sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 40

Ngữ được mười ngày phép để về Sài gòn cưới vợ, sau hai tháng đoạn tang cha. Để đỡ tốn kém, chỉ có bà Văn đi theo con trai vào rước dâu. Bên phía gia đình ông bà Thanh Tuyến, cũng không muốn bày vẽ nhiều chuyện lỉnh kỉnh để biểu diễn với hàng phố như hồi Quỳnh Như lấy chồng. Hai bên đồng ý chỉ làm một buổi lễ gia tiên thân mật trong vòng gia đình, và một bữa tiệc cưới khoản đãi cả bạn bè và thân nhân tại nhà hàng Đồng Khánh. Ngữ rất mừng khỏi phải chịu đựng những màn nhiêu khê thường thấy trong các vụ cưới xin của những gia đình Bắc và Huế. Chỉ có Quỳnh Trang lòng không vui. Tuy không nói ra, nhưng Quỳnh Trang cảm thấy ghen tị với em, thầm oán thầy me bất công với một đứa con lúc nào cũng phải nai lưng ra gánh vát trọng trách của gia đình.

Về Sài gòn lần này Ngữ còn có niềm vui khác: một nhà xuất bản nhỏ đồng ý xuất bản tập truyện đầu tay của chàng. Ông chủ nhà xuất bản muốn tặng quà cưới cho người bạn văn bằng cách thúc giục thợ sắp chữ, thợ in hoàn thành gấp tập truyện này cho kịp phát hành đúng ngày Ngữ lấy vợ. Thiện chí của ông giám đốc nhà xuất bản có kèm theo món tiền cà phê thuốc lá và tiền thưởng khá hậu, nên hôm Ngữ đưa mẹ vào Sài gòn, chàng đã thấy cuốn sách của mình được bày bán ở các hiệu sách Khai Trí, Nguyễn Trung. Ngữ bận bịu ký tặng sách cho bạn bè, bận bịu đi đến khắp các hiệu sách lớn nhỏ và những quầy sách dọc vỉa hè Lê Lợi để “chiêm ngưỡng” đứa con tinh thần đầu tiên, xem chuyện lấy vợ là thứ yếu. Một lý do nữa để Quỳnh Trang tủi thân.

Thành thực mà nói, vóc dáng đứa con tinh thần đầu tiên của Ngữ không có gì khôi ngô, tuấn tú. Sách in vội nên đầy lỗi chính tả. Giấy xấu. Tập truyện chỉ có 156 trang, nhà xuất bản sợ mỏng quá khó bán nên in chữ lớn như cỡ chữ mấy cuốn kinh Phật nhật tụng dành cho ông già bà cả. Bìa sách in bốn màu, nhưng chiếc máy in chuyên in sách giáo khoa hàng vạn cuốn trục mòn máy lỏng không thể canh đúng các mảng mầu nằm cạnh nhau, mảng nọ chập lên mảng kia làm nhòe các đường nét, nhìn một lúc là hoa mắt.

Ngữ chỉ nhận ra được các khuyết điểm đó mãi về sau. Lúc đó, Ngữ thấy chưa có cuốn sách nào đẹp đẽ, đồ sộ, giá trị cho bằng cuốn sách của mình. Đến các hiệu hay sạp sách, việc đầu tiên là Ngữ phải đảo mắt tìm xem cuốn sách của mình được cô chủ bày ở đâu.

Chàng bực mình thấy bọn lái sách không đủ trình độ nhận thức được tài năng của mình: sách của chàng thường bị bày ở những chỗ tối tăm, chung chạ với những thứ khó nuốt, bán ế. Không đủ can đảm giả vờ làm độc giả để hỏi tên sách của mình, hoặc hỏi thăm sách bán được không, Ngữ chỉ làm được một việc: là len lén đem đặt cuốn sách vào chỗ trang trọng hơn, dễ thấy hơn.

Ngữ cũng tốn không ít tiền cà phê để đo lường phản ứng của người đọc. Thay vì phụ với Quỳnh Trang đi lo cho đám cưới, Ngữ lấy chiếc Honda của nàng chạy đi kiếm hầu hết những bạn cũ, rủ họ đi uống cà phê tìm chuyện nói rồi chờ lúc thuận tiện nhất, làm ra vẻ ơ hờ:

- À, moa mới ra được cuốn sách. Sẵn tiện biếu toa để đọc cho biết!

hoặc:

- Moa vừa được in cho cuốn sách đầu tay. Nhà xuất bản dành cho vài chục bản biếu bạn bè. Sẵn gặp toa ở đây, gửi toa một cuốn đọc cho vui. Những người được bao cà phê lại vừa được Ngữ tặng sách dĩ nhiên đều vui vẻ nhận món quà văn chương, họ hứa sẽ “đọc cho biết”, “đọc cho vui” như lời tác giả. Đem sách phát chán khắp nơi, nôn nao chờ vài hôm, Ngữ lại lấy Honda đi rủ những bạn được tặng sách đi uống cà phê, để chờ nghe nhận xét của họ. Ngữ nghĩ người nào cũng phải thức đêm hay gác hết mọi việc đọc ngấu đọc nghiến tập truyện của mình, nên thế nào chàng cũng được nghe những lời khen chê chân thành. Ngữ lầm. Chưa ai rờ tới cuốn truyện của chàng, đôi người còn quen bẵng là đã được Ngữ tặng sách. Nhờ thế, Ngữ nhớ lại vì sao chàng về Sài gòn. Quỳnh Trang bỡ ngỡ không hiểu lý do tự nhiên Ngữ trở lại chăm chú lo chuẩn bị cho lễ cưới và tiệc cưới, không hề biết rằng nàng vừa thắng văn chương được hiệp đầu mà không phải phí sức phẩy nhẹ ngón tay.

Tuy vậy, Ngữ vẫn chưa hoàn toàn hồi chánh. Mỗi lần chở Quỳnh Trang đi đâu, Ngữ cũng tìm cách ghé lại các sạp báo để liếc qua tất cả những tờ nhật báo, tuần báo, tạp chí bày bán.

Sau khi mang sách đến các tòa báo tặng cho bạn bè, Ngữ tránh trở lại những nơi đó. Chàng muốn họ khỏi bị vướng víu vì có mặt chàng mà viết những lời điểm sách hoặc phê bình thiếu khách quan. Chàng không muốn được “đánh bóng” hay “nâng bi” để quảng cáo theo lối hàng tôm hàng cá. Quỳnh Trang thấy Ngữ đặc biệt quan tâm tới báo chí, ngạc nhiên hỏi:

- Tin tức có gì sôi động không mà lúc nào anh cũng tìm xem báo, hết tờ này tới tờ khác thế?

Ngữ đỏ mặt, chối:

- Không. Anh muốn theo dõi tình hình chiến sự ngoài tỉnh có gì lạ không!

Quỳnh Trang tin lời Ngữ, âu yếm trách:

- Anh nghĩ phép lấy vợ mà không quên được công việc à?

Ngữ nói dối một lần nữa:

- Vì ở Tiểu khu sáng nào anh cũng có thói quen đọc hết báo cáo về tình hình an ninh các nơi trong ngày hôm trước để tổng kết cho Trung tá Thanh, nên vào đây….

Quỳnh trang vội hỏi:

- À, anh đã gửi thiệp mời cho bà Thanh chưa?

- Rồi. Hôm qua. Bà ấy có vẻ thích em!

- Em cũng vậy. Bà ấy tự nhiên, không kiêu kỳ như mấy bà tá khác. Em chẳng hiểu vì sao nhà cửa bà ấy sơ sài, đạm bạc vậy. Vào nhà thấy không có cái gì đáng giá. Chỉ toàn giường bố, bàn nhôm, ghế xếp.

- Ở ngoài đó Trung tá Thanh cũng sống cần kiệm lắm. Ông ấy muốn mua một cái radio ba băng để nghe đài VOA, đài BBC mà cứ suy tính mãi.

- Làm Tiểu khu phó có cơ hội kiếm chát gì không anh?

- Anh không rõ. Cứ theo chỗ anh biết thì không có. Nhưng tay nào có máu tham nhũng thì thiếu gì cơ hội. Mà không có cơ hội thì họ tạo cơ hội, mấy hồi!

- Bà Thanh nói với em là khi nào công việc ngoài đó ổn định, bà sẽ đem các con ra ở Qui nhơn. Chỉ phiền là con gái đầu lòng đang học Gia Long, bà ấy sợ ra ngoài đó không có trường tốt. Lũ con bà Thanh có vẻ nề nếp, lễ phép. Em mong con mình sau này cũng được như vậy. Anh có nghe em nói gì không? Anh lật tìm cái gì vậy?

Ngữ bối rối đáp:

- Không. Có tìm gì đâu. Anh vẫn nghe em nói đấy chứ!

Ngữ không dám thú thực với Quỳnh Trang là mình tìm đọc những bài giới thiệu hoặc điểm cuốn sách đầu tay của mình. Quỳnh Trang thấy Ngữ lúng túng bối rối, chộp cơ hội nói nhanh:

- À, em có mời vợ chồng con Diễm dự tiệc cưới đấy!

Ngữ quên cả suy nghĩ, vội hỏi:

- Em mời Diễm làm gì?

Nói xong, Ngữ hối hận, nhìn mặt Quỳnh Trang dò xét. Quỳnh Trang mỉm cười có vẻ tự tin, và ranh mãnh hỏi lại:

- Anh không muốn mời con Diễm à?

- Không phải thế. Anh ghét cái lão Mân!

- Anh nói trớ hay lắm. Nhưng em không mời thì thầy cũng mời. Anh quên là thầy đã bỏ vốn hùn hạp làm ăn với họ à? Me cũng mời mấy bà bạn hàng cà phê và trà của me. Không mời họ sẽ trách. Em cũng muốn mời càng đông càng tốt, nếu có nhiều tiền.

- Sao thế?

- Em muốn mọi người thấy rõ rành rành từ nay về sau anh là của em. Nhất là con Diễm.

Ngữ phá lên cười để cố xua đuổi những lo âu phức tạp bắt đầu nhen nhúm qua đầu. Chàng nhìn Quỳnh Trang, và thấy khuôn mặt hồng hào của nàng sống động linh hoạt khác thường, khác hẳn khuôn mặt chàng vẫn đặt tên là “khuôn mặt Thúy Vân” trước đây.

° ° °

Người hàng phố quanh tiệm trà không hề hay biết gì về đám cưới Quỳnh Trang. Thấy một số khách khứa ăn mặc lịch sự, đàn bà mặc áo dài, đàn ông mặc đồ lớn đeo cà vạt ra vào nhà ông Thanh Tuyến, họ nghĩ đấy là một bữa tiệc thân mật trong gia đình. Ngữ ở rể nên không có cái màn xe hoa rước dâu về nhà chồng. Đó là điều kiện tiên quyết ông bà Thanh Tuyến đưa ra, khi bà Văn chính thức viết thư vào Sài gòn xin Quỳnh Trang về làm dâu nhà mình. Hai bên đều thấy không có giải pháp nào tốt đẹp hơn, kể cả hai đương sự.

Quỳnh Trang không thể vì lấy chồng mà xa cha mẹ. Ngữ cũng thấy đời lính bấp bênh của mình không đủ vững để tìm một tổ ấm cho hai vợ chồng. Giải pháp gửi rể trở nên hợp lý nhất, tốt đẹp nhất.

Nghi lễ buổi sáng hôm đó cũng đơn giản, không phức tạp bày vẽ để biểu diễn như trong đám cưới Quỳnh Như. Quỳnh Trang mặc chiếc áo cưới màu vàng nhạt do mình may lấy, nàng cũng không phí tiền đến mỹ viện để thợ lành nghề làm tóc và trang điểm cho cô dâu. Nước da Quỳnh Trang vốn đã trắng và mịn, nàng chỉ cần thoa một lớp phấn hồng lên má để che dấu vết những đêm nôn nao lo âu mất ngủ là đã có cái vẻ “cô dâu” rồi! Chưa kể vành son màu hồng Elizabeth Arden Quỳnh Trang bắt buộc phải tô để làm mỏng và thanh bớt đôi môi hơi dày. Vì thiếu ngủ, mắt nàng sâu xuống, buồn và có vẻ lạc lõng hơn thường lệ, nhưng nét buồn bất đắc dĩ trong ánh mắt lại rất hợp với nét bút chì đậm tô bên trên và bên dưới mi mắt. Ngữ quen nhìn Quỳnh Trang không phấn son, thấy người vợ sắp cưới ăn mặc trang điểm đàng hoàng từ trong phòng bước ra, rồi bẽn lẽn hỏi:

- Em tự trang điểm lấy, coi có kỳ lắm không?

Ngữ cũng phải kinh ngạc như gặp một Quỳnh Trang khác, đẹp hơn, mong manh hơn, não nùng hơn, huyền nhiệm hơn.

Phần Ngữ cảm thấy vướng víu khó chịu trong bộ đồ veste mầu xanh đen, cổ bị nghẹt thở vì cái cà vạt đỏ có chấm trắng hành hạ.

Tuy đám cưới được tổ chức đơn giản thân mật, nhưng ông bà Thanh Tuyến và bà Văn cảm động thực sự, hy vọng nhiều về cuộc hôn nhân này. Bà Văn sụt sùi khóc gọi hồn chồng về chứng giám đám cưới của trưởng nam. Tuy Nam đã cho bà một đứa cháu ngoan, nhưng đây là lần đầu tiên bà Văn được hân hạnh chính thức làm sui gia với ông bà Thanh Tuyến, lần đầu tiên thực hiện được ước nguyện dựng vợ gả chồng cho con cái sau khi đã nuôi dưỡng cho chúng lớn lên.

Phía ông bà Thanh Tuyến cũng vậy! Những điều Tường làm, những lá thư của Quỳnh Như giống như những vết thương không chịu lành, lâu lâu chợt nhớ lòng ông bà đau nhói lên, lòng thương con ngút ngàn nhưng chới với không biết phải làm gì. Quỳnh Trang lấy Ngữ, ông bà cảm thấy yên tâm. Tuy biết Ngữ không đem lại cho Quỳnh Trang được cái gì huy hoàng rực rỡ, tuy biết những dịp gặp thân bằng quyến thuộc ông bà không thể đem Ngữ ra khoe khoang về tiền tài danh vọng, nhưng cả hai ông bà đều biết Ngữ là mẫu người chồng xứng hợp nhất cho Quỳnh Trang.

Lúc hai vợ chồng mới cưới lạy bàn thờ tổ tiên, cả bà Văn lẫn bà Thanh Tuyến đều xúc động, sụt sùi khóc. Khách tham dự đang nói cười, thấy hai bà mẹ cùng khóc, cũng phải ngưng chuyện vãn. Căn phòng trở nên trang nghiêm thành kính. Hương trầm tỏa ra, ánh nến lung linh, tiếng thút thít của hai bà mẹ, những khuôn mặt nghiêm nghị chung quanh, tất cả ngoại cảnh khiến Ngữ cảm thấy như mình đã bước vào một thế giới khác linh-khiết hơn cuộc đời bao lâu nay, cảm thấy như mình vừa được giao cho một trách nhiệm quan trọng và thiêng liêng hơn những gì xưa nay vẫn làm. Liếc nhìn Quỳnh Trang chắp tay thầm khấn nguyện bên cạnh mình, Ngữ chợt tự hỏi: “Từ nay mình làm chủ người con gái hiền hậu tháo vát này sao? Quỳnh trang đã là của mình rồi sao? Mái tóc đó, đôi má đó, ánh mắt đó, đôi tay đó, tấm thân đó không thuộc một kẻ diễm phúc nào khác hơn ngoài mình hay sao?” Lòng Ngữ rộn lên hân hoan. Nếu không bị lễ nghi ràng buộc, chàng đã ôm chầm Quỳnh Trang vào lòng ngay lúc đó để bằng một cái hôn sâu, một vòng tay chặt, mở đầu thong thả rồi vồ vập cuống quít cuộc âi án mà từ lúc biết chắc Quỳnh Trang yêu mình, Ngữ vẫn hằng mơ tưởng.

° ° °

Vì nhà đơn chiếc nên sau khi đưa khách ra về, Quỳnh Trang bảo Ngữ lấy Honda chở nàng xuống nhà hàng Đồng Khánh để chuẩn bị cho buổi tiệc tối. Nhà hàng dành cho họ một phòng ăn rộng ở lầu ba, rộng đủ để chứa 120 thực khách. Trên tấm bảng nhỏ dựng ngang cầu thang gần quầy quản lý, nhà hàng có viết tên cô dâu chú rể của ba đám cưới tổ chức tối hôm đó, trên một tấm giấy bản mầu đỏ.

Chữ viết bằng viết nỉ đen, nét chữ nguệch ngoạc không thông thạo, tên của Ngữ viết thành Lê đình Ngủ, may mắn là tên của Quỳnh Trang viết đúng chính tả. Quỳnh Trang cười ngặt nghẽo, bảo nhà hàng chữa lại, rồi nói với chồng:

- Anh được nhà hàng Đồng Khánh đặt đúng tên rồi đấy, thấy không? Từ nay anh không phải nói gì cả, chỉ lo ngủ.

Ngữ cười:

- Nếu được thế là hạnh phúc lắm! Có em bên cạnh, nói gì cũng bằng thừa. Chỉ lo…

Quỳnh Trang biết Ngữ sắp nói tiếu lâm, ngăn lại:

- Thôi thôi! Anh khỏi cần nói em cũng biết.

Rồi nàng nói sang chuyện khác, mặt đỏ rần:

- Anh lên phụ với em xem qua họ dọn bàn ra sao.

Ngữ cảm thấy hơi mệt, nói:

- Em lo chuyện không đáng lo. Họ lấy hết tiền của biết bao nhiêu cặp vợ chồng mới cưới, đã lão luyện trong chuyện này rồi, lo thêm làm chi! Đi tìm cái gì uống với anh đi!

Quỳnh Trang thấy Ngữ nói có lý, theo Ngữ qua tiệm nước bên kia đường. Ngay trước mặt quán, người Tàu già đặt một cỗ xe bán những thứ nước giải khát nấu từ các loại dược thảo giải nhiệt, mỗi ly nước một màu khác nhau. Nồi nước sôi trên xe bốc hơi, tỏa ra một mùi thơm ngọt. Quỳnh Trang thường đi lại giao hàng ở Chợ lớn nên thành thạo kêu hai ly nước giải nhiệt nấu từ mía lau và thuốc bắc.

Chiếc quạt trần cũ kỹ trên trần quán không xua nổi hết hơi nóng hâm hấp từ lò than tỏa ra, chiếc áo dài Quỳnh Trang mới thay đẫm mồ hôi dán lên cả da thịt. Thấy Ngữ chăm chăm nhìn mình, Quỳnh Trang ngượng, trách nhẹ:

- Anh xấu lắm!

Ngữ bị bắt quả tang, đổ bựa hỏi lại:

- Anh làm cái gì mà xấu.

Quỳnh Trang cười:

- Làm cái gì thì anh tự biết lấy.

Rồi Quỳnh Trang đổi giọng nghiêm chỉnh, mắt sáng lên nhìn Ngữ:

- Em thích có con gái đầu lòng để chưng diện quần áo cho nó, chải tóc cho nó. Con gái em sẽ thật mũm mĩm, má thơm mùi sữa. Chỉ nghĩ tới đã thấy thích rồi!

Ngữ nói:

- Làm sao em có con được, nếu…

- Thôi, không nói chuyện với anh nữa. Nói cái gì anh cũng bắt qua chuyện đó! Mấy giờ rồi anh? Thôi, mình qua xem họ bày biện ra sao, rồi em với anh phải thay đồ đón khách. Chú ơi! Cho tôi trả tiền.

Ngữ thấy dấu hiệu đầu tiên của tình vợ chồng. Những lần trước đi ăn uống với Quỳnh Trang, lúc nào Ngữ cũng giành phần trả tiền và Quỳnh Trang tìm cách nhìn đi chỗ khác khi Ngữ mở ví.

° ° °

Vì bà Thanh Tuyến tự nguyện nhận thanh toán chi phí của buổi tiệc cưới (Ngữ đoán chính Quỳnh Trang đề nghị với mẹ điều này), nên Ngữ giữ ý không hỏi nhà gái đã mời những ai, đến nỗi số phần ăn đặt cho nhà hàng chuẩn bị lên đến 120. Bên phía nhà trai, Ngữ chỉ mời những bạn nhà văn, nhà báo chàng quen ở Sài gòn, tổng số không đến 20 người. Chàng đoán số 100 khách còn lại là những bạn buôn bán của bà Thanh Tuyến và Quỳnh Trang.

Ngữ không ngờ khách được mời dự tiệc cưới đa phần là những bạn mới của ông Thanh Tuyến, không phải bạn già! Họ đều trẻ, ăn mặc theo mốt mới nhất, tóc tai để dài. Đàn ông bụi đời, còn phụ nữ đều đẹp, trang điểm như là trang điểm để lên sân khấu. Vâng, họ đều là nghệ sĩ trình diễn: Các ca sĩ, nhạc sĩ Ngữ từng nghe danh họ nhưng chưa từng gặp ngoài đời, tuy khuôn mặt họ được in trên khắp báo và bìa băng nhạc.

Ông Thanh Tuyến bắt đầu xông vào ngành kinh doanh băng nhạc, và với óc tổ chức kinh doanh của ông, ông nhanh chóng làm quen và giao tiếp thân mật giới ca nhạc. Đám cưới Quỳnh Trang là cơ hội tốt để ông được giới ca nhạc xem là người nhà.

Lúc Ngữ và Quỳnh Trang trở lại nhà hàng Đồng Khánh, hai người đã thấy ông Thanh Tuyến đến đó rồi. Ông diện một bộ “com-lê” cắt khéo, áo sơ mi trắng tinh, cà vạt xanh có sọc chéo đỏ, túi đeo một cái hoa vải nhỏ mầu trắng. Tuy bước đi của ông hơi khập khiểng, nhưng bù lại, ông bước chậm, lưng thẳng, nên tạo được cái vẻ chững chạc tự tín, giống như một ông anh nghiêm túc sẵn lòng thông cảm cho đám em út trẻ tuổi sống buông thả nghệ sĩ.

Chính ông Thanh Tuyến bảo nhà hàng xếp bàn tiệc theo ba khóm chính: một cho giới nghệ sĩ, một cho giới viết lách bạn bè của Ngữ, và một cho “các cụ các bác”. Ông trân trọng xếp vợ vào khóm cuối cùng, còn mình thì thong dong chạy quanh lo cho các cô các cậu văn nghệ sĩ. Nhờ ông, tiệc cưới được một ban nhạc trẻ (đang được ái mộ từng thu hút được cả vạn thính giả ở sân vân động Hoa Lư mấy tháng trước) đến giúp vui. Ông Thanh Tuyến rất hãnh diện về thành tích này, nên ông đến sớm cả tiếng đồng hồ để xem cách trang hoàng, bắt dây điện, kiểm soát hệ thống loa, hệ thống đèn trên cái sân khấu nhỏ. Sau khi đã yên tâm, ông mới xuống chỗ đầu cầu thang đứng bên Ngữ và con gái để đón khách.

Lãng cũng đến sớm để có thì giờ nói chuyện với mẹ và anh. Bà Văn thấy cậu con út đi chung với một đám bạn lính ăn mặc cẩu thả như vừa từ mặt trận về, tỏ ra không bằng lòng. Lãng xếp đặt chỗ ngồi cho mấy người bạn, rồi đến ngồi bên mẹ. Bà Văn trách:

- Sao lâu nay con không thư từ gì về cho má hết cả? Nếu không có con Trang lâu lâu viết thư cho biết con có ghé lại chơi, má không biết con sống chết thế nào nữa; Ba mày mất đi, má…

Bà Văn không nói tiếp hết câu, cổ nghẹn lại vì nhớ tới chồng. Lãng cầm tay mẹ, vỗ nhẹ lên lưng bàn tay bà Văn an ủi:

- Má đừng lo cho con. Con lớn rồi mà! Con đi trận hoài, bạn bè dần dần đứa chết đứa tàn phế, nhưng con không việc gì cả. Đạn tránh con mà má! Nhiều lúc con tin chắc là ba theo phù hộ che đạn cho con. Mới tuần trước đây…

Bà Văn lo âu hỏi:

- Sao? Con gặp chuyện gì vậy?

- Tụi con bị phục kích. Tiểu đội con đang đi, con vấp một cái rễ cây, vừa ngã xuống thì tụi nó khai hỏa. Mấy thằng đi bên con đều vướng đạn cả.

- Có ai chết không?

- Có chứ má! Má thấy không, ba luôn luôn đi theo con để che chở cho con. Trước đây con không tin, nhưng sau nhiều lần thoát nạn trong sợi tơ kẽ tóc, con tin.

Bà Văn lấy tờ giấy lau dưới cái ly chặm nước mắt, giọng run run:

- Ừ, lúc còn sống ba con chỉ lo ngại cái tính bốc đồng cẩu thả của con thôi. Có cách nào xin đổi về chỗ bớt nguy hiểm hơn không?

Lãng hứa cho qua:

- Dạ, con cũng đang tìm cách.

Rồi không muốn mẹ tiếp tục nói về mình, Lãng cười hỏi bà Văn:

- Má có biết ai làm ông mai để có đám cưới hôm nay không?

- Ai thế?

- Con chứ ai!

Bà Văn bật cười:

- Mày làm ông mai thì chỉ có hư, làm sao nên!

- Con nói thật đó! Mỗi lần đến nhà bác Thanh Tuyến chơi, con cứ gọi chị Trang là chị dâu. Có lẽ bị gọi riết, chị ấy đâm ra thương anh Ngữ. Má không tin hỏi chị Trang thì biết!

Bà Thanh Tuyến dẫn tới giới thiệu với bà Văn hai người bạn buôn trà của bà. Thấy mẹ phải tiếp khách, Lãng lặng lẽ tìm cách rút lui, trở về chỗ bàn các bạn đang ngồi.

° ° °

Tuy đã dọn lòng từ trước, Ngữ vẫn không thể giữ được bình tĩnh khi thấy Diễm và Mân bước lên khỏi thang lầu. Quỳnh Trang không hề thêm thắt điều gì khi kể cho Ngữ nghe là Diễm đã thay đổi. Ngữ ngỡ ngàng không nhận ra cô Diễm ngày xưa nữa. Nàng hơi mập ra, chiếc áo dài xanh gấm Thượng hải tuy cắt khéo và thướt tha, nhưng không thể che bớt vòng eo không còn thon, và đôi vai đầy của Diễm. Chuỗi hạt trai Diễm đeo trên cổ làm cho Ngữ nhận ra thêm một cần cổ không còn là ngó sen. Đầu tóc Diễm được bới cao, hai mảng tóc mai được chải ngược lên đỉnh đầu, kết dính với con bướm xòe cánh lấp loáng óng ánh những hạt kim cương giả. Mầu da hồng quân của Diễm rất thích hợp với mầu son hồng pha ngân nhũ và đôi mắt kẻ đậm bút chì đen. Ngữ nuối tiếc tà áo tím nách xẻ quá eo mỗi lần gió sông Hương thổi nhẹ để lộ một mảng da thịt ngây thơ hai bên hông cô nữ sinh Đồng Khánh thời xưa!

Biết Quỳnh Trang kín đáo theo dõi mình, Ngữ cố làm ra vẻ tự nhiên bước tới bắt tay Mân, rồi quay sang Diễm nói:

- Tôi tưởng Diễm và anh Mân bận việc không tới chia vui với tôi và Trang được. Diễm vẫn khỏe?

Diễm đáp giọng tự nhiên:

- Làm sao tụi em không tới được! Không tới thì chị Trang từ em mất! Tụi em đến hơi trễ vì còn phải ghé lấy quà cưới đặt làm.

Vừa nói Diễm vừa liếc về cái hộp quà nhỏ Mân cầm ở tay trái. Diễm quay về phía Trang, cười vui vẻ và khen:

- Hôm nay chị Trang của em đẹp quá! Anh Ngữ thật tốt phúc! Đám cưới cũng lớn nữa. Em nghe bác trai bảo giới nghệ sĩ chiều nay không thiếu mặt ai cả. Hai bác tới chưa chị?

Quỳnh Trang bực dọc vì giọng khách sáo của Diễm, nghiêm mặt đáp:

- Tới rồi. Diễm và anh Mân vào đi!

Mân cố nói với Ngữ một câu cho phải phép:

- Lâu quá không gặp anh. Xin phép anh tụi này vào trước để anh chị tiếp khách.

Rồi Mân quàng vai Diễm bước vào phòng tiệc.

Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ông Thanh Tuyến vồn vã giới thiệu các khách quí của ông với con gái và chàng rể, khẻo léo kèm theo thành tích văn nghệ độc đáo nhất của khách, làm cho ai nấy đều vui sướng cảm ơn “bố” rối rít. Ngữ được biết giới ca nhạc trẻ ở Sài gòn bắt đầu thân ái gọi ông Thanh Tuyến là “bố”. Cũng qua giới thiệu của “bố”, Ngữ lần lượt được bắt tay đủ các nghệ sĩ tiếng tăm: từ “nữ hoàng của tình ca”, “ngưới mở đường của âm thanh mới”, “dân ca chi bảo”, “sóng thần của tuổi trẻ”, cho tới “những ngón tay phù thủy trên phím dương cầm”, “tiếng hát Liêu trai của thời đại”, “Sonny and Cher Đông phương”, “thần đồng với cây vĩ cầm bằng vàng”… Sau mỗi lời giới thiệu, ông Thanh Tuyến đứng nghiêm một lúc, rồi khẽ cúi người xuống, dùng bàn tay phải chậm chạp đưa tay mời khách bước vào phòng tiệc y như điệu bộ các hoạt náo viên sân khấu giới thiệu ca sĩ rồi kiểu cách nhường micro lại cho ca sĩ trình diễn. Ngữ băn khoăn không tìm ra được mối liên hệ nào giữa một ông Thanh Tuyến nằm ủ dột một chỗ lặng lẽ gặm nhắm những ân hận của đời mình, vói ông Thanh Tuyến hôm nay. Quỳnh Trang hơi ngượng trước kiểu cách của cha, đứng nghiêm trang một chỗ chỉ khẽ gật đầu cảm tạ khách, chứ không nói gì. Như không thể một mình chịu đựng nỗi chới với, nàng đứng sát cạnh Ngữ, tay trái nắm chặt tay phải của Ngữ.

Lúc khách khứa đã đến đủ, theo cha trở lại phòng tiệc để bắt đầu tiệc cưới, nàng nói nhỏ với Ngữ:

- Tự nhiên hôm nay thầy lạ quá! Chắc tại thầy vui vì em.

Trong giọng nói, Ngữ thấy Quỳnh Trang không tin mấy ở cách giải thích của mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx