sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Gần như Huế đã quay lưng với Ngữ để tránh cái cảnh bịn rịn giã từ. Ngữ ngậm ngùi thấy mình như một khách lạ của Huế. Những ngày cuối cùng chàng dành cho Huế, trong thâm tâm, Ngữ cũng muốn càng gặp nhiều quyến luyến tiếc nuối càng tốt. Nhưng không. Chàng không gặp ai quen thân đủ để bịn rịn chia tay hoặc hứa hẹn tái ngộ. Dường như nhà nào cũng rắp ranh bỏ Huế, bỏ Huế để đi đâu, không ai biết, nhưng phải bỏ Huế thôi! Trong khi chờ đợi, họ phải đối phó với biết bao nhiêu việc phải làm: một ngôi mộ vùi nông bên đường phải cải táng để thân nhân xấu số có một chỗ yên nghỉ tịch mịch, một người mất tích phải tìm cho biết đích xác sống chết thế nào, một mái nhà dột phải vá lại trước mùa mưa. Ai nấy đều có những lo toan riêng, nên người ta trở nên ích kỷ, hờ hững với nhau.

Ngữ chứng nghiệm thế thái khác thường đó khi lỡ hỏi mượn chiếc Goebbel của người hàng xóm để chở mẹ đi thăm mộ. Hai gia đình ở bên nhau hàng mười mấy năm, cùng nhau chia sẻ bao nhiêu mưa nắng thất thường của cả thời tiết lẫn thời thế. Mặc dù vậy, người hàng xóm vẫn không ngần ngại từ chối, từ chối phắt, gọn lỏn, không cần dài dòng giải thích. Quế bực, đòi thuê một lúc mấy chiếc cyclo để trêu tức lão già bần tiện. Bà Văn gạt đi, bảo đường xa, leo dốc, qua cầu nổi, phu cyclo sẽ đòi giá cao tới mức không thể chịu nổi. Cuối cùng, hai mẹ con Nam đành ở nhà. Quế đèo bà Văn bằng xe gắn máy, mang theo giỏ đồ cúng. Ngữ đi chiếc xe đạp của Nam.

Bãi tha ma nằm ở chân một ngọn đồi trọc, chung quanh không có lấy một khóm cây đủ cao để có một chỗ râm tránh nắng. Quế và bà Văn đến trước, ngồi chờ Ngữ ở cái quán bánh bèo heo hút ế khách nằm ngay đầu con đường mòn dẫn lên nghĩa địa. Ngồi ở quán chờ lâu mà không ăn uống gì của quán cũng kỳ, bà Văn bảo Quế gọi hai dĩa bánh bèo. Bột bánh đã ngả mùi chua, bột tôm rải lên bánh được mạo hóa bằng bánh mì vụn trộn tí phẩm đỏ. Quế gắp vài miếng rồi bỏ cả dĩa để biểu lộ sự bất mãn. Bà Văn liếc nhìn về phía bà cụ chủ quán, ái ngại, rồi cúi xuống rán ăn nốt cho hết dĩa bánh. Cả chủ lẫn khách đều cảm thấy không thoải mái, nên khi Ngữ đến, bà Văn bảo Quế trả nhanh tiền để lên nghĩa địa.

Bà Văn và Quế ngơ ngẩn không biết đích xác mộ ông Văn nằm ở chỗ nào, vì chỉ mới cách có một tháng, đã có không biết bao nhiêu ngôi mộ mới trên bãi tha ma. Quế hỏi mẹ:

- Mộ ba nằm cạnh con đường mòn và ngôi mộ xây granito màu xám. Có phải chỗ kia không má?

Bà Văn nheo mắt nhìn quanh một lúc, hỏi lại:

- Con đường mòn đâu rồi?

Họ không tìm thấy con đường mòn nào. Cả khu nghĩa trang vốn ở một vùng đất hẻo lánh khô cằn ai cũng chê, trước đây chỉ có chừng vài chục nấm mộ. Sau Tết Mậu Thân, hồi đám tang ông Văn, con số lên được gần trăm. Nay thì mồ mả chi chít, phu huyệt, thợ bia thường trực làm việc ở đó tới mười mấy người. Quế nhận ra được người thợ bia đã nhận làm bia mộ cho ông Văn, mừng rỡ gọi:

- Chú Sửu, mộ ba con nằm ở đâu?

Người thợ bia nhận ra khách quen, bỏ đám bạn đồng nghiệp, đi tới chỗ ba mẹ con bà Văn. Quế đùa:

- Chú Sửu độ này làm ăn khá dữ!

Người thợ bia gỡ cái nón lá xuống, phe phẩy quạt. Mồ hôi rịn chảy trên khuôn mặt da rám nắng và teo ngắt. Ông lão thôi nhai trầu, nói theo thói quen:

- Nhờ ơn Trời Phật, cũng có việc làm để có bát cơm mà ăn.

Quế bẻ lại:

- Trời Phật nào! Nhờ mấy ông Việt cộng đó chứ!

Người thợ bia ngớ ra. Khi hiểu, ông lúng túng. Bà Văn liếc con gái, nhíu mày khó chịu vì cho rằng Quế đùa không đúng lúc. Bà xoay câu chuyện:

- Mới cách đây một tháng mà thêm nhiều mộ quá. Chúng tôi tìm không ra mộ ông nhà tôi!

Chú Sửu mau mắn đáp:

- Chỗ kia mà! Đi theo tôi, tôi chỉ cho.

Bà Văn và Quế không tìm ra mộ ông Văn cũng phải, vì lúc xây xi măng và dựng bia, ngôi mộ nổi hẳn lên giữa đám những nấm đất lụp xụp chung quanh. Ông Văn trong tấm bia granito thắt cà vạt, đầu chải rẽ giữa ngay ngắn, đang tươi cười nhìn thẳng ra một chân trời không vướng mắc, chân trời tuy đìu hiu chói chang nhưng có lẽ cũng không khiến ông buồn vì còn được cái bao la, mênh mông. Bây giờ, những ngôi mộ chung quanh đều được thân nhân người quá cố xây cao lên. Gần như có một cuộc thi đua âm thầm giữa các tang gia để biểu lộ lòng thưong tiếc trìu mến với người đã khuất. Ngôi mộ ông Văn vô tình trở thành cái chuẩn khởi đầu. Người ta đến xem cách xây mộ, cách dựng bia, cách khắc chữ, hỏi thăm nơi chốn lập mộ chí, và cứ thế, xảy ra cuộc tranh đua giữa những người chưa hề gặp mặt nhau. Kẻ ở giữa hưởng lợi là những phu huyệt và thợ bia như chú Sửu. Kết quả: mộ ông Văn trở thành một căn phố cũ mái ngói âm dương rêu bám lọt thỏm giữa những phố lầu. Chú Sửu lăng xăng kể công:

- Ai tới đây cũng tấm tắc khen tấm bia tôi làm cho ông cụ.

Rồi người phu huyệt bẽn lẽn thêm:

- Nói cho ngay, công phu của tôi cũng đã được ông cụ đền đáp. Nhờ ông cụ “giới thiệu”, tôi được nhiều người đặt làm bia. Tấm bia kia kìa, tôi mới dựng sáng nay đấy. Cũng lấy kiểu tấm bia ông cụ, nhưng cao giá hơn, vì có phần trang điểm hoa văn.

Quế không muốn dài lời với người thợ bia, nói cộc lốc:

- Cảm ơn chú Sửu. Thôi chú đi làm việc đi, má con tôi nhờ nhõi chú nhiều rồi!

Bà Văn vội nói:

- Gia đình chúng tôi sắp dọn đi xa. Trăm sự…

Chú Sửu ngạc nhiên hỏi:

- Đi đâu?

Bà Văn bối rối, giọng phân trần:

- Chú tính, cửa nhà tan nát hết, ông nhà tôi nằm xuống rồi,…

Chú Sửu nghe những lời đã quen tai, không muốn nghe tiếp. Chú trở lại thực tế:

- Nhưng đã có nhờ ai coi sóc giùm mồ mả chưa? Lũ chăn bò ở đây chúng nó ẩu tả lắm, cứ để mặc cho trâu bò dẫm bừa lên mồ mả. Không nhờ ai trông coi, không được đâu!

Bà Văn mừng rỡ nói:

- Ấy, chúng tôi cũng định nhờ chú.

Quế nói:

- Má tôi sẽ gửi chú chút ít tiền ăn trầu hút thuốc.

Người thợ bia hơi ngượng, nói lảng:

- Thôi, chuyện đó tính sau. Nhưng bà và các cháu định dọn đi đâu? Ai cũng bỏ Huế mà đi, thảm quá!

Quế không muốn dây dưa thêm nữa, nói:

- Trước khi đi, thế nào cháu cũng gặp chú. Vẫn căn nhà hôm trước cháu tới đặt làm bia chứ gì?

- Ừ, vẫn ở đó. Cháu thấy đấy, vất vả cả đời mà chỉ dựng nổi căn nhà tranh lè tè thế thôi. Cũng may nhờ bà con thương giúp đỡ, nhờ coi sóc mồ mả, mới có bát cháo cho gia đình.

Chú Sửu ăn nói kiểu cách, làm cho cả Quế lẫn bà Văn đều cảm thấy không thoải mái. Quế nói:

- Thôi, ân với nghĩa gì, chú ơi! Giúp qua giúp lại với nhau mà. Má với cháu có chút việc phải làm. Hẹn mai chú nhé.

Người thợ bia bị hụt hẫng, ngần ngừ định nói thêm gì nữa, nhưng lại thôi, im lặng bước đi.

Hai mẹ con thấy Ngữ đang ngồi thẫn thờ trước tấm hình lộng kính của ông Văn trong mộ chí. Quế khoe:

- Em lựa tấm ảnh này đấy. Tấm ảnh giống ba nhất!

Bà Văn nói:

- Ảnh trẻ quá! Má thích cái ảnh nào già một chút.

Quế cãi lại:

- Cái này tốt hơn chứ! Ba không già, ba trẻ trung hoài. Anh Ngữ biết không, nhiều hôm ba giỡn với con Thúy y như hai đứa nhỏ giỡn chơi với nhau. Thấy có em, ba làm bộ nghiêm trở lại.

Ngữ thấy Quế hiểu chữ “trẻ trung” một cách đơn giản, nhưng biết Quế không phải là người có thể nói về những điều trừu tượng sâu xa. Chàng đồng ý với em gái là cha mình vẫn giữ được sự trẻ trung cho đến lúc chết, vì lúc nào, ông Văn cũng vẫn khao khát được sống một cách tuyệt đối chân thực, cũng vẫn ao ước được thấy một cuộc đời toàn thiện, toàn hảo. Ngọn lửa hy vọng lạc quan trong ông có lúc cháy bùng lên, có lúc leo lét hiu hắt, nhưng vẫn âm ỉ cháy. Ông không chịu thua cuộc. Thất bại trong cách thích ứng với đời sống phức tạp, ông thu mình lại, tìm kiếm lối thoát ở sách vở. Ngữ không nhớ cha mình đã làm những việc gì trước khi tìm được nghề dạy học để mưu sinh. Chàng cho đó là nghề thích hợp nhất đối với bản tính của cha. Ngữ thấy cha cũng giống mình ở chỗ thích nghi rất dở với những phức tạp đảo điên trên đời, ở chỗ lúng túng đối phó với cái tráo trở, cái dối trá, nên chỉ còn cảm thấy tự tin và thoải mái trước đám học trò còn chất phác và đồng nhất ở tâm hồn. Chàng nhìn khuôn mặt cha trong mộ chí, bồi hồi nhớ lại những buổi học văn chương với cha ngày xưa. Trong ảnh, ông Văn nhìn thẳng tới trước, miệng hơi mỉm cười, nhưng “nụ cười” lạc quan trọn vẹn nhất lại tỏa ra từ ánh mắt. Niềm tự tin ở đó. Lòng trìu mến với đám học trò đang quây quần quấn quít bên ông ở đó. Hoa mỹ của văn chưong ở đó. Thâm trầm của triết lý cổ kim ở đó. Bà Văn nói đúng khi trách Quế đã chọn một tấm ảnh quá trẻ. Ông Văn trong ảnh gần như không liên hệ gì tới cái chết thảm khốc của ông, gần như không hề biết rằng trong đám học trò đang trìu mến ông, về sau, có những đứa căm thù cái cà vạt ông đang đeo nơi cổ, có những đứa đố kỵ cái kính trắng ông đang mang trên mắt, có những đứa hằn học với những lời hoa mỹ ông say sưa rao giảng, vì cho đó là hỏa mù làm cho chúng không thấy được kẻ thù. Nhẹ hơn, có những đứa trách ông ướm hương lên một cuộc đời tàn tệ, góp phần làm cho chúng hụt hẫng, lạc lõng về sau.

Đột nhiên bà Văn nói:

- Mai sau… các con làm sao cho má được nằm cạnh ba.

Quế trách mẹ:

- Má nói gì kỳ vậy! Má ở với chúng con mãi mãi!

Bà Văn bắt đầu sụt sịt khóc. Ngữ và Quế không biết phải làm gì, lặng yên ngậm ngùi nhìn những giọt nước mắt lăn từ từ trên má bà Văn. Rồi cả hai cũng khóc theo. Bà Văn nói với chồng:

- Mình ở lại nghe mình!

Bà dừng lại, cố nén cho khỏi khóc lớn, rồi nhắc lại:

- Mình ở lại nghe mình!

Quế bật khóc lớn, đến ôm lấy vai mẹ. Bà Văn thì thào như đang nói bên tai chồng:

- Xa mình, tôi xót xa đến đứt ruột. Nhưng biết làm sao hở mình! Nếu được nằm đây với mình, được đi theo mình, thì còn gì sướng bằng! Vô trong đó không biết mấy mẹ con sẽ ra sao, nhưng mình yên tâm. Có khổ sở gì, cũng không khổ bằng phải đành đoạn bỏ mình nằm một mình ở đây. Nếu nhà cửa còn, thì tôi cũng rán ở lại đây để thăm nom hương khói. Nhưng số phần mình như vậy, nhà cửa như vậy, vô trong đó may ra còn tìm phương mà sống. Mình hiểu cho tình cảnh mấy mẹ con. Mình “ừ” một tiếng cho tôi yên tâm. Mình có nghe tôi nói không?

Rồi bà Văn tiếp tục kể lể những chuyện vui buồn trong đời sống vợ chồng, từ hồi ông bà mới gặp nhau, từ hồi sinh Ngữ. Nghe mẹ nói mê man, kể lể chuyện vãn với ông Văn như đang nói với người còn sống, Quế lay vai mẹ, nhắc nhở:

- Thôi, má! Ba hiểu má mà! Ðể con bày đồ cúng ra nghe má?

Bà Văn ngơ ngác nhìn Quế, rồi nhìn Ngữ. Dần dần, bà trở về với thực tại. Bà bảo con gái:

- Con bày ra đi. Gói nhang đâu?

Quế lục cái giỏ ni lông thấy thiếu gói nhang. Bấy giờ hai mẹ con mới nhớ là đã để quên ở quán bánh bèo, lúc bà Văn lục soạn kiểm soát lần cuối những thứ mang theo. Ngữ lấy xe đạp đổ dốc trở lại quán, và khi chàng trở về thấy mẹ vẫn còn ngồi thừ trước ảnh ông Văn, còn Quế thì đang mặc cả với chú Sửu về số tiền trầu thuốc “phải chăng” để người thợ bia chăm sóc ngôi mộ.

Buổi sáng, khi chuẩn bị nấu đồ cúng để thăm mộ, Quế tần ngần suy nghĩ, rồi hỏi mẹ là ông Văn thời sinh tiền thường thích ăn món gì. Câu hỏi làm cho bà Văn khó trả lời. Sau bao nhiêu năm chung sống, vui buồn có nhau, bà vẫn không biết chồng mình thích ăn món gì nhất. Bà chỉ có một ý niệm chung chung là ông không thích ăn cay, một điều rất lạ đối với những người ở Huế. Nghĩ ngợi sâu thêm, bà nhớ hình như ông Văn không thích đồ chiên xào có quá nhiều gia vị. Tuy thích các món mặn và khô, như cá bống kho, tôm rim. Nói chung, những ý thích ấy rất tổng quát, giống như một người thích mèo hơn chó, nhưng không đặc biệt thích nuôi loại mèo nào, cũng không chăm chăm ghét loại chó nào. Quế thấy mẹ lúng túng, quay sang hỏi Nam. Nam hờ hững trả lời cho qua:

- Ba dễ tính, cái gì có trước mặt là ăn! Thắc mắc làm gì.

Quế thấy chị nói đúng. Rồi đột nhiên, Quế ngỡ ngàng nhận ra rằng chính Nam cũng đã sống hờ hững xa cách bao lâu nay như cách Nam nói, lời Nam nói. Quế ít về nhà, nên không biết Nam có thái độ sống ấy từ lúc nào. Từ lúc Tường ra đi? Quế nhớ là chị chỉ bị khủng hoảng tinh thần một thời gian, thời kỳ mang thai và bỏ học. Cháu Thúy ra đời, Nam đổi khác. Quế không quên được những lần từ Đà nẵng về thăm nhà, Nam hớn hở tíu tít khoe với em về những cái mới cái lạ của con:

- Nó hiểu lời chị nghe Quế. Mới có hai tháng chứ mấy. Hôm qua nó khóc nhè cả đêm. Chị than: “có con làm chi cho khổ vậy hở Trời!” Nó nằm im, lắng nghe, rồi sau đấy không khóc nữa. Lạ chưa? Mới hai tháng nó đã hiểu lời chị!

- Nó sắp biết lật rồi! Chao ơi! Biết lật như vậy là sớm hay chậm, em biết không? Chậm hả? Sớm chứ chậm gì!

- Hôm qua cháu nó ấm mình! Chị lo quá, tưởng phải đem đi bác sĩ. Nhưng ba bảo chắc cháu bị răng nó hành. Chị không tin, nhưng cháu mọc răng thật, Quế ạ!

…Cứ thế, mỗi lần Quế về nhà, đều phải kiên nhẫn chịu đựng những “khám phá mới lạ” thuộc loại ấy của chị. Tường trốn đi, rồi cháu Thúy ra đời, Nam chuyển từ những say mê tham dự vào thời cuộc sang những say mê chăm sóc con, và tuy mục tiêu có khác, nhưng Quế thấy Nam vẫn vậy. Vẫn là kẻ muốn tìm một cái gì đó để xả thân, hy sinh. Vẫn thích làm “kẻ tuẫn đạo”, như một lần Ngữ đùa cợt một cách nửa mỉa mai nửa trìu mến.

Hình như Nam chỉ mới có thái độ hờ hững hoàn toàn với mọi sự từ ngày ông Văn mất. Hờ hững ngay cả chuyện chăm sóc lo lắng cho con. Trong nhà, Nam sống như một cái bóng, có đó mà không có đó. Nam tránh góp chuyện khi cả gia đình cần bàn thảo việc gì, như việc quyết định bán nhà, bỏ Huế vào Qui nhơn. Ông Văn qua đời, Ngữ ở xa, Nam trở thành chị cả. Nhưng Nam không giúp gì Quế trong việc chuẩn bị, phác họa một cuộc sống mới. Nam lẳng lặng chấp nhận mọi điều, không tỏ ra vui buồn, để trôi xuôi theo bất cứ dòng nước cuốn nào.

Như lúc cả nhà đang bối rối về phương tiện di chuyển, bà Văn, Quế và Ngữ đều nhìn về phía Nam để chờ đợi nàng tự nguyện ở nhà, vì đó là giải pháp hợp lý nhất. Ai cũng ngại bảo Nam ở nhà, vì thăm mộ ông Văn lần cuối chẳng những là bổn phận, mà còn là một cái quyền thiêng liêng. Chưa kể tình thương yêu đặc biệt ông Văn dành cho đứa con gái ngoan, và cái mặc cảm phạm tội xót xa tiếp tục dày vò Nam chưa biết lúc nào mới hết.

Nhưng trái với chờ đợi của mọi người, Nam không nói gì cả. Cuối cùng, bà Văn vịn cớ cháu Thúy bị cảm bảo Nam nên ở nhà giữ con. Nam “dạ” một tiếng nhỏ, thế thôi!

Cúng vái xong, bà Văn bảo hai con:

- Hai con đi cắm nhang lên các ngôi mộ quanh đây đi! Nhớ nhờ các ông các bà ở lại bầu bạn, chăm sóc ba giùm.

Bà chia đôi bó nhang còn lại cho Ngữ và Quế. Hai anh em đi về hai hướng. Ngữ châm cháy độ hơn mười cây nhang, sờ tay lên túi quần treillis kiểm xem còn cái bật lửa Zippo hay không, rồi đi về hướng mặt trời lặn. Chàng nhìn quanh, liệu trước số ngôi mộ lân cận ngôi mộ cha cần phải cắm nhang, rồi đi tới phía những ngôi mộ xa nhất.

Chàng chọn một ngôi mộ đơn sơ nhất để bắt đầu. Tang gia không đủ điều kiện tài chánh hoặc vì lý do nào khác chưa xây xi măng và lập bia, nên ngôi mộ chỉ là một nấm đất sỏi vun cao in dấu chân bờ. Bên trái, đồ vàng mã hoặc di vật của người chết được hỏa thiêu vẫn còn để lại dấu vết là một khóm tro và một vùng cỏ cháy. Tên người đã khuất được viết bằng sơn trên tấm bảng gỗ hình chữ nhật, nét chữ nguệch ngoạc không thẳng hàng: Lê văn Tất. Sinh năm 1937. Mất ngày… Tết Mậu Thân 1968.

Ngữ nhẩm tính: Ba mươi mốt tuổi. Thân nhân không biết đích xác ngày chết. Cũng có thể, từ những tử thi đã thối rữa được khai quật khỏi các ngôi mộ tập thể, nắm xương gửi lại nơi đây chưa chắc hẳn là của anh Lê văn Tất. Nhưng cần gì, cái chết đều đồng dạng, và tên họ chỉ là một ký hiệu cho dễ phân biệt giữa một loạt những sản phẩm giống nhau như đúc. Ngữ cắm một nén nhang lên đầu ngôi mộ. Ðất sỏi cứng đã dẽ vì mưa càng thêm khó cắm nhang. Ðầu cây nhang bị gãy. Ngữ ngồi xuống, chúm năm đầu ngón tay cố ấn cây nhang xuống lớp sỏi khô. Đầu nhang đã cháy tàn rơi xuống, tro chưa kịp chạm mặt mộ đã bị gió cuốn bay về phía chân đồi. Ngữ thì thào:

- Anh đã làm quen với ba tôi chưa, anh Tất? Anh dọn về đây trước hay sau ba tôi? Chắc là sau! Tôi không thể tưởng tượng được mặt mũi, tính tình anh ra sao. Anh hơn tôi hai tuổi, thôi, cứ xem tôi là đứa em kế của anh. Xin anh ở lại năng lui tới chuyện trò cho ba tôi bớt buồn. Mới đầu gặp gỡ, chắc anh hơi ngại. Ba tôi ít vồn vã cởi mở với những người chưa thân, người mới gặp tưởng ông lạnh nhạt, hờ hững. Không phải thế đâu! Tôi lấy làm tiếc là thời mới lớn đã làm cho ba tôi buồn, đến khi hiểu ba tôi hơn, thì lại ít có dịp được tỏ lòng thương mến kính phục ba tôi một cách tự nhiên. Có cái gì đó, khó nói lắm, làm ngăn cách cha con, tuy tôi và ba tôi đều hiểu là chúng tôi giống nhau. Anh có hiểu tình cảnh ấy không? Ba tôi chết tức tưởi, bất ngờ. Chắc anh cũng vậy. Cái chết chắc làm cho ba tôi hơi ngơ ngác, vì ba tôi vốn tính lạc quan, khó tưởng tượng được sự thực lại tàn tệ như vậy. Ba tôi thích cái gì cũng công bằng, ba tôi muốn có khó khăn mâu thuẫn cách mấy cũng nên lấy cái tình mà xử với nhau. Rồi chính ba tôi thấy người ta không như thế. Chắc ba tôi thất vọng lắm. Chắc ba tôi rất buồn. Anh cùng cảnh ngộ, an ủi trò chuyện với ba tôi dễ hơn. Xin cảm ơn anh trước.

Mấy nén nhang còn lại trên tay Ngữ cháy ngún gần hết. Chàng đã ngồi trò chuyện quá lâu với một người chưa hề quen, lại là người đã khuất. Ngữ hơi cảm thấy xấu hổ vì tự soi gương chính hành động của mình, chàng thấy mình hơi lẩm cẩm, hơi “kịch”. Cái gì đã thúc giục đưa đẩy chàng đến màn tâm sự ấy? Ngữ không hiểu rõ, chỉ tạm giải thích là thay vì đối diện tâm sự tỉ tê với cha một cách trọn vẹn như bà Văn đã tỉ tê tâm sự với ông Văn, cái khoảng cách cha con thời ông Văn còn sống buộc Ngữ phải nói chuyện với ông qua một vai trung gian.

Ngữ thăm viếng và gửi gắm nhanh chóng những ngôi mộ còn lại. Phần lớn là nạn nhân của vụ Tết Mậu Thân, tuổi tác chênh lệch nhưng đa số là đàn ông. Công việc ba mẹ con xong xuôi thì trời đã chạng vạng tối. Bà Văn chắp tay khấn khứa trước mộ chồng lần cuối, rồi ngửng lên, lau nước mắt bảo hai con sửa soạn ra về. Bà nhìn quanh như muốn thu cho trọn toàn cảnh vật từ đây vây bọc ấp ủ nắm xương tàn của chồng. Dãy núi xanh xa về hướng bắc. Sườn đồi trơ trọi phía tây. Ánh sáng vàng vọt của hoàng hôn. Ðàn bò gầy đang gặm rán đám cỏ cháy trên khoảng ruộng cằn ở phía nam. Cảnh vật trống trải hiu quạnh, như một ngôi nhà không có cửa và sụp mái. Bà cảm thấy không yên tâm chút nào. Đột nhiên, bà gục xuống, bật khóc. Bà thảng thốt giữa những tiếng nấc:

- Bỏ lại mình, khổ lắm, mình ơi!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx