sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 16 phần 5

Habibie hớn hở; hai cánh tay khua qua khua lại; nét mặt và giọng nói nhanh chóng thay đổi. Ông ta hầu như không thể ngồi yên; thái độ sôi nổi, có vẻ xúc động. Ông ta nói huyên thiên, khi thì đề cao những thành tựu và tài năng đặc biệt của mình, khi thì đưa ra những lời đe dọa không mấy úp mở chống lại Singapore, ông ta kể lể rằng đã từng sống ở châu Âu 25 năm, bắt đầu từ tuổi mười tám, và đã tiếp thu được những giá trị như”dân chủ và nhân quyền'.

Habibie muốn Singapore biết vị thế và nhận ra những điểm yếu của mình. Ông ta bắt đầu chỉ ra rằng “Singapore nằm lọt thỏm trong đó [Indonesia]”. Đang ngồi bỗng nhiên ông ta vùng dậy, lao tới tấm bản đồ trên tường, dang rộng hai cánh tay nhấn mạnh mảnh xanh bao la của Indonesia bao quanh “cái chấm đỏ” tức là Singapore.

Về sau, trong đêm 27/1/1999, tôi đang chuẩn bị đi Davos thì giật mình nghe đài phát thanh đưa tin Habibie đã quyết định Đông Timor sẽ được quyền lựa chọn giữa quy chế tự trị đầy đủ và độc lập. Đây là sự đảo ngược đột ngột của một chính sách mà Indonesia đã tích cực đề cao từ năm 1976, khẳng định rằng việc sáp nhập Đông Timor vào Indonesia là không thể thay đổi.

Ở Davos tôi gặp Stanley Roth, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, một con người khôn ngoan, thường xuyên đi công cán và không biết mệt mỏi. Chúng tôi nhất trí rằng chính sách của Habibie, một khi đã quyết sẽ vĩnh viễn thay đổi đường hướng và độc lập cho Đông Timor là điều có thể chờ đợi. Roth đưa ra một lời nhận xét lạnh lùng rằng các thủ tướng không nên tự do viết thư, đặc biệt là cho một tổng thống như Habibie. (Cả hai chúng tôi đã đọc được tin tức nói rằng sở dĩ Habibie có quyết định như vậy là do một bức thư của Thủ tướng Úc John Howard đề nghị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cho người Đông Timor quyết định tương lai của mình).

Chẳng bao lâu sau thông báo này về Đông Timor, ngày 4/2/1999, Mah Bow Tan, Bộ trưởng Viễn thông của chúng tôi đã tới thăm Habibie. Habibie thuật lại việc đại sứ Úc đã thông báo với ông ta về điểm tiếp cận vấn đề “Tân Caledonia”: tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và sẵn sàng trao trả độc lập sau 15 năm chuẩn bị. Habibie đã nói với đại sứ Úc rằng Indonesia chưa được chuẩn bị cho quan điểm tiếp cận này. Đất nước này chẳng thu được gì từ Đông Timor dưới dạng tài nguyên, nhân lực hay vàng bạc, và Úc không có quyền đòi Indonesia trao cho Đông Timor quyền tự trị hay quyền tự quyết.

“Thế giới không hiểu và luôn luôn hãm hại tính cách của chúng tôi,” Habibie nói với Mah. Ông ta đã “chán ngấy và mệt mỏi” về vấn đề này và đã yêu cầu nội các nghiên cứu khả năng thả Đông Timor ra – cho họ một sự lựa chọn, tự trị hay độc lập. Nếu họ không chịu chấp nhận tự trị nhưng lại cùng lúc tìm kiếm sự giúp đỡ của Indonesia nhằm chuẩn bị cho độc lập thì lúc đó chúng tôi buộc phải nói “rất tiếc”. Ông ta không sẵn sàng đóng vai trò “ông bác giàu có” của Đông Timor. Ông ta đã yêu cầu đại sứ truyền đạt ý nghĩ này tới Thủ tướng Úc John Howard. Do vậy trong bức thư Howard gửi ông ta hồi tháng giêng 1999 có đề cập tới những ý tưởng đó của ông ta về Đông Timor. Khi ông ta nhận bức thư đó ông ta đã lập tức đánh dấu vào lề những đoạn liên quan, đồng thời đưa ý tưởng đó ra trước nội các. Thế là đã diễn ra một chuỗi các sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Indonesia.

Trên chuyến máy bay từ Singapore đến Zurich vào đêm có thông báo, tôi đã có xác nhận về cung cách ông ta ra quyết định đối với Đông Timor khi tôi gặp Ginandjar Kartasasmita, vị Bộ trưởng Indonesia tài ba phụ trách điều phối các vấn đề kinh tế. Chúng tôi ngồi đối diện nhau qua lối đi ở giữa hai hàng ghế; cả hai chúng tôi đều trên đường đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos và đã lao vào cuộc bàn luận kéo dài cả giờ đồng hồ về những diễn biến chính trị và kinh tế ở Indonesia. Nhưng trong tâm trí ông ấy thì Đông Timor là vấn đề hàng đầu. Ông ấy điểm lại quá trình đi đến quyết định sau khi vấn đề được nêu lên lần đầu tiên ở nội các vào chiều hôm đó, dựa trên cơ sở ý tưởng của Habibie. Cuộc thảo luận kéo dài hai giờ đồng hồ và cuối cùng tất cả các bộ trưởng, kể cả tướng Wiranto, Bộ trưởng Quốc phòng, đều nhất trí với đề nghị của Tổng thống. Ông ta hỏi với giọng có phần lo âu: liệu có xảy ra những hậu quả khác đối với Indonesia không. Tôi trả lời một cách ngoại giao rằng tôi không thể nói chắc nhưng đây là một sự thay đổi chính sách quan trọng nhất.

Các cố vấn của Habibie tin rằng việc trao quyền tự trị hay độc lập cho Đông Timor sẽ giành được cho ông ta sự ủng hộ tài chính của IMF và Ngân hàng Thế giới; ở Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu ông ta sẽ được suy tôn như một nhà dân chủ và một nhà cải cách. Điều này sẽ giúp ông ta tái đắc cử. Thực tế, ông ta đã gây bất mãn cho các tướng lĩnh của mình; trong đó có nhiều người đã nhiều năm dẹp yên Đông Timor. Tại cuộc họp APEC (tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) vào tháng 8/1999 Ginandjar nói với Thủ tướng Goh rằng họ đã phạm sai lầm trong việc vũ trang lực lượng tự vệ hồi tháng 2/1999. Ý đồ lúc đó là “thuyết phục” người Đông Timor không bỏ phiếu cho yêu sách độc lập. Khi người Đông Timor bỏ phiếu (ủng hộ độc lập – ND) với một đa số áp đảo, chiếm tới 80 % trong số gần 99 % số người đi bỏ phiếu thì Đông Timor bị đốt phá tan hoang; có vẻ là do lực lượng tự vệ. Lập trường của Habibie như một người theo chủ nghĩa dân tộc đã bị phương hại, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng vũ trang và chính phủ Indonesia.

Để giúp Habibie được tái đắc cử, đội ngũ các cố vấn của ông ta đã đề cao ông ta như một nhà cải cách muốn đoạn tuyệt với quá khứ. Ông ta thả tù chính trị và cho phép trên 50 chính đảng được đăng ký, thay vì ba đảng như dưới thời Suharto. Ông ta còn gặp giới báo chí thường xuyên phát biểu một cách tự do, quá tự do. Các chuyên gia đạo diễn của ông ta đã kìm ông ta lại; kìm mạnh, ngăn không cho ông ta ứng khẩu, ông ta cần tiền để tìm kiếm sự ủng hộ. Các quan chức dự kiến sẽ có những thay đổi lớn sau bầu cử. Do sợ bị chuyển sang những công việc ít có cơ hội nhận hối lộ hơn nên họ khai thác tối đa thời kỳ hỗn quân hỗn quan này Tham nhũng ngày càng nhiều ở tất cả các cấp, nhiều hơn cả những năm tồi tệ nhất dưới thời Suharto. Các cơ hội ăn hối lộ thật to lớn vì các ngân hàng và công ty lớn mất khả năng chi trả, đang phụ thuộc vào các chương trình cứu trợ của chính phủ, do đó họ tha hồ ép. Một trong số đó là Ngân hàng Bali, đã bị các cộng sự gần gũi nhất của Habibie rút ruột khoảng 70 triệu đôla Mỹ. IMF và Ngân hàng Thế giới đã găm lại số vốn dành cho Indonesia, chờ đến khi hoàn tất một cuộc kiểm toán kỹ càng và những kẻ làm sai trái bị trừng trị. Habibie đã ngăn không cho ấn hành báo cáo của kiểm toán với lý do làm như vậy là vi phạm nguyên tắc bí mật ngân hàng. Các phương tiện truyền thông Indonesia đưa tin đã tìm thấy dấu vết số tiền đó dính líu tới gia đình ông ta.

Tuy nhiên, vì chiếc ghế tổng thống của mình mà ông ta đã huy động mọi sự ủng hộ mà uy tín của Hồi giáo và giới đỡ đầu tổng thống có thể tập hợp được. Ông ta có những cố vấn đã giúp các hoạt động chao đảo của ông ta xoay tít mù. Bất chấp sức ép từ phía giới báo chí, lãnh tụ các đảng chính trị đối lập, và cả đảng Golkar của ông ta, Habibie vẫn không chịu thua. Ông ta nói ông ta không phải là kẻ hèn nhát. Ông ta chỉ rút lui khi bị MPR (People’s Consultative Assembly – Hội đồng Tư vấn Nhân dân) bác bỏ. Ông ta đã bị bác bỏ. Vào những giờ sớm ngày 20/10 MPR đã bác bỏ bài tường trình của ông ta với tỷ lệ 355 phiếu thuận, 322 phiếu chống. Những người đã quen thuộc với cung cách làm ăn trong nền chính trị Indonesia nói với tôi rằng họ chưa bao giờ thấy những lượng tiền khổng lồ như vậy tuồn vào tay nhiều đại biểu quốc hội trong một thời gian ngắn như vậy. Habibie đã từ bỏ cuộc đấu.

Việc Habibie rút lui khỏi cuộc đua tranh đã dẫn tới những thay đổi đột ngột vào phút chót trong các liên minh, những thay đổi đã tác động tới vận may của hai đối thủ chính trong cuộc đua giành chức Tổng thống là Abdurrahman Wahid hay Gus Dur (anh Dur), gọi theo cách gọi thân mật của những người ủng hộ ông ta, và Megawati Sukarnoputri. Gus Dur là lãnh tụ của Nahdlatul Ulama, một tổ chức Hồi giáo có cơ sở truyền thông ở nông thôn với khoảng 30 triệu thành viên. Đảng PKB (National Awakening Party – Đảng Thức tỉnh Dân tộc) của ông ta đã giành được 12,6 % số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng 6. Megawati, con gái tổng thống Sukarno, lãnh đạo đảng PDI–P (Indonesian Democratic Party Struggle – Đảng Đấu tranh Dân chủ Indonesia) tại các cuộc mít–tinh quần chúng náo nhiệt nhằm giành được số phiếu lớn nhất có một không hai là 34 % số phiếu bầu, đánh bại Habibie (đảng Golkar) với số phiếu bầu vượt trội lớn. Nhưng tại Đại hội đồng Tư vấn Nhân dân với 695 ghế đại biểu (trong đó có 200 đại biểu không do cử tri bầu) vào lúc 4 giờ chiều ngày 20/10, người ta tuyên bố Gus Dur là Tổng thống do giành được 373 phiếu trong khi Megawati chỉ được 313 phiếu. Cuộc vận động chính trị điên cuồng bắt đầu và chỉ kết thúc vào lúc 3 giờ chiều ngày hôm sau khi quốc hội bắt đầu bỏ phiếu bầu phó tổng thống. Có ba ứng viên: Akbar Tanjung của đảng Golkar, Wiranto, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Indonesia, đảng TNI (Tentara National Indonesia); và Hamzah Haz của Khối liên hiệp Hồi giáo đã tham gia cuộc tranh cử. Megawati tranh cử với thái độ miễn cưỡng vì sợ lại thua nhục nhã. Gus Dur đã mất nhiều thời gian thuyết phục bà ta và cuối cùng cam đoan rằng bà ta sẽ có đủ số đảng ủng hộ để giành được thắng lợi. Wahid cần bà ta làm Phó Tổng thống để xác lập tính hợp pháp cho chức vụ Tổng thống của mình. Trong khi đó bạo loạn và cướp phá đã bùng nổ tại một số thành phố ở Java và Bali là những địa phương bà ta đã giành được hầu như toàn bộ phiếu bầu.

Tình cờ, Stanley Roth lúc đó đang ở Singapore để phát biểu trước một cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ông ta gặp Thủ tướng Goh và tôi vào lúc 8 giờ tối, mấy giờ đồng hồ sau khi Gus Dur được bầu làm Tổng thống. Chúng tôi cũng tin chắc như ông ta rằng Indonesia không thể tránh khỏi đổ máu và càng xảy ra nhiều vụ rối loạn hơn nếu Megawati bị lừa bởi các mánh khóe chính trị tại Hội đồng Tư vấn Nhân dân mà mất chức phó tổng thống. Cả hai bên đều quyết làm được những gì mà chúng tôi có thể làm để cho các đấu thủ Indonesia chủ chốt biết nếu điều này xảy ra thì nó sẽ tác động đến niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế như thế nào.

Ngày 22/10 tờ Jakarta Post (Bưu điện Jakarta) đưa tin rằng Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Madeleine Albright (lúc đó đang ở châu Phi) đã gọi điện thoại cho Gus Dur vào sáng sớm ngày hôm trước “để truyền đạt quan điểm của Washington” cho rằng Megawati phải được bầu làm phó tổng thống. Megawati thắng lợi một cách thuyết phục với trên 396 phiếu thuận 284 phiếu chống. Điều đó đã cứu vãn Indonesia thoát khỏi vòng lộn xộn thứ hai.

Trong hoàn cảnh lúc đó thì đấy là kết quả tốt đẹp nhất. Tổng thống mới Gus Dur bị mù mắt. Trước đó, vào năm 1998 ông ta hai lần bị đột quỵ nhưng vào ngày 20/10 thì đủ tỉnh táo và lanh lợi để vận động được nhanh nhẹn nhằm tăng cường tối đa các cơ may của mình. Sau diễn văn tường trình của Habibie bị Hội đồng Tư vấn Nhân dân bác bỏ thì Gus Dur thu được hầu hết số phiếu bầu ủng hộ Hồi giáo nhẽ ra sẽ bỏ cho Habibie. Trong vòng một tuần lễ sau khi đắc cử, ông ta nhanh chóng bổ nhiệm nội các hòa giải dân tộc trong đó tất cả các đảng phái chính trị lớn và các lực lượng vũ trang đều có đại diện. Có thể chính phủ của ông ta không phải là chính phủ hoạt động có hiệu quả nhất vì sự phân bố quyền lực rộng rãi nhưng nó có thể giúp hàn gắn những vết thương mà họ tự gây nên cho mình trong 17 tháng đụng độ đẫm máu: pribumi chống người Hoa, người Hồi giáo chống người Kitô giáo, người Dayak và người Malay chống người Madurese, những người Acehnese chủ trương phân lập chống giới quân sự Indonesia. Gus Dur và Megawati có hai nhiệm vụ nặng nề: điều chỉnh cơ cấu xã hội của xã hội Indonesia và tái khởi động nền kinh tế.

Trong thời đại Suharto, để tránh hiểu lầm từ phía tổng thống và các cố vấn thân cận của ông ta, chúng tôi đã không tiếp xúc với các nhà lãnh đạo phe đối lập Indonesia. Khác với người Mỹ và Tây Âu, chúng tôi không nuôi dưỡng các đối thủ của Suharto – cụ thể như Megawati Sukarnoputri, Amien Rais hoặc ngay cả Gus Dur. Chúng tôi có mối quan hệ gần gũi với các bộ trưởng của Suharto và TNI. Các vị này, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ali Alatas và Bộ trưởng Quốc phòng, tổng chỉ huy lực lượng TNI, tướng Wiranto, đã giúp làm cho quan hệ giữa hai nước ổn định trong thời kỳ Habibie làm Tổng thống. Nhưng trong khoảng từ tháng giêng đến tháng 4/1999, ông S. R. Nathan, lúc đó là giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (IDSS) và về sau, từ tháng 9/1999, Tổng thống chúng tôi đã mời lãnh đạo của các chính đảng Indonesia sang nói chuyện tại viện của ông ta, được các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế đưa tin đầy đủ. Trong thời gian họ đến thăm, các bộ trưởng Singapore có gặp các diễn giả tại các bữa tiệc trưa và tối để hiểu được lập trường của họ và thiết lập quan hệ hòa hảo. Bằng cách đó chúng tôi biết Gus Dur (về sau là Tổng thống), Megawat Sukarnoputri (về sau là Phó Tổng thống), Amien Rais (về sau là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Nhân dân), và Marraki Ddarusman của đảng Golkar (về sau là Chưởng lý trong nội các của Gus Dur).

Điều này đã làm cho Habibie và các cố vấn của ông ta giận dữ. Họ công khai tỏ thái độ khó chịu trước việc chúng tôi can thiệp vào công việc nội bộ của họ. IDSS chỉ ra rằng họ đã mời các đại diện của đảng Golkar đến để nói chuyện; Marzuki Darusman đã làm như vậy, và IDSS đã nhiều lần mời chủ tịch đảng Golkar, Akbar Tanjung, nhưng ông này đã không thể đi. Điều này không làm nguôi giận tiến sĩ Dewi Fortuna Anwar, cố vấn về chính sách đối ngoại của Habibie. Bà ta buộc tội Singapore thân Megawati.

Tôi đã gặp Gus Dur ở Jakarta vào năm 1997. Khi ông đang nói chuyện tại một cuộc gặp riêng, ông ta giải thích vai trò của Hồi giáo ở Indonesia và đảm bảo với các nhà đầu tư rằng đây không phải là một dạng như của Trung Đông. Ông ta có tài diễn thuyết, nói tiếng Anh lưu loát, tinh thông tiếng Ả Rập và rất thông minh. Lúc đó tôi không một mảy may nghĩ rằng ông ta sẽ trở thành tổng thống và thừa kế nước Indonesia của Suharto sau thời kỳ Habibie.

Vào đêm ông ta tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, cả Thủ tướng Goh và tôi đều gửi điện mừng. Chúng tôi không muốn có những mối nghi ngờ về quan hệ hòa hiếu của chúng tôi đối với Tổng thống mới.

Chẳng bao lâu sau ngày đắc cử ông ta đã triệu tất cả các đại sứ Asean đến để thông báo rằng ông ta sẽ thăm tất cả các quốc gia Asean, bắt đầu bằng chuyến thăm Singapore. Trò chuyện với đại sứ chúng tôi Edward Lee, ông ta nhấn mạnh rằng: “Indonesia muốn có quan hệ tốt đẹp với Singapore và hy vọng Singapore sẽ giúp Indonesia khôi phục.” Ông ta tiếp tục giải thích nhìn nhận của mình về tương lai: Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, ba nước đông dân nhất thế giới, sẽ hợp lại với nhau; Nhật Bản và Singapore sẽ giúp đỡ tài chính và công nghệ. Lúc bấy giờ châu Á sẽ bớt phụ thuộc vào phương Tây.

Trước khi ông ta đến Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao của ông ta, tiến sĩ Alwi Shihab, một người tài hoa, có đầu óc thực tế, đã từng là doanh nhân và còn là một giáo sư thỉnh giảng về thần học tại một trường Đại học Hoa Kỳ, đã ghé thăm Edward Lee tại đại sứ quán Singapore để chứng tỏ rằng Indonesia không còn giữ thái độ “đại ca” mà muốn có một sự hợp tác chân thành. Edward Lee đảm bảo với ông ta rằng Singapore sẽ giúp nhưng chỉ giới hạn trong khả năng tài chính và công nghệ của ba triệu người Singapore. Singapore không có các nguồn lực như Mỹ và Nhật Bản để tái khởi động nền kinh tế Indonesia. Alwi Shihab bảo với ông ta rằng chúng tôi có thể hành động như một chất xúc tác để lấy lại niềm tin đối với Indonesia. Nhờ vậy, cuộc gặp đầu tiên của tôi với Gus Dur với tư cách Tổng thống Indonesia nồng ấm và có tính xây dựng.

Thủ tướng Goh đón Tổng thống Gus Dur tại sân bay ngày 6/11/1999 và đã có những bàn thảo tốt đẹp trước và trong bữa ăn trưa. Rồi trước một cử tọa chật ních có đến 500 doanh nhân và các nhà ngoại giao, Gus Dur đã cho họ một hình ảnh đầy ấn tượng về sự am hiểu chính trị và tài năng mà người ta chờ đợi ở một Tân tổng thống Indonesia trong một thời đại của tinh thần cởi mở và trách nhiệm lớn hơn. Khi tôi đến thăm ông ta, ông ta mời tôi làm thành viên của Hội đồng Cố vấn Quốc tế vì sự Phục hồi Kinh tế của Indonesia do ông ta sáng lập – một vinh dự mà tôi không thể từ chối. Ông ta nói về các chuẩn mực đạo đức và chính phủ trong sạch. Tôi nói nếu ông ta chờ đợi các vị bộ trưởng của mình trung thực thì họ phải được hưởng số lương sao cho họ có thể sống tương xứng với chức phận mà không cần tham nhũng. Kwik Kian Gie, Bộ trưởng phối hợp của ông ta về kinh tế, tài chính và công nghiệp cũng có mặt ở đó. Ông này nói với George Yeo, Bộ trưởng của chúng tôi, thành viên cùng tham dự, rằng ông ta vừa trao đổi với tổng thống về vấn đề nhạy cảm này, nhạy cảm vì họ chỉ có khả năng đáp ứng cho các quan chức hàng đầu chứ không thể đáp ứng toàn bộ.

Chúng tôi có một cuộc gặp tay đôi, thảo luận thoải mái, không phải kiềm chế. Ông ấy vẫn tràn đầy sinh lực bất chấp tuổi cao và hai cơn đột quỵ và buổi sáng đàm luận say sưa hôm đó có tác dụng làm yên lòng. Lúc nào ông ta cũng tỏ ra dí dỏm. Cách ứng xử của ông ta cho thấy ông ta là một vị tổng thống hoàn toàn chế ngự được tình thế. Do phải đối phó với nhiều vấn đề và qua tác động của ông mà các đảng Hồi giáo đã bầu ông cũng trở nên thực tế hơn. Sau 5 năm họ sẽ không còn giống như cũ. Ông ta muốn Thủ tướng và tôi tiếp Phó Tổng thống Megawati và giúp truyền lại cho bà ta càng nhiều kinh nghiệm càng tốt. Ông ta nói ông ta có quan hệ tốt với tướng Wiranto, và có một quan điểm rõ ràng về đường hướng phát triển vai trò quân sự. Ông ta biết rằng có nhiều bất cập trong nội các, đặc biệt trong bộ phận kinh tế và tài chính. Những vấn đề này sẽ được sắp xếp cho phù hợp. Ông ta quyết tâm làm cho chính phủ của mình gắn kết và kiên định.

Sánh với tài dí dỏm của ông ta là sự đánh giá mình một cách thực tế. Ông đùa: “Tổng thống đầu tiên của Indonesia (Sukarno) thì mê đàn bà; Tổng thống thứ hai (Suharto) thì mê tiền; Tổng thống thứ ba (Habibie) thì chỉ có mê[17].” Con gái ông tháp tùng bố, hỏi: “Thế Tổng thống thứ tư thì sao?” Không bỏ lỡ cơ hội, ông ta nói: “Wayang” (một sự biểu diễn nhà hát). Bằng một từ thôi mà ông ta đã nêu tóm tắt được vai trò của mình ở Indonesia. Ông ta tin chắc rằng mình có thể đóng vai trò tổng thống của Indonesia trong một kỷ nguyên cởi mở đối với giới truyền thông và NGO (các tổ chức phi chính phủ) là những người muốn reformasi và democrasi (cải cách và dân chủ –ND).

[17] Lỗi văn bản gốc. Chưa tìm được bản tiếng Anh để đối chiếu bổ sung.

Nhưng Indonesia đã trải qua một sự thay đổi lớn lao. Quyền lực không còn tập trung vào tay một tổng thống được nâng đỡ bởi cơ quan ABRI, các lực lượng vũ trang đầy quyền lực. Cuộc bầu cử đã tạo ra một số lớn các đảng Hồi giáo nhỏ mà cùng hợp lại họ vẫn không hình thành được đa số. Đảng của Megawati giành được 34 % số phiếu bầu, khối một đảng lớn nhất. Amien Rais, lãnh tụ của một đảng Hồi giáo tuy chỉ được 7 % số phiếu, nhưng đã khéo léo chắp nối với một liên hiệp các đảng Hồi giáo khác tạo thành khối “Trục Trung tâm”; khối này móc ngoặc với các nhóm khác và giành được cho ông ta chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Nhân dân (Quốc hội – ND), chống lại ứng viên của Megawati. Trục Trung tâm còn ngăn cản Megawati giành ghế Tổng thống bằng cách bỏ phiếu cho Gus Dur, một nhà lãnh đạo Hồi giáo truyền thống của Trung và Đông Java. Mặc dù là một giáo sĩ Hồi giáo, nhưng Gus Dur là nhân vật có thể chấp nhận được đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc bởi vì ông ta luôn luôn chủ trương tách biệt tôn giáo (kể cả Hồi giáo) với nhà nước. Nhưng ông ta được bầu làm tổng thống chỉ vì số phiếu bầu của những người Hồi giáo thuộc khối Trục Trung tâm. Suharto đã hạn chế Hồi giáo cho đến cuối thập kỷ 80, khi ông ta bắt đầu nuôi dưỡng những người Hồi giáo để chống lại ảnh hưởng của ABRI. Habibie, lúc còn là Tổng thống, đã tích cực nuôi dưỡng và giúp họ (những người Hồi giáo – ND) huy động sự ủng hộ để ông ta được tái đắc cử. Sau khi lọt vào được hành lang quyền lực, khối Hồi giáo làm chính trị giờ đây đang và sẽ là lực lượng lớn ở Indonesia. Thách thức đối với Indonesia là làm sao duy trì được cân bằng để tạo điều kiện cho dân chúng thuộc các chủng tộc và tôn giáo khác nhau đoàn kết thành một dân tộc dựa trên cơ sở cương lĩnh của vị cha già lập quốc, Tổng thống Sukarno, là Bhinneka Tunggal Ika (thống nhất trong đa dạng), như đã được khắc trên biểu tượng quốc gia.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx