con trai dậy trước khi trời bắt đầu sáng và bảo cậu bé chuẩn bị rời làng. Aslam không thể tưởng tượng được cha mình nói với ý gì. Nhưng khi thấy cha đã gói ghém hành lí, bọc một tảng churpa, thứ phômai cừu cứng, nhét vào mớ quần áo, cậu bắt đầu khóc.

Chất vấn về ý định của cha mình là điều không thể chấp nhận được, nhưng Aslam vẫn cứ thách thức vị trưởng làng.

“Vì sao con phải đi?” cậu nói, quay sang bà mẹ tìm kiếm sự ủng hộ. Dưới ánh sáng tỏa ra từ ngọn đèn dầu, Aslam bị sốc khi thấy mẹ mình cũng đang khóc.

“Con phải đến trường.” cha cậu nói.

Aslam xuống núi cùng cha trong hai ngày. Như mọi thiếu niên Hushe, Aslam đã rong ruổi trên những con đường mòn nhỏ hẹp trên núi bám theo những vách đá trần trụi như những tưa lá thường xuân bám vào vách đá. Nhưng cậu chưa bao giờ đi xa nhà như vậy. Bên dưới là đất cát và không có tuyết. Sau lưng cậu, Masherbrum đã mất đi vẻ đồ sộ làm yên lòng vốn đã khiến cho cậu bé xem nó là trung tâm vũ trụ. Nó chỉ còn là một ngọn núi trong nhiều ngọn núi.

Khi con đường mòn kết thúc ở bờ sông Shyok, Golowa Ali đeo chiếc túi da có chứa hai đồng tiền vàng quanh cổ cậu con trai bằng một sợi dây. “Inshallah, khi đến thị trẤn Karphu, con sẽ tìm được một trường học. Hãy đưa cho Sahib điều hành trường những đồng tiền này để trả cho việc dạy dỗ con.”

“Khi nào thì con trở về nhà?” Aslam hỏi, cố kiềm chế đôi môi run rẩy của mình.

“Con sẽ biết khi nào.” cha cậu nói. Golowa Ali thổi phồng sáu cái bao tử dê và buộc chúng lại với nhau thành cái zaks, một loại bè, phương tiện truyền thống của người Balti để vượt sông khi nước quá sâu không thể đi qua được. “Bây giờ con hãy bám chặt vào.” ông nói.

Aslam không biết bơi.

“Khi cha đẩy tôi xuống nước, tôi không thể kiềm chế được nữa và tôi khóc. Cha tôi là người đàn ông mạnh khỏe và kiêu hãnh, nhưng khi tôi trôi xuôi dòng Shyok, tôi cũng nhìn thấy những giọt nước mắt trong mắt ông.”

Aslam bám vào zaks khi con sông Shyok cuốn cậu khỏi tầm nhìn của người cha. Cậu trôi bập bềnh trên dòng nước chảy nhanh, lúc này òa lên khóc mà không có ai nhìn thấy, run cầm cập trong cái lạnh của nước sông băng. Sau một lúc không còn biết gì vì kinh hãi, có thể là mười phút hay hai giờ, Aslam nhận thấy mình đang chuyển động chậm hơn khi dòng sông mở rộng ra. Cậu cũng thấy vài ba người ở bờ xa và đạp chân về phía họ, quá sợ để tuột mất zaks nên không dám sử dụng hai tay.

“Khi một ông lão kéo tôi ra khỏi nước và quẤn tôi trong chiếc chăn ấm bằng lông bò Tây Tạng.” Aslam nói. “Tôi vẫn còn run và khóc, và ông hỏi tôi vì sao lại vượt sông, do đó tôi kể cho ông nghe những chỉ thị của cha tôi.”

“Đừng sợ.” ông lão khuyên Aslam. “Con là một cậu bé dũng cảm, dám rời nhà đi đến một nơi xa như thế này. Một ngày kia con sẽ được mọi người tôn trọng khi quay trở về.” ông nhét hai tờ tiền rupi nhăn nheo vào tay Aslam và đi cùng cậu bé trên con đường dẫn xuống Khaplu cho đến khi ông có thể giao cậu cho một ông lão khác.

Bằng cách đó, Aslam và câu chuyện của cậu lan truyền đến thung lũng Hạ Hushe. Cậu được trao tay từ người này sang người khác và mỗi người đàn ông đi cùng cậu đều đóng góp một phần nhỏ cho việc học hành của cậu. “Người dân thật tốt khiến tôi cảm thấy được khích lệ.” Aslam nhớ lại. “Và tôi sớm được vào học tại trường của chính phủ ở Khaplu. Tôi đã cố học hành một cách chăm chỉ.”

Những học sinh ở Khaplu náo nhiệt, khu định cư lớn nhất mà Aslam từng nhìn thấy, là dân thành thị khi so sánh với cậu. Chúng chọc ghẹo vẻ bề ngoài của Aslam. “Tôi mang giày da bò Tây Tạng và mặc quần áo len, còn tất cả học sinh khác đều có đồng phục đẹp.” Aslam nói. Các giáo viên thương hại đã góp tiền mua cho Aslam một chiếc sơmi trắng, quần áo len xanh và quần dài đen để cậu có thể hòa nhập với những học sinh khác. Aslam mặc bộ đồng phục này mỗi ngày và giặt sạch nó vào ban đêm bất cứ khi nào có thể. Và sau năm học đầu tiên ở trường, khi trở về thung lũng Hushe để thăm gia đình, cậu đã tạo Ấn tượng đúng như ông lão đã vớt cậu ra khỏi sông Shyok tiên đoán.

“Khi tôi lên miền trên,” Aslam nói. “Tôi sạch sẽ và mặc bộ đồng phục của mình. Mọi người đều chăm chú nhìn tôi và nói rằng tôi đã thay đổi. Mọi người đều tôn trọng tôi. Tôi nhận ra rằng mình phải sống cho đúng với sự tôn trọng này.”

Năm 1976, sau khi tốt nghiệp thủ khoa lớp mười ở Khaplu, Aslam được mời giữ một chức vụ trong chính quyền khu vực phía bắc. Nhưng anh đã quyết định quay về quê hương ở Hushe và sau khi cha anh qua đời, anh được bầu làm nurmadha. “Tôi đã thấy người dân sống như thế nào ở miền dưới và trách nhiệm của tôi là làm việc để cải thiện chất lượng cuộc sống miền trên ở làng tôi.” Aslam nói.

Bằng cách kiến nghị với các viên chức chính quyền mời mình đến làm việc, Aslam đã góp phần thuyết phục chính quyền các khu vực miền bắc cho ủi và dùng mìn phá một con đường đất mở lối từ thung lũng đến Hushe. Aslam cũng thỉnh cầu họ chi ngân sách cho ngôi trường nhỏ mà anh đã xây trong một kho nông trại lộng gió cho hai mươi lăm bé trai, nhưng anh gặp khó khăn trong việc thuyết phục các gia đình trong làng cho con họ đi học trong ngôi trường đơn sơ này thay vì làm việc trên những cánh đồng. Những người đàn ông Hushe chờ khi Aslam đi qua, dúi những món đồ hối lộ là bơ và những túi bột mì để anh miễn cho con trai họ khỏi đến trường.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx