sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bản sonata Kreutzer - Chương 23 - 25

XXIII

- TÔI NGHĨ SẼ THỪA KHI NÓI RẰNG tôi là kẻ rất háo danh: trong xã hội chúng ta nếu như không háo danh thì chẳng còn biết sống để làm gì nữa. Và chủ nhật hôm đó tôi lo chuẩn bị bữa ăn chiều và buổi hòa nhạc sao cho thật đàng hoàng, thanh nhã. Tôi tự mình mua các thức ăn cho bữa chiều và mời khách.

Gần sáu giờ thì khách khứa đến, hắn xuất hiện trong bộ lễ phục với những khuy cài bằng kim cương không hợp màu. Hắn xử sự rất suồng sã, đáp lại mọi câu hỏi một cách hấp tấp bằng nụ cười tỏ ra đồng tình và hiểu biết, ngài biết không, hắn xử sự với cái vẻ làm như tất cả những gì anh làm và nói đều đúng như hắn trông đợi. Mọi thứ ở hắn đều không nghiêm chỉnh, khiến tôi rất hài lòng, bởi tất cả mọi thứ đều cần phải trấn an tôi và chứng tỏ rằng hắn thấp kém so với vợ tôi đến độ, như chính nàng cũng đã nói, nàng không thể hạ thấp xuống như vậy. Tôi không cho phép mình được ghen tuông nữa. Thứ nhất bởi tôi đã quá đau khổ vì điều đó rồi và tôi cần phải nghỉ ngơi, thứ hai tôi muốn tin và cũng đã tin vào những lời quả quyết của vợ tôi. Tuy nhiên, mặc dù không ghen, tôi vẫn không thể tự nhiên với hắn và với vợ trong suốt bữa ăn và phần đầu của buổi dạ hội, khi mà nhạc chưa nổi lên. Tôi vẫn theo dõi từng cử chỉ và ánh mắt của họ.

Bữa ăn chiều, cũng giống như mọi bữa ăn, thật tẻ nhạt và giả tạo. Phần chơi nhạc bắt đầu khá sớm. Ôi, tôi nhớ hết tất cả mọi chi tiết của buổi dạ hội ấy, tôi nhớ hắn mang ra cây vĩ cầm, mở hộp đàn, tháo bao bọc ngoài mà một người đàn bà nào đó đã may cho hắn, lấy cây đàn ra và bắt đầu so dây. Tôi nhớ vợ tôi ngồi xuống với vẻ thờ ơ giả tạo như thế nào, tôi biết nàng cố giấu dưới lớp vỏ thờ ơ đó cảm giác sợ sệt - chủ yếu sợ sệt vì khả năng đàn của mình, nàng ngồi xuống bên cây dương cầm, dạo mấy nốt nhạc quen thuộc để thử đàn đó họ nhìn nhau, rồi nhìn xuống khán giả, nói với nhau cái gì đó và bắt đầu chơi. Nàng dạo khúc hòa âm đầu tiên. Khuôn mặt hắn trở nên nghiêm trang và khả ái. Lắng nghe các âm thanh, hắn lướt những ngón tay thận trọng trên các dây đàn và đáp lại tiếng dương cầm. Và thế là bắt đầu.

Pozdnyshev ngừng lại và mấy lần liên tục phát ra những âm thanh của mình. Anh ta muốn nói tiếp, song sụt sịt mũi và lại phải dừng lại.

- Họ chơi bản Sonata Kreutzer của Beethoven. Ngài có biết khúc presto(13) mở đầu bản nhạc đó không? Ngài biết à?! - Anh ra reo lên. - Ôi! Bản nhạc đó thật là ghê gớm. Nhất là phần đầu. Mà nói chung âm nhạc là cái thật ghê gớm. Nó là cái gì? Tôi không hiểu. Âm nhạc là cái gì? Nó tạo nên cái gì? Tại sao nó lại tạo nên cái đó? Người ta bảo âm nhạc nâng cao tâm hồn - đó là điều nhảm nhí, không đúng. Âm nhạc có gây tác động, đó là tôi nói tác động đến tôi, nhưng không phải là làm tâm hồn thanh cao hơn. Âm nhạc không nâng cao, cũng chẳng hạ thấp tâm hồn, mà nó kích thích người ta. Nói thế nào cho ngài hiểu nhỉ? Âm nhạc buộc tôi quên bản thân, quên đi tình cảnh thực sự của mình, nó mang tôi đến một tình trạng khác không phải của mình: dưới tác động của âm nhạc, dường như tôi cảm thấy được cái mà bình thường tôi không cảm thấy, tôi hiểu được cái mà bình thường tôi không hiểu, tôi có thể làm được cái mà bình thường tôi không thể. Tác động của âm nhạc cũng giống như người ta ngáp hay cười vậy: tôi không buồn ngủ, nhưng khi nhìn người khác ngáp tôi cũng ngáp theo; không có gì để cười, nhưng nghe người khác cười tôi cũng phải cười theo. Âm nhạc cũng vậy, ngay lập tức, nó đưa tôi vào trạng thái tinh thần của người nhạc sĩ khi viết bản nhạc. Tâm hồn tôi hòa vào tâm hồn ông ta, cùng ông ta đi từ trạng thái tình cảm này sang trạng thái tình cảm khác, nhưng vì sao lại như vậy thì tôi cũng không biết nữa. Cái ông nhạc sĩ Beethoven đã viết nên bản Sonata ấy, ông ta thì biết vì sao ông ta ở trong trạng thái tình cảm đó, trạng thái đó đưa ông ta đến hành động viết nên những nốt nhạc, có nghĩa là đối với ông ta trạng thái đó mang ý nghĩa nào đó, còn đối với tôi thì nó chẳng có ý nghĩa nào cả. Bởi vậy âm nhạc chỉ kích thích và không ngừng lại. Khi người ta dạo khúc quân hành, những người lính bước đều chân trong hàng ngũ, rồi sau đó kết thúc; khi nghe điệu nhạc nhảy, người ta cũng nhảy theo, và điệu nhạc đó đưa đến kết quả; khi nghe hát trong lễ mi-sa, người ta chịu lễ ban thánh thể, âm nhạc lúc đó cũng đạt đến đích. Nhưng ở đây thì khác, ở đây chỉ có sự kích thích và không biết phải làm gì với trạng thái kích thích đó. Vì điều đó mà âm nhạc đôi khi có tác động hết sức khủng khiếp. Ở Trung Hoa âm nhạc là công việc của nhà nước. Mà cần như thế mới được. Chẳng lẽ có thể để cho bất cứ ai hễ thích là được thôi miên kẻ khác và sau đó tha hồ làm gì người ta thì làm hay sao. Nhất là nếu như kẻ hành nghề thôi miên đó lại là một kẻ vô đạo đức thì sẽ ra sao?

13. Rodolphe Kreutzer (1766 -1831) nhạc sĩ, nghệ sĩ vĩ cầm và nhạc trưởng người Pháp, là một trong những người sáng lập ra trường phái vĩ cầm Pháp thế kỷ 19. Beethoven đã viết tặng ông bản Sonata dành cho vĩ cầm và dương cầm (Bản Sonata Kreutzer). (ND)

Âm nhạc là vũ khí khủng khiếp trong tay kẻ biết nắm giữ nó. Như bản Sonata Kreutzer này chẳng hạn, nhất là đoạn presto đó. Có thể nào chơi đoạn nhạc đó trong phòng khách trước các bà mặc áo hở vai được chăng? Nghe xong, các bà vỗ tay, rồi sau đó ăn kem và nói những lời đàm tiếu. Loại nhạc như vậy chỉ có thể biểu diễn trong những khung cảnh trang nghiêm, long trọng, đồng thời đòi hỏi những người nghe phải có những hành vi cũng trang nghiêm xứng với nó. Phải trình diễn và làm theo những điều mà khúc nhạc đó thôi thúc. Còn nếu như diễn không đúng chỗ đúng lúc và có những ý muốn và tình cảm không phù hợp thì khúc nhạc đó không thể làm nên được gì ngoài sự hủy hoại. Ít nhất là đối với tôi, khúc nhạc đó có tác động thật khủng khiếp; dường như trong tôi mở ra những cảm xúc mới mẻ, những khả năng mới mẻ mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Cụ thể đó là những tình cảm gì, khả năng gì, tôi còn chưa rõ, nhưng ý thức về trạng thái mới mẻ đó làm tôi vui sướng. Vẫn những khuôn mặt đó, trong đó có vợ tôi và hắn, nhưng tất cả đối với tôi hiện ra dưới ánh sáng hoàn toàn khác hẳn.

Hết đoạn presto đến khúc andante hay nhưng không có gì mới mẻ, với những biến tấu tầm thường, và chương cuối thì hoàn toàn dở. Sau đó họ chơi theo yêu cầu của khách bản bi ca của Ernst và vài bản nhạc nhẹ nhàng khác. Tất cả đều rất hay, song chỉ gây ấn tượng bằng một phần trăm ấn tượng mà khúc dạo đầu presto của bản Sonata gây nên. Chúng chỉ là dư âm của ấn tượng ban đầu. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vui vẻ suốt buổi tối đó. Còn vợ tôi thì, tôi chưa từng thấy nàng như thế bao giờ: đôi mắt sáng ngời, bộ điệu nghiêm trang, trịnh trọng khi nàng chơi đàn, và vẻ xúc động với nụ cười yếu ớt, tội nghiệp nhưng hạnh phúc sau khi họ chơi xong. Tôi trông thấy tất cả, nhưng không hề gán cho chúng ý nghĩa nào khác ngoài việc cho rằng nàng cũng trải qua những cảm xúc như tôi, rằng nàng cũng phát hiện ra trong mình những tình cảm mới chưa từng biết đến. Buổi dạ hội kết thúc mỹ mãn, và tất cả ra về.

Biết tôi hai ngày sau sẽ phải về quê dự đại hội của hội đồng tự quản địa phương, khi chia tay, Trukhachevsky nói rằng hắn hy vọng lần đến sau lại có cơ hội làm vui cho chúng tôi như tối hôm nay. Lời hắn khiến tôi kết luận là hắn không cho rằng có thể có mặt ở nhà tôi khi tôi đi vắng, và tôi cảm thấy dễ chịu vì điều đó. Thì ra, vì tôi sẽ không trở về nhà trước khi hắn rời Moskva, nên tôi s không còn gặp hắn nữa.

Lần đầu tiên tôi thành thực vui vẻ khi bắt tay hắn và cảm ơn hắn đã cho chúng tôi một tối thú vị. Hắn cũng chia tay từ biệt vợ tôi. Tôi thấy cuộc chia tay của họ hoàn toàn tự nhiên và đứng đắn. Mọi thứ đều tuyệt diệu. Cả tôi và vợ đều rất hài lòng vì buổi dạ hội.

XXIV

- HAI NGÀY SAU TÔI VỀ QUÊ, chia tay vợ tôi với tâm trạng bình thản, thoải mái nhất. Ở dưới nông thôn luôn có cả núi công việc. Đó là một thế giới đặc biệt với cuộc sống rất riêng biệt. Hai ngày liền tôi ngồi dự họp đến mười giờ. Ngày thứ ba, trong lúc họp, người ta mang đến thư của vợ tôi. Tôi lập tức đọc nó. Nàng viết về lũ trẻ, về ông chú, về chị vú, về các món đồ nàng mua được và ngoài ra, chuyện đặc biệt nhất là Trukhachevsky ghé thăm, mang đến mấy quyển nhạc đã hứa và hẹn lại chơi đàn nữa, song nàng từ chối. Tôi không nhớ hắn có hứa sẽ mang đến các quyển nhạc: tôi nghĩ rằng lúc đó hắn đã chia tay luôn rồi, bởi vậy tin đó làm tôi bực tức khó chịu. Nhưng công việc nhiều quá đến nỗi không còn thời gian để nghĩ ngợi. Chỉ đến chiều tối sau khi trở về chỗ trọ tôi mới đọc lại bức thư. Ngoài chuyện Trukhachevsky trong khi tôi đi vắng lại đến nhà tôi ra, tôi cảm thấy giọng điệu của cả bức thư có vẻ gượng gạo. Con ác thú ghen tuông gầm lên trong cái ổ của mình và muốn nhảy vọt ra, nhưng tôi sợ nó và vội chốt cửa giam nó lại. “Thật là hèn hạ làm sao, cái cơn ghen tuông này! - Tôi tự mắng mình. - Còn có gì tự nhiên hơn những điều nàng viết nữa cơ chứ?”

Tôi lên giường, nằm suy nghĩ về những công việc cần làm ngày mai. Trong thời gian đi dự những kỳ đại hội như vậy, tôi thường trằn trọc rất lâu mới tìm được giấc ngủ vì lạ chỗ, thế mà lần này tôi lại thiếp đi ngay. Và như ngài biết đấy, trong những trường hợp như vậy, người ta thường thiếp ngủ một lúc rồi bỗng nhiên như bị điện giật và tỉnh giấc. Tôi cũng tỉnh dậy như vậy, tỉnh dậy bởi ý nghĩ về nàng, về tình yêu thể xác của tôi đối với nàng, về Trukhachevsky và chuyện giữa nàng và hắn. Nỗi sợ hãi và tức giận bóp nghẹt tim tôi. Và tôi bắt đầu cố dùng lý trí trấn an mình. “Thật là vớ vẩn, - tôi tự nhủ. - không có cơ sở nào để ghen cả, chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Sao mà mình lại có thể hạ nhục cả nàng lẫn mình và tưởng tượng ra những chuyện kinh khủng như thế cơ chứ. Hắn chỉ là một gã chơi đàn thuê, một kẻ chẳng ra gì, trong khi vợ của mình - một phụ nữ được trọng vọng, một người mẹ khả kính của cả bầy trẻ! Thật là điều vô lý!” - Một mặt tôi tự bảo mình như thế, nhưng mặt khác tôi lại nghi ngờ: “Làm sao không thể không xảy chuyện được cơ chứ!”. Làm sao không thể không xảy ra cái điều mà vì nó tôi mới cưới vợ, vì nó tôi mới sống với nàng, chỉ mình nó là cái tôi cần nơi nàng và nó cũng là cái mà người khác cần, kể cả gã nhạc công đó. Hắn là kẻ chưa vợ, no đủ, bóng bẩy, khỏe mạnh (tôi nhớ hắn hắn nhai rào rạo miếng thịt băm viên và ngoạm đôi môi đỏ vào ly rượu vang một cách tham lam như thế nào), hắn không những không phải là kẻ sống vô nguyên tắc, mà còn biết rõ các nguyên tắc giúp người ta tận dụng các khoái lạc. Và họ lại gắn với nhau bởi âm nhạc, cái thứ nghệ thuật khêu gợi tình cảm của người ta ghê nhất. Cái gì có thể kìm hãm hắn lại được? Chẳng có gì cả. Mọi thứ đều lôi kéo chào mời hắn. Nàng ư? Nhưng nàng là ai? Nàng trước đến nay vẫn luôn bí ẩn. Tôi không hiểu nàng, tôi chỉ biết nàng như một con vật. Mà con vật thì chẳng thể làm gì để chống cự điều đó, chẳng cần kìm hãm nó.

Chỉ lúc này tôi mới nhớ đến khuôn mặt của họ vào buổi tối đó, sau bản Sonata họ chơi một bản gì đó rất thiết tha, nồng nàn, tôi không nhớ là của ai, trích từ một vở kịch tình cảm thô bỉ nào đó. “Sao mà mình lại có thể bỏ đi vậy cơ chứ? - Tôi nói với mình khi nhớ đến khuôn mặt họ. - Chẳng lẽ mình không hiểu là giữa họ đã xảy ra chuyện gì vào buổi tối hôm đó? Và chẳng lẽ không nhìn thấy ngay trong buổi tối đó không chỉ đã không còn một chướng ngại vật nào giữa họ nữa, mà hơn nữa, cả hai người, nhất là nàng, đã cảm thấy sự hổ thẹn vì cái chuyện đã xảy ra với họ?”. Tôi nhớ nàng vừa lau mồ hôi trên khuôn mặt ửng đỏ vừa mỉm cười yếu ớt một cách đáng thương nhưng cũng đầy hạnh phúc như thế nào lúc tôi đến bên cây đàn dương cầm. Ngay khi đó họ đã tránh ánh mắt của nhau, chỉ lúc ăn tối, khi hắn rót nước cho nàng, họ mới ngước nhìn nhau và hơi mỉm cười. Tôi kinh hoàng nhớ lại cái nhìn với nụ cười thoáng qua mà tôi bắt gặp lúc ấy. “Thôi, hết tất cả rồi”, - trong tôi một giọng nói cất lên, nhưng lập tức giọng nói khác lại phản đối. “Mi nghĩ ra cái của nợ gì đấy, chuyện đó không thể nào có được”. Tôi cảm thấy sợ hãi vì phải nằm trong bóng tối. Tôi quẹt diêm, và tôi càng khiếp đảm hơn trong căn phòng nhỏ hẹp dán giấy bồi vàng. Tôi châm thuốc, và như vẫn thường thế, khi tôi bị rối bung trong đống mâu thuẫn chưa giải quyết được, tôi hút thuốc hết điếu này sang điếu khác để làm mình mụ đi không còn nhìn ra được những mâu thuẫn đó nữ

Tôi không chợp mắt suốt đêm, và đến năm giờ, tôi quyết định không thể kéo dài thêm tình trạng căng thẳng này nữa và lập tức phải ra đi. Tôi trở dậy, đánh thức người gác cổng vẫn phục vụ cho tôi và sai anh ta đi lấy ngựa. Tôi gửi về hội đồng tờ giấy báo tôi phải trở lại Moskva vì một việc khẩn, sau đó đề nghị cử một thành viên thay thế cho tôi ở đại hội. Tám giờ tôi lên xe ngựa và khởi hành.

XXV

NGƯỜI SOÁT VÉ BƯỚC VÀO, nhận thấy cây nến chỗ chúng tôi cháy gần hết bèn thổi tắt, nhưng không thay nến mới. Bên ngoài trời đã bắt đầu hửng sáng. Pozdnyshev im lặng, thở một cách khó nhọc suốt thời gian người soát vé ở trong toa. Anh ta chỉ tiếp tục câu chuyện khi người soát vé đi khỏi và trong toa tàu tranh tối tranh sáng chỉ nghe thấy tiếng các cửa kính kêu răng rắc và tiếng anh chàng quản lý ngáy đều đều. Trong ánh mờ của bình minh tôi hoàn toàn không trông rõ anh ta. Chỉ nghe thấy giọng nói của anh ta càng lúc càng xúc động và đau khổ.

- Tôi phải đi mất ba mươi dặm bằng ngựa và tám tiếng tàu hỏa. Lúc đi ngựa thì mọi chuyện đều tốt đẹp. Lúc đó đang vào thời kỳ giá lạnh của mùa thu, mặt trời chói lọi. Ngài biết đấy, thời gian đó bánh xe chạy cứ bon bon, đường đi phẳng phiu, nắng chói chang và không khí thật tươi mát. Ngồi trên xe ngựa rất dễ chịu. Trời vừa sáng là tôi lên đường, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Ngắm nhìn những con ngựa, những cánh đồng, những người đi ngược trên đường, tôi quên rằng mình đang đi đâu. Đôi lúc tôi có cảm giác rằng tôi chỉ đơn giản đang đi trên đường, không có gì giục gọi tôi, chẳng có chuyện gì xảy ra với tôi. Và tôi cảm thấy sung sướng vì có thể lãng quên đi như thế. Khi nhớ ra mình đang đi đâu, tôi tự nhủ: “Rồi lúc đó mình sẽ biết, đừng nghĩ ngợi nữa”. Đến nửa đường xảy ra một chuyện bất ngờ làm tôi càng xao nhãng chuyện kia hơn: cỗ xe ngựa bị gãy càng và phải dừng lại để sửa chữa. Cái xe gãy có ý nghĩa rất quan trọng, nó khiến tôi về đến Moskva không phải lúc năm giờ như tôi dự tính, mà là mười hai giờ và vào đến nhà vào lúc một giờ đêm, bởi tôi không bắt k chuyến tàu tốc hành, mà phải đi chuyến tàu hành khách. Chuyến đi trên xe ngựa, những việc chữa xe, trả tiền, uống trà ở quán trọ, trò chuyện với người gác cổng - tất cả đều làm tôi quên lãng được nhiều hơn. Đến lúc chập choạng tối thì mọi thứ đã xong xuôi và tôi lại lên đường. Buổi tối càng dễ chịu hơn lúc ban ngày. Trăng non vừa lên, trời hơi lành lạnh, đường đi vẫn rất tuyệt, những chú ngựa hăng hái, người đánh xe vui tính, tôi sung sướng tận hưởng tất cả và hầu như không còn nghĩ đến cái gì đang chờ đợi tôi, hay đúng hơn, tôi cố sức tận hưởng vì biết rõ những gì đang chờ đợi mình và muốn chia tay với cuộc sống tươi vui đó. Tuy nhiên, trạng thái bình an vui vẻ đã kết thúc cùng chuyến đi ngựa. Tôi vừa lên tàu hỏa, lập tức bắt đầu trạng thái khác. Tám tiếng đồng hồ trên toa tàu đối với tôi là một cái gì đó thật khủng khiếp tôi suốt đời không thể nào quên được. Không biết có phải vì vừa ngồi lên tàu là tôi đã hình dung ra rõ rệt mình về đến nơi như thế nào, hay là vì tàu hỏa nói chung luôn có tác động kích thích người ta như thế, nhưng chỉ biết rằng từ lúc lên tàu, tôi không thể khống chế được trí tưởng tượng của mình, và nó không ngừng vẽ ra mồn một trước mắt tôi những bức tranh làm đốt cháy cơn ghen của tôi, cảnh này tiếp cảnh kia, càng lúc càng đáng nghi ngờ hơn, dồn tất cả đều về một chuyện, về việc đang xảy ra ở nơi đó, trong nhà tôi khi không có mặt tôi, về việc nàng đã phản bội tôi như thế nào. Tôi phát sốt lên với những nghi ngờ và giận dữ, và còn một cảm xúc kỳ lạ là sự hoan hỉ vì bị hạ nhục, tôi chiêm ngưỡng những bức tranh mình tưởng tượng ra và không thể nào dứt được khỏi chúng, không thể tránh nhìn chúng, không thể xóa chúng đi, không thể không gợi chúng lên. Hơn thế nữa, càng nhìn ngắm những bức tranh đó tôi càng tin chúng là sự thật. Sự rõ ràng của chúng trong trí tôi chứng tỏ rằng điều tôi tưởng tượng là sự thật. Có con quỷ nào đó chống lại ý chí tôi đã xúi giục tôi nghĩ ra những bức tranh kinh khủng nhất. Tôi bỗng nhớ đến cuộc trò chuyện đã lâu giữa tôi và anh trai Trukhachevsky, và tôi vui mừng dày xéo con tim mình bằng việc nhớ lại cuộc trò chuyện đó, gắn nó với mối quan hệ giờ đây giữa Trukhachevsky và vợ tôi.

Chuyện đó cũng đã lâu rồi, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ. Tôi nhớ khi được hỏi rằng có đi đến các nhà thổ không, anh trai của Trukhachevsky đã nói rằng người đàn ông tử tế không việc gì phải đến cái nơi có thể dễ chuốc bệnh vào thân, nơi bẩn thỉu và tệ mạt, trong khi luôn luôn dễ dàng tìm ra được một người phụ nữ tử tế. Và hắn, em trai của anh ta đã tìm ra vợ tôi. “Thực ra, cô ta cũng chẳng còn trẻ lắm, miệng lại mất một chiếc răng và đã hơi đẫy đà, - tôi nghĩ thay cho hắn, - nhưng biết làm sao được, phải dùng cái đã có sẵn thôi”. - “Hừ, hắn còn tỏ ra nhún mình khi nhận cô ta làm nhân tình. - Tôi tự nhủ. - Vả lại với cô ta rất an toàn”. - “Không, không thể thế được! Mình nghĩ cái gì vậy! - Tôi sợ hãi. - Không, không thể như thế được, thậm chí chẳng có cơ sở nào để tưởng tượng ra những chuyện như thế. Cô ấy chẳng đã nói rằng chỉ nghĩ mình ghen với hắn là đã cảm thấy bị hạ nhục đó sao? Đúng, nhưng đó là cô ta nói dối, nói dối tuốt!” - Tôi kêu lên, - và lại tiếp tục như thế... Trong toa của tôi hành khách chỉ có hai người, cả hai đều nói ít, và họ đã xuống một ga trước đó, còn lại chỉ một mình tôi. Tôi như con thú dữ lồng lộn trong chuồng, lúc nhảy chồm lên, chạy đến bên cửa sổ, lúc thì lảo đảo đi dọc toa, cố gắng thúc đuổi toa tàu; nhưng toa tàu với những dãy ghế và hai hàng cửa kính vẫn cứ rung đều đều như toa tàu này bây giờ...

Pozdnyshev bật dậy, bước đi vài bước rồi lại ngồi xuống.

- Ôi, tôi sợ, tôi rất sợ những toa tàu hỏa, nỗi khiếp đảm luôn chế ngự tôi. Vâng, thật kinh khủng! - Anh ta tiếp tục. - Tôi tự nhủ: “Mình sẽ nghĩ về chuyện khác. Nào, chẳng hạn như nghĩ về lão chủ quán trọ tôi ngồi uống trà hồi chiều”. Thế là trước mắt tôi hiện lên hình ảnh người gác cổng với chòm râu dài và đứa cháu nội của ông ta - một thằng bé trạc tuổi thằng Vasya của tôi. Thằng Vasya của tôi! Nó sẽ nhìn thấy gã nhạc công đó hôn mẹ nó. Chuyện gì sẽ xảy ra với tâm hồn đáng thương của nó? Nhưng nàng đâu có cần gì, nàng đang yêu... Và lại quay về chuyện ấy. Không, không,... Nào, ta hãy nghĩ về vụ thanh tra bệnh viện vậy. Hôm qua bệnh nhân than phiền về bác sĩ, mà cái tay bác sĩ đó có bộ ria giống hệt như Trukhachevsky. Hừ, sao mà hắn dám láo xược... Cả hai đã đánh lừa tôi, nói rằng hắn sẽ rời Moskva. Và lại bắt đầu về chuyện ấy. Mọi thứ tôi nghĩ đều quay về chuyện hắn với nàng. Tôi đau đớn khốn khổ. Đau khổ nhất vì tôi còn hồ nghi, còn do dự, không biết là nên thương cảm hay căm thù nàng. Tôi đau khổ đến mức trong đầu đã nảy ra ý nghĩ, mà tôi lấy làm thích thú, là nhảy ra ngoài, nằm xuống đường ray dưới toa tàu và kết liễu đời mình. Khi đó ít nhất là mình sẽ không còn phải do dự, hồ nghi gì nữa. Chỉ một điều ngăn cản tôi làm việc đó là nỗi xót thương bản thân mình, nó lập tức khiến cho tôi cảm thấy căm thù nàng. Đối với Trukhachevsky, tôi có một cảm xúc kỳ lạ nào đó, vừa căm ghét hắn, vừa ý thức được nỗi nhục của mình và thắng lợi của hắn. Còn đối với nàng thì là cả một sự thù hận khủng khiếp. “Không thể tự kết thúc đời mình mà để cho nàng còn sống; phải để nàng chịu đựng đau khổ một ít chứ, để nàng hiểu tôi đã đau khổ thế nào”, - tôi nói với mình. Đến ga nào tôi cũng ra ngoài để giải tỏa bớt căng thẳng. Ở một ga nọ, tôi thấy trong quán ăn người ta đang uống rượu, và tôi cũng vào uống một ít vodka. Bên cạnh tôi có một gã Do Thái cũng đang uống. Gã bắt chuyện và tôi, để không phải ngồi đơn độc trên tàu, tôi đã theo về toa của gã, một toa tàu hạng ba bẩn thỉu, hút thuốc hôi nồng nặc và phun đầy vỏ hạt hướng dương xuống sàn. Ở đó, tôi ngồi xuống cạnh gã Do Thái, gã nói huyên thuyên và kể chuyện tiếu lâm. Tôi nghe gã, nhưng không thể hiểu gã nói cái gì, bởi vì lại tiếp tục nghĩ về chuyện của mình. Gã nhận ra điều đó và đề nghị tôi chú ý nghe hắn. Đến lúc đó tôi đứng dậy và trở về toa cũ. “Cần phải suy xét xem mình nghĩ có đúng không, và có căn cứ nào khiến mình phải khổ sở như vậy không”. Tôi ngồi xuống, mong có thể bình tĩnh suy xét, nhưng lập tức, thay vì suy xét bình tĩnh thì lại bắt đầu sự dằn vặt khổ sở lúc nãy, thay cho những lập luận thì lại là những hình ảnh tưởng tượng hãi hùng. “Bao nhiêu lần mình đã phải đau khổ thế này, - tôi nghĩ và nhớ đến những cơn ghen tuông tương tự trước đó, - và sau đó thì lại chẳng có chuyện gì cả. Bây giờ chắc cũng thế, biết đâu khi mình về lại thấy nàng đang nằm ngủ bình yên, nàng thức dậy và mừng rỡ gặp lại mình, qua lời nói và ánh mắt mình sẽ cảm thấy là chẳng có chuyện gì xảy ra, tất cả chỉ là sự tưởng tượng vớ vẩn vô lý. Ôi, giá như thế thì hay biết bao!” - “Nhưng không, đã quá nhiều lần rồi, còn lần này sẽ không thế nữa”, - một giọng nói khác cất lên, và cơn điên giận lại dâng trào. Vâng, đó quả là một sự trừng phạt. Thật kinh khủng, rằng tôi đã cho mình cái quyền sở hữu tuyệt đối thân thể nàng, làm như đó là thân thể của chính mình, nhưng đồng thời lại cảm thấy rằng tôi không thể nào quản lý được tấm thân đó, rằng nó không phải của tôi và nàng có thể toàn quyền sử dụng nó theo ý nàng, và muốn sử dụng nó không theo ý thích của tôi. Tôi không thể làm gì được với cả hắn lẫn nàng, nhất là với nàng. Nếu như nàng không phản bội tôi trên thực tế, nhưng muốn phản bội tôi trong ý nghĩ, và tôi biết nàng muốn phản bội tôi, thì điều đó còn tồi tệ hơn; thà cứ để nàng phản bội, để cho tôi biết chắc, để cho không còn sự do dự mù mờ nữa còn tốt hơn. Tôi không còn biết mình muốn gì nữa. Tôi muốn nàng đừng ao ước điều phải ước ao. Ôi thật đến phát điên cả lên!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx