Dù sao đi nữa, cuộc gặp đó cũng đã giúp khôi phục được một mối quan hệ thân thiện cá nhân nào đó. Ông ta yêu cầu tôi giúp đỡ trong việc phát triển Langkawi, một hòn đảo ngoài khơi Kedah, thành một khu du lịch bằng cách cho hãng hàng không Singapore đưa hành khách đến đó. Hãng hàng không quốc tế Singapore khai trương một chuyến du lịch trọn gói 3 ngày ở Nhật và Úc, nhưng không thành công. Tôi bảo với ông ta rằng Langkawi không thể cạnh tranh với Penang và đảo Phuket của Thái Lan nằm gần đó, bởi vì nó không có cơ sở hạ tầng. Ông ta yêu cầu tôi thảo luận các vấn đề này với Daim.
Daim Zainuddin là một phụ tá gần gũi và là một người bạn lâu năm cùng quê Kedah với ông ta. Daim có một đầu óc nhạy bén, giỏi tính toán và quyết đoán; ông ta đã thành công trong kinh doanh trước khi trở thành bộ trưởng tài chính. Với cương vị bộ trưởng tài chính, Daim khởi xướng các chính sách đưa Malaysia thoát khỏi những xí nghiệp quốc doanh trở thành các tập đoàn xí nghiệp tư nhân kinh doanh theo hướng tìm kiếm lợi nhuận. Nếu không có sự can thiệp tích cực của ông ta, thì việc chuyển nền kinh tế Malaysia sang thị trường tự do có lẽ đã không được rộng lớn và thành công như thế. Daim là nhà thương lượng giảo hoạt nhưng luôn tôn trọng các hợp đồng đã ký.
Trước khi tôi thôi chức thủ tướng vào năm 1990, tôi đã cố gắng dọn sạch boong tàu cho người kế nhiệm của tôi. Những kẻ buôn lậu ma túy đi tàu lửa trên đoạn đường sắt Malaya từ Johor Bahru sang Singapore thường xuyên ném ma túy qua cửa sổ xe lửa cho đồng bọn đang đợi tại các địa điểm đã hẹn trước. Vì thế vào năm 1989 tôi bảo với Mahathir rằng chúng tôi dự định chuyển bộ phận hải quan và kiểm soát nhập cảnh từ trạm Tanjong Pagar ở miền Nam về Woodlands, địa điểm ở cuối đường Causeway về phía chúng tôi nhằm thực hiện việc kiểm tra ở cửa khẩu. Tôi dự kiến rằng khi việc di dời này hoàn thành, hành khách xuống tàu tại Woodlands và đón tàu hỏa, xe buýt, hoặc tắc xi của chúng tôi đi vào thành phố. Người Malaysia sẽ không hài lòng bởi vì theo luật thì vùng đất này sẽ trả về cho Singapore khi nó không còn được sử dụng cho ngành đường sắt nữa. Vì thế tôi đề nghị với Mahathir rằng chúng tôi nên cùng nhau quy hoạch lại khu vực đường sắt này. Mahathir chỉ định Daim Zainuddin thỏa thuận các điều kiện này với tôi. Sau nhiều tháng thương lượng, cuối cùng chúng tôi thỏa thuận rằng hai bên sẽ cùng phát triển 3 lô đất chính ở Tanjong Pager, Kranji và Woodlands. Phần chia cho Malaysia sẽ là 60 %, Singapore là 40 %. Những điểm chủ yếu của hiệp định (Points of Agreement – POA) được ký kết vào ngày 27/11/1990, một ngày trước khi tôi từ nhiệm. Hóa ra, tôi đã không thành công trong việc chuyển giao cho Goh Chok Tong một nhiệm sở thông thoáng.
Ba năm sau khi hiệp định được ký kết, Daim viết cho tôi nói rằng Mahathir cho đó là một hiệp định không công bằng, bởi vì nó không bao gồm khu đất đường sắt ở Bukit Timah vào dự án phát triển chung. Tôi đáp lại rằng hiệp định công bằng vì trong đó tôi đã cho Malaysia hưởng 60 % thay vì 50 % phần chia của 3 lô đất này. Đó là thỏa thuận đã ký kết giữa tôi và ông ta, vì vậy thật khó cho thủ tướng Goh khơi lại vấn đề.
Trước, trong và sau những ngày thuộc Malaysia, người Malaysia đã áp dụng hết biện pháp này đến biện pháp khác nhằm hạn chế sự tiếp cận của Singapore vào nền kinh tế của họ. Họ đánh thuế và đặt ra các luật lệ, quy định nhằm giảm hoặc cắt bỏ việc họ sử dụng cảng, phi trường và các dịch vụ khác của chúng tôi, đặc biệt là các dịch vụ tài chính. Họ chỉ đạo cho các ngân hàng của họ và những người vay vốn khác không được vay vốn của các ngân hàng nước ngoài ở Singapore, mà sử dụng các ngân hàng nước ngoài có chi nhánh hoặc ở Kuala Lumpur hoặc ở Labuan, một khu ưu đãi thuế được họ xây dựng trên một hòn đảo ngoài khơi Sabah. Họ buộc chúng tôi phải cạnh tranh hơn.
Sau năm 1990, tôi tự kiềm chế không quan hệ chính thức với tất cả các chính phủ thuộc khối Asean kể cả Malaysia, để khỏi giẫm lên công việc của thủ tướng Goh. Rất tiếc, vào tháng 1/1997, để tường trình tại tòa án về một vụ xử về tội bôi nhọ, tôi đã cam đoan trong bản khai làm chứng tại tòa rằng Johor Bahru “nổi tiếng về các vụ bắn nhau, trấn lột và cướp xe.” Lời phát biểu này gây xôn xao ở Malaysia khi bị cáo bỏ trốn đến Johor và công bố nó trước công chúng.
Chính phủ Malaysia giận dữ yêu cầu tôi rút lại lời nói và xin lỗi họ. Tôi hết sức xin lỗi. Họ không thỏa mãn và muốn lời phát biểu của tôi phải được rút ra khỏi văn kiện của tòa án. Tôi thấy chẳng có ích lợi gì nếu từ chối. Tôi đã sơ ý và đặt mình vào tình huống khó xử. Trong bản có ký tên, tôi nhắc lại lời xin lỗi chân thành và cho biết rằng tôi đã chỉ thị cho luật sư của mình xóa hết những lời xúc phạm ra khỏi hồ sơ. Nội các Malaysia nhóm họp và công bố họ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng họ đã cắt đứt tất cả các cuộc tiếp xúc song phương và thực tế là họ đã làm đông cứng các mối quan hệ. Mahathir còn nói rằng Singapore luôn luôn làm cho mọi việc trở nên khó khăn, như trong trường hợp tranh chấp về khu đất đường sắt. Hàng loạt những cuộc biểu tình phản đối và tố cáo xảy ra liên tục trong nhiều tháng, và như trong quá khứ, mối đe dọa cứ thế tăng dần cho đến khi họ đe dọa cắt hết các nguồn nước cung cấp của chúng tôi.
Từ năm 1992, hải quan và trạm kiểm soát nhập cảnh của chúng tôi đã trao đổi và thương lượng với ngành đường sắt Malaya (KTM) cũng như trạm kiểm soát nhập cảnh và hải quan Malaysia để đưa tuyến đường sắt của họ tiếp giáp với vị trí CIQ (hải quan, trạm kiểm soát nhập cảnh và trạm kiểm dịch) của chúng tôi ở Woodlands. Vào tháng 4/1992, Thủ tướng Mahathir xác nhận điều này khi ông ta viết thư cho Thủ tướng Goh, “Thực tế, chúng tôi cảm thấy rằng sẽ thuận tiện hơn cho cả hai nước nếu cùng chung một trạm kiểm soát ở Woodlands.” Tuy nhiên vào năm 1997, những người Malaysia đã viết thư nói rằng họ muốn ở lại Tanjong Pagar.
Tháng 7/1997, Singapore đáp lại rằng họ không thể ở lại Tanjong Pagar bởi vì điều này sẽ gây khó khăn nghiêm trọng về vận hành cho cả hai nước: Người dân sẽ được trạm kiểm soát nhập cảnh của họ cấp phép đến Malaysia trước khi rời Singapore. Hơn nữa, các quan chức Malaysia hoạt động trong lãnh thổ của chúng tôi trong khi các quan chức của chúng tôi không có mặt để cho phép thì họ không có quyền hành động.
Tháng 7/1998, vào phút chót của cuộc thương lượng, lần đầu tiên các quan chức bộ ngoại giao Malaysia tuyên bố rằng Malaysia có quyền hợp pháp đặt hải quan và trạm kiểm soát nhập cảnh của họ ở Tanjong Pagar. Chúng tôi cho họ 3 tháng để đưa ra những lập luận pháp lý bằng văn bản để được xem xét thích đáng. Khi thời hạn đến, họ yêu cầu gia hạn đến tháng 12/1998.
Thủ tướng Mahathir đã không làm cho điều này dễ dàng hơn chút nào khi ông ta đưa ra những lời bình luận trước công chúng trong thời gian ông ta ở Namibia. Sau khi được các nhà báo Malaysia cho xem các bài tường thuật về những thư từ và văn kiện mà các quan chức của ông ta trước đây đã gửi cho các quan chức của chúng tôi chấp thuận chuyển dời cơ quan CIQ của Malaysia đến Woodlands, ông ta đề cập đến POA và nói: “Theo ý kiến của chúng tôi, một hiệp định quốc tế được ký kết bởi hai quan chức thì chưa đủ. Những hiệp định như thế phải được các nguyên thủ quốc gia chấp thuận và được nội các và nghị viện phê chuẩn” (như được tường thuật trong các tờ báo Malaysia ra ngày 28/7/1998). Đây là một quan điểm khác thường về luật pháp. Mahathir nói thêm rằng Malaysia sẽ không chuyển dời cơ quan CIQ của họ từ Tanjong Pagar sang Woodlands, rằng: “Đó là lập trường của chúng tôi và chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ nó.” (Sau khi việc tranh chấp này trở nên công khai, trong lời phát biểu ở nghị viện hồi tháng 1/1998, Bộ trưởng Ngoại giao Jayakumar của chúng tôi đã điểm lại các tài liệu trao đổi giữa hai chính phủ).
Các nhà lãnh đạo UMNO trước đây vẫn chưa quên chiến dịch tập trung bôi nhọ, xỉ vả và dọa dẫm mà họ dựng lên để chống lại tôi vào giữa năm 1965. Rồi họ công kích tôi về việc ủng hộ một nước Malaysia của người Malaysia, đốt hình nộm tôi và đòi bắt giữ tôi. Đó là thời điểm mà họ đã kiểm soát được cảnh sát và quân đội. Tôi không thể đầu hàng. Sau đó họ quyết định đẩy Singapore tách khỏi Malaysia. Loạt pháo này chắc hẳn không nhằm giáo dục tôi. Các đồng sự trẻ của tôi hiểu loạt pháo này có chủ ý dành cho họ. Nhưng họ biết điều gì sẽ xảy ra với vị thế chính trị của họ nếu họ không vững vàng. Khi các nghị sĩ chất vấn, thủ tướng Goh và bộ trưởng ngoại giao Jayakumar trình ra trước nghị viện tất cả những sự thật về khu đất đường sắt, bao gồm cả hiệp định và các thư từ trao đổi sau đó giữa Daim và tôi. Goh tiết lộ ông ta đã nói với Mahathir rằng POA là một hiệp định chính thức và ông ta không thể thay đổi các điều khoản của nó. Tuy nhiên, trong khuôn khổ hợp tác rộng rãi hơn bao gồm cả việc cung cấp nước dài hạn, ông ta có thể thay đổi hiệp định POA. Trong cuộc tranh luận gay gắt tiếp sau đó, một thế hệ nghị sĩ trẻ hơn đã đứng lên bày tỏ thái độ. Các nhà lãnh đạo cộng đồng cũng tỏ rõ rằng họ không hề bị ấn tượng bởi những phương pháp kết bạn và cách gây ảnh hưởng với láng giềng của Malaysia.
Trong khi đang có sự trao đi đổi lại này, tôi cho phát hành cuốn hồi ký đầu tiên của tôi mang tựa đề Lịch sử Singapore, vào ngày 16/9/1998, nhân sinh nhật lần thứ 75 của tôi. Trong hai ngày chủ nhật trước khi cuốn sách phát hành, các tờ báo của Singapore đăng tải những đoạn trích mô tả các sự kiện dẫn đến việc chia tách Singapore khỏi Malaysia. Điều này làm các nhà lãnh đạo Malaysia tức giận. Hàng loạt những lời chỉ trích gay gắt, thịnh nộ và công kích thẳng thừng dồn dập từ phía họ và giới truyền thông của họ, nói rằng tôi “vô tình” trước những khó khăn về mặt kinh tế của họ, khi tôi chọn thời điểm họ đang gặp khó khăn về kinh tế để xuất bản cuốn hồi ký của mình. Tôi cũng đã xúc phạm tình cảm con cái của những nhân vật chính của những năm 60, đặc biệt là Najib Hamid Razak, con trai của Tun Razak, lúc đó là Bộ trưởng Giáo dục và Syed Hamid Albar, con trai của Syed Ja'afar Albar, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng. Họ phủ nhận sự thật trong các sự kiện trong hồi ký của tôi. Bị chất vấn tại một cuộc họp báo, tôi nói tôi đã kiểm tra và kiểm chứng các dữ kiện tôi đưa ra, rằng những từ tôi dùng đều được cân nhắc cẩn thận, và rằng tôi cược cả uy tín của mình cho tính trung thực của những gì tôi đã viết. Hai ngày sau đó, vào ngày 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng của họ ra lệnh cấm Không lực Hoàng gia Singapore bay qua không phận của họ, lệnh cấm có hiệu lực ngay tức khắc. Người Malaysia đã quyết định gây khó khăn không cho các chuyến bay của chúng tôi đến các khu vực huấn luyện của chúng tôi ở biển Nam Trung Quốc (tức biển Đông của chúng ta – ND) sau khi cất cánh từ phi trường Singapore.
Về cơ bản, động lực của các mối quan hệ Singapore – Malaysia không hề thay đổi kể từ khi chia tách vào ngày 9/8/1965. Malaysia yêu cầu chúng tôi tách ra bởi vì chúng tôi chủ trương một nước Malaysia của người Malaysia, còn họ thì chủ trương một nước Malaysia do người Malay thống trị. Một xã hội đa chủng tộc với những công dân bình đẳng là không chấp nhận được đối với các nhà lãnh đạo UMNO của Malaysia trong năm 1965 và đến năm 1999 vẫn thế. Vào tháng 5 năm đó, một nhà lãnh đạo phe đối lập Malaysia Lim Kit Siang làm sống lại khái niệm một Malaysia của người Malaysia. Mahathir phản ứng gay gắt và nói rằng đây là mối đe dọa đối với tính đồng nhất của họ (người Malay), bởi vì Malaysia trước kia được gọi là Tanah Malayu (vùng đất của người Malay). Hai tháng sau đó (theo tờ Straits Times, số ra ngày 30/7/1999) ông ta nói rằng nếu Malaysia bị buộc phải chấp nhận một hệ thống theo chế độ nhân tài như phương Tây ủng hộ, nó sẽ chấm dứt tiến trình lấp hố ngăn cách giữa các chủng tộc do chính phủ thực thi. Qua chính sách kinh tế mới, chính phủ đã trợ giúp những người Malay trong các lĩnh vực thương mại và giáo dục, và nhiều người trong số họ hiện đang nắm giữ các vị trí quan trọng, chẳng hạn như các giáo sư và các hiệu phó danh dự. Ông ta nói rằng, “Nếu chính sách này bị hủy bỏ, tôi dám chắc rằng những người Malay và những người bumiputras sẽ trở thành những người Lao động chân tay và sẽ không thể nắm giữ những vị trí cao như họ đang nắm giữ hiện nay… Nhiều người bumiputras sẽ mất việc, con cái họ sẽ không có khả năng vào được các trường đại học và sẽ không có khả năng trở thành những giáo sư hay giảng viên đại học.” Ông ta còn than vãn rằng sinh viên người Malay lẩn tránh các khóa học dựa trên cơ sở khoa học và có thiên hướng thích các môn như tiếng Malay và nghiên cứu tôn giáo.
Mahathir quyết tâm lặp lại thế cân bằng kinh tế giữa các chủng tộc. Nhưng không may, khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, nhiều nhà doanh nghiệp Malay đã bị thiệt hại nặng bởi vì họ đã vay tiền quá nhiều trong suốt thời kỳ phát triển của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Chỉ có Mahathir mới có can đảm để nói với những người Malay của ông ta (theo tờ Straits Times, số ra ngày 6/8/1999):
Trong quá khứ, đất nước đã lãng phí nhiều tiền của cho việc đào tạo các cá nhân không đủ trình độ. Chứng ta đã không tính đến năng lực của những người được tạo cho cơ hội hoặc chưa để cho họ cọ xát đúng mức với thực tế. Do đó, nhiều nỗ lực của chúng ta đã thất bại và gây nên sự lãng phí ghê gớm. Mặc dù có những người thành đạt nhưng họ vẫn không đáp ứng được những khoản đầu tư được đưa vào… Hai chính sách trước đây – Chính sách Hội đồng Kinh tế Quốc gia và Chính sách Phát triển mới – dồn trọng tâm vào việc tạo ra một lớp những doanh nhân bumiputra địa phương. Nay chúng tôi muốn tạo ra một lớp doanh nhân ngang tầm trình độ thế giới.
Vào tháng 10/1999, Mahathir kêu gọi Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên kết của người Hoa ở Malaysia giúp đỡ cácbumiputra bù đắp những thiệt hại sau cuộc khủng hoảng kinh tế bởi vì nhiều công ty của các bumiputra đang bị mắc nợ. “Các doanh nghiệp bumiputra chịu đựng những tổn thất nặng nề hơn bởi vì họ là những người mới trong lĩnh vực này và có những khoản vay khổng lồ phải trả lãi, và một số người do tuyệt vọng phải bán các công ty của họ cho các doanh nhân người Hoa” (theo tờ Star, số ra ngày 13/10/1999). “Chúng tôi không những cần giúp đỡ các doanh nhân này, mà còn cần tạo ra và đào tạo một đội ngũ mới gồm các nhà doanh nghiệp bumiputra, và vì vậy, chúng tôi cần sự hợp tác của phòng thương mại người Hoa” (theo tờ Straits Times, số ra ngày 13/10/1999). Chủ tịch của nhóm này, Datuk Kim Guan Teik, đã đáp lại, “Tôi nghĩ, là những công dân của một quốc gia đa chủng tộc, thì những người mạnh giúp đỡ kẻ yếu là phải” (theo tờ Straits Times, số ra ngày 13/10/1999).
Lúc chia tách, Tunku không nghĩ là chúng tôi sẽ thành công. Ông ta cố gắng sử dụng ba đòn bẩy để áp đặt ý chí của mình lên Singapore, đó là quân sự, kinh tế và nguồn nước. Chúng tôi chống lại đòn bẩy quân sự của ông ta bằng cách thành lập Lực lượng vũ trang Singapore. Chúng tôi khắc phục được việc họ nắm giữ kinh tế bằng cách qua mặt họ và khu vực bằng cách liên kết với các nước công nghiệp. Còn về nguồn nước, chúng tôi có những phương án như xây dựng các hồ chứa riêng của chúng tôi để cung cấp khoảng 40 % lượng nước tiêu dùng trong nước và áp dụng công nghệ hiện đại cho việc khử mặn, thấm lọc đổi chiều và tái chế nguồn nước đã sử dụng, chúng tôi có thể xoay xở được.
Nói về những vấn đề giữa Singapore và Malaysia như là “hành trang lịch sử” tức là không hiểu được thực chất của vấn đề. Nếu chỉ là “hành trang lịch sử”, thì sau hơn 30 năm qua, với tư cách là hai quốc gia độc lập, các mối quan hệ của chúng tôi lẽ ra đã ổn định. Thế nhưng nguyên nhân sâu xa của những vấn đề đang tái diễn triền miên trong các quan hệ giữa Singapore và Malaysia lại là những quan điểm tiếp cận trái ngược nhau hoàn toàn của chúng tôi khi đứng trước những vấn đề của hai xã hội đa chủng tộc của chúng tôi.
Singapore bắt đầu trở thành một xã hội đa chủng tộc với mọi công dân bình đẳng, nơi mà các cơ hội ngang bằng nhau và sự cống hiến của mỗi cá nhân được công nhận và được tưởng thưởng theo công lao không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa hay tôn giáo nào. Mặc dù khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng chúng tôi đã thành công, và các chính sách của chúng tôi đã làm lợi cho tất cả các công dân, kể cả những người Malay của chúng tôi. Chúng tôi có một tầng lớp trung lưu đang phát triển bao gồm các chuyên gia, nhà điều hành và doanh nhân, trong đó có người Malay, những người đã phát triển được một tinh thần cạnh tranh mạnh mẽ và tự hào về vị thế mà họ đã tạo dựng được cho mình nhờ vào công sức họ bỏ ra. Mỗi lần chúng tôi được xếp hạng là hãng hàng không tốt nhất ở châu Á, là sân bay số 1, cảng container số 1, điều này lại nhắc nhở những người Singapore về những gì mà một xã hội đa chủng tộc theo chế độ nhân tài có thể đạt được, tốt hơn so với những gì mà chúng tôi với tư cách một xã hội do người Hoa thống trị và thiếu sự đoàn kết có thể đạt được. Đây không phải là những gì mà giới lãnh đạo Malaysia nghĩ sẽ xảy ra khi họ yêu cầu chúng tôi tách ra vào năm 1965.
Khi các chính khách UMNO sử dụng thứ ngôn ngữ mật mã như “quan hệ đặc biệt”, hoặc “liên kết lịch sử”, hoặc “vô tình”, tức là họ đang báo hiệu rằng họ muốn Singapore có ý thức, có nghĩa vụ, cố giúp đỡ chứ không phải đứng trên căn bản các quyền hợp pháp. Các bộ trưởng người Ấn và người Hoa của Malaysia đã nói với các bộ trưởng của chúng tôi rằng cái gì chúng tôi cũng quá câu nệ theo pháp lý mà không biết cách làm việc với các nhà lãnh đạo UMNO; rằng nếu chúng tôi biết khéo xử và tin tưởng vào lời nói của các nhà lãnh đạo người Malay, thì những nhà lãnh đạo này có thể hoàn toàn thông cảm. Lời nhận xét này đã bỏ qua sự khác biệt giữa trách nhiệm của chúng tôi đối với các cử tri khác nhau của chúng tôi. Người Singapore chờ đợi chính phủ họ đại diện cho lợi ích của họ trong việc cộng tác với những quốc gia độc lập và bình đẳng.
Vì vậy, mối quan hệ giữa Singapore – Malaysia sẽ tiếp tục có những thăng trầm. Người Singapore cần tiếp nhận những sự chuyển vần này bằng sự điềm tĩnh, cũng như không quá phấn khởi khi những mối quan hệ này tốt đẹp hay không nản lòng khi các mối quan hệ này xấu đi. Chúng tôi cần những bộ thần kinh vững vàng, có nghị lực và kiên nhẫn trong khi lặng lẽ đứng lên vì các quyền của chúng tôi.
Malaysia đã cố gắng công nghiệp hóa thông qua việc thay thế nhập khẩu nhưng không thành công. Họ thấy chúng tôi đã thành công nhờ có đầu tư của các công ty đa quốc gia. Daim khuyến khích Mahathir tư nhân hóa các xí nghiệp quốc doanh làm ăn không hiệu quả của họ và mời gọi đầu tư nước ngoài; ông ta thay đổi các chính sách và đã thành công. Mahathir muốn Malaysia xuất sắc hơn, với một sân bay và một cảng container tốt hơn, một trung tâm tài chính lớn hơn, và một “siêu hành lang đa truyền thông.” Ông ta đã xây dựng một cầu tàu container hiện đại tại cảng Kelang và một siêu cảng hàng không mới dài 75km (xấp xỉ 46 dặm) ở phía Nam Kuala Lumpur. Điều này khiến chúng tôi phải xem xét lại khả năng cạnh tranh của mình, cải tiến cơ sở hạ tầng và làm việc ráo riết hơn để tăng năng suất của chúng tôi. Bỗng nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính tai hại đã giáng xuống tất cả các quốc gia trong khu vực, phá hoại tiền tệ, thị trường chứng khoán và giá trị tài sản. Rốt cuộc, cuộc khủng hoảng tự nó cũng sẽ kết thúc và sự tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục.
Mặc dù có những khác biệt giữa tôi và Mahathir, nhưng trong chín năm ông ta làm thủ tướng từ 1981 đến 1990, khi tôi rút lui, tôi đã tạo được nhiều tiến bộ hơn trong việc giải quyết những vấn đề song phương với Mahathir so với trong 12 năm trước với các Thủ tướng Tun Razak và Hussein Onn. Ông ta có tính quyết đoán và sự ủng hộ về mặt chính trị nên dẹp bỏ được những thành kiến của dân chúng đặng thúc đẩy các lợi ích của đất nước mình. Ông ta đã thúc đẩy người Malay tiến đến với khoa học kỹ thuật và tránh xa chính sách ngu đần. Ông ta có can đảm để phát biểu công khai rằng một nữ bác sĩ sử dụng cây bút chì để khám bệnh cho một bệnh nhân nam (điều mà những nhà lãnh đạo Hồi giáo muốn) không phải là cách điều trị bệnh nhân. Thậm chí vào thời điểm ông ta không được lòng dân nhất trong vụ lộn xộn do Anwar cầm đầu, người dân, đặc biệt là những người Malaysia gốc Hoa và Ấn Độ biết rằng họ không còn lựa chọn nào khác là để Mahathir lãnh đạo UMNO và Mặt trận Dân tộc. Ông ta đã giáo dục những người Malay trẻ tuổi, mở đầu óc cho họ hướng về một tương lai dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ, đặc biệt là máy tính và internet, mà tiêu biểu là siêu hành lang đa truyền thông của ông ta. Đa số người Malay, người Hoa và người Ấn Độ ở Malaysia muốn có tương lai này, chứ không phải quay theo hướng những hoạt động cực đoan của Hồi giáo.
Quan điểm của tôi dường như mâu thuẫn với kết quả của cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/1999, khi Mahathir thắng với đa số 2/3 ghế nhưng lại mất chính quyền ở các bang Kelantan và Teranganu cho đảng PAS và khoảng 20 nghị sĩ UMNO đương nhiệm. Tôi không dám chắc phải chăng đây là một sự thay đổi hướng về một xã hội nặng tính Hồi giáo hơn. Những thất bại này càng rõ nét khi xảy ra vụ sa thải Anwar Ibrahim vào tháng 9/1998, Phó Thủ tướng và là người được ông ta bảo trợ trong 17 năm qua. Bị bắt sau đó ba tuần theo Luật An ninh Nội bộ, Anwar Ibrahim bị đưa ra tòa sau đó hai tuần với một bên mắt bị bầm tím, ông ta bị buộc tội tham nhũng và bị kết án 6 năm tù giam. Sau đó ông ta bị buộc thêm tội đồng tính luyến ái. Sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai người đàn ông rất được nể trọng này quả là bất ngờ. Sự tiết lộ về những hành động ô nhục sau đó làm nhiều người Malay xa lánh, đặc biệt là giới trẻ. Vợ của Anwar đã tranh cử thắng lợi khi bà ta giành được chiếc ghế của Anwar trong nghị viện.
Khi bổ nhiệm các thành viên cho nội các mới, Mahathir nói đây sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của ông ta. Ông ta có thời gian để bố trí người kế vị thích hợp có khả năng biến sự hình dung của ông ta về một Malaysia hiện đại có công nghệ cao vào năm 2020 thành hiện thực.
Ba thập niên sau khi chia tách, các mối quan hệ gần gũi về gia đình và bạn bè vẫn còn gắn bó hai dân tộc này. Cuối cùng, dù những khác biệt giữa đôi bên có sâu xa đến mấy, thì cả hai đều biết rằng nếu họ đả kích nhau, không kiềm chế, thì có nguy cơ phá tan sự hòa hợp giữa các chủng tộc vốn đã gắn bó xã hội đa chủng tộc của mỗi nước. Cả Malaysia và Singapore đều cần một mức độ khoan dung đa chủng ngang nhau. Một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn sẽ sớm nắm quyền ở cả hai nước. Thoát được những dằn vặt của cá nhân về quá khứ, họ có thể tạo ra một khởi đầu tốt đẹp cho mối quan hệ làm việc thiết thực.
@by txiuqw4