sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 16 phần 2

Băng giá trong các mối quan hệ tan nhưng rất chậm chạp. Tháng 7/1970 chúng tôi cử Lee Khoon Choy sang làm đại sứ ở Jakarta. K.C., nói theo cách các bạn bè của Le Khoon Choy gọi ông ta, là người giỏi ngôn ngữ, thông thạo tiếng Bahasa Indonesia, và quan tâm đến nghệ thuật và văn hóa Indonesia. Ông ta hoạt động tích cực và thành công. Ông ta đối xử như bạn bè với các tướng lĩnh hàng đầu của Indone­sia. Họ là các cố vấn thân cận nhất của Suharto. Họ muốn hiểu chúng tôi và đã tìm thấy ở K.C. một người phiên dịch thân thiện và có nhiều mối quan hệ. Dần dần K.C. đã tạo được một sự thông hiểu trong quan hệ cá nhân và giành được sự tin cậy của họ.

Tháng 9 năm đó, tại cuộc họp thượng đỉnh của Phong trào Không liên kết tại Lusaka, lần đầu tiên tôi gặp Suharto khi chúng tôi đến đây để tham dự hội nghị. Sau đó tôi đến thăm Suharto ở biệt thự riêng của ông ta. Chúng tôi nói chuyện vui mất nửa giờ và sau đó trao đổi về quan điểm tiếp cận đối với vấn đề Campuchia và Việt Nam. Ông ta hỏi quan điểm của tôi về sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam và chăm chú nghe. Một sự rút lui của Mỹ – tôi nói – sẽ liên quan nghiêm trọng đối với sự ổn định trong khu vực. Thắng lợi của cộng sản ở Việt Nam và Campuchia có khả năng dẫn tới những thay đổi ở Thái Lan, nước có chính sách truyền thống là điều chỉnh và thích nghi với các lực lượng mới. Ông ta đồng ý với tôi. Chúng tôi nhận thấy chúng tôi có chung một số quan điểm về các chiều hướng phát triển và nguy cơ trong khu vực. Đó là sự bắt đầu tốt đẹp trong vòng nửa giờ đồng hồ.

Một bước tiến lớn được thực hiện khi Thiếu tướng Sudjono Hoemardani thăm tôi hồi tháng 4/1971. Ông ta rất mê tín và là một trong những người thân tín của Suharto về các vấn đề thần thánh và huyền bí. Khi đứng trước những quyết định lớn – K.C. báo cáo – Suharto thường cùng Hoemardani đến một hang động đặc biệt để thiền trước khi quyết định. Chúng tôi không thảo luận gì quan trọng trong một giờ đồng hồ bằng tiếng Bahasa Indonesia, nhưng viên thư ký của ông ta bảo với K.C. rằng ông ta cực kỳ hài lòng về cuộc gặp. Hoemardani nghĩ rằng tôi “cứng rắn, hợm hĩnh và kiêu ngạo” nhưng lại thấy tôi “thân thiện, thẳng thắn và tốt bụng.”

Một năm sau, vào tháng 3/1972, K.C. thu xếp cho Trung tướng Soemitro, người đứng đầu Bộ chỉ huy An ninh Quốc gia, lặng lẽ ghé vào thăm mà không cho đại sứ biết. Ông ta không muốn Bộ Ngoại giao biết sứ mệnh bí mật của mình đối với Tổng thống. Soemitro nói tiếng Anh. Ông ta đi thẳng vào vấn đề. Suharto muốn làm rõ những mối nghi ngờ về lập trường của Singapore trong một số vấn đề và muốn nghe chính tôi nói.

Ông ta nói rõ quan điểm của Indonesia về eo biển Malacca, cho rằng các quốc gia trên bờ eo biển này phải có quyền kiểm soát đối với nó. Tôi bảo rằng đã nhiều thế kỷ nay đây là vùng biển quốc tế và là cơ sở cho sự sống còn của Singapore. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng Indonesia và Malaysia thực hiện các biện pháp do các tổ chức quốc tế khuyến nghị về an toàn và an ninh của eo biển này. Nhưng chúng tôi không muốn bị lôi cuốn vào bất kỳ hành động nào nhằm giành quyền kiểm soát eo biển hay thu phí giao thông mà có thể dẫn tới xung đột với người Nga. người Nhật và các quốc gia có kỹ nghệ hàng hải lớn. Soemitro đáp lại rằng Indonesia sẽ tiến hành các biện pháp nhằm thực hiện chủ quyền của mình đối với eo biển này; ông ta nói nếu người Nga cố giữ thái độ cứng rắn thì Indonesia sẽ không do dự trong việc đối đầu. Chắc rằng thấy tôi lúc đó có vẻ không tin nên ông ta nói tiếp bằng một giọng nghiêm nghị rằng người Nga có thể cố chiếm đóng Indonesia và họ sẽ không thành công.

Một tháng sau đó Suharto cử tướng Panggabean, vị Bộ trưởng Cao cấp nhất của ông ta và là tướng phụ trách các vấn đề an ninh, quốc phòng, sang gặp tôi. Ông ta người Batak thuộc đảo Sumatra nên tính khí bộc trực, thẳng ruột ngựa; tác phong khác hẳn cung cách trầm lặng kiểu vùng Trung Java của Suharto.

Ông ta nói rằng Indonesia đã phí hoài những thời gian quý giá lẽ ra phải được dùng vào việc phát triển kinh tế. Bây giờ lực lượng vũ trang phải giúp ích cho việc phát triển kinh tế toàn diện của đất nước. Ông ta muốn Singapore, với tư cách là nước tiên tiến hơn về kinh tế, sẽ bổ sung cho các nhu cầu của họ. Tôi bảo đảm với ông ta rằng chúng tôi có mối quan tâm cố hữu là muốn được nhìn thấy Indonesia phát triển.

Họ đã mời Keng Swee sang Indonesia vào tháng 10/1972 vì biết rằng ông ta là đồng nghiệp gần gũi nhất của tôi. Ông ta thấy họ bớt nghi kỵ hơn sau các cuộc gặp của tôi với ba vị tướng hàng đầu của họ. Hơn nữa, các cuộc tiếp xúc tình báo đều đặn giữa S. R. Nathan người đứng đầu cơ quan tình báo của chúng tôi, và vị đồng chức của phía Indonesia, Trung tướng Sutupo Juwono, đã khiến họ tin rằng chúng tôi có cùng quan điểm với họ về những vấn đề lớn.

Giai đoạn này đã sẵn sàng cho chuyến thăm của tôi, dự kiến vào tháng 5/1973; chuyến đi này đã được chuẩn bị cẩn thận. Trích dẫn lời các tướng lĩnh Indonesia, K.C. báo cáo về “một trở lực nghiêm trọng về tình cảm đối với tình hữu nghị chân thành.” Để có được một quan hệ hữu nghị thực sự với tổng thống Suharto, câu chuyện treo cổ hai thủy thủ kia phải được khép lại bằng một cử chỉ ngoại giao để xoa dịu “lòng tin của người Java vào linh hồn và lương tâm trong sáng.” Họ đề nghị sau khi đến viếng các tướng lĩnh bị giết hại trong cuộc đảo chính 1965, trong thời gian đặt vòng hoa chính thức tại Nghĩa trang các Anh hùng Kalibata, tôi sẽ rắc hoa lên mộ hai thủy thủ (bị Singapore hành hình – ND). K.C. nghĩ rằng đây là chiếc chìa khóa cho việc cải thiện các mối quan hệ bởi vì các tướng lĩnh Indonesia rất coi trọng cử chỉ này. Tôi đồng ý.

Khi tôi tới nơi, vào sáng ngày 25/5, tôi được nghênh đón bởi một đội danh dự đầy đủ các thành phần: bộ binh, hải quân, không quân và cảnh sát. Họ sắp hàng thẳng tắp để duyệt danh dự; tôi còn được nghênh đón bằng 19 phát súng chào. Đấy là tín hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đang lật sang trang mới. Một tờ báo của họ đăng xã luận nhận xét “dường như đã phải mất một thời gian dài để thực hiện chuyến bay một giờ đồng hồ từ Singapore sang Jakarta sau những chuyến thăm khác nhau tới Liên hiệp Vương quốc Anh, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Đài Loan. Chỉ sau khi đi hết đó đây khắp thế giới, Lý Quang Diệu mới tới Indonesia thực hiện một chuyên thăm chính thức.” Vị biên tập đó nói đúng. Trước hết tôi phải chứng minh rằng Singapore có thể tồn tại mà không cần sống nhờ vào các nền kinh tế của Indonesia và Malaysia. Chúng tôi không phải là tầm gửi, sống được chỉ nhờ vào các nước láng giềng của mình. Chúng tôi tự liên kết với các nước công nghiệp, biến mình thành đối tượng hữu ích đối với họ, sản xuất các sản phẩm của họ bằng công nghệ của họ, sau đó xuất khẩu các sản phẩm này ra khắp thế giới. Chúng tôi đã thay đổi phương trình về sự sống còn.

Cuộc gặp có tính quyết định là cuộc gặp với Suharto, một cuộc gặp tay đôi mà ông ta gọi là empat mata (bốn mắt). Chỉ có hai chúng tôi, không có phiên dịch hay thư ký ghi chép gì cả; chúng tôi có thể nói thẳng. Tiếng Malay của tôi đủ dùng cho mục đích này. Mặc dù tôi không nói được tiếng Bahasa Indonesia trang nhã nhưng tôi có thể hiểu ông ta và làm cho ông ta hiểu mình. Chúng tôi bàn luận hơn một giờ đồng hồ.

Suharto nói rõ quyết tâm thúc Indonesia chuyển mình sau 20 năm bê trễ. Ông ta nói ông ta hiểu rõ rằng Singapore có thể giúp ông ta trong nhiệm vụ hết sức nặng nề tái thiết Indonesia và thừa nhận phẩm chất của lãnh đạo Singapore. Ông ta cho tôi cảm giác rằng có khả năng ông ta sẽ đối xử với chúng tôi một cách đúng đắn, thậm chí thân mật, dựa trên sự đánh giá có tính hiện thực những mặt tương đối mạnh và những yếu kém của hai nước chúng tôi.

Về phần mình, với thái độ lịch sự, tế nhị, tôi đã làm rõ một điều rằng chúng tôi mong là một bộ phận của Đông Nam Á vì là chúng tôi có quyền như vậy chứ không phải do sự bất đắc dĩ phải chấp nhận. Chúng tôi không thể nhượng bộ về những lợi ích căn bản như tự do lưu thông trên eo biển Malacca. Hợp tác kinh tế phải là trên cơ sở có qua có lại hợp lý chứ không phải thứ quan hệ mà các nhà lãnh đạo Indonesia áp dụng với những người cukong gốc Hoa của họ. (Những nhà “tư sản mại bản” này phải thỏa mãn các nhu cầu của các ông chủ để đổi lấy những đặc quyền hay các giấy phép mà nhờ đó họ trở nên giàu có). Tôi nói cốt lõi trong các mối quan hệ là vấn đề liệu chúng tôi có tin nhau trong các ý định lâu dài không.

Ông ta nói rõ ràng Indonesia không có yêu sách đối với Singapore hay Malaysia mà chỉ đòi chủ quyền đối với các lãnh thổ trước đây thuộc vùng Đông Ấn của Hà Lan. Ông ta quyết tâm tập trung vào phát triển Indonesia chứ không phải vào những cuộc phiêu lưu ở nước ngoài. Quan trọng hơn cả là ông ta không tin những người cộng sản, đặc biệt là cộng sản Trung Quốc, những người trước đây là nguyên nhân của nhiều sự rắc rối ở Indonesia. Tôi nói những người cộng sản Trung Quốc quyết tiêu diệt chúng ta thông qua bàn tay những kẻ đại diện cho họ đó là Đảng Cộng sản Malaysia. Tôi quả quyết rằng họ sẽ không thành công. Tôi không muốn ảnh hưởng của Trung Quốc mở rộng xuống Đông Nam Á. Đó là điểm ăn ý với ông ta. Ông ta tiếp nhận lòng thành của tôi về vấn đề này.

Tôi nhìn thấy ở ông một con người thận trọng, chín chắn, hoàn toàn trái ngược với Sukarno. Ông ta không phải là người thích phô trương. Ông ta không trình bày nhằm gây ấn tượng với người khác bằng những lời hùng biện hay những mề đay mặc dù ông ta có nhiều thứ đó. Ông ta giữ thái độ bề ngoài thân thiện, khiêm nhường nhưng rõ ràng là một người có đầu óc cứng rắn, không khoan nhượng trước bất kỳ sự chống đối nào đối với những việc ông ta quyết định làm. Tôi thích ông ta và cảm thấy rằng mình có thể quan hệ hòa hảo với ông ta.

Một năm sau đó, vào tháng 8/1974, Suharto đáp lại chuyến thăm của tôi. Tại sân bay tôi đã dành cho ông ta một sự nghênh đón như ông ta đã dành cho tôi ở Jakarta bằng 21 phát đại bác và một đội danh dự 400 người lấy từ quân đội hải quân, không quân và cảnh sát. Điểm nổi bật của chuyến thăm này là việc trao đổi các văn kiện phê chuẩn liên quan đến biên giới lãnh hải giữa Singapore và Indonesia. Một lần nữa cuộc gặp cốt yếu lại là cuộc gặp empat mata với Suharto. Ông ta nêu các quan điểm của mình bằng tiếng Bahasa Indonesia, không có ghi chép. Ông ta say mê bày tỏ những gì mình suy nghĩ trong đầu, đến nỗi hai lần nghỉ uống trà và ăn bánh đã làm cho ông ta khó chịu. Trước hết là “khái niệm quần đảo”. Giống như các quốc gia đảo khác, Indonesia đòi quyền tài phán lãnh thổ đối với vùng nước giữa các đảo của mình. Các thành viên Asean phải đoàn kết và thống nhất trong việc ủng hộ (Indonesia – ND). (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á được thành lập tháng 8/1967 tại Bangkok với Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapore và Thái Lan là các thành viên). Sau đó ông ta đánh giá các khó khăn và triển vọng về kinh tế của Indonesia.

Tôi đáp lại rằng trong khái niệm quần đảo thì điều Singapore quan tâm hơn hết là tự do lưu thông. Chúng tôi là một bộ phận của Đông Nam Á. Chúng tôi đã bị tách khỏi Malaysia. Chúng tôi buộc phải tạo ra một cơ sở mới cho sinh kế của mình và điều đó đòi hỏi phải có những con đường huyết mạch trên biển liên thông với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tây Âu. Bất kỳ trở ngại nào đối với sự lưu thông trên biển cũng sẽ giết chết chúng tôi. Bởi vậy chúng tôi có thể ủng hộ khái niệm quần đảo với điều kiện Indonesia ra một tuyên bố công khai về tự do lưu thông hàng hải truyền thống. Chúng tôi không đưa ra yêu sách về dầu mỏ hay các nguồn khoáng sản nào khác ở đáy biển.

Ông ta yêu cầu tôi cho biết quan điểm của mình về cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi nói triển vọng đã trở nên bi quan kể từ khi chúng tôi gặp nhau cách đây một năm. Nixon đã từ chức và Tổng thống Ford dù có muốn gì đi nữa thì Quốc hội Mỹ cũng đã quyết tâm cắt giảm 50 % viện trợ cho Việt Nam và Campuchia. Tôi không tin là hai chế độ này sẽ tồn tại lâu. Ông ta có vẻ buồn trước sự đánh giá ảm đạm đó của tôi.

Tôi sợ rằng sau khi Việt Nam (ý nói Nam Việt Nam – ND) và Campuchia trở thành cộng sản thì tình hình không ổn định ở Thái Lan sẽ gây nên những vấn đề sâu sắc cho Malaysia và Singapore. Singapore có thể có trên 75 % số dân là người Hoa nhưng chúng tôi là một bộ phận của Đông Nam Á. Tôi sẽ không để cho Trung Quốc hay Nga lợi dụng chúng tôi. Tuyên bố của tôi khiến ông ta yên tâm rõ rệt.

Ngày hôm sau, khi nói chuyện với trên 1000 kiều dân Indonesia tại đại sứ quán Indonesia, trước sự hiện diện của báo chí, ông ta nói rằng do tri thức công nghệ hạn chế của nước mình mà chính phủ Indonesia đang tìm kiếm sự giúp đỡ kỹ thuật và vốn đầu tư từ mọi nơi, kể cả Singapore. Bằng cách công khai tiếp nhận Singapore như một nhà nước độc lập, bình đẳng, một quốc gia có sự đóng góp làm cho Indonesia phát triển, ông ta đã báo hiệu một sự thay đổi lớn trong thái độ đối với Singapore.

Sau sự sụp đổ của Phnom Penh và Sài Gòn, tôi gặp Suharto vào tháng 9/1975 ở Bali. Những người cộng sản đang chiếm ưu thế và cơn triều cường này trông như sẽ tràn khắp phần còn lại của Đông Nam Á. Razak đã thăm Bắc Kinh hồi tháng 5/1974 và đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Malaysia đã công nhận chính phủ Khmer Đỏ ở Phnom Penh ngay sau khi họ chiếm được thủ đô. Suharto nói với giọng thất vọng rằng ông ta đã nói cho Razak biết về những kinh nghiệm tồi tệ của Indonesia với Bắc Kinh bằng cách đề cập tới sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc đảo chính hụt của Đảng Cộng sản Indonesia tháng 9/1965. Trước đó ông ta cũng đã nói như thế với Thủ tướng Thái Lan Kukrit Pramoj ở Jakarta. Thế nhưng tháng 6/1975, hai tháng sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Kukrit đã thăm Bắc Kinh và thiết lập quan hệ ngoại giao. Suharto thấy tình hình đang trở nên tồi tệ hơn tại Malaysia và Thái Lan. Nếu Asean tiếp tục những chính sách khác nhau như vậy, từng nước một tự ý vội vã dành sự công nhận cho tân chính phủ ở Việt Nam và Khmer Đỏ, thì ông ta tin rằng ý chí chống cộng sản (ở Indonesia – ND) sẽ tiêu tan. Ông ta ghi nhận rằng Singapore và Indonesia có quan điểm tương tự và tự thấy mình gần gũi về tinh thần. Chúng tôi không phản ứng quá mức bằng cách ve vãn Đông Dương hay có những bài phát biểu hoa mỹ như Tổng thống Marcos vừa qua đọc tại Bắc Kinh, ca ngợi chế độ cộng sản ở đó.

Mặc dù trong tâm trí của chúng tôi, vấn đề an ninh của Asean là trên hết nhưng chúng tôi nhất trí rằng Asean nên chú trọng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và chính trị và đưa an ninh xuống hàng thứ yếu. Chúng tôi sẽ hợp tác một cách lặng lẽ, đặc biệt về vấn đề tình báo. Indonesia và Singapore nên củng cố khả năng của mỗi nước và chờ thời gian thuận lợi hơn cho hợp tác kinh tế. Ông ta không nhắc tới Đông Timor, lãnh thổ mà sau đó hai tuần Indonesia đã chiếm đóng. Đấy là một cuộc gặp tốt đẹp. Khi phải đối mặt với những sự đảo ngược trong khu vực, các phản ứng của chúng tôi giống nhau.

Nhưng ba tháng sau đó, vì Singapore bỏ phiếu trắng về vấn đề chiếm đóng Đông Timor của Indonesia tại Liên Hợp quốc, một lần nữa không khí lạnh nhạt lại bao trùm lên các mối quan hệ của chúng tôi. Các thành viên khác của Asean đã bỏ phiếu ủng hộ Indonesia. Các nhà lãnh đạo quân đội của Indonesia tẩy chay các cuộc chiêu đãi của chúng tôi ở Jakarta nhân ngày Lực lượng Vũ trang Singapore và Quốc khánh. Tham tán của chúng tôi ở Jakarta báo cáo rằng một số tướng lĩnh nói: Suharto giận dữ hơn nhiều so với hồi hai thủy thủ Indonesia bị treo cổ.

Một năm đã trôi qua trước khi quan hệ cá nhân được nối lại qua chuyến thăm Singapore của Suharto – không chính thức – ngày 29/11/1976. Tôi nói Singapore sẽ không đặt chướng ngại vật cản trở quan hệ thường ngày của Indonesia với Timor; chúng tôi chấp nhận Timor là một phần của Indonesia, nhưng chúng tôi không thể công khai tán thành sự xâm lược và chiếm đóng nó. Ông ta chấp nhận lập trường của tôi cho rằng nếu chúng tôi bỏ phiếu ủng hộ Indonesia tức là chúng tôi đã truyền cho thế giới một tín hiệu sai về an ninh của chính mình.

Điều làm hài lòng ông ta lại là một vấn đề không liên quan; tôi đồng ý cung cấp cho ông ta – một cách không chính thức – các số liệu thống kê của chúng tôi về thương mại để giúp họ cắt giảm “buôn lậu”, nhưng yêu cầu ông không được công bố các số liệu đó. Ông ta muốn các số liệu này được công bố. Tôi giải thích rằng phân loại thống kê của chúng tôi khác với của họ do vậy công bố công khai sẽ gây ra hiểu lầm nhiều hơn. Suharto tin tưởng rằng ông ta có thể kiểm soát được báo chí Indonesia. Cuối cùng ông ta đồng ý xem xét kỹ các hậu quả lâu dài nếu công bố các số liệu trước khi thực hiện biện pháp này. Tiếp theo, chúng tôi đồng ý về một liên kết viễn thông ngầm dưới biển giữa Singapore và Jarkata; các chi tiết kỹ thuật sẽ do các quan chức tính toán.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx