sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 1 - Chương 03 phần 2

Hồ sơ lưu trữ của Tổng thống Lyndon Johnson cho thấy vào tháng 6/1967 ông ta đã thúc giục Wilson tại Washington rằng “không được thực hiện bước đi nào ngược lại với quyền lợi của người Anh hay người Mỹ cũng như ngược lại với quyền lợi của các quốc gia độc lặp lại châu Á”. Tuy nhiên, Johnson không kiên quyết như các cố vấn của ông đã khuyên trong các bản đệ trình của họ lên ông trước buổi họp. Ngay từ tháng 12/1965, Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng của Johnson, đã viết cho Johnson rằng Mỹ đánh giá sự hiện diện và các hiệp ước của Anh tại Viễn Đông có tầm quan trọng cao hơn so với ở châu Âu.

Sách trắng[7] của Bộ Quốc phòng Anh phát hành vào tháng 7/1967 thông báo ý định cắt giảm 50 % lực lượng quân đội ở Đông Nam Á vào khoảng thời gian 1970–1971 và sẽ rút hoàn toàn vào giữa thập niên 70. Harold Holt mất tinh thần, đã viết cho Wilson và bộc bạch suy nghĩ với tôi: “Chúng tôi thấy rằng khi thực hiện những quyết định lịch sử, nhìn từ một khía cạnh nào đó, chính phủ Anh đang muốn rũ bớt vai trò trách nhiệm của mình và các thỏa ước quốc tế mà Anh đã gánh vác từ nhiều năm nay”, và hiện tại người Úc phải “cân nhắc lại toàn bộ tình thế của chúng ta”.

[7] Báo cáo do chính phủ công bố về chính sách của mình về một vấn đề sẽ được Quốc hội xem xét.

Không lâu sau, Wilson mời tôi đến nói chuyện tại cuộc hội nghị tổ chức hằng năm của đảng Lao động vào tháng 10/1967. Tôi đồng ý và biết rằng ông muốn tôi thuyết phục các thành viên trong đảng không chống đối việc ông quyết định ở lại Singapore. Tôi được xem là một diễn giả khách mời quan trọng của họ, một đại biểu anh em vào thời gian chuẩn bị cho cuộc hội nghị ngày Chủ nhật 1/10 tại Scarborough. Tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng mối liên kết lâu dài hơn 150 năm giữa Anh với Singapore có thể cho phép họ thực hiện sự rút quân theo cách “cho chúng tôi cơ hội tốt nhất để tiếp tục duy trì an ninh và ổn định”, và với thời gian ngắn cùng với sự nỗ lực lớn, chúng tôi sẽ tồn tại vững vàng vào giữa thập niên 70, khi không còn nhận được phí tổn mà các căn cứ của Anh trả cho chúng tôi nữa. Tôi biết các đại biểu sẽ quan tâm đến tình hình ở Việt Nam. Vì không thể làm ngơ trước sự kiện đó, tôi nói: “Tôi không muốn gây ấn tượng như diều hâu hay bồ câu. Nếu phải chọn một hình ảnh ẩn dụ từ loài chim, tôi thích nghĩ về một con cú. Bất cứ ai hướng về những gì đang xảy ra tại Việt Nam hẳn phải có một cái nhìn đầy ác ý. Việc lẽ ra đã không cần phải đi đến chỗ như vậy. Và có lẽ Việt Nam không phải là nơi khôn ngoan nhất cũng không phải là mảnh đất an toàn nhất tại châu Á để tạo thế đứng. Vậy mà cả Việt Nam và Mỹ đã phải đổ quá nhiều máu và trả giá bằng sự hy sinh to lớn”. Trước mọi thính giả bài xích chiến tranh Việt Nam, điều xa nhất tôi muốn ngụ ý rằng nếu Mỹ rút quân, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với các khu vực còn lại tại Đông Nam Á.

Sáu tuần sau đó, Chủ nhật ngày 18/11/1967, không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào, Keng Swee nhận được một thông điệp từ Callaghan, Bộ trưởng Tài chính Anh, tương tự như những thông điệp mà Callaghan hẳn đã gởi cho các Bộ trưởng Tài chính khác thuộc Khối Thịnh vượng chung, rằng đồng bảng Anh đã sụt giá từ một bảng Anh đổi được 2,8 đôla Mỹ xuống còn 2,4 đôla Mỹ. Có nghĩa là chúng tôi đã mất 14,3 % giá trị của số bảng Anh mà chúng tôi dự trữ ở London. Tiền Anh đã chịu sức ép bán ra sau khi chính phủ đảng Lao động nắm chính quyền năm 1964 nhưng chúng tôi đã không rút khoản dự trữ của chúng tôi. Quân lực của họ đã bảo vệ chúng tôi trong cuộc đối đầu với Indonesia. Chúng tôi không muốn bị trách rằng đã tham gia làm đẩy nhanh sự mất giá đồng bảng Anh. Cũng tối Chủ nhật hôm đó, trong một chương trình tivi được phát đi, Wilson đã nói: “Hiện tại chúng tôi đang đơn độc; điều đó có nghĩa là phải ưu tiên cho nước Anh”. Tình hình thật đáng ngại. Tuy nhiên, Healey rất vững vàng khi phát biểu tại Hạ viện ngày 27/11/1967: “Tôi tin toàn thể các thành viên trong chính phủ cùng chia sẻ quan điểm của tôi rằng chúng ta phải giữ vững niềm tin vào lực lượng và đồng minh trong quyết định rút giảm quân lực. Chúng ta không thể có sự thay đổi nào ngược lại với những quyết định tháng Bảy… Đó là lý do tại sao ngài Bộ trưởng Tài chính Rt Hon Friend [Callaghan] đã nói vào ngày thứ Hai rằng sự cắt giảm phải được thực hiện trong khuôn khổ các chính sách quốc phòng đã được tuyên bố trong mùa hè vừa qua. Hãy để tôi nói với ngài Rt Hon rằng sự cắt giảm này không có nghĩa là thúc giục việc rút giảm hay tái bố trí lực lượng của chúng ta”.

Tôi đã viết thư cho Healey cảm ơn về sự bảo đảm của ông. Tôi đã lầm: Healey không thể thuyết phục được chính phủ. Thủ tướng Wilson đang hết sức cố gắng để cứu lấy chính quyền của ông ta. Ông đã biểu lộ điều đó khi phát biểu “phải ưu tiên cho nước Anh”. Wilson còn nói: “Không có khoản phí tổn nào có thể được xem là bất khả xâm phạm”. Tôi viết cho Wilson vào ngày 18/12 tường thuật chi tiết về việc chính quyền Singapore đã ủng hộ trung thành đồng bảng Anh như thế nào và hậu quả của sự mất giá đồng bảng Anh là chúng tôi đã tổn thất 157 triệu đô Singapore (Ủy ban Tiền tệ 69 triệu; chính phủ Singapore 65 triệu; và các ủy ban hành pháp 23 triệu). Kết thúc lá thư, tôi viết: “Tôi không muốn tin rằng những khó khăn hiện tại có thể phá vỡ sự tín nhiệm và lòng tin mà chúng ta đã xây dựng từ những thiện chí, thiện ý và dự định tốt đẹp cho nhau. Tôi sẽ thực hiện lời tuyên bố của mình ở Scarborough và về phía chúng tôi, chúng tôi sẽ tổ chức buổi lễ đưa tiễn theo nghi thức khi lần cuối cùng lực lượng Anh rời khỏi căn cứ của họ giữa thập niên 70”.

Chỉ là hy vọng mong manh. Trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng lần đầu tiên của chính phủ, Wilson không còn thời gian để cứu lấy những người bạn và đồng minh, mặc cho lòng trung thành của họ. Thay vì hồi âm, Wilson cho George Thomson, Bộ trưởng Quan hệ Khối Thịnh vượng chung, đến gặp tôi vào ngày 9/1/1968. Thomson đưa ra những lời biện hộ và lẩn tránh, ông ta nói sự phá giá tiền tệ đã cho chính phủ Anh một cơ hội để sắp xếp lại nền kinh tế. Những cắt giảm về mặt quốc phòng cũng có nghĩa là đã có một sự thay đổi cơ bản trong vai trò lịch sử cũng như trong cơ cấu quốc phòng dài hạn của Anh. Anh sẽ giới hạn hoạt động của họ chỉ trong châu Âu, tuy vẫn có khả năng giúp đỡ đồng minh bên ngoài châu Âu. Tôi đã hỏi về lời tuyên bố của Healey về một lực lượng đổ bộ tại Singapore. Khả năng đó cũng đã bị loại bỏ. Sẽ không có lực lượng hải quân nào trú đóng tại Đông Nam Á sau năm 1971. Tôi hỏi liệu quyết định rút quân vào năm 1971 có chắc chắn hay không, Thomson trả lời quyết định đó là chắc chắn, tuy nhiên Anh cũng sẽ quan tâm tới ý kiến của các thành viên trong Khối Thịnh vượng chung. Thái độ Thomson hòa nhã và thân thiện, ông bày tỏ niềm cảm thông với chúng tôi và rằng đây là một nhiệm vụ không dễ dàng chút nào mà Wilson giao cho ông. Để làm dịu cú sốc, Wilson mời tôi đến thảo luận tại Chequers, nhà nghỉ cho thủ tướng.

Trong sự thất vọng và tức giận trước thái độ coi nhẹ những lời cam kết được thực hiện trang trọng, tôi nói rằng chúng tôi có thể đặt lợi ích của Singapore lên hàng đầu và bảo vệ số dư đồng bảng Anh bằng cách rút chúng khỏi London. Tuy nhiên, tôi quyết định đến London và gặp Wilson tại Chequers.

Wilson thay đổi địa điểm từ Chequers sang số 10 đường Downing vào một ngày Chủ nhật. Lúc 17 giờ 30 tôi đến, ba bộ trưởng quan trọng cũng có mặt: Denis Healey (Bộ Quốc phòng), George Brown (Bộ Đối ngoại) và George Thomson (Bộ Quan hệ Khối Thịnh vượng chung). Wilson muốn tạo cho tôi niềm hy vọng bằng cách nói rằng nội các đã đồng ý không ra quyết định cuối cùng cho đến khi nào tôi gặp ông ta.

Tôi nói bất kỳ sự tuyên bố không thận trọng nào rằng quân lực Anh sẽ rút khỏi lục địa châu Á vào năm 1971 cũng sẽ làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư từ Hong Kong, và như vậy sẽ làm cho họ quyết định đi xa hơn. Để khôi phục niềm tin, Singapore sẽ phải tốn một khoản chi phí khổng lồ cho quân đội nhằm xây dựng mạng lưới quốc phòng vững chắc và đáng tin cậy. Tôi chỉ rõ các dịch vụ của quân đội Anh đang sở hữu những bất động sản có giá trị ở Singapore, nhà cửa và các doanh trại đáng giá trên 55 triệu bảng. Nếu việc rút quân diễn ra trong ba năm, họ sẽ không bán được chúng bằng một nửa giá này trên thị trường tự do.

Wilson lặp lại những gì mà Healey đã từng nói với tôi một năm trước ở Singapore rằng quyết định rút quân được thực hiện dựa trên những lý do kinh tế và không thể thay đổi được. Quyết định đúng lúc này, vào tháng 3/1971, đã tạo được sự nhất trí hoàn toàn và các bộ trưởng đương nhiệm của Wilson là đại diện cho quan điểm của nội các. Wilson tỏ ra quan tâm đến việc viện trợ nhằm trợ giúp cho kinh tế của Singapore. Tôi đáp rằng mối quan tâm chính của tôi là an ninh, bởi vì nếu không có an ninh sẽ không có đầu tư, điều mà chúng tôi còn cần hơn cả sự viện trợ.

Wilson để cho Healey biện giải lý lẽ của cuộc rút quân sớm hơn dự định, trong khi ông ta ngồi ở phía sau, ngậm ống tẩu và nhìn với sự thông cảm. Qua cử chỉ của Wilson, tôi biết rằng sẽ không thể buộc ông ta giữ lời hứa là ở lại cho đến giữa thập niên 70.

Các bộ trưởng Anh bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của tôi. Người khuyến khích tôi nhiều nhất chính là George Brown. Nhớ lại những ý kiến mạnh mẽ của ông khi chúng tôi gặp nhau ở Stockholm năm 1966, rằng lực lượng Anh nên rút khỏi Singapore, tôi đã ngạc nhiên khi nghe ông ta hỏi tôi cần bao nhiêu thời gian. Và tôi đã đáp thời hạn là ngày 31/3/1973. Vài năm sau đó, ông ta bảo tôi: Tổng thống Mỹ Johnson thuyết phục ông rằng trong khi cuộc chiến tại Việt Nam còn tiếp diễn, Mỹ không thể thay thế lực lượng Anh tại vịnh Ả Rập và Singapore, sự đóng góp của Anh về mặt chính trị là vô giá.

Khoảng 7 giờ tối, Roy Jenkins, người thay thế Callaghan trong chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, đã tham gia với chúng tôi. Ông ta khơi mào bằng một đề tài có liên quan, rằng vị trí kinh tế của Singapore nổi bật hơn so với các nước khác trong khu vực. Chúng tôi đang phát triển tốt. Tình thế nước Anh thì khá nghiêm trọng. Ông so sánh lượng dự trữ của Anh và Singapore để cho thấy rằng con số bình quân đầu người của Anh thấp hơn so với Singapore. Roy chỉ trích chính phủ Singapore trong việc đầu tư nguồn thặng dư ngân sách vào nơi khác mà không thông báo cho chính phủ Anh. Ông ta công kích chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ rút bất kỳ khoản dự trữ nào trong số đồng bảng Anh. Song, chúng tôi cũng không có bất kỳ cam kết nào đặt thặng dư ngân sách của chúng tôi vào đồng bảng Anh. Ông ta chỉ trích rằng chúng tôi đã không giúp đỡ khi chúng tôi có khả năng và vì vậy cũng không thể kỳ vọng ở họ một sự quan tâm đặc biệt nào trong hiện tại.

Chúng tôi đã nói chuyện trong suốt bữa ăn tối, lặp đi lặp lại những lập luận trong lúc uống rượu vang đỏ – loại rượu ưa thích của Jenkins. Sau năm tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi kết thúc cuộc tranh luận vào lúc 22 giờ 50. Tóm lại, Wilson nói chính phủ Anh chấp nhận yêu cầu giúp Singapore duy trì niềm tin. Song ông nhấn mạnh rằng không thể có an ninh lâu dài đối với Singapore trừ khi nó nằm trong khuôn khổ của một hiệp ước phòng thủ khu vực rộng hơn với các nước Khối Thịnh vượng chung khác có liên quan. Sẽ không khôn ngoan chút nào nếu Singapore quyết định vội vàng trong việc mua trang thiết bị quân đội trước khi tính khả thi của một sự dàn xếp như thế được xem xét chi tiết hơn. Chính quyền của ông ta sẽ làm tất cả những gì mà họ cho là hợp lý, nhất định không thay đổi mục đích tối quan trọng của họ (rút toàn bộ quân vào năm 1971), nhằm giúp Singapore duy trì an ninh và hy vọng rằng chính phủ Singapore sẽ để tâm đến lời khuyên của Anh.

Ngày hôm sau, thứ Hai ngày 15/1/1968, tại Hạ viện, Healey tuyên bố lực lượng Anh tại Đông Suez sẽ rút quân vào năm 1971, song ông ta thay đổi thời điểm của đợt rút quân cuối cùng từ tháng 3 sang tháng 12/1971. Sự chênh lệch 9 tháng này là có ý nghĩa bởi vì một cuộc tổng tuyển cử sẽ phải được tổ chức trước tháng 12/1971.

Nói cách khác, quyết định thời điểm cuối cùng của cuộc rút quân hoặc sẽ được khẳng định bởi một chính quyền mới của đảng Lao động hoặc sẽ bị trì hoãn bởi một chính quyền của đảng Bảo thủ. Tôi bằng lòng với sự nhượng bộ này. Các phóng viên tạp chí quốc phòng đưa tin về bài diễn văn của Healey ghi nhận rằng ông ta để ngỏ chuyện này. Chuyến đi London lần này của tôi không phải là hoàn toàn vô ích. Tuy nhiên, Wilson biết được rằng đây chính là đoạn kết của một kỷ nguyên.

Trong suốt năm ngày ở London vào tháng Giêng 1968, tôi đã nỗ lực để kéo dài thời gian hiện diện của người Anh. Ngoài những cuộc thương thảo với Wilson, tôi còn trình bày tình thế của mình với các lãnh tụ đảng Bảo thủ, chủ yếu là với Ted Heath, Reginald Maudling, và Iain MacLeod. Họ rất cảm thông và ủng hộ; nếu họ ở trong chính phủ, họ sẽ quyết định ở lại lâu hơn nữa mà không cần đặt ra một thời hạn rút quân nào. Điều đó tạo một sự khác biệt đối với kết quả cuối cùng thực sự. Truyền hình và báo chí Anh đã đưa tin nhiều về tôi. Tôi có khả năng làm người ta chấp nhận lý lẽ của mình, mà không làm họ tức giận. Tôi đã đánh trúng vào những tình cảm sâu sắc nhất của người dân Anh rằng mối liên kết lợi ích và lâu dài của chúng tôi không nên kết thúc theo cách thức không thích đáng, như vậy sẽ làm tổn hại đến tương lai của Singapore. Tôi đã phải tạo cho mình một gương mặt rạng rỡ nhất có thể. Nhưng Keng Swee đã bay về Singapore trước tôi, thốt lên trong sự thất vọng với giới báo chí tại sân bay Singapore rằng: “Đảng Lao động đã nuốt lời hứa – một sự vi phạm đáng hổ thẹn lời cam kết của họ với chúng tôi”.

Tôi không thấy ích lợi gì khi trút ra nỗi tức giận của mình. Những đồng sự khác của tôi, Raja, Chin Chye và Sui Sen đã thực sự thất vọng và lo sợ trước những viễn cảnh về an ninh và kinh tế của Singapore. Song bọ không trách người Anh. Những lời giận dữ sẽ chỉ làm phiền các bộ trưởng Anh và làm mếch lòng các chỉ huy quân đội Anh tại Singapore, những người mà xét cho cùng chỉ là người dân Anh yêu nước và trung thành. Tôi cần đến thiện chí và sự hợp tác từ phía người Anh để tiến hành cuộc rút quân với càng ít bất đồng và càng nhiều thiện chí càng tốt đồng thời không có xưởng quân đội nào bị tháo gỡ toàn bộ như đã từng xảy ra ở Guinea (Tây Phi) khi quân Pháp rút vào những năm 1960.

Các sự kiện thay đổi đột ngột đã tăng thêm áp lực với chúng tôi. Những khó khăn về kinh tế cũng như số người thất nghiệp sẽ tăng lên. Về mặt quốc phòng, chúng tôi cần một lực lượng không quân. Làm thế nào chúng tôi có thể xây dựng được một lực lượng không quân từ đầu và có một đội máy bay chiến đấu hoạt động ngay vào cuối năm 1971? Khi tôi gặp Healey lần thứ hai để đề nghị mua một phi đội Hawker Hunter, ông ta sẵn lòng đồng ý. Ông sẽ còn giúp chúng tôi đào tạo những người có khả năng sử dụng chúng, một sự thay đổi thái độ hoàn toàn so với lần tôi gặp ông ta vào tháng 10/1966, không đầy hai năm trước đây, khi ông ta phất tay về phía chúng tôi, cho rằng chúng tôi có những ý định “tinh quái”.

Giới truyền thông Anh bày tỏ thái độ thông cảm nhưng nhìn chung họ bi quan đối với tương lai của Singapore. Singapore sẽ mất khoảng 20 % GDP khi Anh không còn chi trả phí tổn của quân đội và khi không còn nằm dưới sự bảo vệ của quân đội Anh, họ thấy rằng tương lai của chúng tôi thật bấp bênh. Chủ tịch của Daily Mirror Group, Cecil King, có mặt trong cuộc họp báo khi tôi từ London trở về Singapore vào tháng Giêng. Ông ta nói với thư ký báo chí của tôi, Alex Josey, rằng ông ta ủng hộ tôi nhưng tình hình thật vô vọng. Với tình trạng thất nghiệp cao và nền an ninh không bảo đảm sau cuộc rút quân của Anh, nền kinh tế chắc chắn sẽ suy thoái. King không phải là người duy nhất có một cái nhìn bi quan như thế đối với viễn cảnh của Singapore.

Để lấp vào khoảng trống để lại sau khi kết thúc Hiệp ước Phòng thủ giữa Anh – Malaya (Anglo–Maylayan Defense Agreement – AMDA), Anh đã đề ra một hiệp ước phòng thủ giữa năm nước. Hiệp ước này chỉ là sự đề nghị, không phải là một bổn phận bắt buộc. Tôi biết Úc sợ rằng Indonesia sẽ có một ấn tượng sai lệch, rằng 5 quốc gia – Vương quốc Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore – đang hợp sức để chống lại Indonesia. Tháng 2/1968, Bộ trưởng Đối ngoại của Úc, Paul Hasluck, khi ở Singapore đã bảo tôi rằng Úc sẽ duy trì lực lượng cho đến cuối năm 1971, sau thời gian đó, chính quyền của ông không đoán chắc điều gì. Nói cách khác, lực lượng Úc có thể rời khỏi cùng với Anh. Tôi nhấn mạnh với ông rằng cần thiết phải nói rõ với mọi người đó không phải là ý định của đồng minh phương Tây nhằm để lại một khoảng trống trong khu vực sau năm 1971 mà có thể được lấp vào bởi Nga hoặc Trung Quốc hay bất kỳ lực lượng nào khác. Ông ta nhấn mạnh sự hợp tác giữa Malaysia và Singapore là nền tảng cơ bản trong kế hoạch phòng thủ của Úc. Tôi cam đoan với ông ta rằng chúng tôi xem bất kỳ cuộc tấn công nào vào Malaysia cũng là mối đe dọa đối với Singapore. Nhưng tôi khuyến khích ông ta nói rõ với người Malaya rằng bất kỳ hiệp ước song phương nào với Úc mà gạt Singapore ra ngoài cuộc sẽ đơn giản không thực hiện được. Tôi kể lại chuyến viếng thăm Melbourne dự lễ tưởng niệm của Thủ tướng Harold Holt vào tháng 12/1967, Razak cũng đi cùng chuyến bay nhưng ông ta hầu như phớt lờ tôi. Song sau khi McEwen, Phó Thủ tướng Úc đang là Quyền Thủ tướng trước khi John Gorton nhậm chức, đã khước từ thẳng thừng khi ông ta cố gắng để đạt một hiệp ước song phương giữa Úc và Malaysia, Razak trở nên biết điều và thỏa hiệp khi ông tranh luận với tôi về vấn đề an ninh quốc phòng của Malaysia suốt ba giờ đồng hồ trên chuyến bay. Mối quan hệ song phương về quốc phòng giữa Singapore và Malaysia đã cải thiện một cách đáng kể sau sự kiện này.

Thật ra thì vào tháng 3/1968, Razak đã nói với Kim San và Keng Swee rằng nền an ninh của hai quốc gia là không thể tách rời, rằng Malaysia không thể gánh nổi khoản phí tổn quá nặng nề cho quân đội và Singapore, một hòn đảo nhỏ bé và dễ bị tấn công bởi những cuộc đột kích, nên tập trung vào khả năng phòng không trong khi Malaysia với bờ biển dài nên tập trung vào lực lượng hải quân. Bằng cách này, chúng ta sẽ hỗ trợ bổ sung lẫn nhau. “Là hai lãnh thổ riêng biệt, chúng ta nói chuyện với nhau trên tinh thần bình đẳng. Điểm nào chúng ta có thể nhất trí, chúng ta cùng hợp tác. Nếu không nhất trí, tốt thôi, chúng ta sẽ chờ một thời gian nữa.”

Không lâu sau cuộc bạo loạn ở Kuala Lumpur vào tháng 5/1969, theo sau đó là chính sách nghị hòa của nghị viện Malaysia, Razak phải đại diện cho Malaysia tại Canberra trong cuộc họp các thủ tướng năm nước, để bàn về việc bố trí phòng thủ sau khi Anh rút quân vào năm 1971. Trước khi hội nghị bắt đầu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Úc bảo tôi rằng Thủ tướng của ông, John Gorton, sẽ không tham dự cuộc họp. Trong một cuộc thảo luận riêng, Thứ trưởng Đối ngoại Úc nói Gorton nghi ngờ khả năng làm chủ tình hình của chính phủ Malaysia, tin rằng rắc rối về chủng tộc sẽ bùng nổ xa hơn và Singapore sẽ bị “lôi kéo” vào cuộc xung đột. Gorton hoàn toàn mất niềm tin vào Malaysia. Ông ta không muốn Úc dính líu vào bất kỳ thỏa ước phòng thủ nào với Malaysia. Úc chính là những người không vui nhất đối với việc Anh sẽ rời khỏi khu vực này và họ không muốn bị đè nặng bởi trách nhiệm đối với vấn đề quốc phòng của Malaysia và Singapore. Gorton thấy trước thảm họa và e sợ phản ứng của cử tri đối với bất kỳ cam kết mới nào mà Úc có thể thực hiện cho quốc phòng của Malaysia và Singapore. Tuy nhiên vào phút cuối, ông ta đã đến để khai mạc hội nghị nhưng lập tức rời khỏi ngay sau bài diễn văn. Ông ta nhấn mạnh sự cần thiết của việc hòa hợp chủng tộc trong khu vực và sự đảm bảo tuyệt đối từ phía Singapore và Malaysia rằng quốc phòng của hai nước là “không thể tách rời”. Razak và các viên chức Malaysia trông cực kỳ thất vọng.

Tối hôm đó, tôi có cuộc nói chuyện với Razak trong phòng ông ta tại khách sạn. Tôi quyết định gạt bỏ sự dè dặt và ủng hộ chủ trương của ông rằng sau năm 1971, người đứng đầu trong Hiệp ước Quốc phòng năm nước nên có trách nhiệm đối với các đại diện của năm nước chứ không chỉ đối với Singapore và Malaysia như Úc đã đề xuất. Ý kiến này làm Razak phấn khởi hẳn. Đến cuối cuộc hội nghị, Gordon Freeth, Bộ trưởng Đối ngoại Úc, làm rõ rằng nếu Malaysia bị tấn công, Úc có thể dàn quân hoặc ở phía Đông hoặc ở phía Tây Malaysia.

Đảng Bảo thủ ở Anh đã bàng hoàng trước quyết định rút quân của người Anh ra khỏi Đông Suez. Tháng Giêng năm 1970, Edward Heath, lãnh đạo của phe đối lập, đã đến Singapore. Tôi đã sắp xếp cho ông ta có cuộc thảo luận với các bộ trưởng chủ chốt nhằm giúp ông ta có một cái nhìn toàn diện đối với sự phát triển kinh tế và tiến trình xây dựng quốc phòng cũng như có một sự hiểu biết khái quát về tình hình xã hội và chính trị của chúng tôi. Tôi cũng bố trí cho RAF giúp Edward nhìn toàn bộ quang cảnh hòn đảo từ một chiếc trực thăng. Edward đã thật sự ấn tượng và tuyên bố với giới báo chí rằng ông ta sẽ “cản trở” chính sách rút quân khỏi Đông Suez của đảng Lao động. Ông nói: “Sẽ không có bất kỳ vấn đề nào bàn đến việc lực lượng Anh rút quân hay trở về. Chỉ có một vấn đề cần bàn đến là lực lượng Anh vẫn tiếp tục ở lại và chúng tôi với tư cách là một chính quyền đảng Bảo thủ sẽ ngăn chặn cuộc rút quân”. Ông ta nói thêm rằng ông “đã ấn tượng sâu sắc bởi những thành tựu thực sự xuất sắc mà chúng tôi đã mang lại cho hòn đảo này… Nền tảng của chúng chính là niềm tin vào tương lai, hòa bình và sự ổn định trong toàn khu vực.” Tôi hy vọng các chỉ huy quân đội Anh sẽ ghi nhận những lời này và không quá vội vã rút quân.

Năm tháng sau, vào tháng 6/1970, đảng Bảo thủ thắng trong cuộc tổng tuyển cử và Edward Heath trở thành thủ tướng. Cũng trong tháng đó, Bộ trưởng Quốc phòng, Peter Carrington, viếng thăm Singapore để thông báo rằng việc rút quân sẽ tiến hành theo hoạch định, nhưng Anh vẫn để một phần lực lượng lại Singapore trên thế cân bằng với Úc và New Zealand. Về mặt cá nhân, Carrington bảo tôi rằng Anh sẽ không để lại bất kỳ đội máy bay vận chuyển hay chiến đấu nào. Sẽ chỉ có 4 máy bay giám sát Nimrod, một phi đội trực thăng Whirlwind và một tiểu đoàn sẽ đóng quân tại Nee Soon, một trong những doanh trại của họ. Sẽ có 5 tàu chiến, tàu khu trục tại các vị trí khắp vùng Đông Suez và Hiệp ước Phòng thủ Anh – Malaysia sẽ được thay thế bởi một “hiệp ước chính trị mang tính chất thương nghị”. Anh nói rõ ràng họ muốn tham gia, không phải với tư cách người lãnh đạo, mà với tư cách một thành viên “trên cơ sở bình đẳng” trong Hiệp ước Phòng thủ năm Quốc gia đã được hoạch định.

Giữa tháng 4/1971, năm thủ tướng đã gặp nhau tại London để thông qua lần cuối các hiệp ước chính trị thay thế AMDA. Những lời lẽ mang tính quyết định nhất: “Trong trường hợp bất kỳ hình thức tấn công vũ trang nào được tổ chức hay được hỗ trợ từ bên ngoài, hoặc mối đe dọa của một cuộc tấn công như thế chống lại Malaysia và Singapore, các chính phủ ngay lập tức sẽ cùng nhau hội ý để quyết định nên sử dụng biện pháp nào, cùng làm hay riêng lẻ, để giải quyết tình hình”. “Hội ý ngay lập tức” vẫn còn tốt hơn là không hội ý.

Ngày 1/9/1971, hệ thống phòng không hợp nhất đã được thành lập. Ngày 30/10/1971, AMDA được thay thế bởi FPDA. Kỷ nguyên cũ với nền an ninh được bảo hộ đã kết thúc. Từ giây phút này trở đi, chúng tôi phải tự có trách nhiệm đối với nền an ninh của quốc gia.

Song an ninh không phải là mối bận tâm duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi còn phải mưu sinh, thuyết phục các nhà đầu tư đem tiền đầu tư vào các nhà máy sản xuất và các ngành kinh doanh khác tại Singapore. Chúng tôi phải học cách tồn tại mà không có bóng dù che chở của Anh và cũng không có một nội địa nào.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx