XXI
CHÚNG TÔI ĐANG ở trong tình trạng như thế thì con người đó xuất hiện. Hắn đến Moskva và tới nhà tôi. Tên hắn là Trukhachevsky. Lúc đó là buổi sáng. Tôi tiếp hắn, ngày trước chúng tôi gọi “cậu, tớ” với nhau. Hắn băn khoăn giữa “cậu” và “anh”, vẻ muốn gọi bằng “cậu” hơn, nhưng tôi ngay từ đầu đã gọi hắn bằng “anh” và hắn lập tức theo tôi. Ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi đã không ưa hắn. Nhưng thật là lạ, cứ như có một sức mạnh định mệnh kỳ quái nào đó đã xui khiến tôi không tránh xa hay xua đuổi hắn, mà ngược lại, lại gần gũi hắn. Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu như tôi chỉ trò chuyện xã giao với hắn một lúc, rồi chào từ biệt mà không giới thiệu hắn với vợ mình. Nhưng không, trớ trêu làm sao, tôi lại nói về chuyện chơi đàn của hắn, rằng nghe mọi người bảo hắn giờ không chơi vĩ cầm nữa. Hắn nói ngược lại, bây giờ hắn chơi còn nhiều hơn trước. Hắn nhắc chuyện tôi ngày trước cũng chơi đàn. Tôi nói tôi không còn chơi nữa, nhưng vợ tôi thì chơi rất hay.
Thật là chuyện kỳ quái! Quan hệ của tôi với hắn ngày đầu tiên, giờ phút đầu tiên khi chúng tôi gặp nhau giống y như quan hệ về sau này, khi tai họa đã xảy ra, không thay đổi tí nào. Có cái gì đó rất căng thẳng trong quan hệ của tôi với hắn: tôi chú ý mọi từ ngữ, mọi lời lẽ mà hắn hoặc tôi nói ra, và luôn gán cho chúng ý nghĩa quan trọng.
Tôi giới thiệu hắn với vợ tôi. Câu chuyện lập tức chuyển sang đề tài âm nhạc, và hắn đề nghị được chơi đàn cùng nàng. Vợ tôi, như vẫn vậy trong thời gian cuối đó, rất lịch thiệp, đẹp và quyến rũ. Nàng rõ ràng thích hắn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngoài ra, nàng vui mừng vì có dịp được chơi đàn có vĩ cầm đệm. Nàng vốn rất thích chơi với vĩ cầm, đã từng phải thuê một nhạc công chơi vĩ cầm ở nhà hát về để đệm cho nàng. Vì vậy trên khuôn mặt nàng lộ rõ vẻ vui mừng. Nhưng, khi nhìn sang tôi, nàng lập tức hiểu tâm trạng của tôi và thay đổi nét mặt, và bắt đầu trò lừa dối lẫn nhau. Tôi tươi cười, làm ra vẻ mình rất thích thú. Hắn nhìn nàng bằng con mắt của những kẻ trụy lạc khi nhìn những người phụ nữ đẹp, làm ra vẻ như hắn chỉ quan tâm đến đề tài của câu chuyện, là cái hắn thực ra chẳng mảy may quan tâm. Còn nàng thì cố tỏ ra thờ ơ, nhưng bộ điệu cười giả tạo để che dấu cơn ghen tuông của tôi rất quen thuộc với nàng, và cái nhìn dâm đãng của hắn đã kích thích nàng. Tôi thấy rằng, ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên, đôi mắt nàng sáng lên đặc biệt, và có lẽ do sự ghen tuông của tôi, giữa nàng và hắn dường như hình thành một dòng điện làm cho họ luôn có những bộ điệu, những ánh nhìn, những nụ cười y hệt nhau. Nàng đỏ mặt - hắn cũng đỏ mặt, nàng mỉm cười - hắn cũng mỉm cười. Chúng tôi nói chuyện về âm nhạc, về Paris, về đủ thứ vớ vẩn khác. Hắn đứng dậy để cáo từ, mỉm cười cầm chiếc mũ ép sát bên đùi, hết nhìn nàng lại nhìn tôi như chờ đợi xem chúng tôi sẽ làm gì. Tôi nhớ rất rõ lúc đó, chính bởi vì nếu như lúc đó tôi không mời hắn, thì đã không xảy ra bi kịch. Nhưng tôi nhìn hắn, nhìn nàng. “Đừng tưởng là tôi ghen đấy nhé”, - tôi thầm nói với nàng. “Và cũng đừng tưởng là ta sợ mi”, - tôi thầm nói với hắn, và tôi mời hắn một buổi chiều nào đó mang vĩ cầm đến để chơi với nàng. Nàng ngạc nhiên nhìn tôi, đỏ bừng mặt, dường như là sợ hãi. Nàng từ chối, nói rằng nàng chơi chưa tốt lắm. Lời từ chối đó càng làm tôi tức giận, và tôi lại càng nài ép hắn. Tôi nhớ cái cảm xúc kỳ lạ ấy khi nhìn theo cái gáy của hắn trắng trẻo nổi bật vì những xoắn tóc đen chải chuốt phủ hai bên, lúc hắn ra khỏi phòng với dáng đi nhảy nhót như dáng đi của chim. Tôi không thể không thú nhận với chính mình, rằng sự hiện diện của con người đó làm tôi khổ sở. “Mọi chuyện đều là ở mình, - tôi nghĩ, - phải làm sao để không bao giờ phải trông thấy hắn”. Nhưng nếu làm như thế nghĩa là thú nhận là mình sợ hắn. Không, tôi không sợ hắn! Đó là điều quá hèn hạ, tôi tự nhủ. Và lúc ở phòng ngoài, biết là nàng nghe tiếng mình, tôi nài xin hắn ngay chiều hôm đó mang đàn đến. Hắn hứa với tôi và bước đi.
Buổi chiều, hắn đến cùng cây vĩ cầm, và họ bắt đầu chơi đàn với nhau. Mất một lúc lâu vẫn chưa chơi được bản nào. Không tìm ra bản nhạc mà họ cần, còn bản nhạc có sẵn thì nàng lại không chơi được nếu không được chuẩn bị trước. Tôi rất yêu âm nhạc và hưởng ứng việc chơi đàn của họ, tôi sắp xếp giá nhạc cho hắn, giúp hắn giở các trang nhạc. Và họ đàn vài bản nhạc, mấy bài hát không lời nào đó và một bản Sonata của Mozart, rất tuyệt vời. Hắn đàn với trình độ rất cao, người ta vẫn gọi đó là chơi có phong cách. Ngoài ra, hắn còn có một thị hiếu rất tinh tế, thanh tao, không hợp tí nào với tính cách của hắn.
Hắn cố nhiên chơi giỏi hơn vợ tôi, hắn giúp nàng, đồng thời luôn nhã nhặn khen ngợi nàng. Hắn xử sự rất đúng mực, vợ tôi có lẽ cũng chỉ mải chú tâm vào các bản nhạc nên tỏ ra giản dị và tự nhiên. Còn tôi, mặc dù làm ra vẻ thích thú, nhưng suốt buổi chiều hôm đó tôi khốn khổ bởi cơn ghen không ngừng giày vò.
Ngay phút đầu tiên hắn nhìn vợ tôi, tôi đã thấy có hai con thú dữ trong cả hai người. Một con hỏi: “Được không ạ?”, con kia đáp: “Ồ vâng, tất nhiên”. Tôi biết rằng hắn không ngờ thấy nơi vợ tôi, một phu nhân Moskva, một người đàn bà hấp dẫn như vậy, và hắn vui mừng vì điều đó. Bởi vì hắn không hề nghi ngờ về chuyện vợ tôi đồng ý với hắn, nên vấn đề chỉ còn ở chỗ là làm sao tay chồng khó chịu kia đừng làm phiền. Nếu như tôi là người trong sạch, tôi sẽ không hiểu điều đó, nhưng bởi vì tôi, cũng như đa số đàn ông khác, đã từng suy nghĩ như thế về phụ nữ khi tôi còn chưa lấy vợ, cho nên tôi đọc được tâm địa của hắn rõ như đọc chữ ghi trên trang giấy. Tôi đặc biệt khổ sở vì biết rõ trong nàng không còn chút tình cảm nào đối với tôi ngoài sự tức giận triền miên. Sự tức giận đó chỉ mới ngừng đôi chút do thói quen nhục dục. Còn người đàn ông kia, với vẻ bề ngoài trang nhã và mới mẻ, và quan trọng hơn là với tài năng âm nhạc, cộng thêm sự gần gũi do chuyện chơi đàn chung tạo nên, mà ảnh hưởng của âm nhạc vốn luôn tác động vào tình cảm con người, nhất là tiếng đàn vĩ cầm, hắn không chỉ sẽ khiến nàng phải thích hắn, mà chắc chắn nhất định sẽ chiến thắng, sẽ vò nhàu nàng, vặn xoắn nàng, bện nàng thành sợi, biến nàng thành bất cứ cái gì hắn muốn. Tôi không thể không thấy rõ điều đó, và tôi đau khổ kinh khủng. Nhưng mặc dù như vậy, hay có thể chính vì như vậy, mà có một sức mạnh nào đó chống lại ý chí của tôi, buộc tôi không những cứ phải nhã nhặn, mà lại còn đặc biệt thân ái với hắn. Tôi làm thế để chứng tỏ cho vợ, cho hắn rằng tôi không sợ hắn chăng, hay để lừa dối chính bản thân tôi - tôi không biết, chỉ biết rằng tôi không thể nào bình thường được ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên với hắn. Tôi buộc phải thân ái với hắn để kìm lại ý muốn giết hắn ngay lập tức. Tôi mời hắn rượu vang đắt tiền sau bữa tối, ca ngợi tài đàn của hắn, nói với hắn với nụ cười đặc biệt dịu dàng trên môi và mời hắn chủ nhật tuần sau đến ăn trưa và lại chơi đàn với nàng nữa. Tôi nói sẽ mời thêm vài người bạn của tôi, những người rất mê âm nhạc, để họ được nghe hắn đàn. Buổi hôm đó kết thúc như thế.
Pozdnyshev bị xúc động mạnh, anh ta thay đổi thế ngồi và lại phát ra âm thanh đặc biệt của mình.
- Thật là lạ kỳ, sự hiện diện của con người ấy đã tác động đến tôi rất nhiều - Anh ta lại tiếp tục, hết sức cố gắng để giữ được bình tĩnh. - Hai hay ba ngày sau đó, tôi đi xem triển lãm về, vừa bước vào phòng ngoài thì bỗng như có một hòn đá đè nặng lên tim tôi mà tôi chưa hiểu vì sao. Lúc đi qua phòng ngoài, tôi nhận thấy có vật gì đó gợi nhớ đến hắn. Chỉ khi đã vào trong phòng làm việc, tôi mới nghĩ ra chuyện gì đã xảy ra, bèn quay lại phòng ngoài để kiểm tra. Vâng, tôi không nhầm: đó là chiếc áo khoác của hắn. Ngài biết không, một chiếc áo khoác rất mốt. (Tất cả những gì liên quan đến hắn tôi đều có nhận xét rất kỹ, mặc dù không hề cố ý). Tôi hỏi người hầu, quả nhiên, hắn đang ở nhà tôi. Tôi không qua phòng ăn, mà đi ngang phòng học của lũ trẻ để vào phòng khách. Trong phòng học, con gái Lisa ngồi đọc sách, còn chị vú ngồi với đứa bé bên cạnh bàn đang xoay xoay cái nắp gì đó, cánh cửa vào phòng khách đang hé mở, tôi nghe vọng ra một khúc arpeggio đều đều và giọng của hắn và của nàng. Tôi lắng tai nhưng không thể nghe rõ. Âm thanh của đàn dương cầm hẳn là cố ý vang to để át tiếng họ nói, tiếng họ hôn nhau, có khi thế. Ôi Chúa ơi! Cái gì dâng lên trong tôi thế này! Chỉ nhớ đến con thú dữ trong lòng đó đã đủ kinh khiếp. Tim tôi bỗng co thắt, ngừng lại, rồi sau đó đập thình thịch như tiếng búa gõ. Cũng như mọi lần giận dữ khác, cảm xúc chính trong tôi là sự thương xót bản thân mình. “Trước mặt lũ trẻ, trước mặt vú nuôi!”, tôi nghĩ. Chắc là lúc đó trông tôi dễ sợ lắm nên bé Lisa nhìn tôi với đôi mắt khiếp đảm. “Tôi phải làm gì đây? - Tôi tự hỏi. - Vào trong đó ư? Tôi không thể, có trời biết tôi sẽ gây ra chuyện gì”. Nhưng tôi cũng không thể bỏ đi. Chị vú nhìn tôi như có vẻ thông cảm với hoàn cảnh của tôi. “Đúng, không thể không vào được”, tôi tự nhủ và nhanh chóng mở tung cửa. Hắn ngồi trước đàn dương cầm đang dạo khúc arpeggio đó bằng những ngón tay to lớn trắng trẻo cong lên phía trên. Nàng đứng bên cạnh chiếc đàn trước trang sách nhạc mở rộng. Nàng trông thấy tôi, hay nghe thấy tiếng tôi trước tiên, và ngước mắt nhìn tôi. Nàng hoảng sợ hay làm bộ như không hoảng sợ, hay hoàn toàn không hề hoảng sợ, tôi không biết, chỉ biết nàng không giật mình, không rời khỏi chỗ mà chỉ đỏ mặt, về sau nàng vẫn đỏ mặt như thế.
“Em thật mừng vì mình đã về; chúng em chưa quyết định được sẽ chơi cái gì vào chủ nhật tới” - nàng nói với tôi bằng một giọng chưa bao giờ có khi chỉ có hai chúng tôi với nhau. Việc nàng nói “chúng em” để chỉ nàng và hắn làm tôi nổi giận. Tôi im lặng chào hắn.
Hắn bắt tay tôi và, với nụ cười tôi cảm thấy như đầy vẻ chế giễu trên môi, hắn giải thích với tôi rằng hắn mang đến các bản nhạc để chuẩn bị cho buổi trình diễn vào chủ nhật tới, rằng giữa nàng và hắn chưa thống nhất được là sẽ chơi bản nào: không biết nên chơi một bản tương đối khó và cổ điển, cụ thể là bản Sonata của Beethoven viết cho vĩ cầm, hay là chỉ chơi những bài nhạc nhỏ đơn giản thôi. Mọi chuyện đều rất tự nhiên và đơn giản, không có lý do gì để sinh sự cả, nhưng đồng thời tôi vẫn tin tất cả những điều đó đều không phải là sự thật, rằng họ đã thỏa thuận cách để đánh lừa tôi.
Một trong những điều khiến những kẻ hay ghen (mà trong xã hội chúng ta tất cả đàn ông đều là những kẻ có máu hay ghen) đau khổ nhất: đó là những điều kiện của giới thượng lưu đã cho phép sự gần gũi đáng nguy hiểm giữa đàn ông và đàn bà. Không thể nào không nhận thấy sự gần gũi của những cặp nhảy trên các vũ hội, của các bác sĩ khi khám cho bệnh nhân, và của những đôi trai gái trong các giờ học nghệ thuật, hội họa, đặc biệt là âm nhạc. Khi hai người cùng chơi một nghệ thuật thanh cao nhất là âm nhạc, luôn phải có sự gần gũi nào đó; và sự gần gũi đó không có cái gì có thể đáng trách cả. Chỉ có những anh chồng cả ghen ngốc nghếch mới mong nhìn thấy trong đó điều gì không vừa mắt. Thế nhưng đồng thời ai cũng biết rằng chính nhờ những giờ học nghệ thuật đó, đặc biệt là giờ học âm nhạc, đã xảy ra phần lớn những chuyện ngoại tình trong xã hội ta. Tôi rõ ràng đã làm họ lúng túng vì chính sự bối rối của mình, một lúc lâu tôi không biết phải nói gì. Tôi giống như cái chai bị lộn ngược nhưng nước bên trong không chảy ra được vì quá đầy. Tôi muốn quát tháo, muốn tống cổ hắn ra khỏi nhà, nhưng tôi lại cảm thấy mình cần phải nhã nhặn, thân ái với hắn. Và tôi đã hành động như thế. Tôi làm ra vẻ như rất vui mừng, và lần nữa, trong khi nghe theo cái cảm xúc kỳ lạ đã buộc tôi phải nhã nhặn, thân ái với hắn, thì sự hiện diện của hắn càng làm tôi khốn khổ. Tôi nói với hắn là tôi hoàn toàn tin cậy vào thị hiếu của hắn và khuyên nàng cũng nên như vậy. Hắn ở lại thêm một lúc, vừa đủ độ để xoa dịu được ấn tượng khó chịu mà tôi đã gây nên khi đột ngột bước vào phòng với khuôn mặt hoảng sợ. Hắn không nói năng gì rồi sau đó ra về, làm ra vẻ họ bây giờ đã quyết định ngày mai sẽ chơi gì. Tôi hoàn toàn tin rằng so với những gì thực sự chiếm lĩnh tâm hồn họ thì chuyện ngày mai chơi gì đối với họ chẳng có nghĩa lý gì.
Tôi lịch sự tiễn hắn đến phòng ngoài. Thật không hiểu tại sao tôi lại có thể tiễn cái người đến nhà mình để phá hoại sự bình yên và hủy diệt hạnh phúc của cả gia đình như thế! Tôi nắm bàn tay trắng trẻo và mềm mại của hắn bắt chặt một cách đặc biệt thân ái.
XXII
- SUỐT NGÀY HÔM ĐÓ tôi không trò chuyện với nàng. Không thể trò chuyện được. Sự gần gũi của nàng với hắn làm tôi căm ghét nàng đến độ tôi đâm sợ bản thân mình. Sau bữa trưa, trước mặt lũ trẻ, nàng hỏi tôi lúc nào tôi định đi. Tuần sau tôi phải đi dự kỳ đại hội của hội đồng tự quản địa phương. Tôi trả lời nàng. Nàng lại hỏi tôi có cần chuẩn bị gì cho chuyến đi không. Tôi nói tôi không cần gì và ngồi im lặng bên bàn, sau đó đi vào phòng làm việc cũng không nói tiếng nào. Thời gian cuối, nàng không bao giờ vào phòng làm việc của tôi, nhất là vào sau bữa trưa. Tôi nằm trong phòng và tức giận. Bỗng tôi nghe tiếng chân quen thuộc. Trong đầu tôi vụt hiện lên ý nghĩ xấu xa, khủng khiếp rằng nàng, cũng giống như vợ của Uriah(12), muốn che dấu tội lỗi của mình nên mới đến với tôi vào thời gian không thích hợp như vậy. “Chẳng lẽ cô ta lại đến với mình?” - tôi nghĩ và lắng nghe tiếng bước chân của nàng đang tới gần. Nếu như nàng đến với tôi, có nghĩa là tôi đoán đúng. Tiếng bước chân gần hơn, gần hơn. Không lẽ nàng chỉ đi ngang qua để vào phòng khách? Không, cánh cửa kêu rít lên, trên khung cửa hiện lên thân hình cao cao xinh đẹp của nàng, khuôn mặt và ánh mắt chứa đầy vẻ rụt rè và xun xoe mà nàng cố che dấu nhưng tôi vẫn nhìn thấy và hiểu rõ ý nghĩa của chúng. Tôi suýt bị ngạt vì nín thở lâu quá, và vừa tiếp tục nhìn nàng, tôi vừa vớ lấy cái tẩu và châm thuốc hút.
12. Uriah, theo Kinh Thánh, là tù trưởng người Hittite, có người vợ xinh đẹp tên Bathsheba. Vua David mê nàng và làm cho Uriah chết trong một trận đấu, rồi sau đó cưới Bathsheba - (ND).
“Trông kìa, em đến với mình mà mình lại ngồi hút thuốc” - nàng ngồi xuống cạnh tôi và nghiêng mình sang phía tôi trên đi văng.
Tôi tránh người ra để khỏi chạm vào nàng.
“Em biết là mình không bằng lòng việc em chơi đàn vào chủ nhật”, - nàng nói.
“Tôi chẳng có gì không bằng lòng cả”.
“Chẳng lẽ em không trông thấy hay sao?”
“Thế thì chúc mừng cô vì cái điều cô đã trông thấy đấy. Còn tôi thì chẳng trông thấy cái gì ngoại trừ chuyện cô cư xử như một con điếm...”
“Ô, nếu như anh muốn chửi bới tôi như một thằng đánh xe như vậy thì tôi sẽ đi.”
“Đi đi, nhưng hãy nhớ rằng nếu như đối với cô danh dự của gia đình không đáng giá, thì với tôi cô cũng chẳng đáng giá gì, quỷ bắt tha ma cô đi, với tôi chỉ có cái danh dự đó là đáng giá thôi.”
“Cái gì, anh nói cái gì?”
“Cút đi, vì Chúa hãy cút đi!”
Tôi không biết nàng làm bộ không hiểu, hay thực sự không hiểu lý do cơn giận của tôi, chỉ biết rằng nàng tự ái và nổi giận. Nàng đứng dậy, song không bỏ đi ngay, mà dừng lại ở giữa phòng.
“Anh quả là trở nên hết chịu nổi. Tính cách anh thế thì đến thiên thần cũng không sống chung nổi,” và cũng như mọi khi luôn muốn làm tôi bị đau đớn, nàng nhắc đến thái độ của tôi với chị tôi (có một lần tôi đã quá nóng giận và nói thô lỗ với chị, nàng biết chuyện đó làm tôi rất ân hận, đau khổ, và đã chọc vào chỗ đau đó của tôi) - “Chẳng có gì đáng ngạc nhiên về các hành vi thô bạo khác của anh một khi anh đã từng đối xử như thế với chị của mình.”
“À ra cô ta xúc phạm, bôi nhọ, hạ nhục rồi buộc tôi trở thành kẻ có lỗi chứ gì”, - tôi tự nhủ và một nỗi căm giận khủng khiếp đối với nàng mà tôi chưa bao giờ từng trải qua đột nhiên xâm chiếm khắp người tôi.
Lần đầu tiên tôi muốn bộc lộ nỗi căm giận đó bằng tay chân. Tôi nhảy chồm lên và xông tới nàng. Nhưng trong khi nhảy lên như vậy, tôi ý thức được nỗi tức giận của mình và tự hỏi xem có nên buông xuôi theo nó không, và lập tức tự trả lời là nên làm thế, để đe dọa nàng. Bởi vậy thay vì kiềm chế nó, tôi lại cố thổi bùng nó lên và lấy làm vui mừng thấy mình càng lúc càng bừng bừng nóng giận.
“Cút đi ngay không tôi sẽ giết chết cô!” - Tôi thét lên, tiến lại gần và tóm lấy tay nàng. Tôi cố ý cao giọng giận dữ khi nói câu đó. Và chắc là trông tôi dữ tợn lắm, bởi vì lúc đó nàng bỗng trở nên sợ sệt đến nỗi không đủ sức để bỏ đi nữa. Nàng chỉ nói:
“Vasya, mình làm sao thế?”
“Cút đi!” - tôi gầm lên to hơn. - “Chỉ có cô mới làm tôi phát điên lên thế này. Tôi không chịu trách nhiệm về mình đâu.”
Tôi để cho cơn điên giận của mình xả ra thả cửa và uống lấy nó, và tôi muốn làm cái gì đó bất cần hơn để chứng tỏ mức độ giận dữ của mình. Tôi muốn đánh, muốn giết nàng, nhưng tôi biết không thể làm thế được. Để cho cơn điên giận vẫn được thả sức xả ra, một lần nữa tôi gầm lên “Cút đi!”, và vớ lấy cái chặn giấy nằm trên bàn, ném sượt ngang qua nàng rơi xuống sàn nhà. Tôi cố ý ném sượt ngang nàng. Lúc đó nàng mới bước đi, song còn dừng lại ở cửa. Trong lúc nàng còn nhìn thấy (tôi làm thế để cho nàng nhìn thấy), tôi nhặt các thứ trên bàn: chân đèn, lọ mực, và quăng chúng xuống đất, tiếp tục hét:
“Đi đi! Cút đi! Tôi không chịu trách nhiệm về mình đâu!”
Nàng bỏ đi - và tôi lập tức ngừng la hét, đập phá.
Một giờ sau chị vú chạy đến báo nàng bị lên cơn thần kinh. Tôi đến phòng nàng: nàng nức nở khóc, rồi cười, không nói được tiếng nào và toàn thân run lẩy bẩy. Nàng không giả vờ, nàng lên cơn thần kinh thật.
Đến sáng thì nàng bình tĩnh lại, và chúng tôi làm lành do tác động của cái tình cảm mà chúng tôi gọi là yêu đương.
Buổi sáng, sau khi đã làm lành, tôi thú nhận với nàng là tôi ghen với Trukhachevsky. Nàng không hề lúng túng và phá lên cười một cách hết sức tự nhiên. Theo nàng thì đó là chuyện lạ nếu như có thể mê một người như hắn.
“Chả lẽ một con người như anh ta lại có thể gây cho một người phụ nữ đứng đắn cái gì đó ngoại trừ sự vui thích vì tài đàn của anh ta ư? Vâng nếu như mình muốn, em sẵn sàng không bao giờ gặp mặt anh ta nữa. Thậm chí cả chủ nhật này, cho dù mình đã mời khách rồi. Mình hãy viết cho anh ta rằng em bị mệt, và thế là xong. Chỉ khó chịu một điều là lại có ai đó, nhất là chính anh ta, có thể cho rằng anh ta là kẻ nguy hiểm. Em quá thừa tự ái để không thể cho phép nghĩ đến chuyện đó.”
Nàng không hề nói dối, nàng tin vào điều mình nói, nàng hy vọng những lời nói của mình sẽ khiến cho nàng khinh bỉ hắn và bảo vệ nàng khỏi hắn, nhưng nàng không đạt được điều đó. Tất cả đều chống lại nàng, đặc biệt là cái thứ âm nhạc đáng nguyền rủa đó. Thế là mọi chuyện kết thúc, đến chủ nhật, khách khứa tụ tập lại và họ lại chơi đàn với nhau.
@by txiuqw4