sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 18

Bà Thanh Tuyến nhất quyết không cho phép Quỳnh Như đưa Dale ra phi trường, nên buổi sáng hôm cuối cùng, Dale phải nhờ Bob chở tới từ biệt. Dale nằn nì bạn cùng đi, vì sau buổi hội kiến, Dale ngại phải một mình đối diện với cha mẹ Quỳnh Như.

Buổi chia tay nặng nề và tẻ nhạt. Hai bên nói vài câu xã giao ngắn ngủi, nét mặt bà Thanh Tuyến cử đăm đăm, như muốn đuổi khách về càng sớm càng tốt. Đã thế, lũ trẻ con cứ tụ tập trước hiệu trà để tò mò theo dõi hai ông Mỹ. Quỳnh Như chỉ nói được với Dale hai câu, gượng gạo pha trò lúc Bob nhắc lại thời kỳ nàng bị thương ở Jeanne d’Arc, rồi hai ông khách ra về. Câu cuối cùng Quỳnh Như nói với Dale gọn ghẽ như một câu xã giao lấy lệ:

- Hope to see you again!

Giờ máy bay cất cánh, Quỳnh Như nôn nao không nằm yên được. Cứ đi ra đi vào vô cớ. Quỳnh Trang thấy em như vậy, kêu riêng ra bảo:

- Chị thấy đây cũng là một thử thách tốt, em đừng buồn. Chị nghe nói người Mỹ họ vô tâm lắm. Cái gì họ cũng làm ồn ào, rồi quên ngay, lại bắt đầu hăng hái xông vào chuyện khác. Họ ly dị nhau hoài là vì thế. Dale cũng cần phải trải qua thử thách này, để em biết đích xác là anh chàng có thực sự thương em không. Nếu về Mỹ Dale thấy không thể sống thiếu em, thì anh chàng sẽ xoay mọi cách để trở lại. Còn nếu anh chàng ở lì bên đó, tức là…

Quỳnh Như cắt lời chị:

- Thế nào Dale cũng trở lại. Em biết chắc chắn.

- Vâng, cứ cho như vậy đi. Còn nếu về Mỹ xong, Dale trở lại đời sống bình thường, coi em, coi Việt nam chỉ là một cuộc phiêu lưu nhỏ và êm đềm, thì em vẫn không có gì phải buồn. Ngược lại, em phải thấy là mình vừa thoát được một tai nạn.

Quỳnh Như buồn rầu cúi đầu, suy nghĩ về lời của chị. Nàng thấy Quỳnh Trang có lý. Quỳnh Như cảm động ngước nhìn chị, giọng âu yếm:

- May mà em còn có chị.

Buổi chiều, Quỳnh Như nằm lịm người vì biết chắc giờ này Dale đã rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, thì Ngữ ghé thăm. Ngữ không biết trước có Quỳnh Như trong nhà, nên khi gặp, chàng vui mừng như được một món quà bất ngờ. Ít ra, chàng cũng được biết chi tiết đám cưới Diễm. Biết đâu, nhờ Quỳnh Như chàng còn biết được Diễm đã làm gì, nghĩ gì, tâm sự gì trước khi về nhà chồng.

Bà Thanh Tuyến và Quỳnh Trang nhờ Quỳnh Như trông hàng để đi thu tiền các tiệm cà phê còn nợ nên nàng được dịp nói chuyện thoải mái với Ngữ. Nàng đang cần một người có thể nói chuyện, bất cứ chuyện gì, để khỏi bị chìm trong kỷ niệm, hối tiếc, lo âu, chán nản. Quỳnh Như hỏi Ngữ:

- Em nghe chị Quỳnh Trang nói anh xin về làm ở báo Tiền Tuyến phải không? Anh lẩm rẩm mà lanh ghê. Xoay được ở Sài gòn, hay thật!

- Nhờ ông Thần Văn chương phù hộ anh đấy!

Ngữ kể lại đầu đuôi cái may được về Tiền Tuyến. Quỳnh Như tò mò:

- Anh được phân cho làm gì? Phụ trách trang văn chương à?

- Ồ không, Quỳnh Như lãng mạn quá đà rồi đấy! Làm thầy cò thôi.

- Thầy cò? Thầy cò là thầy gì?

- Là làm correcteur, sửa bản vỗ cho đúng chính tả trước khi lên khuôn trang báo. Việc đó tiếng Anh gọi là gì nhỉ?

- Proofreading, vâng, em hiểu. Thế họ không nhờ anh viết bài à?

- Lại lãng mạn quá đà lần nữa. Tờ nhật báo chính thức của quân đội, mục đích chính là kích thích tinh thần chiến đấu, nên văn chương chỉ là phần hoa hòe lấy có. Vả lại bên đó cũng có nhiều cây bút quân nhân nổi tiếng, làm những bài thơ thép súng, viết những phóng sự bút ký hực lửa, họ cần gì tới anh. Nhưng nhờ thế mà thoải mái hơn.

- Sao thế?

- Quỳnh Như biết đã vào quân đội thì cái gì cũng theo hệ thống quân giai, tướng bảo thì tá vâng, tá bảo thì úy dạ, úy bảo thì sĩ răm rắp tuân lệnh. Thi hành lệnh trước, khiếu nại sau. Quân đội mạnh là nhờ thế. Trong khi đó quân nhân có khả năng viết lách hoặc có máu văn nghệ làm việc tại một cơ quan dính dáng tới chữ nghĩa thì bị hoang mang loay hoay, không thoải mái như làm việc ở một cơ quan quân đội khác. Quỳnh Như biết vì sao không? Vì cái “hệ thống văn nghệ giai”nó lại không theo cấp bậc. Nó dựa vào giá trị của tác phẩm. Có gì bảo đảm là bài thơ của một ông đại tá hay hơn bài thơ của một anh hạ sĩ, hoặc một truyện ngắn của một ông thiếu úy phải kém hơn truyện ngắn của một ông trung úy. Trong làng văn, ai viết hay, ai viết dở, dù không nói ra, nhưng trong lòng, họ đánh giá nhau đúng lắm. Nếu làm một tờ báo dân sự, bài thơ của một ông tướng mà dở, toàn thơ con cóc, thì vất vào sọt rác. Một tờ báo quân đội mà ông sĩ quan lo bài vở dám làm thế là có chuyện. Cứ phải loay hoay hoài là vì vậy! Làm thày cò, khỏe thân!

- Như mừng cho anh! Bây giờ anh ở đâu?

- Bên Khánh hội. Thuê chung cái gác xép với một thằng bạn, cũng làm trong tòa báo. Căn gác thơ mộng lắm. Nền ván, mái tôn đi đụng đầu nên rất ấm cúng, đi đứng lúc nào cũng phải lễ mễ khom lưng, hai đứa đối xử nhau như tân khách, cẩn thận từng cái bước chân như là đệ tử của cụ Khổng. Ngoài cửa sổ, nhìn được một vạt sông Sài gòn. Gió sông mát rượi, dù lâu lâu có mang thêm mùi bùn. Mùi vị quê hương mà. Quí hơn nước hoa Chanel nhiều.

Quỳnh Như cười thành tiếng:

- Anh khéo khôi hài! Uả, mà anh ở Khánh hội phải không? Con Diễm bảo bác Bỗng cũng sẽ dọn vào Khánh hội nếu chuyện mua nhà xong xuôi.

° ° °

Cả giờ loanh quanh, mãi bây giờ Ngữ mới được Quỳnh Như hé mở cho cánh cửa. Cái tên Diễm, Quỳnh Như vô tình nhắc tới làm câu chuyện đang vui tự nhiên khựng lại, Quỳnh Như nhìn Ngữ dò xét. Ngữ nôn nao chờ đợi nhưng cố làm ra vẻ ơ hờ.

- Mua nhà làm chi ở cái khu ồn ào đó.

Quỳnh Như hỏi:

- Nhà của anh ngoài đó, ông Toàn đã bán lại cho người khác rồi, anh biết không?

Ngữ thấy nhói ở tim, dù biết căn nhà đổ nát không còn của gia đình mình nữa. Hai lần mất, nỗi đau đớn cũng tăng gấp hai. Quỳnh Như thông cảm nỗi đau của Ngữ, nói:

- Em cũng vậy. Mỗi lần đi ngang qua căn phố cũ đường Trần Hưng Đạo, em vẫn bùi ngùi. Bây giờ chỗ đó trống trơn, người ta đã dọn quang gạch ngói vỡ và bắt đầu xây móng. Nghe nói ông chủ định xây một căn lầu ba tầng bằng bê-tông.

Ngữ không dằn được thêm, đột ngột hỏi:

- Quỳnh Như có đi ăn đám cưới của Diễm không?

Quỳnh Như chơi khăm, nấn ná không chịu trả lời ngay. Nàng vào phòng trong mang ra bình nước và hai cái tách, chậm rãi rót nước ra tách, Quỳnh Như nói:

- Em phải thấm giọng cho tốt để kể anh nghe cho êm tai. À, Diễm nó có gửi thiệp báo hỉ cho anh không?

- Không thấy. Sao lại gửi?

Quỳnh Như cười:

- Sao lại không gửi! Em quên không hỏi nó, có thể nó có gửi về Pleiku cho anh theo địa chỉ nhà Trung tá Phan. Tâm lý đàn bà kỳ cục lắm, anh không biết được hết đâu. Em dám cá là nó có gửi thiệp cho anh!

- Nếu là Quỳnh Như, Quỳnh Như gửi không?

- Gửi chứ! Làm cho một người đau khổ vì mình, khoái lắm! Em học tâm lý học, sách có nói chuyện đó.

- Hôm đám cưới ra sao?

- Nản! Diễm nó cứ ép em làm phù dâu. Em bảo nó nhờ các bạn bên trường Nữ Hộ sinh tiện hơn, nhưng nó không chịu. Nó bảo đã nhờ được hai người phù dâu rồi, nhưng phải có em nó mới yên tâm. Hôm đó bác Bỗng trai giở chứng, làm cho cả hai họ lẫn khách khứa ngớ ra, lúng ta lúng túng. May nhờ ông Toàn xoay xở tìm cách gỡ bí, mọi việc mới êm. Diễm nó phát khóc vì ngượng, và giận cha.

- Nhưng chuyện gì vậy?

- Buổi sáng thấy mặt bác trai đăm đăm, em đã nghi là bác sắp toan tính điều gì rồi. Đám cưới ở ngoài Huế mình, anh biết rồi, lễ nghi cổ truyền bày ra nhiều thứ lỉnh kỉnh nào lọng, nào ngỗng, nào khăn vành áo dài, nào tráp sơn nào đèn lồng… May mà mọi thứ đều do nhà cưới cho thuê cả, nên cũng không nhọc bao nhiêu. Đêm hôm trước em với Diễm nói chuyện tới khuya, nhưng Diễm trong bộ áo cưới đỏ, đội khăn vành vàng, trông vẫn rực rỡ. Chú rể thì mặc cái áo dài gấm chữ thọ mầu xanh. Anh đừng buồn, trông họ đẹp đôi lắm!

Sau khi hai vợ chồng làm lễ gia tiên, có cha mẹ cô dì hai họ đứng hai bên bàn thờ chứng kiến, đột nhiên bác Bỗng trai lớn giọng gọi: “Mân, Diễm lại đây!” Cô dâu chú rể ngớ ra, nhưng thấy nét mặt bác Bỗng nghiêm nghị quá, líu ríu tới trước mặt bác chờ lệnh. Mọi người đoán bác sắp ban cho đôi trẻ vài lời căn dặn dạy bảo như thường lệ, để lấy oai. Bác trai kéo bác gái tới ngồi trên ghế đặt gần vách. Thiên hạ hoang mang chẳng biết nhà gái sắp làm gì. Khách khứa giạt ra hai bên, chờ đợi. Bác Bỗng gái ngồi nhấp nhổm không yên, lo ngại nhìn bác trai. Bác trai an vị xong, bảo Diễm và ông Mân: “Hai con nên vợ nên chồng là nhờ công ơn cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ. Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Mân, Diễm, hai con lại đây lạy tạ ba mạ, rồi về bên đó cũng lạy tạ ông bà để cảm cái ân từ đây tiếp tay ba mạ bảo bọc cho hai con.” Ông Toàn xanh mặt vì giận. Diễm ngơ ngác, còn ông Mân thì mím môi, nhìn bác Bỗng như nhìn kẻ thù. Rõ ràng bác Bỗng muốn hạ nhục ông rể nhà giàu trước mặt mọi người. Cái lệ lạy cha mẹ, Huế mình đã bỏ từ lâu. Trong vài đám cưới, ông đứng chủ hôn có lên tiếng nhắc cho có lệ để cha mẹ hai bên từ chối, chứ không có ai tự tiện bắt chàng rể cúi rạp người lạy cha mẹ vợ cả!

- Rồi về sau ra sao?

- Bấy giờ em mới thấy vì sao ông Toàn đáng mặt là tay thầu khoán thành công. Khi nhận ra được thâm ý của bác Bỗng, ông cười tươi tỉnh, hớn hở vui mừng là khác. Ông giục con trai: “Mân, hai bác đã muốn con biết đâu là nề nếp gia phong, thì con với Diễm phải lạy tạ hai bác. Lễ không nghiêm, thì gia phong suy, cho nên hai bác có bàn trước với ba là phải giữ lễ. Nhưng hai bác cũng thuận chước giảm cho hợp với ngày nay, hai con khỏi phải quì lạy, chỉ cần cúi đầu cung kính trước hai bác là đủ. Về bên nhà, hai con cũng lập lại lễ kính phụ mẫu y như vậy với ba mạ”.

Ngữ thắc mắc:

- Ông ấy quẫn rồi! Làm như thế có khác nào hại đời Diễm. Rồi Diễm sống sao nổi với gia đình chồng! Sau đám cưới, Như có gặp lại Diễm không?

- Không. Diễm đã ra trường nên tìm gặp nó cũng khó. Trước đây mỗi lần buồn em có thể đi bộ từ Jeanne d’Arc đến trường Nữ Hộ sinh tìm Diễm. Bây giờ thì… em không muốn tới nhà lão Toàn. Em nghe Diễm kể là nó có đòi ông Mân cho đi Sài gòn, sau đám cưới, như là tuần trăng mật vậy mà. Nhưng bà cụ không cho phép. Em có tới thăm bác Bỗng gái trước khi vào đây. Tội nghiệp, bác ấy xa con như già thêm mười tuổi.

- Thế ai bảo là gia đình bác Bỗng sẽ vào Khánh hội?

- Diễm! Đêm hôm trước ngày cưới, em với nó ôm nhau nói chuyện đến ba giờ sáng. Em nói để anh mừng, đêm đó tên anh được Diễm nhắc nhiều lần lắm.

Ngữ cảm thấy thỏa mãn lòng tự ái, tim đập rộn rã, nhưng vẫn giả vờ không tin.

- Thôi, cô bịa làm gì chuyện trên trời đó! Làm như anh với Diễm có gì khắng khít lắm vậy.

Quỳnh Như cười, nhìn Ngữ với ánh mắt giễu cợt:

- Không khắng khít mà phải nhờ em chuyển hộ từng ấy thư trong vòng có một tháng. Đó là đường dây em biết, còn qua những đường dây khác, anh tốn bao nhiêu tiền tem?

Ngữ kinh ngạc hỏi:

- Quỳnh Như có nhận được thư à? Anh tưởng…

- Sao không được. Bưu điện mà làm mất mấy lá thư đó, anh dám xúi mấy ông bạn lính của anh đặt mìn nổ tung mấy nhà bưu điện lắm.

- Quỳnh Như có…

- Thôi anh khỏi lo. Dĩ nhiên là em trao tận tay người nhận. Chúa còn thương anh, nên soeur Christine không vất thư vào thùng rác khi em không có mặt ở đó. Nội qui khu nội trú cấm không được mượn Jeanne d’Arc làm hộp thư cho người ngoài, cả những người ở nội trú cũng không được thư từ nhiều.

Ngữ hồi hộp hỏi:

- Diễm nhận thư anh, rồi làm gì?

Quỳnh Như cười to tiếng khi thấy vẻ mặt bẽn lẽn tội nghiệp của Ngữ:

- Nó vứt xuống sông An cựu.

Ngữ ngồi yên, nửa tin nửa ngờ. Quỳnh Như quan sát phản ứng của Ngữ, thích thú cười hoài. Ngữ biết Quỳnh Như nói đùa. Cuộc chơi do đó bớt hào hứng. Quỳnh Như kể lại cho Ngữ nghe buổi tối hai cô bạn gái rủ nhau đi uống nước sinh tố để đọc thư Ngữ. Ngữ nói:

- Anh chỉ sợ Diễm khổ. Diễm yếu đuối, không như Quỳnh Như.

Quỳnh Như trố mắt nhìn Ngữ:

- Anh nói sao? Diễm mà yếu đuối hơn em à? Anh lầm. Đàn ông các anh xét đoán đàn bà sai bét! Để rồi anh xem, không ai ăn hiếp được con Diễm đâu! Nó đã quyết tâm làm cái gì thì phải làm cho được.

Ngữ im lặng, phân vân thầm hỏi liệu Diễm có quyết tâm trong tình yêu hay không. Hình ảnh Ngữ tưởng tượng Diễm bình thản ngồi cân nhắc những hình nộm trên bàn lại lảng vảng hiện về.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx