sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 21

Căn nhà hai mẹ con Dale ở nằm góc đường Vine và Oxford, cách khuôn viên trường Đại học Berkeley không bao xa. Những ngôi nhà của dì Cindy đều là nhà gỗ hai tầng kiến trúc xưa cũ mỗi ngôi chia làm nhiều phòng có bếp và buồng tắm nhà tiêu riêng, rất tiện việc cho thuê, khác với những thành phố kỹ nghệ tân tiên hơn ở miền Nam Califomia, hoặc ở San Francisco, Berkeley hấp dẫn Dale bằng cái vẻ cổ kính mà buông thả hoang dại trong nếp sống. Đường sá tráng nhựa không được phẳng phiu, các khu vườn đều hẹp, cây cối mọc hoang dã không bị cắt xén thẳng hàng tỉ mỉ. Hai bên vệ đường không lát gạch, ngoài những lối mòn do dấu giày đi về của sinh viên, từng khóm cỏ dại mọc chen chúc, lâu lâu điểm những đóm hoa dại mầu tím nhỏ nhắn.

Berkeley như một cậu sinh viên tài hoa ăn mặc cẩu thả nghệ sĩ, nhưng cái quan trọng không phải là dáng dấp bề ngoài. Sự buông thả trong cách đi đứng, cách sống như một tín hiệu âu yếm gửi tới những tâm hồn trẻ: hãy tiến tới, hãy bỏ lối cũ, hãy làm ngay những điều bạn nghĩ trong đầu, hãy phá các khuôn thước. Tín hiệu ấy rất hợp với tâm hồn Dale.

Dale rất thích ra ngồi ở cái quán cà phê ở góc đường Vine và Walnut. Nói cho đúng, ở đây không có chỗ cho khách ngồi nhấm nháp ly cà phê thơm đặc biệt của quán. Nguồn lợi chính của quán là bán cà phê hột đã rang và ướp tẩm sẵn cho những khách ghiền cà phê mua về nhà tự xay nhỏ thành bột và pha lấy. Nghề nghiệp đó mà sống được giữa hàng triệu những máy bán cà phê mười xu một ly mọc nhan nhản nơi chợ búa, trạm xăng, thương xá khắp nước Mỹ, đã đủ chứng tỏ Berkeley vẫn còn duy trì được cái đạo cà phê, như người Nhật duy trì được trà đạo. Hàng kệ gỗ bên trái quán, ngay chỗ cửa ra vào, chủ nhân cho bày tất cả những dụng cụ cần thiết cho người nghiện cà phê, từ những cối đá giã cà phê nhỏ xíu bằng đá hoa cương, những bình lọc cà phê đủ cỡ, đủ kiểu, những bình chứa nước sôi dành riêng cho việc pha cà phê, những hộp gỗ đựng đường, những thìa bằng bạc hay bằng gỗ hình dáng phù hợp với tách dĩa như một bộ ba của một tác phẩm điêu khắc. Hương cà phê thơm ngát cả góc đường. Trước cửa, lúc nào cũng có một hàng dài khách nối đuôi nhau mua cà phê đem đi uống ở nơi khác. Giá mỗi tách là mười lăm xu nếu khách không mang theo tách của nhà, phải dùng tách giấy của quán. Muốn tiết kiệm, các sinh viên nghèo có thể mang tách nhà ra mua, mỗi ly chỉ tốn 10 xu.

Phần lớn khách hàng đều là sinh viên học ở Berkeley. Họ ăn mặc xuềnh xoàng, chân đi giày không tất, trời lạnh thêm một cái áo khoác cũ lên chiếc sơ mi ít khi ủi phẳng. Dale hòa nhập dễ dàng vào thế giới của họ. Chàng thấy mình trẻ lùi lại năm năm, nhớ lại thời còn đi học.

Thường thường Dale bưng tách cà phê thơm bốc khói thơ thẩn suốt dọc đường Vine, có lúc đến tận đại lộ Telegraph chạy đâm thẳng vào trường đại học. Cách buôn bán, người đi lại trên khúc đại lộ này cũng đầy chất nghệ sĩ. Những cô gái đẹp tóc vàng ngồi bán các đồ thủ công lưu niệm cho du khách dường như không mấy quan tâm đến việc chào hàng, họ vừa bán vừa chăm chú đan áo hay may cắt quần áo cho những chú búp bê nhỏ. Một ông già đội chiếc mũ nỉ đã cũ dùng đàn banjo đệm cho những bài dân ca lạ tai, vừa hát vừa lim dim không thèm biết người qua lại có lắng nghe lời ông hát hay không, hoặc có vứt vài xu lên cái mũ dạ cũ nát khác của ông hay không. Một thi sĩ điên Dale nghe nói đã từng nổi tiếng một thời, thường ngồi bệt lên lề đường ngay trước hiệu sách Black Oak Books góc đường Vine và Shattuck. Đầu tóc ông để dài, nhìn mặt ông khó lòng đoán ông bao nhiêu tuổi. Quần áo nhớp nhúa. Bọn sinh viên thường lẳng lặng mua cà phê hoặc cái bánh sandwich đặt bên cạnh cái túi ni lông chứa đầy bản thảo nhàu nát của ông, lặng lẽ kính cẩn như đám môn đệ đối với một đạo sư đang nhập niệm. Thi sĩ thường không mở mắt lớn. Ông nhắm mắt, hay lim dim, miệng lầm bầm những câu chữ không ai nghe, hoặc có nghe cũng chẳng ai hiểu. Không ít du khách tự tiện đến ngồi hoặc đứng gần ông để bạn bè chụp hình lưu niệm, lâu dần ông trở thành một “thắng cảnh du lịch” đặc sắc của Berkeley. Có người tò mò tìm đọc thơ ông. Họ vỡ mộng quyết đoán ông là một tên điên dại chữ. Cũng có người nhất định cho ông là một thiên tài xuất hiện hơi sớm.

Dường như Berkeley tự tách ra khỏi dòng cuốn khủng khiếp của xã hội chung quanh, tự cao tự đại đặt mình vào vai quan sát viên, khinh chê ước lệ và những gì đa số đang chấp nhận. Thái độ vừa lãng mạn vừa kiêu ngạo ấy có thể là chất dưỡng khí nuôi nấng, kích thích tất cả những hoạt động bên trong khuôn viên đại học. Thường thường, Dale chỉ thích la cà ở bên ngoài, ở cái tầm nghệ sĩ chàng còn chấp nhận được. Trong phạm vi sáng tạo, cái lãng mạn ấy dễ thương, được phép, và vô hại. Vào đến bên trong khuôn viên, cái lãng mạn trở thành không tưởng, cực đoan và vô trách nhiệm. Dale từng chứng kiến một số cuộc hội thảo hoặc biểu tình phản chiến của sinh viên Berkeley. Nếu chàng chưa từng ở Việt nam, có lẽ chàng sẽ bị thu hút vào cuộc như đa số sinh viên khác. Khổ nỗi Dale đã từng ở Việt nam, quen biết nói chuyện với nhiều giới, thấy rõ hai mặt của bạo động, đêm ngày của cuộc chiến, phải trái của đồng đô la. Có so sánh đối chiếu, Dale đâm ra khó tính hơn. Chàng dừng lại ở chỗ chàng cho là lẽ phải chăng: ở cổng trường đại học.

° ° °

Tuy nhiên về sau Dale phải bước qua cái chỗ đáng dừng lại ấy, vì nhu cầu nghề nghiệp.

Giám đốc nhân viên của hãng UPI phúc đáp lá thư thứ nhì của Dale hỏi về chuyện xin việc bằng một lá thư lời lẽ đơn giản, rõ ràng hơn lá thư trước. Ông bảo chắc chắn chậm nhất là cuối tháng Bảy sẽ có quyết định dứt khoát tuyển dụng Dale hay không, và theo chỗ ông biết, phần được lên tới 75%. Phần 25% còn lại, ông giám đốc giải thích, do vấn đề thủ tục. Một phóng viên ngoại quốc muốn hành nghề lâu dài ở Việt nam cần phải được chính quyền Sài gòn chấp thuận. Thực tế cũng có những trường hợp phóng viên Mỹ đi theo đường tắt, chỉ cần được quân đội Mỹ ở Việt nam gật đầu là đủ. Nhưng phóng viên thường trực thì phải được chấp thuận theo ngõ chính thức.

Trong khi chờ đợi, ông gợi ý cho Dale nên thực tập cho quen nghề, bằng cách theo sát các hoạt động sinh viên phản chiến ở San Francisco, Berkeley, Los Angeles, gửi tin về các trưởng biên tập làm tin chính thức của UPI. Làm việc đó, Dale chỉ được xem là một cộng tác viên tài tử, chi phí di chuyển hay thu tin, chụp hình, bưu phí phải móc tiền túi trước, sau đó bản tin dùng được mấy phần, và tin tổng hợp phổ biến được bao nhiêu cơ quan truyền thông, sở kế toán sẽ có giá biểu chi tiết để tính trả cho Dale.

Đề nghị ấy đến Dale vào đầu tháng Tư, thì ngay lập tức sau đó, trong hai ngày 5 và 6 tháng Tư, phong trào phản chiến tổ chức biểu tình rầm rộ ở công viên Central Park tại New York. Cuối tuần lễ sinh viên lại xuống đường đòi rút quân ra khỏi Việt Nam tại San Francisco, Los Angeles, Washington D.C., và nhiều nơi khác. Dale vác máy hình thu tin và viết bài tường thuật cuộc biểu tình ở San Francisco, thứ hai hôm sau đọc tờ San Francisco Chronicle và tờ San Jose Mercury News, chàng sung sướng nhận ra được đoạn tin do mình gửi trong một bản tin mà hai tờ nhật báo chạy tít bốn cột trang nhất, góc trái phía dưới. Cẩn thận đếm từng chữ, Dale thấy “tác phẩm” của mình được 102 chữ, thu gọn trong một cột báo rộng 11 picas và dài 5 inches rưỡi. Những bức ảnh chàng chụp không được dùng, UPI cũng không giải thích vì sao không dùng được. Tiền nhuận bút cho 102 chữ ấy vừa đủ cho phí tổn mua xăng lái lên San Francisco, hai miếng Hamburger, hai lon Coke và một cuộn phim. Chàng bị lỗ tiền gửi ảnh và telex đánh tin. Khởi nghiệp như vậy kể cũng đáng khích lệ.

Dịp thực tập thứ hai thuộc một thể loại khác của nghề báo. Thể loại phỏng vấn. Hôm 9-5, ký giả chuyên trách các vấn đề quân sự của tờ New York Times – William Beecher – đột ngột tung ra một cái tin làm điên đầu Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia, CIA, FBI, dĩ nhiên cả Tòa Bạch ốc. William Beecher không hiểu nhặt tin từ ngõ ngách nào, tường thuật tỉ mỉ cuộc oanh tạc bằng B-52 của Không quân Mỹ bên trong nội địa Kampuchia. Dư luận khắp nước nổi lên ồn ào, cho rằng Tổng thống Nixon chẳng những đã không giảm bớt cường độ can thiệp vào chiến tranh để tuần tự rút bớt quân về, mà còn nới rộng chiến tranh sang một nước Đông dương khác. Các trung tâm phản chiến được thêm dầu để đốt đuốc xuống đường. Hãng UPI nhờ Dale thử làm một cuộc phỏng vấn những mẫu người đại diện cho nhiều tầng lớp xã hội ở Califomia, ghi nhận trung thực những điều họ lo sợ nhưng phải lựa mẫu và xếp đặt thế nào để toàn bài phỏng vấn gửi đi được một tín hiệu đủ sức thuyết phục.

Dale bỏ một tuần lễ vác máy ghi âm thực hiện cuộc phỏng vấn này. Địa bàn phỏng vấn là Berkeley, vì rút kinh nghiệm lần trước, chàng không dám bỏ tiền túi đi nhiều nơi với phí tổn cao. Kết quả không mấy hấp dẫn, chính Dale đã đoán trước. Đa số lo sợ chiến tranh leo thang, và quân Mỹ mắc kẹt thêm ở một chiến trường mới.

Bài phỏng vấn này không được hãng tin UPI dùng. Nó chỉ có ích cho Dale: là nhờ nói chuyện với một số người ở nhiều thành phần khác nhau, Dale mới thấy người Mỹ hiểu biết quá ít về những gì đang xảy ra tại Việt nam. Họ chống hay bênh cuộc chiến tranh đó theo quyền lợi trước mắt của mình, hoặc theo một số định kiến khô cằn cũ kỹ có từ thời sau thế chiến thứ hai. Nhận ra điều đó, Dale lo ngại cho những người thân, cả Mỹ lẫn Việt, hiện còn ở Việt nam.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx