sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 16 phần 4

Ngày 9/1/1998, một ít ngày trước khi thỏa thuận thứ hai này được ký kết, bà Siti Hediati Hariyadi Prabowo (Titiek), con gái thứ hai của Suharto, vợ của Trung tướng Prabowo Subianto, chỉ huy trưởng Dopassus (lực lượng mũ nồi đỏ, sẵn sàng cho những cuộc hành quân đặc biệt), gặp tôi ở Singapore. Bà ta mang theo ý kiến của bố; bà ta muốn chúng tôi giúp tăng trái phiếu bằng đôla Mỹ ở Singapore. Một giám đốc ngân hàng quốc tế đã nói trước đó rằng tăng lượng đôla sẽ giúp ổn định đồng rupia. Tôi nói trong không khí khủng hoảng hiện nay, khi thị trường hoài nghi đồng rupia, thì sự thất bại về trái phiếu sẽ gây mất lòng tin thêm. Thế là bà ta than phiền rằng những tin đồn từ Singapore đã làm suy yếu đồng rupia, rồi bà ta nói thêm rằng các chủ ngân hàng của chúng tôi khuyến khích người Indonesia gửi tiền ở Singapore. Chúng ta có thể ngăn chặn việc đó chăng? Tôi giải thích rằng làm như vậy hoàn toàn không có hiệu quả bởi vì người Indonesia có thể rút hết tiền ra khỏi Indonesia để gửi ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới bằng một cái ấn vào phím máy vi tính. Hơn nữa, tin đồn không thể ảnh hưởng đến đồng rupia nếu cái gốc mạnh. Để khôi phục niềm tin thị trường, phải làm sao để người ta thấy bố bà ta đang thực hiện các cải cách theo IMF. Nếu ông ta cảm thấy rằng một số điều kiện không thực tế hoặc khắc nghiệt thì ông ta có thể mời một người, chẳng hạn như Paul Volcker, cựu chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, làm cố vấn… Có khả năng IMF sẽ nghiêm túc lắng nghe các lập luận của Volcker. Ý kiến đó xem ra đã lọt tai – một chủ ngân hàng sau đó nói với tôi rằng Volcker đã đến Jakarta, nhưng sau khi gặp Suharto thì ra về mà không trở thành cố vấn.

Các khó khăn của Suharto nảy sinh là do sự can dự ngày càng tăng của con cái ông ta vào tất cả các hợp đồng béo bở và độc quyền. IMF nhằm vào một số trong các hợp đồng này với mục đích gỡ bỏ, trong đó có công ty độc quyền cưa xẻ và một công ty quốc gia xe hơi độc quyền do Tommy, con trai của ông ta quản lý, hợp đồng về nhà máy điện dành cho bà Tutut, con gái ông ta, và các giấy phép hoạt động ngân hàng dành cho các con trai khác của ông ta. Suharto không thể hiểu vì sao IMF muốn can thiệp vào công việc nội bộ của ông ta. Sự thật là những công ty độc quyền và những công ty thụ hưởng độc quyền đã trở thành những vấn đề lớn đối với các nhà quản lý quỹ (Quỹ Tiền tệ Quốc tế – ND). Thêm nữa, các chuyên gia hàng đầu của ông ta nhìn nhận cuộc khủng hoảng tài chính ở Indonesia như một cơ hội để gỡ bỏ các hoạt động đã làm suy yếu nền kinh tế và gia tăng bất mãn. Quan trọng hơn cả là IMF biết rằng quốc hội Mỹ sẽ không bỏ phiếu thông qua việc cấp thêm ngân quỹ để chất thêm cho đầy két của họ nếu không chặn đứng các hoạt động nói trên.

Yếu tố quyết định đã tác động đến kết cục là quan điểm của Mỹ mà Summers đã bày tỏ với Thủ tướng của tôi và tôi vào ngày 11/1/1998 ở Singapore, trên đường đi Indonesia. Điều cần thiết là – ông ta nói – “một sự gián đoạn” trong cách Suharto điều hành chính phủ của mình. Các đặc quyền đặc lợi dành cho gia đình và bạn bè của ông ta phải chấm dứt. Cần phải có một sân chơi sòng phẳng. Tôi chỉ ra rằng tốt hơn hết là phải đảm bảo tính liên tục bởi vì không có một tổng thống kế nhiệm nào có thể mạnh như Suharto để thực thi những điều kiện cứng rắn mà IMF yêu cầu. Do đó chúng ta nên giúp Suharto thực hiện các điều kiện của IMF và làm việc hướng tới một kết cục tối ưu, cụ thể là thuyết phục tổng thống bổ nhiệm một phó tổng thống. Vị này sẽ khôi phục niềm tin của thị trường về tương lai của nước Indonesia hậu Suharto. Quan điểm này không được chính phủ Clinton chia sẻ. Họ khăng khăng cho rằng cần phải có dân chủ, chấm dứt tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Họ thấy không có lý do để “nuông chiều” Suharto (từ này Clinton dùng trong vận động bầu cử 1992).

Hai tháng sau đó, vào tháng 3/1998, cựu phó tổng thống Mỹ, Walter Mondale chuyển thông điệp của Clinton tới Suharto. Sau đó, trên đường về nước ông ta đã gặp Thủ tướng Goh và tôi ở Singapore. Sau khi so sánh những ghi nhận về đường hướng hành động khả dĩ của Suharto về cải cách, Mondale lên giọng hỏi tôi: “Ngài biết Marcos đấy. Phải chăng ông ta là một anh hùng hay chỉ là một tên lừa đảo? Suharto là người thế nào nếu so với Marcos? Phải chăng Suharto là một nhà ái quốc hay cũng chỉ là một tên lừa đảo?”. Tôi cảm thấy Mondale đang xác định quan điểm về động cơ hoạt động của Suharto trước khi trình các khuyến nghị của mình lên tổng thống. Tôi trả lời rằng Marcos có thể đã khởi sự như một anh hùng nhưng lại kết thúc như một tên lừa đảo. Suharto thì khác. Các anh hùng của ông ta không phải Washington hay Jefferson hay Madison mà là các Hồi vương Solo ở Trung Java. Vợ Suharto vốn là một công chúa nhỏ của hoàng tộc đó. Với tư cách là Tổng thống Indonesia, ông ta là Đại Cồ Hồi Vương của một nước rộng lớn. Suharto tin rằng các con của ông ta có quyền được hưởng các đặc quyền như các hoàng thân, công chúa của các Hồi vương Solo. Ông không cảm thấy ngượng ngùng khi dành cho các con của mình những đặc quyền đó bởi vì đó là quyền của ông ta trong cương vị một Đại Cồ Hồi Vương. Ông ta nhìn nhận mình như một nhà ái quốc. Tôi không đánh giá, xếp Suharto vào loại lừa đảo.

Thủ tướng Goh đã thăm Suharto ba lần, một lần vào tháng 10/1997 và hai lần khác vào tháng Giêng và tháng 2/1998, để giải thích rằng nền kinh tế Indonesia đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng và ông ta phải tiếp nhận các cải cách của IMF một cách nghiêm túc nếu không thị trường sẽ bán tháo đồng tiền và các cổ phiếu của Indonesia, và sẽ gây nên một sự sụp đổ. Khi trở về từ cuộc gặp cuối cùng vào tháng 2/1998 ông ta bảo với tôi rằng Suharto hành động như thể đang bị vây hãm vì tin rằng phương Tây muốn ông ta ra đi. Goh đã bày tỏ với Suharto mối lo ngại rằng nếu tình hình kinh tế xấu đi thì sẽ xảy ra thiếu hụt lương thực, xã hội hỗn loạn và mất lòng tin ở Indonesia. Và lúc đó tổng thống sẽ đứng trước những khó khăn nghiêm trọng. Do đó điều quan trọng là làm cho nền kinh tế ổn định thông qua sự ủng hộ của IMF. Phản ứng của Suharto là một sự khẳng định đầy tự tin rằng quân đội hoàn toàn hậu thuẫn cho ông ta. Goh nói bóng gió rằng có thể có những tình huống dân chúng đói đến nỗi binh lính không nỡ nào nổ súng – Suharto gạt bỏ khả năng này. Ông ta buồn nhưng không hề xúc động. Lúc đó một tướng lĩnh Indonesia nói (ý kiến của ông này được đại sứ Mỹ thông tin cho đại sứ của chúng tôi hồi tháng 3): “Nếu số sinh viên là một nghìn thì họ sẽ bị đánh tan tành. Nếu họ có đến mười nghìn thì ABRI sẽ cố gắng kiểm soát đám đông. Nhưng nếu họ lên tới một trăm nghìn thì ABRI sẽ đứng vào hàng ngũ của sinh viên.”

Một số biện pháp tiếp theo mà Tổng thống Suharto tiến hành đã làm cho đồng tiền và các cổ phiếu của Indonesia trượt xuống dốc mặc dù ông ta đã ký thỏa thuận thứ hai với IMF vào tháng 1/1998. Sau tháng đó, tin tức trên báo chí Indonesia nói về các tiêu chuẩn mà Tổng thống đề ra cho cương vị Phó Tổng thống đã dẫn dân chúng đến chỗ hiểu rằng B.J. Habibie là ứng viên được ưu ái. Ông ta được công chúng biết đến nhờ các dự án chi phí cao, kỹ thuật cao như chế tạo máy bay chẳng hạn. Do việc này mà một số nhà lãnh đạo nước ngoài lo lắng nên họ đã đến gặp Suharto – một cách lặng lẽ – để khuyên ông ta từ bỏ một sự lựa chọn như vậy. Trong số những người này có cựu thủ tướng Úc, Paul Keating, người mà Suharto vẫn xem là bạn tốt; Thủ tướng Goh và Phó thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Daim Zainuddin, cố vấn kinh tế của chính phủ Malaysia, viết thư cho tôi vào cuối tháng 1/1998, đề nghị tôi gặp Suharto và thuyết phục ông ta không bổ nhiệm Habibie bởi vì các bộ trưởng của Tổng thống nói rằng Suharto cần được các bạn láng giềng cố vấn. Tôi không thể đi Indonesia vào thời gian giữa khủng hoảng vì không muốn bị coi là can thiệp. Thay vì đi Indonesia tôi thực hiện một bước mạo hiểm có tính toán và trong bài diễn văn đọc ngày 7/2 tại Singapore, tôi cảnh báo: “Thị trường đã bị khuấy động bởi các tiêu chuẩn chọn Phó Tổng thống [tiêu chuẩn do Suharto đề ra] yêu cầu người được bổ nhiệm phải nắm vững khoa học và công nghệ. Tiêu chuẩn này được công bố ngay sau thỏa thuận thứ hai với IMF được ký kết… Nếu thị trường không thuận lợi với người mà cuối cùng trở thành Phó Tổng thống thì đồng rupia sẽ lại yếu đi”. Mặc dù tôi không đề cập đích danh ông ta nhưng những người ủng hộ Habibie đã chỉ trích tôi về những lời phát biểu này.

Khi Suharto thực hiện việc bổ nhiệm thì các nhà quản lý quỹ (quỹ IMF – ND) và các lái buôn ngoại tệ đã phản ứng đúng như người ta đã tiên lượng. Họ đã bán non đồng rupia và đồng tiền này đã trượt nhanh xuống tới mức 17.000 rupia ăn một đôla Mỹ, kéo theo sự xuống giá của các đồng tiền và thị trường chứng khoán trong khu vực.

Vào đầu tháng 2/1998, Bambang, con trai của Tổng thống, đưa Steve Hanke, một giáo sư kinh tế học người Mỹ, từ đại học Johns Hopkins gặp Suharto để cố vấn cho ông ta rằng giải pháp đơn giản trước tình hình giá hối đoái của đồng rupia thấp là thành lập một ủy ban tiền tệ. Khi ông ta công khai hờ hững với ý kiến về ủy ban tiền tệ, thì đồng rupia đã dao động. Thị trường đã mất lòng tin đối với một vị tổng thống lâu nay vẫn được rất kính nể về kinh nghiệm và sự phán quyết.

Việc Suharto bổ nhiệm các sĩ quan cao cấp và quan chức cấp bộ cuối cùng vào tháng 2 và tháng 3/1998 là sự phán quyết sai lầm thảm hại nhất trong đời ông ta. Ông ta bổ nhiệm B. J. Habibie làm Phó Tổng thống bởi vì – như ông ta đã nói 48 tiếng đồng hồ trước khi từ chức – không ai muốn Habibie làm Tổng thống. Suharto tin rằng không một ai ở Indonesia và không một cường quốc ngoại bang nào sẽ mưu mô gạt bỏ ông ta nếu họ biết Habibie rồi sẽ là Tổng thống. Bob Hasan, bạn chơi gôn cùng ông ta, và là vua buôn gỗ, được trở thành Bộ trưởng Thương mại và Kỹ nghệ, và bà Tutut, con gái Tổng thống, là Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội. Hầu như tất cả những người khác được bổ nhiệm làm bộ trưởng đều là những người trung thành hoặc là với ông ta hoặc là với các con ông ta. Sai lầm nghiêm trọng nhất trong tất cả các sai lầm là hành động cân bằng của ông ta trong việc bổ nhiệm Tướng Wiranto làm người đứng đầu các lực lượng vũ trang đồng thời thăng cấp cho Prabowo Subianto con rể của ông ta, lên Trung tướng, đứng đầu Kostrad (Lực lượng Chiến lược). Ông ta biết rằng Prabowo thông minh, hoạt bát và tham vọng nhưng bốc đồng và hấp tấp.

Tôi đã gặp Prabowo tại hai bữa tiệc ở Jakarta vào những năm 1996 và 1997. Ông ta nhanh nhẹn nhưng không phù hợp với tính bộc trực của mình. Ngày 7/2/1998, ông ta gặp riêng tôi và Thủ tướng Goh ở Singapore để truyền đạt một thông điệp lạ lùng là người Hoa ở Indonesia có nguy cơ bị nguy hiểm bởi vì trong bất cứ vụ rắc rối, bạo loạn nào họ cũng bị thiệt hại vì họ là thiểu số, và Sofyan Wanandi, một doanh nghiệp Indonesia gốc Hoa rất nổi tiếng thành đạt và tích cực trong chính trị đang trong nguy cơ nghiêm trọng vì là “thiểu số gấp đôi”: vừa là người Hoa, vừa là người theo đạo Thiên chúa. Sofyan nói với Prabowo và một số tướng lĩnh khác rằng Tổng thống Suharto phải từ chức. Khi tôi tỏ ra không tin, Prabowo có nhắc lại rằng đúng là Sofyan nói vậy, và những người Hoa theo đạo Thiên chúa là mối nguy hiểm đối với chính họ. Cả thủ tướng và tôi đều bối rối, không hiểu vì sao ông ta muốn nói với chúng tôi điều này về Sofyan trong khi điều hiển nhiên không có khả năng xảy ra là một người Indonesia nào đó sẽ nói với con rể tổng thống rằng nên buộc tổng thống từ chức. Chúng tôi băn khoăn phải chăng ông ta đang chuẩn bị tư tưởng cho chúng tôi về một điều gì đó sắp xảy ra với Sofyan và các nhà doanh nghiệp Indonesia gốc Hoa.

Ngày 9/5/1998 Đô đốc William Owens, một phó chủ tịch Liên Tổng tham trưởng Mỹ về hưu cách đây không lâu, gặp tôi ở Singapore. Ông ta kể cho tôi những phát ngôn lạ lùng của Prabowo trong khi họ gặp nhau ở Jakarta mấy hôm trước đó. Tại bữa ăn trưa, với sự có mặt của hai cố vấn trẻ của anh ta, cả hai đều là trung tá, trong đó có một người là bác sĩ, Prabowo nói thực rằng “ông già có thể không kéo dài thêm được chín tháng nữa, có thể ông ta sẽ chết”. Với tâm trạng phấn khởi, trong khi ăn mừng được thăng chức lên tướng ba sao và người đứng đầu Kostrad, ông ta kể chuyện tếu về việc thiên hạ đồn ầm lên rằng chính ông ta có thể làm một cú đảo chính. Owens nói rằng mặc dù Prabowo quen biết ông ta đã hai năm nhưng dẫu sao ông ta vẫn là người nước ngoài. Tôi nói Prabowo có tính thiếu thận trọng.

Trong suốt mấy tháng từ tháng 1/1998 những cuộc biểu tình phản đối của sinh viên chỉ đóng khung trong khuôn viên đại học, tại đó các cán bộ giảng dạy, các cựu bộ trưởng và tướng lĩnh công khai diễn thuyết trước sinh viên, góp thêm tiếng nói đòi cải cách. Để cho thấy mình vẫn hoàn toàn kiểm soát được tình hình, ngày 9/5/1998 Suharto rời Jakarta trong không khí phô trương giữa lúc đang có khủng hoảng, đi dự một cuộc hội nghị ở Cairo. Điều không tránh khỏi là sinh viên đã xuống đường biểu tình và sau mấy cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo loạn, ngày 12/5, sáu sinh viên của trường đại học Trisakti đã bị bắn chết trong khi họ đang lùi vào khuôn viên đại học. Cuộc bạo loạn tiếp theo đã dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của luật pháp và kỷ cương vì cảnh sát và binh lính đã phó mặc thành phố cho đám đông hỗn loạn đập phá, cướp bóc và thiêu đốt các cửa hàng, nhà ở của người Hoa và hãm hiếp phụ nữ người Hoa. Mọi người tin rằng cuộc bạo động này do những người của Prabowo sắp đặt. Ông ấy muốn cho thấy Wiranto là một người bất tài, để sau khi trở về từ Cairo, Tổng thống Suharto sẽ phong Prabowo làm chỉ huy các lực lượng vũ trang. Ngày 15/5 Suharto từ Cairo trở về thì mất chức tổng thống.

Sau khi Harmoko, thuộc hạ phục tùng nhất của ông ta, người được ông ta bổ nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội, công khai đòi ông ta từ chức thì các cố vấn và bộ trưởng trung thành nhất cũng lần lượt từ bỏ ông ta. Vở kịch kết thúc vào hồi 9 giờ sáng ngày 21/5 khi Suharto xuất hiện trên màn hình vô tuyến thông báo việc ông ta từ chức và B. J. Habibie tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Những gì khởi đầu là một vấn đề kinh tế cần đến sự cứu vãn của IMF thì nay đã kết thúc bằng sự lật đổ tổng thống. Đây là một bi kịch cá nhân to lớn đối với một nhà lãnh đạo đã biến đất nước Indonesia bần cùng năm 1965 thành một con hổ kinh tế mới, đã giáo dục nhân dân mình và xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự phát triển tiếp tục của Indonesia. Vào thời điểm quyết định này, con người vốn có tài đánh giá và lựa chọn các cố vấn của mình, đã chọn những con người không đúng vào những vị trí then chốt. Sai lầm của ông ta rõ ràng là tai hại cho cá nhân ông ta và đất nước ông ta.

Suharto chưa bao giờ có ý định lưu vong. Những tài sản kếch sù của ông ta và gia đình ông ta đều được đầu tư tại Indonesia. Nhà báo người Mỹ đưa tin trong tạp chí Forbes rằng gia đình Suharto có tài sản trị giá 42 tỷ đôla Mỹ nói với tôi hồi tháng 10/1998 ở New York rằng phần lớn số tài sản đó đều ở Indonesia. Sau khủng hoảng tài chính ở Indonesia, ông ta ước tính số tài sản này vẻn vẹn chỉ đáng giá 4 tỷ đôla Mỹ. Khác với Marcos ở Philipin, Suharto không tuồn tài sản ra khỏi đất nước của mình để sẵn sàng lưu vong nhanh chóng, ông ta vẫn ở tại nhà mình ở Jakarta. Sau 32 năm làm tổng thống, ông ta không còn nghĩ đến chuyện chạy trốn. Tôi không hiểu vì sao các con của ông ta cần phải giàu đến thế. Giá chúng nó không quá đáng như vậy thì ông ta hẳn đã có một vị trí khác hẳn trong lịch sử Indonesia.

Vào cuối thập kỷ 80 Tướng Benny Moerdani, vị tướng đứng đầu cơ quan tình báo quân đội, là người trung thành, được ông ta tin cậy, đã phục vụ lâu dài trong quân đội, và về sau trở thành tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang, nói với tôi rằng ông ta đã khuyên Suharto phải giữ khuôn phép đối với những đòi hỏi khôn cùng của con cái muốn có nhiều đặc quyền đặc lợi trong kinh doanh hơn. Giá như Suharto nghe lời Moerdani thì đâu đến nỗi phải chịu một kết cục bi thảm như vậy.

Tôi có xem hình ảnh ông ta tuyên bố từ chức trên màn hình vô tuyến, ông ta xứng đáng có được một nghi lễ từ chức trịnh trọng hơn nhiều. Suharto đã tập trung sức lực của mình cho việc ổn định và cho nền kinh tế. Các chính sách của ông ta đã tạo ra những điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở tất cả các nước Asean từ thập kỷ 70 đến thập kỷ 90. Đó là những năm hoàng kim đối với Đông Nam Á.

Mặc dù ngẫu nhiên trở thành Tổng thống, Habibie vẫn tin rằng vận mệnh của ông ta là cai quản đất nước Indonesia. Ông ta là người có học vấn cao nhưng bẻm mép và không kiên định. Trên báo Asian Wall Street số ra ngày 4/8/1998, ông ta mô tả phong cách làm việc của mình là “xử lý cùng lúc 10 đến 20 vấn đề” và so sánh mình với máy điện toán. Ông ta còn than phiền rằng ông ta nhậm chức vào ngày 21/5/1998 thì ngày hôm sau đã nhận được điện chúc mừng từ nhiều quốc gia gửi tới thế mà “mãi gần đến tháng 6 mới nhận được của Singapore – rất chậm. Đối với tôi thì chẳng sao nhưng còn 211 triệu dân [ở Indonesia] nữa chứ. Hãy nhìn vào bản đồ! Toàn bộ màu xanh (vùng biển) đó là Indonesia. Còn cái chấm đỏ kia là Singapore. Xem đi!” (Singapore gửi điện mừng ngày 25/5). Mấy ngày sau đó, trong bài diễn văn đọc tại cuộc mít–tinh kỷ niệm Quốc khánh, Thủ tướng Goh đã đáp lại rằng Singapore chỉ có nguồn lực của ba triệu dân và những gì “một chấm đỏ” như Singapore có thể làm cho các bạn láng giềng của mình đều có hạn.

Chúng tôi biết rõ Habibie bởi vì ông ta đã từng phụ trách việc hợp tác với Singapore trong dự án Batam. Ông ta chống lại những người Indonesia gốc Hoa và mở rộng ra là Singapore, nước có đa số dân là người Hoa. Ông ta muốn đối xử với chúng tôi như ông ta đối xử với giới cukong Indonesia gốc Hoa: gây sức ép và bòn rút. Điều này sẽ làm thay đổi cái nền tảng mà theo đó Suharto và tôi đã hợp tác như những quốc gia độc lập, bình đẳng, thành mối quan hệ abang–adik (đại ca – tiểu đệ). Nhưng Habibie lại mấy lần kín đáo gửi thông điệp mời Thủ tướng sang thăm ông ta ở Jakarta và còn mời cả Loong (Phó Thủ tướng) và vợ dùng bữa tối. Có người bảo với chúng tôi: ông ta muốn cho công chúng thấy các nhà lãnh đạo Singapore ủng hộ ông ta vì tin rằng những người lãnh đạo doanh nghiệp Indonesia gốc Hoa sẽ tin tưởng ông ta và đầu tư. Chúng tôi không thấy bằng cách nào những chuyến thăm như vậy có thể mang lại kết quả đó.

Hai ngày sau khi có tin ông ta nổi giận, Habibie đã dành 80 phút lên lớp cho Teo Chee Hean, Bộ trưởng Giáo dục và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của chúng tôi; Teo đến Jakarta để trao viện trợ nhân đạo cho Tướng Wiranto, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Indonesia. Teo nói:


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx