sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 1 - Chương 13 phần 1

13

QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG

Trong 40 năm qua kể từ năm 1959, ngành báo chí Singapore đã phát triển khá xa so với những định chuẩn do chính quyền thuộc địa đặt ra. Chúng tôi đạt được điều này bằng cách đặt ra những hạn chế, phần lớn cho giới truyền thông bằng tiếng Anh. Họ từng bị ảnh hưởng bởi những chủ bút và phóng viên người Anh thường là cấp trên của họ trong tập đoàn Straits Times. Phải mất nhiều năm để một thế hệ nhà báo trẻ hơn của thập niên 80 nhận ra rằng nền văn hóa chính trị của Singapore đã và sẽ giữ được nét khác biệt so với định chuẩn phương Tây. Tuy nhiên, các phóng viên của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi phong cách tường thuật và quan điểm chính trị của giới truyền thông Mỹ, luôn tỏ ra hoài nghi và nhạo báng nhà cầm quyền. Báo chí tiếng Hoa và Malay không bắt chước báo chí phương Tây. Sách lược văn hóa của họ là ủng hộ với tính cách góp ý, xây dựng các chính sách mà họ tán thành, và phê phán có cân nhắc khi họ không tán thành.

Vào những năm 90, tất cả các nhà báo tuổi dưới bốn mươi của chúng tôi đều tốt nghiệp tại các trường ở Singapore. Song, sự khác biệt giữa báo chí tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Malay vẫn còn tiếp diễn; sự khác biệt về mặt văn hóa vẫn chưa khắc phục được. Những khác biệt này dễ nhận ra qua những bài phê bình, những dòng tít, cách chọn lọc tin và việc lựa chọn thư độc giả để đăng tải. Những độc giả học hành bằng tiếng Hoa lại không có cùng quan điểm xã hội và chính trị như những độc giả họchành bằng tiếng Anh. Họ đặc biệt quan tâm đến quyền lợi cộng đồng hơn quyền lợi cá nhân.

Tờ Straits Times, tờ báo tiếng Anh quan trọng nhất khi còn do Anh làm chủ đã công khai ủng hộ những quyền lợi của họ. Tờ báo được các công ty thương mại Anh bảo trợ bằng cách cung cấp cho quảng cáo, và được chính quyền thuộc địa bảo trợ bằng cách cung cấp tin và lợi nhuận cho nó từ việc đăng tải những thông cáo chính thức. Không có tờ nhật báo tiếng Anh địa phương nào từng đạt được tỷ lệ lưu hành và mức ảnh hưởng như vậy.

Các tờ báo tiếng Hoa buộc phải tự xoay xở lấy. Những ông chủ, những nhà buôn người Hoa giàu có dùng chúng để làm tăng quyền lợi của họ. Để lôi cuốn độc giả, họ tâng bốc những tin tức về Trung Quốc, về nền giáo dục và văn hóa của người Hoa và về cuộc chiến ở Trung Quốc. Hai tờ báo chính là tờ Nanyang Siang Pau và tờ Sin Cew Jit Pob do hai dòng họ người Hoa giàu có làm chủ, song những chủ bút thuộc cánh hữu cơ hội chủ nghĩa sử dụng những nhà báo người Hoa trẻ tuổi đa phần thuộc cánh tả và một số là sử dụng những nhà hoạt động của đảng Cộng sản.

Những tờ báo viết bằng tiếng địa phương như tiếng Hoa, tiếng Tamil và những ngôn ngữ khác nhằm phục vụ cho quyền lợi cộng đồng của họ và không có bất kỳ đặc tính Singapore nào. Tờ báo tiếng Malay Utusan Melayu được viết bằng chữ Ả Rập (Jawi) là phương tiện truyền bá chủ nghĩa dân tộc Liên Malay–Indonesia.

Hầu như ngay từ đầu, tờ Straits Times đã cay cú chống đối PAP. Họ xem giới lãnh đạo phi cộng sản này như một con ngựa thành Troa[13] của những người cộng sản nói tiếng Hoa. TờNanyang Siang Pau, Siu Chew Jit Pob và nhiều tờ báo tiếng Hoa nhỏ hơn đã ủng hộ đảng PAP mạnh mẽ, vì PAP có chính sách tả khuynh và liên kết với cộng sản trong mặt trận thống nhất. Nhiều phóng viên người Hoa là những người thân cộng. Mặc cho những liên kết của chúng tôi với những người cộng sản nói tiếng Hoa, tờ Utusan Melayu vẫn tỏ ra thân thiện vì chủ bút và tổng biên tập Yusof Ishak là bạn của tôi và đã chọn tôi làm luật sư cho tờ báo. Sau này ông ta trở thành tổng thống thứ nhất của Singapore. Những kinh nghiệm trước đây ở Singapore và Malaya cho tôi sự nhìn nhận về yêu sách của báo chí đối với việc bảo vệ chân lý và tự do ngôn luận. Tự do báo chí chỉ là tự do của những chủ báo nhằm làm tăng những quyền lợi cá nhân và giai cấp của họ.

[13] Trojan horse: Người hay đồ vật dùng để làm hại một đối thủ hay kẻ thù, vốn vẫn tin một cách sai lầm là mình đang được giúp đỡ.

Khi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên cho một Singapore tự trị tiến hành vào tháng 5/1959, tờ Straits Times trở nên chống PAP kịch liệt nhằm ngăn cản không cho chúng tôi giành phần thắng và lập chính phủ. Chúng tôi quyết định đương đầu với vấn đề này. Raja là cây bút lâu năm của Straits Times. Ông ta khẳng định quan điểm của chúng tôi cho rằng tờ báo này hoạt động vì quyền lợi của người Anh. Tờ báo này do Bill Simmons, một nhà báo Anh to con, vạm vỡ trông có vẻ du côn, nhưng rất có năng lực quản lý. Simmons rất lưu tâm đến lời đe dọa trả thù tờ báo công khai của tôi nếu như chúng tôi thắng cử. Tờ báo đang chuẩn bị dời ban biên tập đến Kuala Lumpur sau cuộc bầu cử này. Vào giữa tháng 4, hai tuần trước ngày bỏ phiếu, tôi đã bắn phát súng đầu tiên: “Một nguồn tin bí mật tiết lộ rằng ban biên tập Straits Times sẽ chạy trốn về Kuala Lumpur.” Tôi vạch ra lối tường thuật thiên vị trắng trợn của những nhà báo nước ngoài da trắng của tờ báo, cảnh báo rằng chúng tôi sẽ đáp trả cho họ như những gì họ đã gây ra cho chúng tôi.

Ngày hôm sau, Raja bồi thêm bằng một đòn tấn công tờ tiếng Anh Singapore Standard do hai anh em Aw, tỷ phú người Hoa, thuộc công ty Tiger Balm (thuốc mỡ chữa bách bệnh) nổi tiếng làm chủ. Tờ Stan­dard đổi hướng quay sang chống PAP. Raja, một người đã từng làm phó tổng biên tập 5 năm của tờ báo, đã được cho biết phải chọn một trong hai: thay đổi đường lối hành động hoặc nghỉ việc. Anh ta đã nghỉ việc.

Tôi nói rằng chúng tôi khoan dung với những tờ báo địa phương đã chỉ trích chúng tôi; chúng tôi thừa nhận thiện ý của họ vì họ phải ở lại và chịu những hậu quả về cách xử sự của họ. Không giống như “những người sống rày đây mai đó điều hành tờ Straits Times”, từ bỏ nơi mà họ tuyên bố sẵn sàng chết vì tự do của báo chí ở Singapore để chạy đến Malaya. Họ sử dụng Leslie Hoffman, một người Á gốc Âu và là một người địa phương kỳ cựu nhất của họ để vu cáo tôi như sau: “Tôi không phải là người sống rày đây mai đó. Tôi, người chịu trách nhiệm về chủ trương và nội dung biên tập tờ báo này dự định sẽ ở lại Singapore cho dù ông Lý và Đảng PAP có nắm quyền đi chăng nữa, và cho dù họ có dùng pháp lệnh bảo vệ và an ninh công cộng để chống lại tôi… Nhà tôi vẫn là ở Singapore”.

Quả là những lời can đảm. Trước ngày bầu cử, Hoffman chuồn đến Kuala Lumpur. Trước đó vài ngày, diễn thuyết trong cuộc họp năm của Viện báo chí quốc tế IPI (International Press Institute) ở Tây Berlin, ông ta nói rằng những đe dọa của tôi là “sự bộc lộ của một đảng gồm những kẻ làm chính trị điên cuồng vì quyền lực”. Ông ta đòi Straits Times được “viết, phát hành và kiểm soát bởi những người Malaya sinh ra ở đó, đã ở đó suốt đời và là những người có tinh thần dân tộc chân chính và trung thành với đất nước”. Ông ta biết điều này hoàn toàn không đúng. Ông ta kêu gọi IPI “dứt khoát ngăn chặn việc một đảng nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của quần chúng đối với ý định công khai tước đi quyền tự do báo chí của nó”. Đó đúng là những gì chúng tôi có quyền thực hiện, để tìm kiếm sự ủy thác nhằm cương quyết xử lý vấn đề quyền lợi về mặt báo chí của nước ngoài, trong trường hợp này là bọn thực dân. Chính sách công khai của chúng tôi là không cho người nước ngoài sở hữu các tờ báo.

Chúng tôi thắng cử. Tờ Straits Times cùng chủ bút và những biên tập viên thâm niên của nó dời về Kuala Lumpur. Họ đã chứng minh cho nhận định của chúng tôi rằng họ là những kẻ hèn nhát, gắng sức bảo vệ quyền lợi của người Anh chứ không phải để ủng hộ tự do báo chí hoặc quyền thông tin. Sau khi chúng tôi độc lập vào năm 1965, tờ Straits Times trở về Singapore, làm một cuộc thay đổi hoàn toàn và ủng hộ PAP. Điều này đã không làm tăng thêm sự lưu tâm của tôi đối với tờ báo. Khi các chính sách ủng hộ Malay của Malaysia buộc tập đoàn Straits Times bán những hoạt động của nó ở Kuala Lumpur cho đảng cầm quyền UMNO, thì chính quyền PAP cho phép các cổ đông người Anh tiếp tục sở hữu và phát hành tờ báo ở Singapore. Simmons đi đến chỗ dàn hòa và tờ báo trở thành doanh nghiệp thương mại thuần túy, bây giờ không còn chương trình nghị sự về chính trị. Leslie Hoffman không trở lại Singapore mà định cư ở Úc.

Vì tôi muốn có sự cạnh tranh, nên tôi khuyến khích thành lập những tờ báo khác. Nhiều tờ báo đã ra đời nhưng bị phá sản. Sau hơn một trăm năm dưới sự thống trị của người Anh, tờStraits Times đã chiếm lĩnh thị trường. Tờ Singapore Standard ngừng hoạt động trong những năm 60. Vào năm 1966, tờ báo tên là Eastern Sun được tung ra bởi Aw Kow, con trai của một trong số anh em nhà Tiger Balm Aw và được biết là một tay chơi hơn là ông trùm báo chí nghiêm túc. Sau những thương lượng bí mật với các quan chức cấp cao của một cơ quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đóng ở Hong Kong, họ cho ông ta vay 3 triệu đôla Singapore với thời hạn trên năm năm cùng lãi suất buồn cười là 0,1 % mỗi năm. Đổi lại, tờ báo này không được chống đối Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về những vấn đề chính yếu và sẽ giữ trung lập đối với những vấn đề thứ yếu. Tờ Eastern Sun bị lỗ lã nặng do quản lý yếu kém. Vào năm 1968, tờ báo này nhận thêm khoản trợ cấp 600.000 đôla Singapore. Vào năm 1971, chúng tôi phanh phui ra “quỹ đen” này được tài trợ bởi một thế lực nước ngoài. Aw Kaw thừa nhận điều đó là sự thật. Ban biên tập bị xúc phạm nên đã từ chức và tờ báo bị đóng cửa.

Tờ Singapore Herald cũng có một “quỹ đen” khác. Lần này tiền từ một nguồn phi cộng sản. Bắt đầu thành lập năm 1970, tờ báo hoàn toàn do nước ngoài sở hữu, mướn biên tập viên người Singapore cùng ký giả nước ngoài và địa phương. Ban đầu, tôi thắc mắc tại sao người nước ngoài trên danh nghĩa chủ bút này muốn tạo lập một tờ báo tiếng Anh để tiến hành chống chính phủ thông qua những bài xã luận và những bản tin của nó về các vấn đề nghĩa vụ quân sự, hạn chế báo chí, tự do ngôn luận. Tờ báo đang lãng phí tiền. ISD báo cáo rằng cổ đông lớn nhất của nó là công ty Hong Kong mang tên Heeda & Company, một công ty đã đăng ký với hai tên giả. Tờ báo này sớm làm cạn kiệt 2,3 triệu đôla Singapore vốn luân chuyển của nó và ngân hàng Chase Manhattan ở Singapore gia hạn cho nó khoản vay không bảo đảm 1,8 triệu đôla Singapore. Bị thúc bách phải giải thích, chủ tịch ngân hàng David Rockefeller đã điện cho tôi từ New York than phiền rằng vị phó chủ tịch thứ hai và là giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Singapore không biết nguyên tắc hiện nay của ngân hàng là không cho báo chí vay tiền! Tôi hoài nghi điều này.

Tôi chất vấn chủ bút người Singapore mới được bổ nhiệm của tờ báo rằng ai là người đã trả tiền dưới danh nghĩa công ty Heeda & Company của Hong Kong. Ông ta nói rằng ông ta nghĩ tôi biết đó chính là Donald Stephens, vị cao ủy Malaysia ở Canberra và là cựu quốc vụ khanh của Sabah, Malaysia. Tôi hỏi liệu ông ta có tin là Stephens, người mà sau này trở thành Fuad Stephens sau khi chuyển theo đạo Hồi, liều mất một triệu rưỡi đôla cho một tờ báo thách thức chính quyền Singapore không. Ông ta cũng đồng ý rằng điều này thật khó tin.

Vào giữa tháng 5/1971, khi tôi tiết lộ cuộc nói chuyện này trước công chúng thì Stephens, người mà tôi biết rất rõ từ những ngày trong liên bang Malaysia, đã viết thư cho tôi từ Canberra rằng: “Tôi cảm thấy tôi nên nói với ông rằng động cơ duy nhất khi tôi bỏ tiền tờ vào Herald là vì tôi từng kinh doanh báo trước đó và vì tôi tin tưởng Singapore là một đất nước mà việc đầu tư của tôi sẽ được bảo đảm. Không còn trẻ nữa và tôi nghĩ nếu như chẳng bao lâu nữa tôi phải về hưu, tôi sẽ có thể kiếm sống được nhờ vào khoản đầu tư cho tờ Herald.” Ông ta không giải thích lý do tại sao ông ta không báo cho tôi biết trước về việc đầu tư của ông để tìm sự ủng hộ và che chở của tôi. Một tờ báo có ảnh hưởng đến đời sống chính trị của một đất nước. Khi một người nước ngoài, trùm báo chí người Anh Roy Thomson muốn lập một tờ báo ở Singapore vào giữa những năm 1960, đầu tiên ông ta thảo luận việc đó với tôi. Tôi đã can ngăn ông ta bởi vì tôi không muốn một người nước ngoài không có dây mơ rễ má ở Singapore lại có tác động quan trọng đối với chương trình nghị sự chính trị của chúng tôi.

Khi tờ Herald đang kiệt quệ về tài chính, nữ ký giả người Hong Kong Aw Sian, chị của Aw Kow nhưng không giống ông ta, một nhà doanh nghiệp nghiêm túc, bí mật đến giúp 500.000 đôla Singapore. Bà ta là một phụ nữ bản lĩnh và có một tờ báo tiếng Hoa ở Hong Kong. Bà ta cho tôi xem biên nhận của số tiền mà bà ta đã chuyển nhưng không có giấy chứng nhận tham gia cổ phần. Tôi hỏi liệu bà ta có ý định bỏ ra một món tiền nữa cho tờ báo không. Bà ta đáp “không” và trở về Hong Kong.

Quỹ báo chí châu Á, một chi nhánh của Viện báo chí quốc tế yêu cầu chúng tôi không được hủy bỏ giấy phép của tờ báo và mời tôi diễn thuyết tại hội nghị hàng năm của IPI tại Helsinki hồi tháng 6/1971. Trước khi đến Helsinki, tôi hủy bỏ giấy phép xuất bản của tờ báo Singapore Herald.

Nếu tôi không tham dự, hội nghị sẽ thông qua những nghị quyết tố cáo Singapore trong sự vắng mặt tôi. Tôi phát biểu quan điểm của tôi về vai trò của giới truyền thông ở một đất nước còn mới và trẻ như Singapore. Tôi cần giới truyền thông để “đẩy mạnh chứ không phải để phá hoại những giá trị văn hóa và những thái độ xã hội được củng cố ở trường trung học và đại học của chúng tôi. Các phương tiện truyền thông đại chúng có thể tạo ra một bầu không khí mà trong đó người dân trở nên hăng hái tiếp nhận kiến thức, kỹ năng, kỷ luật của những nước tiên tiến. Không có những điều này, chúng tôi không thể hy vọng nâng cao mức sống của người dân được.”

Về vấn đề sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo khác nhau ở Singapore, tôi thuật lại những bài báo và hình ảnh trên báo đã gây ra những cuộc nổi loạn làm thiệt hại nhân mạng như thế nào bằng hai thí dụ. Trong những cuộc nổi dậy mang tên “cô gái rừng xanh” ở những năm 50, tờ Singapore Standard đã quảng cáo rầm rộ về danh tiếng của một cô gái Hà Lan đã cải đạo để theo đạo Hồi của người mẹ nuôi của cô ta, đang ở tư thế quỳ gối trước tượng Đức mẹ đồng trinh. Những cuộc nổi loạn chống người Hoa vào ngày sinh nhật nhà Tiên tri Mohammed vào tháng 7/1964 xuất phát từ một cuộc vận động triền miên của một tờ báo Malay, họ liên tục rêu rao rằng thiểu số người Malay bị đa số người Hoa áp bức.

Tôi nói rằng tôi không chấp nhận việc các chủ báo có quyền đăng tải những gì họ thích. Không giống những Bộ trưởng Singapore, họ và các nhà báo của họ không do dân cử. Những lời sau cùng của tôi tại hội nghị này là: “Tự do báo chí, tự do truyền thông tin tức phải phụ thuộc vào nhu cầu cần thiết của Singapore và phụ thuộc vào mục đích quan trọng của một chính quyền được bầu”. Tôi cố gắng giữ vẻ lịch sự khi trả lời những vấn đề có tính khiêu khích.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx