sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 37

Ra khỏi Cơ quan Bình định và Phát triển, Trung tá Thanh hỏi Ngữ:

- Cậu nghĩ sao?

- Về việc gì ạ?

- Về ông Thường.

Ngữ suy nghĩ một lúc, rồi đáp:

- Ông ấy nói nhiều mà nghe ít. Những người như vậy thường là lý thuyết gia hơn là người hành động.

Trung tá Thanh nhíu mày:

- Cậu nói thế đâu được. Dù là lý thuyết hay thực hành đều cần phải có nhiệt tín. Ông Thường là người nhiệt tín.

Ngữ cãi lại:

- Những người nhiệt tín thường không chịu chấp nhận cái tương đối, cái chưa hoàn hảo, nói đúng hơn là cái không đúng với ý mình. Họ là quân sư hay lý thuyết gia thì được, nhưng nếu họ hành động thì một là họ dễ ngã lòng, hai là họ dễ trở thành người độc tài, cực đoan.

- Người nào khác có thể như vậy, nhưng tôi nghĩ ông Thường có quá đủ kinh nghiệm thực tế để biết cái gì làm được, cái gì không thể làm được, cái gì chưa làm được. Tôi thích cái típ người này. Có lẽ tôi sẽ hợp sức với ông ta để thử làm một cái gì, chẳng hạn thử lấy một xã xôi đậu vừa chiếm lại để làm thí điểm, xem cuộc vận động nhân tâm theo ý ông ta còn có thể thực hiện được không. Tôi sẽ đưa đề nghị này cho Đại tá.

Ngữ hỏi:

- Trung tá nghĩ có thể hòa giải được hai bên? Họ có vẻ sống mái với nhau dữ, mà ông Thường lại ở thế yếu. Trung tá đứng về phe ông Thường?

Trung tá Thanh đáp ngay:

- Không. Tôi đứng về phía lẽ phải.

Sợ Ngữ hiểu lầm, ông tiếp:

- Cho đến nay tôi chưa biết bên nào trái, bên nào phải. Hai bên đều có vũ khí để chơi nhau, và nếu tôi đoán không lầm, vũ khí đó là tài liệu tố tham nhũng. Ông Tỉnh nói mé mé cho tôi hiểu có một vài hồ sơ về tiền bạc của Tỉnh đoàn, còn ông Thường nghe đâu cũng có nhiều hồ sơ về ông Tỉnh.

Ngữ nhắc:

- Không khéo Trung tá lọt vào giữa lãnh đủ hai lằn đạn.

Trung tá Thanh cười, thả vuột tay khỏi tay lái chỉ vào ngực:

- Việt cộng bắn vào ngực tôi đến năm lần mà tôi không chết, chẳng lẽ tôi bị chết lảng xẹt vì đạn của phe mình! Cậu tin đi, tôi có áo giáp.

Ngữ dè dặt trước khi hỏi:

- Trung tá có thế riêng ở Sài gòn à?

Trung tá Thanh cười lớn, nói:

- Không, cậu hiểu lầm rồi! Tôi mà thế lực gì! Thế mạnh của tôi, là khả năng mà người ta cần nơi tôi. Chỉ có thế. Nhưng thôi đó là chuyện về sau. Sáng nay mình chưa nói được với Đại úy Thường chuyện gì cụ thể cả. Chiều nay hay tối nay, cậu thay tôi liên lạc với lũy, tìm hiểu sâu vụ xích mích giữa Tỉnh đoàn với ông Tỉnh. Tôi nài cậu đi theo tôi qua Tỉnh đoàn là cốt như vậy. Tôi cũng biết qua lại thân mật nhiều lần với ông Thường, ông Đại tá sẽ bực mình. Cậu nhớ nhé.

° ° °

Trung tá Thanh vừa về tới văn phòng thì có điện thoại của ông Phó tỉnh. Giọng ông Phó mừng rỡ:

- Trung tá đi đâu mà tôi gọi mãi không được. Tưởng qua bên đó, tới trưa Trung tá về.

- Tôi đi ăn cơm ngoài phố. Đi lại bất tiện quá, có lẽ tôi tìm chỗ nấu cơm tháng cho tiện. Ở đây họ có nấu cơm tháng và đem đến tận nhà cho mình không nhỉ?

Giọng ông Phó ngập ngừng:

- Tôi cũng không rõ. Có lẽ có. Hồi trước quán bà Lâm Huế có đưa cơm tháng, nhưng tôi nghĩ bây giờ Mỹ qua, họ có nhiều việc khác kiếm nhiều tiền hơn. Sao Trung tá không kiếm một anh lính lo việc cơm nước cho.

- Tôi thấy không cần đến vậy. Bên Tiểu khu nhân số thiếu…

- Thiếu gì thì thiếu nhưng Trung tá đã cần, chắc Đại tá phải cho. Hay Trung tá lại ăn cơm thường xuyên đằng tôi.

- Phiền anh chị lắm! Vả lại giờ giấc đi về của tôi thất thường. Có lẽ tiện nhất là tôi sắm một cái tủ lạnh, và cái bếp gaz. Ngoài Huế, tôi vẫn quen nấu ăn lấy.

Bên kia đầu dây, giọng ông Phó gấp gáp như sợ lỡ mất cơ hội.

- Trung tá cần tủ lạnh à? Ôi, ở đây tủ lạnh trong PX Mỹ có khối, người ta buôn ra bán ngoài chợ rẻ lắm. Nhưng việc gì phải mua? Tỉnh có xin được mấy cái tủ lạnh lớn của Mỹ dự định làm Trung tâm Sinh hoạt Thanh niên. Trung tá cần, tôi sai tài xế chở qua cho một cái.

Trung tá Thanh ngần ngừ rồi nói:

- Loại đó lớn quá, chắc tôi không dùng hết. À, ông Phó gọi tôi có việc gì vậy?

- Tối nay Trung tá có rảnh không? Vợ chồng tôi mời Trung tá đến dùng cơm. Hôm nay là sinh nhật của cháu út.

- Thế à? Cháu lên mấy rồi anh?

- Vừa thôi nôi Trung tá ạ. Trung tá nhớ đến nhé, tám giờ. Có lẽ Đại tá cũng đến, nếu ông ấy về kịp.

- Đại tá đi đâu?

- Lên ủy lạo chiến sĩ trên Sư đoàn 22.

Bên kia đầu dây yên lặng khá lâu. Trung tá Thanh tưởng ông Phó đã muốn chấm dứt câu chuyện, vừa định lên tiếng chào để cúp máy, thì tiếng ông Phó lại vang trong ống liên hợp:

- Hồi sáng Trung tá gặp xừ Thường chưa?

- Rồi!

- Thế nào? Mà thôi… để chờ tối nay nói chuyện được dài hơn. Chào Trung tá nhé. Hẹn gặp lại tối nay!

Trung tá Thanh có cảm tưởng cả Đại tá Tỉnh trưởng lẫn ông Phó đều nóng ruột muốn giải quyết cho xong vụ Đại úy Thường. Ông nghĩ: không ngờ cuộc xích mích âm ỉ mà trầm trọng đến thế. Ông hơi lo ngại vì cả buổi sáng hôm nay, Trung tá chưa nói với viên Tỉnh đoàn trưởng được điều gì cụ thể, cần kíp trước mắt. Toàn là chuyện trời trăng. Ông hy vọng Đại tá Tỉnh trưởng bận công vụ không về kịp để dự tiệc thôi nôi.

Ông lầm. Đúng tám giờ bước vào phòng khách tư dinh Phó tỉnh trưởng, ông đã thấy Đại tá ngồi ở đó. Viên tỉnh trưởng mặc quần soọc trắng hiệu Adidas, áo thun trắng hiệu Cá Sấu, mang giày thể thao. Cây vợt tennis vẫn còn dựng ở cạnh chiếc bàn kính. Trên bàn, hai chai soda mở sẵn, cạnh hai cái ly thủy tinh. Chai Napoléon VSOP mầu da chai đục ở cạnh hai dĩa đồ nhậu chắc chắn mua từ tiệm ăn Tàu đem về. Vụ mừng thôi nôi chỉ là cái cớ.

Trong lúc ông Phó bận việc gì ở trong phòng, viên đại tá nghiêng đầu ngắm bộ đồ treillis của ông Tiểu khu phó, thân mật khuyên:

- Trung tá về đây nên chơi tennis đều với tụi này, khí hậu ở đây xấu, phố xá đầy bụi bặm, việc lại nhiều, không chơi thể thao đều, dễ bị bệnh lắm.

Trung tá Thanh lễ phép đáp:

- Vâng. Tôi sẽ tập chơi tennis trở lại!

- Trước kia anh chơi khá không?

- Đại khái thôi, thưa đại tá.

Viên đại tá xua tay nói:

- Ở chỗ riêng tư xưng anh em với nhau cho thân mật. Ông Phó đâu rồi?

Từ bên kia tấm vách ngăn, giọng ông phó đáp với ra:

- Thưa Đại tá, tôi ra ngay.

Viên Phó tỉnh trưởng từ trong buồng đi ra, đầu còn ướt, mặc bộ pyjama mầu vàng nhạt có sọc trắng. Cách tiếp thượng cấp có vẻ thoải mái. Trung tá Thanh nhờ vậy cũng bắt đầu cảm thấy dễ chịu, bớt kiểu cách khách sáo. Ông tự tiện rót soda vào ly, còn pha thêm một ít rượu cognac, rồi đưa lên môi nhắp từng ngụm nhỏ. Chờ cho ông Phó ngồi xuống ghế nệm, bên cạnh Trung tá Thanh, viên đại tá mới ngồi thẳng dậy, hỏi:

- Thế nào, hắn chịu ký giấy tiếp nhận chứ?

Trung tá Thanh đang cúi xuống mở dây giày, tưởng viên đại tá hỏi ông Phó. Hồi lâu không nghe ông Phó trả lời, ông ngửng lên, thấy Đại tá nhìn mình chờ đợi, ngơ ngác hỏi lại:

- Tiếp nhận gì ạ?

Giọng Đại tá bắt đầu mất kiên nhẫn:

- Thế ông Phó chưa nói gì với Trung tá à?

Ông Phó vội phân bua:

- Thưa Đại tá, chưa! Tôi muốn thư thả một chút cho Trung tá dễ làm việc.

- Thư thả sao được. Ngân sách tài khóa này sắp hết hạn, không thanh thỏa số tiền quỹ bình định phát triển cấp thì sang năm xin được bao nhiêu. Thư thả! Các ông hành chánh cái gì cũng thong dong tới đâu hay đó. Các ông thư thả không sao, trách nhiệm đổ hết lên đầu tôi!

Không khí trong phòng khách đột nhiên căng thẳng. Ông Phó ngồi im, nhưng đường như ông đã quen đối phó với những cơn thịnh nộ tương tự, nên nét mặt ông bình thản, không tỏ ra bối rối, hối tiếc hoặc lo sợ. Viên tỉnh trưởng uống một hớp rượu, và như thói quen nghề nghiệp; ông dằn ngay được cơn giận. Giọng ông hòa nhã trở lại.

- Trung tá gặp ông Tỉnh đoàn trưởng lần đầu, cảm tưởng chung thế nào?

Trung tá Thanh dè dặt đáp:

- Nói chung thì Đại úy Thường là một người có nhiệt tâm. Và rất am hiểu tình hình địa phương.

Viên tỉnh trưởng nói:

- Hắn là người địa phương mà! Rắc rối là ở cái tinh thần địa phương cục bộ đó. Làm như tỉnh này là của riêng của những người sinh trưởng tại đây. Tôi đã làm tỉnh trưởng nhiều nơi, không đâu có tinh thần địa phưong kỳ cục như ở đây. Ở các tỉnh Miền Nam, dễ hơn nhiều. Không hề có cái vụ phân biệt Trung, Nam, Bắc. Ở đây mỗi lần tổ chức bầu cử là mấy ông ứng cử viên địa phương cứ đem cái chiêu bài “tỉnh mình dân mình” ra khai thác. Bên Hội đồng Tỉnh, Hội đồng Thị xã, mỗi lần qua dự họp là nghe luận điệu cũ rích ấy. Thật chán. Hắn có vẻ chịu nghe lời Trung tá không?

- Tôi không dám chắc. Chúng tôi bàn với nhau nhiều chuyện chung chung. Và phải nhận là Đại úy Thường có cái nhìn khá rộng về chính sách, về tình hình…

Viên đại tá mất kiên nhẫn lần nữa, bảo ông Phó:

- Anh trình bày cho Trung tá Tiểu khu phó vụ tiếp nhận, để gắng giải quyết cho xong nội trong tuần này đi. Từ đây đến cuối năm, còn khối chuyện phải làm, nhì nhằng mãi một việc không ra gì.

Ông Phó bắt đầu một bài thuyết trình ngắn gọn mà đầy đủ, hết sức chuyên nghiệp.

Đại khái ông cho biết trong các tỉnh Việt nam Cộng hòa thì Bình định là tỉnh đông dân vào hàng thứ nhì, chỉ thua có Gia định. Gia định chiếm một phần dân số của thủ đô, tình hình an ninh được bảo đảm cho nên các ngân sách khác thì sao không biết, riêng ngân sách bình định phát triển thua ngân sách của Bình định. Nguồn ngân sách cho chương trình vãn hồi an ninh và xây dựng tái thiết nông thôn này do Mỹ viện trợ, dĩ nhiên chỗ nào chiến sự càng sôi động, bị tàn phá càng nhiều thì quỹ bình định phát triển càng lớn. Các dự án làm đường, xây cầu, dựng lại bệnh viện, trường học, xây lại các cơ sở hành chánh, trợ cấp cho đồng bào tị nạn tản cư và hồi cư, bấy nhiêu công việc cần không biết bao nhiêu là tiền, các nhà thầu nhỏ ở địa phương không đủ sức làm hết, phải nhờ đến các thầu khoán cỡ lớn tại Sài gòn.

Nếu các công trình tái thiết ấy được thực hiện lúc đã vãn hồi an ninh hoàn toàn, thì không có gì đáng nói. Đằng này, bảng xếp loại tình hình an ninh các xã cứ thay đổi xoành xoạch, hàng tháng, một trường học chưa kịp tiếp nhận đã bị thiêu rụi vì mồi lửa của du kích hay vì đạn pháo kích từ quận câu về. Vì vậy, nhiều nơi đoàn tiếp nhận phải dùng trực thăng bay tít trên cao nhìn xuống một bệnh viện mới xây nằm nhỏ xíu như một hạt đậu ở tít dưới xa, rồi về Tỉnh đường ký giấy tiếp nhận công trình hoàn tất, sau đó dự bữa tiệc khánh thành thịnh soạn của đại diện nhà thầu.

Tỉnh đoàn Bình định Phát triển, với tư cách là cơ quan đại diện dân trực tiếp tiếp quản các công trình ấy, nên là một trong các thành viên của hội đồng tiếp nhận.

Lúc còn là Tỉnh đoàn Xây dựng Nông thôn với số cán bộ đông đảo hiện diện khắp vùng thôn quê, với ngân sách cơ hữu dồi dào, với thế lực mạnh từ trung ương cho tới địa phưong qua trung gian của các cố vấn Mỹ hoặc CIA, Đại úy Thường đã từng dứt khoát không ký nhận những công trình xây dựng thiếu tiêu chuẩn, không đúng với hợp đồng. Qua cán bộ xây dựng nông thôn tại chỗ, Tỉnh đoàn đã theo dõi sát việc xây cất, và trong các đợt họp thanh toán tài chánh từng phần cho nhà thầu, tiếng nói của Tỉnh đoàn bao giờ cũng chính xác, có trọng lượng vì sát với thực tế.

Nhưng từ khi thế lực của Tỉnh đoàn giảm sút, cán bộ ít, phương tiện eo hẹp, thì các cuộc tiếp nhận trở nên khó khăn, đầy khả nghi. Theo tin riêng, Đại úy Thường biết có nhiều công trình xây cất chỉ có trên giấy tờ, một trụ sở hành chánh xã có thể được xây lại nhiều lần trong khi trên thực tế đó chỉ là một mái đình cũ đã sập, và cả cơ quan chính quyền xã làm việc tại trại tạm cư. Biết thì biết, nhưng chứng cớ đâu để không ký tiếp nhận. Mà ký, là thong dong bước vào một guồng máy khổng lồ không biết sẽ đưa Đại úy về đâu.

Có lần một ông tỉnh (nay đã đổi về một tỉnh khác) bực bội với Tỉnh đoàn, đòi cử một trung đội nghĩa quân hộ tống cán bộ tiếp nhận của Tỉnh đoàn về một xã xôi đậu để tận mắt chứng kiến trường học ở đó đã làm xong trước khi bị dội bom. Lần ấy, Đại úy Thường đã định đích thân đi quan sát, nếu không có người bạn nối khố khuyên ông nên giữ thân.

Tình trạng an ninh càng khó khăn, tiền đổ vào chương trình bình định phát triển càng nhiều, và theo tỷ lệ thuận, tư thế của Đại úy Thường cũng khó khăn theo. Ông trở thành chướng ngại vật cồng kềnh, và cứ theo cái đà này chắc chắn trong tài khóa sau, Bình định sẽ không còn được ưu tiên hưởng ngân sách cao để xây dựng và bình định nông thôn nữa. Chính Sài gòn cũng không muốn điều đó. Tiền ngoại viện không tiêu hết tức là nhu cầu không cấp thiết, do đó năm sau phải giảm.

Đại tá Tỉnh trưởng không chờ ông Phó tỉnh trình bày hết, chen vào nói:

- Hắn cố chấp, cứng đầu, là kẹt cho dân. Năm nay không tiêu cho hết quỹ bình định phát triển, sang năm tình hình an ninh khá lên, lấy tiền đâu để tái thiết. Hắn chỉ thấy cái nhỏ, mà không thấy cái lớn. Trung tá về đây thì như người trong nhà, tôi nói thẳng không phải không có những chuyện lem nhem trong việc xây cất hay tiếp nhận. Có nhiều công trình không đúng như qui định trong hợp đồng. Nhưng làm sao được. Mình phải ở vào hoàn cảnh các nhà thầu mới thấy hết cái khó khăn của họ. Cất một trường học ở vùng bất an ninh, họ phải đối đầu với đủ thứ khó khăn. Ai cũng đòi họ vài thứ quà cáp được hết. Nghĩa quân, các chức sắc địa phương, du kích cộng sản. Trên giấy tờ, mình phải có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho họ làm. Nhưng chẳng lẽ mình cử người cầm súng túc trực bên cạnh họ ngày đêm, hộ tống xe chở vật liệu cho họ! Họ phải tự xoay lấy. Xi măng chở về, làm sao từ chối không cho ông chủ tịch xã vài bao để ông ấy tráng nền nhà. Cộng sản đến đòi một ít gạo, làm sao chống? Đấy, cứ nghĩ sơ sơ đã thấy cần phải châm chước cho họ.

Trung tá Thanh nói:

- Tôi nghe nói có những nhà thầu không làm gì cả vẫn được tiếp nhận và thanh toán.

Đại tá Tỉnh trưởng xẵng giọng:

- Ai nói với anh thế? Xừ Thường phải không? Tôi nghe nói hắn tập trung một số hồ sơ để gửi về Bộ Bình định Phát triển, tố cáo tôi toa rập với các nhà thầu. Tôi thách hắn đấy! Hồi còn Bộ Xây dựng Nông thôn làm còn chưa được, huống chi bây giờ. Hắn đâu có biết nhà thầu ở Sài gòn là ai. Trung tá gặp hắn, cứ nói là tôi thách hắn gửi hồ sơ đi.

Ông Phó thấy tình trạng căng thẳng quá, vội nói:

- Chắc không đến như thế đâu, thưa Đại tá. Tuần trước tôi có nói kheo khéo về chuyện này, thấy xừ ấy cũng hiểu nhà thầu không phải là hạng không có thế lực. Tôi nghĩ nếu Trung tá thuyết phục được lũy, cho lũy thấy cái thế nó phải vậy, phải gác qua một bên điều nhỏ để cố giữ cho được ngân sách ngoại viện dành cho tỉnh, thì thế nào mọi việc cũng được giải quyết êm đẹp.

Giọng viên tỉnh trưởng vẫn còn giận:

- Hắn giỏi thì thử ngồi chỗ của tôi, xem thử ngồi đó được mấy giờ. Sáng nay tôi với Đại úy Hà mang quà lên Sư đoàn 22 ủy lạo anh em quân nhân vừa thắng trận ở Phù mỹ. Phí tổn hết 200.000. Tiền đó lấy ở đâu? Bắt dân Phù mỹ đóng góp để trả ơn những người đến cứu họ à? Bắt họ bẻ răng, lột khố ra ủy lạo à? Tôi sai Đại úy Hà điện thoại cho nhà đại bài gạo. Xong! Mất có mười phút. Dĩ nhiên sau đó ông Phó cũng phải tìm cách dễ dãi cho nhà thầu để họ lấy lại chút ít chứ. Ông Phó làm hồ sơ, nhưng tôi chịu trách nhiệm. Tôi đứng giữa không ăn cái dải gì nhưng dám chịu trách nhiệm, vì Trung ương hiểu tôi. Trung ương không tin vào ba cái đơn tố cáo vớ vẩn.

Ông Phó nói:

- Nhiều lúc phải du di mới làm được việc, Trung tá ạ! Cứ theo nguyên tắc để tới đâu hay tới đó thì quá dễ.

Viên đại tá vẫn còn cau có:

- Không hiểu sao ở các tỉnh khác mọi việc êm xuôi, mà tỉnh này gặp hết chuyện này tới chuyện khác. Vừa giải quyết êm mấy ông bên Hội đồng Tỉnh thì lại tới vụ hoàn tất tiếp nhận bình định phát triển. Tôi chịu đựng hắn hết nổi rồi. Tôi giao việc này cho Trung tá với ông Phó. Hạn chót là hai tuần nữa.

Trung tá Thanh nghiêm mặt nói:

- Xin Đại tá cho tôi chịu trách nhiệm những việc thuộc phận sự của một Tiểu khu phó. Còn việc này, ông Phó tỉnh chịu trách nhiệm chính.

Ông Phó vội nói:

- Vâng, trách nhiệm chính ở tôi. Nhưng Trung tá mới về, chưa hề quen biết xừ Thường, Trung tá giúp một tay sẽ hiệu quả lắm. Đại tá bận quá, lo không xuể.

Vẻ mặt ông tỉnh trưởng dàu dàu. Ông nhìn Trung tá Thanh, định nói gì đó, nhưng lại thôi. Ông Phó tỉnh nói:

- Tôi nghĩ thế nào trong vòng hai tuần việc đó phải xong. Thôi, mời Đại tá, mời Trung tá. Không đồ nhắm nguội mất.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx