sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 34

Trên giấy tờ, Ngữ là sĩ quan thuộc quân số của Ban Tâm lý chiến tiểu khu Bình định, nhưng đại tá tỉnh trưởng đã chấp thuận biệt phái Ngữ sang làm sĩ quan phụ tá cho Trung tá Tiểu khu phó. Viên đại úy Trưởng ban Chiến tranh Chính trị không thấy có gì trở ngại. Trong năm ban thuộc Bộ Chỉ huy Tiểu khu, Ban Tâm lý chiến ít việc nhất, do đó ít quyền lợi nhất. Trừ một vài lễ lạc như ngày Quân lực 19-6, Quốc khánh 11-11, lễ mừng chiến thắng hay tuyên dương công trạng, Đại úy Hà chỉ xách xe đi lông nhông. Dưới quyền ông, phần lớn là lính kiểng từ mọi thế lực gửi tới. Chỉ huy một đám quân con ông cháu cha, Đại úy Hà phải có một kiểu lãnh đạo rất bình dân và nghệ sĩ. Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân trong Ban Tâm lý chiến cư xử với nhau như một ban nhạc trình diễn lưu động, không nệ cấp bậc, không cứng nhắc về giờ giấc; khi có việc, cả Ban xúm lại làm việc với nhau, khi xong tan hàng cố gắng, có việc gì khẩn thì nhân viên trực bốc điện thoại cho chỉ huy trưởng, sau đó Đại úy Hà phải đích thân lấy chiếc Dodge 4 đã cũ đi một vòng bốc các “ông tướng” về. Làm việc theo cung cách “phi quân sự” như thế nhưng ít khi Đại úy Hà bị cấp trên khiển trách. Lính dưới quyền ông biết ông cũng chẳng được cái dải gì, ăn cơm nhà vác ngà voi, sở dĩ ông rán giữ cái chức ngồi chơi xơi nước chỉ vì muốn yên thân, khỏi bị đưa vào chỗ nguy hiểm. Nói cho đúng, ngoài số lương đại úy thâm niên ít ỏi của ông, ông cũng được một ít bổng lộc phụ trội: những bữa nhậu do các đơn vị khác thết đãi “anh chị em văn nghệ khaki” sau khi Đoàn Văn nghệ Tâm lý chiến đến đàn địch giúp vui, một vài món biếu xén nho nhỏ của những lính kiểng nhà giàu có cửa hiệu buôn bán lớn ngoài phố Gia Long, Phan Bội Châu. Họ là lính kiễng thật đấy, nhưng vì con nhà giàu, quen ăn chơi đàn địch nhảy múa từ nhỏ nên đều có khiếu văn nghệ. Một vài người dưới quyền Đại úy Hà còn đủ khả năng lập những ban nhạc riêng, lấy tên “Crazy Boys”, “Three Bears”, “Four Stars”, chuyên chơi nhạc tại các phòng trà và quán rượu có đông quân nhân Mỹ lai vãng. Họ kiếm được nhiều tiền, mà không hề quên nhiệm vụ đối với đất nước. Họ rống nhạc pop ở phòng trà, nhưng khi đi tác động tinh thần chiến đấu của các đồng đội cầm súng, họ cũng biểu diễn xuất thần những bài ca đượm tình huynh đệ chi binh. Tóm lại, đại úy Hà thỏa mãn với vai trò rất nghệ sĩ của mình. Công việc Ban Tâm lý chiến vừa đủ cho ông và hai sĩ quan khác, một trung úy một chuẩn úy lo, không nhọc quá mà cũng không nhàn quá. Thêm Chuẩn úy Ngữ, chỉ thừa! Cho nên khi nghe Trung tá Tiểu khu phó xin Ngữ sang làm việc với ông, Đại úy Hà gật đầu chấp thuận liền.

Trung tá Thanh nhờ Ngữ sắp xếp lại hồ sơ văn phòng Tiểu khu phó, lấy tài liệu do vị tiền nhiệm để lại, xin thêm tài liệu ở các ban trong Tiểu khu để cập nhật hóa tình hình quân số và an ninh trong tỉnh. Ông nhờ Ngữ lập các biểu đồ để dễ theo dõi tình hình. Tất cả công việc đó, Ngữ phải dành ra ba tuần lễ liền mới hoàn tất. Các chi tiết rời rạc khi được hệ thống hóa giúp cho Trung tá Thanh một cái nhìn tổng quát sát với thực tế hơn. Quân số địa phương ở các Chi khu có thể nói là đủ hoặc lớn hơn cấp số cần thiết. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn số vũ khí, lượng tiếp liệu cũng như các cuộc hành quân tảo thanh, Trung tá Tiểu khu phó nhận ra ngay sự chênh lệch giữa lượng và phẩm. Mặc dù quân số địa phương quân (chưa kể con số đáng kể nhân dân tự vệ), và vũ khí đạn dược đủ để mở những cuộc hành quân hoặc phản phục kích cấp đại đội, nhưng theo thống kê quân sự, những cuộc hành quân lớn một chút, Chi khu đều nhờ quân đội đồng minh đảm trách. Tình trạng ỷ lại đó ngày càng trầm trọng, đến nỗi ở các quận có quân đội đồng minh trấn đóng, gần như các Chi khu giao khoán lãnh thổ cho những người xa lạ, nếu có phối hợp cũng chỉ nhận vai trò dân sự vụ sau khi cuộc tảo thanh đã xong. Hậu quả là các đơn vị Đại hàn hoặc Mỹ chỉ thông báo lấy lệ mỗi khi cần mở rộng phạm vi an toàn cho doanh trại hoặc đồn bót của mình, họ thông báo vào phút chót để các đơn vị quân đội hoặc chính quyền ở vùng liên hệ biết mà tránh đi, đề phòng bị dội bom hoặc nã đại bác lầm.

So với tình hình một năm trước đó, Trung tá Thanh nhận thấy vùng Quốc gia kiểm soát có mở rộng hơn. Hai quận phía Bắc là Hoài ân và Hoài nhơn vẫn còn bị áp lực nặng của địch, vòng kiểm soát thu nhỏ dọc quốc lộ Một và các quận lỵ. Tuy vậy, xê dần vào phía Nam, các làng xôi đậu hoặc bị xếp vào vùng oanh kích tự do đã bớt. Sư đoàn Một Kỵ binh Không vận Mỹ đóng ở đèo Phù ly chặn đường liên lạc giữa căn cứ địa và cái địa bàn hoạt động duyên hải của sư đoàn Sao vàng, cứu một số làng xôi đậu ở quận Phù mỹ thành xã ấp an toàn, và cứu một số vùng đất xơ xác vì bị oanh kích tự do lâu nay thành vùng xôi đậu, tuy chưa an ninh đủ để cán bộ chính quyền xã ấp ở lại đêm nhưng đã đủ an ninh cần thiết để dân chúng phác cỏ, cày cấy trở lại.

Cứ như thế, phi trường Phù cát được mở rộng tăng thêm hỏa lực cho Không quân Mỹ làm cái dù che cho một số xã quận Phù cát, Sư đoàn Mãnh hổ Đại hàn biến hai quận An nhơn và Tuy phước thành hai quận được Trung ương khen về mặt an ninh…

Tuy nhiên Trung tá Thanh cũng lấy làm lạ vì dân số ở dưới sự kiểm soát của chính phủ không gia tăng thuận chiều với số gia tăng diện tích được bình định. Ở nhiều Chi khu, dân số ấy giữ y như cũ, hoặc giảm xuống. Rà lại cơ cấu chính quyền xã ấp, Trung tá thấy cơ quan hành chánh địa phương có tăng thuận chiều với mức độ bình định. Vì sao có hiện tượng lạ lùng như vậy? Ông phăng ra được nguyên nhân không lâu về sau!

° ° °

Về Bình định được một tháng, một hôm Trung tá Thanh và Đại úy Bình Trưởng ban Ba được mời lên Bộ Chỉ huy Sư đoàn Mãnh hổ ở Phú tài để bàn về phương thức phối hợp hành quân tảo thanh và bình định một số xã thuộc quận An nhơn nằm phía nam quốc lộ Một, đặc biệt là hai xã Nhơn phong và Nhơn hạnh. Quân đội Đại hàn muốn lập một đầu cầu ở Núi Đất để sau khi ổn định phòng thủ căn cứ này, sẽ khống chế một vùng đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu bao quanh Núi Đất, từ đó đưa quân sâu về phía bờ biển giải tỏa áp lực địch ở mạn Bắc Qui nhơn. Đấy là một kế hoạch hành quân qui mô cấp trung đoàn, mà theo phân công, mũi dùi công phá chính do quân đội Đại hàn đảm trách, lực lượng địa phương quân của Tiểu khu, quân số tăng phái của Sư đoàn 22 Việt nam Cộng hòa chỉ đóng vai tiếp trợ và tổ chức lại, sau khi quân đội Đại Hàn đã làm xong phần của họ. Với số lính cơ hữu và vũ khí hạn chế trong tay mình, Trung tá Thanh không còn cách nào hơn là nhận lấy phần việc khiêm nhường của ông chủ nhà yếu thế.

Tài liệu Ban Hai Tiểu khu và tài liệu xin ở Ty Cảnh sát Quốc gia cho Trung tá Thanh biết hai xã này thuộc vào vùng oanh kích tự do. Cộng sản đã lập được hệ thống chính quyền ở hai xã này, nhưng ngay cả cán bộ chính quyền cộng sản cũng không dám bám trụ. Họ chỉ hoạt động từ bốn giờ chiều về đêm, ban ngày hoặc rút lên núi, hoặc nằm im dưới hầm bí mật đề phòng bị đột kích. Đa số dân hai xã đã tản cư lên Đập đá, An nhơn hoặc xuống lập nghiệp hẳn ở tỉnh lỵ. Số dân nghèo còn lại phải bám đất để sống, thì cày cấy mưu sinh bằng những đám ruộng phì nhiêu dễ làm bị bỏ lại, số thu hoạch mỗi mùa phải nộp cho du kích. Trai tráng cũng phải gia nhập vào lực lượng du kích, hoặc lên núi gia nhập hẳn vào Sư đoàn Sao vàng. Mỗi lần quân đội Quốc gia hành quân sâu xuống những vùng bất an ninh đó, quân nhân Việt nam Cộng hòa chỉ gặp toàn đàn bà, ngưòi già cả và trẻ em. Sau một cuộc hành quân, lại có thêm những gia đình theo chân quân đội Việt nam Cộng hòa tản cư lên quận lỵ hoặc về các trại tị nạn, sống bằng gạo cứu trợ và những vụ buôn bán lặt vặt khác. Dân số ở đó vì thế ngày càng ít đi, nhà cửa bỏ hoang lâu ngày bị sập hoặc bị bom đạn thiêu hủy.

Bộ Chỉ huy hành quân Đại hàn gồm có một thiếu tướng, hai đại tá và bốn trung tá, người nào cũng cao lớn, vạm vỡ. Ông Thiếu tướng tuổi đã cao, ông Thanh đoán phải gần sáu mươi vì Thiếu tướng Kim I. Chung khoe đã từng tham dự vào cuộc tấn công ngược lên Bắc hàn, trước khi hai phe đồng ý ngưng chiến và thỏa thuận phân đôi đất nước như trường hợp Việt nam. Tướng Chung, qua một thông ngôn cũng người Đại hàn, nói với Trung tá Thanh:

- Tôi có dùng trực thăng thị sát một số nơi mất an ninh của tỉnh quí vị. Và tôi hiểu ngay vì sao quí vị không thắng được cộng sản. Từ trên trực thăng nhìn xuống, tôi thấy ở các làng quí vị xếp vào loại mất an ninh do cộng sản kiểm soát vẫn còn những lũy tre xanh, những vườn rau, thậm chí những ruộng lúa sắp chín nữa. Tôi tự hỏi tại sao có cảnh lạ lùng như vậy! Ở nước tôi trong cuộc chiến tranh Triều tiên, nơi nào chúng tôi đã đi qua thì ngọn cỏ cũng không ngóc lên được khỏi mặt đất. Phía trước còn mầu xanh thì còn mầu đỏ. Đó là châm ngôn hành quân của chúng tôi. Xin Trung tá đừng nhíu mày hay mỉm cười ngờ vực. Thực tế lịch sử cho thấy chúng tôi có lý. Bằng chứng là cuộc nội chiến giữa Nam Bắc ở nước chúng tôi đã chấm dứt, trong khi cuộc chiến tranh tại đây biết đến bao giờ mới xong. Không hề có du kích chiến giữa bãi sa mạc. Đất nước quí vị nhiều rừng, cây cối rậm rạp. Rất tiếc là quá ít sa mạc, thiên tạo cũng như nhân tạo.

Trung tá Thanh không giữ lễ với khách được nữa, hỏi lại:

- Rồi quí vị làm gì với những sa mạc ấy?

Tướng Chung cười:

- Sẵn cát, chúng tôi đúc bê-tông dựng nhà, xây hệ thống dẫn thủy. Chẳng bao lâu, cây cối lại xanh um.

Nhận thấy tranh luận không đi đến đâu, Trung tá Thanh yêu cầu bắt đầu cuộc họp. Bộ Chỉ huy Đại hàn tuy nói thế nhưng kế hoạch hành quân họ đề nghị có vẻ nhân nhượng, cho thích nghi với phong tục chủ nhà. Mũi dùi tấn công chính từ quốc lộ Một đâm xuống vẫn do quân lực Đại hàn đảm trách, nhưng cánh quân bên hữu từ Nhơn an đâm qua thì do Sư đoàn 22 phối hợp với địa phương quân của Tiểu khu. Theo mức độ tiếp trợ vũ khí và phương tiện vận chuyển cũng như do quân số, chắc chắn quân đội Đại hàn sẽ áp đảo nhanh chóng các tổ kháng cự của du kích và làm chủ chiến trường trước khi cánh quân Việt nam Cộng hòa tới nơi. Cánh quân này chủ yếu giữ giùm an toàn bên hông cho quân lực Đại hàn, sau đó làm các nhiệm vụ thanh lọc, cứu trợ và tảo thanh. Tướng Chung cho biết quân đội Đại hàn cũng có một đơn vị dân sự vụ đi theo, với đầy đủ dụng cụ y tế và những phần quà chuẩn bị để phát cho dân các làng vừa được giải phóng. Thấy Trung tá Thanh vẫn còn đăm đăm, tướng Chung nói:

- Trung tá đừng lo. Chúng tôi đến đó, rồi ở lại đó để lập cho được căn cứ Núi Đất. Chúng tôi không thể để cho dân địa phương ghét chúng tôi được.

° ° °

Những chiếc trực thăng VH-lD cất cánh từ phi trường Phù cát bay về hướng Bắc được chừng hai mươi phút, rồi đột ngột cùng bay về hướng Đông, trở lại hướng xuất phát, sà xuống đổ quân trên một cánh đồng trống hoang vu. Mặt trời chưa mọc, cỏ lác cao ngã rạp dưới sức gió cánh quạt trực thăng. Tiếng máy trực thăng gầm rú, tuy vậy không át được tiếng nổ của từng đợt trọng pháo từ xa rót về ngôi làng trước mặt. Những chiếc trực thăng võ trang từ trên cao chúi xuống như những con chim bói cá, những loạt đạn đại liên gắn trên máy bay phóng các tia lửa vào những khóm tre và vùng cây cối um tùm, tiếng nổ liên hồi và đục nghẹn như tiếng những con heo bị chọc tiết. Nhiều đụn khói bắt đầu bốc lên, ban đầu vươn lên cao như một cây cột nhưng về sau tỏa rộng ra hình nấm, loại thảo mộc chiến tranh này lần lượt sinh sôi nẩy nở, chiếc nấm khói này vừa tan đi thì chiếc khác lại nở.

Những người lính nhảy xuống khỏi trực thăng, cẩn thận lấy họng súng vẹt cỏ lác chậm chạp tiến tới phía làng. Súng nổ mỗi lúc một dày, mùi khói khét lẹt theo gió bay về phía hàng quân đang vượt qua khoảng đồng hoang ngăn cách nơi đổ quân và rìa làng.

Trung tá Thanh và Thiếu tá Quận trưởng có mặt trong cánh quân phía trái. Máy liên lạc vô tuyến cho ông biết cuộc hành quân cho đến giờ phút đó tiến hành tốt đẹp. Không thấy địch kháng cự gì. Có lẽ đúng như tin tình báo của Ban Hai, lực lượng du kích địa phương ở đây không đông, quân chủ lực của địch lại chú tâm quấy phá mạn Bắc, nên sức kháng cự nếu có của địch cũng không đáng kể. Quá lắm, theo ước lượng của Ban Hai Tiểu khu, lực lượng du kích hiện diện tại hai xã không quá một đại đội, vũ khí trang bị chỉ có AK-47, lựu đạn và vài khẩu trung liên. Trong lúc đó, quân bao vây tảo thanh đông gấp mười lần địch, nên dù có liều lĩnh đến mấy, quân địch cũng phải né tránh, chém vè hoặc nằm im dưới các hầm bí mật.

Đúng theo dự liệu, cánh quân của Đại hàn vào làng trước. Khi Trung tá Thanh tới nơi, ban chỉ huy cuộc hàng quân của Đại hàn đã cho quân rải ra giữ các chốt quan trọng và thiết lập trung tâm chỉ huy dã chiến tại một ngôi đình đã bị bom phá sập một nửa.

Thiếu tá Quận trưởng ra lệnh cho đại đội địa phưong quân rải ra nằm theo tuyến phòng thủ đã được chỉ định, bảo vệ cho từng toán quân Đại hàn lùng xét từng khu vườn, từng nhà. Loa phóng thanh mắc trên cành thấp của cây mít trước đình loan đi một giọng tiếng Việt lơ lớ khó nghe:

“Đồng bào chẳng sợ. Chúng tôi đến đây để giúp đồng bào. Bọn Cộng sản không giúp đồng bào. Đồng bào hãy yên tâm ra khỏi hầm. Chúng tôi không giết đồng bào. Ai nấy ra khỏi chỗ núp, phải đặt hai tay vào đầu, và đi từng người một. Không ai nên chạy. Đồng bào chẳng sợ. Chúng tôi đến đây để giúp đồng bào. Bọn cộng sản không giúp đồng bào…”.

Trung tá Thanh nhăn mặt hỏi ông Quận trưởng:

- Không ai nghĩ tới chuyện ghi âm giùm họ những câu dễ nghe hơn sao? Nghe lơ lớ, lại ngô nghê chẳng chịu được. Mình đứng ở đây nghe còn chưa lọt tai hết, làm sao dân họ núp dưới hầm hay ở xa nghe rõ được.

Viên thiếu tá đáp:

- Họ không nhờ, mà mình cũng quên chi tiết nhỏ này. Tôi…

Trung tá Thanh cắt lời ông Quận trưởng:

- Không nhỏ đâu! Dân họ chỉ nghe lầm một tiếng là họ đứng giữa sống với chết. Anh cho người đến dùng micro trực tiếp kêu dân họ tập trung lại đi.

Viên thiếu tá tuân lệnh, đi về phía đình, theo con đường mòn hai bên cỏ bị dẫm nát. Trung tá Thanh vừa quay lưng định trở về chỗ đại đội Một nằm phòng thủ, thì một tiếng nổ lớn sau lưng ông, hơi gió xô ông ngã chúi. Thiếu tá Quận trưởng dẫm phải một quả mìn. May cho ông đây là loại mìn Trung cộng, loại cá nhân. Viên thiếu tá chỉ bị cưa mất bàn chân trái, và được giải ngủ sau khi xuất viện.

° ° °

Tin Thiếu tá Quận trưởng bị mìn làm cho không khí êm ả đột nhiên căng thẳng. Mỗi cái nhìn đều đăm đăm xoi mói. Mỗi bước chân đều hoang mang, ngại ngùng. Trung tá Thanh phụ với một người lính nữa giữ chặt thân hình viên thiếu tá không cho ông quằn quại vùng vẫy để y sĩ Đại hàn băng bó cái chân trái lủng lẳng bầy nhầy máu và đất. Chiếc giày saut đã tan xác hay rơi đâu mất, nhưng không ai quan tâm đến một chi tiết vô ích.

Trung tá Thanh đưa Thiếu tá Quận trưởng lên trực thăng tải thương xong, vội quay trở lại để phân công đôn đốc hai đại đội Một và Hai địa phương quân. Lính Sư đoàn Mãnh hổ bắt đầu dẫn những tốp đàn bà, trẻ con quần áo rách rưới và nhem nhuốc tới tập trung trước đình. Mặt mày họ ủ rũ, lơ láo, đôi mắt mờ đục thất thần vì khiếp đảm. Theo lệnh phát ra từ cái loa phóng thanh, từ già tới trẻ phải ngồi chồm hổm trên khoảng đất trống trước đình, hai tay để sau lưng. Trên bức tường đình loang lổ rêu đã bị sập phân nửa, có mấy khẩu hiệu vẽ bằng than nét đậm: “Đả đảo đế quốc xâm lược Mỹ”. “Tiến lên toàn thắng ắt về ta!” “Toàn dân thi đua ra sức lập công tiêu diệt Mỹ Ngụy”. Người lớn không dám nhìn về phía bức tường có vẽ mấy khẩu hiệu, nhưng bọn trẻ con sau thời gian sợ sệt, bắt đầu ngửng lên nhìn quanh tò mò, hoặc nháy mắt, chỉ trỏ, nói chuyện thầm với nhau bằng dấu hiệu.

Thấy mọi sự diễn tiến bình thường, Trung tá Thanh trở lại chỗ tạm thời làm bãi đáp lấy trực thăng đi thị sát một mục tiêu hành quân khác. Vài trái lựu đạn do du kích gài, vài quả mìn đã nổ nhưng không có thêm thiệt hại nào. Tiếng súng đã êm từ lâu. Chỉ trừ tiếng cánh quạt trực thăng xành xạch trên không, buổi sáng nắng lên có vẻ thanh tịnh êm ả như một buổi sáng bình thường. Những đụn khói đã tan, mùi khét đã hết. Trung tá Thanh nghĩ tới tên một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ông rất thích: “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”. Cuốn truyện của nhà văn Đức Remarque.

Rồi bỗng nhiên súng lại nổ dồn, và một cột khói đùn lên từ phía cái đình trước mặt.

Trung tá Thanh ra lệnh cho anh hạ sĩ truyền tin và hai người lính nữa đi theo ông. Tuy họ không đi theo các đường mòn, họ băng qua đám cỏ lác dày để trở lại làng, nhưng họ vẫn dè dặt từng bước. Trước mặt họ, phía sau một rặng tre dày, khói vẫn bốc lên hết đụn này đến đụn khác. Tiếng nổ lép bép vang đến tận tai ông Thanh. Ông đoán nhà trong làng đang cháy. Khi tới nơi, ông Thanh thấy một đám đông quân nhân Đại hàn đã tụ tập quanh ngôi đình. Họ nhìn ông và ba người lính hộ tống với ánh mắt ác cảm, gần như căm thù. Người nào súng cũng lăm lăm trong tay, sẵn sàng nhả đạn về phía trước. Nhóm lính Đại hàn ông Thanh vừa gặp đang bàn cãi nhau gì đó ông không hiểu, chỉ đoán có lẽ đề tài gay go và sinh ra bất đồng. Họ cãi nhau một hồi, rồi tản ra, chia thành đội hình hàng ngang tiến về hai ngôi nhà tranh đã hư dột bên kia vườn mít.

Trước mắt Trung tá Tiểu khu phó, ngôi đình đang bốc cháy, ngọn lửa bốc cao, lém tới những cành đa cao bao phủ mái đình, và đã thiêu đen mấy gốc mít thấp bên phía chái tây.

Nhưng cảnh tượng khiếp hãi nhất là đống xác người nằm la liệt trên sân đình, máu chảy lênh láng trên nền đất dẽ vì bước chân qua nhiều đời và khô cứng vì nắng hè. Một đứa trẻ khoảng ba tuổi, do một phép lạ khó hiểu, đang ngồi khóc bên cạnh xác một phụ nữ mặc quần áo đen bạc màu nằm sấp mà Trung tá Thanh đoán là xác bà mẹ.

Anh trung sĩ được phân công thông dịch cho sĩ quan Đại hàn kể cho Trung tá Thanh nghe nguyên nhân vụ tàn sát. Sau khi kiểm soát và tảo thanh cả làng, toán Dân sự vụ Đại hàn bắt đầu làm công tác tuyên truyền. Toán Y tế đặt một cái bàn trong đình để khám sức khỏe và phát thuốc cho những người vừa tập trung trước đình. Các em nhỏ hoặc bà mẹ dẫn theo con cái được biếu những gói trà sâm nhỏ, hoặc những lon đồ hộp nấu theo kiểu Đại hàn. Mọi sự đang diễn ra êm ả, thì một phát súng bắn sẻ không biết từ đâu giết chết một ông thiếu úy Đại hàn lúc đó đang đứng dưới gốc mít. Thế là mọi sự thay đổi. Cuộc tàn sát bắt đầu. Xác viên thiếu úy đã được gói trong poncho và khi Trung tá Thanh tới phân ưu cho phải phép, viên trung tá đứng cạnh gói xác nhìn ông nhưng không nói năng gì. Trung tá Thanh cũng yên lặng nhìn thẳng vào mặt viên trung tá đồng minh, rồi đưa mắt về phía những xác chết còn nằm rải rác trước đình. Đứa bé mồ côi vừa được anh hạ sĩ truyền tin đến bồng đi để dỗ dành, nhưng nó vẫn khóc đến khan tiếng. Trung tá Thanh nói với viên trung tá Đại hàn:

- Chúng tôi sẽ phúc trình lên Tướng Chung về vụ này.

Ông nói bằng tiếng Anh, nhưng viên trung tá đồng minh không hiểu. Ông Thanh thấy không cần phải nhờ người thông ngôn Đại hàn dịch lại. Ông biết trước câu đáp. Lòng Ông quặn đau, phải vịn vào vai anh hạ sĩ truyền tin mới rời khỏi nơi ngập ngụa mùi máu tanh, và mùi cháy khét.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx