sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 16 phần 3

Mặc dù cuộc gặp của chúng tôi diễn ra tốt đẹp, đại sứ của chúng tôi ở Jakarta, Rahim Ishak, cảnh báo rằng người Indonesia, cả lãnh đạo và dân chúng, đều coi người Singapore như người Trung Quốc. Ông ta nói rằng thái độ của Indonesia đối với Singapore xuất phát từ cảm giác của họ đối với người Indonesia gốc Hoa. Hễ có bất bình ở Indonesia – ông ta cảnh báo – là Singapore trở thành kẻ bung xung tiện lợi. Nhận xét đó đã chứng tỏ giá trị tiên tri của nó khi Indonesia bước vào khủng hoảng trong những năm 1998–1999.

Điều may tốt lành cho chúng tôi là tư chất, tính khí và các mục tiêu của Tổng thống Suharto đã cho phép tôi phát triển các mối quan hệ cá nhân với ông ta. Ông ta là người ít nói, lịch thiệp, kỹ tính về hình thức và nghi lễ. Tính cách của ông ta phù hợp với cách ông ta thăm dò cẩn thận và đánh giá lập trường của tôi trước khi tôi tới thăm Jakarta. Sau cuộc gặp thứ hai, chúng tôi đã tin tưởng nhau. Vì chúng tôi đã gặp nhau trong nhiều năm, tôi thấy ông ta là người nói sao làm vậy. Ông ta ít hứa hẹn nhưng đã hứa là làm. Điểm mạnh của ông ta là nhất quán. Ông ta lớn hơn tôi ba tuổi, khuôn mặt và cái mũi đều bành to; có vẻ hơi lầm lì khi mới tiếp xúc nhưng khi đã biết nhau ông ta thường hay cười và cười thoải mái. Ông ta ăn ngon lành, đặc biệt là món tráng miệng nhưng cố kiểm soát trọng lượng của mình thông qua đi bộ hoặc chơi gôn. Mặc dù ông ta nói năng điềm đạm, nhỏ nhẹ, nhưng ông ta sẽ trở nên khá sôi nổi một khi bàn về các vấn đề quan trọng. Ông ta không phải là trí thức nhưng ông ta có khả năng lựa chọn các nhà kinh tế và các nhà quản trị có năng lực làm các bộ trưởng của mình, ông ta chọn các nhà kinh tế do trường Berkeley đào tạo như Giáo sư – Tiến sĩ Widjojo Nitisastro và Ali Wardhana, là những người đã mở cửa Indo­nesia cho đầu tư và thương mại nước ngoài, và dần dần làm cho nó trở thành một trong những nền kinh tế mới phát triển thành công.

Tình hữu nghị của chúng tôi đã vượt qua nhiều định kiến giữa người Singapore gốc Hoa và người Indonesia. Suốt thập niên 70 và 80, hầu như năm nào chúng tôi cũng gặp nhau để giữ mối liên hệ, trao đổi quan điểm và thảo luận những vấn đề nảy sinh. Tôi thường giải thích rằng ngôn ngữ và văn hóa là những vấn đề tình cảm khó xử buộc tôi phải xử lý một cách tế nhị. Tiếng Anh là ngôn ngữ chung của chúng tôi nhưng cuộc vận động “Nói tiếng Quan thoại” là cần thiết vì người Hoa ở Singapore nói trên bảy phương ngữ khác nhau. Cũng tương tự, người Singapore gốc Malay và Indonesia đã bỏ tiếng Java, tiếng Boyan, tiếng Sundan và chỉ dùng tiếng Malay. Vì để cổ vũ đội bóng bàn Trung Quốc đấu với Indonesia, các nhóm thân Trung Quốc đã nhao nhao la hét om sòm. Điều đó thật ngu xuẩn. Các nhóm này thậm chí còn la ó các đấu thủ bóng bàn Singapore là các đấu thủ của chính nước mình khi họ đấu với các đấu thủ đến từ Trung Quốc, các quán quân thế giới. Ông ta đồng ý quan điểm của tôi cho rằng qua một thời gian dài những người Hoa ở Singapore sẽ trở thành người Singapore trong thế giới quan của họ.

Suharto muốn phát triển Batam, một hòn đảo cách Singapore 20km (khoảng 12 hải lý) về phía Nam và có diện tích bằng 2/3 diện tích Singapore, thành một Singapore thứ 2. Năm 1976 ông ta đề nghị tôi giúp Indonesia phát triển Batam. Batam không có hạ tầng cơ sở thích đáng và chỉ có một số dân nhỏ bé là ngư dân. Ông ta cử vị cố vấn kỹ thuật mới được bổ nhiệm của mình là tiến sĩ B. J. Habibie sang gặp tôi. Sứ mệnh của Habibie là phát triển Batam. Tôi khuyến khích ông ta sử dụng Singapore như một nguồn động lực, nhưng giải thích rằng Batam cần có kết cấu hạ tầng như đường sá, nước, điện và viễn thông, và cần gỡ bỏ các cản trở hành chính. Nếu Habibie có thể thuyết phục các bộ trưởng thương mại và kinh tế Indonesia tài trợ dự án này thì tôi hứa thực hiện việc lưu thông hàng hóa và con người giữa Batam và Singapore mà không bị ách tắc vì quan liêu để Batam có thể tự gắn mình liên thông với nguồn lực kinh tế Singapore.

Giới báo chí Indonesia phải mất mấy năm trời mới nhận ra rằng đầu tư tại Batam phải là công việc của các doanh nhân vì chỉ có họ mới biết được những gì khả thi và sinh lãi. Ớ Indonesia, tất cả các dự án lớn đều là kết quả đầu tư của chính phủ dù đó là nhà máy chế biến thép, hóa dầu hay nhà máy xi măng. Tôi buộc phải nhiều lần giải thích rằng chính phủ Singapore có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc di chuyển vốn, nguyên vật liệu và nhân sự giữa Singapore và Batam, và có thể khuyến khích nhưng không thể ra lệnh các nhà thầu đầu tư.

Tôi cố thuyết phục Suharto cho phép các công trình đầu tư 100 % vốn nước ngoài ở Batam nếu các sản phẩm của họ hoàn toàn dành cho xuất khẩu. Khi chúng tôi gặp nhau vào tháng 10/1989, Suharto nói ông ta sẽ cho phép các hãng sản xuất hoàn toàn để xuất khẩu được có 100 % vốn nước ngoài trong 5 năm đầu nhưng sau đó họ sẽ phải chuyển giao một phần vốn cho người Indonesia. Như vậy là không hấp dẫn bằng chính sách của Singapore nhưng cũng đủ để lôi kéo một số nhà máy ở Singapore chuyển sang Batam vì họ cảm thấy đang phải chịu sức ép của chi phí cao hơn tại nước này. Một trong những công ty liên doanh với chính phủ của chúng tôi là Tổng công ty Công nghiệp – Kỹ nghệ Singapore đã thành lập một liên doanh với một tập đoàn Indone­sia để phát triển một khu công nghiệp tập trung ở Batam, rộng 500 hecta và tích cực vận động các công ty đa quốc gia cũng như các nhà công nghiệp của chúng tôi đầu tư. Kết quả rất thành công. Tính đên tháng 11/1999, khu công nghiệp này đã có được những dự án đầu tư với tổng giá trị 1,5 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 74.000 người Indone­sia. Liên doanh này vẫn tiếp tục phát triển mặc dù Indonesia đã lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính trong năm 1997.

Điều này đã dẫn tới sự hợp tác trên các đảo lân cận như đảo Bintan và đảo Karimun. Sau đó Suharto đề nghị chúng tôi nối luồng cho 7 triệu du khách hàng năm vào tham quan Singapore sang thăm Indonesia. Hợp tác du lịch mở rộng khắp nước Indonesia, với hãng hàng không của chúng tôi được quyền bay tới các điểm du lịch mà chúng tôi cùng hợp tác phát triển.

Cũng như phần lớn mọi việc khác, ở đây cũng có mặt tiêu cực của nó. Nhiều đối tác Indonesia của chúng tôi là người Hoa nên đã gây ra một sự căm ghét ngấm ngầm. Chúng tôi cố tìm được các đối tác Indonesia là người bản địa mà họ gọi là pribumi nhưng có khó khăn vì giới doanh nghiệp thành đạt của họ lại là người Hoa. Tuy nhiên, chúng tôi đã có được những liên doanh với một số doanh nhân gốc bản địa.

Trong tất cả các lần chúng tôi gặp nhau, Suharto và tôi luôn luôn dành thời gian cho những cuộc gặp empat mata. Khi đó chúng tôi có thể thảo luận tự do, không hạn chế, và tôi thường kiểm nghiệm các ý tưởng của chúng tôi, những ý tưởng mà ông ta có thể bác bỏ thẳng thừng, không chút e ngại. Làm như vậy là chỉ vì mối quan hệ và lòng tin. Tôi đã bảo đảm với ông ta rằng chúng tôi sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chừng nào Indonesia chưa làm như vậy. Do đó trước khi Singapore trao đổi văn phòng thương mại với Trung Quốc, tôi đã gặp trực tiếp ông ta để giải thích rằng đây chỉ là sự trao đổi đại diện thương mại để tạo điều kiện dễ dàng cho hoạt động mậu dịch và không nâng lên tầm đại diện ngoại giao. Ông ta chấp nhận.

Đến giữa thập kỷ 80, Indonesia đã nghiêng hẳn về phía quan điểm cho rằng trong thực tế chúng tôi đã kiên trì đứng dậy vì lợi ích của mình với tư cách là những người Đông Nam Á; còn lâu chúng tôi mới ủng hộ Trung Quốc. Quan hệ kinh tế của chúng tôi cũng đã được cải thiện. Họ đã mở tất cả các cảng của mình cho mọi tàu thuyền ra vào và nới lỏng các quy định về nhập khẩu và xuất khẩu. Họ không còn ấp ủ mối hoài nghi về “buôn lậu” sang Singapore. (Tất nhiên lại có những than phiền mới. Họ than phiền là các nhà buôn Indonesia đang buôn lậu từ Singapore sang Indonesia các mặt hàng điện tử và hàng tiêu dùng bền chắc để tránh nộp các khoản thuế nhập khẩu cao. Nhưng đấy là vấn đề của hải quan Indonesia, họ không thể đổ lỗi cho chúng tôi). Đồng thời vai trò của Singapore làm trung gian cho Indonesia buôn bán với Trung Quốc cũng không thành vấn đề nữa vì Indonesia đã mở mậu dịch trực tiếp với Trung Hoa.

Quan hệ tốt đẹp ở cấp cao nhất giữa Suharto và tôi đã dọn đường cho Benny Moerdani, Bộ trưởng Quốc phòng và An ninh của Indonesia trong thập kỷ 80, đề nghị và thực hiện việc phát triển Khu Liên hợp Vũ khí Phòng không Siabu gần thị trấn Pekan Baru trên đảo Sumatra, để cho không quân của hai nước sử dụng. Khu huấn luyện này được chính thức khai trương bởi hai tổng trưởng quốc phòng hai nước vào năm 1989, đánh dấu một cột mốc trong quan hệ quân sự của chúng tôi.

Khi tôi gặp Suharto tại lễ tang Nhật hoàng Hirohito ở Tokyo hồi tháng 2/1989, ông ta thông báo với tôi về một bước phát triển sẽ dẫn Indonesia tới chỗ khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng tuyên bố rõ ràng và công khai rằng họ sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Indonesia, ở cấp đảng với đảng hoặc chính phủ với chính phủ. Sau khi Indonesia khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào tháng 8/1990, Singapore cũng làm như vậy khi tôi viếng thăm Bắc Kinh vào tháng 10 năm đó.

Ít ngày trước lúc tôi từ chức Thủ tướng, tôi đã gặp Suharto khi tôi ở Tokyo để dự lễ lên ngôi của Nhật hoàng Akihito vào tháng 11/1990. Bà Ibu Tien, phu nhân của Suharto, không tin là tôi muốn rút lui trong khi tôi còn dồi dào sức lực, khỏe mạnh và trẻ hơn chồng bà ta ba tuổi. Tôi giải thích rằng Singapore chưa bao giờ có được một sự thay đổi về thủ tướng, vả lại đối với tôi tốt hơn là rút lui vào thời điểm mà mình tự lựa chọn, khi tình hình còn rất thuận lợi.

Quan hệ song phương của chúng tôi qua những năm từ 1965 trở đi phụ thuộc trước hết vào việc đánh giá lẫn nhau và học cách cùng tồn tại. Bao giờ cũng có những vấn đề phải khắc phục nhưng chúng tôi đã giải quyết được những vấn đề đó, hoặc lách tránh chúng hoặc tạm gác chúng sang một bên để giải quyết sau. Nhìn về quá khứ thì thấy với một tổng thống Indonesia có tư chất và tính cách giống Sukarno hơn, hẳn sẽ khó tiếp cận và cùng làm việc. Và lúc đó thì lịch sử của thời kỳ này hẳn sẽ khác đối với Indonesia và chắc rằng cũng khác đối với toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Phu nhân Suharto đã qua đời vào tháng 4/1996. Khi vợ tôi cùng tôi thăm ông ta vào tháng 11 năm đó, trông ông ta buồn rầu và đau thương. Đến tháng 6/1997, khi chúng tôi gặp ông ta lần tiếp theo tại Jakarta thì ông ta đã lấy lại được tinh thần nhưng có một sự thay đổi đáng kể. Các con của ông đã gần gũi với ông hơn. Khi chúng tôi gặp các con gái của Suharto tại một lễ cưới của Hoàng gia ở Brunei vào ngày 18/8/1996, thì thấy họ đeo châu báu đầy người. Choo nhận xét với phu nhân đại sứ chúng tôi rằng hiện tượng này trước kia Choo chưa hề thấy. Vợ ông đại sứ biết rõ các cô gái này nhờ đã ở Jakarta nhiều năm trong những lần chồng bà công tác trước đây. Bà ta nói rằng mẹ họ khi còn sống đã can ngăn họ nhưng sau khi bà ta qua đời thì những lời can ngăn ấy cũng biến mất, và các con gái của bà ta đang phô trương các thứ châu báu mà mình có.

Không ai nghĩ sẽ có khủng hoảng của đồng rupia của Indonesia. Khi ngân hàng trung ương Thái Lan ngừng bảo vệ đồng bạt vào ngày 2/7/1997 thì tác động xấu lan tới tất cả các đồng tiền của khu vực bởi vì một sự hoảng loạn đã bao trùm lên các nhà quản lý quỹ khiến họ bán đổ bán tháo các cổ phiếu và các đồng tiền của khu vực. Bộ trưởng Tài chính Indonesia đã khôn ngoan kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF giúp đỡ. Trước khi ông thu xếp ổn thỏa với IMF vào cuối tháng 10/1997, Tổng thống Suharto, thông qua đặc phái viên của mình, đã kêu gọi Thủ tướng Goh ủng hộ nhằm cải thiện thế mặc cả với IMF. ông Goh đã thảo luận việc này với Bộ trưởng Tài chính Richard Hu và tôi trước khi đưa vấn đề ra trước nội các. Chúng tôi tin một cách chính đáng rằng nền kinh tế Indonesia lành mạnh hơn kinh tế Thái Lan. Họ không có thâm hụt vốn kể cả trong tài khoản và trong ngân sách, khoản nợ nước ngoài được báo là không lớn, và lạm phát thấp. Vậy nên tôi đồng ý hỗ trợ họ tới 5 tỷ đôla Mỹ, nhưng chỉ ủng hộ sau khi Indonesia đã sử dụng hết khoản vay khoảng 20 tỷ USD từ IMF, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, và từ quỹ dự trữ của họ. Singapore cũng hứa can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng rupia một khi Indonesia đã đạt được thỏa thuận với IMF. Viện trợ trọn gói của IMF dành cho Indonesia lên tới 40 tỷ USD, Nhật Bản cũng đồng ý hỗ trợ Indonesia tới 5 tỷ USD. Ngay sau khi thỏa thuận với IMF được ký kết, các ngân hàng trung ương Indonesia, Nhật Bản, Singapore đã phối hợp trên cơ sở tham vấn và can thiệp nhằm nâng giá trị của đồng rupia từ 3.600 lên 3.200 rupia một đôla Mỹ. Trước khủng hoảng, cứ 2.500 rupia ăn một đôla Mỹ.

Sự cải thiện này đã bị hủy hoại khi Tổng thống Suharto khôi phục một số trong tổng số 14 dự án lớn về kết cấu hạ tầng đã bị hủy bỏ theo thỏa thuận với IMF. Trong các dự án được phục hồi có dự án nhà máy điện mà trong đó có lợi ích của bà Siti Hardiyanti Rukmana (Tutut), con gái đầu của Tổng thống. Một trong số 16 ngân hàng bị đóng cửa do mất khả năng chi trả (ngân hàng này do con trai Tổng thống sở hữu) cũng được phép mở cửa dưới một tên hiệu khác. Phản ứng của thị trường là bán tháo đồng rupia. Mười sáu ngân hàng này chỉ là một phần nhỏ của một vấn đề lớn hơn nhiều: ở Indonesia có trên 200 ngân hàng, trong số này nhiều ngân hàng thuộc loại nhỏ, quản lý tồi và không được giám sát đúng mức. Hơn nữa, trái ngược thỏa thuận với IMF, chính sách tiền tệ được nới lỏng. Thêm vào tình trạng mất lòng tin, Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia thông báo rằng Tổng thống Suharto đã đồng ý sử dụng quỹ 5 tỷ đôla Mỹ do Singapore hỗ trợ để cho các công ty trong nước có khó khăn do chính sách hạn chế tín dụng vay với lãi suất thấp. Tồi tệ hơn nữa là Suharto không được khỏe trong tháng 12/1997 vì bị kiệt sức sau những chuyến đi nước ngoài.

Lo lắng trước tình hình giá trị đồng rupia giảm sút nhanh chóng, tôi bảo đại sứ của chúng tôi ở Jakarta hỏi Tutut liệu bà ta có thể gặp tôi ở Singapore để chuyển đạt quan điểm của tôi tới bố bà ta không. Lần cuối cùng tôi gặp bà ta là vào tháng 6/1997 khi tôi thăm bố bà ta ở Jakarta. Thủ tướng Goh và tôi gặp bà ta vào ngày Giáng sinh 1997 tại biệt thự Istana, Singapore. Chúng tôi giải thích về tình hình nghiêm trọng đối với Indonesia nếu không phục hồi được niềm tin, trước hết là về sức khỏe của bố bà ta và tiếp đến là liệu ông ta có sẵn sàng thực hiện các điều kiện của IMF hay không. Tôi thúc giục bà ta và các em bà ta phải hiểu rằng các nhà quản lý quốc tế ở Jakarta đã tập trung chú ý vào những đặc quyền kinh tế mà các con Tổng thống đang hưởng, nên tốt hơn hết là trong thời gian khủng hoảng, họ (các con Tổng thống – ND) hãy hoàn toàn rút lui khỏi thị trường và không dính líu vào các dự án mới. Tôi hỏi thẳng liệu bà ta có thể làm cho các em mình hiểu được điều này không. Bà ta trả lời – cũng thẳng thắn không kém – là bà ta không thể làm được. Để biết chắc là bà ta hiểu được những ngầm ý trong các báo cáo hàng ngày của các nhà phân tích thị trường, thông qua đại sứ của chúng tôi ở Jakarta, tôi gửi cho bà ta một bản sao bộ sưu tập hàng ngày các báo cáo quan trọng. Từ các hành động của các con Suharto mà đánh giá thì thấy điều này chẳng có tác dụng gì đối với họ.

Ngày 6/1/1998, Tổng thống Suharto đưa ra bản dự trù ngân sách của Indonesia nhưng bản đó chưa được thảo luận với IMF và không đáp ứng được các mục tiêu đã nhất trí trong thỏa thuận trọn gói với IMF. Trong hai ngày tiếp theo đồng rupia Indonesia đã sụt giá từ 7.500 xuống 10.000 rupia ăn một đôla Mỹ bởi vì cả Phó Tổng giám đốc IMF, Stanley Fischer, và Thứ trưởng Ngân khố Mỹ, Lawrence Summers, đã phê phán bản dự trù ngân sách Indonesia là không phù hợp về các điều kiện của IMF. 9 giờ tối ngày 8/1, tôi nghe đài phát thanh đưa tin rằng trong cảnh mua bán hỗn loạn, điên cuồng, các đám đông dân chúng Jakarta đã vét sạch tất cả các cửa hàng và siêu thị để tống khứ hết những đồng rupia đang mất giá và tích trữ hàng dự phòng. Tôi gọi điện thoại cho Đại sứ chúng tôi ở Jakarta. Ông ta xác nhận tin do đài phát thanh đưa ra là đúng sự thật. Ông ta còn cho biết thêm một siêu thị đã bị thiêu trụi và đồng rupia được người ta mua bán trên các đường phố với giá 11.500 rupia ăn một đôla Mỹ.

Tôi báo động Thủ tướng Goh. Ông ta liền gửi điện cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và IMF đề nghị họ ra tuyên bố nhằm phục hồi sự yên ổn trên các thị trường, nếu không, có nguy cơ ngày hôm sau sẽ xảy ra bạo loạn. Mấy giờ sau đó, vào lúc 7 giờ sáng giờ Singapore, Tổng thống Clinton điện thoại cho Thủ tướng Goh để trao đổi ý kiến về tình hình gần đây nhất và sau đó trao đổi với Tổng thống Suharto. Clinton thông báo ông ta sẽ cử Summers sang giúp giải quyết các vấn đề. Trong khi đó Fischer ra tuyên bố nói rằng phản ứng đã quá thể. Những hoạt động khẩn trương này tạo ra hy vọng về một giải pháp tích cực và ngăn chặn được tình thế có thể xảy ra rối loạn, cướp bóc. Ngày 15/1, Tổng thống Suharto đích thân ký một thỏa thuận cả gói thứ hai với IMF quy định nhiều cải cách hơn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx