sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ba tách trà - Chương 17 phần 2

Những người tị nạn đã được chuyển đến mảnh đất duy nhất ở Skardu mà không ai cần đến. Nơi cắm trại của họ giữa những đụn cát không có nguồn nước tự nhiên, và họ ở cách sông Indus hơn một giờ đi bộ. Đầu Mortenson nhói lên, không chỉ vì cái nóng phản chiếu từ những đụn cát, anh suy ngẫm nhiệm vụ lớn lao của họ. “Làm sao chúng ta có thể đem nước đến đây?” anh hỏi. “Chúng ta ở trên đồi cách xa sông.”

“Tôi có biết về một số dự án ở Iran.” Syed Abbas nói. “Họ gọi là chương trình đưa nước lên cao. Chúng ta sẽ phải đào rất sâu đến lớp nước ngầm và đặt những cái bơm, nhưng có Thánh Allah giúp, ta có thể làm được.”

Syed Abbas, vạt áo đen nhấp nhô, chạy lên trước trong cát chói sáng, chỉ ra những chỗ mà ông nghĩ có thể thăm dò nước ngầm. “Tôi ước gì những người phương Tây đang hiểu lầm về Hồi giáo có thể thấy Syed Abbas hoạt động trong ngày hôm đó.” Mortenson nói. “Họ sẽ thấy rằng đa số người dân thực hành đúng những lời dạy của đạo Hồi, ngay cả những giáo sĩ bảo thủ như Syed Abbas, tin tưởng vào hòa bình và công lí, chứ không phải khủng bố. Cũng như kinh Tora và kinh Thánh dạy rằng phải quan tâm đến những người cùng cực, kinh Koran dạy tất cả những người Hồi giáo phải ưu tiên chăm lo cho những góa phụ, trẻ mồ côi và người tị nạn.”

Lúc đầu, thành phố lều có vẻ hoang vắng vì cư dân đang rúc vào dưới những tấm vải bạt để tránh nắng. Apo, vốn là một người tị nạn quê ở Dras, giáp với Gultori, bên đường biên giới phía Ấn Độ, đi từ lều này sang lều khác ghi nhận những yêu cầu về những nhu yếu phẩm cần kíp nhất.

Mortenson, Parvi và Syed Abbas đứng ở một khoảng trống giữa các căn lều, bàn về công việc hậu cần và chương trình đưa nước lên cao. Parvi cam đoan mình có thể thuyết phục người hàng xóm, là giám đốc Sở Công trình Công cộng Skardu (PWD), cho mượn thiết bị đào đất hạng nặng nếu như CAI đồng ý mua ống và máy bơm nước.

“Có bao nhiêu người sống ở đây?” Mortenson hỏi.

“Bây giờ là trên một nghìn năm trăm người.” Syed Abbas nói. “Chủ yếu là đàn ông. Họ phải đến để tìm việc làm và dựng chỗ ở trước khi phụ nữ và trẻ em đến. Trong vòng vài tháng, chúng ta có thể phải lo cho bốn hoặc năm nghìn người tị nạn.”

Nhô ra từ vạt cửa của một căn lều, Apo Razak lách qua những người đàn ông đang nói chuyện. Nếu có điều gì không thay đổi ở Baltistan, thì đó là cái nhìn như đùa cợt trên khuôn mặt người đầu bếp già của các đoàn thám hiểm, người đã bỏ ra cả cuộc đời để cung cấp thực phẩm và tiện nghi cho những nhóm đông người ở những nơi khó khăn. Nhưng gương mặt của ông, khi đến gần, có vẻ nghiêm trọng một cách khác thường, và khuôn miệng méo xệch như một đường vân trong đá hoa cương. Như chú hề Lear, ông không ngần ngại nêu ra sự thật không thể chối cãi cho những người được gọi là cấp trên của mình.

“Bác sĩ Greg.” ông nói, nắm tay Mortenson và dẫn anh về phía những căn lều, “Nói chuyện đủ rồi. Anh làm sao có thể biết người dân cần gì nếu không hỏi họ?”

Giáo sĩ Gulzar ngồi dưới tấm vải bạt màu xanh, đầu đội chiếc nón chỏm đen và cố đứng lên khi Apo dẫn Mortenson vào. Vị giáo sĩ già của làng Brolmo vỗ vào tay Mortenson và xin lỗi vì không có khả năng để mời trà. Khi tất cả đều ngồi xếp bằng trên tấm trải bàn nhựa dẻo trải trên cát nóng, Apo thúc giục vị giáo sĩ kể lại câu chuyện của mình.

Ánh sáng chói chang lọt qua tấm bạt xanh phản chiếu trên cặp mắt kính quá khổ của vị giáo sĩ và che khuất đôi mắt khi ông nói, tạo cho Mortenson ấn tượng bối rối như đang lắng nghe một người mù mang tròng kính màu xanh đục.

“Chúng tôi không muốn đến đây.” giáo sĩ Gulzar nói, vuốt chòm râu dài của mình. “Brolmo là một chỗ tốt hoặc đã từng là như vậy. Chúng tôi cố nán lại chừng nào còn ở được, ẩn nấp trong những hang đá vào ban ngày và làm việc trên cánh đồng vào ban đêm. Nếu làm việc ban ngày, sẽ không một ai sống sót được, vì có quá nhiều đạn pháo rơi xuống. Sau cùng, tất cả các kênh tưới đều vỡ, những cánh đồng bị hủy hoại và những căn nhà tan tát. Chúng tôi biết nếu không làm một điều gì đó thì phụ nữ và trẻ em sẽ chết, do đó chúng tôi đã đi qua những ngọn núi để đến Skardu. Tôi không còn trẻ và điều đó thật khó khăn.”

“Khi chúng tôi đến Skardu, quân đội bảo chúng tôi làm nhà ở đây.” giáo sĩ Gulzar nói. “Và khi thấy nơi này, bãi cát này, chúng tôi quyết định trở về nhà. Nhưng quân đội không cho phép. Họ nói ‘Các anh không còn nhà để về. Nhà đã đổ nát.’ Tuy vậy nếu có thể, chúng tôi vẫn cứ trở về, vì ở đây không phải là cuộc sống. Và rồi phụ nữ và trẻ em của chúng tôi sẽ sớm đến chỗ đất bỏ đi này và chúng tôi có thể nói gì với họ?”

Mortenson nắm tay vị giáo sĩ già bằng cả hai tay mình. “Chúng tôi sẽ giúp ông đem nước đến đây cho các gia đình.” anh hứa.

“Cảm ơn Thánh Allah toàn năng về điều đó.” vị giáo sĩ nói. “Nhưng nước chỉ là chuyện đầu tiên. Chúng tôi cần thực phẩm, thuốc men và giáo dục cho con em chúng tôi. Giờ đây nơi này là nhà của chúng tôi. Tôi xấu hổ vì phải hỏi xin quá nhiều, nhưng không có ai khác đặt chân đến đây.”

Vị giáo sĩ già nghiêng đầu về phía bầu trời mà tấm bạt xanh che không kín hết, như muốn gửi lời than vãn trực tiếp đến tai Thánh Allah. Từ góc nhìn mới này, ánh chói biến mất khỏi cặp kính của ông, và Mortenson thấy đôi mắt của giáo sĩ ươn ướt.

“Chúng tôi không có gì cả. Với mal-la khwong của anh, với lòng tốt của anh trong việc hoàn thành những lời cầu nguyện của chúng tôi, tôi không thể mời anh gì cả,” giáo sĩ Gulzar nói. “Ngay cả trà cũng không.”

Chương trình đưa nước lên cao lần đầu tiên trong lịch sử miền bắc Pakistan được xây dựng trong tám tuần. Đúng như đã nói, Ghulam Parvi đã thuyết phục người hàng xóm cho sử dụng thiết bị đào đất. Vị giám đốc PWD của Skardu cũng tặng toàn bộ ống nước mà dự án cần, và mười hai máy kéo mượn của quân đội để di chuyển đá. Mortenson kiên nhẫn quay đi quay lại trạm điện thoại công cộng, cho đến khi liên lạc được với San Francisco. Anh yêu cầu và được chấp thuận cho phép sử dụng sáu nghìn đôla từ ngân sách của CAI cho dự án.

Mortenson đặt mua máy bơm và máy phát điện hiệu Honda từ Gilgit. Với tất cả đàn ông làng Brolmo lao động suốt ngày, họ đã xây dựng một bể chứa nước lớn bằng bêtông, có thể trữ đủ nước để cung cấp cho một khu định cư năm nghìn dân. Và sau khi khoan sâu đến gần bốn mươi mét, họ tìm thấy nước ngầm và hút nước lên, bơm đầy bể chứa. Giờ đây đàn ông Brolmo có thể bắt đầu xây dựng những căn nhà bằng gạch bùn và biến sa mạc hoang thành một quê hương mới, xanh tươi cho gia đình họ. Nhưng những phụ nữ và trẻ em đầu tiên phải sống sót qua hành trình đến Skardu.

Trong thời gian ở trong hang, Fatima Batool không thể ngừng khóc. Và Aamina, người luôn luôn an ủi đứa em út của mình, đã không thể chăm sóc ngay cả cho chính bản thân mình. Những vết thương thể xác từ mảnh pháo của Aamina thì nhẹ, nhưng tổn thương đã ăn sâu qua da thịt. Kể từ ngày viên đạn pháo nổ gần bên cô ở miệng hang, sau khi cô đã hoảng sợ thét lên và đổ sụp, cô không nói gì cả, không một lời nào. Một vài buổi sáng, chen chúc trong hang cùng những người khác, khi đạn pháo rơi đều một cách đặc biệt hung hãn, cô run người và phát ra tiếng van xin thút thít. Nhưng đó là tiếng kêu của một con vật, không hề là tiếng nói của một con người, và không tạo cho Fatima niềm an ủi.

“Cuộc sống trong hang thật khắc nghiệt.” bạn của Fatima, Nargiz Ali, nói. “Làng Brolmo của chúng em là một nơi rất đẹp, với những cây mơ và cây anh đào, trên một bờ dốc bên sông Indus. Nhưng chúng em chỉ có thể nhìn thoáng ra ngoài và trông thấy làng đang bị hủy diệt. Chúng em không thể đi ra đó. Lúc đó, em là một bé gái nhỏ nhắn và mọi người đã phải nhanh chóng mang em vào trong hang bất cứ khi nào đạn pháo bắt đầu rơi xuống. Em không thể ra ngoài chơi đùa hoặc trông coi súc vật, thậm chí là hái trái cây đang chín và thối rữa đi.

“Trong những ngày mưa, hoặc khi tuyết rơi, việc nấu ăn hay ngủ trong hang rất khó khăn. Nhưng chúng em vẫn ở đó một thời gian dài, vì chỉ bên kia nullah là Ấn Độ, và thật quá nguy hiểm để ra ngoài.”

Một ngày kia, Nargiz nói, khi trở về hang sau khi lục tìm đồ dự trữ trong đống đổ nát ở nhà mình, chú Hawalda Abrahim của em đã trúng một trái pháo lẻ. “Chú ấy là người đàn ông rất đáng yêu và bọn em muốn đến với chú ngay, nhưng phải đợi đến tối, khi đã chắc chắn đạn pháo sẽ không rơi xuống nữa, để mang chú em vào hang.” Nargiz nói. “Thông thường, người ta sẽ tắm rửa xác sau khi chết. Nhưng chú ấy quá tả tơi, bọn em không thể tắm rửa cho chú, chỉ có thể gom xác chú vào tấm vải.”

Vài người đàn ông còn lại ở Brolmo triệu tập một jirga và sau đó thông báo cho tất cả trẻ em như Fatima và Nargiz rằng đã đến lúc phải can đảm. Họ phải liều bước ra ngoài và đi một quãng đường dài mà không có thức ăn, vì việc ở lại trong hang không thể được coi là một cuộc sống.

Họ gói ghém chút ít gì có thể thu vét được từ những căn nhà của mình và rời nhà lúc nửa đêm, đi về ngôi làng lân cận mà họ cho là đủ cách xa khỏi pháo binh Ấn Độ để được an toàn. Sáng hôm đó, lần đầu tiên sau nhiều tháng, họ vui sướng nhìn mặt trời mọc ngoài trời thoáng đãng. Nhưng trong lúc họ đang nướng bánh kurba cho chuyến đi thì đạn pháo bắt đầu rơi xuống, hướng dần về phía họ từ đáy thung lũng. Một trinh sát viên trên sườn núi phía nam đã nhìn thấy họ, Fatima tin như vậy, và đã hướng dẫn hỏa lực bắn trên đường đi.

“Mỗi khi một quả đạn nổ, Aamina run rẩy, kêu khóc và ngã xuống đất.” Fatima nói. “Nơi đó không có hang, do đó tất cả bọn em phải chạy. Em xấu hổ vì đã quá sợ nên không kéo chị theo và bỏ chạy để tự cứu mình. Em sợ chị ấy bị giết chết, nhưng đối với chị, ở lại một mình còn đáng sợ hơn đạn pháo, và chị đã chạy đến với những người còn lại trong làng.”

Sau ba tuần, những người sống sót của làng Brolmo đã đi về phía tây bắc. “Bọn em thường đi trên những lối đi mà muông thú đã tạo ra, những lối đi không hề dành cho người. Bọn em phải bỏ lại tất cả kurba trong lửa khi đạn pháo bắt đầu rơi, do đó bọn em rất đói. Mọi người chặt cây dại làm thức ăn và ăn những loại quả nhỏ để duy trì sự sống, ngay cả khi những thứ đó gây đau bụng.”

Sau khi sống sót qua hành trình gian khổ, những người dân cuối cùng của làng Brolmo đã đến được Skardu, kiệt sức và đói khát, quân đội hướng dẫn họ đến nhà mới. Ở đó, trong những đụn cát gần sân bay, Fatima và những người sống sót khác sẽ bắt đầu quá trình lâu dài để học cách quên đi những gì họ đã phải chịu đựng và để bắt đầu trở lại. Mọi người, trừ Aamina Batool. “Khi chúng em đến làng mới, Aamina nằm xuống và không bao giờ dậy nữa. Không ai có thể làm cho chị ấy sống lại, và ngay cả việc cuối cùng là được an toàn cùng với cha và các cậu dường như cũng không làm chị ấy vui nữa. Chị chết sau vài ngày.”

Năm năm sau, nói về cái chết của chị mình, nỗi đau khổ trên nét mặt Fatima trông tươi nguyên như trong ngày hôm đó, khi cô để cho kí ức vụt trở về trên bề mặt trước khi nén nó xuống trở lại.

Ngồi tại bàn của mình, trong lớp năm của trường nữ dành cho người tị nạn Gulgori mà CAI đã xây trên những đụn cát gần sân bay Skardu vào mùa hè năm 1999, lúc cao điểm của vụ xung đột Kargil, Fatima Batool, mười lăm tuổi, để tấm khăn choàng rũ xuống che khuôn mặt ẩn nấp phía sau trước quá nhiều câu hỏi.

Bạn cùng lớp của em, Nargiz Ali, lúc đó mười bốn tuổi tiếp nối câu chuyện và giải thích vì sao mình ngồi ở chiếc bàn này, dưới tấm bản đồ thế giới nhiều màu, vuốt ve quyển tập mới, cây bút chì và cái gọt bút, được chu cấp bởi một tổ chức từ thiện có trụ sở chính tại một nơi mà em không thể tìm ra trên bản đồ dù đã cố - Bozeman, Montanna.

Nargiz nói, “Khi đến nơi sau chuyến đi dài, dĩ nhiên chúng em rất hạnh phúc được gặp gia đình mình. Nhưng sau đó, nhìn vào nơi mà chúng em cho là để sống, em cảm thấy sợ hãi và bất an. Không nhà cửa. Không cây cối. Không nhà thờ. Không có bất cứ tiện ích nào. Rồi Syed Abbas đưa một Angrezi to lớn đến; ông ấy nói nếu chúng em sẵn lòng làm việc siêng năng, ông ấy sẽ giúp chúng em xây dựng một ngôi trường, và như ông biết, ông ấy đã giữ lời hứa của mình.”

Các học sinh lớp năm ở trường nữ dành cho người tị nạn Gultori, như Fatima và Nargiz, học trễ hơn phần lớn bạn bè cùng lứa. Vì việc giáo dục chính thức chỉ bắt đầu sau khi các em chạy đến từ làng quê của mình, độ tuổi bình quân của học sinh lớp năm ở đây là mười lăm. Anh em trai của các em đi bộ một giờ để đến những trường học của chính phủ ở các làng xung quanh, những trường này nhận hầu hết các học sinh nam là người tị nạn. Nhưng đối với 129 em gái Gultori chưa từng đi học, ngôi trường này là một trong những điểm sáng đơn độc ở cuối một đường hầm dài của sợ hãi và trốn chạy.

Đó là lí do, bất chấp cuộc nói chuyện kéo dài về thử thách mà mình đã gánh chịu, Fatima Batool vén khăn choàng sang một bên và ngồi thẳng lưng ở bàn mình, để kể cho những vị khách thêm một điều nữa. “Em nghe một số người nói người Mỹ không tốt.” cô nói nhỏ nhẹ. “Nhưng chúng em yêu người Mỹ. Họ là những người tốt nhất đối với chúng em. Họ là những người duy nhất đã quan tâm giúp đỡ chúng em.”

Trong những năm gần đây, một số người tị nạn đã trở về Gultori, đến học tại hai ngôi trường mà Viện Trung Á đã thành lập, được đục vào trong hang đá để đảm bào an toàn cho học sinh, tránh những quả đạn pháo vẫn còn rơi xuống từ Ấn Độ bất cứ khi nào quan hệ giữa hai nước bị nguội lạnh. Nhưng Nargiz và Fatima ở lại làng mới bên ngoài Skardu. Cả hai đều cho rằng, giờ đây đó là quê hương của mình.

Bên ngoài khoảnh sân cát của ngôi trường năm phòng màu vàng đất, những dãy nhà gạch đất ngăn nắp chạy dài về phía chân trời, một số thậm chí còn được trang bị với biểu tượng cao nhất của sự xa hoa và định cư vĩnh viễn: chiếc ăngten đĩa. Và phủ bóng những căn nhà đó, nơi từng là những đụn cát tàn nhẫn, những cây anh đào được nuôi dưỡng bởi chương trình đưa nước lên cao, mọc lên sum suê và xanh tốt, trổ hoa trên cát như những học sinh về nhà sau buổi học dưới những tán cây, những bé gái của Gultori.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx