sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Báo thù - Phần I - Chương 06 - 07

6. BỨC TƯỢNG

Buổi tối sau khi dùng bữa, qua nhân viên của mình biết người ta đã kín đáo bắt Félicien không để ai biết, Raoul vào căn nhà chàng trai vẫn ở. Đây chỉ gồm một tầng trệt hai phòng một là chỗ làm việc và một là phòng ngủ có kèm phòng tắm.

Anh ngồi ở phòng làm việc, để cửa mở cũng như cổng vào.

Đêm đến dần, càng lúc càng tối. Sau một tiếng đồng hồ anh nghe rào chắn, vốn không bao giờ khoá, kẹt mở. Những bước chân thận trọng tiến vào, dẫm lên cỏ, qua những bậc thềm rồi bước vào tiền sảnh.

Raoul ra gặp Faustine, nàng có vẻ không thấy rõ anh, đờ đẫn đến một chiếc ghế và buông mình xuống.

Sau một lúc nàng thì thầm:

- Anh ta đâu?

- Félicien ư?

- Ở đâu?

- Trong nhà tù. Cô không biết à?

Nàng lơ đãng lặp lại:

- Trong nhà tù?

- Đúng, thấy cô bày tỏ sự căm thù tôi nghi ngại nên đã để người ta cho anh ta vào tù. Tôi đã làm đúng chứ?

Nàng mệt mỏi nói:

- Tôi không biết... không biết... Tôi đi tìm... kẻ nào đã tấn công Simon Lorient?... Chà! Nếu tôi biết được!

- Cô quen biết Félicien?

- Không.

- Thế vì sao cô đến đây?

- Để hỏi anh ta. Tôi xem có phải anh ta không...

Nàng nói rất nhỏ, chán nản đến nỗi Raoul nghe không rõ. Anh lại nói:

- Chắc chắn cô biết một số vấn đề gì đó... Chẳng hạn về Barthélemy mà cảnh sát không xác định được lý lịch. Và Simon Lorient?... Người ta tìm không ra chỗ ở của anh ta. Người ta theo dõi biết anh ở một số nơi vùng Montmartre trong những quán cà phê hạng xoàng. Nhưng anh ngủ ở đâu? Giấy tờ ra sao? Và rồi quan hệ thế nào với Félicien? Tại sao lại dính dáng đến tôi? Cô đã nghe những lời cuối cùng của Simon... Trong cơn hôn mê hấp hối anh ta tự kết tội mình. “Chỗ giấu... Ông già đã tìm ra chiếc túi... Tôi đã tìm kiếm...” Do đó, họ đồng mưu với nhau... Đúng không? Félicien cũng thế.

Nàng lắc đầu, như không thừa nhận Simon là kẻ trộm cắp. Không bao giờ anh nói với nàng về những việc đó. Raoul mất cả nhẫn nại, kêu lên:

- Thế đấy! Simon Lorient theo dõi tôi, lượn lờ quanh tôi! Faustine, trả lời đi.

Nhưng anh đụng phải im lặng, Faustine khóc. Nước mắt thất vọng chảy trên đôi má; nàng vặn tay nói lại nỗi khổ của mình:

- Tôi bao giờ cũng chỉ yêu anh ấy... Thế mà anh ấy chết... Tôi không gặp lại anh nữa... Ai đã giết anh ấy? Nếu không trả được thù thì sống sao nổi? Tôi phải báo thù... Tôi thề rồi...

Nàng khóc cả đêm với những lời thề và Raoul ngồi bên cạnh thức trắng.

Sáng sớm chuông nhà thờ gióng lên. Buổi lể tiễn những người chết.

Nàng nói:

- Người ta đưa tang anh ấy. Hôm qua bệnh viện đã định vào giờ này... Tôi sẽ một mình cầu nguyện cho anh ấy và xin lỗi chưa trả thù cho anh được.

Nàng ra đi, nhịp bước hài hòa và mạnh mẽ. Đôi chân dài, thân hình uốn éo.

Thời kì ấy Raoul đang trong giai đoạn hoạt động, đôi khi ý muốn nghỉ ngơi chỉ là một ý nghĩ thú vị. Không phải nghỉ hẳn.

Anh còn quá trẻ và ham, không từ bỏ được niềm đam mê phiêu lưu. Nhưng ít nhất khắp nước Pháp, trên bờ Biển Xanh, ở Normandie hay Savoie hoặc xung quanh Paris, anh đã chuẩn bị những Ốc đảo sẵn sàng cho những đợt nghỉ bất chợt. Một trong những ốc đảo ấy là ngôi nhà ở Vésinet. Ở đấy cũng như những chỗ khác, anh bố trí những người bạn cũ, một đầy tớ vừa lái xe, một bà làm bếp và những người trông nom vườn, tạo cho họ cuộc sống hưu trí bình lặng sau những công việc phục vụ trước đây. Thế mà bỗng nhiên số phận lại một lần nữa đưa anh vào cuộc đấu ghê gớm anh không tìm kiếm, không mong muốn.

Chối bỏ ư? Không được nữa. Muốn hay không cũng phải hành động. Trước hết, điểm chủ yếu của vấn đề là phải phát hiện ra vì sao anh, một nhân vật vô tư, người công dân vô sự của Vésinet bình lặng, lại dính líu vào những sự kiện có vẻ được bố trí mà anh không biết và có lẽ nhằm chống lại anh. Trường hợp như vậy sự tình cờ chẳng giải thích được gì. Giải thích phải dựa vào sự việc. Nhưng những sự việc ấy tìm ở đâu? Xảy ra như thế nào?

Raoul khép mình trong Clair Logis không động tĩnh gì một tuần, không gặp ai, từ bỏ mọi hoạt động nhưng vẫn đọc báo chí.

Qua đó anh biết Félicien bị buộc tội nhưng không cung cấp được tin tức gì.

Điều Raoul càng ngày càng băn khoăn vì sao anh dính líu vào vụ gai góc này. Anh bỏ công sức tìm cách giải quyết, xây dựng các giả thuyết, đưa ra nhiều hướng và không tránh khỏi đi vào ngõ cụt.

Luôn luôn vẫn câu hỏi đó với nhiều dạng khác nhau: “Mình làm gì trong tất cả chuyện này? Nếu có hai bi kịch móc nối vào nhau - điều ấy không còn nghi ngờ gì nữa - tại sao mình lại là một người có vai trò trong một việc? Tại sao đợt nghỉ ngơi của mình ở Vésinet bị xáo động? Và ai làm xáo động?”

Ngày mà tình cờ anh nêu lên câu hỏi này, anh buộc phải trả lời cho mình:

“Ai? Nhưng đó là Félicien, mẹ kiếp!”

Và anh nói thêm:

“Anh ta đến đây như thế nào? Việc bác sĩ Delattre giới thiệu quan trọng đến nỗi mình không điều tra gì về anh ta cả! Anh ta ở đâu ra? Bố mẹ là ai? Có phải mình bị lợi dụng mà không biết chăng?’’

Anh xem sổ tay ghi địa chỉ: “Bác sĩ Delattre, công viên Alboni”. Anh gọi điện thoại. Bác sĩ đang ở nhà. Anh nhảy lên ô-tô.

Bác sĩ Delattre, một ông già cao lớn, khô khan, bộ râu bạc trắng, tiếp anh ngay tuy có nhiều khách đang đợi.

- Anh vẫn khỏe đấy chứ?

- Rất tốt, thưa bác sĩ.

- Thế có việc gì vậy?

- Hỏi một thông tin. Félicien Charles là người thế nào?

- Félicien Charles?

- Bác sĩ không đọc báo ư?

- Không có thì giờ.

- Félicien là kiến trúc sư trẻ ông giới thiệu với tôi cách đây sáu hay tám tháng.

- Đúng thế, đúng thế... Tôi nhớ ra rồi...

- Ông đánh giá anh ta tốt chứ?

- Tôi ấy à? Nhưng tôi đã bao giờ gặp anh ấy đâu.

- Thế người ta cũng giới thiệu với ông?

- Chắc thế... Nhưng ai? Để tôi suy nghĩ xem... À! Tôi nhớ rồi... cũng khá buồn cười đấy. Thời kì ấy có một người đầy tớ làm tôi rất hài lòng... một người đàn ông đã có tuổi, thông minh, kín đáo, phục vụ tôi một phần như thư kí. Ngày tôi nhận được danh thiếp cuối cùng của anh, tôi bảo ông ta ghi lấy địa chỉ; ông ngắm nhìn tấm danh thiếp rất lạ, như biết dạng chữ trên danh thiếp và nói - tôi hoàn toàn nhớ rõ: “Đây là một người rất tốt, cái ông d’ Averny này. Bác sĩ phải giới thiệu với ông ấy anh kiến trúc sư trẻ mà trước đây tôi phục vụ bố mẹ anh ấy... và tôi đã từng nói chuyện với bác sĩ.” Sau đó, ông ta tự đánh máy bức thư đưa cho tôi kí. Câu chuyện là thế.

Raoul bèn hỏi:

- Bác sĩ còn có người đầy tớ đó không?

Bác sĩ bỗng cười.

- Tôi phát hiện ra ông ta lấy của tôi một số tiền khá lớn nên phải đuổi ông ta đi. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy một sự thất vọng đến thế: ‘Tôi xin bác sĩ. Đừng đẩy tôi ra đường... ở đây tôi có thể thành một người lương thiện... tôi sợ phải xa ông... đừng đuổi tôi. Cuộc sống xấu xa sẽ lại bắt đầu.”

- Tên ông ta, thưa bác sĩ.

- Barthélemy.

Raoul không chau mày. Anh chờ đợi nghe cái tên ấy.

- Ông Barthélemy ấy không có gia đình ư?

- Hai đứa con trai, hai kẻ vô lại, hôm ấy ông sụt sùi thú nhận với tôi như thế. Nhất là một đứa luôn chạy theo những cuộc đua ngựa và trong các quán bar.

- Những đứa con trai có thường đến thăm ông ta ở đây không?

- Không bao giờ.

- Không có ai đến thăm?

- Có, nhiều lần tôi gặp ông ta chuyện trò với một phụ nữ tầng lớp trung lưu... nhưng tế nhị và đẹp, rất vương giả. Môt hôm cách đây mười tám tháng, bà ấy gần như phát điên, đến tìm tôi, dẫn tới gặp một người bị thương ở gần đây.

- Bác sĩ có thể cho tôi biết được không?

- Không cần phải giấu giếm vì người ta có nói trong báo. Đó là Alvard, nhà điêu khắc nổi tiếng năm trước có trình bày ở triển lãm pho tượng Phryné tuyệt đẹp, ông biết chứ? Nhưng này - ông bác sĩ vừa cười vừa nói thêm - tôi hi vọng việc điều tra của anh không có gì ám muội, đúng không?

Raoul ra về, nghĩ ngợi. Cuối cùng anh tìm được một đầu mối và đã có thể cho rằng có sự thỏa thuận giữa ông già Barthélemy, người đàn bà xứ Corse và Félicien để đưa Félicien đến Vésinet.

Biết như vậy, anh đến tìm nhà điêu khắc Alvard ở cách đấy năm phút, đưa danh thiếp xin gặp.

Anh thấy trong xưởng làm việc một người đàn ông còn trẻ, phong cách tế nhị, có đôi mắt đen thật đẹp. Anh tự giới thiệu là nhà sưu tầm đến nước Pháp tìm mua những tác phẩm nghệ thuật.

Anh chăm chú xem và khen ngợi như người hiểu biết thực sự, những phác thảo, tượng bán thân, toàn thân, những tác phẩm chưa hoàn thành bề bộn trong xưởng và đồng thời không ngừng quan sát nhà điêu khắc. Quan hệ của người đàn ông hơi mảnh dẻ nhưng lịch sự, tinh tế này với người đàn bà xứ Corse ra sao? Nàng yêu ông ta chăng?

Anh mua hai bức tượng nhỏ bằng ngọc thạch rất đẹp. Rồi chỉ vào một bức tượng lởn phủ tấm vải trắng để trên đế, anh hỏi:

- Còn cái này?

- Cái này không bán - Nhà điêu khắc tuyên bố.

- Có phải bức tượng Phryné nổi tiếng của ông không?

- Đúng.

- Tôi có thể xem chứ?

Alvard bỏ tấm vải che và ngay khi bức tượng lộ ra, Raoul khẽ kêu lên mà nhà điêu khắc chỉ có thể cho là một thể hiện thán phục nhưng thực ra là sự ngạc nhiên gần như hốt hoảng. Không nghi ngờ gì, khuôn mặt ấy của nàng và những đường nét làm người ta có cảm giác được che phủ bởi sự mỏng manh.

Anh đứng lâu không nói gì, choáng ngợp vì kì quan ấy. Và anh thở ra:

- Chà! Không có người đàn bà nào như thế này.

- Có đấy - Nhà điêu khắc mỉm cười nói.

- Vâng, nhưng do ông là một nghệ sĩ lớn tạo ra. Thực tế trừ những nàng tiên ở Olymphe và những nữ vương Hy Lạp, đến nay sự hoàn hảo như vậy không có nữa.

- Vẫn có. Tôi không sáng tạo ra mà chỉ sao chụp thôi.

- Thế nào? Một người đàn bà làm mẫu ư?

- Chỉ là một người mẫu, trả tiền từng buổi. Một hôm nàng đến gặp tôi, nói đã làm mẫu cho hai ông đồng nghiệp của tôi. Nếu tôi đồng ý nàng sẽ đến, giấu giếm thôi vì người yêu của nàng ghen khủng khiếp và nàng không muốn là anh ta đau khổ.

- Vì sao nàng làm mẫu?

- Cần tiền.

- Và người yêu không bao giờ biết?

- Anh ta theo dõi và một hôm nàng vừa mặc quần áo xong anh ta tông cửa vào xưởng đánh tôi. Nàng đã tìm một bác sĩ gần đây. Vết thương không nghiêm trọng.

- Ông có gặp lại người đàn bà ấy không?

- Chỉ những ngày gần đây thôi. Nàng để tang người yêu và mượn tiền tôi để chôn cất anh ta tử tế.

- Nàng lại ngồi làm mẫu chứ?

- Có dịp thì chỉ khuôn mặt thôi. Nói một cách khác là không. Nàng đã thề rồi.

- Nàng sống ra sao?

- Tôi không rõ. Không phải một người đàn bà dễ làm mất giá.

Raoul còn nhìn ngắm rất lâu người đẹp Phryné và thì thầm:

- Thế là ông không nhường lại với bất cứ giá nào?

- Không. Đây là tác phẩm của đời tôi. Tôi sẽ không bao giờ làm với niềm hăng say và tin tưởng vào sắc đẹp đàn bà như thế.

- Vào sắc đẹp một người đàn bà mà ông yêu - Raoul nói đùa.

- Mà tôi mong muốn, có thể thú nhận thế. Nàng đã có người yêu. Nhưng tôi không luyến tiếc... Phryné ở lại với tôi.

7. NGÕ ZANZI – BAR

Đây là một ngõ cụt vắng vẻ vùng Grenelle ở trung tâm các xưởng máy và rất gần con sông Seine tao nhã chảy qua một trong những miền phong cảnh đẹp nhất Paris từ nhà thờ Đức Bà đến cánh đồng Tháng Ba.

Zanzi - Bar là nơi lui tới của tất cả những ai trong khu sống say mê đua ngựa hoặc mang nợ nần ở đó, những người bẻm mép quen thuộc trên sân cỏ, những người cá độ và các nhà bình luận.

Buổi trưa, vào giờ tan tầm và cả lúc năm giờ, tất cả rộn rịp tính toán.

Tối đến nó là một sòng bạc bí mật. Nhiều khi người ta đánh nhau, thường là say sưa ở đấy. Chính lúc đó Thomas Le Bouc - gọi tắt của “người cá độ” phát huy tầm quan trọng của mình. Thomas Le Bouc chơi khô khan và luôn luôn thắng. Anh ta cũng uống khan nhưng rất khó say. Khuôn mặt nhu nhược thể hiện sự độc ác, đầu cứng rắn, dáng mạnh mẽ, túi căng phồng, ăn mặc theo lối sang trọng, đội mũ quả dưa, anh là một người “biết rõ công việc của mình”. Công việc gì? Người ta không nói cụ thể. Nhưng tối hôm đó anh bắt tay vào việc và rất chú tâm.

Đến mười một giờ, một người nhợt nhạt vừa thua bạc, chân xiêu vẹo có vẻ không đứng vững vì vừa uống nhiều. Chiếc áo khoác tuy rất nhàu nát và bẩn vẫn cho thấy trước đây được cắt may rất khéo. Một chiếc cổ giả bẩn thỉu nhưng dù sao cũng là một chiếc cổ giả! Đôi tay sạch sẽ, chiếc cằm mới cạo râu. Tóm lại, một người thất thế.

Ông ta gọi:

- Rượu thì là!

Chủ quán không tin tưởng, đòi hỏi:

- Trả tiền trước.

Người kia rút ra một cuốn sổ đựng nhiều tờ giấy bạc, những tờ mười phrăng.

Thomas Le Bouc không ngập ngừng. Anh ta đề nghị:

- Chúng ta chơi hơn điểm về pô-cơ át chứ? Và tự giới thiệu: Thomas Le Bouc.

Người ấy trả lời, cũng lịch sự như thế, giọng nói hơi giống người Anh:

- Tôi là “Người Hào hoa”, nhưng tôi không chơi xúc xắc.

- Chơi gì?

- Bài.

Kết quả là chơi bài cũng giống như chơi pô-cơ át.

Người Hào hoa đòi đánh gỡ lại. Sau một số lần xen kẽ, ông thua hai trăm phrăng. Trong lúc đó, ông trả tiền, uống cốc rượu thì là thứ hai. Do cốc rượu hay không may? Ông sụt sùi, xiêu vẹo ra đi.

Người ta hoan nghênh chiến thắng của Thomas, không khỏi hơi ái ngại. Người Hào hoa thua cuộc rất dễ mến.

Hôm sau ông trở lại, lại mất thêm hai trăm phrăng, khóc và ra đi.

Hôm sau nữa ông đến, trong tình trạng say mèm không cầm nổi bài. Người ta thấy rõ không phải tiền hành hạ ông mà những cốc rượu thì là, vì ông lại khóc vừa ấp úng những việc không rõ ràng mà một số lời làm Thomas Le Bouc lấy làm lạ. Anh ta rót cho ông lần lượt ba cốc rượu và cũng uống từng ấy.

Họ khật khưỡng bước đi và cùng ngồi trên một chiếc ghế dài bên đường rồi cả hai cùng ngủ ở đó. Tính dậy họ nói chuyện ít lạc giọng hơn và Thomas Le Bouc tỉnh táo có một ý nghĩ rõ ràng hơn, quàng tay vào cổ ông bạn làm ra vẻ thân mật.

- Hoàn toàn tốt rồi chứ ông bạn? Ông uống quá nhiều và lộ ra những chuyện sẽ đưa ông vào nhà tù.

- Tôi vào nhà tù! - Người Hào hoa cãi lại một cách khó khăn.

- Đúng thế! Vụ Vésinet là thế nào mà ổng lải nhải trong quán?

- Vésinet ư?

- Rõ ràng là Vésinet. Đấy là một vụ của cảnh sát. Báo chí đã nói đến. Ông xoáy tiền ở đấy à?

- Không, người ta cho tôi.

- Ai vậy?

- Một người.

- Ông có ở Vésinet? Bao giờ thế?

- Có. Trước chiến tranh.

- Ông nói nhảm. Tiền ông không phải trước chiến tranh đấy chứ?

- Không.

Phải hai mươi phút tranh cãi vô vị trước khi Người Hào hoa cuối cùng tuyên bố:

- Anh nói đúng, Le Bouc. Không cũ như thế đâu.

- Có lẽ chỉ mới mười, mười hai ngày?

- Có thể thế.

- Và người ấy tên gì?

- A! Điều ấy tôi không nói được. Người ta cấm.

- Vì sao người ấy cho ông tiền?

- Thưởng về một việc phải làm.

- Việc gì vậy?

- Tôi không biết nữa.

Lại bàn cãi không dứt. Hai ông bạn kéo lê dọc đường rồi vào một quán khác, Người Hào hoa còn uống hai cốc rượu thì là với điều kiện Le Bouc cũng uống hai. Họ lại ra vừa đi vừa hát cho đến cảng.

Họ xuống đê dưới bao quanh sông Seine nơi có nhiều xuồng đang đậu. Người Hào hoa ngả xuống giữa những đống cát. Thomas đi rửa mặt, nhúng ướt khăn tay lên thấm ướt trán Người Hào hoa.

Ông này thở dễ dàng hơn và Thomas lại làm công việc khai thác một số thông tin. Anh ta làm theo cách khác, cố khơi dậy những ý nghĩ trong đầu óc say rượu này.

- Để tôi giải thích cho ông... người ta lấy trộm ở một biệt thự Vésinet một chiếc túi nhỏ vải xám có số tiền lớn. Chiếc túi bị mất. Người ta cho ông năm tờ để tìm lại, đúng không?

- Không.

- Phải rồi, một người trai trẻ cao lớn, thắt cà - vạt có chấm tròn...

- Không phải thế... Không có túi, không có cà - vạt chấm tròn...

- Ông nói dối! Thế tại sao người ta cho ông năm trăm phrăng?

- Người ta không cho năm trăm phrăng mà năm tờ một nghìn.

- Năm nghìn phrăng!

Thomas Le Bouc ở trong một trạng thái bị kích thích kì lạ. Năm nghìn phrăng! Và anh ta không thể nắm được. Cơn say tăng thêm và chính anh khóc một cách ngu ngốc, tâm sự vô tình buột ra như những lời than phiền:

- Này ông bạn... Chúng hoạt động cùng tôi như những tên cướp... Phải, ông già Barthélemy và Simon... Thế mà... chúng để tôi ra ngoài những phi vụ, chỉ bảo tôi: “Thuê một chiếc xe con và chờ chúng tôi ở cầu Chatou... Khi làm xong chúng tôi sẽ đến...” Và rồi chúng bị giết. Nhưng tất cả những cái đó tôi chẳng cần. Đừng nói đến nữa... có một việc khác...

Trong bóng tối người Hào hoa dần dần tựa lên một bàn tay và đôi mắt không say rượu nhìn kĩ khuôn mặt đầy nước mắt của Thomas Le Bouc.

- Một việc khác? Việc gì thế? - Ông lẩm bẩm - Anh nói về việc gì khác vậy, Le Bouc?

- Một vụ chúng bố trí, rất lớn. Tôi biết nhiều về vụ đó nhưng không phải tất cả. Tôi biết chúng đánh ai nhưng không nói tên người ấy hiện nay và ở đâu... Nếu không sẽ có hàng trăm nghìn... Hàng trăm nghìn... Chà! Nếu tôi biết.

- Đúng - Người Hào hoa thì thầm - Nếu biết được... Tôi sẽ giúp được anh.

- Ông sẽ giúp tôi, đúng không? - Le Bouc sụt sùi.

- Mẹ kiếp, được, tôi có thể giúp anh. Có thể xoay sở các vụ... những người...

- Ông biết à?

- Biết chứ. Vì thế tôi đã nhận được năm nghìn phrăng...

- Ông nói đấy là một người.

- Một người của một tổ chức... Ông ấy nói với tôi như thế này: “Người Hào hoa, có một ông muốn biết anh Félicien người ta vừa tống giam là người thế nào. Ông đi tìm hiểu xem. Khi thông tin được cho ông ấy sẽ có một số tiền như thế nữa.”

Thomas Le Bouc giật mình. Cái tên Félicien lay động anh ta trong cơn say. Anh nói:

- Ông nói gì vậy? Chỉ vì việc thăm dò về Félicien ư?

- Đúng, anh ấy đang ở trong tù. Và tôi phải trực tiếp gặp người thưởng tiền.

- Ông ta đã ra lệnh cho ông năm nghìn phrăng?

- Phải.

- Ông có chỗ hẹn chứ?

- Người lái xe sẽ dẫn tôi đến chỗ ông ta.

- Ở đâu vậy?

- Quảng trường Concorde trước bức tượng Strasbourg.

- Lúc nào?

- Ba ngày nữa... Mười một giờ sáng thứ năm. Người lái xe sẽ cầm tờ báo trong tay... Tôi thấy có thể giúp anh được.

Thomas Le Bouc đưa tay bóp chặt đầu như muốn giữ lấy những ý nghĩ. Félicien?... Ông có phần thường năm nghìn phrăng?... Phải chăng đây là hướng đi? Anh ta hỏi:

- Ông ấy ở đâu?

Người Hào hoa nói từng chữ:

- Hình như ông ấy ở Vésinet... Đúng... ở Vésinet...

- Người ta có nói tên ông ấy?

- Có... Báo chí nói đến nhân vụ này... Cái gì đó như Tavemy... d’ Avemy...

Giọng nói của Người Hào hoa có vẻ rất mệt mỏi. Ông không nói gì nữa. Le Bouc hết sức cố gắng bình tĩnh lại. Tất cả việc đó thật tối tăm nhưng anh cũng thấy được hai hay ba điểm rõ hơn mà những ý nghĩ xoáy vào.

Ngồi gần Le Bouc, đầu gục xuống ngực, Người Hào hoa đã ngủ. Ban đêm trời nóng và nặng nề dưới màn mây. Ánh đèn từ những chiếc xuồng im lặng nhảy nhót trên mặt nước. Trên cảng không một người qua lại.

Thomas Le Bouc nhẹ nhàng luồn tay vào giữa áo vét và gi - lê, sờ vào túi của người Hào hoa. Chỉ trong túi áo trong của gi-lê anh mới cảm thấy giấy cứng hơn của những tờ giấy bạc bèn rút ra. Không may tay anh đâm vào đầu đinh ghim nên có một cử chỉ phản ứng nhẹ.

Người Hào hoa tỉnh dậy ngay, có lẽ cũng chẳng ý thức được về điều đã xảy ra, gập người lại, hai tay bám chặt bàn tay đang muốn rút đi.

Sự kháng cự mạnh mẽ hơn Thomas nghĩ. Móng tay bám vào thịt muốn làm rách da. Và nạn nhân lại bắt đầu kêu cứu.

Anh ta sợ, hết sức lay kẻ thù, kéo lê trên đít. Ông kia bỗng kiệt sức, thả ra. Nhưng Le Bouc giận điên người không ngừng lại được. Ít say hơn anh biết mình đã tâm sự nhưng không biết nói gì nên rất bực tức. Khi đã rút tay ra, cả hai người quỳ như những đô vật ngay trên bờ sông. Le Bouc nhìn xung quanh: không có ai.

Anh ta đẩy Người Hào hoa rơi xuống và đứng lặng người một lúc, ngơ ngác, sợ hãi đã làm việc hầu như không chủ đích. Tại sao anh làm thế? Phải chăng để lấy cắp hay cản trở Người Hào hoa đến chỗ hẹn gặp ông năm nghìn phrăng?

Bên dưới, anh thấy ông vùng vẫy, chìm xuống nổi lên và cuối cùng biến mất.

Le Bouc bèn trở về nhà...

Dưới nước, Người Hào hoa bơi một phút theo dòng chảy. Chắc chắn Le Bouc không dõi theo nữa, ông trồi lên bơi vào bến cảng. Ông lên bờ một đoạn trước cầu Grenelle.

Lái xe chờ gần đấy. Ông lên xe, thay quần áo và đi về phía Vésinet.

Đến ba giờ sáng, Raoul đã nằm ngủ trên giường trong biệt thự Clair Logis của mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx