sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 1

Tháng Tám năm đó, Ngữ lại được may mắn trở lại Huế, đúng vào dịp toàn gia đình chàng chuẩn bị dọn hẳn vào Qui nhơn. Chàng không góp phần vào quyết định quan trọng này. Cả bà Văn lẫn Nam cũng vậy. Chính Quế đưa ra ý kiến ấy với những lập luận thưc tiễn. Ông Văn mất đi, những người đàn bà yếu ớt còn lại trong gia đình không còn biết phải xoay xở thế nào để mưu sinh. Nhà cửa tan nát không tiền sửa chữa. Ngữ và Lãng cũng không giúp đỡ gì được, trong khi tiền vốn buôn bán của Quế mỗi ngày mỗi hao hụt. Ở vào tình cảnh nghiệt ngã như vậy, người duy nhất cứu vãn được toàn gia đình là Quế.

Sau một chuyến đi xa kéo dài hai tuần lễ, từ Huế vào Đà nẵng, Chu lai, Qui nhơn, An khê… Quế trở về quyết định phải dọn nhà vào Qui nhơn. Quế nói với bà Văn:

- Ðà nẵng bây giờ làm ăn buôn bán khó khăn lắm rồi. Huế đổ vào, Sàigòn kéo ra, toàn dân có vốn lớn và có thân thế, mình không còn chỗ nữa. Má đừng tiếc cái bar Aloha. Bây giờ sang rẻ, nhưng còn được chút ít tiền vào Qui nhơn làm công chuyện khác. Để chậm ít lâu, bọn nó phá sợ cho không ai lấy.

Bà Văn ngồi ủ rũ nghe Quế phân bày, lâu lâu cúi xuống lấy vạt áo chặm nước mắt. Thấy mẹ không nói gì, Quế tiếp:

- Con ở Qui nhơn một ngày, lên An khê một ngày, ra phi trường Phù cát một ngày, thấy trong đó làm ăn được. Vùng Phù cát thì phi trường chưa làm xong, nhưng dân Sàigòn đã kéo ra thuê đất thuê nhà định mở bar, tiệm giặt, tiệm sửa và rửa xe. An khê thì đông đúc hơn, nhưng ồn ào quá. Con thấy Qui nhơn là được nhất.

Bà Văn lo ngại hỏi:

- Nhưng mình có quen ai trong đó đâu?

Quế bực bội, giọng hơi gắt gỏng, hỏi lại:

- Lúc vào Đà nẵng, mình cũng có quen ai đâu?

Thấy gương mặt mẹ đầy vẻ hớt hải, gần như khiếp phục trước con, Quế giật mình, dịu giọng lại:

- Má ạ, má đừng lo. Đi đâu rồi cũng gặp được người tử tế giúp đỡ. Ở trong đó người Huế mình nhiều lắm. Con mới đi một vòng chợ để xem giá cả, đã quen hai ba người đồng hương. Má cứ tin ở con!

Vâng, bà Văn phải tin ở Quế. Bà còn biết tin ai, dựa cậy vào ai, ngoài cô con gái tháo vát này,

Quế vào Qui nhơn một chuyến nữa vào tháng Năm. Thế là mọi sự xong xuôi. Kế hoạch của Quế nghe rất hợp lý: Với số tiền sang bar Aloha trong Ðà nẵng và tiền bán khu đất ở Huế, Quế sẽ vào thuê một căn phố ở Qui nhơn, mở một tiệm bún bò cho bà Văn và Nam lo, còn mình thì đi buôn đồ Mỹ. Quán ăn không cần phải mở ở khu phố thương mại, chỉ cần tìm một chỗ nào đó gần các công sở, trường học, trại lính, bệnh viện, nhằm thu hút thực khách là quân nhân, công chức, học sinh. Như vậy tiền thuê nhà mở quán sẽ không cao lắm. Vốn liếng cũng không bao nhiêu. Quế sẽ còn đủ tiền vốn để đi buôn thêm.

Những gì diễn ra sau đó đều thuận lợi theo kế hoạch của Quế. Cái bar được sang cho một “tay mơ” nên vừa mau chóng vừa không bị lỗ nhiều lắm. Khu đất có căn nhà đổ nát của gia đình ông Văn được ông thầu khoán Toàn bằng lòng mua với giá “ủng hộ” (chữ dùng của ông Toàn). Hôm Mân lái xe đưa cha tới gặp bà Văn, Ông Toàn bảo:

- Chị ạ, anh nhà dạy học ở đây đã lâu, các cháu nhà tôi tuy không có cháu nào được may mắn thụ giáo, nhưng cái đức hạnh và học thức của anh thì người dân Huế nào cũng được một phần ảnh hưởng. Nay anh chẳng may mệnh một, tôi tự thấy phải có trách nhiệm báo đáp cái ơn anh đã ban phát cho dân Huế trong suốt đời dạy học tận tụy. Từng hợp tác làm ăn, chị và cháu Quế chắc đã biết tính tôi: việc không phải, một xu tôi cũng tiếc. Việc phải, một triệu tôi không tiếc. Tôi nghe cháu Quế có ý định đưa gia đình vào Qui nhơn, vội nghĩ: Phải làm cách nào giúp cho cháu một tay. Thôi, nhà cửa đất cát ở đây, chị cứ để cho chúng tôi trông coi hộ. Lúc nào chị và các cháu muốn về Huế trở lại, chúng tôi lại xin sẵn sàng.

Bà Văn cảm động quá, chỉ biết khóc. Những lúc gặp hoạn nạn, bà mới thấy lòng người bao la, nhân ái và thánh thiện. Bà cảm ơn hai cha con ông Toàn, rồi câu chuyện cứ quanh quẩn vì bà không biết “trông coi hộ” là làm cái gì, bà phải trả tiền cho ông Toàn hay ông Toàn trả tiền cho bà. May mắn là Quế về kịp thời. “Bác cháu” đưa nhau ra sân trước bàn tính không đầy mười lăm phút, là xong. Chờ cho khách đi rồi, Quế mới hớn hở bảo mẹ:

- Lão già tưởng lấy giọng ân nghĩa ra lay được con, nhưng còn lâu,

lão…

Bà Văn ngắt lời con gái:

- Con đừng nói hỗn với người có lòng, mang tội.

Quế khựng lại, ngỡ ngàng nhìn bà Văn một lúc, rồi phá lên cười.

- Má bảo sao? Lão Toàn mà là người có lòng à? Bao nhiêu tiền hùn hạp của bác Thanh Tuyến, cha con lão có chịu trả lại đồng nào đâu? Chắc lão lại giở giọng ân nghĩa ra với má chứ gì!

Bà Văn nói:

- Không. Ông ta chỉ nói là cảm cái đức của ba mày, nên xin trông coi hộ…

- Trông coi hộ! Lão cũng nói với con như vậy. Con cười, gạt phắt mấy lời giả dối đó. Lão còn bảo thiên hạ đua nhau bỏ Huế mà đi, Huế là đất chết, nhà đất cho không ai thèm lấy.

Bà Văn nóng ruột hỏi:

- Thế ông ta có chịu… có chịu mua không?

Giọng Quế có vẻ đắc chí:

- Cơ hội nghìn năm một thuở để mua rẻ bán đắt, sao không chịu!

- Rẻ là bao nhiêu?

- Lão lấy cớ khu này chỉ cất nhà ở chứ không buôn bán được, nên thuận mua đứt với giá hai mươi lạng vàng. Nhưng…

- Nhưng sao?

- Nhưng lão đòi phải có anh Ngữ và Lãng về ký vào giấy đoạn mãi mới giao tiền.

Bà Văn chợt nhớ đến hai con trai, rồi nhớ đến người đàn ông khác đã khuất bóng trong đau thương tức tưởi.

Bà lại sụt sùi. Quế bực mình bảo mẹ:

- Má lại khóc! Con viết thư cho thằng Lãng và anh Ngữ ngay. Má yên tâm. Mọi sự con lo liệu. Để con lên cho chị Nam biết.

Bà Văn thẫn thờ nói:

- Tùy con.

Ngữ về lúc việc chuẩn bị đã đến giai đoạn chót. Theo dự tính chỉ còn ba ngày nữa toàn gia đình sẽ rời bỏ nơi mà từng ngọn cỏ khô, từng viên gạch vỡ trên lề đường, từng mảnh báo cũ ố vàng dưới gầm giường đều là kỷ niệm. Bỏ Huế mà đi, chỉ nghĩ tới đó đã thấy lòng quặn thắt. Nhưng không còn cách nào khác. Cho nên từ bà Văn tới Quế, Nam, đều như người mất hồn. Chỉ có con bé Thúy là hí hửng, chạy lăng quăng khắp nhà, cười nói bi bô, hỏi ngoại và mẹ đủ thứ chuyện.

Ngữ về tới nhà vẫn chỉ gặp một mình Nam ở nhà. Sau Tết, phần nhà không bị sập tuy vẫn còn ở tạm được, nhưng tường bị nứt chưa biết sẽ đổ vào lúc nào, nên cả nhà tạm trú dưới những mái tôn gác tạm một đầu lên bức tường phía tây, một đầu lên cành ổi gần chỗ nấu bếp. Diện tích cư trú vốn đã chật chội, bây giờ lại thêm bao nhiêu thứ đồ đạc dồn cả lại chờ đóng thùng, nên lại càng chật chội hơn.

Một điều Ngữ khá ngạc nhiên, là chàng thấy Nam có vẻ vững chải, bình thường hơn là chàng tưởng. Sau Tết, từ Pleiku, tuần nào Ngữ cũng viết thư về Huế cho Nam. Chàng lo sợ em gái không thể chịu đựng được bấy nhiều tai họa và tuyệt vọng. Nam không trả lời thư anh đều đặn, nhưng trong các lá thư ngắn phúc đáp, Nam bảo Ngữ đừng quá lo cho mình. “Em chịu đựng được! Em quen rồi!” Nam già hơn năm ngoái, ốm hơn năm ngoái. Mái tóc thưa hơn, để rối không chải, nên mới nhìn tưởng Nam như một góa phụ thôn quê đã gần bốn mươi. Những đổi thay ấy Ngữ đã chờ đợi trước, không làm cho chàng ngạc nhiên. Chỉ có gương mặt bình tĩnh, lối nói từ tốn không vồ vập, mừng rỡ hay biểu lộ sự đau khổ ra ngoài là điều bất ngờ. Ngữ ngỡ ngàng thấy em không cho việc mình xin được về Huế vào dịp trọng đại này là một niềm vui, là một may mắn. Nam chỉ ngước lên, ánh mắt chợt rạng rỡ, rồi mặt nghiêm lại, nói gọn:

- Anh đã về!

Thế thôi. Ngữ lúng túng, đặt cái xắc vải lên một thùng giấy đã cột lại, nhìn quanh hỏi:

- Má đâu rồi?

- Má với con Quế đi hỏi xe.

Ngữ lo âu hỏi:

- Nhà cửa trong đó đã xong xuôi chưa?

- Rồi. Con Quế đã đặt tiền cọc. Họ cũng đã quét vôi lại. Nghe Quế nó bảo nhà hơi chật, nhưng được lợi thế là nằm ở góc đường, có thể mở quán được.

- Thuê bao nhiêu một tháng?

- Em không biết.

Ngữ chợt nhớ, hỏi Nam:

- Cháu đâu rồi?

- Nó đòi đi theo ngoại. Má định chờ anh về thì cùng nhau đi thăm mộ ba.

Nhắc đến ông Văn, hai anh em cùng bồi hồi xúc động, yên lặng khá lâu. Cuối cùng, Nam nói:

- Má đi mua thêm một ít hoa quả và vàng hương để thăm ba. Anh về, chắc chiều nay đi thăm mộ.

- Tháng trước, má viết cho anh bảo chờ có tiền thì xây mộ xi măng và dựng bia cho ba…

Nam không chờ Ngữ hỏi, đáp:

- Xong tuần trước. Có anh Huân học trò cũ của ba ở Quốc Học mang biếu má tấm ảnh cũ học trò chụp ba trong một bữa tiệc liên hoan lớp cuối năm, ảnh đẹp lắm. Má với em đưa luôn cho thợ bia. Chiều nay anh lên xem, chắc thích!

Hai anh em nói quanh co những điều bình thường một lúc, rồi Ngữ lấy quần áo ra sông tắm.

Những đổ nát của chiến tranh vẫn còn y nguyên. Hầm hố công sự chiến đấu đào trong các khu vườn hoặc dọc theo bờ sông vẫn chưa được lấp lại. Cây cối gãy gục vì bom đạn vẫn nằm ngổn ngang trên các lối đi. Dường như mãi sáu tháng sau cơn bão táp, người dân Huế chưa tỉnh khỏi cơn bàng hoàng hãi hùng. Nắng đổ lửa trên các mái tôn che tạm, thời tiết oi bức nên lũ trẻ bỏ nhà ra sông ngụp lặn, bơi lội bì bõm để tránh nắng.

Ngữ cởi bộ đồ nhà binh đẫm mồ hôi, xếp gọn gần một gốc ổi trong vườn, rồi mặc quần đùi đi về phía sông. Trẻ con hàng xóm nhìn chàng, tò mò. Ngữ ngạc nhiên là chúng đã quên chàng quá mau. Nước sông ấm, nhưng lúc lội xa bờ một chút, chàng cảm thấy mát mẻ hơn. Những chiếc lá héo nổi bập bềnh, những nhánh rong bị nước cuốn không biết trôi giạt từ đâu, và cả những luồng nước lặng lẽ hiền hòa cùng nhau âu yếm mơn trớn tấm thân chàng. Ngữ cảm thấy an lạc, tâm hồn nhẹ nhõm. Chàng bơi ngửa chầm chậm, mắt nhắm lại không cần định phương hướng, cứ để mặc cho đôi chân hợp cùng sóng nước đưa đến đâu thì đưa. Nắng phủ lên khuôn mặt chàng, và qua đôi mi khép, Ngữ thấy một màu hồng êm ả.

Ngữ thầm nói một mình: Ta sắp xa đây rồi! Ta không còn một chỗ thân yêu để về! Từ đây về sau, nếu có về, ta chỉ còn là khách của Huế! Ta không hề muốn như vậy, nhưng mọi sự đẩy đưa ở ngoài tầm tay của ta, Huế ơi! Ta không cất tiếng khóc chào đời ở đây, nhưng từ tuổi hiểu biết, từ thời ký ức cho phép ta ngược đường nhớ lại, cái nhớ đầu tiên của ta là nhớ chuyện Huế.

Ánh sáng qua làn mi khép của Ngữ chợt sậm lại. Ngữ mở mắt, và thấy mình đã bơi qua tận bờ sông bên kia, sắp tiến về phía một bụi cây mọc sà trên bờ nước. Một nhánh cây khá lớn mầu xám bạc đâm ngang, la đà cách mặt nước không đầy hai tấc, bên trên những chiếc lá to bằng bàn tay của một cành khác làm thành một vòm che. Ngữ thấy thích thú vì vô tình tìm được một chỗ tịch mịch, bơi đến gác đầu lên cành cây, nhắm mắt lại tận hưởng sự trìu mến của đất trời, cây cỏ.

Chàng bắt đầu ôn lại những kỷ niệm Huế.

Ngữ cảm thấy mình trẻ lại, quên mất cả tuổi hai mươi tám của mình, như dòng sông êm đềm này có phép gột rửa cho chàng những năm tháng nhọc nhằn bất như ý, đưa chàng trở ngược về nguồn. Tiếng lũ trẻ con nô đùa bên kia sông vẫn còn văng vẳng đến đây. Chàng như đứa trẻ tham lam bị chóa mắt trước đống đồ chơi sặc sỡ hấp dẫn, vừa nhớ đến kỷ niệm thân yêu này, chưa kịp ôn lại cho sâu, đã vội chuyển qua kỷ niệm khác. Chỉ có một kỷ niệm ấu thời làm Ngữ xúc động hơn hết, và vì xúc động, chàng mất cả sự hồn nhiên vô tình tìm được, đến nỗi không thấy hứng thú nữa, quày quả bơi về.

Ngữ nhớ hồi đó gia đình vừa dọn về căn nhà ven sông này, và hình như cậu bé trai đầu lòng chỉ mới có một đứa em gái mới sinh mà thôi. Chi tiết ấy chắc Ngữ nhớ đúng, vì chính lòng ghen tị với đứa em mới sinh đã là vết thương hằn sâu trong ký ức cậu bé, mãi đến bây giờ vẫn không hề phai đi. Cậu bé cảm thấy mình bị bỏ rơi, bị một con nhỏ xa lạ (tuy bé bỏng nhưng ồn ào ngang chướng một cách đáng ghét) không hiểu từ đâu tới, ngang nhiên giành hết tình thương của ba má cậu, không nhín cho cậu lấy một chút hạnh phúc nhỏ nhoi. Cậu đã lén véo vào bắp chân non của nó khi không có mặt ba má trong phòng. Nó khóc thét lên, tiếng khóc chát chúa khó nghe. Ba má cậu lại được dịp dỗ dành nuông chiều nó. Ngữ nhớ chính vào thời kỳ bị “thất sủng” này mà cậu bé nhút nhát mới bắt đầu mon men bước qua khỏi ngưỡng cửa, làm quen với lũ trẻ hàng xóm. Cậu bé học ngay được nhiều bài học hay. Cậu học được cách uốn đầu lưỡi và chu môi thế nào để nhổ nước miếng đánh phẹt một cái, y như bấm cò bắn ra một viên đạn. Cậu học được cách kết lá mít làm mũ, kết thân chuối làm bè. Cậu học được cách múa gươm như D’ Artagnan hay Robin des Bois. Quan trọng nhất, lũ bạn dạy cho cậu cách bơi.

Chúng biểu diễn cho cậu thấy đủ mọi tài năng, nhất là tài bơi lội như rái cá trên sông. Nhiều đứa không làm gì cả, chỉ nằm im cũng nổi được trên mặt nước. Cậu muốn chúng dạy cho cậu bí quyết thần kỳ. Có ngay. Chúng bắt cậu long trọng thề là không được tiết lộ cho ai biết bí quyết. Thề thì thề, sợ gì! Chúng còn cảnh cáo là phải gắng chịu đau đớn, nếu chết nhát như lũ con gái bỏ cuộc nửa chừng, thì Hà Bá sẽ phạt, không bao giờ biết bơi được nữa. Nghe nói tới đau đớn, cậu hơi chùn, nhưng cậu ghét bị xem là thứ con gái chết nhát. Cậu giơ tay long trọng thề sẵn sàng chịu đựng mọi đau đớn, và không tiết lộ bí quyết cho bất cứ ai. Bài học khai tâm xảy ra vào một buổi trưa oi ả, ở một bờ sông vắng. Hai “đại sư huynh” một vị bảy tuổi tóc khét nắng, một vị sáu tuổi da đen như mun bắt cậu bé thề bồi một lần chót, rồi chìa ra cho cậu một con chuồn chuồn voi, bảo cậu phải tự mình dí miệng chuồn chuồn vào rún cho nó cắn. “Được cắn càng đau, được cắn càng lâu, càng mau biết bơi”. Cậu bé cầm con chuồn chuồn trên tay, do dự chưa làm gì vì lòng hồ nghi. Hai “đại sư huynh” thúc giục nhiều lần, cậu mới lấy hết can đảm dí đầu chuồn chuồn vào rún. Cậu cắn răng chịu đau đớn, thứ cảm giác đau đớn xót buốt từ chỗ nhạy cảm truyền nhanh khắp thân thể, đau đến nhức óc, đau đến chảy cả nước mắt. Nhưng cậu không thể bỏ cuộc được nữa. Cậu dí mạnh đầu chuồn chuồn vào rún, cho tới lúc không còn thấy đau đớn gì nữa. Con chuồn chuồn bị đè quá mạnh đã chết bẹp trên rún cậu. Máu tuôn ra đỏ cả một khoảng da bụng. Cậu hớn hở nói:

- Rồi! Bây giờ bơi được chưa?

Hai đại sư huynh cười đắc chí, cùng bảo:

- Ðược. Nhảy xuống bơi đi. Nhớ đừng bơi ngang. Cứ bơi dọc theo bờ.

Cậu run rẩy khắp người vì đau đớn và hân hoan. Trút bỏ nhanh cái quần cụt, cậu phóng xuống nước.

May là hai đứa trẻ hàng xóm rắn mắt kia vẫn còn có chút “lương tâm”. Chúng đã chịu khó chờ cho cậu uống đầy bụng nước sông, khi đã học đủ bài học hay đầu đời, chúng nhảy xuống vớt cậu lên. Cậu xấu hổ, ôm quần chạy một mạch về nhà. Cậu trốn vào một góc vườn rậm, khóc mùi mẫn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx