sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 22

Đầu tháng Sáu, Dale nhận thêm được nhiều tin vui từ hãng thông tấn UPI, và vài tin buồn từ Việt Nam.

Việc làm đặc phái viên tại Việt nam cho UPI càng thêm chắc chắn. Sở Nhân viên đã chính thức gửi văn thư yêu cầu Dale bổ túc chi tiết hai năm làm việc cho cơ quan thiện chí (IVS), do đòi hỏi của Bộ Nội vụ Việt nam Cộng hòa, đặc biệt là phần giao thiệp với các sinh viên tranh đấu đã bỏ trường đi theo cộng sản trước và sau Tết Mậu Thân. Sợ Dale cho rằng đấy là một trở ngại lớn không thể vượt qua, ông giám đốc Sở Nhân viên UPI viết thêm cho Dale vài dòng trên tờ giấy nhỏ, cho biết vấn đề chỉ là thủ tục, còn trên nguyên tắc Việt nam Cộng hòa đã chấp thuận. Muốn Dale yên tâm hơn, ông gửi kèm cho Dale bản chiết tính kế toán về lương bổng của Dale, cùng các phụ cấp về nhà cửa, xe cộ, chi phí di chuyển, giao tế và săn tin.

Dale bắt đầu chuẩn bị cho mẹ chấp nhận và làm quen trước với cuộc sống cô độc xa con sắp tới. Dale vẽ vời nói xấu nghề sửa chữa xây cất nhà cửa và địa ốc, vạch ra những bất trắc của thị trường, những mưu mẹo của nghề nghiệp. Chàng tô điểm thêm vẻ đẹp của nghề phóng viên. Bà Lucy không mấy tin lời con. Dale phải vẽ thêm viễn tượng một ngày đẹp trời nào đó, đứa con trai cưng quí của bà sẽ nhận giải thưởng báo chí Pulitzer trước rừng ống kính nhiếp ảnh, báo chí và truyền hình; buổi lễ trao giải được trực tiếp truyền đi khắp thế giới, hơn hai trăm triệu dân Mỹ và mấy tỉ người khác trên địa cầu biết mặt biết tên đứa con trai của bà Lucy Davidson. Đứa con hiếu ấy sẽ nhân cơ hội tỏ lòng cảm tạ ơn sinh thành và nuôi dưỡng của một hiền mẫu cao quí nhất trong các hiền mẫu.

Bà Lucy nghe xong, nét mặt vẫn dàu dàu. Bà hỏi:

- Nhưng họ trả con bao nhiêu tiền một tuần? Một năm được nghỉ phép mấy ngày để về đây thăm mom?

Dale nhân đôi số lương do hãng UPI đề nghị, và nhân ba số ngày nghỉ phép thường niên. Bà cụ lẩm nhẩm tính, rồi nói:

- Thì cũng đâu có hơn gì số tiền con kiếm được ở đây! Đã thế lại phải xa mom nữa. Con ăn uống thất thường, lỡ đau yếu ai lo cho con.

Dale đành phải thưa thực với mẹ là tính anh chỉ hợp với những nghề phóng khoáng, đi đây đi đó nhiều. Dale nói:

- Ở đây người ta không cần con. Những việc con làm, một tay sinh viên nhà nghèo cần tiền mua bánh mì dằn bụng chưa hề cầm tới cái kềm cái búa cũng làm được. Trong khi đó, con cần Việt nam và Việt nam cũng cần con.

Bà Lucy đột nhiên nổi giận:

- Việt nam cần gì mày? Chỉ có cái con “Nu” con “Ni” gì đó cần mày thôi!

Dale thấy mẹ ghen tức với Quỳnh Như, cười xòa ôm chầm lấy mẹ. Bà cụ bắt đầu khóc:

- Mom biết mom chỉ giữ được con khi còn bé tí. Lớn lên, là những con đàn bà khác cướp mất con của mom.

Bà cụ chới với bất lực, nhận ra rằng không thể giữ chân con được. Rồi bà cụ bắt đầu một chiến dịch rỉ tai để giữ thể diện với, trước hết là bà em Cindy, sau đó là các bà bạn già vẫn thường điện thoại chuyện vãn.

Bà bảo vì Dale nổi tiếng qua hai năm làm việc tại Huế nên hãng thông tấn UPI phải khẩn khoản nhờ Dale làm đặc phái viên cho họ. Bà quên mất rằng chỉ cách đây vài tuần, bà bảo Dale làm việc cho hãng thầu xây cất RMK. Dì Cindy, và cả những bà bạn già kém trí nhớ của cụ Lucy, không ai nhận ra điểm khác biệt bất nhất này. Đối với họ, Dale làm cho hãng nào, làm cái trò quái quỉ gì, không quan trọng.

Họ chỉ sáng mắt tò mò khi bà Lucy khoe con trai mình được một công chúa cành vàng lá ngọc Việt nam yêu mê yêu mệt, cứ hai tuần là một lá thư Việt nam tới địa chỉ của bà. Bà nhắc đi nhắc lại trong điện thoại:

- A princess, you know, a real princess. She’s so beautiful, like a… a… princess.

Dale ngượng quá, càu nhàu với mẹ:

- Quỳnh Như đâu phải là công chúa công chiếc gì. Vả lại ở Việt Nam họ có quí trọng hoàng tộc như mình quí trọng các ông hoàng bà chúa Âu châu đâu! Mom khoe làm gì!

Bà Lucy nghiêm mặt nói:

- Mày cứ để đó cho mom. Không nói thế, chúng nó xem thường… Mom còn lạ gì cái trò đời. Chính con Cindy nghe mom kể vậy, cũng có vẻ nể mom hơn.

° ° °

Những lá thư Quỳnh Như đều đặn gửi qua Mỹ cho Dale đều mang tin buồn.

“…Không biết lúc 16 giờ 37 phút hôm đó. anh có bị hắt hơi nhiều không Dale? Em nhìn đồng hồ đếm từng giây, chờ cho tới lúc cây kim chỉ đúng số 37, em đã nói thầm: “Tạm biệt anh thân yêu, tạm biệt người yêu đầu của em, một nửa tâm hồn em, một nửa cuộc đời em”. Em cứ ngỡ bản tính mình cứng cỏi, không phải Dale ơi! Em chỉ cứng cỏi đùa cợt được với những gì em thờ ơ. Còn với anh, em mềm như… như sợi bún bò Huế (Em đùa cho thấy mình yêu đời thêm một chút). Có anh bên cạnh mọi sự đều bình thường, như không có gì đáng nói cả. Nhưng không có anh, tự nhiên bước chân em hụt hẫng. Em tự hỏi có thể chịu đựng nỗi khổ mới mẻ này trong bao lâu, và em sẽ ra sao nếu không còn được gặp anh được nữa.

Em có một kinh nghiệm này, chợt nhớ, muốn kể cho anh nghe, không lại quên! Hồi sáng, trước khi nhờ chị Quỳnh Trang đèo lên trạm Air Việt Nam về Huế em vô ý làm đứt ngón tay trỏ. Máu không ra nhiều, nhưng vết đứt vì dao hơi sâu, em phải lấy băng keo quấn lại. Em đi rửa mặt để chuẩn bị ra đi. Bấy giờ, em mới khám phá ra rằng lâu nay khi cần rửa mặt, bàn tay trái giúp cho em nhiều hơn tay phải. Em tránh không cho nước thấm vào vết thương nên chỉ dùng bàn tay mặt vốc nước kỳ cọ. Ôi! Tay mặt của em vụng về làm sao! Em cứ ngỡ tay mặt mới là người bạn cần thiết cho em. Tay mặt giúp em viết thư cho anh, giúp em vén lại tóc mỗi khi bối rối trước cái nhìn của anh, giúp em vuốt lại một nếp nhăn trên áo anh, sửa lại cái cổ áo khaki phong trần của anh. Bàn tay trái có vẻ vô tích sự. Em lầm quá rồi. Nó là phụ tá đắc lực và tối cần thiết của tay mặt, âm thầm vô danh bảo bọc em, vuốt ve em. Tay mặt của em đưa ra bắt tay chào hỏi mọi người, nhưng chính tay trái thuận chiều cho em vuốt mồ hôi trên trán, chùi nước mắt trên má, bóp trán cho em suy nghĩ, ấn lên ót cho em đỡ mệt nhọc. Rồi em có ý nghĩ kỳ thú này: Anh là tay trái, hay tay mặt của em? Tiếng Pháp, xin cầu hôn với cô con gái nào thì bảo là “demander la main”. Dale, anh muốn xin em tay nào? Em thì sẵn sàng trao cho anh cả hai bàn tay. Xa xôi quá, anh có vươn tay qua Thái bình dương mênh mông để nắm lấy tay em không? Viết lách lẩm cẩm quá, chắc anh đọc chán lắm…

…Sáng nay em vừa lên gặp thầy Clark để xin đổi đề tài tiểu luận ra trường của em. Anh biết rồi, thấy Clark chuyên dậy văn chương Anh thời kỳ Victoria, nên cứ nằng nặc đòi em viết một tiểu luận về Vanity Fair của William. M. Thackeray. Em không chịu được không khí văn chương của ông này. Em đòi đổi đề tài, cho em viết về tiểu thuyết của Mark Twain. Em bảo bản tính của em thích hợp với tác phẩm của Mark Twain hơn. Hai thấy trò cãi qua cãi lại một hồi. Ông già Ái nhĩ lan tính cố chấp, anh biết rồi. Thế mà cuối cùng, em thắng. Thắng xong mới lo! Nếu làm tiểu luận về Thackeray, thầy Clark sẽ lấy “tủ” hướng dẫn hết cho em, cho em tài liệu, gợi các ý chính v.v… Còn viết về Mark Twain thì em phải tự xoay xở lấy. Em lên lục sách ở thư viện thì chỉ được sáu cuốn vừa tác phẩm của Mark Twain vừa những cuốn khảo luận về tác giả, tác phẩm. Anh phải ra tay giúp em gấp. Please! Anh cứ nhớ mỗi lần em nghiêng đầu lim dim mắt và nói Please, bộ dạng em thiểu não đáng thương đến bậc nào. Em nói lại: Please! Please! Please!

Anh lục Thư viện Berkeley, lựa những chương sách nào cần thiết cho chủ đề “Truyện Mark Twain và Ý thức Tự Do” thì chạy (em nhắc lại: chạy) đi photocopy gửi ngay qua cho em. Chỉ còn ba tháng nữa em phải nộp bài cho thầy Clark. Please!

Tái bút: Nếu được, anh viết quách hộ em một số chương. Anh dư sức viết hộ em. Lại Please!…

Em phải thú nhận với anh: Tình em yêu anh càng ngày càng gây cho em nhiều phiền lụy. Em cô đơn quá chừng chừng! Cô đơn vì xa anh đã đành. Còn cô đơn vì thấy mình như bị cô lập. Anh đi rồi, bạn bè trong lớp nhìn em với đôi mắt khác. Họ chẳng nói gì cả, nhưng em tinh ý, em biết. Đất Huế cổ kính, bảo thủ, mưa gió chì chiết, quá khứ đè nặng lên từng mái đầu nên em thấy cái gì cũng cực đoan: hễ bảo thủ thì bảo thủ đến cùng cực, mà khi có cơ hội, thì bao nhiêu ưu uất dồn nén lại trào lên, nổ bùng, trở thành một thứ cực đoan khác. Em nghiệm ra rằng Huế là nạn nhân của chính cái quá khứ vàng son của mình, như một công án thiền, thuật chuyện một người dùng đò qua sông mà qua đến bờ bên kia rồi vẫn ì ạch vác theo cái đò nặng. Qua một biến cố, Đà nẵng, Sài gòn phủi bụi đứng dậy, cười tỉnh như không. Huế thì cứ cúi mặt ôm lấy vết sẹo, lo trở trời vết thương cũ lại hành hạ.

Em có vẻ bất công với Huế lắm, phải không? Tại em giận người, rồi giận lây cả Huế. Thiên hạ độc mồm độc miệng, em chán quá chỉ mong ra trường cho nhanh rồi đi khỏi đây. Bạn bè trong trường xì xầm với nhau anh làm việc cho CIA, khoác bộ áo thanh niên thiện chí để làm việc giám sát theo dõi sinh viên trong viện đại học. Em tự nhiên trở thành phụ tá đắc lực cho anh, người anh cài lại để tiếp tục nhiệm vụ chờ người khác tới thay thế. Họ nghĩ như vậy, anh thử tưởng tượng, em còn cười đùa như xưa sao được. Em bi quan, nghĩ rằng tìm hạnh phúc đích thực khó quá, người ta xoay sang tìm hạnh phúc bằng cách làm khổ người khác…

…Em đã nhận được chú nhỏ da đen Huckleberry Finn của anh gửi qua. Trời Phật ơi! Không ngờ em gửi theo gió mấy chữ Please mà bùa chú của em linh thiêng đến thế. Em lật qua xấp giấy anh xerox cho, đọc qua các chương anh viết, lòng tự nhiên nhẹ hẫng. Khỏe rồi! Ông Clark đọc phần sách tra cứu của em chắc phải lác mắt! Em chỉ cần viết thêm ba chương nữa là đủ. Em giả vờ đem một câu anh trích dẫn trong sách ra hỏi ý kiến thầy Clark xem có nên tin vào lối giải thích của học giả này không, thầy trố mắt nhìn em, rồi hỏi làm sao em tìm được sách của ông ấy tại đây. Em được dịp hươu vượn, bảo đã nhờ người chị lục tìm ở các Thư viện Sài gòn. Ông Clark hỏi mượn cuốn sách. Em nhanh miệng nói là thư viện họ đòi lại vì quá hạn hai tuần, em chỉ giữ lại bản xerox các chương cần thiết. Em học hành bết bát hơn hai năm trước, ra trường chắc đậu hạng thấp, nhưng hy vọng điểm tiểu luận kéo em lên được vài hạng.

Em cũng kinh ngạc về chuyện sinh viên bên đó hăng đi biểu tình phản đối chiến tranh Việt nam. Bộ không ai cho họ thấy hình ảnh các mồ chôn tập thể trong vụ Mậu Thân hay sao? Anh gặp mấy tay vua xuống đường bên đó thì bảo họ thử qua Việt nam một chuyến cho biết. Nếu họ lỡ bị kẹt giữa hai lằn đạn như thầy Eric người Đức bên Y khoa, liệu họ có được người cộng sản choàng vòng hoa hay không? Nhân có thân nhân thầy Eric qua đây tìm cách bốc mộ thầy đem về chôn ở Đức, Y khoa có tổ chức một lễ truy điệu. Cảm động lắm. Nhiều người khóc nức nở vì thương tiếc. Hôm đó em có đi dự. Và Dale ơi, người ta lại nhìn em như nhìn một người đáng ngờ. Em làm gì nên tội? Em mất hết vô tư, mất hết an lạc rồi…

…Sáng nay Ty Cảnh sát đưa giấy cho trường gọi em qua để bổ túc hồ sơ an ninh xin bổ dụng. Thầy Khoa trưởng thấy em lo quá, an ủi là không có gì trầm trọng đâu, họ chỉ muốn em xác nhận một đôi điều, để bạch hóa hồ sơ trước khi gửi cho Sở Nhân viên Bộ Giáo dục.

Họ cật vấn em đủ điều. Trăm sự cũng do anh Tường cả! Họ hỏi lâu nay anh Tường có cho người liên lạc với gia đình, hoặc thư từ gì không. Họ còn hỏi hồi Tết Mậu Thân em gặp anh Tường mấy lần, và anh Tường sai em làm gì. Họ làm như em có gặp anh Tường và được giao công tác vậy. Em ức quá, cãi lại, rồi khóc. Bấy giờ viên trung úy biên tập viên cảnh sát mới dịu lời lại. Anh ta bảo anh ta biết em bị tố cáo oan, suốt thời kỳ Huế bị chiếm đóng em ở khu nội trú Jeanne d’Arc, không hề trực tiếp giáp mặt với bộ đội chính qui Bắc Việt hay du kích. Điều này các soeur có xác nhận. Nhưng phận sự của anh ta là vẫn cứ điều tra, mà điều tra thì cần phải dùng các thủ thuật đã được truyền dạy. Từ giọng trấn áp đe dọa đến giọng vỗ về hiền lành, em ngơ ngác không hiểu đâu là giọng nói chân thành nhất của ông ấy. Liên tiếp ba bốn đêm sau em không ngủ được. Em chán Huế quá rồi! Bao giờ anh qua lại đây hở Dale? UPI họ đã trả lời gì chưa?

Cho em gửi lời ngưỡng mộ thi sĩ điên của anh. Em đọc mấy câu thơ của ông ấy, chẳng hiểu mô tê gì cả! Chắc trình độ Anh văn của em còn kém. Em ngu ngơ đem tên ông thi sĩ điên hỏi thầy Clark, thầy ấy lắc đầu bảo không hề biết. Bữa nào anh chụp hình ông ấy gửi qua cho em coi thử có giống với thi sĩ điên Bùi Giáng của Việt nam không?

Ngay sau khi nhận được thư này, anh cũng lấy hai cái tách ra cái quán cà phê độc đáo anh tả trong thư mua hai tách cà phê, rồi ngồi ở cái băng gỗ đóng dính vào vách gỗ mặt trước quán (như anh đã tả) nhẩn nha uống tách của anh, rồi thay em uống tách kia. Ý tưởng có vẻ lãng mạn, ngông cuồng, nhưng “thơ“’ lắm, “điên” lắm. Anh thử làm đi, biết đâu không cảm thấy gần em hơn…

…Em mừng đến phát khóc khi biết hãng UPI đã chịu gửi anh trở lại Việt nam. Ngày nào anh qua? Biết đích xác ngày nào, chuyến máy bay số mấy, anh đánh điện tín ngay cho em. Nếu trước ngày 15-6 thì anh đánh về địa chỉ trường Jeanne d’Arc. Còn sau đó, thì anh nhớ đừng đánh về địa chỉ hiệu trà. Em không muốn me biết. Anh đánh điện về địa chỉ này. Anh Ngữ là bạn thân của anh Tường em, hiện làm ở báo Tiền Tuyến của quân đội, cuối tuần nào cũng ghé lại chơi đằng nhà em. Anh nhớ dặn anh Ngữ hễ nhận được điện tín thì trao riêng ngay lập tức cho em. Hay thôi, để em dặn anh Ngữ. Anh đánh điện tín dài quá, tốn tiền. Em mừng quá, không viết dài được. Em đi bỏ thư ngay đây! Thương…

° ° °

Dale đánh điện tín cho Ngữ ngày 19-6. Năm ngày sau, chàng trở lại Sài gòn. Vé máy bay do hãng UPI mua có ghi trạm dừng đầu tiên là Bangkok. Chàng phải trình diện văn phòng hãng UPI ở đó để sau này phối hợp tin tức do văn phòng Bangkok thu lượm được và viết tin chính xác hơn. Bận bịu ở Bangkok hai ngày, Dale lấy vé Air Việt Nam từ Bangkok về Sài gòn. Cuộc đời chàng bắt đầu một chặng mới, với khuôn mặt Quỳnh Như đầy lo âu và trầm tư phảng phất mờ ảo bên kia cửa kính phòng đợi. Dale biết cả hai đã xa vùng an lạc thái bình của hai năm quen biết cũ!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx