sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 46

Ngày 30-3-1972, Bắc Việt phát động một cuộc tổng tấn công qui mô ở vĩ tuyến 17 phân chia hai miền Nam Bắc, huy động một lực lượng chiến xa Nga lên đến 500 chiếc, cùng quân số của mười hai sư đoàn gồm tớí 150.000 quân chính qui Bắc Việt. Cộng với nhiều nghìn du kích địa phương ở bắc vĩ tuyến, Bắc Việt bắt đầu xua quân qua ranh giới hai miền xâm chiếm Quảng Trị.

Những người am tường thời cuộc nhận ra ngay mục tiêu chính của cuộc tổng tấn công này là mục tiêu chính trị, nhằm đạt cho được lợi thế cao nhất tại hoà đàm Paris. Theo John S. Bowman trong The Vietnam War, Hà Nội quyết định thí quân không tiếc đến sinh mạng dân Việt là để:

1. Chứng tỏ cho các nước cộng sản khác và cho dân Việt Nam thấy quyết tâm của Hà Nội.

2. Tăng cường thêm sinh lực cho phòng trào phản chiến tại Mỹ và nhờ thế hy vọng Nixon sẽ thất cử trong nhiệm kỳ 2

3. Chứng tỏ kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon đã thất bại.

4. Làm tổn hại đến sức mạnh phe quân đội Việt nam Cộng hòa và sự ổn định của chế độ Nguyễn văn Thiệu.

5. Lấn chiếm được càng nhiều lãnh thổ càng tốt trước khi có thể có một hiệp ước đình chiến.

6. Đẩy mạnh thêm các cuộc thương lượng theo đúng các điều kiện do Hà nội muốn.

Đợt tấn công này, do “ngẫu nhiên” trớ trêu của lịch sử, lại diễn ra đúng vào lúc cả Đại sứ Ellsworth Bunker và Đại tướng Creighton Abrams về Mỹ nghỉ phép. Giống như hồi Tết Mậu Thân, trước cuộc tổng tấn công mới của Bắc Việt, phản ứng của quân đội Mỹ lẫn Việt nam Cộng hòa có vẻ thụ động, rời rạc, ơ hờ. “Mùa hè đỏ lửa” lần lượt thiêu hủy, tàn phá hết nơi này tới nơi khác. Đông hà 3-4. Căn cứ hỏa lực Anne, Cửa Việt bị bỏ ngỏ 4-4. Tỉnh lỵ Quảng trị trở thành phố hoang khi dân chúng sợ hãi kéo nhau chạy về phía Nam, làm mồi cho những họng súng tàn nhẫn chờ sẵn của du kích cộng sản trên đại lộ kinh hoàng.

Ở cao nguyên, quân Bắc Việt được rút từ mặt trận Lào và Kampuchia về để mở cuộc tấn công cắt đứt liên lạc giữa Pleiku và Kontum, cô lập Kontum tạo ra một đại lộ kinh hoàng khác đầy máu và nước mắt trên quốc lộ nhỏ nối liền hai tỉnh lỵ miền núi.

Sâu về phía Nam, Cộng quân chiếm Lộc ninh, một quận lỵ thuộc tỉnh Bình long, kiểm soát hầu hết phần phía Bắc của tỉnh này.

Nhờ thời tiết tốt mùa hè, Mỹ phản ứng bằng cách tăng cường các cuộc không tập lên miền Bắc. Ngày 10-4-72, tổng thống Mỹ ra lệnh cho B-52 tái oanh tạc miền Bắc lần đầu tiên kể từ khi Johnson ra lệnh B-52 tạm ngưng hoạt động trên không phận Bắc Việt năm 1967. Mục tiêu oanh tạc là các căn cứ hỏa tiễn ở vùng phụ cận Vinh. Một tuần sau, B-52 bay sâu về mạn Bắc, oanh tạc những khu tiếp liệu quanh Hà nội, Hải phòng.

Áp lực địch gia tăng đều trong tháng Tư nắng cháy. Các mục tiêu bị tấn công lần lượt lọt vào tay quân Bắc Việt. Đông hà 27-4. Một ngày sau tới phiên căn cứ hỏa lực Bastogne trấn ngữ Huế!

Hãi hùng trước những kỷ niệm Mậu Thân, dân Huế ùn ùn kéo nhau lánh nạn cùng với dân Quảng trị. Đoạn đường quốc lộ 1 từ Huế vào Đà nẵng tràn ngập xe cộ đủ loại chở của cải tài sản và người tản cư về một quân cảng an toàn hơn về phía nam đèo Hải vân. Tỉnh lỵ Quảng trị thất thủ ngày 1-5, một ngày sau khi Kontum lâm nguy, cùng lúc ba quận phía bắc của Bình định rơi vào tay cộng sản.

Giống như ở Quảng trị, Huế, Kontum, mùa hè năm ấy dân Qui nhơn trằn trọc trăn trở vào ban đêm và hồi họp bàn tán nhau suốt ngày về những tin đồn đãi. Người nào cũng đoan quyết được chính tai nghe những người có thẩm quyền tiết lộ riêng các thỏa ước ở hòa đàm Paris; những tin mật từ dinh Độc lập, từ Washington, từ Paris, từ Hà nội. Mỗi ngày lưỡi dao chém ngang thân thể Việt Nam, theo các lời đồn đãi, mỗi xê dịch sâu về phương Nam.

Đầu thăng Tư, tin đồn thường nghe thấy cho biết là ranh giới mới phân chia hai miền Nam Bắc sẽ là đèo Hải vân, vì thế Quảng trị mới mất một cách dễ dàng và dân chúng mới lũ lượt bồng bế dắt díu nhau về Đà nẵng.

Rồi Kontum thất thủ, tin đồn đường quốc lộ 19 sẽ là ranh giới lan truyền nhanh. Dân Qui nhơn thấy tin ấy có lý, khi ba quận phía Bắc đã mất. Thế là cả thành phố dáo dác nhìn quanh, tùy hoàn cảnh mà tìm cho ra những bằng cớ phù hợp với quyết định đau lòng sắp phải có.

Trước hết là câu hỏi: Qui nhơn đã thực sự lâm nguy chưa? Dân chúng hết sức mong rằng nỗi lo âu của họ hoàn toàn vô căn cứ, rằng “đó chỉ là tin đồn do bộ phận tâm lý chiến của Việt cộng tung ra để làm tan rã tinh thần chiến đấu của quốc dân đồng bào”, như họ được nghe trên đài phát thanh Sài gòn. Nhưng họ không còn tin những gì chính quyền Sài gòn nói nữa. Họ hồi họp theo dõi những người ngoại quốc làm việc tại tỉnh, nhất là các nhân viên dân sự như đoàn y tế Tân tây lan, các y tá Mỹ làm việc thiện nguyện tại bệnh viện Thánh gia. Dưới chợ, tin đồn lan nhanh báo động bác sĩ Tân tây lan đã đáp chuyến máy bay số mấy lúc mấy giờ ngày… về Sài gòn. Rồi tin các nữ y tá Mỹ chuẩn bị hành lý hoặc trả lương sớm cho người Việt giúp việc. Trạm hàng không Việt Nam là nơi phát xuất đều đặn những tin đồn bà lớn này mua bao nhiêu vé và gửi bao nhiêu cân hành lý, ông lớn kia đặt cọc bao nhiêu ghế trên chuyến bay số mấy. Nguy rồi! Những người có thẩm quyền đã lo xa dọn đường tháo thân, bây giờ mình phải làm sao đây? Câu hỏi như một khối thép lạnh nghìn cân đè lên đỉnh đầu từng người. Thế là hỗn loạn bắt đầu!

° ° °

Trong gia đình, Quế là người thạo tin hơn ai hết nên chính Quế quyết định nhanh cho toàn gia đình: phải rời Qui nhơn càng sớm càng tốt, vì chậm chân, giá thuê xe để chở toàn bộ đồ đạc tài sản, hàng hóa sẽ lên cao, và nguy hiểm dọc đường sẽ lớn hơn.

Tính Quế nói nhiều, nên chẳng mấy chốc tin gia đình bà Văn sắp đi lan nhanh khắp chợ. Thế là các bạn hàng Quế mua chịu hàng hóa của họ đâm hoảng. Họ đến “nằm vạ” tại nhà bà Văn để đòi cho được số tiền Quế còn thiếu nợ. Ngược lại, Quế cũng phải chạy khắp nơi đòi cho được số tiền người khác nợ mình, từ Mario người Phi luật tân là kế toán trưởng trong PX Mỹ cho đến bà trung tá quân nhu tháng trước đòi Quế đặt cọc để bán cho một lô hàng rẻ. Mario bị cấm trại không về căn phòng thuê ở đường Lê Lợi, còn bà trung tá thì đã đem con cái về Sài gòn một tuần trước đó.

Gia đình bà Văn ở vào thế kẹt. Bao nhiêu tiền vốn đổ hết vào hàng hóa, mà hàng hóa thì bán cho ai trong cảnh này! Không thể trả nợ, tiền người khác nợ mình không đòi được, Quế âm thầm vạch ra một kế hoạch thoát hiểm có hai mặt, một kế hoạch bí mật đến nỗi Quế không cho cả mẹ lẫn chị biết rõ mình toan tính gì.

Để đuổi những người nằm vạ về, Quế dứt khoát tuyên bố gia đình mình sẽ không đi đâu cả, sẽ sống chết với Qui nhơn. Bằng chứng cụ thể: trong nhà từ trước ra sau, không hề thấy cảnh thường thấy ở các nhà khác. Đồ nồi niêu soong chảo không cho vào thùng, chăn mền không cột lại thành bó gọn ghẽ, tivi radio không cho vào hộp. Quế nói với các bạn đồng nghiệp:

- Thật lảng xẹt! Cắt đất tận đèo Hải vân, mắc gì Qui nhơn lo chạy! Tụi nó đánh lấy An lộc, Kontum, Bồng sơn là để trao đổi với phần đất phía Bắc đèo Hải vân hiện vẫn do mình kiểm soát. Vậy thì việc gì phải chạy!

Cả chợ tán đồng nhận định tình hình sáng suốt của Quế, nhưng ngay hôm sau, sạp phía trái của Quế đóng cửa. Chủ sạp đã chở hết hàng hóa về đêm hôm trước. Sáng hôm sau, lại đến phiên sạp bên phải. Chợ vắng vẻ, sạp của Quế nằm thoi loi giữa một dãy những sạp trống. Nhưng Quế vẫn ra mở cửa hàng đúng giờ, cười nói tự nhiên, và chờ chiều tối mới đóng cửa. Dãy sạp bán đồ Mỹ của Quế vắng hoe, nhưng chỗ hàng lương thực và đồ khô thì chen chấn không lọt. Quế cũng mua hai tạ gạo, một thùng trứng muối, bốn chai nước mắm, và một thùng dầu cải 2,5 galon.

Để chuẩn bị đầy đủ thời gian “tử thủ”, Quế bảo Nam ra phố mua thêm sữa, đường và vài thứ lặt vặt khác.

Con Thúy thấy bạn trong lớp nhiều đứa đã đi, nao nức hỏi mẹ:

- Chừng nào mình đi Sài gòn hả mẹ?

Nam thấy con nao nức mơ ước một chuyến đi xa một cách hồn nhiên, phải nói hàng hai:

- Chưa đi con ạ! Chờ lúc nào mợ Trang sanh em bé, mẹ cho con theo ngoại vào thăm mợ Trang luôn thể.

- Chừng nào dì, à quên, chừng nào mợ Trang có em bé hở mẹ?

- Một tháng nữa!

- Sao lâu vậy mẹ. Mình đi sớm hơn được không?

- Không được.

- Sao con Liên cháu của ni cô nói Việt cộng sắp tới đây, phải đi cho gấp, hở mẹ?

- Nó nói bậy! Có bạn của cậu Ngữ cậu Lãng ở đây, làm sao Việt cộng vô được.

- Việt cộng sợ bạn cậu Ngữ phải không mẹ?

Nam cười, vuốt đầu con, nói:

- Họ không sợ bạn cậu Ngữ. Họ sợ súng của bạn cậu Ngữ. Nhưng con phải vào thay đồ ra phố mua sữa đường với mẹ.

- Ra tiệm nào hở mẹ?

- Tiệm Nghĩa Thành của chú Thoòng.

Con Thúy vỗ tay reo:

- Con thích ra tiệm chú Thoòng. Thím Thoòng thương con lắm, lúc nào mẹ ra mua hàng của thím, con cũng được thím cho ăn ô mai.

° ° °

Tiệm thực phẩm tạp hóa Nghĩa Thành đông nghẹt khách, đa số là những bà nội trợ, người nào mặt mày cũng buồn rầu, đăm chiêu.

Vào lúc tình thế căng thẳng nguy ngập, người nghèo tủi cho thân phận hẩm hiu của mình hơn vào những lúc bình thường. Chưa lúc nào kẻ thần thế và kẻ giàu có vinh quang rực rỡ cho bằng những lúc này, ưu thế của họ làm tủi lòng những kẻ bất hạnh quanh họ, nhưng đồng thời cũng làm cho họ thấy hãnh diện về tiền bạc và thần thế của mình.

Người giàu có đã thơ thới xách va li lên máy bay Air Việt Nam cùng toàn gia đình từ bà nội bà ngoại cho tới anh tài xế chị ở về thủ đô hoa lệ từ lâu. Người thần thế đã có những chiếc C-130, C-123 ra rước về Sài gòn. Kẻ trung lưu đã thuê bao những chiếc vận tải đem hết gia tài về Nha trang. Tụ tập chen lấn nhau tranh từng hộp cá, từng gói đường hộp sữa ở tiệm Nghĩa Thành chỉ toàn những bà nội trợ thiếu điều kiện ra đi, phải mua đắt đồ dự trữ chịu trận không biết là bao lâu. Họ buồn vì tủi thân, mà cũng vì thấy số tiền nhỏ dành dụm được lâu nay chỉ đủ đổi lấy một vài thứ đồ khô mà ngày thường, giá chỉ bằng một nửa giá hiện nay.

Chú Thoòng hớn hở ra mặt, chạy vô chạy ra cân hàng, hốt bạc. Nam chờ tới phiên, được thím Thoòng tiếp ân cần như tiếp một khách quen và bạn tâm tình. Nhưng nét mặt thím dàu dàu, đôi mắt đỏ hoe như vừa mới khóc. Nam trả tiền xong, thấy bà chủ tiệm hơi rảnh, liền hỏi:

- Thiên hạ đi hết, thím không đi à?

Thím Thoòng nghe Nam hỏi, liếc về phía chồng lo ngại, rồi kéo mẹ con Nam vào mãi phía sau tiệm, thủ thỉ nói:

- Khổ quá, cô giáo ơi! Tui sợ quá, bảo ổng đi mà ổng ham tiền không chịu đi. Ổng nói tụi Mỹ, tụi Đại hàn ở đây đông làm sao Việt cộng vào đây được. Tui nói nó không vào đây được, nhưng nó pháo kích, phải đi. Cô giáo có biết ổng nói gì không. Ổng đưa cho tui cái banh nhựa, ổng bảo tui lên lầu thượng tầng ba ném trái banh xuống, nếu tôi ném trúng đầu ổng thì ổng chịu đi.

Nam cười hỏi:

- Chú đứng ở đâu?

- Ổng nói ổng đứng dưới đường, cho tui “pháo kích” thử có trúng đầu ổng không. Tui cãi thế nào ổng nói cũng không sợ pháo kích. Ổng khăng khăng nói: Nị ở gần mà ném trái banh còn không trúng đầu ngộ, thì Việt cộng ở xa làm sao pháo kích trúng được nị! Mà sao cô giáo không đi?

Nam thấy lòng nhói đau, nhưng cũng cố vui nói đùa với bà chủ:

- Tại Việt cộng không thể ném banh trúng đầu ngộ được!

Thím Thoòng cười, có vẻ yên tâm hơn trước. Nhờ vậy, con Thúy được thím biếu không cả một hộp ô mai.

° ° °

Nam và con về tới nhà lúc trời đã chạng vạng tối. Ánh đèn đường lù mù soi một đường phố vắng buồn hiu. Ngay trước căn nhà, một chiếc xe vận tải cỡ nhỏ đậu chắn lối ra vào. Từ xa, Nam ngạc nhiên không biết gia đình nào từ mạn Bắc tản cư vào đến tạm trú nhà mình. Nhiều người đang đứng quanh xe, mà vì đêm đã tới nên Nam không nhận diện được ai.

Chiếc cyclo thắng lại trước cửa, Nam mới thấy mẹ và em gái đang cãi cọ huyên náo với một người đàn ông mập mạp để râu mép, áo bỏ ngoài quần. Nam đoán ông ta là tài xế chiếc xe vận tải nhỏ. Và đoán đúng. Bên cạnh chỗ bà Văn đứng là mấy cái thùng carton đựng soong chảo chén bát không đậy nấp, không buộc cột cẩn thận, đống quần áo mền mùng nhàu nhò, cái máy may và cái TV lòng thòng sợi dây điện trên bờ lề đường hẹp. Nam chưa bước xuống khỏi xe đã hỏi mẹ:

- Chuyện gì vậy má?

Quế nhanh nhẩu giục:

- Chị đem đồ đạc xuống nhanh lên.

Nam trả vội tiền xe để còn vào xem chuyện gì đã xảy ra. Con Thúy tò mò vất luôn hộp ô mai trên xe cyclo, chạy đến bên cạnh bà ngoại nhìn lên những người đàn bà, trẻ con đang ngồi chồm hổm lố nhố bên trong xe, nép người bên những thùng giấy chất cao đến tận trần tôn của chiếc xe vận tải. Quế phụ chị khuân thùng đồ khô đến đặt gần cái máy may, rồi vừa thở vừa nói với Nam:

- Chị phụ em cãi với lão này cho ra lẽ. Lão lừa mình, em tức không chịu được.

Người tài xế đứng gần đó lên tiếng:

- Này, cô ăn nói cho nghe được nghe chưa. Tôi đã nói với cô đúng bảy giờ tới đón là bảy giờ kém năm tôi tới. Tôi nhận chở gia đình cô với giá 50.000, chứ không hề hứa là tôi dành trọn chiếc xe cho gia đình cô với giá đó.

Quế chống nạnh, sừng sộ lại không kiêng nể gì:

- Ông nói rõ là cho tôi thuê bao cả xe với giá 50.000, và còn đi từ đây vào Nha trang, bây giờ ông ham tiền nuốt lời. Không có giấy trắng mực đen, nhưng làm người thì không được lật lọng. Thời buổi này, bọn bất lương không tránh được bom đạn đâu!

Người tài xế nổi giận, la lớn:

- Nè, con nhỏ kia! Tao đáng tuổi ông nội mày, mày không được hỗn. Mày không đi thì tao chở người khác. Cái xe của tao lớn như vậy, đừng nói 50.000, bữa nay trả 250.000 tao còn chê.

Bà Văn thấy lời qua tiếng lại đã khiến những nhà lân cận bắt đầu tò mò. Lũ nhỏ bắt đầu lấp ló ra ngoài đường để nhìn nên ngại, quắc mắt bảo Quế im, rồi nhỏ nhẹ nói với người chủ xe:

- Thôi, đã lỡ thế này thì bác phải sắp xếp để cho chúng tôi có chỗ để ngồi và chất đồ lên.

Những người đã ngồi trong xe lao nhao phản đối:

- Chỗ đâu nữa mà ngồi. Mười mạng rồi, thở không nổi đây. Chạy đi bác tài.Người chủ xe quay về phía xe nói:

- Bà con chờ một chút, chạy liền.

Rồi ông giục bà Văn:

- Bác với mấy cô lên đi. Tôi lên trần mấy cô chuyền đồ cho tôi cột. Chuyển cái tivi lên trước, rồi cái máy may.

Quế la lên:

- Sao được! Cái tivi đem lên trần, bể làm sao! Đồ đạc của ai trên xe, hạ xuống rồi đưa lên trần xe đi.

Đám đông trong xe lao nhao. Một giọng đàn bà nói:

- Nói vậy mà nói được. Đồ đạc của người ta mà nó bảo bỏ xuống. Con cái nhà ai mất dạy vậy!

Nam đã hiểu hết vấn đề. Sợ Quế nỗi giận lại chửi mắng nhau với những người ngồi trên xe, Nam hỏi Quế:

- Sao em thuê xe mà không cho ai biết cả!

Quế nhìn về phía xe, nén giận trả lời chị:

- Em nói cho chị với má lỡ nhà buột miệng nói lại người khác nghe, bọn hủi lại kéo tới xiết đồ, đòi nợ. Không ngờ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

Bà Văn chán nản nói:

- Đi đâu mà lụp chụp chẳng ra làm sao cả! Đồ đạc bỏ lại biết lúc về có còn không. Mấy nhà đã đi, vừa đi hôm trước hôm sau đã bị bọn trộm cạy cửa bẻ khóa vào dọn hết!

Nam nói:

- Liệu trong xe còn đủ chỗ không?

Con Thúy từ nãy đến giờ sợ hãi ngơ ngác, bây giờ mới hoàn hồn kéo áo bà Văn hỏi nhỏ:

- Đi thăm mợ Trang hở ngoại? Có cho con đi không ngoại?

Bà Văn không trả lời cháu được, vì lúc đó đám đông chen chúc trên xe nổi lên nhao nhao, thúc giục:

- Đi lẹ lên bác tài. Đi trễ đồn Cù mông đóng cửa không cho qua đèo đó!

Đột nhiên, Quế hét lớn:

- Đi đâu thì đi cho khuất mắt. Này, ông trả 50.000 cho tôi đi!

Người chủ xe có lẽ chỉ chờ có thế, tuy mừng rỡ nhưng cũng lấy giọng kẻ cả nói lớn:

- Trả thì trả, 50.000 mà mày tưởng lớn lắm hay sao!

Ông chạy nhanh về phía buồng lái, mở mạnh cánh cửa xe, rồi trở lại quăng gói giấy báo cái phạch trước mặt Quế, không nói một lời, ông ta trở lại chỗ xe, leo lên ngồi ở buồng lái, đề máy. Những người ngồi trên xe vỗ tay reo hò. Mấy đứa trẻ đùa giỡn, la lớn cho cả bà Văn nghe:

- Ở lại mạnh giỏi. Bye! Bye!

Chiếc xe ì ạch khò khè, thân xe rung lên từng hồi nhưng máy không đề được. Xe loại Renault cũ. Thanh niên phụ xế từ nãy tới giờ không lộ diện, thấy nguy vội mở cửa xe nhảy xuống, tay cầm cái thanh sắt quay máy. Nhờ sức người phụ lực, xe lại nổ máy. Người tài xế nói lớn cho anh phụ xế nghe:

- Nhanh lên! Hẹn với bà Tín 7 giờ 30 tới đón gia đình bả. Trễ giờ rồi! Nhà bả ở góc Phan Bội Châu – Lê Lợi phải không mày?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx