sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

Ngữ về đến Pleiku đúng ngày chót hết hạn phép. Nhà ông Phan không có ai, trừ chị ở và người lính kiểng ông Phan đem về nhà làm tài xế đưa các cô cậu đi học và chăm sóc thảm cỏ, vườn hoa. Tuy nhiên không khí trong nhà có vẻ khác. Các màn cửa đã được thay mới. Nền gạch hoa được chùi bóng loáng. Bộ xa–lông đắt tiền nơi phòng khách rộng đã được dẹp sát vào tường, để chỗ kê ba cái bàn dài phủ khăn nỉ màu xanh rêu. Trên hai mươi chiếc ghế dựa được đặt sẵn quanh dãy bàn, tất cả đều mới tinh. Chén bát dường như cũng vừa được lấy ra từ những hộp đồ sứ Nhật bản, xếp từng chồng trên bàn. Khăn ăn màu xanh nhạt được cuốn khéo thành một đóa hoa búp cắm vào những cái ly thủy tinh thân cao dùng để uống bia, bên cạnh hàng ly có chân dùng để uống Champagne.

Ngữ ngạc nhiên, hỏi anh Hậu, người lính làm vườn:

- Nhà sắp có tiệc tùng gì, hở anh?

Anh Hậu dừng công việc, hờ hững đáp lấy lệ:

- Ờ, lại tiệc!

- Nhân vụ gì vậy? Bà Trung tá đâu rồi?

Anh Hậu mỉm cười, trả lời nghiêm chỉnh hơn:

- Phải gọi là bà Đại tá Phan. Cậu chưa biết gì à?

Ngữ kinh ngạc, vội hỏi:

- Ông ấy được thăng đại tá hồi nào?

- Tôi chẳng biết. Nghe chị Ba nói không phải chỉ thăng có chừng đó không thôi đâu. Còn lên nữa, như diều gặp gió. Tôi lo lắm!

- Sao lại lo?

- Ông ấy làm lớn hơn, thì phải đổi đi nơi khác. Tôi lại phải chạy chọt tìm một chỗ khác. Tốn kém quá cậu ơi!

Ngữ hiểu tâm trạng lo âu của người lính già một vợ sáu con, nhưng ông ta đã kể cho Ngữ biết bao nhiêu lần tình cảnh gia đình mình, Ngữ nghe đến nổi thuộc lòng từng chi tiết. Lần đầu nghe kể, Ngữ còn xúc động. Lần thứ hai, thứ ba, chàng còn tò mò, muốn biết thật rõ để dành đó, sau này viết truyện. Nhưng ông Hậu cứ kể hoài, cuối cùng nghe chuyện ông trở thành cái nợ. Chưa kể một số chi tiết ông Hậu kể trước sau mâu thuẫn, khiến Ngữ đâm ngờ vực. Ngữ ngờ rằng ông Hậu đã phóng đại quá đáng mức phí tổn lo lót để được làm vườn cho ông Phan, như một cách biện hộ cho sự ưu đãi hết sức bất công mình được hưởng, so với các đồng đội khác. Suy bụng ta ra bụng người, ông lại thường làm cho Ngữ khó chịu vì cứ tra vấn Ngữ, đòi Ngữ phải cho ông biết phải tốn bao nhiêu để được về làm “cậu giáo” cho Trung tá Phan. Ngữ bảo không tốn gì cả, ông nhất định không tin. Ông nhìn Ngữ với ánh mắt lém lỉnh tinh quái, như nhìn một đồng lõa. Ngữ khó chịu vì vậy. Ngữ nói lảng để ông Hậu khỏi mớ máy than van chuyện tốn kém:

- Tối nay làm tiệc rửa lon mới phải không?

- Chứ còn gì nữa!

- Bả đâu?

- Vào Sài gòn rồi! Tôi mới chở bả ra phi truờng sáng sớm nay. Tôi có năn nỉ riêng với bả nhờ gửi gắm giùm tôi cho ông khác, nếu ông bà đổi đi. Bả chịu. Cậu cũng lo thân đi là vừa!

Có tiếng chị ở gọi Ngữ:

- Cậu Ngữ có điện thoại.

Ngữ vội chạy vào nhà, lòng thắc mắc không hiểu tại sao bạn bè biết mình đã trở lại Pleiku. Chị Ba cầm cái điện thoại đưa cho Ngữ, nói nhỏ sợ tiếng nói của mình vang đến đầu dây bên kia:

- Đại tá gọi!

Giọng Ông Phan reo vui trong điện thoại:

- Ngữ đấy hả?

- Vâng, thưa Đại tá!

Bên kia đầu dây, ông Phan cười rổn rảng, khoái trá. Ông vồ vập hỏi:

- Mới về đã biết tin, hay vậy! Ai cho biết?

Ngữ đủ khôn ngoan, nói dối để làm vừa lòng ông Phan:

- Ghé quán cà phê ở bến xe, gặp mấy đứa bạn, tụi nó cho biết tin vui.

Giọng ông Phan hớn hở:

- Thế à! Ngoài phố họ cũng biết à! Tôi giấu kỹ lắm đấy, chỉ cho một vài người thân biết thôi. Tôi định tối nay mời họ tới nhậu mới loan tin cho họ ngạc nhiên. Ờ, cậu về kịp cũng may. Ở nhà giúp chị Ba, anh Hậu sửa soạn giùm bữa tiệc rửa lon. Nhà hàng họ lo hết, nhưng phải có người nhà chỉ dẫn họ.

Ngữ thắc mắc:

- Giấy tờ về rồi thì cả Quân đoàn phải biết chứ, Đại tá giấu sao được?

Ông Phan cười hể hả hơn trước:

- Chưa về. Tổng Tham mưu họ điện thoại cho biết trước, tuần sau giấy tờ mới về. Vả lại chuyện lên đại tá của tôi liên quan đến một việc khác quan trọng hơn nhiều. Thôi, chiều về tôi sẽ cho cậu biết. Cúp nhá!

° ° °

Ông Phan ra tận cửa để đưa khách khứa về. Chỉ còn một đại tá người gầy ốm, đầu bạc trắng ngồi lại. Trong khi chờ các bồi nhà hàng dọn dẹp mang đồ ăn thừa và chén bát về, ông Phan mời người bạn già đến ngồi ở ghế sofa nhấm nháp rượu.

Ông Phan hỏi:

- Đại tá ở lại chơi với tôi đêm nay được không? Nếu cần, tôi điện thoại xin phép chị.

Đại tá Mẫn xua tay:

- Thôi, khỏi cần làm phiền anh. Tôi ngồi nói chuyện với anh một chốc, rồi xin phép về. Nội lệnh nhà tôi nghiêm ngặt lắm.

Ông Phan cố làm ra vẻ tiếc, xuýt xoa nói:

- Hôm nay nhà tôi đi vắng, tôi thành người tự do. Anh xin phép được nội tướng thì hai đứa mình đi loanh quanh, thú ra phết. Thôi, anh đã “nể” chị thì tôi không ép. Dịp khác vậy. Trời hôm nay nóng quá. Hay chúng mình mang rượu ra hiên ngoài vừa uống vừa nói chuyện. Loại Cordon bleu này khá chứ anh?

Hai người mang ghế ra ngoài hành lang trước. Pleiku sẵn gỗ, ông Phan lại chỉ huy công binh, nên ngôi nhà ván đơn sơ quân đội cấp cho ông đã trở thành một biệt thự xinh xắn, trang trí mỹ thuật. Từ tường đến mọi thứ vật dụng đều làm bằng gỗ tốt, đánh vẹc-ni bóng loáng. Hai chiếc ghế gỗ lót nệm chủ và khách đang ngồi cũng là hai công trình mỹ thuật, tác phẩm của một sinh viên mỹ thuật công nghệ Gia định bị động viên. Cái bàn thấp đặt chai rượu Hennessy và ly cốc là một lát thân cây lớn có nhiều sớ gỗ uốn éo như những đám mây cuốn. Đại tá Mẫn không giấu được lòng ganh tị:

- Các anh bên Công binh sướng thật. Muốn gì có nấy, của kho xài

sao cho hết.

Đại tá Phan cười sung sướng, nhưng cũng nói cho có lệ:

- Khộng sướng đâu anh! Công binh là “lính thợ” mà, đâu phải là “lính thầy”. Bên tác chiến đánh ào ào một trận rồi nghỉ, tụi này cứ tất bật quanh năm, hết làm đưòng lại xây cầu, bận bịu quanh năm suốt tháng như là đàn ong bị trời hành.

Đại tá Mẫn nói:

- Vì vậy anh mới vận động chuyển qua “lính thầy”. Thôi, anh có ý hỏi thì tôi cũng nói qua kinh nghiệm của tôi cho anh biết, may ra có giúp anh chút gì không. Tôi thì tôi ớn đi làm tỉnh trưởng quá rồi, bị một lần tởn tới già. Nhưng anh khác, tôi nghĩ anh sẽ thành công.

Ông Phan hỏi:

- Hồi đó tại sao anh “bị”?

- Tại tôi đi dây không khéo. Mà bà nhà tôi, thì như anh biết đấy, bả dân vườn, giao thiệp không khéo, làm hỏng việc hết. Bả xuất thân con nhà nghèo, nên khi phải xuất một số tiền lớn thì cứ hồi hộp lo tiền mất. Tội nghiệp, bả như một chị hàng xén ở chợ huyện quen buôn đi bán lại từng cây kim, cuộn chỉ, hột nút, đến khi phải đối phó với những cái lớn, bà ấy ngợp. Ngợp nên mất bình tĩnh, mất bình tĩnh nên làm hỏng lây việc của tôi. Chị nhà thì khác. Tôi chỉ mới gặp chị có hai lần, nhưng qua cách chị nói chuyện, cách chị tiếp khách, tôi biết chắc chị sẽ giúp anh nhiều. Anh sẽ thành công, một nửa nhờ anh, một nửa nhờ chị. Cũng có thể anh chỉ được một phần ba thôi, công chị tới hai phần ba. Có nhiều trường hợp như thế, nhưng lý tưởng nhất là “half and half”.

Ông Phan bật cười! Đại tá Mẫn không cười, ngược lại giọng ông có vẻ nghiêm nghị hơn:

- Vâng. Qua thất bại, tôi rút được cái bí quyết, cái nghệ thuật làm quan đầu tỉnh. Cốt tủy của bí quyết ấy, nghệ thuật ấy là “half and half”. Kinh nghiệm xương máu của tôi đấy. Sau cái cú suýt nằm ấp và thân bại danh liệt vì vụng tính, tôi suy nghĩ nhiều về nghệ thuật làm quan đầu tỉnh. Tôi thành một lý thuyết gia rồi anh biết không? Nếu rãnh, sẽ có lúc tôi viết một cuốn sách đại loại như loạt sách “Làm thế nào để…” của Mỹ. “Làm thế nào để trở thành tỉnh trưởng chuyên nghiệp”. Nhan đề hấp dẫn đấy chứ! Trong sách, tôi sẽ khai triển cái chủ thuyết “half and halt”.

- Đại khái chủ thuyết ấy ra sao?

- Có nhiều cách giải thích, có nhiều cách nhìn từ nhiều trường hợp, hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở trường hợp nào, hoàn cảnh nào cũng đúng. Trước hết từ trong gia đình. Như khi nãy tôi đã nói, anh với chị phải có một cách phân công phân nhiệm cho đồng đều, phối hợp chặt chẽ với nhau. Việc nào chính anh phải làm đừng cho các bà xen vào vì xen vào là hỏng. Việc nào anh phải để cho các bà ấy tính, anh vờ như không biết. Có những việc muốn xong xuôi anh và chị làm như bất động với nhau, nhưng cũng phải tùy cơ gia giảm liều lượng thế nào để người ngoài họ nhìn, có vẻ như anh chị không ai lấn lướt ai. Nếu để cấp dưới thấy chị lấn lướt anh, thì số hồ sơ anh phải ký ở tư dinh nhiều hơn hồ sơ ở tỉnh đường, cuối cùng chẳng ra làm sao cả; mất hết thể thống. Nếu anh lấn lướt chị, thì có nhiều việc tế nhị họ không dám nói với anh, anh mất nhiều cơ hội tốt mà đáng lẽ anh được quyền hưởng. Phải “half and half” ngay trong chính gia đình anh trước.

Ở nhiệm sở, anh cũng phải áp dụng nguyên tắc “half and half’ để đối phó với những thế lực có thể làm anh thân bại danh liệt. Tôi coi việc anh đối phó với Sài gòn như đã xong, vì nếu không xong anh đâu được bổ nhiệm. Bây giờ chỉ còn phải lo đối phó với mấy ông dân cử địa phương, và những người trực tiếp làm việc với anh, như phó tỉnh trưởng nội an, như phó tỉnh trưởng hành chánh, các quận trưởng, trưởng ty cảnh sát, trưởng ty tài chánh, trưởng ty thuế vụ, vân vân… À, anh lưu ý đến tay trưởng ty xã hội nữa. Tôi còn quên một tay anh cần phải quan tâm thường xuyên, là tỉnh đoàn trưởng xây dựng nông thôn.

Anh nghe rối đầu chứ gì! Yên tâm! Rán áp dụng nguyên tắc “half and half”. Với kẻ ham danh, anh chia đôi danh vọng cho họ. Với kẻ ham lợi, có chút gì anh nhớ cưa đôi. Nhớ cho tôi, đúng cưa đôi, đừng quân tử Tàu nhận ít hơn một chút, họ được một lần, lần sau sẽ lấn tới, sẽ qua mặt anh.

Đột nhiên Đại tá Mẫn hỏi:

- Anh chị có thích bài bạc không?

Ông Phan vội xua tay, giọng đầy hãnh diện:

- Không! Tôi thì lâu lâu có xoa mạt chược với anh em, còn nhà tôi thì chúa ghét cờ bạc. Dính vào đó, phiền lắm.

Đại tá Mẫn lắc đầu:

- Như vậy không được! Anh chị phải tập đánh bạc. Hãy nghe tôi đi. Tôi không nói đùa đâu! Tập đánh bạc, anh chị chỉ có ăn chứ không sợ thua.

Ông Phan ngớ ra, bắt đầu hoang mang. Ông nói:

- Nghe anh nói nhiều điều lạ quá. Tôi bắt đầu lo ra đây.

Đại tá Mẫn cười:

- Đừng lo ra! Rồi mọi sự sẽ êm đẹp, nếu anh nắm được bí quyết và lượn đúng theo cái dòng có sẵn. Anh đâu phải thần thánh gì mà làm hết mọi việc. Guồng máy đã chạy đều, Công việc một tỉnh trưởng đa đoan thật, nhưng anh có rất nhiều phụ tá. Bên dân sự, anh có mấy ông phó hành chánh. Tôi nghe các ông ấy thường than là bị cái khổ “quyền rơm vạ đá”, quyền hành tỉnh trưởng nắm hết nhưng lỡ có chuyện gì bị khui ra, giấy tờ rành rành do mấy ông phó ký, mấy ổng lãnh đủ. Họ bị cảnh giác như thế từ hồi còn học Quốc gia Hành chánh, nên họ khôn lắm. Họ mà ghét mình, gài mình ký một chữ là khốn đốn. Họ giỏi luật lệ, thạo các ngõ ngách giấy tờ, nên anh không xử khéo với mấy ông phó hành chánh, anh sẽ bị lụy như tôi. À, còn chuyện này nữa tôi hỏi anh kẻo quên. Anh có quen ông tá nào giỏi trận mạc, giỏi hành quân không?

Ông Phan lo lắng ra mặt:

- Lâu nay tôi làm bên chuyên môn, quanh quẩn chỉ có anh em cùng ngành Công binh. Cũng có quen với bên tác chiến khi các anh ấy liên lạc xin vật liệu, nhưng không đủ thân!

Đại tá Mẫn suy nghĩ một lúc, rồi nói:

- Anh phải tìm một người giỏi để làm tiểu khu phó kiêm phó tỉnh trưởng nội an. Anh không tìm ra, thì Sài gòn họ cũng tìm đúng người cho anh. Nhưng hai bên không ăn “jeux” với nhau sẽ khó làm việc. Nếu cần, tôi tìm hộ anh. Lúc có tin bổ nhiệm chắc chắn, anh cho tôi hay. Kể ra anh cũng gặp thời. Đúng vào dịp thủ tướng Trần Văn Hương đòi loại hết tham nhũng, và ông Thiệu loại bỏ tay chân ông Kỳ nên mới có nhiều chỗ tỉnh trưởng trống như thế! Chắc anh được đưa đi nắm một tỉnh nào đó thuộc Vùng Hai. Tôi khuyên anh không nên chọn những tỉnh lớn duyên hải như Bình định, Quảng ngãi. Khởi đầu, nên xin một tỉnh nhỏ ở cao nguyên ít phức tạp hơn, để thực tập. Bài học nào cũng phải đi từ dễ tới khó. Mới ra làm tỉnh trưởng mà đi những tỉnh khó ngay, là gãy. Như trường hợp tôi!

° ° °

Có tiếng điện thoại reo, ông Phan phải xin lỗi khách để vào nhà trong. Vài phút sau, ông Phan trở ra, nói với Đại tá Mẫn:

- Chị gọi anh.

Đại tá Mẫn không giấu được lo âu, lật đật đứng dậy. Ông hỏi:

- Điện thoại anh ở đâu?

- Chỗ cái ghế sofa. Tôi đã xin phép chị cho tôi được học hỏi anh thêm một giờ nữa. Bây giờ mới mười giờ đêm.

Đại tá Mẫn không có thì giờ nói chuyện thêm với ông Phan, xô cái cửa kính chạy vào chụp điện thoại. Giọng ông đổi khác, âu yếm và dịu dàng hơn.

- Mình đó hả? Vâng vâng. Anh nhớ chứ. Thì lâu lâu mới được một lần.

- …Ủa, sao anh không hay biết gì cả. Không được. Tụi nó lộng hành quá tay rồi đấy. Vâng, vâng… Thì lỗi tại anh. Anh nhận hết, được chưa. Họ có cho biết tụi nó vắng mặt từ hôm nào không? Sao lâu thế, đến nay họ mới thông báo? Em đã điện thoại hỏi đằng dì Bình chưa? Được. Mai anh sẽ điện thoại vào Sài gòn nhờ Trung tá Nghinh đến trường hỏi rõ xem sao. Được! Anh sẽ về ngay…

Lúc viên đại tá trở ra, ông Phan lo âu hỏi:

- Anh phải về liền à?

- Không. Mười một giờ tôi xin phép về!

Rồi không để cho ông Phan phải hỏi, Đại tá Mẫn nói luôn:

- Hai thằng con tôi gửi nội trú trong Don Bosco bê bối quá! Đáng lẽ tôi phải làm như anh chị, đem chúng nó lên đây cho học trường công, rồi kiếm một cậu chuẩn úy có bằng cấp đại học về nhà kèm thêm. Vừa đỡ tốn kém, vừa kềm được lũ nhỏ ham chơi. Anh tìm được cậu gì đó, trông được đấy chứ!

Ông Phan trả lời:

- Vâng, cũng tàm tạm. Ba hắn là thầy cũ của tôi, nên tôi giúp hắn. Bị kỷ luật vụ Phật giáo đấy!

- Thế à! Tay chân ông tướng Thi hay của ông Trí Quang?

- Tôi chẳng rõ. Nhưng nhờ vụ Mậu Thân vừa rồi, hắn sắp được phục hồi.

Đại tá Mẫn chợp ngay cơ hội:

- Anh đi, “passer” hắn qua cho tôi đi! Hai cháu sau của tôi kém toán lý hóa quá!

Ông Phan hơi ngần ngừ một chút, rồi vội vã đáp:

- Vâng, dễ mà! Anh chỉ cần nói với Tổng Quản trị Quân đoàn một tiếng, là xong. Cho tôi xin hỏi anh vài điều, trước khi anh phải về. Lúc nãy anh nói không nên chọn các tỉnh khó. Chọn lựa nhiệm sở không phải là việc tôi làm được, vì đây là lần đầu, thế tôi chưa mạnh, anh hiểu? Nhưng theo kinh nghiệm của anh, thế nào là tỉnh khó, thế nào là tỉnh dễ? Có phải tùy thuộc vào tình hình an ninh không?

Đại tá Mẫn cười, nhìn ông Phan thương hại:

- Vâng, tùy thuộc vào an ninh. Anh có thể nói như thế trước quân cán chính của anh, khi đọc huấn từ, khi ban chỉ thị. Trước đám đông, ở chỗ công khai, có thánh mới dám nói khác đi. Nói cái gì, nói ra sao trước đám đông, tôi nghĩ anh khỏi phải lo. Làm vài tuần là quen liền. Chỉ có bấy nhiên điều, quen miệng ăn nói trơn tru, anh ban huấn từ một ngày vài bận dễ như hút một điếu thuốc. Nếu anh có óc khôi hài, lâu lâu chen vào vài chuyện tếu ý nhị thì tốt, dễ gây không khí thân mật. Nếu không, cũng không sao. Anh là “dân chi phụ mẫu”, nói hay nói dở gì thiên hạ cũng kính cẩn lắng nghe hết, nghe xong còn gật gù cảm phục là khác. Chúng nó gật gù thật hay giả, khỏi cần bận tâm. Anh hết làm tỉnh trưởng, là “point final”, đời nó thế. Đừng chờ đợi nhiều. Nhưng tôi nói la đà xa chuyện anh hỏi quá rồi! Anh hỏi thế nào là tỉnh khó, thế nào là tỉnh dễ chứ gì? Vâng, tôi giải đáp cho một người sắp làm tỉnh trưởng, nên tôi thẳng thắn nói đúng vào vấn đề, không quanh co. Nó thế này: tỉnh khó là tỉnh có ngân sách chi tiêu lớn, tỉnh dễ là tỉnh ít tiền. Tôi lấy ví dụ tỉnh Bình định chẳng hạn: do diện tích, do dân số trên một triệu, bình thường ngân sách tỉnh đã cao rồi. Lại thêm tình hình an ninh ở đó xấu, số người tản cư tị nạn về quận hay thành phố đông đảo, ngân khoản trợ cấp tị nạn cao. Tôi nghe xừ tỉnh trưởng cũ ở đó nói nội chỉ cần lấy tiền bán bao bố đựng gạo cứu trợ tị nạn không thôi, chứ không động đến một hạt gạo của dân, mỗi tháng cũng được bạc triệu rồi. Chiến tranh chà qua xát lại nhiều vùng xôi đậu, trường học nhà thương công sở bị phá hủy đi rồi xây lại đều đặn, lại một khoản thu nhập nữa. Chưa hết: không quân Mỹ lập phi trường lớn ở Phù cát, Sư đoàn kỵ binh không vận Mỹ đặt doanh trại ở An khê, sư đoàn Mãnh hổ Đại hàn đóng ở Phú tài, ba kho vàng đấy! Chẳng trách xừ tỉnh trưởng nào cũng ngấp nghé xin về Bình định. Anh là dân nhập môn, Sài gòn không cho anh về đó đâu.

Tỉnh khó còn là tỉnh dân tình ưa kiện tụng, tranh chấp. Tôi không tin chuyện Tả ao Địa lý, nhưng bây giờ bắt đầu tin. Dường như địa thế, sông núi, khí hậu mỗi miền tạo cho dân miền đó có một tính khí riêng. Dân Khánh hoà Phú yên thì nhiều người đã làm tỉnh trưởng ở đó bảo là khá hiền hòa. Nơi xảy ra nhiều tranh chấp nhất có lẽ là Quảng ngãi. Bình định cũng ưa kiện tụng, cho nên nhiều xừ bị thân bại danh liệt vì ham cái chức đầu tỉnh ở Ngãi, Bình. Vụ một ông bị tử hình vì làm tỉnh trưởng Bình định, chắc anh biết rồi!

Ông Phan nôn nóng hỏi:

- Còn tỉnh dễ là sao?

- Là tỉnh ngân sách ít, bổng lộc ít nên ông đầu tỉnh bớt bị trên đe dưới búa. Chẳng hạn các tỉnh ở cao nguyên Vùng Hai này.

Ông Phan cãi lại:

- Cao nguyên phải đối đầu với lực lượng xâm nhập của cộng sản, giành giật với chúng từng con đường mòn, sao lại dễ?

- Ấy, chính là vì tiền phương, đối đầu trực tiếp với địch, mà hóa dễ. Cũng giống như anh chỉ huy một trung đội đang tử thủ chống địch tấn công dễ hơn là chỉ huy một trung đội trong thời kỳ dưỡng quân. Hơn nữa cái khó về hành quân, bảo vệ an ninh lãnh thổ đã có các lực lượng Tổng trừ bị, có Quân đoàn lo bớt cho anh. Tỉnh trưởng trở thành lính hậu bị, anh thấy không?

Thấy vẻ mặt Ông Phan đầy hoang mang, Đại tá Mẫn vỗ vai bạn, vừa cười vừa nói:

- Thôi, nói nhiều anh nghe càng rối. Khi biết chắc về tỉnh nào, anh cho tôi hày liền. Lúc đó, tôi sẽ làm quân sư cho anh. Nhớ đừng quên ông thầy vỡ lòng nhé!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx