sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 30

Đám cưới Quỳnh Như trùng với thời gian sôi động cả trên đất Mỹ lẫn chiến trường Việt nam; các tòa báo, các hãng thông tấn và truyền hình thiếu người gửi đi săn tin ở các điểm nóng, nên Dale không được phép thôi việc ngay để đưa Quỳnh Như về Mỹ.

Cuối tháng Tư, Tổng thống Richard Nixon đã chính thức ra lệnh cho quân đội Mỹ ở Việt nam phải hợp tác với quân lực Việt nam Cộng hòa trực tiếp lâm chiến để diệt các căn cứ địa của Cộng sản Việt bên trong đất Kampuchia. Nixon đơn phương đưa ra quyết định quan trọng này, hai bộ trưởng liên hệ mật thiết đến quyết định là Ngoại trưởng William Rogers và Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird không hay biết gì, chỉ được thông báo cùng lúc với lần tổng thống loan báo cho toàn dân biết hôm 28-4. Dư luận nổi lên đặt vấn đề với Tòa Bạch ốc, chỉ trích cách làm việc độc đoán nguy hiểm của Tổng thống và Cố vấn Kissinger. Ba thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, các phụ tá cao cấp của Kissinger loan báo từ chức để phản đối.

Phong trào phản chiến ở các đại học lại được dịp bùng nổ. Ngày 4-5, tại đại học Kent State, một trăm vệ binh quốc gia đã nổ súng thẳng vào đám sinh viên biểu tình chống mở rộng chiến tranh sang Kampuchia, bốn sinh viên bị bắn chết, mười một sinh viên khác bị thương. Thế là phong trào xuống đường bạo động đòi chấm dứt chiến tranh lan rộng nhanh chóng khắp các đại học. Sinh viên của hơn một trăm đại học tham dự bãi khóa vô thời hạn để xuống đường. Ba mươi bảy viện trưởng đại học ký một lá thư yêu cầu Tổng thống Nixon phải kiên quyết minh định chủ trương chấm dứt chiến tranh Việt nam. Tại California, thống đốc Reagan đã phải ra lệnh đóng cửa toàn thể các trường đại học gần một tuần lễ để ngăn ngừa sinh viên bạo động, ảnh hưởng đến việc học hành của 280.000 sinh viên tại hai mươi tám đại học. Tổng hội Sinh viên Quốc gia tuyên bố với báo chí rằng hơn ba trăm đại học đã lãng khóa để phản đối chiến tranh.

Tại Việt Nam, ngay từ 29-4, sáu nghìn quân Việt nam Cộng hòa đã mở một cuộc tổng tấn công vào vùng Mỏ vẹt bên trong nội địa Kampuchia, quân lực Mỹ yểm trợ pháo binh và không tạc.

Không quân Mỹ cũng ồ ạt oanh tạc các mục tiêu tại hai tỉnh Quảng bình và Nghệ an, với một lực lượng hùng hậu lên tới gần 130 phản lực cơ. Ngày 6-5, quân lực Việt nam Cộng hòa và quân lực Mỹ phóng thêm ba mũi tấn công vào các căn cứ địa cộng sản tại vùng Lưỡi câu, nâng tổng số quân tham dự trận càn quét, cả Mỹ lẫn Việt, lên tới 50.000 người.

Trong tình thế đó, nỗi khổ của Quỳnh Như, dư vị ê ẩm sau biến cố trọng đại nhất của đời mình, thật không có nghĩa lý gì. Mọi người đều có cảm tưởng đã đến lúc có một trận sống mái cuối cùng. Nản quá rồi, những cuộc bàn cãi nhì nhằng về hình dáng của cái bàn họp, những đề nghị và phản đề nghị ai cũng biết không thể chấp nhận được, những lời lẽ ngoại giao rỗng tuếch, những lời tuyên bố tiền hậu bất nhất. Đánh thì đánh một trận cho ra ngô ra khoai đi, rồi thôi, thắng bại phân minh cho người ta còn làm ăn!

Tuy nhiên những cơn bão thời sự vẫn không quét được hết lên mọi ngóc ngách của đời.

Suốt mấy tháng phong ba đó, Ngữ và Quỳnh Trang vẫn tà tà, khơi khơi như người ngoại cuộc. Họ thản nhiên, như chung quanh họ không hề có chuyện gì xảy ra, cây cối vẫn đâm chồi nẩy lộc, trăng vẫn sáng trong các cuộc hò hẹn, nhạc tình vẫn ngọt ngào, phố xá vẫn hớn hở. Ngữ kinh ngạc tự hỏi tại sao lâu nay mình cứ vất vả chạy đi tìm những ánh pháo bông, trong khi ngay bên cạnh mình, trong vòng một tầm tay, chỉ cần với nhẹ đã có sẵn một bếp lửa ấm. Phần Quỳnh Trang, ban đầu nàng giơ tay đón Ngữ trở về với một tâm trạng pha lẫn nhẫn nhục và bao dung, như một người chị hiền kiên nhẫn chờ cho đứa em mỏi chân ngồi lại mới chậm rãi đến một bên, ngồi xuống đặt bàn tay lên vai, xoa nhẹ những vết bầm trên bàn chân em, nâng dậy, và dịu dàng đưa trở về nhà.

Tâm trạng đó, Quỳnh Trang chỉ có trong thời gian đầu. Ít lâu sau, nàng đổi khác. Lần đầu tiên được một người con trai ôm trong tay, hôn lên môi, lần đầu tiên được nếm cái cảm giác chới với hụt hẫng như không còn đủ sức đứng vững trên đôi chân phải trao gửi trọn vẹn cho một cánh tay rắn chắc hơn bảo bọc, lần đầu tiên thấy sức quyến rũ lạ lùng của một mùi mồ hôi, một hơi thở, nàng biến thành một người khác. Nàng trẻ lại, chú ý đến cách chọn một màu áo, quan tâm đến cái móng tay, móng chân của mình. Có thể nói trong hai tháng trước ngày Quỳnh Như lên đường đi Mỹ, hai chị em đã hoán vị cho nhau, một Quỳnh Như lặng lẽ trầm tư, và một Quỳnh Trang yêu đời, linh hoạt.

° ° °

Ngữ ngẫu nhiên gặp trung tá Thanh ở quán kem Mai Hương, một tuần lễ sau ngày ra trường Bộ binh Thủ đức. Hôm đó chàng đi một mình, định vào Mai Hương ăn kem chờ mua vé coi cuốn phim mới có Charles Bronson và Alain Delon đóng vai chính ở rạp chiếu bóng bên kia đường. Ông Thanh mới đầu không nhận ra Ngữ. Có lẽ vì bộ quần áo chỉnh tề, đầu tóc hớt cao và cái lon chuẩn úy trên cổ áo. Ngữ nhận ra ông Thanh trước. Chàng mừng rỡ đến bàn ông đang ngồi. Bên cạnh ông, có cô bé độ mười tuổi và một cậu trai độ bảy tuổi cùng đang ăn kem. Hai người gặp lại nhau bất ngờ, mừng quá, cầm tay nhau lắc lắc, cười mãi, không tìm được câu gì để hỏi han. Cuối cùng, Ngữ hỏi:

- Hai con của Trung tá đây à?

- Ừ, tôi về phép dẫn chúng nó đi ăn kem cho phải đạo làm cha. Cậu… cậu thành chuẩn úy hồi nào vậy?

Ngữ ngượng, đổ thừa cho ông Thanh:

- Tại hồi ở Huế, Trung tá nói khích, tôi mới chuyển cấp cho Trung tá biết.

Ông Thanh không nhớ mình đã nói khích Ngữ điều gì, nhưng biết lời nói khích ấy không phải vô ích, nên vui vẻ nói:

- Thế hả? Vậy phải uống gì để mừng. Lại đây ngồi chung với tôi được không? Đã kêu gì chưa? Kem à? Thôi bỏ ly đằng đó đi. Anh, cho tôi hai chai 33.

Con bé nhắc nhỏ:

- Bố, mẹ cấm bố uống rượu.

Ông Thanh cười ha hả xoa đầu con gái:

- Bố mày! Kềm kẹp bố mày vừa thôi chứ! Gặp bạn quí, phải cho phép bố mày nhấm nháp tí bia. Không được mách mẹ. Vả lại bia 33 không phải là rượu.

Thằng con trai ngưng ăn kem cãi:

- Mẹ bảo bia cũng là rượu.

Ông Thanh lườm yêu con trai, rồi làm bộ năn nỉ:

- Thôi, bố chịu bia 33 là rượu. Nhưng hai đứa đừng mách mẹ, bố mua cho hai thỏi kẹo cao su.

Hai đứa trẻ chấp nhận của hối lộ. Ông Thanh quay hỏi Ngữ:

- Ra trường hồi nào?

- Mới tuần trước.

- Định xin về đâu?

- Đậu khá cao nên chắc chọn được chỗ tốt. Có thể là chỗ nào gần Sài gòn…

Ông Thanh cắt lời:

- Để làm lính kiểng hả. Tôi nghe nói có hồi cậu xoay được về làm ở tờ Tiền Tuyến. Cậu lim lỉm thế mà xoay xở giỏi ra phết.

- Chỉ gặp may thôi, Trung tá.

- Muốn làm lính kiểng thì tiếp tục đóng chốt ở Tiền Tuyến, bày vẽ đi Thủ đức làm chi cho mất chỗ.

Ngữ cải chính:

- Không đâu. Tôi đâu có ưa làm kiểng. Tưởng về đó để viết lách.

Ông Thanh đột nhiên ngồi thẳng người, nhìn Ngữ hồi lâu như dò xét, rồi hỏi:

- Cậu chịu ra làm việc với tôi không?

- Bây giờ Trung tá ở đâu? Vẫn ở Huế chứ?

- Không. Cậu đi rồi, tôi đổi vào Quân đoàn ở Đà Nẵng. Kỳ này về đây để chuẩn bị ra nhiệm sở mới.

Ngữ đưa mắt ngầm hỏi, và chờ. Trung tá Thanh hỏi:

- Cậu chịu ra Bình định với tôi không?

Ngữ hồi hộp khi nghe nhắc tới cái tỉnh hiện mẹ và các em đang ở. Chàng vội hỏi:

- Trung tá được cử làm gì ngoài đó?

- Phó tỉnh trưởng nội an. Tiểu khu phó. Tay tỉnh trưởng ngoài đó thuộc hạng dày dạn kinh nghiệm, nhưng đa đoan công việc quá, xin Tổng Tham mưu cho một Tiểu khu phó thạo trận mạc. Tỉnh đó tình hình an ninh căng lắm, có cả hai sư đoàn quân Mỹ và Đại hàn đóng trong tỉnh mà vẫn căng. Tổng Tham mưu gọi tôi về hỏi có nhận cái miếng khó nuốt này không. Tôi nhận…

Ngữ nói:

- Hiện má tôi ở Qui nhơn…

- Ờ, hồi đó cậu có nói với tôi. Vậy thì tiện lắm. Ra Qui nhơn giúp tôi một tay. Cậu đồng ý tôi sẽ làm đơn ngay để xin cậu về. Có nhớ hồi ở Mang cá không?

- Chừng nào Trung tá ra nhận việc?

- Một tuần nữa. Tôi đã điện thoại để nhờ ngoài đó nếu xếp đặt được sẽ đem gia đình ra luôn. Một bổn hai quê, tốn kém lắm. sao, cậu chịu không?

- Trung tá ở đâu?

- Cậu không thích thì thôi.

- Không phải. Tôi rất thích. Nhưng cũng cần hỏi ý kiến gia đình.

- Thôi được. Địa chỉ của tôi ở đây. Cư xá Chí hòa, cậu biết chứ gì. Cậu có bút không. Ghi lên tấm giấy này. Chừng nào cậu đến.

- Chiều mai.

- Mấy giờ?

- Khoảng năm giờ.

- Không có khoảng khiếc gì cả. Đúng năm giờ chiều, tôi chờ cậu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx