sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7

Bà Phan từ Sài gòn về Pleiku mang nhiều tin tức có lẽ rất đáng mừng. Ngữ nghĩ đến hai tiếng “có lẽ”, vì khác với những lần trước mỗi lần có điều gì đáng khoe bà Phan đều khoe với Ngữ, lần này hai ông bà chỉ đóng kín cửa phòng lại bàn luận riêng với nhau. Nét mặt hai vợ chồng đều hớn hở, và dấu hiệu tốt tuần tự lộ rõ. Giống như một người cầm chắc trong tay tấm vé số độc đắc, bà Phan cứ cười mỉm hoài, ngồi một mình cũng cười, hoặc hát khe khẽ. Bà dịu dàng ưu ái với tất cả mọi người. Thời gian một tuần lễ ở Sàigòn bà bận đủ thứ công việc, thế mà trở về Pleiku bà khệ nệ mang xách đủ thứ quà cáp. Bà không quên ai, kể cả chị ở và người lính làm vườn.

Chị Ba được tặng hai cái quần lãnh Mỹ A và đôi guốc Đakao. Ông Hậu được một hộp thiếc thuốc điếu Craven A, và cặp gương mát hiệu Ray-Ban. Phần Ngữ được một cái đồng hồ Seiko tự động. Lũ trẻ còn gần một tháng nữa mới vào niên học, được bà cho vào Sài gòn thăm dì, và về Vĩnh long thăm ngoại. Nhờ thế, Ngữ được thêm một món quà phụ trội: được hoàn toàn rảnh rỗi để nhớ Diễm, và hoang mang về Diễm!

Phần ông Phan, việc chuẩn bị cho một đoạn đời mới có vẻ rõ ràng và khẩn trương hơn. Ông điện thoại, đi ăn, đi chơi đều đặn với Đại tá Mẫn. Giấy tờ vinh thăng đại tá cho ông đã về, ông có bằng chứng chính xác và chính thức để tin rằng con đường hoạn lộ của ông đã qua một khúc quanh. Ông không còn sợ bị hố, chưa đi săn đã rao bán da gấu. Giữ đứng lời hứa, ông đã tìm được “nhiệm sở” mới cho ông Hậu. Phần Ngữ, ông cũng tận tình. Thực ra, nhờ những ý kiến của Bộ Chỉ huy Sư đoàn Một, hồ sơ của Ngữ đã được duyệt xét lại từ hồi tháng Năm, rất lâu trước khi ông Phan tìm được “tuy dô” chuyển ngành. Nhưng Ông Phan đã giúp Ngữ trong việc thường xuyên thúc đẩy con rùa thủ tục bò nhanh hơn thường lệ. Ông còn đề nghị Ngữ nên xin được trả về Tổng Quản trị thuộc Tổng Tham mưu hơn là Tổng Quản trị của Quân đoàn, vì theo ông, Ngữ sẽ rộng đường hơn để xin về đơn vị mình muốn. Ngữ cũng muốn chuyển vào miền Nam, nên làm đơn theo chỉ dẫn của ông Phan.

Lòng ưu ái của ông đối với Ngữ như vậy cũng tạm đủ. Nhưng ông không tiếc gì mà nối thêm một cái đuôi không tốn kém.

- Tiếc quá! Nếu cậu là sĩ quan, tôi có thể nhờ cậu đôi việc. Sao hồi trước cậu không rán thi lấy cái bằng tú tài? Ham chơi à?

Ngữ biết không thể giải thích cho ông Phan hiểu, đáp cho xong:

- Vâng, hồi nhỏ ham chơi quá!

Câu hỏi của ông Phan vô tình chạm tới một điểm nhạy cảm của Ngữ. Trong gia đình, hoặc trong đám bạn bè thân thiết, chàng không hề có mặc cảm về cấp bậc thấp của mình trong quân đội, không hề hối tiếc đã bỏ học, và không hề nao núng niềm tin lâu nay là giá trị thật của một con người phải là cái gì khác với những ước lệ giả tạo như bằng cấp, địa vị, danh vọng, tiền bạc. Nhưng ra ngoài cái thế giới êm đềm an toàn ấy, bị nhìn xuống, bị cư xử rẻ rúng, Ngữ đâm khó chịu. Đâm chao đảo, tiếc nuối. Lâu lâu, Ngữ lại chợt nghĩ giá mình có bằng cấp cao hơn, giá mình không phải là một anh trung sĩ mang cánh gà, có thể mình sẽ làm được nhiều việc có ích hơn. Ông Phan thấy nét mặt Ngữ không vui, nên an ủi:

- Thôi mỗi người một số phận! Cậu thế mà khỏe, khỏi phải gánh trách nhiệm lớn. Tôi chuyển ngành, thích thì có thích thật, nhưng lo lắm! Nghe ông Mẫn ông ấy kể chuyện, tôi ớn quá!

Nói xong, ông Phan phá lên cười! Ông quên mất mình vừa nói những gì.

Thời gian còn ở Pleiku, Ngữ viết cho Diễm bốn lá thư và nhờ Quỳnh Như chuyển. Viết xong một lá thư, Ngữ vội bỏ vào phong bì, dán kín, gửi, không dám đọc lại. Ngữ muốn viết thật đầy đủ thật chính xác lòng nhớ thương của mình, nên tự dặn là không nên đọc lại. Thói quen mỉm cười hóm hỉnh tự soi gương để quan sát mình như một nhân vật ở ngôi thứ ba (cái thói quen tai hại cố hữu của những người cầm bút), Ngữ sợ sẽ làm cho chàng mất đi nhiệt tình tự nhiên.

Ngữ viết cho Diễm thật nhiều, thư nào cũng thật dài, gồm đủ những gì Ngữ sẽ nói với Diễm nếu gặp lại. Vì biết chắc dù có gặp Diễm, Ngữ cũng không thể đủ bình tĩnh để nói hết những điều phải nói, nên Ngữ say sưa nói hết trong thư.

Thư gửi đi, Ngữ cảm thấy nhẹ nhõm. Rồi lại khổ sở vì chờ hồi âm. Chờ mãi khòng thấy gì, chàng oán lây Ty Bưu điện, oán lây hãng Hàng không Việt nam.

Trong lúc đó, Ngữ lại nhận được nhiều thư của Nam. Lá thư đầu, Nam viết:

“Má bảo em viết thư cho anh, báo cho anh biết dưới này việc nhà cửa và việc mưu sinh đã tạm yên, cho anh yên tâm. Nhưng làm sao em nói dối với anh được, anh Ngữ!

Những ngày chuẩn bị gói ghém đồ đạc, rồi những ngày đi đường, ai cũng mệt nhoài đến tê dại cảm giác, nên chưa cảm thấy gì. Hai hôm có anh ở Qui nhơn, như anh thấy mọi người lại bận rộn lo mở cái này, tháo cái kia, xếp đặt cái nọ. Bữa cơm dọn trên nền nhà trống vẫn còn có đầy đủ cả nhà. Nhưng anh đi rồi, mọi sự đổi khác. Má ngồi thẫn thờ, cả ngày nhìn ra cửa như trông đợi ai. Má không nói năng gì suốt hai ba hôm liền. Con Quế đi cả ngày để tìm mối buôn bán (có lẽ nó sẽ sang một sạp bán đồ Mỹ dưới chợ), má im lìm như cái bóng, còn em, anh thử tưởng tượng em sống ra sao! Em cứ tự hỏi vì sao mình ở đây, vì sao cả gia đình lại chọn cái thành phố bụi bặm hiu hắt này mà tới? Vì sao phải bỏ Huế? Em nhớ Huế da diết, nhớ đến cả những điều vặt vãnh nhất. Nếu em có cánh, em đã bay về Huế dù biết về rồi cũng chỉ ngồi bên lề đường nhìn qua khu vườn và căn nhà đã đổi chủ. Thảm quá, thôi em không dám nghĩ tiếp nữa.

Anh vừa đi xong thì cháu Thúy cũng ngã bệnh, sốt đến bốn mươi độ em phải đưa đi bệnh viện. Nay cháu đã bớt tuy vẫn còn ho. Lạ lắm, em Chẳng hiểu tại sao cháu nó ho liên miên, mỗi lần nó ho là mỗi lần ruột em thắt lại. Má bảo tại thay đổi khí hậu, con nít không quen chịu đựng. Em cũng thấy thế. Nghe những người ở đây lâu bảo rằng mùa hè ở Qui nhơn bị gió nam nóng lắm, đến khoáng giữa tháng chín mới hết. Bao nhiêu chuyện dồn dập, em quẩn trí mà không biết nói với ai, chỉ còn biết viết thư cho anh…”

Những lá thư sau, Nam báo một vài tin vui:

“…Con Quế liều lĩnh vét hết số tiền nhà mình hiện có, lấy thêm hai lượng vàng má cất để phòng thân, đem đi sang cái sạp dưới chợ. Má lo, em cũng lo. Nhà ta vốn liếng chỉ còn chừng ấy. Nhưng em biết nếu có anh ở đây, anh cũng để mặc cho con Quế nó làm. Vì nó tháo vát, xoay xở giỏi. Má và em chỉ còn biết trông chờ ở nó.

Hôm qua em đi chợ vô tình gặp được một số bạn cũ hồi cùng học ở Đồng Khánh. Bây giờ em mới biết hai phần ba giáo sinh sư phạm Qui nhơn là dân Huế. Những con bạn theo được lên đại học em đều gặp lại. Còn những bạn cũ bỏ ngang, tự nhiên lâu ngày không gặp, tưởng tụi nó đã đi lấy chồng hoặc đã vào Nam, bây giờ gặp lại ở đây gần đủ. Nhờ thế em đỡ thấy cô đơn. Ra phố, xuống chợ, đi đâu em cũng được nghe giọng Huế. Trường trung học ngay trước mặt nhà mình thuê cũng có nhiều thầy cô người Huế. Em mừng quá!

Em mới soạn ra sách vở của ba mà anh dặn giữ cho anh, chờ có dịp anh nhờ người đưa lên Pleiku. Em hối hận hôm dọn nhà đã muốn bỏ lại số sách vở ấy. Em điên dễ sợ! Anh hiểu cho em, thứ gì do ba để lại cũng làm cho em ngại ngùng xót xa cả. Em sợ nhớ đến ba, sợ nghĩ về ba.

Em giở lại từng cuốn sách của ba, lật tìm những trang ba xếp góc làm dấu hay những dòng ba gạch dưới bằng bút chì, cố tìm hiểu vì sao ba thích thú hay chú ý những chỗ ấy. Dần dần, em hiểu ba hơn. Lâu nay em cứ tưởng em hiểu ba, thực ra em chưa hiểu được nhiều. Em sẽ gửi trước những cuốn sách đó cho anh, để anh đọc kỹ và nghiệm xem em đoán ý tưởng của ba có đúng không! Ba phức tạp hơn là em tưởng…”

“…Không viết thư cho anh chắc em nổi khùng mất! Em tự chữa bệnh tâm thần của em bằng cách viết thư cho anh. Anh rán đọc. Em viết dài dòng, nghĩ gì viết nấy, y như em tự nói thầm với em vậy. Anh khỏi phải trả lời, nếu bận. Trả lời được, em rất vui. Em không tưởng tượng được nhận thư “ông anh cả mặt sắt” (em đùa, đừng giận em tội nghiệp!) em vui đến như vậy. Như là nhận được thư tình! Viết tới đây, em lan man nghĩ: Mình đã nhận được lá thư tình nào đâu mà dám so sánh. Em buồn đến lịm người. Có nên tâm sự với anh điều này không? Em ngại! Thôi bỏ qua đi!

Hôm qua em gặp được con Bích Châu, hồi trước học cùng một cấp lớp với em ở Đồng Khánh. Bích Châu học ban A, em ban C. Nó lấy chồng từ hồi vừa đậu bán phần tú tài. Bây giờ chồng nó làm lớn lắm, trung tá quân nhu. Hai vợ chồng có vẻ hạnh phúc, và giàu sang. Em không gặp được ông chồng, vì hình như đơn vị ông ấy đóng ở đâu ngoài thị xã. Bích Châu cho tài xế́ đến đón em về nhà chơi. Vào nhà nó, em ngợp, rồi tủi thân. Con gái tụi em lúc nhỏ học với nhau đứa nào cũng chỉ có cái cặp sách, chiếc xe đạp và vài chục đồng mạ cho dằn túi để mua ô mai. Lúc đó, tụi em bình đẳng. Nhưng chỉ cần vài năm sau, do đẹp xấu may rủi khác nhau, gặp lại thì giai cấp đã chênh lệch một trời một vực. Bên nam giới các anh không thay đổi nhanh đến như vậy. Thú thật với anh, thấy Bích Châu nó “biểu diễn”, em cũng sốt ruột lắm!

Nhờ Bích Châu em đã được đi xem vài nơi tạm gọi là “thắng cảnh” ở đây. Cả hai thắng cảnh đều liên quan tới bệnh phung: Nghĩ mà ghê cả người! Anh thử đoán em đang nói về cái gì? Em đã đi thăm mộ Hàn Mặc Tử và nhà thương phung Qui hòa, hai thắng cảnh mà bất cứ ai tới Qui nhơn cũng phải đến viếng, như chùa Thiên mụ, lăng Tự Ðức hay Ðại Nội ngoài Huế mình…

Em định kể cho anh nghe chuyện đi thăm mộ Hàn Mặc Tử, đã chuẩn bị đầy đủ sáu tờ pelure, nhung con Quế nhờ em xuống trông hàng hộ để đi mua hàng trên Phù cát. Em sẽ viết thư cho anh sau…”

“Em vừa nhận được thư anh, báo tin vui của gia đình Đại tá Phan. Liệu anh có xin về Qui nhơn với má không? Má nghe tin hết sức mừng rỡ. Má vui trở lại, vì tin rằng nhà ta đã qua được vận rủi. Anh sẽ về đâu, diễn tiến thế nào, phải viết thư ngay cho má biết. Má sốt ruột lắm!

Phải nhận là em không có tài mua bán. Suốt một ngày ngồi trông hàng thay Quế em chỉ bán được 2000 đồng, trong khi Quế bán được ít nhất cũng 10.000. Trông những người bên cạnh đon đả mời chào, nói ngon nói ngọt cho khách chịu mua, cà kê thêm bớt em phục quá. Em thử làm như họ mà mở miệng không ra, cố lắm chỉ lí nhí vài câu nhạt thếch. Cũng có lẽ mặt em hãm tài lắm, không gây được thiện cảm dễ như Quế.

Thử thách đó làm em phân vân lắm. Chẳng lẽ cứ ăn bám con Quế hoài, mà tìm nghề nuôi thân nuôi con, thì tìm nghề gì. Nghĩ đi nghĩ lại, rồi cũng quanh quẩn nghề giáo. Anh thấy em nên cầm cái bằng tú tài xin đi dạy giờ ở trường công được không? Hay sang năm thử thi vào trường Sư phạm Qui nhơn, như vài con bạn cũ của em đề nghị? Hỏi chỉ để hỏi mà thôi, vì em biết anh cũng chẳng giúp được gì. Anh giống em như đúc ở sự vụng về. Anh em mình bám vào nhau thì chỉ mau chết chìm mà thôi!

Thôi, lại gác cái chuyện phiền ấy lại. Tuần trước em có kể anh chuyện đi thăm mộ Hàn Mặc Tử chưa? Hình như chưa thì phải. Ðầu óc em độ này như không chịu làm việc nữa, quên quên nhớ nhớ thất thường. Hôm đó con Bích Châu chở em đi. Em định đem cháu Thúy theo, nhưng má không cho, báo nó thăm mộ người phung bị lây khổ thân nó. Má làm em sợ, nên đi chơi mà lòng cứ lo ra, sẵn sàng thủ thế mất cả vui.

Mộ Hàn Mặc Tử nằm trên triền núi, từ đó nhìn bao quát được cả Qui nhơn. Một bên là đầm Thị nại, một bên là bờ biển, Qui nhơn như một trái tim khô co quắp nằm phập phồng chờ những đợt sóng xanh ve vuốt, xoa bóp để hồi sinh. Cả mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng vậy. Trước kia, khi chiến tranh chưa tàn khốc như ngày nay, chắc phong cảnh ở đây đẹp lắm. Sau lưng là núi xanh, phía trước là biển cả. Khung cảnh ấy chắc đẹp lòng một người mà lúc sống, đã từng ao ước được “bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi ”. Bây giờ, thăm mộ thi sĩ em xót xa đến muốn khóc. Mộ nằm lọt thỏm vào một doanh trại quân sự, ai muốn vào thăm phải xin phép. Cây cối chung quanh bị khai quang nên chỉ còn đất núi trơ trọi. Mộ bị nứt, lâu ngày không quét vôi lại, nên những dòng chữ sơn lưu niệm hoặc hình vẽ tục tĩu lớp này chồng lên lớp kia, không “thơ” chút nào. Giữa bấy nhiêu cái đìu hiu ngổn ngang, tượng đức Mẹ Maria nhìn xuống như đầy thương xót. Em thắc mắc không hiểu tại sao chính quyền ở đây, các cơ quan giáo dục văn hóa ở đây, hay ít nhất các vị sĩ quan chỉ huy doanh trại quân sự ở chính ngôi mộ Hàn Mặc Tử không để tâm chăm sóc giùm ngôi mộ. Thắc mắc ấy có “thơ” quá không, anh Ngữ? Hay là cả nước đang lo đối phó với đủ thứ chuyện, thì giờ đâu lo tới một nhà thơ!

Có ai gõ cửa ngoài. Trời ơi! Người phát thư! Em dừng nhé, để sẵn tiện nhờ bác phát thư gửi ra bưu điện luôn. Bưu điện chỉ cách nhà mình vài trăm thước, nhưng em lười. Mong nhận được thêm thư anh hôm nay…”

“…Em đã nhận được thư anh viết hôm 19-9. Anh bảo còn hai mươi ngày nữa anh rời Pleiku về Sài gòn trình diện ở Tổng Tham mưu. Má hơi buồn, em phải giải thích là anh phải về bộ Tổng Tham mưu xin rồi mới được về Qui nhơn. Cách làm việc của quân đội như thế, như thế. Em giải thích càn, không biết có đúng không. Tính từ hôm nay, anh chỉ còn đúng nửa tháng cho cái thành phố “đi năm phút đã về chốn cũ” ấy. Bài thơ của Vũ Hữu Định được ông Phạm Duy phổ nhạc hiện đang thịnh hành, đi đâu cũng nghe “Phố núi cao, phố núi buồn tênh…” Em nghe thân quen, vì có ông anh cả của mình cũng đang “buồn tênh” trên đó. Lá thư này là thư chót em gửi lên anh, hy vọng xe đò Qui nhơn Pleiku không bị Việt cộng phục kích đặt mìn để em phải phí công ngồi viết.

Trước hôm nhận thư anh, em có nhận được thư Quỳnh Như. Tội nghiệp em bé, em không thể nào thờ ơ hay giận nó lâu được. Nó vừa ở Sài gòn ra học tiếp năm chót Sư phạm, nên gửi ít quà cáp của ông bà nội cho cháu Thúy. ông bà cũng gửi cho em chút ít tiền, làm em băn khoăn quá. Em phải làm sao, anh Ngữ? Em muốn gửi trả lại, muốn tự mình nuôi cháu để ngầm nói rằng mọi lầm lỗi do chính em làm thì bây giờ chính em phải mang, không phải phàn nàn hay nhờ vả ai khác. Em không muốn ông bà vướng víu hay áy náy vì mẹ con em. Lâu nay, em không liên lạc thư từ với ông bà, vì thế.

Nhưng gửi trả lại, thì em sợ ông bà càng áy náy hơn. Ông bà sẽ nghĩ là em giận lây đến ông bà, cho rằng em cự tuyệt lại ông bà. Khó nghĩ quá đi mất!

Quỳnh Như về Sài gòn thăm nhà chỉ vài ngày sau khi gia đình mình dọn đi, nên có lẽ con bé đem hết những điều mắt thấy tai nghe về kể với thầy mẹ. Em tính…”

Ngữ đọc tới đây, đột ngột hoảng hốt. Chàng đọc lại câu vừa đọc. Trời hỡi! Như vậy là bao nhiêu lá thư chàng nhờ Quỳnh Như chuyển cho Diễm đã thất lạc. Bốn lá thư dài mơ mộng, tha thiết, ngùn ngụt nhớ thương, ăm ắp nhục cảm, bốn tác phẩm vĩ đại nhất, trung thực nhất của chàng đã lưu lạc về đâu?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx