sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 1 - Chương 04 phần 1

4

SINH TỒN KHÔNG NỘI ĐỊA

Năm 1965, vài tháng sau khi độc lập, một nhà hoạch định kinh tế do chính phủ Ấn phái đến hỗ trợ chúng tôi, đưa cho tôi một tập báo cáo dầy cộp của ông ta. Tôi xem lướt qua phần tóm tắt để biết rằng kế hoạch của ông dựa trên cơ sở khối thị trường chung với Malaysia. Tôi cám ơn ông và không bao giờ đọc lại nó một lần nữa. Ông ta không hiểu rằng nếu Malaysia đã không bằng lòng có chung một thị trường khi Singapore còn là một bộ phận của nó, thì điều đó càng khó hơn khi hiện tại chúng tôi đã độc lập. Chúng tôi đã bị tước bỏ vai trò là một trung tâm hành chính, quân sự và thương mại của Đế quốc Anh tại Đông Nam Á. Trừ phi chúng tôi có thể tìm thấy và gắn mình với một nội địa mới, bằng không tương lai thật là ảm đạm.

Một vài tuần trước, tôi đã gặp tiến sĩ Albert Winsemius, cố vấn kinh tế người Hà Lan. Ông ta vẽ ra một viễn cảnh xấu nhưng không đến mức vô vọng. Do cuộc đối đầu với Indonesia, tình trạng thất nghiệp đã tăng cao. Nếu chúng tôi tiếp tục không có thị trường chung với Malaysia, không giao thương với Indonesia, khoảng cuối năm 1966, số người thất nghiệp sẽ vượt quá 14 %. Điều này sẽ tạo tình trạng xã hội bất ổn. “Singapore đang ở tình thế nguy ngập”, ông nói. Ông ta đề cập đến một hiệp ước thị trường chung với Malaysia (không có khả năng thành công) và bắt đầu giao thương lại với Indonesia, ông cũng khuyên chúng tôi tìm những điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa sản xuất tại Singapore thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ, Anh, Úc và New Zealand.

Winsemius đã đến Singapore lần đầu tiên vào năm 1960 khi ông ta nhận sứ mệnh của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Program – UNDP) để tư vấn cho chúng tôi trong công nghiệp hóa. Tôi nhớ đến bản báo cáo đầu tiên ông ta đưa cho tôi vào năm 1961, ông đưa ra hai điều kiện tiên quyết cho sự thành công của Singapore: thứ nhất, loại trừ những người cộng sản, họ chỉ làm cho việc phát triển kinh tế trở nên không khả thi; thứ hai, không di chuyển bức tượng Stamford Raffles. Năm 1961, khi mặt trận liên kết cộng sản đang trên đỉnh cao quyền lực và đang phá hủy chính quyền của đảng PAP ngày này qua ngày khác, việc ông bảo rằng tôi nên loại trừ những người cộng sản làm tôi không nói nên lời và tôi cười vào sự vô lý trong giải pháp giản đơn của ông. Giữ lại bức tượng Stamford Raffles thì quá dễ dàng. Các đồng sự và tôi không hề ao ước viết lại quá khứ và làm cho bản thân trở thành bất diệt bằng cách đặt lại tên cho các con đường hay cho các công trình kiến trúc cũng như in gương mặt mình lên các con tem bưu điện hay lên các tờ giấy bạc. Winsemius nói chúng tôi cần học bí quyết từ Hoa Kỳ và châu Âu về cách tiếp cận thị trường, kinh doanh, quản lý và kỹ thuật trên quy mô lớn. Các nhà đầu tư muốn biết chính quyền xã hội dân chủ mới ởSingapore dự định sẽ làm gì đối với bức tượng Raffles. Để bức tượng lại sẽ là một biểu trưng cho sự chấp nhận công khai đối với việc kế thừa di sản văn hóa của người Anh, và có thể có một tác động tích cực. Tôi không nhìn nhận vấn đề theo cách đó nhưng hoàn toàn vui lòng để tượng đài lại vì ông ta là người đã sáng lập ra đất nước Singapore hiện đại. Nếu Raffles không đến đây vào năm 1819 để xây dựng nên những thương điếm, ông cố tôi hẳn sẽ không rời bỏ miền Dapu ở tỉnh Quảng Đông, phía Đông Nam Trung Quốc để nhập cư vào Singapore. Người Anh đã tạo ra một khu buôn bán để cho ông, và hàng nghìn người giống như ông, có cơ hội tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn so với nơi quê nhà vốn đầy sự hỗn độn khi triều đại nhà Thanh suy tàn và tan rã.

Giờ đây, năm 1965, chúng tôi cũng đang phải đối mặt với một tương lai quá ư ảm đạm đến nỗi tôi đã yêu cầu Kim San, Bộ trưởng Tài chính, gởi một đoàn đại biểu đại diện cho bốn hiệp hội các nhà sản xuất và phòng thương mại đến châu Phi nhằm “mở ra cơ hội cải thiện một số ngành kinh doanh”. Đoàn đại biểu đến các quốc gia Đông và Tây Phi, nhưng rất ít cuộc trao đổi buôn bán được thực hiện.

Sau khi vật lộn với khó khăn của tình trạng thất nghiệp kể từ khi chúng tôi nắm chính quyền vào năm 1959, tất cả chúng tôi, những thành viên trong nội các, đều biết rằng cách duy nhất để tồn tại là phải tiến hành công nghiệp hóa. Chúng tôi đã đi đến cái giới hạn cuối cùng của mậu dịch tái xuất khẩu. Viễn cảnh là một sự suy thoái xa hơn. Cuộc xung đột từ phía Indonesia vẫn còn tiếp diễn và người Malaysia đã quyết định phớt lờ Singapore. Chúng tôi cuống cuồng tìm giải pháp và sẵn sàng thử bất kỳ ý tưởng thiết thực nào có thể tạo ra việc làm và có khả năng giúp chóng tôi không mắc nợ. Một trong những nhà sản xuất rượu nhẹ đề nghị chúng tôi nên đẩy mạnh ngành du lịch; công việc đó cần nhiều nhân lực: nấu bếp, hầu gái, phục vụ bàn, thợ giặt, nhân viên lau dọn, hướng dẫn viên du lịch, tài xế và những thợ thủ công làm quà lưu niệm. Ưu điểm là nó đòi hỏi ít vốn. Chúng tôi thành lập Ủy ban Phát triển Du lịch Singapore và bổ nhiệm nhà công nghiệp điện ảnh, Runme Shaw của hãng Shaw Brothers, vào chức vụ chủ tịch. Ông ta là người thích hợp cho công việc này. Ông ta làm việc trong ngành công nghiệp giải trí và phim ảnh, biết cách thiết kế và thu hút khách vào các thắng cảnh cũng như biết cách tạo cho du khách niềm thích thú khi ởtrên một đất nước xa lạ. Ông cho người thiết kế một logo hình “con sư tử biển”, một con sư tử với cái đuôi của nàng tiên cá. Tôi khai trương logo đặt đứng thẳng trên nền bê tông ngay cửa sông Singapore. Tôi không giúp gì nhiều cho ngành công nghiệp du lịch trừ buổi nói chuyện tại một cuộc hội nghị đặc biệt gồm các doanh nhân và những nhà chuyên môn đến thăm Singapore. Niềm an ủi của tôi là nó đã tạo ra nhiều việc làm và đem tiền tới cho nhiều cái túi đã trống rỗng. Công nghiệp du lịch tuy đã làm giảm bớt số người thất nghiệp nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm được vấn đề.

Trước tình hình đó, chúng tôi đã tập trung làm cho các nhà máy đi vào hoạt động. Mặc dù thị trường nội địa nhỏ hẹp với khoảng hai triệu dân, chúng tôi vẫn bảo hộ các mặt hàng được lắp ráp trong nước như xe hơi, tủ lạnh, máy điều hòa, radio, tivi, máy ghi âm với hy vọng rằng sau này, chúng sẽ được sản xuất một phần tại địa phương. Chúng tôi khuyến khích các doanh nhân thành lập những nhà máy quy mô nhỏ sản xuất dầu thực vật, mỹ phẩm, nhang trừ muỗi, kem dưỡng tóc, giấy tiền vàng bạc, thậm chí cả băng phiến! Và chúng tôi có thể thu hút các nhà đầu tư từ Hong Kong, Đài Loan xây dựng các nhà máy sản xuất đồ chơi, vải vóc và quần áo.

Một sự khởi đầu không mấy triển vọng. Khu công nghiệp Jurong phía tây Singapore vẫn còn trống mặc dù chúng tôi đã chi một số tiền lớn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng tôi chịu trách nhiệm nhiều hơn về những thất bại. Nguồn nước cạn và quá yếu không cân bằng được với sự ô nhiễm nặng của nguồn nước ven biển, thế mà Ủy ban Phát triển Kinh tế (Economic Development Board – EDB) đã liên doanh tái chế sản phẩm giấy với một doanh nhân không có kinh nghiệm sản xuất. Ủy ban này còn đầu tư sản xuất mặt hàng đồ gốm khi mà chúng tôi không có bí quyết về kỹ thuật. Cả hai dự án kinh doanh đều thất bại. Chúng tôi liên doanh với IHI (Ishikawajima–Harima Heavy Industries), một xưởng sửa chữa và đóng tàu tại Jurong và bắt đầu sản xuất loại tàu lớn đủ kiểu có trọng tải 14.000 tấn và sau đó là các loại tàu chở dầu có trọng tải 90.000 tấn. Nhưng Singapore không sản xuất được thép tấm và động cơ mà phải nhập từ Nhật Bản. Sau khi sản xuất được 16 tàu lớn các loại và ba tàu chở dầu, chúng tôi ngừng hoạt động đóng tàu, chỉ còn sản xuất các loại tàu nhỏ có trọng tải 10.000 tấn. Khác với việc sửa chữa tàu vốn thu hút nhiều Lao động, việc đóng tàu không mang lại lợi nhuận.

Trong những năm đầu, bất kỳ nhà máy nào cũng được hoan nghênh. Chẳng hạn, vào tháng Giêng năm 1968, khi tôi đến London thảo luận việc Anh rút quân, Marcus Sieff, Chủ tịch công ty Marks & Spencer, đến gặp tôi tại khách sạn. Ông ta đã thấy tôi trên truyền hình BBC. Ông đề nghị rằng vì người Trung Quốc có bàn tay khéo léo, Singapore có thể sản xuất lưỡi câu và mồi nhử câu cá hồi. Đây là công việc có giá trị cao vì các sợi lông vũ phải được gắn khéo léo vào lưỡi câu. Còn nhiều những sản phẩm khác như thế không cần nhiều vốn nhưng lại tạo ra nhiều việc làm. Hệ thống bán lẻ của ông ta sẽ giúp chúng tôi tiêu thụ. Hình ảnh của tôi trên truyền hình hẳn là đau khổ và tuyệt vọng lắm đến nỗi ông ta phải bỏ thời gian để gặp tôi. Tôi cám ơn ông, song cuộc gặp không mang lại kết quả gì. Sau đó không lâu, Mustad, một nhà sản xuất lưỡi câu người Na–uy, đã thành lập một nhà máy tại Singapore, tuyển dụng hàng trăm công nhân, sản xuất ra hàng triệu lưỡi câu để câu cá hồi với mọi kích thước và kiểu dáng nhưng không gắn sợi lông vũ nào.

Mất đi khoản thu nhập từ chi tiêu của quân đội Anh vào thời kỳ 1968 – 1971 có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của chúng tôi. Nó chiếm 20 % GDP, cung cấp 30.000 việc làm trực tiếp và 40.000 việc làm khác trong các dịch vụ hỗ trợ. Tôi xác định rõ thái độ của chúng tôi đối với sự viện trợ của Anh. Với bất kỳ sự viện trợ nào, nó nên khác hẳn với thái độ của người Malta. Khi tôi đến Malta năm 1967 để xem họ sắp xếp tình hình thế nào sau sự cắt giảm lực lượng Anh, tôi đã sửng sốt. Kênh Suez bị đóng cửa do cuộc chiến Sáu Ngày giữa Ả Rập và Do Thái xảy ra ba tháng trước đó, vào tháng Sáu. Tàu thuyền không còn lưu thông qua kênh nữa. Do đó, xưởng tàu tại Malta bị đóng cửa, nhưng các công nhân bến tàu vẫn đang chơi môn polo nước trên một cái vũng tàu mà họ đã đổ đầy nước vào. Tôi ngạc nhiên trước sự phụ thuộc vào viện trợ và đặt hy vọng vào lòng từ thiện của người Anh của họ. Người Anh đã trả tiền khá rộng rãi cho các công nhân dôi thừa người Malta, bao gồm năm tuần lương cho mỗi năm làm việc và còn có cả chi phí tái đào tạo ba tháng trong các tổ chức của chính phủ. Điều này nuôi dưỡng ý thức phụ thuộc chứ không phải là một tinh thần tự lực.

Năm 1967, Healey đã hứa hẹn một cuộc “viện trợ có ý nghĩa” để bù đắp những tổn thất do cắt giảm lực lượng Anh. Tôi thuyết phục mọi người không nên có một tinh thần phụ thuộc vào viện trợ. Nếu chúng tôi muốn thành công, chúng tôi phải dựa vào chính sức mình. Thậm chí trước khi bắt đầu cuộc thương lượng về viện trợ của Anh, tôi đã phát biểu tại Nghị viện vào ngày 9/9/1967 rằng: ”Đã từng có một Singapore thịnh vượng trước khi các căn cứ được xây dựng và đóng quân. Nếu chúng ta bắt tay xây dựng đất nước bằng óc thông minh và tấm lòng tận tụy thì sẽ có một Singapore lớn mạnh hơn nữa và tự lực hơn về kinh tế sau khi các căn cứ bị cắt giảm”. Quan điểm của tôi là muốn người Anh cho chúng tôi những thông báo sớm nhất về ý định của họ đối với các cơ sở vật chất, như xưởng sửa chữa và đóng tàu hải quân, họ nên tìm ra chỗ dư thừa và chuyển giao chúng cho ban quản lý dân dụng khi vẫn còn được sử dụng cho quân đội. Kế đó, những gì mà Singapore cần là sự trợ giúp tạo công ăn việc làm cho người Lao động thông qua các ngành công nghiệp sản xuất chứ không phải là sự phụ thuộc vào những chuyến viện trợ liên tục. Tôi răn các công nhân của chúng tôi, “Thế giới không nợ chúng ta sinh kế. Chúng ta không thể sống bằng cái bát đi xin”.

Hon Sui Sen, thứ trưởng tài giỏi nhất của chúng tôi, thảo một danh sách các tài sản của Anh có thể được chuyển đổi cho mục đích dân dụng. Người Anh phác thảo kế hoạch của họ đối với 15.000 mẫu bất động sản mà họ sở hữu, chiếm khoảng 11 % so với toàn bộ lãnh thổ của Singapore. Đất sử dụng cho mục đích kinh tế hoặc quốc phòng được chuyển giao mà không tốn chi phí. Chính phủ Singapore giúp bán các phần đất còn lại trên thị trường tự do. Tuy nhiên, tháng Giêng năm 1968, trước khi việc thương lượng được kết thúc, Anh đã thông báo họ sẽ rút toàn lực lượng vào năm 1971.

Trên chuyến trở về Singapore tháng Giêng năm đó, tôi tuyên bố trên đài phát thanh, ”Nếu chúng ta là một xã hội yếu đuối, hẳn chúng ta đã bị diệt vong. Một dân tộc yếu đuối sẽ bỏ phiếu cho những người hứa hẹn một lối thoát nhân nhượng, khi thật sự không thể có điều đó. Singapore không nhận được bất kỳ cái gì miễn phí, thậm chí chúng ta phải chi trả cho ngay cả nguồn nước chúng ta sử dụng… Sẽ có một trung tâm công nghiệp, giao dịch và thương mại hoạt động mạnh mẽ và nhộn nhịp sau khi người Anh ra đi”. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng chính niềm tin và chí khí của nhân dân là yếu tố quyết định sự sinh tồn của Singapore trong trận chiến sắp tới.

Tháng 2 năm đó, chúng tôi thành lập Cục Chuyển đổi Kinh tế các Căn cứ Quân sự (Bases Economic Conversion Department) do Sui Sen đứng đầu phụ trách. Tôi đặt nó ở cấp Bộ ngay trong Văn phòng Thủ tướng để giúp Sui Sen có tiếng nói tốt hơn khi làm việc với các Bộ khác. Công việc của ông ta là tái đào tạo và tái bố trí công nhân dư thừa, tiếp nhận lấy phần đất và tài sản mà người Anh bỏ lại và sử dụng chúng theo cách tốt nhất, đồng thời thương lượng các khoản viện trợ mang ý nghĩa hỗ trợ.

Điều quan trọng là chúng tôi không được làm phát sinh sự hiềm khích hay va chạm nào trong quá trình chuyển giao tài sản và cung cấp viện trợ. Làm như thế sẽ hủy hoại niềm tin, và bất cứ sự viện trợ nào mà chúng tôi nhận cũng không thể bù đắp nổi sự tổn thất lòng tin nếu mối quan hệ với Anh trở nên xấu đi. Hơn nữa, tôi vẫn hy vọng đối với sự hiện diện phần lực lượng còn lại của Anh, Úc và New Zealand sau năm 1971. Tháng 2/1967, tôi nói với viên cao ủy Anh vừa mới đến, ông Arthur de la Mare, rằng Singapore sẽ nhận những gì mà chính phủ của ông cung cấp nhưng sẽ không thúc ép họ. Tôi yêu cầu chính phủ của ông để lại cho chúng tôi bất cứ thứ gì mà họ không sử dụng nữa thay vì phá hủy chúng. Điều này sẽ tạo nên thiện chí cũng như duy trì tình cảm ủng hộ nước Anh tại Singapore.

Khoảng tháng 3/1968, việc thương lượng đã kết thúc bằng một cuộc viện trợ trọn gói trị giá 60 triệu bảng Anh dưới hình thức hàng hóa và dịch vụ của Anh. Với sự viện trợ này, 25 % là cho không, 75 % là cho vay. Chúng tôi chi một nửa cho các dự án phát triển và một nửa cho các trang thiết bị quốc phòng của Anh. Anh đồng ý chuyển giao lại xưởng sửa chữa và đóng tàu hải quân ở Sembawang bao gồm hai xưởng đóng tàu nổi có giá trị mà Hải quân Hoàng gia có thể dễ dàng kéo đi, với điều kiện chính phủ Singapore bổ nhiệm Swan & Hunter làm đối tác quản lý trong hợp đồng thời hạn 5 năm. Tôi đã gặp Sir John Hunter khi tôi đến London tháng 6/1967, và một lần vào tháng 10 khi tôi viếng thăm xưởng tàu của ông ở Tyneside sau cuộc hội nghị đảng Lao động tại Scarborough. Người Hoa Kỳ lo lắng đối với việc duy trì sự tồn tại của xưởng tàu hải quân, nên vào tháng 1 và tháng 2 đã cho quân đội và hải quân đến kiểm tra các phương tiện. Tháng 4/1968, Sui Sen bảo tôi rằng Hoa Kỳ sẽ tiến hành sử dụng thử nghiệm các phương tiện sửa chữa tàu của Sembawang từ tháng 4 đến tháng 6/1968 và cung cấp 4 đến 5 triệu đôla Singapore cho công việc. Đó là điều đáng khích lệ nhất.

Việc dân dụng hóa xưởng tàu hải quân đã thành công. Swan & Hunter làm phát đạt cả hai xưởng tàu dân dụng của chúng tôi, ở Keppel và xưởng ở Sembawang. Khi hai hợp đồng thời hạn 5 năm kết thúc năm 1978, một trong những nhà quản lý hàng đầu của họ, Neville Watson, ở lại với Sembawang Shipyard Limited, một công ty do chúng tôi thành lập để điều hành xưởng tàu. Cuối cùng, ông trở thành chủ tịch hội đồng quản trị. Công ty phát đạt và phát triển thành Semb Corp Industries, một tổng công ty được ghi vào danh sách của Sở Giao dịch chứng khoán tại Singapore.

Blakang Mati (nghĩa là phía sau cái chết), một hòn đảo ngoài cảng Singapore, nơi cư trú của tiểu đoàn Gurkha Anh, đã trở thành “Sentosa” (sự yên bình), một thắng cảnh du lịch. Tiến sĩ Winsemius khuyên tôi dừng việc biến khu thắng cảnh đó trở thành khu huấn luyện quân đội, sòng bạc, hay một nhà máy tinh chế dầu, những dự án do nhiều bộ trưởng đề nghị lên Cục Chuyển đổi Kinh tế các Căn cứ Quân sự dưới sự phụ trách của Sui Sen. Tôi không cần thuyết phục nhiều khi phủ quyết những dự án này. Fort Canning, với các đường hầm và boong–ke, vốn là Sở Chỉ huy quân đội Anh trước khi Nhật chiếm đóng, vẫn còn được bảo tồn, các tòa nhà đã chuyển thành trụ sở câu lạc bộ vui chơi và giải trí. Các sân bay quân đội đã được dân dụng hóa phục vụ cho những chuyến bay chở khách và vận chuyển hàng nhỏ. Căn cứ không quân Changi của Không lực Hoàng gia RAF được mở rộng ra những vùng đất khai hoang và phát triển thành sân bay quốc tế Changi với hai đường băng. Khu công nghiệp liên hợp quân sự Pasir Panjang hiện nay là Trường Đại học Quốc gia của Singapore tại Kent Ridge với 26.000 sinh viên.

Bằng cách làm có phương pháp và thận trọng, Sui Sen chuyển đổi các cơ sở bất động sản cho mục đích kinh tế và đội ngũ EDB của ông thu hút các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới thành lập khu công nghiệp trên phần đất của quân đội Anh trước kia. Thật may mắn cho chúng tôi, việc chuyển giao bất động sản bắt đầu năm 1968 và hoàn thành vào thời gian năm 1971 trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973. Nền kinh tế thế giới có chiều hướng đi lên với sự gia tăng mậu dịch từ 8 % đến 10 % mỗi năm đã giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc dân dụng hóa các cơ sở quân sự.

Cuộc rút quân được tiến hành với thiện chí của cả hai bên. 30.000 công nhân giảm biên chế đã được nhận vào làm ở các khu công nghiệp mà chúng tôi thu hút đầu tư từ nước ngoài. Khi cuộc rút quân hoàn tất vào năm 1971, người dân Singapore đã hoàn toàn tự tin. Không có tình trạng thất nghiệp, không có đất hay ngôi nhà nào bị bỏ trống hoặc vô thừa nhận. Một tiểu đoàn Anh duy nhất, một phi đội trực thăng hợp cùng các tiểu đoàn Úc và New Zealand, thành lập nên FPDA, góp phần vào việc duy trì nền an ninh và ổn định của Singapore.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx