sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 45

Ngữ đọc những lá thư Quỳnh Như gửi cho chị trước:

Berkeley ngày…

Chị,

Chiều nay đi học về thì Lucy đưa cái thư dày của chị cho em, cằn nhằn về chuyện chị gửi thư bảo đảm nên lão phát thư hành hạ bà cụ đủ chuyện thủ tục mới cho nhận. Ôi chao! Em giật mình đọc lại thấy mình gọi bà mẹ chồng là Lucy trống trơn. Em quen miệng rồi. Bên này già trẻ lớn bé gọi nhau bằng tên trống trơn, không thưa bẩm gì cả. Em mới qua còn ngượng ngùng, cứ nghĩ gọi như vậy với người cao tuổi hơn là hỗn. Sau quen với phong tục, thấy bình thường. Chị đừng nghĩ em vô phép!

Mấy cái ảnh chụp đám cưới của chị đẹp lắm. Chị mặc áo cô dâu đẹp nhất đời, em nói thật đấy, không nịnh chị để xin tiền như hồi nhỏ đâu! Còn anh Ngữ thì, chao ơi! sao giống Lữ Liên trong ban AVT quá! Chỉ thiếu cây đờn bầu hay là cái kèn thổi đám ma.Em quen mắt nhìn anh Ngữ mặc đồ lính, tự nhiên thấy anh ấy bỏ “chiến y” làm ca sĩ AVT, em nhịn cười không được. Dale mặc áo dài chú rể trống ngộ hơn nhiều! Em nhìn kỹ mặt anh Ngữ trong ảnh, thấy anh Ngữ sượng trân! Như vậy là tốt. Vì sao chị biết không? Vì nếu ảnh ăn ảnh hay khoái chí trong vai chú rể, thì cứ muốn làm chú rể hoài. Như bên này, ly dị như là thay áo. Em ớn quá!Em lại phải vào trường học tiếp lớp Comparative Literature. Cuối tuần nếu rảnh, em sẽ viết lá thư dài hơn cho chị.

Chị Trang

Em buồn quá chị Trang ơi! Nếu có chị ở đây, em đã bắt chị ngồi nghe con nhỏ Như nó kể lể đủ thứ chuyện đầu cua tai nheo, vì chỉ có chị là đủ kiên nhẫn mà thôi. Nhớ lại hồi trước, em cứ ỷ có chị nên khỏi lo gì cả. Bây giờ qua đây, những lúc buồn bực, cô độc hay chới với, lại thấy nhớ chị da diết.

Em không hiểu tình vợ chồng giữa em với Dale ra sao nữa! Liệu tụi em có thể sống với nhau lâu không, hay lại như những cặp vợ chồng Mỹ khác. Em nói ngay để chị và thầy me khỏi lo là không hề có điều ghê gớm hay bi thảm xảy ra giữa em và Dale. Dale vẫn là một người chồng gương mẫu, biết lo lắng cho em và bà cụ. Dale chăm chỉ tháo vát, mới về chỉ làm công giúp cho em rể lấy lương tháng, nhưng nay đã mở một tiệm plumbing riêng, không giàu có gì nhưng đủ sống ở San Jose. Dale bận suốt tuần, hai ngày cuối tuần lại bận hơn những ngày trong tuần vì chờ đến ngày nghỉ khách hàng mới ở nhà để lo dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa. Dale lái xe về đây thăm em vào thứ hai, sáng thứ ba lại xuống San Jose. Thứ hai em lại bận học, nên hai vợ chồng ít có cơ hội sống trọn cho nhau. Nói cho đúng cũng nhờ Dale mở tiệm riêng thu nhập khá hơn mà em có thể ra thuê phòng ở riêng từ dạo tháng Hai. Chị viết thư cho em, từ nay gửi theo địa chỉ mới em viết ngoài phong bì. Nhớ chép đúng số phòng trong chung cư, là 112. Số 1 chị chỉ gạch một cái, chứ đừng có cái móc nhỏ ở đầu, bên này nhân viên bưu điện làm ra số 7. Em viết tới đâu rồi? À lang bang qua chuyện thuê nhà, em quên mất ý ban đầu khiến em lấy giấy viết thư tâm sự với chị. Em lo không phải vì Dale mê người phụ nữ Mỹ nào khác, hoặc lơ là với em. Cũng không phải vì Lucy (lại quên), vì bà cụ ghen với em làm cho Dale khó xử. Em chỉ lo là vì Dale sống như con cá mắc cạn ở đây, ngay trên quê hương của anh ấy. Em có cảm tưởng không phải Dale yêu em, mê em, mà Dale yêu Việt nam. Dale yêu những ngày tháng anh ấy sống ở Việt nam, cho đó là thời kỳ cuộc sống nội tâm của anh ấy phong phú nhất, anh học hỏi được nhiều nhất, thấy cuộc đời có ý nghĩa nhất, thấy mình có ích cho những người chung quanh nhiều nhất. Anh ấy gọi đó là những ngày tự tín (em dịch chữ anh ấy dùng: self-confident days). Về đây, Dale hụt hẫng vì thấy có anh hay không có anh, các đồng hương của anh vẫn vậy thôi. Chữa một ống nước nóng bị nghẹt trong phòng tắm, không có Dale thì đã có vô số những John, những Jack, những Chuck, những David. Chỉ cần mở niên giám điện thoại ra, lật mục plumbing và quay bảy con số. Nét mặt Dale thường không vui, như sống một cách bất đắc dĩ. Chắc anh ấy đã khám phá ra rằng em không thể thay thế được Việt nam. Cứ nhìn cách anh ấy sưu tầm tất cả những cột báo tranh ảnh liên quan tới Việt nam thì rõ! Em lo lắm.

Sống đơn độc ở đây, em chỉ còn hai thú vui (có thể gọi là thú vui được không?) là: mỗi tối đúng giờ prime time (là giờ có đông khán giả bật truyền hình nhất) đau xót nhìn cảnh nhà cháy đạn nổ quay từ chiến trường Việt nam, và tình yêu Dale. Xem nửa giờ tin tức Việt nam trên TV chỉ thấy lòng nhói đau. Còn Dale thì dường như đang hối tiếc đã bỏ Việt nam về đây! Em lo âu lẩn thẩn quá không hở chị?

Chị,

Lại gặp chuyện bực mình ở trường. Chị có biết đại học Berkeley là ổ phản chiến hay không? Trời đất xui khiến thế nào mà tới khi em không còn ham chuyện xuống đường hò hét nữa, lại chui đúng vào cái trường suốt tuần biểu tình với lại hội thảo!

Em đã bảo với họ em là người Tầu để yên thân rồi, nhưng mấy cậu ấm sinh viên Việt nam học ở đây cuối cùng cũng điều tra ra gốc tích em, thế mới khổ. Các cậu ấm cô chiêu con quan lớn ở Sài gòn học tại Berkeley không nhiều, nhưng họ tham gia biểu tình chửi cha chửi chú làm lớn ở Sài gòn hăng lắm. Họ có mời em đi thăm bản doanh của họ. Em tưởng là vào một tòa lãnh sự của chính quyền Hà nội. Hình Hồ chí Minh chụp đủ kiểu treo la liệt: Bác Hồ xăn quần cấy lúa với nông dân, Bác Hồ với các cháu thiếu nhi cổ thắt khăn quàng đỏ, bác Hồ đọc báo Nhân Dân, bác Hồ cưỡi ngựa ở chiến khu Việt Bắc, bác Hồ phát biểu ý kiến ở hội nghị đảng cộng sản Pháp tại Toulouse… Ngay tường đối diện cửa vào phòng là một tấm bích chương lớn vẽ một du kích cộng sản đang hô xung phong, khẩu AK cầm ở tay phải giơ lên cao. Hàng chữ in đọc hai bên người du kích là VIET NAM FOR THE VIET NAM.

Ngay dưới tấm bích chương đó là mấy tấm ảnh thời sự Miền Nam: ảnh chụp tướng Loan đang chĩa súng lục vào đầu một Việt cộng trong trận Mậu Thân, ảnh chụp hầm xác Mỹ lai, ảnh chụp bà Kỳ đang mặc bộ quần áo mốt mới nhất ở Paris. Không có ảnh hầm xác trận Mậu Thân Huế!!

Em lên Tòa Lãnh sự Việt nam Cộng hòa ở San Francisco hỏi các nhân viên lãnh sự xem họ làm gì được để các sinh viên đại học có cái nhìn đúng hơn về Việt nam. Họ khó chịu tưởng em muốn gây chuyện. Họ bảo cái thời nó như thế, không làm gì được. Em sợ càng học ở đây lâu càng dễ bị cuốn vào dòng, hoặc nếu không thì bị tẩy chay, cô lập. Vài sinh viên Mỹ biết em là người Việt nam đã hỏi: Tụi tao bỏ học tranh đấu cho dân tộc mày, còn mày là người Việt nam tại sao mày không làm gì cả? Em chỉ còn biết Sorry, và bỏ đi!

Một lá thư Quỳnh Như viết từ lúc mới qua Mỹ, Ngữ đọc sau cùng.

Chị Quỳnh Trang thân yêu của em,

Em choáng ngợp vì đời sống mới, nhiều cái lạ quá không biết phải kể gì với chị đây. Có nhiều điều bất ngờ. Trước hết là bà cụ thân mẫu anh Dale. Qua đây em mới biết tình cảnh thực của bà cụ. Em không thất vọng vì gia cảnh anh Dale, ngược lại, càng thương bà cụ hơn lên. Em nguyện sẽ thay Dale săn sóc hết lòng cho bà cụ an hưởng tuổi già. Em nguyện làm con gái đúng nghĩa của bà cụ. Dale đi làm, em vừa đi học vừa chăm sóc cho bà cụ. Vài năm nữa, em ra trường tìm việc làm vững sẽ tìm mua một căn nhà để rước bà cụ về ở chung, lợi tức vững thì Dale lại đi học để lấy cho xong cái Ph.D. Chị và thầy me hãy mừng cho em. À, có chuyện này cũng vui đáo để! Em qua đây, bà cụ không có cách nào gọi tên em được. Người Mỹ họ không quen phát âm vần “nhờ”, nên mỗi lần nói tên em, bà cụ cứ gọi thành NU hay là NIU. Cuối cùng Dale đề nghị bà cụ gọi em theo tên lót, QUỲNH cho dễ. Dĩ nhiên, không thể gọi đúng là QUỲNH như chị với em phát âm được. Người Mỹ sẽ gọi tên em như họ đọc chữ QUEEN. Chưa đủ! Dale nảy sáng kiến, hỏi tại sao không lấy tên một loài hoa ở đây, hoa Quince, để đặt cho em. Em có tên mới rồi: Quince, vui không chị?

Quỳnh Trang không chờ được nữa, bảo Ngữ mở lá thư còn dán kín. Ngữ nghĩ có lẽ vì phép lịch sự Tây phương Quỳnh Như gởi thư riêng thăm Ngữ chứ không có gì cần giấu nên lấy kéo cắt mép thư, cùng vợ đọc:

Anh Ngữ,

Lâu nay viết thư cho chị Trang, đến cuối thư, thỉnh thoảng em có ghé vào một câu “Cho em gửi lời thăm anh Ngữ”, em đoán chị Trang biết em chỉ viết cho phải phép vậy thôi, chắc không “gửi lời” giùm em đâu. Nay thì em quyết định dành “biệt đãi” cho anh. Em không gửi cho chị Trang, em gửi thư cho anh, và cuối thư, em sẽ viết: “Cho em gửi lời thăm chị Trang”. Thế nào hoặc chị Trang cũng xem thư này trước, hoặc anh đưa thư này cho chị Trang đọc sau khi anh đọc xong. Em tưởng tượng chị Trang mắng yêu: “Cái con này, nay lại trở chứng tinh nghịch cũ”, là em khoái rồi!

Thực ra em cũng thích viết thư cho anh, nhưng viết thư cho anh khó quá. Viết cho chị Trang dễ, muốn viết gì thì viết không sợ bắt bẻ. Viết cho anh, cho một người quen viết lách, em lại sợ bị đem ra chấm điểm. Thôi, anh đã chấm điểm thì em viết như làm luận cho anh chấm điểm. Thưa thầy-kiêm-anh-rể-quí, em nộp mấy bài luận đây:

Văn tả cảnh

Căn chung cư em thuê chung với một cô bạn người Nhật thuộc loại rẻ tiền ở một khu phố nghèo của Berkeley, người thuê đa số là sinh viên nên thật giống với một cư xá sinh viên ở bên mình. Căn phòng trơ trọi chỉ đủ kê giường và hai cái bàn học trong phòng ngủ, còn phòng khách nhỏ ăn thông với bếp cũng chỉ vừa đủ để bày bộ sofa và đặt cái tivi. Nhưng em thích căn phòng này, vì bên kia cửa sổ, dưới tầm mắt nhìn từ lầu hai là vịnh San Francisco mênh mông. Mùa này toàn khu vực Bay Area không có nắng, bầu trời âm u ảm đạm, nhiều hôm sương mù phủ lấp cả vịnh, mầu nước và mầu mây tiếp nối, làm em nhớ tới một câu thơ cổ mà dân học Anh văn như em có quyền không cần biết là của ai:

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc…

Nước mùa thu! Phải rồi, đã vào mùa thu rồi! Nhưng muốn ngắm lá thu vàng rơi làm thảm dưới gót chân bước thì em phải lái xe đi quá xa, nên em chỉ có thể ngồi đây mà ngắm mầu nước liệp với mầu mây. Nước trời mênh mông, em chơi vơi ở giữa và buồn não nùng!

Chuyển qua tả tình

Qua đây mấy năm, em được Dale chở đi xem nhiều nơi. Nói cho đúng ra, chưa đi đâu được xa ngoài vùng vịnh San Francisco, nhưng chỉ loanh quanh đây đã có quá nhiều kỳ quan, thắng cảnh. Ngay bên kia cửa sổ đã là một thắng cảnh. Rồi cầu Golden Gate, rồi công viên Redwood, công viên Yosemite. Đâu đâu cũng hùng vĩ đẹp đẽ, nhưng sao em thấy dửng dưng. Dale say sưa và hãnh diện khoe quê hương thân yêu của anh ấy bao nhiêu, thì em lại càng thấy mình khác thường bấy nhiêu. Em tự hỏi: có phải mình đã chán chường với mọi sự trước mắt không? Cuộc đời em đâu có gian nan cay đắng gì, em chỉ gặp toàn may mắn, đã đến nỗi gì mà dửng dưng? Anh biết không, phải thật lâu về sau em mới tìm ra lời đáp. Một hôm Dale chở em xuống Los Angeles chơi, thăm Disneyland, thăm phim trường Universal, thăm phố Hollywood, thăm khu gia cư các đại tài tử Beverly Hills, cuối cùng lái xe lăng quăng lạc đường thế nào lại đến khu công viên bảo tồn thảo mộc San Marino. Em chán cảnh ngồi xe tù túng hàng giờ nên đòi Dale cho vào công viên nghỉ mát. Ở khu thảo mộc nhiệt đới, em vui mừng tìm ra… tìm ra cái gì anh biết không? Tìm ra được một cây mai khẳng khiu chỉ còn một vài khóm lá nõn bám vào thân ốm và nâu, không có hoa (mùa này mai đâu đã ra hoa!). Cành mai vô danh (vì hầu hết những cây trồng chung quanh đều có bảng đề tên đầy đủ, cả tiếng Mỹ lẫn tiếng La tinh khoa học), mọc khép nép ở một góc vườn, nhưng sao em thấy đẹp quá. Em mừng rỡ reo lên, làm cho Dale ngạc nhiên. Em say sưa vuốt ve, chiêm ngưỡng “Mai” (nhớ là em viết hoa chữ Mai nhé!). Em chợt nhớ lại những thắc mắc lâu nay, và hiểu rằng hồn của cái đẹp không phải ở chính cái đẹp, mà ở khả năng nối kết người thưởng ngoạn vào cuộc đời của cái đẹp. Ý tưởng này có vẻ cao siêu nhưng cũ xì, nhiều người đã nói rồi. Cũ người nhưng mới ta. Như cây mai thân yêu của em đã cũ ở San Marino từ bao năm trước. Nhưng nó chỉ bắt đầu hạnh phúc khi gặp em. Phải không?

Chuyển qua văn thuật sự

Như em đã viết ở đầu thư, em ở chung phòng với một cô sinh viên người Nhật, không phải là sinh viên du học. Cô này sinh tại Mỹ, cha mẹ giàu có hiện đang ở thành phố Stockton, tiền bạc vứt đi không hết vì làm đại diện thương mại cho công ty Sony. Con nhà giàu Michiko khoái văn chương nghệ thuật nên lên đây học để lấy M.A môn Văn chương đối chiếu (em dịch như thế không biết có chỉnh không). Em biết anh sẽ hỏi tại sao con nhà giàu lại đi thuê phòng rẻ tiền. Ở Mỹ con cái lớn lên thường tỏ sự độc lập trưởng thành của mình bằng cách ra ở riêng và tự lo lấy việc mưu sinh, cần lắm mới nhờ cha mẹ giúp đỡ. Em thường đùa bảo với Michiko đó là một căn bệnh trưởng giả, như là chán ở lâu đài dinh thự cùng nhau vác lều ra ngủ ở bìa rừng cho muỗi đốt. Michiko tính hiền hậu ít nói (giống tính chị Trang của em lắm), bị em chọc ghẹo, chỉ cười.

Một hôm em đem chuyện cây mai ra kể cho Michiko nghe. Michiko bảo em được may mắn hơn cô nàng. Em ngạc nhiên lắm, hỏi tại sao. Michiko kể hè năm ngoái, cô có cùng với đứa em trai kế về Nhật để thăm gia đình giòng họ. Trước khi đi, Michiko háo hức nôn nao cả tháng, tưởng tượng cảnh được thân nhân họ hàng dang tay chờ đón niềm nở, tưởng tượng cảm giác bồi hồi thiêng liêng khi đặt chân lên đất tổ. Anh Ngữ biết không, Michiko hoàn toàn thất vọng. Họ hàng xem Michiko như những người lạ, như một du khách. Mà ngay Michiko cũng không cảm thấy bồi hồi xúc động trước các di tích thắng cảnh của quê hương cha ông. Cái khổ của Michiko ở đó! Michiko trở thành một người quốc tế, không có quê hương nào cả! Chỉ có những chỗ tạm trú, như căn phòng hẹp Michiko đang ở chung với em.

Kết luận:

Thôi thư đã dài. Anh chấm ba bài luận ngắn giùm em, và nếu có hứng viết thư cho em biết em được mấy điểm. Cho em gửi lời thăm chị Trang.

Thân mến

Quỳnh Như

(à quên Quince Như)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx