sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 15 phần 3

Luận điệu ngớ ngẩn nhất của các menteri besar được Hussein lặp lại là phân heo từ các trang trại của chúng tôi đang làm ô nhiễm eo biển giữa Johor và Singapore. Và thật quá quắt khi họ nói rằng việc khai hoang đất đai ở bờ biển Bắc của chúng tôi đã gây ra lũ lụt cho các làng vùng duyên hải phía nam của họ ở vùng Tebrau. Tôi thận trọng giải thích rằng việc khai hoang đất đai ở bờ biển Bắc Singapore không thể gây ra lũ lụt ở Johor; về mặt thủy văn học thì điều này là không thể. Và sự ô nhiễm vì phân heo thì không thể xuất phát từ Singapore bởi vì tất cả những chất thải ra của chúng tôi đều được giữ lại ở sông và các sông của chúng tôi đều có đập ngăn để tạo ra các hồ chứa ở cửa sông, chúng tôi lại có những biện pháp chống ô nhiễm nghiêm ngặt để nước ở đó có thể uống được. Ông ta chấp nhận cách giải thích của tôi.

Bất chấp những mối quan hệ thân tình giữa tôi với Hussein, người Malaysia vẫn tiếp tục thực hiện một loạt các biện pháp mà họ cho rằng sẽ làm cho kinh tế của chúng tôi phát triển chậm lại. Trước hết, chính quyền bang Johor cấm xuất khẩu cát và than bùn. Sau đó chính phủ liên bang lại quy định rằng kể từ năm 1977, mọi mặt hàng xuất khẩu vận chuyển từ Johor đến Đông Malaysia phải bằng đường biển qua cảng Pasir Gudang, chứ không qua Singapore. Từ năm 1980, họ hạn chế việc vận chuyển hàng hóa trong nước giữa các cảng Malaysia chỉ được dùng các tàu của họ. Họ thực hiện những chính sách này mặc cho người dân họ phải trả phí cao hơn. Giới lãnh đạo Johor thuyết phục Hussein rằng chúng tôi đang ra sức gây tổn hại cho Johor và cản trở sự phát triển kinh tế của nó. Thậm chí, họ còn thuyết phục Hussein công bố trước báo chí hồi tháng 1/1979 rằng ông ta đang xem xét việc ngưng tuyến đường sắt ở Johor chứ không phải ở Singapore, nhằm phát triển Pasir Gudang trở thành một hải cảng.

Một sự cố nữa làm cho tình hình càng trở nên gay gắt thêm xảy ra hồi tháng 12/1976, sau cuộc tổng tuyển cử của chúng tôi. Các quan chức ISD phát hiện ra rằng Leong Mun Kwai, Tổng thư ký Mặt trận Nhân dân đồng thời là ứng cử viên phe đối lập đã đưa ra những lời nhận xét Phi báng chống lại tôi trong kỳ bầu cử tháng đó, bởi lẽ ông ta được Sở Đặc vụ Malaysia trả tiền để thực hiện điều này. Chúng tôi mời ông ta ra trước truyền hình để xác nhận điều này. Ông ta bị kết tội Phi báng và bị kết án 18 tháng tù giam. Leong nói với ISD rằng nhà lãnh đạo UMNO Senu Abdul Rahman, cựu Bộ trưởng Văn hóa, Thanh niên và Thể thao Malaysia trực tiếp bảo Leong rằng hãy cố gắng hủy hoại uy tín của tôi.

Về hợp tác kinh tế, tôi nói chúng tôi đang chuyển từ sản xuất các sản phẩm thô, giản đơn sang sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn bằng cách sử dụng nhiều máy móc hơn. Chúng tôi cũng đang chuyển hướng mạnh hơn sang lĩnh vực dịch vụ như sửa chữa máy bay, làm việc trên máy vi tính, v.v… Chúng tôi sẽ vui mừng nếu như các nhà máy vốn thiếu hụt Lao động của chúng tôi ở Singapore được chuyển đến Johor. Chúng tôi cũng không muốn cản trở sự phát triển của cảng Pasir Gudang của họ.

Mặc dù ông ta bị giới lãnh đạo UMNO ở Johor của mình tác động khiến ông ta nghi ngờ Singapore, song tôi thấy rằng Hussein là người công bằng. Ông ta muốn đất nước và những người giao thiệp với ông ta làm được những điều tốt lành. Ông ta không nhanh nhẹn như Razak, nhưng là người tỷ mỉ, cẩn thận và nhất quán. Ông ta cân nhắc thận trọng lời nói của mình và không bao giờ thay đổi ý định một khi đã quyết.

Vào năm 1981, Hussein bay sang London để kiểm tra sức khỏe. Người ta chẩn đoán ông bị bệnh tim và chẳng bao lâu sau đó ông ta từ chức. Ông ta trở lại nghề luật và qua đời vào năm 1990. Ông ta đã giành được sự tôn kính của tôi đối với ông về tính chính trực. Ngồi trên đỉnh của cỗ máy UMNO vốn dựa trên nền chính trị tiền bạc, nhưng Hussein lại hoàn toàn liêm khiết. Ông ta cố gắng quét sạch tham nhũng, nhất là ở các bang. Vào tháng 11/1975, ông ta cho phép khởi tố menteri besar Datuk Harun Idris ở Selangor. Harun bị kết án và bỏ tù 4 năm. Thế nhưng Hussein không thể mở rộng công cuộc thanh trừng của mình một khi phải đối mặt với sự phản kháng từ phía các nhà lãnh đạo UMNO ở các bang.

Vào tháng 5/1965, tại nghị viện ở Kuala Lumpur, tiến sĩ Mahathir Mohamad, nghị sĩ của khu Kota Star Selatan ở bang Kedah đã cảnh báo tôi về những hậu quả của việc thách thức sự cai trị của người Malay. Ông ta lên án PAP là:

Thân Trung Quốc, hướng về cộng sản và tích cực chống người Malay… Ở một số đồn cảnh sát, tiếng Hoa là ngôn ngữ chính thức và các tờ khai cũng bằng tiếng Hoa… Trong công nghiệp, chính sách của đảng PAP là khuyến khích người Malay chỉ trở thành những người lao công, người Malay cũng không được tạo thuận lợi để đầu tư… Đương nhiên điều cần nhấn mạnh ở đây là có hai loại người Hoa, một loại người Hoa hiểu được nhu cầu làm cho mọi cộng đồng đều sung túc như nhau và đây là những người ủng hộ MCA, chủ yếu sống ở những nơi mà người Hoa đã sinh sống qua nhiều thế hệ, làm ăn cùng người Malay và những người dân bản xứ khác; và một loại người Hoa hẹp hòi, ích kỷ và kiêu ngạo mà ông Lý là một ví dụ điển hình. Loại người Hoa thứ hai này sống trong một môi trường người Hoa thuần túy, nơi mà người Malay chỉ tồn tại ở đẳng cấp người giữ ngựa… Họ chưa bao giờ biết đến sự cai trị của người Malay và không thể chịu được những ý nghĩ cho rằng những người từng bị họ chà đạp xưa nay lại có thể ở vào vị trí thống trị họ.

Vào thời điểm khi mà UMNO đang đòi bắt giữ tôi và đốt hình nộm tôi, thì những lời lẽ này quả nguy hiểm. Tôi phản công lại bằng cách tuyên bố chúng tôi tán thành hiến pháp của Malaysia dành quyền cai trị cho người Malaysia chứ không phải cho người Malay. Đây không phải là một sự trao đổi nhẹ dạ trong một cuộc tranh luận lời qua tiếng lại bình thường. Ông ta có ý nói rằng tôi không biết vị thế thích đáng của mình ở Malaysia.

Trong tiểu sử tự thuật của ông ta được tờ Nihon Keizai Shimbun đăng tải thành nhiều kỳ trong năm 1995, ông ta nói rằng “dường như dòng máu của bố ông ta bắt nguồn từ bang Kerala ở Ấn Độ.” Mẹ ông ta là người Malay sinh trưởng ở Kedah. Song ông ta tự nhận mình hoàn toàn là người Malay và nhất quyết muốn đề cao tinh thần Malay.

Khi Hussein Onn chỉ định ông ta làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tôi quyết định mở rộng vòng tay đón nhận sự hợp tác hữu nghị cho tương lai, mặc dù có những bất đồng sâu sắc giữa chúng tôi trong quá khứ. Thông qua Devan Nair, người biết ông ta rất rõ từ những năm ông ta còn ở nghị viện Malaysia, tôi mời Mahathir sang thăm Singapore trong năm 1978. Tôi hy vọng Mahathir sẽ kế nhiệm Hussein làm thủ tướng và muốn để lại phía sau lưng mọi đối kháng trước đây giữa chúng tôi. Tôi biết ông ta là một đối thủ đấu tranh quyết liệt và gan lì. Tôi đã chứng kiến cách ông ta chống lại Tunku khi Tunku đang ở đỉnh cao của quyền lực. Ông ta đã bị khai trừ khỏi đảng UMNO nhưng điều đó đã không răn đe được ông ta tiếp tục cuộc chiến đấu. Tôi không phải không sẵn sàng giao chiến với ông ta khi chúng tôi còn thuộc Malaysia, nhưng mối hận thù giữa hai quốc gia có chủ quyền lại là chuyện khác. Tôi khởi xướng cuộc đối thoại này nhằm dọn sạch rác rưởi của quá khứ.

Ông ta nhận lời mời và đã thực hiện nhiều chuyến thăm Singapore. Chúng tôi có những buổi trao đổi thẳng thắn kéo dài mấy giờ đồng hồ trong mỗi chuyến thăm nhằm xua tan bầu không khí nghi ngờ lẫn nhau giữa chúng tôi.

Ông ta thẳng thắn hỏi chúng tôi xây dựng SAF (Singapore Armed Forces – Lực lượng võ trang Singapore) để làm gì. Tôi trả lời cũng thẳng thắn rằng chúng tôi sợ rằng vào một lúc nào đó có thể sẽ xảy ra một hành động tùy tiện điên rồ như cắt đứt nguồn cung cấp nước của chúng tôi, như họ đã từng công khai đe dọa mỗi khi có mối bất đồng giữa chúng tôi. Chúng tôi đâu có muốn chia tách, người ta buộc chúng tôi làm như vậy. Hiệp định chia tách với Malaysia là một phần của những điều khoản mà theo đó chúng tôi đã ra đi và đã được nộp lưu chiểu ở Liên Hiệp Quốc. Trong hiệp định này, chính phủ Malaysia đã bảo đảm nguồn cấp nước cho chúng tôi. Nếu hiệp định bị vi phạm, chúng tôi sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nếu tình trạng thiếu nước trở nên bức bách, trong tình trạng khẩn cấp, chúng tôi sẽ đi vào, bằng vũ lực nếu cần thiết để sửa chữa những đường ống cũng như máy móc bị hư hỏng và khôi phục dòng chảy của nước. Tôi đã đặt ngửa con bài lên bàn. Ông ta phủ nhận mọi hành động thiếu suy nghĩ có thể xảy ra. Tôi nói tôi tin rằng ông ta sẽ không làm điều này những chúng tôi phải đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra.

Mahathir thẳng thắn bộc lộ thái độ chống Singapore sâu sắc của mình. Ông ta thuật lại câu chuyện, hồi còn là sinh viên trường y ở Singapore, mặc dù ông ta bảo tại xế tắc xi người Hoa chở ông ta đến nhà một người bạn gái, nhưng ông ta lại bị chở đến khu ở của những người phục vụ trong căn nhà này. Đó là một sự xúc phạm mà ông ta không quên được. Ông ta nói người Singapore gốc Hoa coi khinh người Malay.

Ông ta muốn tôi cắt đứt quan hệ với những nhà lãnh đạo người Hoa ở Malaysia, đặc biệt là các nhà lãnh đạo DAP. Ông ta cam kết không can thiệp vào vấn đề người Malay ở Singapore. Tôi nói chúng tôi sẽ sống và để người khác sống, rằng tôi không còn tiếp xúc với DAP. Ông ta nói rõ ràng rằng ông ta chấp nhận một nước Singapore độc lập và không có ý định ngầm phá hoại nó. Tôi đáp lại rằng dựa trên cơ sở này chúng tôi có thể xây dựng một mối quan hệ đặt trên sự tin tưởng và tin cậy lẫn nhau. Chừng nào chúng tôi tin rằng họ muốn hại chúng tôi, thì chúng tôi sẽ luôn luôn ngờ vực và hễ thấy một hành động nào khó hiểu đều cho là động cơ xấu.

Ông ta khác với những người tiền nhiệm của mình. Tunku, Razak và Hussein Onn đều xuất thân từ dòng dõi quý tộc hoặc từ những gia đình có truyền thống cầm quyền gắn bó với các yị vua Hồi giáo. Giống như tôi, Mahathir là một người bình dân, một bác sĩ chuyên khoa và một chính khách tự thành đạt. Tôi tin rằng tôi đã làm ông ta hài lòng vì tôi không muốn dùng thủ đoạn để vượt trội ông ta. Tôi muốn có một mối quan hệ sòng phẳng. Tôi khởi xướng cuộc đối thoại này cùng như phát triển mối quan hệ làm ăn giữa đôi bên. Nếu chúng tôi cứ mang theo sự đối kháng trước đây giữa chúng tôi vào tương lai, thì cả hai quốc gia phải gánh chịu hậu qua.

Với cương vị thủ tướng, ông ta viếng thăm Singapore vào tháng 12/1981. Ông ta đã đẩy giờ ở bán đảo Malaysia lên trước nửa giờ để có một múi giờ chung cho cả Tây và Đông Malaysia. Tôi nói rằng Singapore cũng sẽ làm như vậy để tạo sự thuận tiện cho mọi người. Điều này làm ông ta vui vẻ. Ông ta giải thích rằng ông ta đã phải giáo dục các quan chức Malaysia để họ không còn chống lại việc hãng hàng không Singapore bay đến Penang. Kết quả là các khách sạn ở Penang chật kín khách và cả hai hãng hàng không đều làm ăn có lãi, thu lợi từ sự hợp tác. Ông ta đã yêu cầu các bộ trưởng và quan chức của ông ta học hỏi Singapore. Không một thủ tướng hay bộ trưởng Malaysia nào từng công khai phát biểu rằng họ có điều gì đó phải học hỏi ở Singapore; Mahathir không phải kiềm chế trong vấn đề này. Thái độ phóng khoáng học hỏi ở những người thành công nhằm rút kinh nghiệm cho Malaysia làm ông ta khác hẳn với những người tiền nhiệm.

Trong cuộc gặp riêng giữa chúng tôi, ông ta nói rằng dân Johor ganh tị với Singapore. Ông ta khuyên tôi nên giảm bớt sự đố kỵ này bằng cách tạo ra sự giao lưu ở cấp chính thức. Tôi nói Bộ trưởng Ngoại giao của ông ta Wisma Putra, phản đối sự kết thân này. Ông ta nói ông ta sẽ cho họ biết đây là đề nghị của ông ta. Đây là một sự thay đổi đáng kể về mặt chính sách. Với thái độ nhìn nhận đúng thực tế, Mahathir nói rằng sở dĩ những người Malay ở Malaysia căm ghét Singapore là vì Singapore đã trở thành một thành phố thịnh vượng của người Hoa, cũng giống như họ căm ghét người Hoa ở các thành thị Malaysia. Vậy là những người lãnh đạo ở Kuala Lumpur đã hiểu vấn đề này.

Tôi bày tỏ hy vọng thiết lập các mối quan hệ lành mạnh và bền vững để cho các vấn đề của chúng tôi sẽ không bị thổi phồng quá mức thực tế. Ông ta muốn có một mối quan hệ cởi mở và thẳng thắn, một mối quan hệ sẽ công bằng và hợp lý. Ông ta đã ra lệnh dỡ bỏ việc cấm xuất khẩu các vật liệu xây dựng sang Singapore. Điều này không được công bố, nhưng ông ta đã nói với các nhà chức trách Johor rằng đây là vấn đề của liên bang, họ không thể can thiệp vào.

Sau đó chúng tôi triệu tập họp các quan chức và bộ trưởng của chúng tôi. Về việc Malaysia đòi chủ quyền đối với đảo Pedra Branca, một đảo đá nhỏ mà Singapore đã sở hữu hơn 100 năm qua và đã dựng lên ở đó một ngọn hải đăng, ông ta nói cả hai bên nên ngồi lại và tìm cách giải quyết. Chúng tôi có thể giải quyết vấn đề này bằng cách trao đổi văn bản. Tôi đồng ý. Về vấn đề eo biển Johor, ông ta muốn ranh giới Thalweg (giới tuyến dọc theo lạch sâu nhất giữa hai bờ biển) được cố định mà không thay đổi theo sự thay đổi hay chuyển dòng của lạch. Tôi đồng ý. Tôi yêu cầu việc trả lại cho chúng tôi một doanh trại quân đội mà họ đang chiếm giữ và được quyền kiểm soát một phần khu đất thuộc đường sắt Malaya ở nhà ga Tanjong Pagar để nối dài đường cao tốc. Ông ta đồng ý. Sau bữa ăn tối, ông ta nói với vẻ hài lòng: “Hầu như tất cả các vấn đề song phương đã được giải quyết.” Tôi đáp lời rằng: “Chúng ta hãy cố giữ được như thế.” Đây là cuộc gặp tốt đẹp đầu tiên. Chúng tôi đã thiết lập được mối quan hệ.

Sau đó không lâu, cao ủy của chúng tôi ở Kuala Lumpur báo cáo đã có sự cải thiện rõ rệt trong thái độ của các bộ trưởng, nghị sĩ và công chức Malaysia đối với Singapore. Họ sẵn sàng học hỏi Singapore và nói công khai về vấn đề này. Họ khen ngợi phi trường Changi và hy vọng Subang được một nửa Changi cũng là tốt rồi. Có nhiều chuyến thăm Singapore hơn để nghiên cứu năng suất, quy hoạch đô thị và các vấn đề khác của chúng tôi.

Tôi thăm Mahathir ở Kuala Lumpur trong năm sau, năm 1982. Trong một cuộc gặp riêng kéo dài hai tiếng đồng hồ, chúng tôi chuyển từ việc giải quyết các vấn đề song phương sang đàm phán khu vực về các hợp tác mới. Về Hiệp định Phòng thủ 5 nước (Five Power Defence Agreement – FPDA) và Hệ thống Phòng thủ Phòng không Hợp nhất, Mahathir nói đây là đối trọng với các căn cứ quân sự của Liên Xô ở Việt Nam. Tôi nói với ông ta rằng chúng tôi đang mua 4 máy bay giám sát Hawkeye E2C của Mỹ để báo động sớm những cuộc tấn công không phận Singapore. Chúng tôi cũng chỉ dẫn tường tận cho các bộ trưởng và các quan chức của mình biết về các vấn đề mà chúng tôi thỏa thuận, kể cả việc Malaysia khẳng định rằng họ sẽ tôn trọng hiệp định cung cấp nước năm 1962, theo đó họ sẽ cung cấp 1 triệu m3 nước mỗi ngày cho Singapore.

Cuộc gặp này rõ ràng là niềm nở hơn những cuộc gặp lần trước. Cách tiếp cận Singapore của Mahathir mang tính chất thực dụng hơn. Tại một cuộc họp báo, tôi nói rằng đã diễn ra một cuộc gặp của trí tuệ, rằng chúng tôi đang sánh bước nhịp nhàng. Các mối quan hệ được cải thiện dẫn đến những mối quan hệ cá nhân thắm thiết hơn giữa các sĩ quan lực lượng vũ trang của chúng tôi, lĩnh vực mà trước kia hầu như không có tiếp xúc.

Sự tan băng này không kéo dài. Mối ác cảm và đố kỵ đối với Singapore luôn cám dỗ các nhà lãnh đạo Malaysia khiến họ tìm kiếm sự đồng tình của thường dân người Malay bằng cách công kích Singapore. Tệ hơn nữa, chính phủ Malaysia tiếp tục có những biện pháp gây tổn hại cho Singapore. Vào tháng 1/1984, họ quy định thu thuế 100 ringgit mỗi xe chở hàng từ Malaysia đi Singapore.

Hai tháng sau đó, ở Singapore, tôi hỏi Phó Thủ tướng Malaysia Musa Hitam lý do tại sao họ thực thi biện pháp không khuyến khích việc tái bố trí các ngành công nghiệp từ Singapore sang Malaysia của các công ty đa quốc gia Nhật và Mỹ. Các công ty đa quốc gia này đã thiết lập các xưởng lắp ráp điện tử ở Johor nhằm đưa những sản phẩm này đến Singapore tiếp tục những khâu phức tạp hơn. Khoản thuế 100 ringgit là một dấu hiệu cho thấy việc tái bố trí cơ sở công nghiệp nói trên không được khuyến khích. Musa đáp lại rằng đó là một phần của quá trình học hỏi. Ông ta tin rằng đã có ai đó gợi ý đây là cách kiếm thu nhập dễ dàng nhưng họ sẽ khám phá ra được những hàm ý rộng lớn hơn. Song Musa không có ảnh hưởng đối với chính sách của Mahathir. Thay vì hủy bỏ việc đánh thuế, họ đã tăng từ 100 lên 200 ringgit nhằm hạn chế việc sử dụng cảng Singapore.

Vào tháng 10 năm đó, Malaysia giảm thuế nhập khẩu cho một loạt các loại thực phẩm, hầu hết nhập từ Trung Quốc, với điều kiện chúng được nhập trực tiếp từ quốc gia xuất xứ vào Malaysia. Chúng tôi nói với bộ trưởng tài chính của họ, Daim Zainuddin, rằng việc làm này vi phạm các quy tắc của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, và rằng chúng tôi sẽ phải báo cáo về điều đó. Ông ta đã sửa đổi chính sách để miễn thuế quan cho các loai hàng hóa nhập khẩu bằng đường biển và đường hàng không, nhưng không miễn thuế cho các loại hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, chẳng hạn như qua đường Causeway. Rõ ràng biện pháp này nhằm chống lại Singapore.

Năm 1986, Bộ trưởng Ngoại giao chúng tôi công bố rằng theo lời mời của tổng thống chúng tôi, Tổng thống Israel Chaim Herzog sẽ thăm chính thức Singapore vào tháng 11 năm đó. Ở Malaysia, người ta phản đối kịch liệt, và đã diễn ra các cuộc biểu tình và những cuộc phản đối bên ngoài trụ sở cao ủy của chúng tôi ở Kuala Lumpur, ở các bang của họ và ở khu vực Causeway. Họ đã phản đối một cách chính thức. Daim, nhân vật thân cận của Mahathir, nói với cao ủy của chúng tôi rằng chuyến thăm này là một sự xúc phạm đối với Malaysia và những người theo đạo Hồi. Ông ta nói rằng mặc dù Mahathir đã phát biểu trong nghị viện rằng họ sẽ không can thiệp vào công việc của nước khác, song về mặt cá nhân, ông ta rất buồn. Tôi bảo cao ủy của chúng tôi giải thích rằng chúng tôi đã công bố chuyến viếng thăm và không thể hủy bỏ nó mà không gây tổn hại cho chính chúng tôi. Mahathir triệu hồi cao ủy Malaysia ở Singapore về trong thời gian có chuyến viếng thăm của tổng thống Herzog, và nói rằng quan hệ với Singapore không còn tốt đẹp nữa, nhưng không có nghĩa là căng thẳng.

Thỉnh thoảng, bất cứ khi nào người Malaysia muốn các thứ theo cách đó, thậm chí về những vấn đề hoàn toàn nằm trong phạm vi các quyền riêng của chúng tôi, thì các mối quan hệ với Malaysia lại bị căng thẳng. Những gì họ muốn, nói theo ngôn ngữ Malay, gọi là mối quan hệ abang–adik (anh cả – em út), trong đó người em út phải nhượng bộ một cách tử tế. Khi những lợi ích không quan trọng bị đe dọa, chúng tôi sẵn sàng chiều theo ý anh cả, nhưng khi không phải như thế, thì em út có những lợi ích chính đáng phải bảo vệ, như trong vấn đề nảy sinh sau đó là vấn đề người Malay trong Lực lượng vũ trang Singapore (SAF) ở Singapore.

Vào tháng 2/1987, con trai Loong của tôi lúc đó là Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp kiêm Thứ trưởng Bộ quốc phòng đã trả lời một câu hỏi về người Malay trong SAF tại một buổi họp chính thức của khu vực bầu cử. Những người Malay của chúng tôi đang chất vấn các nghị sĩ tại sao chúng tôi không có những quân nhân người Malay nắm giữ các vị trí trọng yếu trong SAF, chẳng hạn như không quân hoặc các đơn vị thiết giáp. Nội các quyết định đưa vấn đề này ra công khai. Loong nói rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, SAF không muốn bất kỳ người lính nào của họ bị đặt vào tình thế khó khăn, nơi mà lòng trung thành với đất nước có thể mâu thuẫn với những tình cảm và tôn giáo của anh ta. Chúng tôi không muốn bất kỳ người lính nào cảm thấy anh ta đang chiến đấu không phải cho một sự nghiệp chính nghĩa, hoặc tệ hơn là anh ta có thể cảm thấy anh ta đang ở về phe không chính nghĩa. Khi nào bản sắc dân tộc của chúng tôi trở nên phát triển hơn, thì sẽ đỡ rắc rối. Giới truyền thông Malaysia xem lời phát biểu trên ngụ ý rằng Malaysia là kẻ thù. Một loạt những bài báo chỉ trích liên tiếp được đăng tải.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Rais Yatim nêu lời phát biểu này với Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi. Ông ta nói rằng, trong vấn đề này Malaysia là một “trại giam của quân đội”, bởi vì người Hoa ở Malaysia chỉ có đại diện ở một quy mô nhỏ trong lực lượng vũ trang và trong các cấp bậc cao nhất của bộ máy dân sự. Ông ta thêm vào, MCA hiểu và chấp nhận điều này, và rằng các chính sách của Malaysia dựa trên sự thống trị của người Malay. Vì thế, Malaysia không thể chỉ trích Singapore về vấn đề này. Tuy nhiên, đưa những rắc rối này ra công khai đã tạo ra các áp lực nội bộ mà các nhà lãnh đạo UMNO phải ứng phó lại, bởi vì thật khó khăn cho những người Malaysia gốc Malay không gắn bó được với người Singapore gốc Malay. Song chúng tôi không bao giờ chỉ trích chính sách của họ là lực lượng vũ trang của họ do người Malay thống trị.

Sau này, vào tháng 10/1987, tôi gặp Mahathir tại hội nghị nguyên thủ các quốc gia Khối Thịnh vượng chung ở Vancouver. Ông ta nói rằng tất cả những điều mà ông ta muốn thực hiện với sự hợp tác của tôi đều đã hỏng hết. Chúng bắt đầu để vỡ khi có chuyến thăm Singapore của Herzog, sau đó là vấn đề người Malay trong SAF. Vào tháng 4/1987, hai tàu công kích với 4 nhân viên của SAF do sơ suất đã tiến vào con sông nhỏ Sungei Melayu đối diện Singapore, thuộc hải phận Malaysia trong vòng 20 phút. Malaysia lên tiếng phản đối. Bốn người nói trên bị nghi ngờ làm gián điệp. Tôi xin lỗi vì sự sơ suất của họ nhưng nói rõ họ không thể làm gián điệp khi đang mặc quân phục. Mahathir nói ông ta không thể đến Singapore để gặp tôi bởi vì bầu không khí đang trở nên căng thẳng. Ông ta gợi ý chúng tôi nên có một vài phi công người Malay để chứng tỏ cho người Malay ở Malaysia thấy rằng chúng tôi tin tưởng người Singapore gốc Malay và rằng chúng tôi không xem Malaysia là kẻ thù. Ông ta nói tất cả các chính phủ đều phải giả vờ; Malaysia thường xuyên phủ nhận việc phân biệt đối xử với người Hoa trong lực lượng vũ trang Malaysia. Singapore cũng nên công khai phủ nhận các chính sách của chúng tôi về vấn đề người Malay trong SAF. Vì những mối quan hệ tốt đẹp giữa Singapore và Malaysia, ông ta khuyên tôi rằng chúng tôi nên tự cư xử sao cho không làm cho người Malay ở Malaysia buồn phiền về người Malay ở Singapore.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx