sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

Ngữ rất thích đoản văn “Một ngày để tùy nghi” của ông Võ Phiến. Chàng may mắn hơn nhà văn đàn anh này, vì có được đến một tuần lễ “hoàn toàn tùy nghi”.

Ông Phan đã có sự vụ lệnh bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Phú yên. Ông rất bằng lòng với nhiệm sở này, vì theo kinh nghiệm của Đại tá Mẫn, ông cho rằng Phú yên hợp với ông. Phú bổn thì nhỏ quá đối với khả năng ông. Pleiku quá gần mặt trời, và ông không muốn bị vướng vì những ân oán cũ. Bình định, ông sợ. Phú yên xứng với ông, một nhiệm sở “phải chăng”!

Ân nghĩa của ông ở Pleiku khá nhiều nên ông khỏi phải nhọc lòng bận bịu chuyện dọn nhà. Ngữ chộp cơ hội, xin giã biệt sớm, và tuần lễ cuối cùng, dọn đồ ra ở với một người bạn thơ làm sĩ quan quân cảnh. Ông sĩ quan đáng lẽ phải giữ đàng hoàng nghiêm túc từ mũi giày cho đến chóp mũ để làm gương cho tất cả chiến hữu về quân phong quân kỷ, thì ngược lại, suốt mười năm binh nghiệp, ông phạm quân kỷ có hơi nhiều. Tội vạ, ông có thể đổ hết lên đầu các bạn hữu văn nghệ của ông.

Bình thường, ông là người tác phong gương mẫu hơn ai hết. Ông thẳng, nhưng không cứng nhắc. Ông biết mềm mỏng trong những trường hợp đáng mềm, nhưng chỉ mềm vừa đủ ở một ranh giới phải chăng nào đó. Cho nên cấp trên cấp dưới bình thường rất chịu ông. Ông chỉ gặp khốn khi cấp trên muốn vượt quá ranh giới ông đặt ra. Lúc đó, ông như con bò rừng, húc bất kể hậu quả. Ông lãnh đủ.

Không lãnh ngay. Những “thượng cấp” bị ông húc đủ khôn ngoan để tạm tránh một con bò từng say máu. Họ kiên nhẫn đợi. Anh em văn nghệ bốn phương vô tình giúp họ. Vì mỗi lần nghe có một bạn thơ bạn văn nào ghé lại Pleiku, dù chưa quen biết, ông cũng tìm tới gặp cho được. Ông bỏ trại, bỏ lính, bỏ quân phong quân kỷ, lấy chiếc Jeep có còi hụ chở một đám áo quần lôi thôi tóc tai nhếch nhác chạy lông nhông khắp phố. Giả sử phố Pleiku đủ rộng để họ rong chơi cho rộng chân rộng cẳng thì không sao. Đằng này phố hẹp, “đi năm phút đã về chốn cũ”, nên chiếc Jeep quân cảnh khác thường ấy lượn đến vòng thứ ba trở lên đã bị cả phố chú ý. Lính trễ phép, lính đào ngũ, thanh niên trốn quân dịch rất nhạy bén trước “tình hình”. Trời còn rủ lòng thương những chàng chết nhát hay những kẻ hay quên ngày tháng, nên cho ông sĩ quan quân cảnh kia có máu văn nghệ. Căn nhà tiền chế của ông mặc dù nằm cạnh phòng tạm giam những quân nhân phạm quân kỷ, ra vào có lính gác theo dõi, nhưng lại trở thành trung tâm vãng lai của giới văn nghệ thập phương. Những anh quân cảnh ăn mặc tề chỉnh đứng gác trước đồn đã quen với loại khách này. Họ chọn một giải pháp thích hợp: xem như không hề biết, không hề thấy các khách quí của cấp chỉ huy.

Ngữ là một trong những vị khách quí thường xuyên của đại úy trưởng đồn quân cảnh, nhờ các truyện ngắn chàng đã đăng trên các tạp chí văn chương ở Sài gòn. Truyện của Ngữ không xuất hiện đều đặn trên báo, đã thế, truyện của chàng không ướt át, không nhễ nhãi mồ hôi, không có tiếng nước vòi sen trong phòng tắm, không có những ly Champagne ướm lên đôi môi son đài các, không có phòng trà mờ ảo quay cuồng, nên bị chê là khô khan khó nuốt. Ông chủ bút một tạp chí nọ có lần lấy tình thân khuyên chàng “tốp” bớt những tiếng nổ trên các trang truyện. Thiên hạ ớn chiến tranh quá rồi, chỉ muốn đọc cái gì nhè nhẹ, êm tai. Đọc mà thú, đọc mà khoái. Cậu lôi họ ra chiến trường, bắt họ về nông thôn, eo ôi, họ không đi đâu! Ông viết cho Ngữ như thế. Ngữ trả lời bằng hai câu thơ Kiều:

Rằng quen mất nết đi rồi

Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!

Ngữ đưa lá thư ông chủ bút tạp chí văn chương nọ cho đại úy Vinh đọc. Anh ta chửi thề, sau đó đe:

- Chờ về Sài gòn, moa sẽ cho mấy anh “chầu văn” ấy một bài học. Mấy thằng bạn quân cảnh của moa trong đó chịu chơi lắm. Moa sẽ xúi tụi nó chận cửa phòng trà hỏi giấy quân dịch rồi bất cần hợp lệ hay không, cứ nói là nghi ngờ giấy tờ giả mạo, nhốt chúng nó một đêm. Ở đây có cơ hội là moa xúi tụi cầm bút nhà binh nếu có dịp về Sài gòn thì ra La Pagode dằn mặt mấy anh chầu văn một chuyến. A ha, tụi nó làm rồi đấy.

Đương nhiên Ngữ được xếp vào hàng những “chiến hữu” cầm bút “có trách nhiệm”, “có ý thức”, “có ngòi bút thép” vân vân và vân vân… Những nhãn hiệu đó cũng làm cho Ngữ vướng víu khó chịu giống như trường hợp chàng bị gọi là “anh chầu văn”. Tại trung tâm vãng lai văn nghệ của Đại úy Vinh, Ngữ được hân hạnh gặp nhiều “ngòi bút thép”, hoặc là phóng viên chiến trường của tờ Tiền Tuyến, hoặc là sĩ quan các binh chủng tổng trừ bị như biệt kích dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân. Bộ treillis Ngữ mặc giúp chàng rất nhiều, chàng được mặc nhiên chấp nhận vào đảng nhà binh, chưa hết, được đương nhiên kết nạp vào hàng ngũ nghệ sĩ nhất của đảng nhà binh, hàng ngũ văn nghệ quân đội. Họ là lính, nhưng là lính hào hoa. Họ đeo súng, nhưng chỉ đeo súng một bên vai, vai bên kia mang máy ảnh, mang túi văn, mang túi thơ, mang cây đàn. Họ biết ngắm trăng trên đồn biên thùy heo hút, biết ngắm hoa dù nở giữa trời xanh.

Ngữ không khó chịu về niềm tự hào hay phẫn nộ đôi khi chính đáng của họ. Khi một người lính sau bao nhiêu ngày đói khát tử thủ để giữ đồn, được về phép Sài gòn, anh ta có quyền tức giận trước cuộc sống nhởn nhơ của thủ đô, vì anh ta cảm thấy bao nhiêu hiểm nguy mình trải qua đã trở thành vô nghĩa. Anh chiến đấu để bảo vệ cho những cậu ấm cô chiêu này ăn nhậu ngon miệng, nhảy nhót tưng bừng hay sao? Anh liều chết cho các ngài ngậm ống vố nhàn nhã đấu hót ở Givral, La Pagode hay sao? Anh lội suối băng rừng, đạp lên gai, lội qua sình để các bà mệnh phụ yến tiệc thâu đêm hay sao? Để các thư sinh mặt trắng tóc dài được hoãn dịch vì lý do học vấn nay biểu tình, mai hội thảo hay sao? Để các ông nghị bà nghị cãi nhau như mổ bò về chuyện đái đường, buôn lịch khỏa thân hay sao?

Ngữ chia sẻ những phẫn nộ ấy. Nhưng chàng không chia sẻ những gì các “chiến hữu văn nghệ” của chàng đã làm để giải tỏa sự phẫn nộ. Đập phá, chửi bới, mượn rượu văng tục trong bàn nhậu và trên văn chương, đó là cách lựa chọn thường thấy. Một số khác thi vị hóa đời lính, làm như những kẻ không biết bấm cò toàn là dân chết nhát, vô dụng. Một số viết theo kiểu “người hùng cô đơn” hay “anh hùng thấm mệt”. Đa số viết na ná theo công thức “anh tiền tuyến, em hậu phương”. Để phản ứng lại sự nhởn nhơ, không thể chỉ có một loại văn nghệ khaki đơn điệu rập khuôn.

° ° °

Ngữ rất thích nghe Đại úy Vinh kể về thời kỳ ông bị đày ra Phú quốc coi trại tù binh cộng sản. Ông Vinh coi thời kỳ này là thời kỳ phong phú nhất của đời ông, niềm hãnh diện của ông, nên Ngữ được nghe ông kể rất nhiều lần. Mỗi khi gặp một người bạn văn nghệ mới, sau vài lon bia, ông lại bắt đầu điệp khúc…”Hồi moa ở Phú quốc…”

Ngay buổi tối dọn ra “trung tâm vãng lai”, Ngữ gặp một anh bạn thi sĩ từ Phan thiết lên thăm thân nhân làm việc ở Quân đoàn, và dĩ nhiên, anh ta trở thành tân khách của binh chủng quân cảnh. Chủ, khách cũ, khách mới kéo nhau đi ăn phở, ghé thăm một ông thi-sĩ-địa-phương khác có vợ mở tiệm bán quần áo mỹ phẩm. Ông thi sĩ gốc hoàng tộc này vui mừng gặp người đồng điệu, nhưng trước cái lườm nghiêm khắc của bà vợ đẹp, đành phải tìm cớ thoái thác. Nhà thơ đại úy không ép nhà thơ chủ hiệu mỹ phẫm, lái xe chở hai ông khách đi vòng thêm vài vòng phố Pleiku, ghé tiệm cơm Tàu mua một vài món nhậu, ghé chợ trời mua một hộp 24 lon bia Budweiser, rồi vẻ vang hụ còi chạy về đồn. Lại bắt đầu:

“…Hồi moa ở Phú quốc…”

Ông thi sĩ Phan thiết giàu óc tò mò chặn ngay lại, hỏi:

- Vì sao ông bị đày ra đó?

Đại úy Vinh vỗ vế cười ha hả hết sức sảng khoái:

- Thì cũng tại cái vạ vịt văn nghệ. Lúc đó moa đang ở Đà lạt, nhàn tản sung sướng như ông hoàng. Ông cụ moa có cái nhà ở Đà lạt. Nhưng ở chung với ông cụ moa không thích. Moa ở ngay trong đồn như hiện nay. Nhờ tay trung úy phó đồn cần mẫn chịu khó, moa giao hết việc cho lũy, cả ngày chỉ lái xe đi vòng. “Trung tâm vãng lai” của moa trên Đà lạt rộng hơn ở đây nhiều. Moa xoay gỗ trang hoàng như một câu lạc bộ văn nghệ, một thứ salon littéraire, hì hục cả tháng mới xong. Không tốn một xu. Này, các cậu tắt giùm ngay cho moa cái nụ cười xỏ xiên ấy. Moa thề trên sinh mạng của moa, của vợ con moa, là moa không hề dẫn lính đi phục kích bắt chẹt các anh ở dơ ăn bẩn để chúng nó xây cất cho moa. Chả là trên đó có một anh thầu khoán thích làm thơ. Hắn ta có cho in một tập thơ, có cả phần dịch thơ sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Mấy cậu dạy trường Võ bị tự nhiên thêm một món ngoại bổng khơ khớ. Chính hắn lo liệu hết. Moa nói: Nhà toa sang quá, có lấy lễ mà mời tụi văn nghệ chúng nó cũng không thèm tới cho toa đãi rượu, bắt nghe thơ toa. A ha! Moa nói y như vậy, “bắt nghe thơ toa”, nói như vậy mà hắn không giận, mới hay! Hắn đem thợ, vật liệu tới, đích thân đốc thúc làm cái xa-lông văn nghệ. Vừa khai mạc, thì một cậu dẫn xác đến.

Phải nói đúng hơn là bị lính của moa tóm. Hắn trốn lính, bị bắt, thì bên cảnh sát lại moi ra thêm cái tội có hoạt động cho Việt cộng, nên theo thủ tục, tụi moa chỉ giữ tạm, rồi giải giao cho An ninh Quân đội. Moa đọc hồ sơ, nhìn ảnh trong giấy căn cước giả, hơi ngờ ngợ. Kêu lên hỏi, thì ra thằng Q, làm thơ tranh đấu, làm thơ xuống đường, làm thơ tố cáo chiến tranh. Hắn cũng biết moa, nên khi lính của moa ra khỏi phòng, nó e dè hỏi: Anh còn làm thơ nữa hết? Năm nay định ra thêm tập thơ nào nữa không? Nó nói nó thích bài này, bài nọ của moa, đọc vanh vách. Phải thú nhận là moa thú vị quá. Hắn làm gì mặc kệ, nhưng biết làm thơ là được!

Hắn thì thào với moa là bị nghi oan, xin lấy tình văn nghệ giúp đỡ. Một lời đã biết đến ta, sao ta không giúp. Moa nói, được ông để tôi lo vụ này, nhưng nếu không lọt phải khai sao cho khéo để đừng liên lụy đàn em của moa. Hắn gật. Moa xếp đặt, vờ sơ sẩy, cho hắn trốn. Hắn trốn được, về ngay Khu. Bên An ninh Quân đội sau đó vất cho moa xem nguyên một xấp hồ sơ rành rành hắn lên Khu xuống phố nhiều lần. Moa tái mặt, nhưng moa chịu chơi, anh em thương, chỉ bị phạt mười ngày trọng cấm và bị đổi ra Phú quốc. Về sau,hắn nhắn người cảm ơn moa, khen moa “tiến bộ!”

Ngữ hỏi:

- Ông ở Phú quốc lâu không?

- Bốn năm. Đang ở Đà lạt, bị đổi ra đảo, lại phải canh chừng mấy chục nghìn Việt cộng thứ thiệt, bốn năm đâu khác bốn năm tù. Mỗi tháng chỉ có một chuyến tàu từ đất liền ra, lại ở cái thế lúc nào cũng hồi hộp chuẩn bị đối phó với mấy chục nghìn con người chỉ chực sơ hở là lăn xả vào xé xác mình, thì làm cai tù e còn khổ hơn làm tù. Nhưng moa “mưu sinh thoát hiểm” hay lắm. Moa cũng lập ngay một salon littéraire ngoài đảo. Có thằng chó nào biết làm thơ viết văn đâu mà hội họp. Moa làm một “thảo lư” trên đầu núi, từ đó nhìn xuống bao quát được cả toàn trại tù binh. Rảnh được lúc nào, moa xách vài lon bia lên đó, uống rượu, làm thơ một mình. Bài moa đăng trên báo hồi tháng sáu moa làm ở Phú quốc đấy. Moa nhớ làm bài đó xong, moa đọc lớn lên, gần như gào thét với gió biển. Cảm khái dễ sợ, và cô độc dễ sợ.

Moa định viết một cuốn truyện dài, hay một cái kịch về trại tù Phú quốc. Các toa nghĩ sao? Ô không! Không nhàm chán đâu, nhiều kịch tính lắm. Bi kịch Hy lạp cũng đến thế là cùng!

Các toa thử tưỏng tượng vài chục lính quân cảnh, mười tên sĩ quan thằng nào cũng bị đày như moa, thằng nào cũng sẵn sàng bê bối để bị kỷ luật và trả về đất liền, thế mà phải chịu trận với mấy chục nghìn tù binh cộng sản, bấy nhiêu đó đủ là kịch rồi.

Coi một trại tù thường phạm như mấy ông cảnh sát Nha Cải huấn, dễ ợt. Công việc đâu vào đó, cứ theo luật mà làm. Coi tù binh cộng sản, khó vạn lần. Mấy chục nghìn người, người nào cũng bảo là mình đi làm nghĩa vụ “chống Mỹ cứu nước”, tập trung lại, thì tự nhiên có đầy đủ đảng ủy, tuyên huấn, chi bộ…, các toa thấy không, tụi moa phải đối phó với cả một guồng máy Nhà nước, với cả một guồng máy Đảng. A ha! Thế mà suốt bốn năm, moa xếp êm rơ hết.

Ông thi sĩ Phan thiết không nhịn được nữa, vội hỏi:

- Ông làm sao tài vậy?

Đại úy Vinh cười to:

- Moa xài ngay cái sách của họ: tận dụng lòng đố kỵ, nghi ngờ nhau. Moa không để cho họ ở chung với nhau lâu. Cách vài tuần hoặc nửa tháng, đột ngột moa ra lệnh thu dọn hết đồ đạc cá nhân, rồi bắt một số tù binh phòng này đổi qua phòng kia. Gặp người lạ, tù cũ phải mất vài tuần mới điều tra xong lý lịch người mới nhập, vừa ngo ngoe tổ chức chi bộ, họp hành, học tập thì a lê hấp, moa lại ra lệnh đổi phòng. Chúng nó căm moa lắm, bắn tiếng bảo moa là kẻ thù nguy hiểm thâm độc nhất trại. Còn đe dọa thanh toán nữa.

Ngữ hỏi:

- Ông không sợ?

- Sao lại không! Nhưng moa có cách và đề phòng cẩn thận. Tên nào được mật báo cho biết là kẻ chỉ huy, hoặc có ý chống, moa trị liền. Các toa đừng hiểu lầm. Cách trị êm ái lắm. Biết đích xác hắn là tên nguy hiểm, moa chờ lúc đi lao động hay làm vệ sinh có nhiều tù nhìn thấy, liền gọi hắn đến. Moa hỏi qua quít những câu vô thưởng vô phạt, và thấp giọng để hắn phải chú ý lắng nghe. Cả trại, cả đồng đội của hắn cũng lắng nghe. Chắc chắn là họ, và cả hắn nữa sẽ không nghe thấy gì. Moa cười nói ân cần với hắn, mời hắn thuốc lá, ôm vai hắn đưa lên văn phòng bắt ngồi chơi đó, đến chiều thả hắn về. Dĩ nhiên bạn hắn sẽ bu lại tra vấn, và dĩ nhiên hắn nói thật là chẳng làm gì cả, “tên đại úy ngụy” chỉ nói vớ vẫn không ra cái gì, không có nội dung! Hắn nói thật, nhưng ai cũng nghĩ là hắn nói dối. Hắn bị nghi đã nhận làm ăng-ten cho moa. Thế là đời hắn tiêu!

Ông thi sĩ Phan thiết há hốc mồm, kêu lên:

- Hắn bị giết à?

- Không. Hắn trở thành người vô hại. Hắn bị xa lánh, bị dòm ngó, hắn càng chối thì đồng đội của hắn càng ngờ. Bấy nhiêu đã đủ để viết kịch chưa?

Ngữ nói:

- Chỉ mới là thảm kịch, thảm kịch chung của nhân loại, có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Đại úy Vinh nói:

- Nếu muốn thành bi kịch thì chỉ cần thêm những điều có thật vào. Cái chết là đầu mối, là cốt tủy của bi kịch chứ gì? Hồi moa ở Phú quốc, lâu lâu xảy ra những vụ chết chóc trong trại giam. Có người tự tử. Có những vụ xử tử. Ô không, làm gì bên mình dám xử tử tù binh. Hồng thập tự Quốc tế giám sát đều đều, xem xét từng cái ăn cái uống xem mình có tuân theo qui định về tù binh quốc tế hay không. Chính họ xử tử họ, kỷ luật đảng trừng trị kẻ phản bội mà. Một lần moa được khẫn báo là có tù chết ở trại B. Chết đêm trước, nhưng theo tù binh trong phòng khai, thì anh ta chết lúc nào không ai biết, sáng ra đến giờ kiểng báo thức tập thể thao, thấy anh ta vẫn nằm ngủ, đến đập lay anh ta dậy, thì xác đã cứng lạnh rồi. Moa cho đem xác lên phòng cấp cứu y tế, bảo ông y sĩ khám kỹ, vẫn không thấy dấu tích gì khả nghi. Cổ không bầm. Không có dấu vết gì có thể nghi là bị chặn gối lên mũi cho nghẹt thở. Người chết vì nghẹt thở dễ biết lắm, vì phải xuất tinh ướt cả đũng quần. Cuối cùng, ngẫu nhiên luồn tay nâng đầu tử thi lên, tay trung úy y sĩ mới cảm thấy trong lòng bàn tay có cái gì cồm cộm. Xem xét kỹ hơn, thì ra nạn nhân bị đóng một cái đinh vào đầu. Ngữ nghe Đại úy Vinh kể câu chuyện này nhiều lần, nhưng đêm hôm ấy, chàng vẫn không thể không xúc động đến gai người.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx