sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 18 phần 2

Chúng tôi thảo luận về các xí nghiệp quốc doanh (State–Owned Enter­prises – SOE) đang gánh chịu thua lỗ. Họ muốn tư hữu hóa hoặc bán chúng cho người Lao động và các thành phần khác. Tôi giải thích phương thức này sẽ không cung cấp cho họ điều then chốt – sự quản lý có hiệu quả. Hãng hàng không Singapore thuộc sở hữu nhà nước 100 % nhưng nó hiệu quả và có khả năng sinh lãi bởi nó phải cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế. Chúng tôi không trợ cấp cho nó; nếu nó không có lãi thì nó sẽ bị đóng cửa. Tôi đề nghị họ tư hữu hóa các SOE bằng cách đưa vào các tập đoàn nước ngoài để tiếp nhận những kiến thức chuyên môn về quản lý và vốn nước ngoài vào để có công nghệ mới. Một sự thay đổi trong hệ thống quản lý là thiết yếu. Họ cần phải làm việc với người nước ngoài để hiểu biết học hỏi qua công việc. Tư hữu hóa trong nội bộ đất nước bằng cách bán cho dân chúng của mình không thể đem lại kết quả này.

Lực lượng thi hành nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở hạ tầng mà chúng tôi gửi đi vào tháng 9/1992 đã đệ trình một bản báo cáo được chính phủ Việt Nam thông qua. Chúng tôi dành 10 triệu đôla Mỹ trong quỹ Hỗ trợ các nước Đông Dương cho việc đào tạo chuyên môn cho các quan chức của Việt Nam.

Đỗ Mười viếng thăm Singapore vào tháng 10/1993. Ông sửng sốt trước những tòa nhà và cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Khi ông tham quan các siêu thị giá phải chăng của NTUC, ông bị ấn tượng bởi sự đa dạng và phong phú của các mặt hàng tiêu dùng bày bán cho những công nhân của chúng tôi, giống như Thủ tướng Nga Ryzkov đã từng bị ấn tượng vào năm 1990. Khi tôi đáp lại chuyến thăm của ông một tháng sau, tôi khám phá được từ các quan chức của ông rằng ông đã chỉ đạo cho các tổ chức Việt Nam học tập Singapore và dành sự ưu đãi cho các đề án do các nhà đầu tư Singapore đề xướng ở bất kỳ nơi nào có thể. Tuy nhiên, mặc dù nhiều hợp đồng đã được ký kết, các nhà đầu tư của chúng tôi phát hiện chúng không được thực hiện. Các quan chức cấp dưới đã sử dụng các hợp đồng này để làm giá thu hút những hợp đồng hấp dẫn hơn từ những thương nhân khác.

Đỗ Mười là nhân vật quan trọng nhất Việt Nam. Tầm vóc nặng nề với khuôn mặt to, mũi rộng, nước da ngăm đen và mái tóc thẳng chẻ ngôi hai bên, trông ông giản dị và gọn gàng. Ông mặc trang phục Mao theo kiểu Việt Nam, không như Võ Văn Kiệt mặc lễ phục của Tây phương, ông là người cân bằng giữa chủ trương cải cách và chủ trương Bảo thủ.

Ông nói với tôi ông được đưa hai quyển sách của tôi khi ông ở Singapore. Ông đã cho dịch những bài diễn văn của tôi từ tiếng Hoa sang tiếng Việt, đọc tất cả chúng và gạch dưới các phần chính yếu về kinh tế và gửi chúng cho tất cả cán bộ quan trọng và bộ trưởng của ông đọc. Ông ngủ rất ít từ nửa đêm đến 3 giờ sáng, tập thể dục nửa tiếng và đọc đến 7 giờ 30 trước khi bắt đầu công việc. Nhân viên đại sứ quán chúng tôi báo cáo quyển sách về các bài diễn văn của tôi đã được dịch sang tiếng Việt và đang được bày bán.

Khi ông hỏi làm thế nào để có thể tăng lượng đầu tư, thì tôi đề nghị họ nên bỏ những thói quen họ đã học tập được trong chiến tranh du kích. Các đề án phát triển của phía Nam đã được chính quyền thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận phải được các quan chức Hà Nội, những người biết rất ít về tình hình ở thành phố Hồ Chí Minh đồng ý một lần nữa ở phía Bắc. Thật là mất thời gian. Kế đến, các dự án đã được chính phủ Hà Nội phê duyệt thường bị các chính quyền địa phương chặn lại bởi uy thế của chỉ huy địa phương chịu trách nhiệm, một di sản từ những ngày kháng chiến du kích.

Ông nói với một nỗi buồn về quá khứ bi thương của Việt Nam – 1.000 năm chống giặc Tàu, 100 năm chiến đấu chống trả chủ nghĩa đế quốc và thực dân Pháp, rồi lại tranh đấu cho nền độc lập sau Thế chiến thứ hai. Họ đã phải đánh quân Nhật, Pháp, Mỹ và sau đó là bè lũ Pol Pot. Ông không đề cập đến cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1979. Trong suốt 140 năm, người Việt Nam đã tiến hành thành công các cuộc chiến giải phóng đất nước. Những vết thương chiến tranh của họ quá nặng, nền công nghiệp yếu ớt, kỹ thuật lạc hậu, cơ sở hạ tầng tồi tệ. Tôi thông cảm với ông, khẳng định cuộc chiến là một bi kịch cho cả nước Mỹ và Việt Nam. Ông thở dài và cho rằng Việt Nam có thể sẽ trở thành một quốc gia hiện đại phát triển như Singapore nếu không có chiến tranh.

Tôi khẳng định với ông lần nữa rằng cuối cùng rồi Việt Nam có thể sẽ còn làm tốt hơn Singapore. Không có lý do nào giải thích tại sao hòa bình và ổn định hiện nay lại không tồn tại được trong một thời gian dài, vì bài học mà Đông Á rút ra từ 40 năm qua là chiến tranh không sinh lợi. Trong hai cuộc chiến lớn ở Triều Tiên và Việt Nam và cuộc chiến tranh du kích ở Campuchia không có kẻ chiến thắng, chỉ có những nạn nhân.

Thực sự, Việt Nam đã có tiến bộ. Do kết quả của các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với phía nước ngoài và các thông tin to lớn hơn về nền kinh tế thị trường, các bộ trưởng và quan chức có sự hiểu biết hơn về các hoạt động của thị trường tự do. Nhiều hoạt động đường phố hơn, nhiều cửa hàng hơn, nhiều thương nhân nước ngoài, nhiều khách sạn hơn – tất cả đều là những dấu hiệu của sự thịnh vượng ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trong một chuyến thăm khác vào tháng 3/1995, Phó thủ tướng thứ nhất Phan Văn Khải dẫn dắt các cuộc thảo luận về cải cách kinh tế. Ông bị coi là muốn cải cách nhanh hơn. Các nhà đầu tư của chúng tôi đã gặp phải nhiều vấn đề. Tôi nói với Phan Văn Khải là nếu ông muốn thu hút đầu tư, ông phải chào đón những người đến sớm. Họ nên được giúp đỡ để đạt được thành công sau khi họ đã dồn tài sản vào đất nước Việt Nam. Đối xử với các nhà đầu tư có tài sản cố định ở Việt Nam như những tù nhân là cách chắc chắn nhất để xua đuổi những người khác. Các quan chức của họ đối xử với các nhà đầu tư như cách họ đã đối xử với lính Mỹ, như kẻ thù bị dồn vào trận địa phục kích và bị tiêu diệt. Thay vào đó, các nhà đầu tư nên được đối xử như những người bạn quý, những người cần sự hướng dẫn để thoát khỏi sự rối rắm của bộ máy quan liêu đầy rẫy bom mìn và các bẫy khác của họ.

Tôi đưa ra vài ví dụ về những khó khăn mà các nhà đầu tư đã phải đối mặt. Một nhà thầu Singapore đang xây dựng một khách sạn ở Hà Nội. Khoảng 30 hộ dân quanh khu vực thi công phàn nàn về tiếng ồn và sự rung động, ông ta đã đồng ý trả mỗi nhà một khoản đền bù 48 đôla một tháng. Khi điều này được chấp nhận, 200 hộ dân khác yêu cầu khoản tiền ấy. Nhà thầu này quyết định sử dụng một phương pháp khác để khoan cọc mà không gây tiếng ồn hay rung động. Nhưng nhà thầu không được phép làm điều đó bởi giấy phép của ông đăng ký sử dụng thiết bị cũ.

Một ví dụ tiếp theo, Singapore Telecom hợp đồng liên doanh về dịch vụ nhắn tin với Bưu chính Viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở một năm thử thách, sau đó họ có thể xin một giấy phép 10 năm. Sau khi Singapore Telecom tiêu tốn 1 triệu Mỹ kim để đưa hệ thống đi vào hoạt động thì Bưu chính Viễn thông TP. Hồ Chí Minh đề nghị mua lại hệ thống. Tôi nói với Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng số tiền liên quan chỉ là 1 triệu đôla nhưng nguyên tắc là vấn đề quan trọng. Nếu họ không giữ hợp đồng họ sẽ làm giới kinh doanh Singapore mất niềm tin. Võ Văn Kiệt phải can thiệp để đưa đề án tiến hành trôi chảy nhưng có sự sửa đổi đối với hợp đồng ban đầu và một vài vấn đề nổi cộm vẫn chưa được giải quyết.

Ý kiến phản hồi từ các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy thông điệp của tôi đã có tác dụng vì các quan chức Việt Nam đã trở nên sẵn sàng giúp đỡ hơn. Tổng giám đốc điều hành của một công ty lớn của Đức thăm Singapore sau khi đến Việt Nam đã nói với tôi rằng họ đã cung cấp cho ông một tài liệu hướng dẫn. Tôi mỉm cười hài lòng.

Các nhà lãnh đạo cao cấp vẫn còn sợ các tệ nạn xã hội theo sự mở cửa tràn vào Việt Nam, và cũng sợ mất đi sự kiểm soát chính trị nên đã làm chậm lại sự tự do hóa. Không như Trung Quốc, nơi hầu hết các thị trưởng và tỉnh trưởng đều trẻ tuổi, được đào tạo nghiêm túc, những vị đứng đầu chịu trách nhiệm trong các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đều là các chỉ huy du kích quân ngày trước. Họ kinh hoàng trước những gì đã xảy ra ở Mat–xcơ–va và ở Liên bang Xô Viết và họ không tán thành việc các tệ nạn xã hội đã lây lan trong các thành phố duyên hải của Trung Quốc. Đó không phải là cái mà họ đã đấu tranh để giành lấy.

Năm 1993 tôi đã đề nghị Võ Văn Kiệt và đội ngũ của ông nên cất nhắc các cựu chiến binh du kích này vào những vị trí cố vấn quan trọng và cho phép những người trẻ hơn, ưu tiên những ai hướng đến phương Tây, gánh trách nhiệm hàng ngày. Họ cần những con người hiểu biết về nền kinh tế thị trường và có thể liên hệ với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng những cựu binh đã tham chiến và chiến thắng đang tại chức và muốn xây dựng đất nước theo cách của họ. Khi một thế hệ trẻ kế thừa sự nghiệp, tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn. Tháng 9/1997, có những thay đổi quan trọng về sự lãnh đạo, đó là Phó Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành Thủ tướng thay thế Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Trần Đức Lương thay thế Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Đây là những bước tiến đến một thế hệ trẻ hơn, đi xa hơn và có tiếp xúc với thế giới thực, những người biết rất rõ Việt Nam đang bị bỏ lùi bao xa so với các nước láng giềng.

Tháng 11/1997, tôi thăm Thành phố Hồ Chí Minh và gặp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trương Tấn Sang. Cả đất nước đang trong tình trạng “đóng băng”. Các nhà đầu tư của chúng tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh và các chủ ngân hàng nước ngoài lo sợ về lệnh cấm mới được ban hành: Không được đổi từ tiền đồng Việt Nam sang ngoại tệ để thanh toán. Làm thế nào để các nhà đầu tư và chủ ngân hàng nước ngoài trả các khoản nợ nước ngoài? Làm thế nào họ tiếp tục kinh doanh buôn bán? Bộ Thương mại và Công nghiệp đã chống đối mạnh mẽ biện pháp này, biện pháp mà họ biết sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nhưng họ không thể làm được gì. Ngân hàng Trung ương Việt Nam và Bộ Tài chính đã hoảng hốt trước cuộc khủng hoảng tiền tệ đã lan tới khu vực và lo lắng về các dự trữ ngoại hối thấp của họ.

Ở Hà Nội, tôi đã giải thích với Phan Văn Khải tại sao những thay đổi đột ngột như vậy sẽ gây tổn thất. Nhiều vấn đề khác cũng đã sai lầm. Singapore Telecom đã dàn xếp việc kinh doanh nhắn tin để rồi sau đó gặp rắc rối về việc kinh doanh điện thoại di động. Công ty viễn thông ở Việt Nam không muốn cấp giấy phép mặc dù họ đã hứa. Người Việt Nam muốn tự mình quản lý nó. Tôi chỉ ra rằng Singapore phải theo xu hướng của thế giới phát triển về việc tư nhân hóa công ty viễn thông của nó, và công ty này phải đương đầu với sự cạnh tranh quốc tế. Cách duy nhất để đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt này là phải hoạt động như một công ty tư nhân với các đối tác nước ngoài đem đến công nghệ tiên tiến nhất. Ông đã hiểu cũng như Trần Đức Lương, người mà tôi đề cập đến cùng vấn đề đã hiểu.

Một lần nữa tôi được đưa đến gặp Đỗ Mười. Đó là một cuộc thảo luận tốt đẹp, giống như những lần trước. Nhưng tôi sợ sự ảnh hưởng của nó sẽ bị giới hạn một lần nữa. Người Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian cho việc loại bỏ các trói buộc để hoạt động thoải mái linh hoạt. Một khi họ làm được điều này, tôi ít nghi ngờ việc họ có thể thành công. Kỹ năng họ sử dụng vũ khí của Liên Xô và ứng biến để khắc phục những thiếu sót nguy kịch suốt cuộc chiến và những thành tựu đạt được của những người Việt tị nạn ở Mỹ và Pháp là những nhắc nhở về phẩm chất ghê gớm của họ.

MYANMAR

Chuyến thăm đầu tiên của tôi đến Rangoon (Yangon) là vào tháng 4/1962. Thủ tướng U Nu của Miến Điện (tên gọi của Myanmar trước 1989) đã yêu cầu tướng Ne Win lên cầm quyền vào 1958 bởi chính phủ được bầu của ông không thể ngăn chặn các cuộc nổi dậy và bạo loạn của nhiều nhóm dân tộc thiểu số. Sau 18 tháng cai trị bằng quân sự, một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức. Khi đảng của U Nu được bầu, Ne Win chuyển giao chính quyền lại cho U Nu. Nhưng chẳng bao lâu U Nu lại gặp nhiều khó khăn và Ne Win nắm chính quyền vào tháng 3/1962 ngay trước chuyến viếng thăm của tôi.

Không giống Colombo, thành phố tôi tham quan 1956, Rangoon có vẻ đổ nát và tồi tệ. Nó đã từng bị Nhật chiếm đóng và mặc dù tránh được những tổn thất tồi tệ nhất vì người Anh từ Bengal đã tái chiếm nó, sự thiệt hại khá đáng kể. Ne Win chào đón Choo và tôi nồng hậu tại nhà ông. Tôi bối rối khi thấy súng và xe tăng vây quanh nhà. Rõ ràng ông đề phòng mọi rủi ro. Chuyến thăm của tôi là nhằm phản đối cuộc tuyên truyền của Tổng thống Indonesia Sukarno rằng Malaysia là một âm mưu của chủ nghĩa thực dân mới. Trong bữa ăn trưa, Ne Win nghe tôi diễn giải nhưng không chú tâm lắm. Ông bận tâm vào việc duy trì luật pháp và trật tự, xoa dịu các cuộc nổi dậy và đoàn kết Miến Điện lại.

Ông sống trong một ngôi nhà một tầng có kích thước trung bình ở vùng ngoại ô. Ông thân thiện, cũng như vợ ông, Khin May Than (Kitty), một cựu y tá và một quý bà hoạt bát. Cả hai đều nói được tiếng Anh và thông minh. Miến Điện là một trong các quốc gia được thiên nhiên ưu đãi ở Đông Nam Á, một nước xuất khẩu gạo và lương thực trước chiến tranh. Tuy nhiên, hệ thống dân chủ của chính phủ không hoạt động. Người dân không cùng một sắc tộc, không nói cùng một ngôn ngữ. Người Anh đã đưa hàng loạt các sắc tộc khác nhau ở những vùng khác nhau của đất nước nhiều núi non này vào một quốc gia.

“Người Miến Điện tiến đến chủ nghĩa xã hội” là khẩu hiệu của Ne Win dành cho Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Miến Điện. Chính sách của ông thật đơn giản: đạt được sự tự lực và loại bỏ người Ấn, Hoa đã vào Miến Điện cùng người Anh. Người Hoa đã bắt đầu ra đi ngay dưới thời U Nu, nhiều người định cư ở Thái và Singapore. Một lượng lớn hơn là người Ấn, những người mà người Anh đã tuyển vào các văn phòng chính phủ. Họ dần dần bị ép ra ngoài.

Chuyến thăm kế tiếp của tôi đến Rangoon là vào tháng 5/1965 sau khi tham dự một Hội nghị dành cho những người châu Á theo chủ nghĩa xã hội ở Bombay. Ne Win thích phần diễn văn mà tôi phát biểu: “Nếu chúng ta tiếp cận những vấn đề nghèo đói và kém phát triển của châu Á qua cái kính lạc quan của những người theo chủ nghĩa xã hội ở Tây Âu, chúng ta chắc chắn sẽ thất bại.” Tôi đã không nhận thấy vào lúc đó ông quyết tâm như thế nào để tự cung tự cấp đầy đủ, để ít quan hệ với thế giới bên ngoài và để quay về với cái quá khứ lãng mạn yên bình khi Miến Điện còn giàu có và tự túc.

Một cuộc nói chuyện mà tôi không thể nào quên được trong chuyến tham quan ấy là với quản lý khách sạn Strand – một người Ấn gần sáu mươi tuổi, mái tóc đang bạc dần và để râu quai nón. Ông mang bữa sáng vào với vẻ cô độc và thất vọng, và nói bằng tiếng Anh: “Thưa ngài, đây là ngày cuối cùng của tôi, tôi sẽ không còn ở đây vào ngày mai.” Ông không biết liệu viên trợ lý người Miến Điện của ông sẽ có khả năng phục vụ tôi một bữa sáng như thế này hay không: trà với sữa và đường kiểu Anh, bánh mì nướng và trứng rán. Tôi hỏi tại sao ông lại ra đi. Ông đáp: “Tôi phải ra đi. Tôi sinh ra và sống ở đây suốt cả cuộc đời nhưng chính phủ muốn tất cả người Ấn ra đi. Tôi không thể mang gì theo mình ngoài một khoản tiền nhỏ và các tài sản cá nhân của tôi.” “Ông tính đi đâu?” ”Ấn Độ”, ”Ông có họ hàng ở đó không?” ”Không”. Ông bà của ông đã bị người Anh đưa đến đây nhưng chính phủ muốn gửi ông trở về. Ông có lý khi lo cho bữa ăn sáng của tôi. Ngày hôm sau, khay không gọn gàng mà bánh mì nướng cũng chẳng giòn.

Trưa hôm đó, Ne Win chơi gôn với tôi ở một nơi trước đây là câu lạc bộ gôn Rangoon Anh quốc. Đó là một buổi chơi khác thường. Ở hai bên của mỗi phần sân gôn giữa điểm phát bóng và bãi cỏ xanh và xung quanh chúng tôi, 4 người chơi, là đội lính trang bị súng đứng quay mặt ra ngoài. Khi không vung gậy, Ne Win đội một chiếc nón bảo vệ bằng thép. Tôi do dự hỏi tại sao. Bộ trưởng của ông, một trong những người chơi, thì thầm điều gì đó về một sự đe dọa ám sát.

Khi Ne Win thăm Singapore vào năm 1968 và chơi gôn, ông không lo lắng về sự an ninh và không mang nón bảo vệ bằng thép. Khi ông đến lần kế vào năm 1974, tôi đề nghị chúng tôi nên phối hợp các chính sách của cả hai để làm cho Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô duy trì sự có mặt trong khu vực nhằm có sự cân bằng quyền lực nào đó. Ông không quan tâm một tí nào và thích để những vấn đề này cho các siêu cường.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx