sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11

Vừa ra khỏi nhà ông bà Thanh Tuyến, Lãng cười, tỉnh bơ hỏi ông anh:

- Anh cần đi xả xui không?

Ngữ không chờ đợi cậu em hỏi mình một câu như thế, nên tuy nghe rõ, hiểu rõ, vẫn hỏi lại:

- Cái gì?

Lãng nhìn anh, ánh mắt lém lỉnh:

- Cái vụ đó!

Ngữ vội đáp cộc lốc:

- Thôi!

Lãng xịu mặt, thất vọng. Ngữ nói:

- Lãng rảnh tới mấy giờ?

- Phải về trại Sóng Thần trước năm giờ chiều. Nhưng em bồ với tụi gác, khuya một chút không sao!

Ngữ hỏi em khi Lãng cúi xuống hí hoáy mở xích khóa chiếc Honda:

- Còn tiền không đưa cho anh một ít!

Lãng hơi bối rối:

- Bây giờ chỉ còn tiền đổ xăng. Nhưng về trại em xoay mượn lương non được. Cần gấp không?

- Mai cũng được.

Lãng đạp cần cho nổ máy chiếc Honda, ngồi lên yên chờ cho Ngữ cũng choàng chân ngồi phía sau xong mới hỏi:

- Bây giờ anh cần đi những đâu?

- Ghé thăm các tòa báo. Các ông ấy viết thư nhắn có dịp về Sài gòn nhớ ghé chơi. Định đến để biết mặt họ luôn.

Lãng nói:

- Gặp làm mẹ gì mấy ông ấy! Chán chết.

Nói thế, nhưng Lãng vẫn hỏi:

- Đến tòa báo nào trước? Có lâu không?

Ngữ nói tên một tạp chí văn chương có đăng nhiều truyện ngắn của Ngữ. Lãng hỏi địa chỉ, rồi bảo anh:

- Em biết chỗ này. Gần chợ Thái bình. Ở đó có mấy quán nhậu ngon mà rẻ.Chiếc Honda bắt đầu phóng nhanh qua những đường phố xe cộ tấp nập. Ngữ phải ôm chặt lấy eo Lãng, vì Lãng lượn qua lượn lại, chen lách vượt qua mặt hết chiếc xe này đến chiếc khác. Ngữ đập vào vai em nhắc:

- Chạy cẩn thận một chút. Coi chừng cảnh sát phạt đấy!

Lãng nói lớn cho anh nghe, không chịu giảm tốc độ:

- Tụi nó không dám phạt lính mũ xanh đâu! Sao anh không mượn tiền chị Quỳnh Trang?

Ngữ hét to cho em nghe:

- Ai lại mượn kỳ vậy?

- Em mượn hoài có sao đâu!

- Có trả nợ sòng phẳng không?

- Sòng phẳng chứ. Chậm, nhưng có trả! Chị dâu em mà!.

- Mày nói cái gì?

- Em thường nói đùa với lũ bạn em vậy, tụi nó tin thật. Nói vậy cho tụi nó tốp, không tán nhảm với chị Trang nữa!

- Mày ăn nói ẩu tả, làm phiền người ta!

- Không phiền đâu! Chị ấy chỉ cười. Anh Ngữ này!

- Cái gì?

- Thôi!

- Hỏi gì cứ hỏi, sao lại thôi!

- Má ra sao?

- Thường. Tạm yên được rồi. Nhưng vừa rồi mày định hỏi cái gì?

- Có hỏi gì đâu!

Ngữ biết Lãng có điều gì muốn hỏi mà không tiện hỏi lúc này, nên không ép em. Giữ im lặng nhìn phố xá một lúc, Ngữ nói:

- Sao không chịu khó viết thư về thăm má?

- Em lười viết thư lắm. Với lại mọi chuyện đều bình thường, có gì đâu mà viết.

- Đánh nhau dài dài như vậy mà mày bảo bình thường. Má lo lắm!

- Xì! Thấm thía gì. Đánh nhau quen như đi dạo mát. Còn sống thì về đây đi lăng quăng, chết thì chôn. Người sống khóc, khổ, mình nằm một đống, khỏe re!

- Mày nói thế mà nghe được!

Lãng cười hô hố, lanh tay bẻ nghiêng tay lái tránh một chiếc xe buýt đột ngột ép sát vào lề đường đón khách.

Ngữ vào Sàigòn lần đầu, chỉ định được địa chỉ toà soạn báo Văn trên bản đồ nhờ một đoạn ngắn ngủi Phạm Ngũ Lão chạy dọc theo hông ga xe lửa, nên không biết từ Lý Thái Tổ đến tòa soạn xa hay gần, và trên con đường ấy, toà soạn nằm đoạn nào. Bỡ ngỡ trước bề rộng mênh mông của thủ đô, Ngữ lờ mờ đoán phải mất cả giờ đồng hồ mới tới. Nhưng Lãng cho xe chạy không đầy 15 phút, đã dừng lại trước một rạp chiếu bóng. Ngữ hỏi:

- Đi xi nê à?

- Không. Chắc ở phía bên kia đường. Anh nói số 38 phải không?

- Ừ, 38 Phạm Ngũ Lão.

- 30, 32… 38 kia kìa. Anh qua đi, căn phố hẹp có gác. Em ngồi đây uống cà phê chờ anh.

- Thì qua luôn. Vào xem một tờ báo cho biết!

Lãng gửi xe rồi miễn cưỡng đi theo Ngữ.

° ° °

Chính tờ Văn đăng truyện ngắn đầu tay của Ngữ với lời giới thiệu khả ái vẫn thường dành cho những cây bút mới, như: “tuy rằng… mặc dầu… nhưng có triển vọng, sẽ đi xa trong tương lai”. Trong đoạn giới thiệu ngắn in chữ nghiêng, tòa soạn lầm lẫn giới thiệu chàng là một sĩ quan Quân lực Việt nam Cộng hòa. Sợ bạn bè chế giễu (và họ đã chế giễu rồi), Ngữ viết thư yêu cầu cải chính. Số báo có đăng truyện ngắn sau, không cần lời giới thiệu nữa, nhưng cũng không có đoạn cải chính, mặc dù ông chủ bút có viết một lá thư riêng cho Ngữ, xin lỗi về lầm lẫn trên, và ân cần dặn lúc nào về Sài gòn nhớ ghé tòa soạn, “anh em” mình hàn huyên tiếp, chứ giấy ngắn không viết được hết ý. Lá thư kết bằng hai chữ “Tình thân”, mà Ngữ cho rằng rất hàm súc, nghiêm mà không khô khan, thần tình mà không suồng sã quá trớn.

Chuyện “sĩ quan” hay “không sĩ quan” chỉ là một lầm lẫn nhỏ do tòa soạn không biết rõ một người viết mới, nhưng động chạm đến một điểm nhạy cảm của Ngữ, làm cho chàng khổ sở, áy náy. Mỗi lần gặp một người bạn viết văn, hay một độc giả thích văn chương, Ngữ tìm mọi cách để giải thích, biện mình. Người nghe thường lễ độ tin Ngữ, nhưng chàng biết là họ ngờ. Lần này Ngữ muốn gặp ông chủ bút, để nhờ ông cải chính công khai một lần trên báo cho dứt khoát. Với “tình thân” ông vẫn dành cho Ngữ, chàng tin việc đó không mấy khó khăn.

Tòa soạn báo Văn nhỏ hẹp và bề bộn hơn là Ngữ tưởng. Từ tỉnh lẻ nhìn về thủ đô, Ngữ vẫn tưởng một tạp chí văn chương quan trọng như tờ Văn phải đặt tòa soạn tại một khu có nhiều bóng cây xanh. Tòa soạn không cần phải đặt tại một biệt thự có cổng sắt, có hoa viên, có những lối đi quanh co trải sỏi trắng. Ngữ không quá lãng mạn đến nỗi tưởng các chủ nhiệm tạp chí văn chương đều là đại tư bản. Sự giàu có thường không thích chung chạ với văn chương thơ phú. Tuy nhiên, theo Ngữ, văn chương cần một khoảng khuất tịch, giữ khoảng cách vừa đủ với cuộc sống hối hả chung quanh. Có thể là sự khuất tịch đạm bạc của một bàn viết đặt trên gác xép, một ngọn đèn nhỏ đủ soi trang giấy và một tâm hồn cố lách ra ngoài cảnh chung chạ, âm thầm nhìn cuộc đời bên ngoài và đối diện với chính mình. Niềm cô độc cần thiết ấy chỉ có thể tìm thấy tình ấp ủ quyến luyến của một cành lá xanh, một ánh trăng chiếu. Từ tòa soạn, có thể nghe được tiếng chim sẻ chim chíp ngoài hiên, tiếng lá rụng nhẹ trên mái (Ngữ thích tòa soạn đặt tại một ngôi nhà hơi cổ, mái lợp ngói âm dương phủ nhiều lớp rêu), tiếng gió lùa vào một cánh cửa hé (Ngữ lại thích cánh cửa ấy làm bằng gỗ nước sơn đã cũ, kỵ nhất là cửa sắt. Cửa sắt chắc chắn chỉ thích hợp với các hàng phố lúc nào cũng cẩn thận đề phòng kẻ gian hoặc nhà tù). Từ tỉnh lẻ, hàng nửa tháng chờ báo Sài gòn về như chờ món quà ý nghĩa nhất của hai tuần lễ dài, Ngữ hăm hở nghĩ đến cảnh những “bạn văn” từng ân cần viết thư cho chàng, khuyến khích giúp đỡ chàng, sẽ sáng rỡ đôi mắt dang rộng tay đón chàng như đón một khách tri âm. Họ sẽ bỏ việc, nếu cần bỏ vợ bỏ con, bỏ giấy bỏ bút, vứt hết, vứt hết, để ôm lấy Ngữ mà tâm sự. Chàng sẽ xin ý kiến của họ về truyện ngắn này, truyện ngắn kia, sẽ nhờ họ chỉ cho chàng biết so với cái truyện đầu tay, chàng viết lùi đi hay khá hơn. Nhân tiện, chàng sẽ thẳng thắn nói cho các “bạn văn” ấy biết mình nghĩ gì về các sách họ đã xuất bản, về văn thơ họ đã cho đăng báo.

Ngữ không thể dằn được hồi hộp xúc động khi bước vào tòa soạn. Trên đường Phạm Ngũ Lão, xe cộ chạy như mắc cửi, ồn nhất là tiếng xe cyclo máy chở hàng đi và đến chợ Thái bình, hoặc tiếng xe Lam ba bánh chở khách rú máy khởi hành mỗi khi ghé vào bến. Khói xăng mù mịt khét lẹt cả một quãng đường.

Bên trong tòa soạn cũng ồn ào bề bộn không kém. Từng đống giấy bản chất chật cả khoảng nhà trước, cao lên tận trần ván. Qua cánh cửa thông ra phía sau, Ngữ thấy nhiều giàn máy in đang chạy, tiếng máy đập inh tai nhức óc. Mùi mực, mùi hóa chất cay nồng tràn ngập khắp phòng.

Giữa hai đống giấy cao ngất cạnh lối hẹp đi ra sau là cái bàn gỗ nhỏ. Một người đàn ông tóc cắt ngắn mặc sơ mi trắng cụt tay đang chăm chú đánh máy. Ông đánh chậm bằng hai ngón trỏ, mắt đăm đăm nhìn vào từng chữ một. Ngữ đến trước bàn mà người đàn ông chăm chỉ vẫn không hay biết. Chàng lúng túng, gắng chờ cho ông ta đánh máy xong một hàng, đẩy cần máy chữ sang hàng khác, mới lên tiếng:

- Anh cho tôi hỏi thăm, ông chủ bút đã tới chưa?

Người đàn ông nghe được câu Ngữ hỏi, nhưng vẫn chăm chú tiếp tục công việc. Ngữ không thể đoán được ông ta có khó chịu vì bị quấy rầy hay không. Chỉ thấy ông hỏi:

- Có việc gì gấp không? Bài vở hay trị sự quản lý?

- Cũng không có việc gì gấp. Tôi vừa ở Pleiku xuống. Ông chủ bút có viết thư nhắn là có dịp về Sài gòn, nhớ ghé chơi. Thế thôi!

Người đàn ông ngừng đánh máy, ngửng lên. Đôi mắt ông nhìn thẳng cố làm ra vẻ nghiêm trọng, nhưng Ngữ lại nhìn thấy ở đó sự mệt mỏi, thờ ơ. Ông hỏi:

- Anh tên gì?

Ngữ khó chịu như đang bị tra vấn. Chàng đáp cộc lốc:

- Ngữ.

- Cái gì Ngữ?

Ngữ không chịu đựng thêm được nữa. Giọng chàng run lên vì giận:

- Anh cho tôi gặp ông chủ bút!

- Tôi là chủ bút đây!

Ngữ bị bất ngờ, khựng lại. Ông ấy đây ư? Người vẫn cần mẫn đều đặn gửi báo biếu cho chàng, số nào có đăng bài của chàng cũng luôn luôn kèm theo một lá thư ngắn đánh máy không sai một dấu phảy kết bằng hai chữ “tình thân” và cái bưu phiếu 1500 đồng nhuận bút đấy ư? Ông ta đang đánh máy lá thư “tình thân” gửi cho bạn văn nào đây? Biết đâu ông đang đánh máy lá thư gửi lên Pleiku cho Ngữ, vì chiều hôm kia ghé sạp báo ở Ngã Bảy, chàng thấy tạp chí Văn có đăng cái truyện của mình. Ngữ nói thật chậm và lớn để át tiếng máy in:

- Tôi là Lê Đình Ngữ, có được ông chọn đăng một số truyện trên Văn.

Ông chủ bút không tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ hỏi:

- Thế à! Xuống đây lâu chưa?

- Hơn ba hôm thôi. Anh bận lắm nhỉ?

- Ừ, bận. Dịp khác, cậu có rảnh ghé chơi nhé!

Nói xong, ông cầm ru-lô máy chữ xoay ngược trở lại, kiểm soát những hàng vừa đánh máy. Ngữ khó chịu, biết ông muốn đuổi khách. Chàng nói cộc lốc:

- Thôi, chào ông!

- Vâng!

Ngữ vùng vằng quay gót. Lãng đứng chờ ngoài cửa nhìn thấy mọi điều, nhưng vẫn hỏi:

- Ai đó anh?

Ngữ không đáp, bảo em:

- Đi!

- Đi đâu?

- Về trong trại xoay cho anh ít tiền!

Lãng tỏ vẻ ngại, dè dặt hồi lâu mới đề nghị:

- Không biết lão thượng sĩ phát ngân có vào trại không! Hay để em trở lại mượn chị Trang.

Ngữ giận, nói như quát vào mặt Lãng:

- Mày không xoay được thì thôi! Cấm mày mượn tiền của người ta.

° ° °

Lãng không nói năng gì, chở Ngữ đi đâu không nói cho anh biết. Ngữ cũng không thèm hỏi. Chàng cảm thấy bị bẽ mặt với em, như một ông phú hộ hí hửng đem khoe một món đồ cổ đắt giá để bị người sành sõi nói thẳng vào mặt rằng đó là đồ giả.

Xe chạy qua chợ Bến Thành, rẽ về phía Quốc hội, gặp nhà thờ Đức Bà. Rồi dinh Độc lập lùi xa ở phía sau lưng. Sở thú. Rẽ trải, rẽ phải. Qua cầu. Qua một cái chợ nhỏ nhưng đông đúc, hàng hóa bày bán lấn cả ra đường. Lãng dừng xe lại trước một khu nhà tiền chế núp dưới bóng me xanh. Lúc tắt máy xong, Lãng nói:

- Em vào nhà ông bạn mượn tiền cho anh!

Chỉ mười phút sau, Lãng trở ra, đưa cho Ngữ 3000 đồng. Bấy giờ, Ngữ mới thấy ngượng với đứa em út. Ngữ dịu lời nói với Lãng:

- Hồi nãy bực dễ sợ, quên mất chuyện đòi nhuận bút cái truyện ngắn.

Mặt Lãng vẫn dàu dàu. Nhưng một lúc sau Lãng hỏi:

- Được bao nhiêu?

- Cái gì?

- Tiền họ trả cho một cái truyện ngắn.

- 1500 đồng.

- Mười tô phở. Ba lần đi lên An nhơn hay Gò vấp.

- Nói gì thế?

Bây giờ Lãng mới cười:

- Em nói cái truyện của anh bán cho họ đủ ăn mười tô phở. Còn nếu muốn xả xui bình dân, thì được ba lần.

Ngữ bật cười. Thế là hai anh em làm hòa với nhau. Ngữ rủ:

- Ghé đâu đó tìm cái gì uống.

Lãng nhìn đồng hồ, rồi đáp:

- Vâng. Sẵn tìm cái gì ăn. Xong em chở anh về. Em còn phải vào trại.

Hai anh em vào một tiệm hủ tiếu gần chợ Thị Nghè. Xe hủ tiếu đặt ngay trước mặt tiền, nồi nước lèo sôi sùng sục, hơi bốc lên thơm mùi ngũ vị hương. Thấy trên tấm thực đơn có ghi cả món “phở” và “bún bò”, Ngữ muốn kêu một tô phở tái nạm. Lãng lấy giọng thành thạo, ngăn:

- Anh điên hay sao mà gọi phở. Tiệm ăn này của người Tàu. Phở Bắc mà nước lèo nấu theo kiểu nước lèo mì hoành thánh, nuốt sao vô!

Rồi Lãng tự tiện gọi hai tô hủ tiếu đặc biệt. Ngữ nhìn em, thích thú nhận ra cái vẻ tự tín trưởng thành của em. Chàng nhớ ngay sáng nay Lãng đã rủ anh đi chơi điếm, một điều không bao giờ Ngữ tưởng tượng được. Trước đây, nhiều lần đi chơi với em, Ngữ muốn thân mật hỏi han đời sống riêng tư của Lãng. Thấy cuộc sống ấy có vẻ phóng túng buông thả, Ngữ muốn tỏ cái vai trò lo lắng hướng dẫn của mình, định dặn Lãng nếu có chơi bời hãy lo giữ mình, để tránh bệnh hoạn, và đừng quên mang “áo mưa” trong các cuộc hành lạc. Ngữ biết nếu dặn như vậy, Lãng sẽ cảm động và chấp nhận những lời “khuyên răn” chí tình của ông anh cả. Nhưng không cách nào Ngữ nói được. Mon men đến gần được chủ điểm, lấy hơi định nói, rồi thôi, không như Lãng sáng nay!

Đang ăn, Lãng chợt nhớ, ngừng đũa, ngửng lên nói:

- Á, hôm quá xuống Chợ lớn em có gặp anh Ngọc.

- Ngọc nào?

- Anh Ngọc em anh Ngô. Em gặp anh ấy trước trường Y khoa.

Ngữ hồi hộp, nhưng cố trấn tĩnh hỏi:

- Có gì lạ không?

- Không. Em nhớ mặt ảnh, còn ảnh thì quên em. Em xưng tên, bảo là em của anh. Ảnh ờ ờ cho có chuyện. Chị Diễm sắp lấy chồng, anh biết chưa?

- Ngọc nói cho em biết à?

- Vâng. Em biết trước. Hôm qua em tới nhà bác Thanh Tuyến, chị Trang tưởng em chưa biết, đưa thiệp báo hỉ cho em coi.

- Lãng nói cái gì mà Ngọc nói tới đám cưới cô Diễm?

Lãng cười, giọng tự đắc

- Thấy ảnh có vẻ lơ là, em nộ chơi, bảo là tụi em sắp hành quân lớn ở Huế, ảnh có nhắn gì cho bác Bỗng không. Ảnh động lòng liền. Lăng xăng hỏi tình hình ngoài vùng một,rồi leo qua hỏi em có ai quen bên Không quân cho ảnh quá giang về Huế dự đám cưới chị Diễm. Ảnh than anh Mân lẳng lặng về, không cho ảnh biết gì cả!

- Lão Mân ở đây à?

- Anh hỏi ai?

Ngữ đỏ mặt, thấy mình gọi Mân bằng “lão”, nên vội chữa:

- Ông Mân đó!

- Em nghe anh Ngọc bảo anh Mân đã xin làm việc được ở ngay Bộ Tổng tham mưu. Tài thật! Thiên hạ bị tái ngũ phải đi xa, ảnh lại ngự ngay ở thủ đô!

Ngữ cảm thấy tưng tức trong lòng, miếng ăn nuốt không trôi. Lãng ngơ ngác nhìn anh hỏi:

- Anh bị mắc xương à? Thịt xá xíu toàn nạc, có xương đâu?

Ngữ lắc đầu, bỏ bát hủ tiếu còn hơn phân nửa, kêu một ly cà phê đá. Cà phê khét lẹt, lại chua. Chán, chàng gọi bồi tính tiền. Lãng tiếp tục ăn hết tô hủ tiếu, gọi chai bia ực vài lần hết gọn, chùi mép bảo anh:

- Em dân đấm đá ăn cực đã quen, về đây ăn gì cũng ngon. Không như anh. Em đưa anh về nghe!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx