sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 1 - Chương 13 phần 2

Sau một vài năm, vào năm 1977, chúng tôi thông qua đạo luật cấm không cho bất cứ người nào hoặc người được ủy quyền của bất cứ cá nhân nào nắm giữ hơn 3 % cổ phần thông thường của một tờ báo, và tạo ra một loại cổ phần đặc biệt gọi là cổ phần quản lý. Bộ trưởng có thẩm quyền quyết định những cổ đông nào sẽ được cổ phần quản lý. Ông ta trao những cổ phần quản lý này cho bốn ngân hàng địa phương lớn ở Singapore. Họ sẽ giữ thái độ trung lập chính trị và bảo vệ tính ổn định cũng như sự tăng trưởng vì những lợi ích kinh doanh của họ. Tôi không tán thành thông lệ phương Tây để cho vua báo chí định hướng cử tri nên thường xuyên đọc cái gì.

Trong những năm 80, những ấn bản tiếng Anh do phương Tây sở hữu đã trở thành một sự hiện diện có ý nghĩa tại Singapore. Công chúng đọc báo tiếng Anh ngày càng nhiều cùng với việc dạy tiếng Anh ở trường học. Chúng tôi không nghiêm cấm bất kỳ tờ báo hoặc tạp chí nào của phương Tây. Song, họ thường từ chối cải chính khi họ tường thuật sai về chúng tôi. Vào năm 1986, chúng tôi quyết định ban hành đạo luật hạn chế việc bán hoặc phân phối những ấn phẩm nước ngoài có liên quan đến nền chính trị trong nước Singapore. Một trong những thử nghiệm của chúng tôi trong việc can thiệp vào chính trị tại Singapore là họ có hoặc không đăng bài trả lời của chúng tôi sau khi họ tường thuật sai hoặc có định kiến đối với những vấn đề ở Singapore. Chúng tôi không cấm đoán họ, chúng tôi chỉ hạn chế số lượng ấn bản mà họ bán. Những người không thể mua được những ấn bản đó có thể đọc bản photocopy hoặc bản fax. Điều này làm giảm bớt khoản thu nhập về quảng cáo nhưng không ngăn chặn được việc lưu hành những bài báo của họ. Họ không thể buộc tội chúng tôi là sợ dân chúng đọc những bài báo của họ.

Ấn bản đầu tiên vi phạm điều luật này là tuần báo Time của Mỹ. Trong một bài báo ra hồi tháng 10/1986 có tường thuật rằng nghị sĩ phe đối lập bị tòa án Singapore buộc tội chuyển nhượng tài nhằm lừa gạt các chủ nợ và cung cấp chứng cứ giả mạo. Tùy viên báo chí của tôi gửi thư đính chính ba dữ kiện sai trong bài tường trình. Tờ Time từ chối công bố nó và thay vào đó họ đề nghị hai bản sửa đổi, song cả hai đều làm thay đổi ý nghĩa. Tùy viên báo chí của tôi muốn bức thư được công bố nguyên vẹn, không được thêm bớt. Khi họ từ chối, chúng tôi hạn chế việc bán tạp chí Time từ 18.000 bản xuống còn 9.000 bản, rồi sau đó còn 2.000 bản. Sau vụ việc này, tờ Time mới công bố đầy đủ bản cải chính của chúng tôi. Chúng tôi tháo bỏ hạn chế sau đó 8 tháng.

Tờ Asian Wall Street Journal (AWSJ) ra hồi tháng 12/1986 đăng tải một chuyện không có thật về thị trường chứng khoán thứ hai trong kế hoạch của chúng tôi – SESDAQ (Stock Exchange of Singapore Dealing in Automated Quotation Systems). Tờ báo này cho rằng chính phủ đang chuẩn bị nhượng lại những công ty quốc doanh vô dụng cho người dân. Ủy ban tiền tệ Singapore (MAS) viết thư phản bác luận điệu sai lạc trên. Song, tờ AWSJ không những từ chối đăng tải bức thư mà còn kêu ca rằng bài báo của họ là công bằng và chuẩn xác, rằng có một công ty vô dụng như vậy đã tồn tại và rằng bức thư của chúng tôi đã xúc phạm phóng viên của họ. Một lần nữa, MAS viết thư chỉ ra những sai lầm khác trong bài viết và yêu cầu tờ báo cho biết tên công ty vô dụng cũng như chỉ ra những đoạn văn nào trong bức thư của chúng tôi đã xúc phạm phóng viên họ. Chúng tôi yêu cầu họ công bố bức thư để độc giả có thể phán xét dùm họ. Họ từ chối nêu tên công ty vô dụng đó cũng như chỉ ra những đoạn văn bị cho là mang tính Phi báng. Vào tháng 2/1987, chính phủ hạn chế việc lưu hành ấn bản củaAWSJ từ 5.000 bản xuống còn 400 bản và cho công bố những bức thư có liên quan giữa MAS và tờ AWSJ. Báo chí Singapore công bố những bức thư trên và chúng tôi mời phóng viên bài báo kiện ra tòa nếu như anh ta thực sự bị xúc phạm, song anh ta đã không kiện.

Chúng tôi thật sự ngạc nhiên là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, như đã được tường thuật trong tờ AWSJ, đã bày tỏ lấy làm tiếc về những hạn chế đặt ra cho cả hai tạp chí AWSJ và Time. Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận những lời bình luận trên vì nếu đúng như thế thì đây là “một sự can thiệp chưa từng thấy về những vấn đề nội bộ của Singapore”. Phát ngôn viên của họ đã xác nhận như thế, song lại giữ cho chính phủ Mỹ không đứng về phe nào trong cả hai vụ việc trên. Đứng trên quan điểm công bằng, chúng tôi hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ xem liệu họ có tỏ ra tiếc về việc AWSJ từ chối công bố việc trao đổi về những bức thư không. Bộ Ngoại giao Mỹ lặp lại rằng họ không đứng về phía nào; đó chỉ là sự bày tỏ mối quan ngại về “việc cam kết cơ bản và lâu dài đối với những nguyên tắc đặt ra cho một nền báo chí tự do và không hạn chế” – điều đó có nghĩa là “báo chí được tự do công bố hoặc không công bố những gì mà họ chọn lựa dẫu rằng có tắc trách hay thiên vị thì cũng là điều có thể xảy ra”.

Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi phân tích rằng chúng tôi không bị buộc phải tuân theo luật báo chí của Mỹ. Singapore có luật lệ riêng và có quyền phản bác những tường thuật sai lạc. Các ấn bản của nước ngoài không có quyền bán hay lưu hành ở Singapore. Chúng tôi cho họ đặc quyền này nhưng với điều kiện chúng tôi có quyền cải chính lại. Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời.

Hai tuần lễ sau, tờ AWSJ viết thư cho Bộ trưởng Bộ Thông tin đề nghị được phân phối báo miễn phí cho tất cả những người đã đóng tiền đăng ký báo trước đây nhưng chưa có do lệnh cấm. Tờ báo này sẵn sàng “bỏ đi khoản doanh thu trong tinh thần giúp đỡ thương gia Singapore vốn là những người than phiền về việc thiếu tiếp cận với báo chí.” Ông bộ trưởng đồng ý, miễn là nó bỏ đi những mục quảng cáo để chứng tỏ rằng động cơ của tờ báo không phải là tăng ấn bản lưu hành và bào chữa cho những chi phí quảng cáo cao hơn của nó. Họ từ chối và cho rằng quảng cáo là phần chính của một tờ báo, và rằng sẽ có những chi phí và khó khăn về lịch giao báo phát sinh. Chúng tôi đề nghị đài thọ phân nửa chi phí phát sinh khi bỏ đi mục quảng cáo. Tờ AWSJ từ chối đề nghị của chúng tôi và chúng tôi đáp lại rằng: “Các ông đâu có quan tâm đến cộng đồng kinh doanh tiếp nhận thông tin. Các ông muốn tự do kiếm tiền bán quảng cáo”. Tờ báo đã không phản hồi.

Tháng 9/1987, tờ Asiaweek (Tuần báo châu Á) do người Mỹ sở hữu tỏ vẻ xem thường chúng tôi. Tùy viên báo chí của Bộ trưởng Nội vụ viết thư chỉ ra những sai phạm trong một bài báo của tạp chí này. Tờ Asiaweek đã đăng các đoạn trong bức thư này thành một bài báo với tựa đề “Sự thật bị bóp méo, bạn nghĩ sao?”, và quy cho tùy viên báo chí. Họ không những cắt bỏ đi những đoạn có ý nghĩa mà còn thêm vào hơn 470 từ theo giọng văn của họ, làm cho bức thư dài thêm hơn phân nửa mà không có sự đồng ý của tuỳ viên báo chí cũng như không tiết lộ điều này cho độc giả biết. Tùy viên báo chí viết thư phản bác việc sửa đổi thư của ông ta và yêu cầu công bố nguyên bản bức thư đầu tiên cũng những bức thư sau này. Tờ Asiaweek từ chối. Chúng tôi hạn chế số ấn bản lưu hành từ 11.000 xuống còn 500 bản. Một tháng sau, tờ báo này công bố bức thư nguyên bản và một năm sau chúng tôi gỡ lệnh hạn chế.

Vào tháng 12/1987, tờ Far Eastem Economic Review (Thời báo kinh tế Viễn Đông) do một người Mỹ sở hữu đã đăng tải một bài tường thuật cuộc gặp gỡ giữa tôi và vị tổng giám mục Công giáo Singapore về việc bắt giữ 22 người liên quan đến một âm mưu Mác xít. Bài báo dựa trên những lời phát biểu của một tu sĩ bỏ đạo không có mặt trong cuộc gặp gỡ. Tờ Review cho rằng tôi đã triệu tập một cuộc họp báo mà vị tổng giám mục không hề hay biết, nhằm lừa ông ta tham dự và ngăn không cho công bố một bài phát biểu của ông ta. Tờ báo này cho rằng việc bắt giữ trên là một cuộc tấn công Giáo hội Thiên chúa giáo.

Tùy viên báo chí của tôi viết thư hỏi lý do tại sao tờ báo công bố bài viết dựa trên những lời phát biểu của một người không có mặt tại cuộc họp mà không chịu kiểm chứng sự thật với vị tổng giám mục hoặc với tôi. Biên tập viên Derek Davies cho đăng bức thư này, song không trả lời lý do tại sao. Chúng tôi viết thư lặp lại câu hỏi. Biên tập viên này lại cho đăng bức thư và bổ sung rằng ở vào thời điểm đó những gì vị tu sĩ này nói đều là sự thật. Ông ta cho là về mặt pháp lý, một tờ báo có thể đăng bất cứ điều gì nó muốn dù đúng hoặc sai, miễn là nó có thể nêu ra người phát biểu. Nó không có nghĩa vụ kiểm tra để chứng minh nguồn tin là đúng, hoặc thẩm tra những sự xác nhận với những nhân chứng khác, cũng như không buộc phải trả lời về bất kỳ lời nói dối hoặc Phi báng nào được công bố. Davies quả là trâng tráo và thách thức. Chúng tôi hạn chế ấn bản tờ Review từ 9.000 bản xuống còn 500 bản và tôi truy tố ông ta cùng tuần báo ra tòa vì tội Phi báng.

Sau đó ông ta đăng một bức thư khác của vị tu sĩ bỏ đạo trên nhưng mô tả khác đi về cuộc gặp gỡ giữa tôi và vị tổng giám mục. Chúng tôi viết thư hỏi trong hai lời tường thuật về cuộc gặp gỡ này, lời tường thuật nào là chính xác. Tuần báo này cho đăng bức thư của tùy viên báo chí nhưng bị hiệu chỉnh lại với nhiều chỗ bị bỏ đi, và họ cho rằng vấn đề này đang được cứu xét. Tuy nhiên, khi chính quyền Singapore mua một cột quảng cáo của tờ Review để đăng bức thư đó thì bức thư mới được công bố, lý do cứu xét bị bỏ qua.

Tôi thắng kiện trong vụ Phi báng năm 1989, khi Davies không ra tòa để làm chứng và bị thẩm vấn. Ngay sau đó, Davies rời bỏ tờ Review.

Trước khi vấn đề giữa chúng tôi với tờ AWSJ được giải quyết, tôi được mời nói chuyện trước Hiệp hội những chủ bút người Mỹ ở Washington DC vào tháng 4/1988. Tôi nhận lời. Tôi trích dẫn tài liệu của Bộ ngoại giao Mỹ rằng “ở đâu có tự do truyền thông thì ở đó thị trường tư tưởng sẽ phân loại tư tưởng tắc trách và tư tưởng có trách nhiệm và tưởng thưởng cho tư tưởng có trách nhiệm”, và chỉ ra rằng mô hình báo chí kiểu Mỹ không phải đều có hiệu quả ở mọi nơi. Báo chí Philippines dựa trên mô hình báo chí kiểu Mỹ. Họ có tất cả những quyền tự do nhưng họ không đáp ứng được yêu cầu của dân chúng Philippines. “Một tờ báo thiên vị đã giúp cho các chính khách Philippines tuôn ra thị trường tư tưởng toàn những thứ tạp nham và làm mụ mị người dân để họ không thể nhìn thấy được những quyền lợi chính yếu của họ trong một đất nước đang phát triển.” Tôi phát biểu quan điểm của mình như sau:

Việc tranh luận những vấn đề nội bộ của Singapore là chuyện của người Singapore. Chúng tôi cho phép các ký giả Mỹ ở Singapore tường thuật những vấn đề Singapore về nước của họ. Chúng tôi cho phép những tờ báo của họ bán ở Singapore để chúng tôi có thể biết được người nước ngoài đang đọc gì về chúng tôi. Song chúng tôi không cho phép họ đóng vai trò là người giám sát, là đối thủ của chính phủ Singapore giống như họ đã làm đối với chính phủ Mỹ. Không có đài truyền hình nước ngoài nào đòi hỏi quyền phát sóng chương trình của họ ở Singapore. Trên thực tế, những quy định của Ủy ban truyền thông Liên bang Mỹ không cho phép những người nước ngoài sở hữu quá 25 % cổ phần của một đài truyền hình hay đài phát thanh. Chỉ có người Mỹ mới có thể kiểm soát được một doanh nghiệp có tác động đến dư luận ở Mỹ. Vì thế, Rupert Murdoch nhập quốc tịch Mỹ trước khi ông ta mua các đài truyền hình độc lập của tập đoàn Metromedia vào năm 1985.

Qua những vụ việc trên, người Singapore nhận ra rằng những gì báo giới nước ngoài muốn là bán báo cho công chúng của chúng tôi đọc báo tiếng Anh ngày càng tăng. Họ đã thực hiện điều này bằng cách đưa ra tin tức một cách thiên vị. Đương nhiên, họ không thích những bài báo thiên vị của họ bị loại bỏ. Khi họ phát hiện ra nếu họ vặn tay chúng tôi, đáp lại chúng tôi có thể véo mũi họ, thì việc tường thuật thiên vị trở nên ít thường xuyên hơn.

Vào tháng 7/1993, một tuần báo Anh có thế lực – tờ Economist đã đăng tải một bài viết chỉ trích chúng tôi về việc khởi tố một viên chức chính phủ, chủ bút và một phóng viên của một tờ báo theo Điều luật Bảo mật. Chúng tôi gửi thư cho chủ bút tờ báo đính chính những sai lệch trong bài báo. Tờ báo này đăng lá thư trên và xác nhận rằng lá thư “hầu như là không bị sửa đổi”. Song nó đã bỏ đi một câu then chốt là: “Chính phủ sẽ không chấp nhận việc vi phạm Điều luật Bảo mật, cũng như không cho phép bất kỳ ai miệt thị, thách thức và dần dần thay đổi luật như vụ Clive Ponting và cuốn Spycatcher của Peter Wright ở Anh.”

Đây là toàn bộ vấn đề chủ yếu của bức thư; chúng tôi không cho phép báo chí của chúng tôi thách thức và thay đổi dần dần bằng cách tạo tiền lệ bộ luật kiểm soát những bí mật của chính quyền. Báo chí Anh đã thành công trong việc thay đổi luật kiểm soát khi Clive Ponting, một công chức tiết lộ thông tin mật về vụ chiếc tàu chiến Belgrano của Achentina bị chìm trong cuộc chiến tranh Falklands, và khi Wright, một viên sĩ quan của M16 phá bỏ luật bảo mật bằng cách công bố cuốn sách của ông ta. Chúng tôi gửi thư yêu cầu chủ bút tờ Economist sửa chữa sai sót. Chủ bút này ngụy biện và từ chối. Chúng tôi đăng trong công báo và giới hạn ấn bản lưu hành ở mức 7.500 bản. Chúng tôi nói rõ số ấn bản trên sẽ càng ngày bị hạn chế và công bố việc trao đổi những bức thư. Sau đó, tờ Economist cho đăng bức thư của chúng tôi có cả câu này. Sau một thời hạn đúng luật, chúng tôi tháo bỏ hạn chế.

Bên cạnh việc đáp trả những công kích của giới truyền thông, tôi sẵn sàng mặt đối mặt với những người chỉ trích tôi. Vào năm 1990, Bernard Levin của tờ Times ở London viết một bài báo tấn công tôi gay gắt và phê phán bộ máy tư pháp Singapore. Ông ta quy kết đó là “nền cai trị tồi” và “việc nhất quyết không cho phép ai trong đất nước của ông ta coi thường ông ta”. Việc kiện Levin ra tòa ở Anh quốc, nơi mà người ta không biết đến tôi nhiều và tôi không có một cử tri nào ở đó sẽ là vô nghĩa. Thay vì thế, tôi viết thư mời ông ta tham dự cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp ở London về luận điệu của ông ta. Người chủ biên của Levin đáp lại rằng không có đài truyền hình nào hứng thú với việc này cả. Tôi đã thận trọng viết thư trước cho bạn tôi – Marmaduke Hussey – chủ tịch đài BBC, ông ta đồng ý cho nửa giờ đồng hồ và cung cấp một người hòa giải trung lập. Khi tôi thông báo điều này cho tờ Times của London, người chủ biên thay mặt cho Levin đã thoái lui, cãi lý rằng việc đáp trả của tôi nên ở trong một phương tiện truyền thông giống như Levin đã công kích tôi, ấy là tờ Times. Tôi viết thư cho Levin bày tỏ lấy làm tiếc vì ông ta đã không sẵn lòng đối chất với tôi. Khi tờ Times từ chối không chịu đăng lá thư của tôi, tôi mua nửa trang quảng cáo tờ báo Independence của Anh để đăng bức thư. Khi được phỏng vấn trên chương trình World Service của đài BBC, tôi phát biểu: “Ở đất nước tôi, nếu một người buộc tội người khác mà không sẵn sàng đối chất với người đã bị anh ta tấn công thì chẳng còn gì để nói nữa.” Từ đó về sau, Levin không viết gì về Singapore hay về tôi nữa.

Ở trường hợp khác, tôi sẵn sàng đồng ý trao đổi có ghi âm lại người chỉ trích kịch liệt, William Safire, người trong nhiều năm đã tố cáo tôi là kẻ độc tài giống như Saddam Hussein. Vào tháng 1/1999, khi cả hai chúng tôi đều ở Davos, anh ta chất vấn tôi một giờ đồng hồ. Anh ta viết hai bài báo đăng trên tờ New York Times dựa trên cuộc phỏng vấn này và còn công bố nguyên văn bản viết tay trên trang web của tờ Times. Các tờ báo Singapore đăng lại các bài báo của anh ta. Qua những lời bình luận được ghi âm của người Mỹ và những người khác đọc nguyên văn bản trên internet, cho thấy tôi không thua thiệt gì trong cuộc trao đổi này.

Nếu chúng tôi không đương đầu và đối đáp lại những chỉ trích của giới truyền thông nước ngoài thì những người Singapore, nhất là những nhà báo và giới học giả sẽ cho rằng lãnh đạo của họ lo sợ hoặc không đủ sức tranh luận và sẽ không còn tôn trọng chúng tôi nữa.

Những bước tiến trong công nghệ thông tin, truyền thanh qua vệ tinh, và internet sẽ tạo điều kiện cho mạng lưới truyền thông phương Tây làm cho khán giả trong nước đắm chìm trong những bài tường thuật cũng như quan điểm của họ. Những quốc gia nào cố ngăn chặn việc sử dụng công nghệ thông tin (IT) thì sẽ thua thiệt. Chúng tôi phải học cách quản lý dòng lũ thông tin không ngừng này để cho quan điểm của chính phủ Singapore không bị bóp chết bởi truyền thông nước ngoài. Tình trạng lộn xộn ở Indonesia và mất trật tự ở Malaysia năm 1998 theo sau cuộc khủng hoảng tiền tệ là những điển hình của việc mạng lưới truyền thông nước ngoài, cả báo điện tử lẫn báo in, đóng vai trò quan trọng trong tranh chấp nội bộ của những nước này. Chúng tôi phải tìm ra phương cách nhằm đảm bảo rằng giữa sự không hòa hợp của các tiếng nói, thì tiếng nói của chính phủ Singapore phải được người dân nghe thấy. Điều quan trọng là người dân Singapore phải biết được quan điểm chính thức của chính phủ về những vấn đề chính yếu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx