sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 35

Đại úy Hà giơ cả hai tay lên trời, giọng thiểu não:

- Trung tá thông cảm. Ban Tâm lý chiến chúng tôi không làm được việc đó. Cả nhân sự lẫn phương tiện đều không cho phép. Trung tá thấy đó, trong năm ban của Tiểu khu, Ban Tâm lý chiến là ban ngồi chơi xơi nước. Danh từ thì kêu lắm, nào “chiến tranh tâm lý, chiến tranh chính trị, chiến tranh ý thức hệ”, nhưng thành thực mà nói, tất cả đều rỗng tuếch. Trung tá là xếp trực tiếp của tôi, tôi giấu làm gì. Rỗng tuếch. Rỗng tuếch. Trong khi bốn ban kia là con ông cháu cha, là cháu nội, Ban Tâm lý chiến là cháu ngoại, tệ hơn nữa là con ngoại hôn. Trung tá cho tôi nói hết đã. Đã đành mới nhìn ai cũng tưởng tụi Tâm lý chiến chúng tôi đang lên chân. Các cấp chỉ huy đều được gửi đi Đài loan học cách tổ chức ngành Tâm lý chiến của họ, từ đó mới có các danh từ lai Tàu như là “phòng văn khang”, “cục chính huấn”, “nữ huấn đạo”. Trời đất! Mấy cái con ca sĩ vườn hát như mèo kêu mà gọi là “nữ huấn đạo” thì lính họ đuổi đi dọa bắn bể loa là phải. Tôi không nói quá đâu. Mới tháng trước đây, tôi dẫn đoàn ca nhạc Tâm lý chiến đi ủy lạo một đơn vị ở Phù cát, sau khi họ giữ được đồn dù địch tấn công toàn lực với một quân số đông gấp năm, một hỏa lực mạnh gấp mười lần. Chiếc Dodge IV Tâm lý chiến vừa đậu lại, mới gắn dây loa chuẩn bị cho các em huấn đạo hát vài bài em gái hậu phương nhớ anh tiền tuyến, thì vài chú lính mặt mày xơ xác áo quần bẩn thỉu đến gặp tôi, hỏi có chở thuốc lá xuống không. Tôi nói chúng tôi chỉ có phận sự ủy lạo giúp vui anh em. Họ nhìn sơ qua mấy cô nữ huấn đạo, hỏi mấy ả son phấn này đến đây “hộ lý” phải không. Họ hỏi to tiếng, tôi sợ nhân viên của tôi bất mãn, giải thích thế nào là nữ huấn đạo. Một anh lính không kiên nhẫn nghe tôi giải thích dài dòng, chửi thề: “Đù mẹ! Huấn huấn cái con khỉ! Cút ngay đi, không tụi ông bắn bể loa bây giờ”. Trung tá thấy đấy, chúng tôi là con hoang nên có nhiều cái tủi thân phải cắn răng chịu đựng. Nhiều lúc tôi nản, nghĩ cả ban chẳng khác nào một đám chầu văn. Chiến tranh tâm lý, chiến tranh chính trị, thôi nói nghe thêm rầu!

Trung tá Thanh hỏi:

- Nếu tôi quyết biến Ban Tâm lý chiến thành một cơ quan làm đúng chức năng của nó, chức năng quan trọng chẳng kém gì chiến tranh bằng súng đạn, xe tăng, phi cơ oanh tạc, Đại úy có hợp tác với tôi không?

- Trung tá sẽ không làm được! Ai cho Trung tá làm! Nói đúng hơn là phương tiện đâu Trung tá làm! Người đâu để làm!

- Ngưòi chúng ta có đông có sẵn nhưng lâu nay không biết xài. Phương tiện thì từ nhân lực mà ra. Tại sao phải đòi cho được những cái loa Pioneer thật tốt, những máy ghi âm Akai mới toanh. Các toán võ trang tuyên truyền của cộng sản đâu có cần micro với loa. Chúng nó ngồi chồm hổm bên mâm cơm của gia đình dân để thủ thỉ, tỉ tê, nào Mỹ Ngụy thế này, nào cách mạng thế kia. Đứng trên xe Dodge IV dùng loa để nói chuyện với đồng bào thì đồng bào đứng xa khép nép giả vờ chăm chú nghe, nhưng họ đâu có nghe gì. Họ nhớ nằm lòng những lời tỉ tê của cộng sản hơn các lời hiệu triệu, các lời huấn từ ghi âm phát qua loa phóng thanh. Điều quan trọng theo tôi là có quyết tâm hay không. Hôm kia tôi có theo quan sát cuộc hành quân của quân đội Đại hàn ở An nhơn. Không! Không! Tôi không có ý muốn Đại úy dẫn đoàn văn nghệ tạp lục lên biểu diễn trả lễ quân đội Đại hàn. Đại úy để tôi nói tiếp. Tôi chứng kiến cảnh quân đội đồng minh tức giận vì một sĩ quan của mình bị du kích bắn sẻ đã quay súng tàn sát những người họ định giúp đỡ, lôi kéo về phe mình. Tôi biết những vụ tương tự như thế xảy ra nhiều lần, nhưng vì số người chết hoặc ít, hoặc thấp cổ bé miệng, hoặc vì chính họ cũng giấu du kích trong nhà, nên không bị khui ra dư luận như vụ Mỹ lai. Nhưng đó là việc của họ. Việc của chúng ta là làm sao song song với sức mạnh quân sự, phải có một cố gắng vận động tuyên truyền, một thứ chiến tranh chính trị đúng nghĩa, nếu không, chúng ta chỉ phá mà không xây dựng được gì cả. Việt cộng hoạt động được là vì chúng ta chờ cho quân đội đồng minh giã nát bấy làng xóm người dân rồi, mới lái Dodge IV tới, đậu lại ở chỗ trống trải để tránh bị bắn sẻ, rồi đội mũ sắt ngồi trong ca-bin an toàn dùng loa “tâm lý chiến”.

Đại úy Hà cảm thấy bị chạm tự ái, cãi lại:

- Trung tá hơi bất công với Ban tụi tôi. Chúng tôi phải xài cái Dodge IV cũ mèm hư lên hư xuống trong khi các đại úy trưởng ban 1, 2, 3, 4, lái Jeep lùn mới toanh, đi đâu tiền bạc cũng rủng rỉnh.

Trung tá Thanh biết mình mỉa mai không đúng chỗ, vội nói:

- Tôi không có ý chê trách Đại úy. Tôi công nhận Ban Tâm lý chiến bị xem thường, bị bạc đãi. Sai lầm ngay từ lối nhìn về chiến tranh, lối quan niệm về chính sách ở Trung ương. Nhưng trong phạm vi của mình, mình thử làm một cái gì. Công việc lớn đó, không thể chỉ giao khoán cho Ban của Đại úy. Phải có phối hợp giữa nhiều ban ngành cả Tiểu khu lẫn bên dân sự. Chẳng hạn tại sao chúng ta không nghĩ tới số người đông đảo của lực lượng nhân dân tự vệ. Tại sao không phối hợp với cán bộ Bình định Phát triển các cấp.

Đại úy Hà đang ngồi yên lắng nghe ông Tiểu khu phó nói, đến lúc đó vội ngồi thẳng dậy như bị điện giật. Giọng Đại úy Hà hấp tấp và đầy thân tình:

- Chớ! Chớ! Trung tá mới về đây chưa quen nước quen cái, tôi xin lấy thân tình mà khuyên trung tá đừng động tới bên Bình định Phát triển. Gay go lắm, Trung tá động vào đó, là cháy. Ở đây phức tạp lắm, bên nào cũng có bửu bối cả, nên cuộc chiến cử dằng dai nghiêng ngửa. Trung tá đã gặp xừ Thường chưa?

- Thường nào?

- Cựu đại úy Thường, Tỉnh đoàn trưởng Bình định Phát triển.

- Chưa! Tôi hẹn qua thăm ông Thường thứ hai này.

- Trung tá tự động qua Tỉnh đoàn à?

- Không. Ông Đại tá bảo tôi qua.

- Vậy thì được. Nhưng Trung tá vẫn phải coi chừng. Đừng để bị kẹt vào giữa hai lằn đạn.

- Cái gì mà ghê gớm thế! Giữa chiến hữu với nhau…

- Chiến hữu! Ai là chiến hữu của ai? Rồi Trung tá sẽ thấy.

° ° °

Sau những buổi lễ bàn giao long trọng giữa người tiền nhiệm và người có sự vụ lệnh làm tân tỉnh trưởng Bình định, khi những câu chúc tụng “thượng lộ bình an” và “hân hoan chào mừng” khách sáo đã hết, luôn luôn có những giờ phút ngắn ngủi, hiếm hoi và quí giá để hai ông tân cựu tỏ tình huynh đệ chi binh ở những chỗ chỉ có hai người mà thôi. Vào cơ hội ấy, thế nào ông tân cũng thành khẩn nhờ ông cựu chỉ vẽ cho đường đi nước bước, những kinh nghiệm Xương máu trong thời gian cầm đầu một tỉnh rộng và đông dân. Chắc chắn trong các cuộc tâm sự thân mật này, tên của Đại úy Thường được nhắc tới nhiều lần, trong phần kê khai danh sách những kẻ cần phải coi chừng.

Đại úy Thường (người ta vẫn quen miệng gọi như thế, mặc dù ông đã được phép đặc phái qua làm bên Bộ Xây dựng Nông thôn, rồi Binh định Phát triển từ lâu) đứng đầu danh sách đen của các vị tỉnh trưởng Bình định. Tên của ông nằm trên cả tên ông dân biểu bạo mồm bạo miệng bí thư Việt quốc, Thượng tọa Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo, ông Chủ tịch Hội đồng Tỉnh, đại diện báo Sóng Thần… Ông đáng để cho người ta phải đề phòng, vì nhiều lẽ.

Trước hết, ông là người địa phương, thuộc một gia đình theo đạo dòng ở Kim châu, An nhơn. Ông sinh năm 1930 nên vừa lớn lên, bắt đầu hiểu biết là thấy ngay thái độ nghi kỵ thù hằn của các cán bộ xã, huyện thời kháng chiến đối với gia đinh ông. Học hành khó khăn, con đường tiến thân bị bít kín, ông đi buôn gà, một cái nghề khó hợp với một thanh niên mới lớn có nhiều ước vọng cao xa. Nhưng nhờ nghề buôn gà mà ông được vác xe đạp len lỏi đến nhiều hang cùng ngõ hẹp, làm quen với nhiều chị đồng nghiệp miệng lưỡi cũng như những ông trí thức thất thế bị chế độ thải hồi về lấy việc nội trợ, đan bao lác và nuôi gà làm lẽ sống. Một tổ chức chống đối chính quyền móc nối ông, và nghề buôn gà rất hợp với vai trò liên lạc viên của tổ chức. Tổ chức bị bể, những người cầm đầu bị đưa ra xử bắn, chàng thanh niên ngoan đạo bị ba năm tù ở trại Phú nhiêu, được phóng thích kịp lúc hiệp định Genève phân đôi nước Việt và cộng sản phải tập kết về bên kia vĩ tuyến 17.

Khỏi phải nói, ông Thường là một trong những cán bộ hăng hái nhiệt thành nhất thời truy lùng và tiêu diệt các thành phần cộng sản cài lại và xây dựng chính quyền quốc gia sau khi chiếc tàu Ba lan chở số bộ đội cán bộ cộng sản Bình định cuối cùng nhổ neo ngoài khơi Qui nhơn, quay mũi ra hướng Bắc. Ông thành cán bộ hành chánh xã, rồi lên Phó quận trong vòng có hai năm. Tuổi trẻ háo thắng, máu nóng ưa nói thẳng, không chịu lùi khi tạm thời phải lùi, ông “đụng” lung tung, với ông Quận trưởng gốc gác lớn từ Huế vào, với nhân viên xã ấp, với cán bộ dinh điền, với cả Cha sở. Ông chán, xin thôi việc, bỏ đi học lại, định theo ngành luật để làm luật sư bênh vực cho kẻ cô thế. Học được đến năm thứ ba luật khoa thì ông bị động viên, vào Thủ đức, ra địa phương quân, lưu lạc các tỉnh miền Nam một thời gian trước khi xin đổi về tỉnh quê nhà. Các bạn đồng khóa người chậm chân khù khờ nhất đã mang hoa mai bạc, ông vẫn lẹt đẹt một đại úy già.

Ông về Tiểu khu Bình định lúc chế độ Ngô Đình Diệm đã bị đổ, nhiều bạn hữu cũ của ông đeo đẳng ngành hành chánh, vì tôn giáo của mình,bị thế lực mới moi móc hồ sơ cũ thời sau Genève và đẩy vào tù. Ông thu người lại nín thở qua sông. Một vài lá đơn thưa kiện định hại ông, nhưng địa vị của ông lúc bấy giờ chẳng cao trọng gì, nên người ta để ông yên.

Tuy vậy, lòng ông không yên. Ông ngỡ ngàng, trước những đố kỵ thù hằn ngày càng sâu giữa Công giáo và Phật giáo, trước những cuộc xuống đường, những cuộc hội thảo, những đêm không ngủ. Gặp ai ông cũng hỏi: “Làm như vậy để làm gì, chỉ có lợi cho cộng sản”. “Chỉ có lợi cho cộng sản”, câu nói đó trở thành câu nói liệu của ông, và trở thành câu bạn bè của ông, người quen ông vẫn dùng để chế giễu ông. Một người bạn hỏi một người khác:

- Ê, sáng nay mày có gặp thằng Thường không?

Người kia cười, trả lời:

- Mày hỏi làm gì? Coi chừng có lợi cho cộng sản.

hoặc:

- Thằng Thường nằm bệnh viện đã ra chưa?

- Chưa. Thật xui. Nó nằm một chỗ, có lợi cho cộng sản!

Ông Thường thấy người ta chế giễu nỗi lo âu chính đáng của mình, nhưng không giận. Để an ủi, ông cho rằng mình lỗi thời, bi thảm hóa những điều trái tai gai mắt dưới chế độ Miền Nam và đánh giá quá cao sức mạnh của kẻ thù.

Đại úy Thường được Quân đội đặc phái qua Bộ Xây dựng Nông thôn (bộ này sau đổi thành Bộ Bình Định và Phát Triển, rồi thu nhỏ thành Tổng nha Bình định và Phát Triển, một nha nhỏ thuộc Bộ Nội vụ trước khi bị giải thể hẳn) do các vận động địa phương ngoài chủ ý của ông.

Ban đầu bộ Xây dựng Nông thôn (có thể coi như hậu thân của bộ Công dân vụ thời Đệ nhất Cộng hòa) có thế lực rất mạnh. Được Mỹ viện trợ trực tiếp và dồi dào, Bộ đủ khả năng huấn luyện đào tạo cán bộ để gởi về hoạt động khắp các nơi, từ Trung ương cho đến xã ấp. Những cán bộ áo đen sinh hoạt gần gũi với dân chúng, lại dồi dào phương tiện, nên mau chóng trở thành một mạng lưới quyền lực làm cho cả cộng sản lẫn chính quyền cấp xã, quận, tỉnh nể sợ. Trưởng đoàn Xây dựng Nông thôn là một khuôn mặt quan trọng trong các lễ lạc, một tiếng nói quyết định trong các cuộc họp, cán bộ áo đen là cái khung chặt chẽ hữu hiệu cho mọi cuộc vận động, mọi chiến dịch hay phong trào.

Một thế lực như vậy trở thành mục tiêu tranh giành giữa các phe phái. Nơi tinh thân địa phương loãng, Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn thường là một sĩ quan biệt phái, tuy không đeo cấp bậc, mặc đồ dân sự nhưng mối quan hệ với quân đội vẫn chặt chẽ, làm dễ dàng công việc các ông tá đầu tỉnh, đầu quận. Riêng tại Miền Trung, nhất là ở các tỉnh thuộc vùng kháng chiến cũ như Quảng nam, Quảng ngãi, Bình định, Phú yên, chính quyền trung ương nhận thấy rằng vai trò chủ chốt này nên giao cho người địa phương, vì chỉ có họ mới đi sâu đi sát với đồng hương của họ, hiểu được nguyện vọng và nhu cầu của đồng hương hơn. Đại úy Thường được các nghị viên và dân biểu hợp nhau vận động qua nhiều ngả, và được bổ nhiệm làm Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn vào lúc Bộ này còn giàu có tiền bạc và uy quyền. Bên dưới, họ có tiếng nói của dân. Bên trên, họ được Mỹ tài trợ tận tình.

Đủ thế, đủ lực, bầu nhiệt huyết cũ vẫn sôi âm ỉ, ông Thường mau chóng bị các ông tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng bê bối thù ghét. Họ sợ ông. Mà ông đáng sợ thật! Hai ông tỉnh trưởng phải xin đổi đi nơi khác hay trở lại ngành cũ vì các tài liệu dân tố cáo qua các cán bộ áo đen. Một ông bị án tử hình.

Nhưng đột nhiên từ sau trận Tết Mậu Thân, Mỹ không còn viện trợ đầy đủ cho Xây dựng Nông thôn nữa. Trong vòng một năm, Bộ thất thế, cải danh thành Bộ Bình định và Phát triển. Cán bộ bình định phát triển thiếu phương tiện, quân số giảm, việc làm vẫn như cũ, nhưng rõ ràng lực bất tòng tâm. Lại thêm cán bộ nào cũng có thể trả về đơn vị cũ, hay bị loại dễ dàng ra khỏi ngành để thi hành quân dịch. Nhiều dự án tái thiết bị bỏ dở, nhiều chương trình bình định không thực hiện được vì thiếu ngân sách.

Từ trên xuống dưới, cán bộ bình định phát triển từ vai người xung kích tiền phong hiện diện khắp hang cùng ngõ hẹp giúp dân đào lại giếng, mở lại trường, sửa lại bệnh viện, đắp lại đường, làm lại cầu, nhen lại cuộc sống đã tắt khói, bỗng chốc thành anh nhà quê lúng ta lúng túng đứng xớ rớ cho các quan trên sai vặt. Kẻ thất thế dễ thành nạn nhân cho kẻ thắng thế.

Ông Thường ở vào hoàn cảnh khó khăn đó, lúc Trung tá Thanh ra Qui nhơn nhận chức Tiểu khu phó.

° ° °

Trung tá Thanh giành cầm tay lái, bảo Ngữ đem theo tài liệu tình hình bình định phát triển tỉnh, để cùng với ông qua thăm Tỉnh đoàn Bình định Phát triển. Trước đó mười lăm phút, Đại úy Thường có điện thoại qua cho biết mọi chuẩn bị đã sẵn sàng, và “Tỉnh đoàn hân hoan được đón tiếp Trung tá Tiểu khu phó” lúc chín giờ. Lối ăn nói kiểu cách nơi một người địa phương quen nói không kiểu cách là một dấu hiệu xấu. Đại tá Tỉnh trưởng cũng điện thoại dặn:

- Toa qua nắm tình hình, và cho lũy hiểu thời thế đã đổi khác. Lũy nên biết dừng lại ở đâu. Moa tin ở toa.

Trung tá Thanh hỏi Ngữ:

- Cậu có nhớ hồi gặp cậu ở Huế, tôi nói gì không?

Ngữ không nhớ gì cả, chỉ nhớ những gì liên quan tới Diễm, Ngữ thú thật:

- Tôi không nhớ.

- Tôi nói với cậu là nếu có cơ hội làm việc với nhau, cậu đóng giùm vai giám sát viên cho tôi. Cậu nhắc ngay cho tôi biết tôi làm gì hồ đồ, sai trái. Tôi biết vụ này quan trọng, và khó khăn. Nếu dễ thì một tay tỉnh trưởng lão luyện như Đại tá không phải sai đến thằng mới chân ướt chân ráo đến đây như tôi. Mà tôi cũng linh cảm đây không phải chỉ là mâu thuẫn đố kỵ giữa hai cá nhân. Có cái gì khác rộng lớn hơn, như là hai quan điểm, hai lối nhìn, hai triết lý.

Ngữ nói:

- Có thể sự thực đơn giản hơn Trung tá tưởng.

- Tôi cũng mong vậy.

Chỉ có một mình Đại úy Thường chờ tiếp Trung tá Thanh và Ngữ tại văn phòng. Bên ngoài, nơi làm phòng hành chánh của Tỉnh đoàn, chỉ có một nhân viên đang cắm cúi đánh máy. Bàn ghế, cách bày biện chung rõ ràng chứng tỏ cơ quan đang trên đường đi xuống. Mọi vật mọi sự vẫn ngăn nắp, gọn ghẽ. Các biểu đồ về tình hình an ninh, diễn tiến công tác, bảng phân công… vẫn treo ngay ngắn ở vách tường bên trái. Nhưng có cái gì lạnh lẽo đìu hiu phủ lên trên mọi vật. Sự ngăn nắp gọn ghẽ của ngôi nhà dành cho người già cả, lạnh lẽo thiếu hẳn sinh khí.

Ban đầu, Đại úy Thường tiếp chuyện dè dặt, khách sáo. Cả chủ lẫn khách vừa hỏi qua đáp lại những câu xã giao thông thường, vừa quan sát lẫn nhau. Ngữ có cảm tưởng đã gặp Đại úy Thường ở đâu đó, quen lắm. Chàng dùng phương pháp loại suy để cố nhớ xem đã gặp ông Tỉnh đoàn trưởng ở đâu: ở Huế? ở Sài gòn? ở trường học? ở các tòa báo? ở các cơ quan quân đội? ở quán ăn? ở hiệu sách? Không! Cuối cùng, Ngữ tìm ra: ông Thường đúng là mẫu “militant” mà Ngữ vẫn thường phác họa trong tưởng tượng, qua những sách vở Ngữ đọc về mẫu người đó.

Có một thời Ngữ mê những cuốn tiểu thuyết của André Malraux như Les Conquérants, La Condition humaine, bị quyến rũ bởi những nhân vật đấu tranh Đông phương trong tiểu thuyết văn hào Pháp này. Hành động, nói đúng hơn là bạo động, và hấp lực huyền nhiệm của cái chết đã tạo cho các nhân vật militant một thứ hào quang kỳ bí cuốn hút như sức cuốn hút của ánh đèn đối với loài thiêu thân. Ngữ nhớ trên bìa cuốn La Condition humaine loại Livre de poche có vẽ một militant người Tàu đang đứng nép mình núp tại một góc phố, mắt nhìn về phía trước. Đôi mắt ấy, Ngữ cho là cửa sổ của một tâm hồn militant. Ngữ lại tìm thấy đôi mắt ấy trên khuôn mặt ông Thường.

Khuôn mặt tiêu biểu của một người dân Miền Trung quen sống thiếu thốn và cần cù. Da nâu, mặt xương, tóc thưa cắt ngắn. cổ cao lộ hầu. Bộ bà ba đen rộng, không phải vì thợ may đo lầm mà vì thân hình ông Thường ốm, lại mặc một bộ đồng phục may sẵn, không chịu sửa lại cho vừa tầm. Bao nhiêu nét bình thường ấy làm nền cho một đôi mắt, Ngữ không thể quên được đôi mắt, nhiều lần muốn ghi lại đặc điểm của đôi mắt ấy mà vẫn thấy bất lực.

Một bác sĩ nhãn khoa có thể không cần khám, yên tâm cho toa để chủ nhân đôi mắt ấy hoặc ra hiệu thuốc mà mua một vài lọ thuốc nước như Visine về nhỏ, hoặc ra hiệu kính làm lại cặp gương khác đúng độ cận hay viễn thị hơn. Đôi mắt có vẻ mệt mỏi vì làm việc trong một điều kiện không thích hợp.

Nhưng sự mệt mỏi lờ đờ không làm nên một militant. Ngược lại. Vậy thì đâu là đặc điểm? Nếu ý chí phấn đấu, tinh thần dấn thân tích cực thể hiện nơi ánh mắt, thì có gì khác nhau giữa ánh mắt một militant với ánh mắt một tay kinh doanh sừng sỏ và hiếu thắng? Có gì khác nhau giữa sự say mê tiền bạc và say mê hành động chính trị, say mê ý tưởng? Những chỉ huy trưởng quân sự, hành chánh Ngữ gặp lâu nay mỗi người đều có những say mê riêng, và đều quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình. Họ cũng say sưa ước mơ, buồn rầu khi thất vọng hoặc hớn hở khi thành công. Nhưng tại sao ánh mắt của họ đều đơn giản, dễ hiểu. Họ không có đôi mắt của ông Thường.

Ông không có đôi mắt tươi vui hồn nhiên của người may mắn gặp được nhiều thành công ở đời. Ông có ánh nhìn hơi mệt mỏi, chịu đựng pha đôi chút thờ ơ thản nhiên của người đã nếm qua nhiều thử thách, trải qua lắm bất ngờ đến nỗi không còn kinh ngạc về bất cứ điều gì. Mới gặp, Ngữ thấy ông Thường có vẻ lạnh nhạt, xa cách, tách ra ngoài cuộc, nhìn ngắm mọi sự với đôi chút tự cao và bao dung.

Nhưng khi đã qua khỏi giai đoạn quanh co đầu môi chót lưỡi, khi đã nhận diện được người đối thoại, ánh nhìn của ông Thường thay đổi. Từ lạnh lẽo bàng quan, ánh mắt ông trở nên cuồng nhiệt bất thường như ánh mắt của người lên đồng. Từ bên lề đời sống, ông chuyển qua vị trí lênh đênh bên trên đời sống, bay lượn trong những đám mây ý tưởng, hăng hái xây đắp những hệ thống lý thuyết phủ trùm cả cõi nhân sinh.

Những lúc đó, Ngữ thấy ông Thường giống y như một nhà thơ, và tự hỏi phải chăng đấy là mấu chốt thất bại của đời ông!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx