sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 18 phần 3

Tôi thăm Rangoon lần cuối vào tháng 1/1986. Người vợ mới của Ne Win là một bác sĩ có học thức và trẻ hơn rất nhiều so với Kitty – người vợ đã quá cố của ông. Ne Win có một hồi ức tuyệt vời về những sự kiện đã xảy ra cách đây 15, 30 năm. Trong bữa tối, tôi nhận thấy ông vẫn ngờ vực các cường quốc nước ngoài hơn bao giờ hết dù Miến Điện đã trải qua 20 năm đình trệ kinh tế. Ông nói về việc bị kẹt trong một “cuộc đấu trí” chống lại các phần tử bên ngoài Miến Điện, những kẻ muốn gây tổn thất cho đất nước ông càng nhiều càng tốt.

Thật buồn khi thấy Rangoon tệ hại hơn một Rangoon tôi đã đến thăm năm 1965. Không có con đường, tòa nhà nào mới. Mọi thứ đều trong tình trạng không được sửa chữa và trên các con đường chính có nhiều ổ gà, một vài chiếc xe hơi loại cũ của những năm 50 hoặc 60. Bất kỳ vị bộ trưởng nào cũng không thể làm được điều gì cả, với các chính sách của ông. Báo tiếng Anh thì chỉ là một tờ báo khổ nhỏ, một tờ đơn 4 trang. Báo tiếng Miến Điện thì khổ lớn hơn một chút. Những người hiện diện trong ngôi chùa Shwe Dagon nổi tiếng của họ trông luộm thuộm và nghèo nàn. Từ trong xe tôi nhìn ra thấy các cửa hàng đều trống không.

Khi Thủ tướng của ông là Maung Maung Kha thăm Singapore vào tháng 9/1986, tôi cố gắng làm ông quan tâm đến du lịch, kể cho ông về một bài báo tôi đã đọc trong tờ Singapore American (một ấn bản của cộng đồng người Mỹ ở Singapore) viết về chuyện hai giáo viên ở trường học Mỹ miêu tả chuyến tham quan của họ đến Rangoon, Mandalay và Pagan. Họ đã đi quá giang một phần chuyến du lịch và cho đấy là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Tôi đề nghị ông nên mở cửa Miến Điện, xây dựng khách sạn và thực hiện những chuyến bay an toàn từ Rangoon đến Mandalay và Pagan. Ông sẽ có một lượng du khách lớn và thu nhập tài chính đáng kể. Ông im lặng lắng nghe và nói rất ít. Không có điều gì diễn ra sau đó. Ne Win không muốn người nước ngoài đến Miến Điện.

Chỉ trong năm 1998, khi Trung tướng Khin Nyunt, một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Miến Điện, nhiệt tình đến thăm tôi ở Singapore thì tôi mới cảm thấy Ne Win đã thay đổi ý định. Ne Win ắt hẳn đã nói với Khin rằng tôi là một cố nhân bởi ông im lặng lắng nghe khi tôi giải thích rằng Myanmar phải điều chỉnh phù hợp với thế giới thời hậu chiến tranh lạnh, mở cửa nền kinh tế và phát triển đất nước. Tôi đưa ra hai ví dụ – Trung Quốc và Việt Nam, các nước đóng cửa trước đây, giờ đang phát triển du lịch và mời gọi đầu tư nước ngoài để tạo công ăn việc làm và tạo ra của cải.

Khin Nyunt lúc đó phụ trách cơ quan tình báo và là người có vai trò lớn trong junta – nhóm sĩ quan quân đội cầm quyền sau cuộc nổi dậy, hay SLORC (State Law and Order Restoration Council – Hội đồng tái lập trật tự và luật pháp nhà nước). Tôi đề nghị ông xem xét lại chính sách đối với Aung San Suu Syi, con gái của Aung San, vị thủ tướng đầu tiên đồng thời là người anh hùng của Miến Điện. Bà đã kết hôn với một người Anh nhưng đã trở về Myanmar lãnh đạo một phong trào chống lại chính phủ quân sự Myanmar. Chính phủ không thể giam cầm bà mãi mãi; bà vẫn còn làm chính phủ lúng túng.

Myanmar phải cải thiện cuộc sống của người dân, kết nạp những người có năng lực với kinh nghiệm ở nước ngoài tham gia vào chính phủ. Một chính quyền của các sĩ quan quân đội không bao giờ có thể đưa nền kinh tế đi lên. Tôi đề nghị ông nên tạo điều kiện thuận lợi cho Singapore tiến hành giúp đỡ Myanmar về mặt kinh tế. Singapore có thể bảo vệ vị trí của Myanmar trên trường quốc tế nếu việc cam kết này là nhằm giúp đỡ Myanmar trở về tình trạng bình thường, không phải là duy trì hệ thống hiện nay. Người thư ký của tôi, một cán bộ ngoại giao phụ trách về Myanmar, lo sợ rằng ông ta sẽ phản đối dữ dội và ngạc nhiên khi cuối buổi thảo luận ông cám ơn tôi về những “ý kiến giá trị” của tôi.

Khi tướng Than Shwe, Thủ tướng Myanmar đồng thời là chủ tịch SLORC viếng thăm Singapore vào tháng 6/1995, tôi đề nghị ông đi thăm Indonesia để học hỏi nước này đã thay đổi từ sự lãnh đạo quân đội với sự cầm quyền của tướng Suharto, sang chế độ tổng thống bầu cử như thế nào. Hiến pháp của Indonesia ban cho quân đội quyền trực tiếp trong chính phủ, với quyền đại diện trong lập pháp dưới một hệ thống gọi là dwi–fungsi (hai chức năng). Quân đội Indonesia có vai trò lập hiến trong việc bảo đảm an ninh và toàn vẹn đất nước. Các cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp được tổ chức 5 năm một lần. Myanmar phải đi theo hướng đó nếu muốn giống như những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Tôi đã ghé thăm Ne Win khi ông đến Singapore điều trị bệnh một năm trước đó, 1994. Ông nói về sự yên bình và thanh thản trong tinh thần qua việc tập luyện thiền định. Hai năm sau khi ông rút khỏi chính quyền vào năm 1988, ông đã sống trong sự giày vò, buồn bực và lo lắng cho những chuyện đang diễn ra trong nước. Sau đó vào năm 1990 ông bắt đầu đọc sách về việc thiền định. Hiện giờ ông trải qua nhiều giờ mỗi ngày, sáng, chiều và tối trong sự tĩnh tâm yên lặng. Ông chắc chắn trông khá hơn rất nhiều so với con người bệnh hoạn mà tôi đã gặp ở Rangoon năm 1986.

Ông quay lại Singapore năm 1997 để khám bệnh. Ở độ tuổi tám mươi sáu ông thậm chí trông khỏe mạnh hơn hồi trị bệnh đợt trước. Lần này ông chỉ nói về thuật thiền định, khuyên rằng tôi nên làm thế nào để có thể tăng cường sự tĩnh tâm suy nghĩ của mình. Tôi hỏi ông có lo lắng về bệnh tật của những người ông yêu thương chẳng hạn như con cháu không. Ông có lo lắng nhưng ông có thể kiểm soát, giảm bớt và quên những đau khổ này qua việc thiền định. Ông có lo lắng khi các tướng lĩnh cũ của ông xin ông những lời khuyên hay không? Ông trả lời là không; khi họ hỏi ông điều này, ông bảo họ đừng bao giờ bàn về công việc của họ bởi ông đã nghỉ hưu, không còn nghĩ đến những vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, các nhân viên ngoại giao nói với tôi rằng ông có được sự tôn trọng và quyền lực trong giới quân đội và có thể vẫn còn ảnh hưởng.

Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tin rằng trừng phạt kinh tế có thể ép buộc chính phủ trao quyền lực cho Aung San Suu Kyi, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991. Tôi nghĩ điều đó không thể nào xảy ra được. Quân đội là công cụ cai trị duy nhất của Myanmar kể từ khi Ne Win cầm quyền năm 1962. Các thủ lĩnh quân sự có thể bị thuyết phục chia sẻ quyền lực và dân sự hóa dần chính phủ. Nhưng trừ phi Mỹ hoặc Liên Hiệp Quốc gởi các lực lượng vũ trang đến để dàn xếp đất nước này như đã làm ở Bosnia, bằng không thì không thể cai trị nổi Myanmar nếu không có quân đội. Phương Tây thiếu kiên nhẫn trước những cam kết xây dựng của Asean và bối rối khi các nhà lãnh đạo Asean công nhận Myanmar là thành viên vào tháng 7/1997. Nhưng có cách nào tốt hơn để có được một quốc gia phát triển, mở cửa và thay đổi dần dần? Ở Campuchia, một lực lượng Liên Hiệp Quốc giám sát cuộc bầu cử cũng đã không thể đưa được người đắc cử vào chính phủ vì chính phủ trên thực tế dưới sự lãnh đạo của Hun Sen đã kiểm soát quân đội, cảnh sát và cơ quan hành chính.

Các tướng lĩnh cuối cùng sẽ phải điều chỉnh và thay đổi thể thức chính phủ cho giống với các nước láng giếng Asean. Điều này sẽ xảy đến sớm hơn nếu họ tăng cường tiếp xúc với cộng đồng quốc tế.

CAMPUCHIA

Tôi thích nhớ đến Campuchia như một ốc đảo hòa bình và thịnh vượng trong bán đảo Đông Dương bị chiến tranh xâu xé của thập niên 60. Choo và tôi thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên đến Phnom Penh – thủ đô của Campuchia năm 1962. Đích thân Hoàng thân Norodom Sihanouk đón chúng tôi ở phi trường và ra lệnh các vũ công trong trang phục truyền thống rắc những cánh hoa trên chiếc thảm đỏ khi chúng tôi đi ra xe hơi sau khi duyệt binh danh dự. Phnom Penh giống một thành phố tỉnh lẻ của Pháp, tĩnh lặng và yên bình với những đại lộ rộng gợi nhớ đại lộ Champs Élysées ở Paris với cây cối dọc hai bên và dọc lề đường cũng được cây xanh rủ bóng. Thậm chí có cả một lối đi có mái vòm đồ sộ, một phiên bản Khmer của Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe), ở trung tâm vòng xoay chính, Place de l’Indépendance. Chúng tôi ở tại Palais du Gouvernement, trước đây là dinh thự của Tổng toàn quyền Pháp, gần sông Mekong. Sihanouk sống trong cung điện cổ. Ông chiêu đãi chúng tôi bữa tối theo phong cách trang trọng, sau đó đưa chúng tôi thăm Angkor Wat trên chiếc máy bay của Nga dành riêng cho ông.

Sihanouk là một nhân cách khác thường, hết sức thông minh và tràn sinh lực. Ông có điệu bộ và kiểu cách màu mè của một quý ông được giáo dục theo kiểu Pháp và nói tiếng Anh theo kiểu Pháp. Cao trung bình, hơi phốp pháp, ông có khuôn mặt rộng với lỗ mũi loe như những hình đá chạm trổ trên các đền thờ quanh Angkor Wat. Ông là một chủ nhà tuyệt vời làm cho mỗi chuyến thăm trở thành một dịp vui vẻ đáng nhớ. Những bữa tiệc lớn với cách nấu nướng cao cấp kiểu Pháp, với những chai rượu nho Pháp thượng hạng cùng với bộ dao ăn tuyệt đẹp quả là một sự thú vị. Tôi nhớ lúc đi đến lâu đài của ông ở thủ phủ Batambang, lái xe lên một con dốc, lối vào tiêu biểu cho đường lái xe vào các lâu đài Pháp. Khi chúng tôi đến nơi, những lính gác Campuchia thấp bé, trông có vẻ lùn đi trong những chiếc giầy ống kiểu Napoleon đen sáng cao đến đùi và chiếc nón bảo vệ, dàn chào với gươm trần sáng loáng. Các sảnh chiêu đãi và thiết tiệc được trang trí sang trọng và gắn máy điều hòa. Có một dàn nhạc phương Tây và một dàn nhạc Campuchia. Các nhà ngoại giao ngoại quốc đều có mặt. Đó là một buổi lễ hoàng gia.

Hoàng thân lanh lợi, quá mẫn cảm với những lời chỉ trích. Ông trả lời mọi bài báo có tính chỉ trích. Chính trị đối với ông là báo chí và dư luận. Khi ông bị lật đổ trong cuộc chính biến năm 1970, ông nói ông tìm nơi ẩn náu ở Bắc Kinh vì ông sợ cho tính mạng mình. Tôi tin nếu khi đó ông trở về Campuchia thì không một người lính nào dám chĩa súng vào ông khi đến phi trường. Ông là một vị vua của họ do thượng đế chọn lựa. Ông đã giữ vững Campuchia là một ốc đảo hòa bình và giàu có trong một bán đảo Đông Dương bị chiến tranh tàn phá. Ông tìm kiếm tình hữu nghị và sự bảo vệ của người Trung Quốc trong khi giữ các mối ràng buộc với phương Tây thông qua Pháp. Khi ông ở lại Bắc Kinh thay vì trở về thách thức những kẻ đảo chính, nước Campuchia cổ xưa đã bị phá hủy.

Tôi gặp lại ông khi ông ghé thăm Singapore vào tháng 9/1981 để thương lượng về việc hình thành một liên minh với Khmer Đỏ. Đó là một Sihanouk đã thay đổi. Ông quay về Phnom Penh và là một tù nhân của Khmer Đỏ. Ông đã trải qua một thời gian đau thương; nhiều con cháu của ông đã bị Pol Pot giết chết và chính ông cũng sống trong nỗi lo sợ cho số phận của mình. Sihanouk hoạt bát ngày xưa đã bị hủy diệt. Giọng cười của ông, một âm giọng the thé ở âm vực cao khi ông khoan khoái, các điệu bộ cử chỉ – tất cả đều thầm lặng hơn. Ông là một thảm kịch sống, một biểu tượng của những gì đã xảy ra cho đất nước và nhân dân của ông.

Sau khi Khmer Đỏ chiếm đóng Phnom Penh, người Cambod, như họ vẫn gọi trong chế độ Pol Pot, không hoạt động trong khu vực. Một Bộ trưởng cao cấp, Ieng Sari, thăm tôi vào tháng 3/1977. Ông nói năng mềm mỏng, mặt tròn và mập mạp. Ông ta là người nhã nhặn mềm mỏng nhất, một người có lẽ sẽ trông coi trẻ một cách dịu dàng. Ông là anh rể và là trợ lý tin cẩn của một Pol Pot khét tiếng – thủ lĩnh Khmer Đỏ đã tàn sát từ 1 đến 2 triệu dân Campuchia trên tổng số 7 triệu dân, hầu hết là trí thức, những người giỏi nhất, sáng giá nhất. Ông ta không hề đề cập đến tội diệt chủng này, vì thế tôi quyết định không chất vấn ông. Ông ta nhất định sẽ phủ nhận, cũng như các đài phát thanh Khmer Đỏ phủ nhận rằng điều đó đã không xảy ra. Ieng Sari là người thực tế. Ông ta muốn kinh doanh, kiểu hàng đổi hàng. Ông ta cần phụ tùng cho nhà máy xí nghiệp, máy bơm cho thủy lợi, máy đuôi tôm cho thuyền đánh cá. Để trao đổi ông ta dùng cá ở vùng hồ Tonle Sap, một hồ nội địa nổi tiếng của Campuchia thường tràn ngập nước mỗi năm và cho cá ngon. Việc làm ăn trao đổi này không hưng thịnh (do vấn đề liên quan đến hậu cần) vì thế chúng tôi buôn bán rất ít và hầu như chẳng còn gì khác để làm.

Các mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia xấu đi do các xung đột biên giới. Việt Nam tấn công Campuchia năm 1978 và chiếm được Campuchia vào tháng 1/1979. Sau đó Campuchia chỉ tồn tại trong đầu tôi qua các hoạt động ra vào Liên Hiệp Quốc để thu phiếu ngăn chặn chính phủ bù nhìn do Việt Nam dựng lên, tiếp nhận chiếc ghế Liên Hiệp Quốc dành cho Campuchia và qua viện trợ của chúng tôi cho các lực lượng kháng chiến Campuchia hoạt động ở vùng biên giới Thái – Campuchia.

Tôi đã gặp con trai của Sihanouk, Hoàng tử Ranariddh vài lần giữa những năm 1981–1991. Cha ông đặt ông vào vị trí chịu trách nhiệm các lực lượng bảo hoàng gần biên giới Thái – Campuchia. Ông giống cha ở giọng nói, phong cách, nét mặt và ngôn ngữ cử chỉ. Ông có nước da đen hơn, nhỏ con hơn, tính khí ôn hòa hơn, ít bị ảnh hưởng hơn bởi tình hình hiện tại; còn về những mặt khác thì cũng cùng một khuôn với cha ông. Ông thông thạo tiếng Pháp giống như cha mình và dạy luật ở Đại học Lyon trước khi lãnh đạo lực lượng bảo hoàng.

Khi tôi thanh sát doanh trại huấn luyện ở Đông Bắc Thái Lan thập niên 80, tôi thấy nó không được tổ chức tốt và thiếu tinh thần quân đội. Đó là những gì tốt nhất mà Ranariddh có thể làm được bởi vì cũng như ông, các tướng lĩnh và sĩ quan của ông dành nhiều thời gian ở Bangkok hơn là ở doanh trại. Tôi thấy thất vọng vì chúng tôi đang viện trợ cho họ vũ khí và các thiết bị vô tuyến. Sau sự thỏa thuận vào năm 1991, những kẻ giúp đỡ chính đã giành quyền kiểm soát. Ranariddh trở thành Thủ tướng Thứ nhất (Hun Sen là Thủ tướng Thứ hai) khi đảng ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc tổ chức năm 1993. Khi chúng tôi gặp nhau ở Singapore vào tháng 8 năm đó, tôi cảnh báo với ông việc liên minh là một xếp đặt tạm thời. Quân đội, cảnh sát, hành chính đều thuộc về Hun Sen. Nếu muốn tồn tại thì Rinariddh phải giành được sự ủng hộ của một bộ phận quân đội, sĩ quan cảnh sát và vài tỉnh trưởng của Hun Sen. Việc được gọi là Thủ tướng Thứ nhất và có quyền chỉ định người mình làm Bộ trưởng Quốc phòng ít có giá trị khi mà những quan chức và quân đội đều trung thành với Hun Sen. Có lẽ ông ấy đã không để tâm đến lời tôi nói. Có lẽ ông tin rằng dòng máu hoàng tộc của ông bảo đảm cho sự ủng hộ của dân chúng, rằng ông là người không thể thay thế được.

Tôi gặp Hun Sen ở Singapore tháng 12 năm đó. Ông là một tính cách hoàn toàn khác, một kẻ sống sót cứng rắn của Khmer Đỏ. Ông để lại ấn tượng về sức mạnh và sự nhẫn tâm. Ông nhận thức rằng quyền lực, cái mà ông quyết tâm nắm giữ là đến từ nòng súng. Khi Khmer Đỏ đang trên đà suy yếu và Ranariddh không còn hợp tác với Khmer Đỏ để thách thức ông thì Hun Sen đã gạt bỏ Ranariddh năm 1997 và nắm quyền điều khiển hoàn toàn trong khi trên danh nghĩa vẫn là Thủ tướng Thứ hai. Sihanouk trở lại ngôi vua sau cuộc bầu cử 1993 nhưng sức khỏe yếu kém và sự vắng mặt thường xuyên để chữa bệnh ung thư ở Bắc Kinh đã đẩy ông rời xa chiến trường quyền lực giờ đây hoàn toàn do Hun Sen và quân đội của ông ta nắm giữ.

Campuchia như một chiếc bình sứ vỡ thành vô số mảnh. Hàn gắn chúng lại là một công việc chậm chạp và đòi hỏi nhiều sức lực. Và cũng như mọi đồ sứ được hàn gắn, nó không thể chịu được nhiều áp lực. Pol Pot đã giết chết 90 % trí thức và nhân sự được đào tạo của Campuchia. Đất nước đang thiếu một sự quản lý hành chính chặt chẽ. Dân chúng đã quen với tình trạng không luật pháp trong một thời gian dài đến nỗi họ không còn tôn trọng pháp luật. Chỉ có súng mới làm họ sợ.

Người dân Campuchia là những người thua cuộc. Đất nước bị nghiền nát, tầng lớp trí thức phần lớn bị giết, nền kinh tế bị tàn phá. Cuộc đảo chính của Hun Sen làm cho việc kết nạp Campuchia vào Asean bị hoãn lại. Cuối cùng thì Campuchia cũng được kết nạp vào tháng 4/1999 vì không một quốc gia nào muốn tiêu tốn 2 tỷ đôla cho một hoạt động khác của Liên Hiệp Quốc để tổ chức các cuộc bầu cử công bằng. Campuchia đã trải qua 27 năm chiến tranh kể từ cuộc đảo chính của Lon Nol năm 1970. Các nhà lãnh đạo hiện nay là sản phẩm của các cuộc tranh đấu tàn nhẫn, cay đắng trong đó các địch thủ bị tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa. Họ rất tàn nhẫn, không thương xót và thiếu tình người. Lịch sử thật đã rất tàn bạo với dân tộc Campuchia.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx