sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 17

Quỳnh Như xin phép nghỉ vài ngày để đưa Dale vào Sài gòn hồi hương. Nàng lên Viện Đại học xin bác Phiệt phát ngân viên cho lãnh tiền học bổng trước để mua vé máy bay và lộ phí. May mắn, giờ chót Dale xin được hai chỗ miễn phí trên các chuyến Air America của cơ quan USAID vẫn thường đi về giữa Sài gòn và Huế.

Chiếc Cesna mười hai chỗ ngồi ghé Đà nẵng bốn giờ đồng hồ, lấy nhiên liệu và hồ sơ của Tổng lãnh sự Mỹ tại đây rồi lại ghé Nha trang thêm hai tiếng nữa, cho nên Dale và Quỳnh Như đến Tân Sơn Nhất lúc trời đã tối. Ra khỏi phi trường, trong lúc Dale mượn điện thoại của phi cảng gọi cho Bob Newsman đem xe ra đón, Quỳnh Như ngồi thẫn thờ như người mất hồn trước ly Seven Up trên bàn quán ăn. Một phần vì cuộc hành trình kéo dài phải chịu nhiều chờ đợi, máy bay nhỏ gặp trời xấu chao liệng như cánh én trước bão, nhưng phần lớn hơn là do đột ngột Quỳnh Như có ý nghĩ muốn liều lĩnh sống với Dale những ngày giã biệt cuối cùng này, giấu không cho gia đình biết. Quỳnh Như vẫn biết thế nào cái tin nàng xin nghỉ học để đưa Dale về Sài gòn cũng tới tai thầy me. Ở Huế, tiếng nan giường trăn trở của một cô gái dậy thì đã là đề tài xì xào cho cả thành phố, huống chi mối tình thầy trò dị chủng của Dale – Quỳnh Như. Ông bà Thanh Tuyến trước sau cũng phải biết hành động dại dột của con gái. Nhưng lúc đó, một hai tháng sau, mọi sự đã rồi. Biết đâu nhờ thiên hạ đàm tiếu mà ông bà không có cách nào khác là chịu cho con gái lấy Dale.

Ý nghĩ táo bạo quá, Quỳnh Như vừa nghĩ tới đã choáng váng như bất thần bị ngộ gió độc. Nàng tìm cách xua đuổi dự tính liều lĩnh ấy đi, nhưng không được. Nhìn Dale đang đứng gọi điện thoại bên cạnh, cái lưng dài và gầy, đôi vai khỏe, mái tóc màu hung hơi dài và quăn phủ ót, cái quần jeans bó sát lấy đôi mông tròn, gọn và chắc nịch, nàng cảm thấy khao khát vu vơ.

Dale gọi điện thoại xong, trở về bàn vui mừng bảo:

- Xong rồi. Bob nó nói chỉ nửa giờ nữa là tới đây. Nếu kẹt xe, quá lắm là 45 phút. Em đói không, ta tìm cái gì ăn.

Thấy Quỳnh Như không trả lời, đôi mắt ươn ướt đăm đăm nhìn mình khác thường, Dale đâm hoảng vội hỏi:

- Em sao thế? Bị đau hả?

Quỳnh Như tỉnh lại, giật mình tự trách đã có những ý tưởng ngông cuồng. Nàng cố giấu sự bối rối bằng cách cúi xuống ngậm đầu ống hút nút một ngụm Seven-Up, rồi mới đáp:

- Em hơi mệt vì máy bay xóc quá.

Dale yên tâm hơn, hỏi:

- Em ăn gì, hay chờ Bob tới ba đứa mình đi ăn luôn thể. Bây giờ mới 8 giờ 15, chắc các tiệm Tàu trong Chợ lớn còn mở cửa.

Quỳnh Như lo ngại nói:

- Không. Bob đến anh nhờ Bob chở cho em về nhà ngay. À quên, thầy me biết em về đây với anh chắc không bằng lòng đâu. Em sẽ nói dối là về Sài gòn bằng Air Việt Nam. Anh nhờ Bob bỏ em xuống đâu đó gần nhà, rồi em gọi taxi về Lý Thái Tổ.

Dale nhíu mày khó chịu, không thể hiểu được cái phức tạp vô ích của cung cách sống Việt nam. Dale hỏi:

- Như vậy làm sao anh gặp lại em?

- Em sẽ thưa trước với thầy me để anh đến thăm. Cho ông bà biết mặt anh, nói chuyện với anh. Em tin là gặp anh xong, thầy me sẽ có cảm tình với anh.

Dale vẫn còn băn khoăn, hỏi:

- Ông cụ bà cụ nói tiếng Anh được không? Anh nói tiếng Việt bập bẹ, sợ chỉ làm trò cười lố bịch thôi!

Quỳnh Như vui vẻ đáp:

- Dĩ nhiên em phải thông ngôn. Me không biết tiếng Anh, còn thầy thì chỉ đọc được thôi, nghe và nói không được. Anh yên tâm, em làm thông ngôn, câu nào anh nói vụng em bỏ đi, câu nào tầm thường em thêm gia vị. Em biết sở thích của thầy me, chắc chắn thế nào anh cũng trả bài được, và được chấm đậu!

Dale suy nghĩ một lúc, lại hỏi:

- Ông cụ bà cụ sẽ hỏi anh những gì?

Quỳnh Như cười:

- Thì vẫn những điều anh thường phải khai trong các đơn xin việc. Bao nhiêu tuổi? Học lực? Con cái nhà ai? Từ lúc ra trường đến nay đã làm những nghề gì? Quan trọng nhất là hỏi anh có đủ sức kiếm tiền nuôi vợ nuôi con hay không?

Dale vui vẻ nói:

- “Interview” như thế thì dễ lắm. Anh từng đi xin việc và gặp những ông chủ hắc búa hơn nhiều. Chốc nữa Bob đưa em về nhà. Mai làm sao anh liên lạc với em để biết ông cụ bà cụ “interview” anh lúc nào.

- Anh viết ngay cho em số điện thoại nhà Bob. Sáng mai, khoảng 10 giờ, em sẽ điện thoại. À quên, nhà em đâu có điện thoại. Thôi, mai 10 giờ đúng anh chờ em ở bến xe buýt Ngã Bảy. Anh biết chỗ chưa? Đưa bản đồ đây em chỉ cho. Nhà Bob ở đâu. Hồng Thập Tự à? Như vậy thì dễ lắm. Anh đi thẳng lên đây, đến Ngã Sáu có cái tượng cảnh sát thì gặp đầu đường Lý Thái Tổ, cứ theo Lý Thái Tổ đi lên một đoạn nữa dặm nữa là tới đây, Ngã Bảy. Nhà em ở chỗ này. Chốc nữa Bob tới, em sẽ chỉ đường cho Bob. Mai anh lại nhờ Bob lái xe đưa đi chứ gì?

- Không! Chắc anh mượn chiếc xe Jeep của nó để sau khi gặp em, còn phải lên Tòa Đại sứ.

° ° °

Cuộc “thẩm vấn” xảy ra vào buổi chiều, đúng 5 giờ. Và những người trong cuộc chuẩn bị cho cuộc thẩm vấn ngay từ buổi trưa, sau khi đã thỏa thuận với nhau về giờ giấc, một cách gián tiếp qua trung gian của Quỳnh Như. Dale chỉ có ba bộ quần áo, mà bộ nào cũng thuộc loại dã chiến không thích hợp với các dịp lễ lạc hay biến cố long trọng. Đi dạy hay chạy đi xoay bàn ghế vật liệu phế thải ở các doanh trại Mỹ để giúp các trường, các cơ quan xã hội, Dale thường mặc cái áo khaki vàng có cầu vai dân Mỹ thường mặc trong những cuộc cắm trại hay picnic. Quần là thứ quần may sẵn bán trong P.X., mầu áo mầu quần thường mầu sậm hay màu đất nâu nhạt cho đỡ tốn thì giờ gìn giữ sạch sẽ và giặt ủi. Không cần Quỳnh Như nhắc, Dale biết ăn mặc như thế đến nhà thầy me Quỳnh Như chỉ rước lấy thảm họa. Đi ăn sáng với Quỳnh Như xong, Dale về căn phòng Bob thuê mở tủ tìm mượn quần áo của bạn. May quá, Bob có mấy bộ đồ vía để dành cho các cuộc dự họp báo hay tiếp tân. Khổ người của Bob mập và lùn hơn Dale, nên khi mặc cái áo veste vào, Dale cảm thấy tức ngực khó thở, hai vai bị bó lại, phải thun người mới gài được hai hạt nút. Cái quần ngắn trên mắt cá, không che được giùm Dale đôi tấc trắng màu cháo gà. Cái cà vạt trên cần cổ làm tình làm tội Dale không thua cái áo veste. Chải tóc xong, nhìn vào gương. Dale thấy mình đang đối diện với một anh chàng nhà quê học làm sang, mặt mày đỏ rần vì ngượng. Bob ưa xài nước hoa và các thứ lỉnh kỉnh như lọ nước trị hôi nách, phấn rắt vào giày, sáp bôi lên môi cho da khỏi nứt… Dale ngần ngừ một lúc, cuối cùng cũng vẩy một ít nước hoa lên bàn tay rồi xoa lên má, ướm lên chiếc sơ mi, quẹt lên cổ. Dale còn cẩn thận lấy kéo tỉa lại tóc, cắt lông mũi cho sạch sẽ.

Trời Sài gòn buổi trưa nóng bức, căn phòng Bob thuê loại rẻ tiền không có máy lạnh, chiếc quạt máy cho chạy hết tốc độ nhưng mồ hôi Dale cứ vã ra như tắm. Dale nôn nao đi ra đi vào, nhìn đồng hồ cứ sợ trễ giờ. Còn hai giờ nữa mới tới giờ hẹn, Dale chợt sợ cảnh kẹt xe của Sài gòn, hoặc biết đâu trên đường tới nhà Quỳnh Như chàng không gặp một tai nạn, một điều bất thường nào đó. Dành ba mươi phút để đi là một tính toán sai lầm. Phải một giờ. Một giờ chưa đủ. Kẹt xe cả nửa giờ là thường. Phải một giờ rưỡi… Dale lái xe ngang qua nhà Quỳnh Như lúc 3 giờ rưỡi, và suốt nửa giờ cứ quanh quẩn lái nhiều vòng không dám dừng lại, cũng không dám lái đâu xa hơn. Nóng nực, nôn nao, cuối cùng Dale phải ghé một quán nước gọi một hộp Coca. Lũ trẻ con khu lao động đường Nguyễn Tri Phương thấy ông Mỹ tóc vàng mắt xanh ăn mặc lịch sự, ngồi uống Coca một mình, tò mò bu quanh nhìn vào, chỉ trỏ xì xào. Chủ quán ra đuổi, chúng không chịu đi. Vài đứa bé bạo dạn nói chõ vào quán:

- You, You. Give me five “pi”.

- You, Boum Boum!

Dale bực quá, trả tiền, rồi lên xe lái đi. Chạy ba vòng nữa, đồng hồ chỉ 4 giờ 45. Dale tìm chỗ đậu xe cách xa nhà Quỳnh Như, cho đứa bé con bán thuốc lá gần đó 100 đồng nhờ nó canh chừng xe hộ, rồi đi bộ tới nhà ông bà Thanh Tuyến.

Gia đình Quỳnh Như chuẩn bị cho “cuộc thẩm vấn” cũng công phu không kém. Từ trưa, ăn cơm xong, bà Thanh Tuyến đã bảo Quỳnh Trang đóng cửa hiệu, treo một tấm bảng bên ngoài cửa sắt là hiệu trà tạm nghỉ buổi chiều “xin quí khách trở lại vào ngày mai”. Bà Thanh Tuyến không muốn các thân chủ chứng kiến cảnh bà tiếp một ông Mỹ tại nhà. Bà cũng dặn Quỳnh Như là gần tới năm giờ phải chờ sẵn để hễ Dale tới, là mời ngay vô nhà, đóng cửa lại, cho bà con kế cận không chú ý. Như một người chủ chuẩn bị để từ chối một người đến xin việc mà mình không ưa, bà Thanh Tuyến nghĩ hết cách để biểu lộ ác cảm của mình. Bà ăn mặc xuềnh xoàng để tỏ cho thấy mình xem thường khách. Sổ sách đồ đạc bừa bộn trên bàn, Quỳnh Trang muốn dẹp đi, bà bảo cứ để đó “giấy tờ của me, dọn dẹp rồi me tìm không ra”. Trong khi đó, bà âm thầm nghĩ trước những câu hỏi thật khó để cho con gái thấy mình đã dại dột chọn một anh Mỹ nghèo xác xơ, chuyện ăn cơm nhà vác ngà voi, một anh Mỹ vô tích sự không kiếm nổi việc ở Mỹ phải qua Việt nam làm những việc lăng nhăng.

Ông Thanh Tuyến thấy Quỳnh Như lo lắng, thất thần trước thái độ của mẹ, đâm thương hại đứa con gái yêu dấu. Ông tránh đôi co với vợ vì biết vào lúc này, cãi cọ nhau việc chỉ thêm rối. Ông tỏ lòng thương con bằng cách chọn bộ quần áo tươm tất nhất, bảo con ủi phẳng, mặc vào, thắt cà vạt, mang giầy, chải tóc, rồi nghiêm chỉnh ngồi trước bàn chờ đợi.

° ° °

Quỳnh Trang núp ở phòng sau tò mò lắng nghe cuộc hỏi cung hấp dẫn, nhiều lần không nín cười được phải lấy tay bịt miệng lại, sợ bên ngoài Dale, thầy me và em gái nghe thấy.

Quỳnh Trang nghe đầu tiên Quỳnh Như lí nhí giới thiệu Dale với ông bà Thanh Tuyến, sau đó ông Thanh Tuyến nói bằng thứ tiếng Anh phát âm theo Pháp ngữ:

- Good morning. Sit down, please.

Ông quên mất bấy giờ đã 5 giờ chiều. Tiếng kéo ghế, tiếng guốc đi lại trên nền nhà, và chừng vài phút im lặng nặng nề Quỳnh Trang chỉ nghe có tiếng cái quạt trần kẽo kẹt quay. Rồi đột ngột, giọng bà Thanh Tuyến cất lên:

- Hỏi nó về Mỹ rồi có định trở lại Việt nam hay không?

Quỳnh Như dịch câu hỏi của mẹ thành:

- Me em nói rất mừng vì được gặp anh. Me em chúc anh thượng lộ bình an, và mong anh tìm cách trở qua Việt nam càng sớm càng tốt.

Dale nói, dĩ nhiên bằng Anh ngữ:

- Xin cảm ơn bà. Thế nào tôi cũng tìm cách trở lại đây sớm. Hãng UPI đã đồng ý thuê tôi, chỉ cần phỏng vấn lần chót để bàn về điều kiện làm việc, lương bổng. Tôi về Berkeley thăm mẹ tôi, rồi sẽ đi New York sắp xếp việc làm. Có lẽ chỉ mất hai tháng.

Quỳnh Như dịch lại:

- Anh Dale nói là hãng thông tấn UPI đã thuê anh ấy làm đặc phái viên ở Việt nam, lần này về để bàn chuyện với ông giám đốc ở Nữu Ước. Anh ấy cũng về để thăm mẹ ở Berkeley. Trong lá thư anh ấy nhận được sáng nay, bà cụ gửi lời vấn an thầy me.

Giọng bà Thanh Tuyến:

- Vấn an với không vấn an! Đã quen biết nhau đâu mà hỏi thăm hỏi nom. Người ta bảo dân Mỹ giỏi môi miếng ngoài miệng, thật không sai.

Giọng ông Thanh Tuyến cất lên, cáu kỉnh, bực dọc:

- Bà để cho tôi hỏi đôi điều. Chưa chi bà đã võ đoán. Người nước nào thì cũng có kẻ tốt người xấu, vơ đũa cả nắm sao được. Như, con hỏi giùm thầy là bà cụ thân mẫu của Dale hiện sống với ai? Sức khỏe ra sao?

Quỳnh Như dịch nguyên văn câu hỏi, và cũng dịch nguyên văn lời đáp:

- Trước bà cụ sống với người cháu kêu bằng dì ở San Antonio, nhưng hồi tháng 2 năm nay, em gái của bà cụ ở Berkeley mời bà cụ về ở chung.

Bà Thanh Tuyến:

- Nó không có anh chị em nào lo cho bà sao?

Quỳnh Như trả lời giùm Dale:

- Anh ấy là con một.

Bà Thanh Tuyến:

- Thế bố nó đâu, không lo cho vợ?

Quỳnh Như dịch câu hỏi, nhưng lược bớt phần sau. Quỳnh Trang nghe Dale cười, rồi tiếng Dale hỏi lại (dĩ nhiên vẫn bằng Anh ngữ):

- Bố nào ạ? Mẹ tôi lấy chồng hồi mới 17 tuổi, một năm sau hai ông bà ly dị. Ông này mới mất năm ngoái. Sau đó mẹ tôi lấy bố tôi, và hai ông bà chỉ được một mình tôi, đứa con trai duy nhất. Tôi lên mười thì bố mẹ tôi lại ly dị, tôi được tòa cho sống với mẹ, bố tôi dời lên New York lập gia đình khác, được một gái. Từ năm năm nay, tôi không liên lạc được với bố tôi nữa.

Quỳnh Như dịch lại:

- Anh Dale bảo là bố anh ấy hiện sống ở Nữu Ước, về Mỹ lần này thế nào anh ấy cũng ghé thăm. Bố mẹ anh ấy không sống chung với nhau, vì hai ông bà ly dị nhau hồi anh ấy lên mười. Lỗi là phần ông bố, mê một bà khác trẻ hơn nên bỏ bê gia đình. Bà cụ giận, từ đó một mình ở vậy nuôi con.

Bà Thanh Tuyến:

- Sao bên Mỹ họ ly dị nhau xoành xoạch thế nhỉ! Thay vợ đổi chồng như thay áo! Bố nó thế, biết nó có khá hơn không?

Dale hỏi:

- Bà cụ nói gì thế?

Quỳnh Như đáp:

- Me em bảo me cầu chúc cho anh có cuộc sống gia đình may mắn hơn bố mẹ.

Bà Thanh Tuyến lo lắng hỏi:

- Nó hỏi gì thế?

Quỳnh Như đáp liền:

- Anh ấy hỏi thăm việc buôn bán của me có khá không?

Có lẽ ông Thanh Tuyến bắt đầu sốt ruột vì câu chuyện cứ dây dưa loanh quanh, nên Quỳnh Trang nghe cha lớn giọng, nói:

- Bà để tôi hỏi thẳng ông ấy một số điều quan trọng đến con Quỳnh Như. Như con, con hỏi Dale cho ba vài điều. Trước hết, Dale có thực sự yêu thương con không?

Bắt đầu từ đây, Quỳnh Như dịch gần nguyên văn các câu vấn đáp:

° ° °

Dale: Thưa ông, tôi yêu tha thiết Quỳnh Như. Vì vậy, mới quyết định xin ông bà chấp thuận cho phép cưới Quỳnh Như, dù biết cuộc hôn nhân Âu-Á này cũng có nhiều phức tạp, khó khăn.

Ông Thanh Tuyến: Anh thấy như vậy, và chúng tôi cũng thấy như vậy. Chúng tôi không muốn con gái mình phải xa gia đình, phải sống bơ vơ giữa những người lạ. Chúng tôi không muốn mất con, anh hiểu! Liệu anh có thể ở lại Việt nam được không?

Dale: Tôi thích ở Việt nam hơn ở Mỹ. Ở đây, tôi thấy đời sống có ý nghĩa hơn. Nhưng như ông đã biết, tôi được qua đây làm việc, rồi sắp trở qua đây làm phóng viên, là nhờ có chiến tranh Việt nam. Cuộc chiến tranh này kéo dài bao lâu nữa, tôi không biết. Nhưng tôi hy vọng ở lại đây càng lâu càng tốt.

Ông Thanh Tuyến: Kể cũng khôi hài! Nước tôi bị chiến tranh thì anh mới ở lại đây được. Chúng tôi thì chỉ mong được hòa bình. Trớ trêu ở chỗ đó, anh thấy không?

Dale: Vâng. Kể cũng trớ trêu thật!

Ông Thanh Tuyến: Dù sao, anh vẫn không muốn ăn đời ở kiếp tại đây. Trước sau gì anh cũng phải về Mỹ với bà cụ, có đúng thế không?

Dale: Vâng, đúng thế!

Ông Thanh Tuyến: Và nếu Quỳnh Như lấy anh, Quỳnh Như cũng phải theo anh về Mỹ.

Dale (giọng nói bối rối): Tôi nghĩ lúc đó đã hết chiến tranh, việc đi lại giữa Mỹ và Việt nam dễ dàng…

Ông Thanh Tuyến: Chúng tôi rất thương con, rất thương Quỳnh Như. Hễ thương thì không muốn xa. Cái khó cho chúng tôi là ở chỗ đó. Nếu anh là người Việt nam, thì mọi sự đổi khác…

Bà Thanh Tuyến: Con nói với nó, con trai Việt nam lấy vợ ngoại quốc không sao, chứ con gái Việt nam lấy chồng ngoại quốc thiên hạ họ khinh chê! Họ xách mé gọi là “me Tây”, “me Mỹ”!

Quỳnh Như dịch:

- Me em ngại em lấy chồng ngoại quốc thì trước sau gì em cũng phải qua đó, me em nhớ con không chịu được!

° ° °

Cuộc hội kiến đến hồi bế tắc. Dale buồn rầu đứng dậy xin phép về, không quên chào giã biệt trước để mốt lên máy bay hồi hương. Bà Thanh Tuyến thỏa mãn vì thắng lợi, bảo Quỳnh Như dịch câu bà nhờ Dale nhắn lời hỏi thăm thân mẫu của Dale.

Trên đoạn đường ngắn từ cửa hiệu trà đến chỗ để xe, cả Dale lẫn Quỳnh Như im lặng lầm lũi bước, lòng nặng trĩu không nói được gì. Mãi tới lúc sắp lên ngồi trên chiếc Jeep dân sự, Dale mới than:

- Thầy me em muốn anh học giỏi hơn mới được lấy em, thì anh sẽ rán lấy cho được cái Ph.D. Muốn anh giàu hơn, thì anh rán làm hai ba jobs. Nhưng muốn anh trở thành người Việt nam mới chịu gả em cho anh, thì anh chịu thua! Làm sao đây, Quỳnh Như!

Quỳnh Như chỉ biết thút thít khóc, giữa đám trẻ con hiếu kỳ đang vây quanh chiếc Jeep của Dale.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx