sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 19

Vé máy bay của Dale có ghi rõ là chiếc Boeing 747 của hãng PAN AM sẽ hạ cánh xuống phi trương San Francisco lúc 16 giờ 37 phút. Dale dự tính từ phi trường chàng sẽ đi xe buýt về ga tàu BART chính ở đường Market, thời gian mất độ nửa giờ. Lấy vé tàu BART về Berkeley, nửa giờ nữa. Chậm nhất là 9 giờ tối thứ Tư chàng gặp lại mẹ. Nhưng giờ giấc chính xác từng phút lẻ chỉ có trên giấy tờ. Phi cơ khởi hành chậm đến 1 giờ 48 phút.

Sở dĩ Dale ghi rõ đến từng phút chậm trễ, là vì chàng muốn viết một bài báo về chuyến hồi hương của mình, loạt bài nửa phóng sự nửa tâm tình các nhật báo Mỹ vẫn thường đăng ở các mục “Life” hoặc “People”. Chiến tranh kéo dài đã lâu, những chương trình TV tường thuật chiến tranh Việt nam đều đặn mang máu, nước mắt, bom đạn, xác chết vào từng căn nhà kín cửa mỗi ngày, nên độc giả Mỹ ớn đến tận cổ các phóng sự chiến trường nồng nặc thuốc súng và tanh tưởi mùi máu. Họ cần thêm cái gì ngộ nghĩnh, exotic. Dale muốn dùng bài bút ký này làm quà ra mắt khi trình diện ông chủ bút phần tin tức Đông Nam Á của hãng tin UPI. Sau mười sáu giờ bay và một giờ ghé lại phi trường Tokyo, chiếc Boeing lượn một vòng trên vịnh San Francisco đen thẫm nhấp nhánh những ánh đèn viền, rồi từ từ hạ cánh. Hành khách xôn xao đứng dậy sửa soạn đồ đạc. Phần lớn những bạn đồng hành của Dale là phụ nữ, họ là những người vợ, những vị hôn thê, những người mẹ qua Việt nam thăm chồng con. Vài người đàn ông làm ở các ngành dân sự có công tác liên quan tới Việt nam.

Dale ngồi giữa một ông công chức Bộ Ngoại giao nhiệm sở ở Hoa thịnh đốn, và một thiếu phụ vợ lính. Chị này tuổi khoảng trên dưới 30, có chồng là trung úy công binh đóng ở Long bình. Ông công chức do thói quen nghề nghiệp, rất kín đáo, không muốn đưa ra một ý kiến rõ rệt nào về chiều hướng của chiến tranh Việt nam. Ông không bênh vực chính sách của chính phủ hiện tại, cũng không muốn tiên đoán Tổng thống mới đắc cử Richard Nixon sẽ áp dụng chính sách nào. Dale gợi chuyện, đặt câu hỏi, nêu thắc mắc, đưa cả bài viết về chiến tranh Việt nam trên tờ Newsweek cho ông xem rồi hỏi quan điểm của ông, ông công chức ngoại giao vẫn lịch sự luồn lách như một nhà ảo thuật đại tài, có nói đó, có trả lời đó nhưng rốt cuộc không nói gì cả.

Bà vợ ông trung úy công binh thì ngược lại, nghĩ gì cứ nói oang oang. Chị ta bảo hạn phục vụ tại Việt nam của chồng chỉ còn 78 ngày nữa là hết, và chị đã căn dặn chồng nếu thương vợ thương con thì suốt 78 ngày ấy phải nằm lì trong doanh trại, không được léng phéng ra Biên hòa hoặc lên Sài gòn ăn nhậu, la cà, làm cái bia dễ cho bọn khủng bố cộng sản. Chị trề môi trỏ vào bài báo đoán già đoán non chuyển hướng chính sách của Tổng thống Nixon sau khi nhậm chức, giọng chắc nịch và đanh đá:

- Tôi mà làm tổng thống ấy hả? Tuyên thệ nhậm chức ngày hôm trước, hôm sau tôi gửi tối hậu thư cho Thiệu: bảo ông Tổng thống Việt nam là nếu còn muốn nhận viện trợ, thì trong vòng 24, à không, trong vòng 48 tiếng đồng hồ phải đem xe xúc hết bọn đàn ông thanh niên sống nhởn nhơ ở Sài gòn chở chúng vào trại lính tập cho biết bắn, rồi đẩy ra chiến trường. Thật vô lý. Trong khi chồng tôi phải qua Việt nam làm bia cho bọn Vi-xi một năm dài, bỏ mẹ con tôi nheo nhóc, thì đàn ông Việt nam ăn diện đú đởn la cà tràn ngập các phố Sài gòn. Thú thật với hai ông, qua Sài gòn tôi không tin là đang ở tại một nước chiến tranh. Tôi cứ tưởng Sài gòn cũng giống như các thành phố Âu châu trong chiến tranh thứ hai, có những hàng dài chờ nhận khẩu phần bánh mì, phố xá vắng vẻ, có trẻ con đói, có phụ nữ con nhà lành bán thân để đổi một mẩu chocolate hay gói thuốc lá của lính Mỹ. Tôi lầm. Dân Sài gòn ăn chơi còn hơn cả dân San Francisco nữa. Thế là thế nào! Ông làm ở Bộ Ngoại giao hở? Ông phải nói cho ông nào sắp làm ngoại trưởng đó biết là mình phí tiền thuế của dân nhiều lắm. Tôi è cổ đóng thuế đâu phải để cho chồng tôi phải khép nép giữ thân suốt 78 ngày, ồ không, suốt 77 ngày nữa.

Những cuộc tranh luận đại loại như trên chỉ có vào lúc máy bay vừa rời Việt nam. Những điều mắt thấy tai nghe, những ý kiến còn nóng hổi, họ không chờ về nhà mới nói ra. Mỗi người một ý, phòng hành khách của chiếc Boeing ồn ào như cái chợ. Nhưng khi máy bay ghé Tokyo lấy thêm nhiên liệu, sau đó trên đoạn đường vượt biển Thái bình dương dài đằng đẵng, hành khách ai nấy đều mệt. Cuộc tranh luận tàn, rồi tắt ngấm. Ông công chức ngoại giao (mà Dale không biết thuộc cấp cao hay cấp thấp) nới lỏng cái cà vạt, mở dây giày, gọi cô tiếp viên hàng không đến mượn cái chăn mỏng, bấm nút cho ghế ngã ra sau, rồi ngủ khò cho đến lúc đèn hiệu trong máy bay bật sáng, yêu cầu tắt thuốc lá và khóa dây an toàn trước khi máy bay hạ cánh. Chị vợ lính cũng ngủ gà ngủ gật một lúc, về sau ngả hẳn đầu dựa vào vai trái của Dale đánh một giấc vô tư, quên mất số ngày nguy hiểm của chồng.

Dale chờ lấy hành lý xong, đã tám giờ tối. Hỏi cô gái ngồi ở quầy giao tế của hãng cho thuê xe Avis, chàng biết là chuyến tàu BART cuối cùng từ ga trung ương về Berkeley rời cảng sớm hơn chuyến xe buýt chở Dale từ phi trường về đó. Dự tính đột ngột gõ cửa để gây ngạc nhiên cho mẹ già như vậy không thành.

Dale đổi mấy tờ đô la ra tiền xu, dùng điện thoại công cộng gọi về nhà mẹ. Điện thoại reng một hồi không có ai trả lời. Hết hạn giờ gọi viễn liên. Dale lại gọi lần nữa. Lần này, bên kia đầu dây có người nhấc máy, và giọng bà mẹ Dale càu nhàu:

- Ai đó, đã bảo việc gì cũng chờ tới ban ngày.

- Con đây mom! Dale đây!

- Ai?

- Con đây. Dale đây!

- Dale hả con? Có việc gì gấp mà phí tiền gọi viễn liên từ Việt nam về đây vậy?

- Không đâu mom! Con đã về đây rồi! Con gọi mom từ phi trường San Francisco.

Bên kia đầu dây, có tiếng ho cố gằn lại trong cổ họng. Dale biết mẹ mình đang xúc động, vì mỗi lần như vậy, bà cụ thường bị ngộp thở, và cái bệnh suyễn kinh niên lại hành hạ cụ. Một lúc lâu, giọng bà cụ đầy hờn dỗi:

- Mày bỏ già này suốt hai năm, bây giờ mới chịu vác mặt về. Mom của mày có chết đến thối xác cũng không ai chôn!

Dale cười, vì quá hiểu các trái chứng của mẹ. Cô điện thoại viên ở tổng đài lại nhắc là thời hạn điện thoại đã quá ba phút và nếu muốn nói thêm phải bỏ thêm tiền. Dale cảm ơn, và nhét vội vài đồng hai mươi lăm xu. Khi nghe lại được, Dale nghe mẹ trách:

- Sao tự dưng lại cúp không nói chuyện với mom?

- Con gọi điện thoại công cộng mà mom! Tối nay con không về được, vì trễ chuyến tàu BART. Mai con về sớm. Con sẽ đến nhà người bạn ở Việt nam để trao quà do người ta gửi, và chắc ở nhờ tại đó đêm nay.

- Không đi được tàu BART thì đi taxi. Ờ, mà thôi. Đi taxi tốn tiền lắm. Mai con về sớm nhé!

Bà cụ lại nổi cơn ho. Dale bồi hồi thương mẹ, nghẹn giọng cố nói:

- Bye, mom!

° ° °

Đồ đạc Dale mang từ Việt nam về không có bao nhiêu. Ngoài một ít quần áo và sách vở tối cần thiết, Dale chỉ đủ tiền mua tặng mẹ một bộ đồ ngự hàn may bằng vải gấm giả lót bông, cắt theo kiểu Tàu. Còn cô em gái Lisa cùng cha khác mẹ của Dale, hiện sống ở San Jose với chồng con, thì Dale mua tặng một cái áo dài Việt nam. Chính Quỳnh Như đem kích tấc của Lisa ra tiệm may áo dài ở Huế đặt may chiếc áo dài quá khổ thông thường này. Để cho thêm exotic, Dale dặn thợ thêu thêm một bản đồ VN hình chữ S ở ngực trái, với chữ “Huế”’ ghi chú nơi Dale làm việc.

Đống hành lý cồng kềnh còn lại là quà của Jack Nicholson, bạn chung của anh ký giả Bob Newsman và Dale. Jack là phi công trực thăng ở phi trường Phú bài, và đã giúp Dale rất nhiều trong việc mua giùm Dale những thức ăn thức uống cần thiết từ PX, cũng như hướng dẫn Dale liên lạc xin bàn ghế vật liệu phế thải từ các doanh trại Mỹ để giúp cho các trường học. Một lần nhờ Jack mà Dale khuân được nguyên si một thư viện Mỹ của đơn vị Thủy quân Lục chiến, khi đơn vị này di chuyển hoạt động tại một vùng khác. Thư viện của một đơn vị nhỏ nhưng sách báo (dĩ nhiên toàn là sách Mỹ) còn đầy đủ hơn thư viện của Đại học Văn khoa Huế, có từ những cuốn sách cổ điển đau đầu như bộ Lịch sử Văn minh Nhân loại của Will Durant, Tư Bản luận của Karl Marx… cho đến những cuốn thực dụng lè tè như Làm thế nào để trừ mối, Tất cả những điều bạn muốn biết về tình dục…

Jack Nicholson còn phải phục vụ ở Việt nam thêm 10 tháng 19 ngày nữa (Dale đã trừ thêm một ngày từ lúc chàng rời phi trường Tân Sơn Nhất), lại làm một công việc dễ gặp nguy hiểm bất trắc, nên thư viết về San Francisco cho vợ, quà gửi về cho vợ đều “đậm đà”, quá số lượng thông thường, quá nồng độ cần thiết, như một người sắp xông vào một đoạn đường chết sống cách nhau bằng sợi tóc luôn luôn nghĩ cái gì mình làm cũng là việc cuối, lời nào mình viết cũng thành lời trối trăn.

Dale rất ghét đi đâu phải mang xách linh linh, nhưng không thể từ chối Jack được. Sau khi điện thoại cho mẹ, Dale giở sổ ghi số điện thoại tìm số của Kathy Nicholson. (415) 577-8240. Điện thoại vừa reo hai tiếng, bên kia đã có người nhấc lên, và một giọng reo vui hối hả hỏi:

- John đó hả cưng?

Dale vội nói:

- Xin lỗi, không phải. Tôi là Dale, bạn của anh Jack vừa từ Việt nam về. Cho tôi nói chuyện với Kathy.

Giọng trả lời ngập ngừng, hơi khó chịu:

- Thế à! Kathy đang nghe đây!

Dale mừng quá:

- Jack có nhờ tôi mang quà về cho chị. Nhiều lắm. Hiện tôi đang ở phi trường San Francisco. Từ phi trường đến nhà chị xa không?

Dale thầm hy vọng Kathy sẽ đem xe đến đón mình. Nhưng bên kia đầu dây, im lặng khá lâu, cuối cùng Kathy nói:

- Sáng mai tôi đi làm sớm. Chiều 4 giờ mới về nhà. Anh có lại thì sau 5 giờ chiều.

Dale thất vọng:

- Nhưng tôi phải về Berkeley, đồ đạc Jack gửi nhiều thứ quá, không biết tính cách nào. Chẳng lẽ khệ nệ mang về Berkeley, rồi lại mang trở lại San Francisco cho chị.

Người đàn bà bên kia đầu dây ngần ngại một lúc, rồi đáp:

- Thôi được. Anh chờ đó, tôi sẽ lên phi trường đón anh. Chừng nửa giờ nữa tôi sẽ tới. Anh chờ tôi ở chỗ nhận hành lý nhé. Anh đi hãng nào?

- PAN AM.

- Chuyến bay số mấy?

- 846. Tôi mặc cái áo khoác mầu nâu. Tóc hung. Mắt xanh. Cao 5 feet 9. Nặng 140 pounds.

Dale tưởng pha trò như thế Kathy sẽ cười. Nhưng không. Bên kia đầu dây, chỉ có tiếng cảm ơn ngắn, rồi tiếng máy cúp.

° ° °

Kathy Nicholson trẻ hơn là Dale tưởng. Suy từ vẻ mặt trầm tĩnh, tính tình khắc khổ của Jack, Dale chờ gặp một bà nội trợ tóc chải rẽ ngôi giữa, không son phấn, mặc áo sơ mi mầu sậm, váy dài, theo hình ảnh các bà nội trợ các gia đình nề nếp chịu ảnh hưởng Thanh giáo (Puritan). Không biết từ lúc nào, Dale có thói quen nghĩ rằng các cặp vợ chồng đều có tính tình và hình dáng, nét mặt tương tợ nhau. Chàng lầm lẫn lớn lần này!

Người phụ nữ đẩy tấm cửa kính của phòng giao hành lý hãng hàng không PAN AM, vào bên trong dáo dác nhìn quanh tìm kiếm, rồi tiến thẳng về phía Dale, là một cô gái trẻ mặc cái mini jupe vải jeans để lộ cặp giò thon không mang vớ, chân chỉ mang một đôi dép quai chéo. Cặp giò trắng và đẹp thu hút ngay hướng nhìn của mọi người trong phòng, kể cả Dale. Chiếc áo sơ mi rộng mầu trắng có sọc xanh vạt ngắn bỏ ngoài váy, tuy vậy bước chân đi vẫn làm cho vạt áo trước phập phồng nhấp nhô, ơ hờ che giấu chiếc ngực căng không mang nịt vú. Mái tóc đen và dài phủ lấy hai bờ vai, làm khung cho một đôi mắt đen sâu khêu gợi và não nùng như đôi mắt phụ nữ Ả rập. Có lẽ Kathy vợ Jack Nicholson gốc Ý hay là Tây ban nha.

Dale bị bất ngờ, nói đúng ra là không thể cưỡng lại được vẻ cuốn hút quyến rũ mời gọi của thân thể cô gái, chỉ biết đứng nghệch ra nhìn. Cô gái nhận ra Dale, và nét mắt từ đăm đăm cau có đột nhiên cũng đổi ra vui mừng thích thú. Kathy nói:

- Anh là Dale đấy hả?

Đưa mắt nhìn quanh khắp thân thể Dale như một chuyên viên quảng cáo cân nhắc kích thước, mức hấp dẫn của một người mẫu, Kathy nói với giọng chế giễu thân mật:

- Cao 5 feet 9. Nặng 140 pounds. Tóc hung. Mắt xanh. Anh khai đúng lắm. Chỉ khác một điều anh không khai là anh có vẻ phong trần giống như Davy Crockett, ồ không, giống như mấy anh chàng thích qua tận Phi châu săn voi trong tiểu thuyết của Hemingway. Tôi thích cái mẫu ấy!

Cách ăn nói bạo dạn tự nhiên của Kathy khiến Dale thoải mái ngay. Dale nói:

- Tôi cũng ngạc nhiên về chị, Kathy ạ. Jack không hề cho tôi xem ảnh chị, nên tôi cứ tưởng…

- Ôi! Anh ấy như một ông cụ trong ban thánh ca nhà thờ. Lại gửi những bao nhiêu đồ này về à? Khổ! Tôi đã viết thư bảo đừng gửi những thứ ấy về. Chưng những thứ ấy trong nhà chỉ phiền thêm ra! Ở đây hễ nhắc tới Việt nam là thế nào cũng có cãi cọ to tiếng. Nhiều lúc tôi phải giấu, không cho bạn bè biết là mình có chồng hiện đang “giết người” ở Việt nam.

- Chị nói cái gì?

- Đấy, anh thấy không! Tôi chỉ mới nhắc tới những điều họ viết trên báo, họ nói trong các cuộc biểu tình, là anh sắp nổi sùng lên rồi! Thôi, dẹp chuyện đó đi. Anh để tôi mang bớt cho hai cái thùng này. Gửi gì mà nhiều thế. “Ông cụ” lẩm cẩm mất rồi.

Kathy bảo Dale đứng đợi ở lề đường trước phi cảng, trở lại parking lấy xe rồi lái sát chỗ Dale đứng để chất hàng lên. Chiếc Ford Scout ngổ ngáo rất hợp với chủ nhân. Và cũng rất hợp với Dale, một thứ Davy Crockett tân thời dưới mắt Kathy.

Từ phi trường về nhà Kathy không xa. Kathy lái chiếc Scout như là phi ngựa trên các cánh rừng hoang ở Phi châu, nên chỉ 15 phút sau, chiếc xe thắng gấp trước một căn nhà nhỏ nằm sau cách xa đường lớn.

Dale khuân các thùng quà xuống, đem đặt lên bậc thềm, rồi hỏi Kathy:

- Gần đây có cái motel nào không?

Kathy nắm hai chéo vạt áo trước kéo xuống, đứng tréo chân nhìn Dale, hỏi lại:

- Anh hỏi để làm gì?

- Bây giờ về Berkeley không kịp nữa. Phải tìm chỗ ngủ tạm đêm nay.

Kathy nắm hai chéo áo thắt nút lại, ngửa mặt cười lớn:

- Anh chỉ vẽ chuyện. Hãy ngủ lại đây đêm nay, việc gì phải ra motel. À quên, tôi phải điện thoại cho John biết. Chìa khóa cửa đâu rồi! Chết mất. Lại để quên trong xe. Anh cầm chìa khóa xe ra mở và lấy hộ. Chìa khóa cửa Kathy móc ở ngay cái nút mồi lửa thuốc lá. Đừng phiền nhé…

Dale hơi ngạc nhiên vì cái giọng sai bảo thân mật của Kathy. Ánh điện trong nhà chiếu ra khoảng vườn tối, tạo một đường viền uốn khúc hấp dẫn quanh thân thể Kathy. Dale lấy giùm chìa khóa cửa đem vào. Phòng khách bừa bộn, vương vãi trên thảm nào những cái gạt tàn thuốc đầy ắp, lon bia rỗng, báo chí… Dường như đêm trước tại đây có một cuộc họp bạn và chủ nhà lười không muốn dọn dẹp. Kathy để mặc cho Dale khuân đồ đạc vào, đến ngồi dựa ngửa trên ghế sofa gọi điện thoại:

- John đó hả? Ủa anh ấy đi đâu? New York à? Sao không nói gì với tôi hết? Vâng, anh ấy hẹn tới đây đêm nay mà! Chừng nào về? Thôi được. Nói giùm với John khi anh ấy về là đừng vác mặt tới đây nữa. Cứ nói nguyên văn như thế. John về, anh nhớ nói ngay như thế, hoặc nếu John có điện thoại viễn liên về, cũng nhớ nói như thế. OK? Bye.

Dale đẩy xấp báo bừa bộn sang một bên để ngồi lên ghế nệm lớn đặt gần cái đèn chân đồng, ánh sáng dịu lại nhờ cái chụp đèn bằng vải màu hoàng yến. Kathy gọi điện thoại xong, bỏ mặc Dale ngồi một mình đi vào phòng tắm. Dale lơ đãng nhặt một tờ báo cũ lên. Trang nhất đăng hình Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford đang nói chuyện trước một hàng micro đủ cỡ. Bức hình lớn chiếm ba cột của trang nhất, in ngay dưới cái tựa đề lớn 48 points chạy ngang trọn sáu cột: “Clifford nghiêm khắc cảnh cáo Thiệu”. Dale không thể dằn được tò mò, chăm chú đọc hết bản tin quan trọng nhất của số báo ngày 12-11. Trong cuộc họp báo tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn một hôm trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên tiếng cảnh cáo rằng nếu chính quyền Sài gòn không chịu tham dự hội đàm Paris, thì Hoa kỳ sẽ tự mình điều hành cuộc thương lượng rút quân với Hà nội. Trong phần bổ túc tài liệu và bối cảnh ngay sau phần tin, bài báo nhắc lại rằng hôm 8-11, tổng thống Thiệu đã đưa ra điều kiện để Việt nam Cộng hòa bằng lòng tham dự vào cuộc hòa đàm mở rộng tại Paris. Điều kiện đó là: Việt nam Cộng hòa không chấp nhận đề nghị hòa đàm bốn phe gồm Hoa kỳ, chính quyền Hà nội, chính quyền Việt nam Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Hòa đàm giữa bốn phe có nghĩa là mặc nhiên công nhận tư cách hợp pháp của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tổng thống Thiệu tuyên bố rằng Việt nam Cộng hòa sẽ tham dự hòa đàm nếu cuộc hòa đàm này diễn ra giữa hai phe mà thôi: Phe xâm lăng gồm có chính quyền Hà nội và tổ chức con đẻ của Hà nội là Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Phe nạn nhân của cuộc xâm lăng gồm Việt nam Cộng hòa, và các đồng mình đã yểm trợ cho Việt nam Cộng hòa chống lại cuộc xâm lăng, trong đó có Hoa kỳ. Nói tóm lại, Tổng thống Thiệu đòi Việt nam Cộng hòa đóng vai chính hòa đàm với Hà nội. Đề nghị đó bị cả Hà nội lẫn Hoa Thịnh Đốn bác bỏ, và lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Clifford phản ảnh nỗi bực dọc của chính phủ Mỹ.

Đòi hỏi của Tổng thống Thiệu, sau đó là lời cảnh cáo của Clifford là đề tài cho nhiều bài báo sau số ra ngày 13-1 1. Nhiều bài viết, nào bản tin, phỏng vấn, phiếm luận, thư độc giả… nhao nhao đòi chính phủ phải nghiêm khắc hơn với Thiệu, phải gửi cho Sài gòn một tối hậu thư nói rõ phải thế này thế nọ nếu không thì cúp viện trợ. Phần những cột báo dành riêng cho chiến sự Việt nam thì kê khai đầy đủ và cập nhật bao nhiêu GI Mỹ đã chết, bao nhiêu bị thương, bao nhiêu phần trăm dân Mỹ phản đối chiến tranh, bao nhiêu phần trăm tin tưởng tân tổng thống sẽ rút được hết quân Mỹ ra khỏi vũng lầy Việt nam mà nước Mỹ không bị mất danh dự. Báo chí đang vất vả đua tranh với truyền hình để mang chiến tranh Việt nam tới từng nhà, vào những lúc gia đình đông đủ nhất. Và cũng như các chương trình truyền hình, báo chí phải biến những trang chiến sự Việt nam thành một món cocktails pha phách đầy đủ nào máu cao bồi Viễn Tây, cao trào cách mạng tình dục, phong trào thiền, thị hiếu thích phim ma quái, và đấu vật Wrestling, bản năng bạo động, chất exotic… vân vân… và vân vân… Càng đọc Dale càng hoang mang. Chàng tưởng hồi hương là được trở lại sống ít lâu trong cái êm ả thanh bình của quê hương, để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới trong nghề báo. Chàng tưởng mình là người từ mặt trận trở về, người biết quá nhiều, người được chúng kiến và kề cận với chiến tranh nên trong chuyến hồi hương này, những thiếu nữ ngây thơ vừa tốt nghiệp trung học, những cậu trai mới lớn mơ ước rời khỏi vòng kiềm tỏa của gia đình, những bà già dành hết thời giờ cho các việc từ thiện, những nhân sĩ uy tín của các cộng đồng xã hội, y như các phim quay cảnh hồi hương của quân Mỹ sau thế chiến thứ hai, sẽ mời mọc chàng tới kể cho họ nghe chuyện Việt nam. Từ già tới trẻ sẽ nín thở uống từng lời chàng, ánh mắt bọn thiếu nữ thiếu niên sẽ sáng rực lên như hồi nhỏ cậu bé Dale từng sáng rực đôi mắt khi nghe cô giáo kể chuyện Davy Crockett. Mới đọc sơ qua vài tờ báo cũ, Dale đã biết mình quá lầm lẫn. Chàng không phải là người về từ mặt trận. Quê hương của chàng hiện cũng là mặt trận. Thứ mặt trận chẳng những khốc liệt, mà còn phức tạp rối rắm hơn là cuộc chiến tranh phi qui ước tại Việt nam. Kẻ thù địch ở Việt nam, tuy lấp ló khi ẩn khi hiện nhưng đối với các quân nhân Mỹ, vẫn còn một tiêu chuẩn đơn giản tối thiểu để phân biệt: đó là mầu da. Ở đây, chiến tranh không có tiêu chuẩn để phân biệt bạn và thù. Một cuộc nội chiến thứ hai trong lịch sử Mỹ. Dale thầm nghĩ như vậy.

° ° °

Kathy từ phòng tắm đi ra, trên thân thể chỉ có một tấm khăn lớn cột ngang trên ngực, chéo dưới phủ tới trên đầu gối. Tóc Kathy ướt dán lên đỉnh đầu tròn, đuôi tóc kết mảng rỏ từng giọt nước lên tấm thảm không mấy sạch. Kathy thấy Dale đang đọc báo, liền giục:

- Anh đi tắm đi. Báo với chí. Vẫn bấy nhiêu chuyện về Việt nam. Tôi ớn lên đến tận cổ!

Dale nhìn hai cái xắc của mình, hỏi Kathy:

- Tối nay chị cho tôi ngủ ở đâu?

Kathy cười, một tay nắm cái nút khăn trên ngực, tay kia trỏ bâng quơ quanh phòng:

- Ở đâu mà chẳng được, Jack đi rồi, tôi lấy phòng ngủ làm phòng kho. Thường ngày tôi nằm ở đây, trên cái sofa. Vào phòng ngủ, thấy lạnh dễ sợ. Bạn bè nhiều đêm tới đây ca hát tán nhảm chán rồi cũng lăn quay ra ngủ tại đây. Anh cần khăn tắm không?

Dale đang ngồi xuống kéo fermeture trên nắp xắc để lấy quần áo sạch, nghe Kathy hỏi, vội ngước lên đáp:

- Tôi có đây.

Chàng chỉ đáp được có thế. Cách đứng của Kathy rõ ràng cố ý mời mọc. Và bấy giờ, Dale mới hiểu câu hỏi của cô gái cũng là một cách mời mọc. Tự nhiên Dale thấy lợm ở cổ họng, mặc dù sự thèm khát thỏa mãn nhục dục ngày càng tăng. Ba tháng qua, Dale không có cơ hội gần gũi đàn bà. Nhưng cơ hội này, Chúa ơi! Con được phép không? Jack hỡi Jack! Nhà hiền triết! Ông cố đạo! Người chiến sĩ gương mẫu! Bạn có biết là bạn chiến thắng ở chỗ cách đây nửa chu vi quả đất, nhưng bạn đã thua trận thảm bại ngay tại quê nhà. Những John, những Dan, những Chuck đồng hương của bạn đã đâm vào sau lưng bạn. Bây giờ đến lượt Dale của bạn đây sao?

Dale túm vội bộ quần áo và cái khăn chạy vào phòng tắm. Tiếng Kathy cười khanh khách đuổi theo sau lưng.

Dale đã tự thắng trong trận “nội chiến” gay go đầu tiên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx